Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Dáo, mác và bàn tay Tnú

Dù đã được đọc những bài viết rất hay, rất tinh tế và sắc sảo về Rừng xà nu, nhất là bài viết của nhà phê bình Nhị Ca (T/c Văn nghệ quân đội số 8/1976) và của nhà giáo Đỗ Kim Hồi (Giảng văn Văn học Việt Nam 1945 – 1975 – Giáo dục 1994, tr.125), nhưng tôi vẫn thấy truyện ngắn này dường như còn ngầm ẩn một chiều sâu nữa của tư tưởng Nguyễn Trung Thành. Trong vô vàn những chi tiết tài hoa, câu chuyện có một chi tiết cứ ám ảnh tâm trí người ta mãi, chi tiết Tnú dùng đôi bàn tay “mỗi ngón cụt một đốt” bóp cổ thằng chỉ huy, mà anh gọi là thằng Dục.

Câu chuyện về “một đời người được kể trong một đêm” này tập trung làm nổi bật cái chân lý thời đại, chân lý cách mạng giản dị mà sâu sắc, được thể hiện qua lời cụ Mết, qua những hình tượng nghệ thuật sinh động, bão hoà cảm xúc: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm dáo!”. Chân lý này giúp người ta ý thức được tầm quan trọng của vũ khí, của bạo lực cách mạng trong việc chống lại sức mạnh hung bạo và sự huỷ diệt của kẻ thù. “Tnú chỉ có tay không giữa quân thù đầy vũ khí. Và khi chỉ có tay không, thì Tnú cũng không cứu được chính đời mình”, “không bảo vệ được sự sống và tiình yêu”, “không bảo vệ được hòn máu của đời anh” (Đỗ Kim Hồi). Nhận xét này thật tinh tế và sắc sảo. Nhưng liệu có phải vũ khí là tất cả? Có phải những bàn tay trắng không chống lại được kẻ thù, không bảo vệ được những gì yêu quý? Nếu chỉ thế, có lẽ Nguyễn Trung Thành đã chẳng phải cất công để Tnú kể thêm câu chuyện giết thằng Dục – “Chúng nó đứa nào cũng là thằng Dục” – dưới hầm ngầm: “Này, tau có súng đây, tau có cả dao găm đây. Nhưng tau không giết mày bằng súng, tau không đâm mày bằng dao nghe chưa ! Dục ! Tao giết mày bằng mười ngón tay cụt này thôi, tau bóp cổ mày thôi !”. Bàn tay cầm vũ khí, bàn tay báu vật của con người, bị kẻ thù huỷ hoại “ngón nào cũng cụt một đốt” nhưng vẫn giết được kẻ thù, thậm chí không cần vũ khí. Sức mạnh thực sự là ở bàn tay con người, ở ý chí và lòng dung cảm, ở tinh thần quật khởi cách mạng chứ đâu phải chỉ ở vũ khí? Con người Việt Nam đã chiến thắng cuộc chiến tranh huỷ diệt được thực hiện bởi những vũ khí hiện đại nhất , những phương tiện vật chất kỹ thuật đầy đủ, tinh xảo nhất của nước Mỹ siêu cường quân sự, không phải bằng việc “lấy vũ khí đáp lại vũ khí, mà trước hết ở tinh thần: “Rắn quấn bên chân vẫn diệt thù”, “Một cây ná, một cây chông cũng tiến công giặc Mỹ!” (Tố Hữu). Những cây tre làng bình dị chỉ có thể trở thành luỹ thép “cản xe cơ giới của giặc” khi ở trên đôi vai của người thanh niên yêu nước (Đôi mắt - Nam Cao), trở thành vũ khí quét sạch giặc thù khi được vung lên từ đôi tay của chú bé làng Gióng phi thường. Cuộc kháng chiến chông Pháp, kháng chiến chống Mỹ đã để lại bao nhiêu tấm gương con người Việt Nam dùng tay không đánh giặc, bắt giặc. Có thể nói, trong thực tế đấu tranh của dân tộc Việt Nam, cũng như trong truyện ngắn Rừng xà nu, vũ khí có vai trò rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. Suy nghĩ về cái chân lý thời đại mà Nguyễn Trung Thành gửi gắm qua luận đề trung tâm của tác phẩm “chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm dáo !”, người ta thường quá chú ý đến sự đối lập “súng – dáo” mà hầu như quên đi hình ảnh những con người tự xưng là “mình” khiêm nhường, bình dị, thân thiết nhưng có đủ dũng khí cầm dáo mác trong tay. Không có những con người ấy, những bàn tay ấy, làm sao khí giới thiếu thốn thô sơ (dáo , mác) có thể chống lại được vũ khí hiện đại, đầy đủ (súng)? Ngay cả Tnú, khi nhảy ra cứu Mai, dù có dáo mác trong tay, dù không chỉ có “hai bàn tay trắng” nhưng đơn độc giữa bọn lính “lên đạn lách cách quanh anh”, liệu có thể bảo vệ được mình, bảo vệ được tình yêu và hạnh phúc? Chiến công phi thường giết hết cả 10 tên giặc của làng Xôman trong đêm đồng khởi không chỉ được làm nên bởi sức mạnh của dáo mác, mà chủ yếu là ở sự đồng lòng chung sức quật khởi của dân làng, trước những mất mát đau thương, trước kẻ thù man rợ: “Lẽ nào trời đất dung tha ! Ai bảo thần dân chịu được?” (Nguyễn Trãi). Nguyễn Trung Thành, vì vậy, khi cẩn thận kể thêm chi tiết Tnú dùng hai bàn tay không, hai bàn tay cụt đốt bóp cổ thằng chỉ huy giặc dưới hầm ngầm, không phải chỉ để nói “bàn tay trừng phạt”, “bàn tay quả báo”, mà để bổ sung thêm cho cái chân lý thời đại, cho lời phán truyền lịch sử của cụ Mết một ý nghĩa mới: Dáo mác rất quan trọng, không thể không cầm vũ khí, nhưng cũng không nên ỷ nại vào vũ khí. Cái quyết định cuối cùng vẫn là bàn tay con người, là sự đồng lòng chung sức của con người.

