Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 5: Nghe lén

Đám người kia im lặng hồi lâu mới nghe ông chủ Lý lên tiếng: “Chuyện này đáng ra tôi không nên kể cho người khác, có điều mọi người đã theo tôi lâu như vậy, cũng coi như là người một nhà rồi. Nếu mọi người muốn biết, tôi nghĩ có nói ra cũng không sao.”

Thanh niên kia trở nên hưng phấn: “Có khí khái lắm! Không giấu gì ông, chúng tôi quả thực vẫn còn đoán già đoán non, không biết ông có tuyệt kĩ gì mà một phát tìm được ngay cổ mộ đấy.”

Ông chủ Lý ngừng một chút, miễn cưỡng trả lời: “Chuyện đó cũng không phải bí mật gì, mọi sự tính ra đều liên quan tới tổ tiên tôi. Trong gia phả tôi có ghi lại một chuyện thế này, mọi người trước hết hãy nghe tôi kể qua đã.”

Ông chủ Lý bắt đầu kể một câu chuyện li kì:

Vào thời Bắc Ngụy, chiến tranh loạn lạc liên miên, một ngày không biết phải đánh bao nhiêu trận. Người lớn chết trận gần hết, ông tổ của lão mới sáu tuổi đã phải đi chăn trâu thuê, kiếm kế sinh nhai.

Năm ấy thôn bên phát sinh bạo loạn, triều đình phái quan binh đến trấn áp, mọi người trong thôn đều chạy nạn hết cả. Nhà họ không kịp chạy đi, đành nấp kín trong phòng. Bên ngoài chém chém giết giết đến mờ mịt đất trời, phải ba ngày sau mới hết.

Ông tổ của lão nơm nớp lo sợ, len lén ra ngoài xem sao, thấy xác người chất đầy mặt đất, lại có rất nhiều người vẫn còn thoi thóp. Bị dọa đến ngẩn cả người, ông vội chạy đi tìm trâu nhà mình, kết quả là trong chuồng trâu đâu chẳng thấy, lại thấy lù lù một người bị thương nằm lăn lóc trong đám rơm.

Kẻ kia vừa câm vừa điếc, vết thương đã nặng lắm rồi. Ông tổ lúc ấy tuổi còn nhỏ, làm sao phân biệt được đây là binh lính hay quân tạo phản, chỉ thấy người này sao mà đáng thương, mới mang nước cho hắn uống, còn lấy vải thô băng bó để cầm máu. Có điều hắn ta bị thương quá nặng, thành ra cầm cự chẳng được bao lâu. Trước khi chết người đó lấy ra một cuộn vải bố chi chít chữ, ra hiệu cho ông tổ của lão phải cất giữ thật cẩn thận.

Đáng tiếc nhà lão lúc ấy từ trên xuống dưới đều thất học, không ai hiểu được chữ viết trên đó. Qua tiết Đại Hàn năm ấy, lại thêm rất nhiều người chết cóng, người nhà liền mang súc vải ấy ra may áo bông.

Đến tuổi trưởng thành, ông tổ của lão tòng quân, chiến đấu dưới thời Nam Bắc triều đạt được những chiến công hiển hách,  về sau được cất nhắc tới chức giáo úy. Nhưng vì nhiều năm sống trong nghèo đói mà thời cuộc lại thay đổi quá nhanh nên khi ông tổ lão về già thì gia thế nhà lão bắt đầu lụn bại. Đến khi ông tổ lão qua đời, chỉ còn sót lại chiếc áo bông bồi táng.

Về sau gia tộc nhà lão còn trải qua nhiều phen thăng trầm, cho đến cuối triều nhà Thanh đã trở thành hào phú một vùng.  Trong một lần di dời mộ tổ, do mấy người công nhân không cẩn thận nên quan tài bị nghiêng làm thi cốt bên trong rơi xuống đất. Khi tẩy rửa hài cốt, ông nội lão phát hiện mọi thứ bên trong đều đã rữa nát hết, chỉ có mảnh vải bố bên trong chiếc áo bông chôn cùng là vẫn còn nguyên vẹn như cũ.

Ông nội lão cảm thấy chuyện này thật kì lạ, mới đem áo bông nhờ một người làm nghề buôn đồ cổ xem giúp. Người này vừa nhìn qua đã phát hiện áo bông này quả thực không phải vật tầm thường, những chữ viết trên đó chính là “ách văn”, tương truyền chỉ có người câm điếc mới hiểu được.

Ông chủ Lý nói tới đây thì ngừng lại, hỏi xung quanh: “Mọi người có biết tấm vài đó dùng để làm gì không?”

Mọi người im lặng suy nghĩ, rồi một giọng nói rất lạ vang lên: “Chuyện này tôi từng nghe qua, thời ấy Bắc Ngụy có một đội quân, tất cả đều là người câm điếc; đây hẳn là vật họ dùng để truyền thông tin cơ mật, chữ bên trên gọi là ách văn, người bình thường xem không hiểu được. Đây là tôi nghe người lớn trong nhà kể lại.”

Ông chủ Lý gật gù đáp: “Sư gia quả nhiên là sư gia, vậy chắc anh cũng biết nhiệm vụ của đội quân kia là gì chứ?”

Vị sư gia kia cười nói: “Tôi không biết rõ, nhưng nghe nói đội quân câm điếc này của Bắc Ngụy là noi theo đội quân Mô Kim hiệu úy của Tào Tháo, ngoài mặt là hộ vệ của hoàng đế, sau lưng lại làm nghề đổ đấu… Do họ câm điếc, mà ách văn thì ngoài họ ra không ai đọc được, thành ra những ngôi mộ họ từng khai phá chỉ có họ và hoàng đế biết. Hành tung của những người này tới nay vẫn là bí ẩn lớn.”

Nói tới đây, vị sư gia kia ngừng một chút rồi mới tiếp lời: “Ông chủ Lý, không lẽ ông muốn nói tấm vải kia chính là “hà mộc tập”?

Ông chủ Lý cười phá lên, đắc ý gật đầu: “Lợi hại, lợi hại, có sư gia ở đây, tôi có muốn gạt người cũng không được. Không sai, chính là nó!”

Sư gia hít một hơi khí lạnh, trả lời: “Thật khó lường, đồng nghiệp bất đồng mệnh, thì ra Lý gia nhờ thứ này mà phát tài.”

Thanh niên kia nghe không hiểu, hỏi lại sư gia: “Cái gọi là “hà mộc tập” đó thực ra gì? Sao lại liên quan đến cổ mộ?”

Sư gia đáp: “Tương truyền, sau khi quân câm điếc tìm được cổ mộ thì thường không vội đào ngay, mà chỉ ghi lại vị trí rồi dùng ngựa san bằng mặt đất, sau đó đổ một lớp sắt nóng chảy lên, sau này cần đến thì căn cứ vào những bản ghi chép này mà tìm lại. Người ta gọi chúng là ‘hà mộc tập’.”

Thanh niên kia giật mình nói: “Tôi hỏi này, nói vậy thông tin về mấy cái đấu chúng ta đã đổ đều từ đó mà ra? Oa, ông chủ Lý, ông cũng thật là, có thứ quý giá như vậy đúng ra phải chia sẻ với anh em chút ít chứ.”

Ông chủ Lý cười nói: “Vẫn chưa hết đâu, vật của tổ tiên không phải không dùng được. Mảnh vải trong quan tài cụ tổ tôi ghi lại vị trí của hai mươi bốn cổ mộ, cái này đã là cái cuối cùng rồi. Có điều ngôi mộ cuối cùng này ắt hẳn phải là ngôi mộ đáng giá nhất trong tất cả.”

Thanh niên kia lại hỏi: “Trên đó có ghi bên trong có gì không?”

Ông chủ Lý nhíu mày, lắc đầu đáp: “Không ghi chép gì cả, nhưng tấm vải đó có viết những thứ trong ngôi mộ này không phải thứ người thường có thể dùng, là cực phẩm trong cực phẩm, so với báu vật trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng còn hơn vài phần. Tin tôi đi, tuyệt đối không sai đâu.”

Tôi với lão Dương nghe đến đó đã hiểu rõ, bọn họ vào đây quả nhiên có mục đích, chỉ là không nghĩ tới nội tình lại hay ho đến vậy. Lão Dương hỏi tôi: “Này, cậu… cậu bảo tên họ Lý này nói thật… thật hay dối? Trên đời này còn có lăng mộ nào có thể so sánh với lăng mộ Tần Thủy Hoàng ư?”

Tôi lắc đầu, trả lời: “Tôi không chắc, nhưng xem khẩu khí của lão, ít nhất cũng đúng đến năm phần. Ngày mai bọn họ chắc chắn sẽ vượt núi, chúng ta cứ đi theo là được.”

Lão Dương nói: “Chúng…chúng ta cứ bám theo họ đến cùng xem sao, mục tiêu lần này của bọn họ nhất định không nhỏ, chúng ta có nhặt phần thừa cũng đủ dùng rồi… Cái hố tuẫn táng kia, chúng ta đừng đi nữa.”

Hắn vì quá căng thẳng thành ra nói năng lắp ba lắp bắp, có mấy chữ nói ra nghe rõ mồn một, tôi thấy nguy đành vội vàng bịt miệng hắn lại, dỏng tai nghe ngóng động tĩnh đối phương. Nhưng đã muộn mất rồi, phía bên kia đột nhiên im bặt, hẳn là đã phát hiện xung quang có điểm bất thường.

Tôi và lão Dương nín thở, cố gắng không gây ra tiếng động nào, tim đập như nổi trống. Bọn họ cũng không nói lời nào, dường như cũng đang căng tai nghe ngóng xung quanh. Hai bên đều không lên tiếng, giằng co được một lúc thì lão già bên kia không chịu nổi nữa, ra lệnh: “Nhị Ma Tử (chính là thanh niên kia), bên kia hình như có tiếng động, sang đó xem thế nào!”

Lời vừa dứt, tôi liền nghe thấy hai tiếng lách cách lên đạn của súng lục, toàn thân lập tức đổ mồ hôi lạnh. Chết mẹ rồi, đám này quả nhiên là tội phạm, lần nãy lão Dương hại chết chúng tôi rồi!

Tôi quay đầu nhìn quanh bốn phía, nếu bỏ chạy bây giờ thì tám phần là thoát được, có điều về sau muốn tiếp tục theo dõi sẽ rất khó khăn. Nếu không chạy, tôi thật sự không dám chắc có thể trốn thoát khỏi tầm mắt cú vọ của họ không.

Đang do dự thì phía xa bỗng truyền đến những âm thanh ồn ào, tôi quay đầu về phía đó, thấy năm sáu ánh đèn pin đang tiến về phía chúng tôi, là đội tuần tra núi. Tôi nghe tiếng ông chú bên kia kêu lên khe khẽ: “Mẹ nó, chúng ta chạy mau!”. Nói xong họ dập lửa, mang đồ đạc chạy sâu vào rừng.

Lão Dương vừa rồi còn bị dọa chết khiếp, giờ thấy người ta chạy tự nhiên lại sốt ruột hỏi tôi: “Làm… làm sao bây giờ? Đuổi theo… theo hay không theo?”

Tôi cẩn thận thò đầu ra nhìn, thấy bọn họ đều không mang đèn pin, trong rừng tối đen không thấy một bóng người, bèn đáp: “Không được đâu, cậu xem trời tối đen như mực thế này, chúng ta đuổi theo không khéo còn vượt qua mặt họ. Giờ cứ nghỉ ngơi đã, ngày mai lần theo dấu chân họ sau. Họ không thể đi xa được, chắc chắn phải dừng lại nghỉ ở đâu đó chứ.”

Lão Dương trong lòng hồi hộp lo lắng nhưng cũng không có cách nào khác. Lúc này mấy người trong đội tuần tra đã tới rất gần rồi, nếu không mau đi chúng tôi cũng sẽ bị tóm. Tôi đành ngăn lão Dương đang lải nhải lại, lôi hắn về phía khu rừng lúc nãy đám người kia đi vào.

Chúng tôi sợ lạc nên không dám đi quá xa, đành trốn sau một lùm cây bụi. Qua một lúc, thấy ánh đèn pin xa dần, cả hai mới thở phào nhẹ nhõm.

Tôi nghĩ nghĩ rồi nói với lão Dương: “Trên đường đến đây, dân địa phương ai cũng nói thời gian này dân trộm mộ hoạt động mạnh, e là hoạt động tuần tra cũng được tăng cường, tôi nghĩ chúng ta đừng mong ngủ yên. Tốt nhất ta nên tìm chỗ trú tạm một đêm đã, sáng mai đi thẳng vào rừng luôn, hai người lạ bị bắt ở đây thì có mười cái miệng cũng không cãi được.”

Lão Dương gục gặc đầu, tôi khẽ đẩy hắn mới biết hắn đã gà gật từ lâu. Tôi thầm thở dài một tiếng, đắp thêm áo cho hắn, tự nhủ xem ra tối nay mình phải canh rồi. Tôi dựa vào gốc cây, mơ mơ màng màng một hồi rồi bất giác cũng chìm vào giấc mộng.

Hôm sau cả hai đều tỉnh dậy từ sớm, sau một đêm ngủ dưới gốc cây, đầu ai cũng toàn phân chim, thối đến mắc ói. Lão Dương chẳng để ý, thuận tay vò đầu một phát, lập tức đòi chạy đi tìm mấy người kia. Tôi chịu không nổi cảnh vác một đống phân chim trên đầu chạy qua chạy lại trong rừng, đành phải hi sinh nửa túi nước để rửa tạm.

Chúng tôi vội vã trở lại chỗ hôm qua, thầm mong trên mặt đất vẫn còn lưu lại dấu vết của đoàn người nọ, nhưng đi vài vòng luẩn quẩn mà đến cả đám tro tàn từ đống lửa tối qua cũng không tìm thấy. Lão Dương không bằng lòng, cứ lải nhải: “Cho nên mới nói… nói, hôm qua cứ đi… đi theo có hơn không, bây giờ cậu xem… xem đi, giờ thì hay rồi, cá đã nằm… nằm trên thớt mà còn để tuột… tuột mất.”

Tôi bực mình: “Cậu đừng ý kiến nữa được không, cậu xem nơi này chỉ có một con đường, bọn họ có thể đi đâu được chứ? Chúng ta cứ tiến lên phía trước, tôi không tin ta không tìm được.”

Chúng tôi men theo sơn đạo suốt một buổi sáng, đường cũng sắp hết mà chẳng thấy bóng dáng một ai. Phía trước là một vạt rừng rậm rạp, cây cối xoắn xuýt, cỏ dại tràn lan, hoàn toàn không có biển chỉ đường. Tôi thấy hơi e ngại, xem ra đoạn đường tiếp theo ngay cả đội tuần tra núi cũng không đi, giờ mới thực sự là vượt núi băng rừng. Phía trước mới là sơn đạo đúng nghĩa, không biết chúng tôi sẽ phải trèo qua bao nhiêu vách đá đây.

Trên đường đi không hề thấy dấu vết đốt lửa nào, tôi thầm thất vọng, mấy người đêm qua có lẽ là vội vã trốn đội tuần tra núi,  không dừng lại nghỉ ngơi mà đã vượt núi ngay trong đêm. Nếu thực sự là thế, cơ hội chúng tôi đuổi kịp bọn họ e rằng chỉ là con số 0 tròn trĩnh.

Tôi đứng chần chừ trước sơn đạo một lúc, cuối cùng quyết định. Sức người có hạn, cứ cho là mấy người này đã trốn đội tuần tra núi cả đêm, vậy thì ban ngày chắc chắn phải nghỉ ngơi. Hơn nữa ban đêm tốc độ phải chậm hơn ban ngày, bọn họ hẳn không cách chúng tôi bao xa. Chúng tôi vẫn có hy vọng đuổi kịp, chỉ là phải hết sức cẩn thận, không được để họ phát hiện.

Chúng tôi lấy dao găm quân dụng từ trong ba lô ra giắt bên hông, mỗi người chặt một nhánh cây làm gậy. Tần Lĩnh có rất nhiều thú dữ, lớn thì có hổ và gấu, nhỏ hơn thì có sói và lợn rừng, nếu xui xẻo gặp phải một hai con, chúng tôi chắc cũng đủ cho chúng no mấy bữa.

Lão Dương hỏi tôi, lỡ như tôi tính lầm, đuổi không kịp bọn họ thì sao? Tôi suy nghĩ một lát rồi đáp, căn cứ vào những tư liệu tôi thu thập được, trong núi không thiếu những túp lều tạm do người đi hái thuốc dựng lên, bên trong có đồ dùng nhà bếp, củi lửa và thịt khô hong khói. Nếu chúng tôi có thể tìm được một cái, tối hôm nay cứ nghỉ ngơi cho lại sức rồi mới quyết định sau.

Lão Dương nói: “Cậu phải tính cho kỹ, giờ chúng ta vẫn còn cơ hội quay lại, còn nếu đi… đi vào thì sao? Cậu nhìn… nhìn xem, xung quanh đến cả qu… quỷ còn không có,đến lúc lạc đường bên trong thì có hối cũng đã muộn. Đường vào đất Thục khó hơn lên trời (*), từ xưa người Trường An vào Thục, trong hơn ngàn năm đã có biết bao người tử nạn trong dãy núi dài mấy trăm dặm này, ban đêm không thiếu chuyện ma quái đâu.”

(*) “Thục đạo chi nan nan ư thướng thanh thiên” là một câu trong bài Thục đạo nan (đường vào Thục khó) của Lý Bạch ~

Tôi cười nhạo hắn: “Hùng tâm tráng chí vừa nãy đã bay đi đâu hết rồi? Mẹ nó chứ, cậu đúng là một thằng chỉ biết lý luận suông. Còn chưa vào đến trong núi mà đã kêu Thục đạo nan, được rồi, nếu cậu không dám đi thì hai ta về.”

Lão Dương cười nói: “Tôi nói trước để thử xem cậu có bao nhiêu quyết tâm thôi, xem ra Tiểu Ngô nhà chúng ta không còn là cậu thư sinh ngày nào nữa, đã trở thành lưu manh thực thụ rồi nha. Cậu yên tâm, tôi tuyệt đối không phải một thằng lý thuyết suông, đừng nói là Thục đạo nan, có là cẩu đạo nan tôi cũng không sợ.”

Chúng tôi vừa lấy nhánh cây đập vào những bụi rậm trước mặt vừa tiến sâu vào rừng, lấy ngọn núi phía xa làm mốc. Đau đầu ở chỗ, đường lên núi gập ghềnh khó đi, dưới chân cỏ mọc um tùm, trên đầu tán cây rậm rạp che khuất gần hết bầu trời, ánh nắng khó mà chiếu xuống được. Chúng tôi đi không biết bao lâu, chỉ thấy trời đất âm u, đường đi nhìn chỗ nào cũng thấy quen. Khi tôi bắt đầu hoài nghi có phải từ nãy tới giờ cả hai chỉ quanh quẩn một chỗ, hướng núi bỗng xoay thẳng lên trên, trước mặt chúng tôi xuất hiện một vách đá, trên mặt hiện ra một dãy sạn đạo không biết có từ khi nào.

(*) Sạn đạo: đường núi làm bằng cọc gỗ lát ván, thường dựng ở những nơi núi non hiểm trở.

Sạn đạo lâu năm không được sửa sang, bám đầy rêu xanh ẩm ướt, bên trên phủ kín hoa cỏ dại, dây leo quấn chẳng chịt, dường như đã lâu lắm không có người đi qua. Chúng tôi vừa dợm bước lên thì từ trong rừng cây bỗng có tiếng ai kêu lên: “Này, hai người đang làm gì đó?”
Tôi và lão Dương hoảng hốt quay đầu lại, chỉ thấy một nhóm người từ xa đi tới, thoạt nhìn trông giống người địa phương, nam có nữ có. Chắc họ cũng giống chúng tôi, muốn đến ngôi làng ở dãy núi bên kia đây mà.

Tôi không biết mình nên vui mừng hay là sợ hãi, mới đánh mắt sang lão Dương, ngầm bảo hắn len lén giấu con dao giắt bên thắt lưng đi, sau đó tiến về phía bọn họ tỏ vẻ thành khẩn: “Chào các anh chị, tôi là du khách phương xa muốn đến ngôi làng ở bên kia núi. Xin hỏi từ đây qua đó có còn xa lắm không?”
Một người phụ nữ mặc áo khoác đỏ nhìn tôi chăm chăm một hồi mới lên tiếng: “Ý anh là thôn chúng tôi? Anh lặn lội từ xa đến cái thôn tồi tàn của chúng tôi làm gì?”

Tôi nghĩ thầm, phụ nữ nơi này tinh thần cảnh giác cũng thật cao, đành bịa chuyện: “Tôi đến thăm một người, hai năm trước tôi từng ghé qua thôn các vị và được một cụ già tiếp đón. Giờ tôi muốn trở lại thăm cụ, có điều qua hai năm đã không còn nhớ rõ đường nữa.”
Người phụ nữ trung niên kia trừng mắt nhìn tôi: “Hừ, nhìn bộ dạng liên láo của anh, ai biết là có ý đồ gì? Người như các anh tôi đã gặp qua nhiều rồi, không phải bọn trộm mộ cũng là lũ săn trộm, muốn qua mặt tôi hả, chưa đủ trình độ đâu!”

Tôi bị mắng đến nghẹn họng, không biết đáp sao cho phải. Lão Dương đẩy tôi sang một bên, rút một trăm đồng chìa tới trước mặt người phụ nữ kia: “Nói… nói nhiều vô ích, cô nhìn thế nào mà nói chúng tôi giống dân trộm mộ, ăn nói lịch sự hơn chút đi. Đây… một… một trăm đồng là của cô, con mẹ nó, còn dám dài… dài dòng nửa câu, lão tử cho ăn bạt tai bây giờ!”

Trong nhóm có vài người đàn ông lực lưỡng, tôi nghe lão Dương nói thế, thầm than thôi nguy rồi; người miền núi tính tình thô lỗ, cậu còn dám ăn nói kiểu đó sao? Nghĩ rồi bèn lùi lại vài bước chuẩn bị chuồn. Ai ngờ người đàn ông đứng sau cô ta nhìn thấy số tiền đó liền nhận ngay, mỉm cười nói: “Đừng nóng, đừng nóng, vợ tôi nói đùa với hai người thôi. Muốn đến thôn chúng tôi hãy đi về bên trái, vượt qua đỉnh núi sẽ thấy một thác nước. Hai người cứ men theo dòng nước rồi sẽ đến thôn chúng tôi, đó là con đường tắt nhanh nhất để vượt núi.”

Lão Dương nhếch miệng: “Anh gạt tôi sao, nếu phải qua núi, trèo lên sạn đạo kia có phải nhanh hơn nhiều không?”

Người đàn ông đáp: “Sạn đạo kia chẳng biết làm từ bao giờ, nhiều năm qua không được tu sửa, giờ chẳng ai dám đi lên đó nữa rồi.”

Tôi nghe xong bụng đánh thót một cái, thầm nghĩ may mà gặp bọn họ. Vừa rồi chúng tôi hồ đồ, thiếu chút nữa là trèo lên đó rồi, lỡ như mắc kẹt lại trên đó thì đúng là dở khóc dở cười.

Người đó nhìn sắc trời: “Ai da, tôi nghĩ tối nay hai người cũng không đến nơi được đâu, kiểu gì cũng phải qua đêm trong núi. Con suối kia phân nhiều nhánh, nếu không quen đường dễ bị lạc lắm. Chi bằng thế này, chúng tôi sang bên kia cắt cỏ, hai người nếu không vội thì hãy chờ một lát, ngày mai hẵng theo chúng tôi về thôn. Đi cùng chúng tôi thì yên tâm là không việc gì.” Nói rồi anh ta còn xách đỡ đồ đạc cho tôi.

Tôi thấy anh ta quả thực nhiệt tình, xem ra không phải người xấu, trong lòng âm thầm tính toán. Nơi chúng tôi muốn đến là một khe sâu nằm phía bên kia núi Xà Đầu, tìm được đến đây đã mất đến ba ngày. Sức người có hạn, lương khô chúng tôi mang chỉ đủ dùng trong mười ngày, vượt núi rồi chắc chắn còn phải mua thêm vật dụng ở thôn bọn họ. Năm người đi trước đã mất dạng từ lâu, không chừng là rẽ đi ngả khác, khó khăn lắm mới gặp được mấy người này, không nên mạo hiểm để rồi lại đi lạc.

Tôi liếc mắt ra hiệu cho lão Dương, vội gật đầu đáp: “Người anh em, cảm ơn nhiều. Ta đi thôi!” rồi rút ra mấy điếu thuốc lá mời bọn họ.

Người phụ nữ kia còn muốn nói gì đó, người đàn ông liền liếc mắt một cái, cô ta đành im lặng, quay sang ngấm nguýt chúng tôi.

Phong tục vùng núi thường để đàn ông làm chủ nhà, phụ nữ không có địa vị gì đáng kể, chỉ cần ngoan ngoãn nghe lời đàn ông là được rồi, mấy người đàn bà này xem ra không làm gì được chúng tôi. Tôi thấy vẻ mặt của cô ta, trong lòng cười thầm.

Chúng tôi nhập bọn với họ, người đàn ông trung niên kia có vẻ là người lớn tuổi nhất, không cần làm nhiều. Lão Dương ra sức làm thân với anh ta, anh ta mới nói mình là bí thư của thôn này. Thôn anh ta vốn lạc hậu, tuy đã có điện nhưng giao thông không thuận lợi nên không phát triển nổi, giờ thanh niên đều ra ngoài tìm việc cả, việc nhà nông không ai đảm nhiệm, thành ra cán bộ như họ đều phải lội bộ mấy chục dặm đường núi ra đây cắt cỏ. Lưng anh ta còn có tật, làm không bao lâu đã phải nghỉ lấy sức.

Tôi vừa chuyện trò vừa cảm khái trong lòng, thì ra cuộc sống của họ cũng không dễ dàng.

Chúng tôi đi theo họ một đoạn, tới nơi thì họ bắt tay vào làm việc. Chúng tôi quan sát địa hình xung quanh, có điều nơi này thế núi không dốc lắm, không thể nhìn rõ cảnh tượng phía bên kia, chỉ thấy núi non nối đuôi nhau trải dài tít tắp, xanh ngắt một màu. Cái hố tuẫn táng theo lời lão Dương kể kia không biết nằm ở đâu giữa vùng núi non trùng điệp này đây?

Cỏ cắt xong thì trời cũng đã tối mịt, chúng tôi giúp họ cõng một bao cỏ lớn gần bằng thân người trên lưng, đi dưới trời chiều được khoảng một giờ thì sắc trời cũng dần dần tối đen. Đi thêm một quãng, bỗng tôi thấy nét mặt lão Dương biến đổi, mắt đảo bốn phía, liếc qua liếc lại.

Tôi hỏi hắn có chuyện gì, lão Dương nhỏ giọng đáp: “Đường này tôi đã đi qua, nếu tôi nhớ không lầm thì phía trước hẳn phải có chỗ trú chân.”

Quả nhiên đi một lúc nữa, phía trước xuất hiện một căn nhà gỗ do những người hái thuốc dựng nên. Lão Dương hưng phấn hẳn lên, đánh mắt sang phía tôi, ý nói thấy chưa, tôi nói cấm có sai. Người đàn ông kia đẩy cửa, quay đầu nói với chúng tôi: “Đêm nay chúng ta sẽ nghỉ lại ở đây, chỗ này có cả bếp đun, hai người có thể tự nấu nướng.”

Tôi theo họ vào bên trong, nhận ra căn nhà này có hai tầng, có cầu thang lên xuống; bên trên là một căn gác xép, không có vật dụng gia đình, chỉ trải đầy những mấy tấm ván lớn.  Chính giữa phòng có một cái hố đất, bên trong toàn bụi than, xem ra là để nhóm lửa sưởi ấm. Chúng tôi đặt đồ đạc xuống, ra ngoài tìm củi khô, nhanh chóng nhóm lửa lên. Sau đó chúng tôi lấy lương khô trong túi ra nướng lên ăn, đến khi ăn xong ngoài trời đã tối đen như mực, đâu đây văng vẳng tiếng dã thú vọng về.

Lão Dương châm thuốc, hỏi vị bí thư chi bộ đó là tiếng con gì. Anh ta lắc đầu nói không rõ, nơi này từ lâu đã không còn ai đi săn thú nữa, muốn biết phải tìm người già trong thôn. Còn đế thêm: “Buổi tối đàn ông chỉ được ngủ nửa giấc, lúc nào cũng phải có người canh chừng không cho lửa tắt, nếu không chỉ e dã thú bên ngoài sẽ lọt vào.”

Tôi không có ý kiến gì, hôm nay đi đường quả là mệt mỏi; cứ nghĩ trong vài tuần tới ngày nào cũng phải khổ sở thế này, tôi không khỏi hối hận vì sao lúc trước lại dại dột đồng ý đi với lão Dương, bèn quay sang hắn nói: “Để tôi gác ca cuối cùng cho, giờ cứ đánh một giấc đã, nửa đêm cậu nhớ gọi tôi thay ca.” Hắn nghe thế liền giãy nảy lên phản đối, nhưng tôi vì quá mệt đã nhanh chóng chìm vào mộng đẹp, chẳng nghe thấy gì nữa.

Tôi ngủ không sâu, cứ lăn qua lăn lại, đến hơn nửa đêm thì bỗng có ai đó lay lay người tôi. Tôi mở mắt, thấy mọi người đều đang ngủ, lão Dương nhìn quanh rồi khều nhẹ tôi một cái, nói khẽ: “Dậy, dậy mau.”

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #kinhdi