Sự kế tiếp của những thế hệ Xôman, của Heng, Dít… là sự kế tiếp của những bàn tay, những con người dám cầm vũ khí, và biết làm cho vũ khí sinih sôi nhằm bảo vệ sự sống, hạnh phúc của mình. Vũ khí đã xuất hiện trong lời trối trăng của anh Quyết “Người còn sống phải chuẩn bị dáo, mác, dụ, rựa, tên ná”, trong lời nhắc của bé Heng: “Chông đấy, có chông đấy, không phải như trước đâu”, trong lời hịch của cụ Mết: “Mỗi người phải tìm lấy một cây dáo, một cây ná, một cây dụ, một cây rựa. Ai không có thì vót chông, năm trăm cây chông”. Tất cả như gợi âm hưởng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác: “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, ai không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy, gộc…”. Vũ khí đã ngày càng hiện đại hơn qua khẩu súng trường Mát của bé Heng, qua cây tôm xông của Tnú. Khẳng định tư tưởng “chỉ những lực lượng vật chất mới đánh đổ được lực lượng vật chất” (C.Mác), phải dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phải cách mạng, vũ trang chiến đấu là con đường tất yếu để tự giải phóng của nhân dân, khẳng định vai trò quan trọng của vũ khí trong đấu tranh cách mạng, nhưng Rừng xà nu quyết không phải là nơi phô bày sức mạnh của vũ khí, mà là lời biểu dương, ngợi ca tấm lòng, khối óc, sự kết đoàn và bàn tay của những con người dám cầm vũ khí để giành lại đất nước, để bảo vệ sự sống, bảo vệ hạnh phúc và bảo vệ chính mình !

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: