Đảo Chìm - Trần Đăng Khoa "Tiếp 3" (xuanbac202qn)
Kể tiếp chuyện Lão Chộp
Chuyện lão Chộp, một ông thợ cày làng An Đoài đã bắt sống viên phi công Mỹ Peter Peterson thì cả thế giới đều đã biết rồi. Tất nhiên, thiên hạ cũng chỉ mới biết tường tận chuyện đó trong vài năm trở lại đây thôi. Còn khi sự kiện ấy đang thực sự diễn ra thì lại không có mấy ai biết. Bởi khi đó đang chiến tranh. Bom đạn mù mịt. Nói như câu nói cửa miệng của dân mình lúc ấy thì giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh. Cả nước thành mặt trận. Cụ già bắn rơi máy bay. Trẻ con cũng thành dũng sĩ. Chỉ bước chân ra ngõ đã gặp anh hùng. Nhìn đâu cũng thấy anh hùng cả. Bởi vậy, việc lão Chộp bắt giặc lái Mỹ trở thành chuyện bình thường. Bình thường nên chẳng có ai để ý đến nữa. Chính lão Chộp cũng đã quên khuấy chuyện đó. Mà quên từ lâu rồi. Chỉ đến khi viên phi công ấy, ngài thượng nghị sĩ Mỹ Peter Peterson trở lại Việt Nam làm đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thì câu chuyện cũ lại bùng lên thành một sự kiện nóng hổi. Bao nhiêu phóng viên thông tấn báo chí trong nước và thế giới lần về làng An Đoài tìm gặp lão Chộp. Rồi chính Đại sứ Peter Peterson khi vừa đặt chân tới Hà Nội cũng đã đến thăm lão Chộp, thăm lại làng An Đoài. Và nói như lời ngài thì đó là mảnh đất mà ngài có nhiều kỷ niệm sâu sắc. Peter Peterson rất mừng khi lão Chộp vẫn còn sống. Cứ như lời ngài đại sứ thì cuộc chiến tranh đã qua quả là một quá khứ u buồn. Con người ta chẳng ai có thể thay đổi được quá khứ, nhưng hoàn toàn có thể thay đổi được tương lai. Ngài muốn cùng lão Chộp hướng về tương lai. Và rồi cũng từ đó, lần nào tôi về quê, lão Chộp cũng tới hỏi thăm sức khoẻ đại sứ Mỹ mà lão vẫn quen miệng gọi là ông Bu Sơn. Lão làm cứ như tôi có thể gặp đại sứ Mỹ dễ dàng lắm. Có lần lão còn nhờ tôi chuyển đến ngài đại sứ chút quà quê. Đó là nải chuối tiêu với chục trứng gà. Đối với người thôn quê, thì đó là quà quý. Người ta vẫn thường dùng món quà ấy thăm người ốm hay đàn bà đẻ. Chỉ tiếc tôi không sao chuyển được giúp lão món quà đó. Điều ấy lại làm lão rất ngạc nhiên:
- Thế ra gặp ông Bu Sơn mà khó đến thế kia à? Tôi tưởng bác cùng ở Hà Nội với ông ấy. Người cùng làng với nhau thì gặp nhau lúc nào chẳng được.
Tôi đã viết một thiên phóng sự kể khá kỹ về cuộc gặp gỡ giữa lão Chộp và ngài đại sứ Mỹ, rồi đưa chuyện lão vào cuốn Chân dung và đối thoại. Có người tưởng tôi làm thế chỉ để cho cuốn sách thêm dày. Có người trách tôi sao lại để lão Chộp ngồi chồm chỗm trong cái chiếu dành riêng cho các nhà văn. Thực ra, tôi nghĩ mình không nhầm. Tôi trịnh trọng mời lão ngồi chung chiếu với các nhà văn vì lão là một nhà thơ dân gian. Nhưng trong cuốn sách, tôi chẳng nói chút gì về thơ lão mà chỉ bàn đến chuyện đánh giặc của lão thôi. Tài đánh giặc của lão Chộp đã nổi tiếng khắp nước. Còn thơ ca của lão Chộp thì chỉ nổi tiếng trong làng An Đoài. Cánh thợ cày thuộc thơ lão vanh vách. Họ bảo: “Chúng tôi chỉ thấy mỗi thơ ông Chộp là hay. Cứ làm theo thơ ông Chộp là chúng tôi có tiền. Còn thơ các bác, nói khí vô phép, không thể nào... sực được”. Lão Chộp có đến hàng trăm bài thơ, mà toàn thơ nói về cách làm ăn ở ruộng đồng, vườn tược:
Bà con toàn thể xã ta
Đồng tâm phấn khởi giồng cà dái dê
Dái dê to mập dài ghê
Sang năm ta cứ dái dê ta giồng...
Lão Chộp có vẻ khoái những bài thơ như thế này lắm. Dường như đối với lão, chỉ có thơ ca mới có ý nghĩa, chứ còn chuyện đánh giặc chỉ là chuyện nhất thời. Lão gói tập thơ cẩn thận, vuông vức như một cái bánh chưng. Thế rồi vào một ngày cuối năm, lão đột ngột mang cái bánh chưng thơ ấy đến nhà tôi, gọi là để “nhờ bác nếm giúp, nếu thấy nhạt thì bác cứ thêm giấm ớt vào cho nó đậm đà”.
Đấy là lần đầu tiên lão Chộp lên Hà Nội. Lão gọi là chuyến đi “dối già”. Cô cháu gái của lão lấy chồng bên Gia Lâm, giờ làm nghề bán vải, đã bỏ ra cả một buổi chợ để đưa lão đi chơi, thăm danh lam thắng cảnh. Nhưng chỉ đi được một lúc lão đã thấy chán, vì Hà Nội chỗ nào trông cũng giống chỗ nào. Không ngờ thủ đô lại chật chội và ồn ào quá. Người chen người. Nhà chen nhà. Nhìn khắp mọi xó xỉnh, chẳng thấy hở ra một chút đất nào. Thế thì trồng cấy làm sao? Lão Chộp thấy chán quá. Chưa hết buổi sáng đã chả còn chỗ nào nữa mà đi. Mãi đến lúc ấy, lão Chộp mới chợt nhớ đến một người quen nữa là ngài đại sứ Mỹ, mà lão luôn coi ngài như một thằng em. Vì thực tình thì ngài kém lão đến ngót một con giáp. Hôm chia tay lão ở làng An Đoài, chính ngài cũng có nhã ý mời lão nếu có dịp nào về Hà Nội thì đến ngài chơi. ừ, thế thì lão đến chơi. Đến xem thằng em sống thế nào.
Lão Chộp nhờ cô cháu gái đèo đến cửa Đại sứ quán Mỹ. Rồi lão quay lại bảo cháu:
- Thôi, mày về mà đi chợ đi. Tao vào uống rượu với Bu Sơn. Lúc nào cần thì tao bảo nó đưa về. Cháu không phải đón đâu.
Thế rồi lão đến thẳng toà nhà mà cô cháu gái bảo đó là Đại sứ quán Mỹ. Lão rất ngạc nhiên khi đến toà nhà của Mỹ, lão lại gặp người Việt. Một anh gác cổng người Việt ngăn lão lại:
- Cụ già đi đâu mà vào đây?
- Tôi đến thăm ông Bu Sơn. Đây có phải là Đại sứ quán Mỹ không?
- Vâng. Đây là Đại sứ quán Mỹ!
- Thế thì đúng rồi! - Lão Chộp cười. - May quá, tôi lại cứ tưởng là mình nhầm nhà. Chú cho tôi gặp ông Bu Sơn!
- ở đây không có ông Bu Sơn cụ ạ!
- Quái! Thế ra nó nói dối à? Mà làm sao lại có chuyện thế được...
Thấy lão Chộp có vẻ ngờ vực, anh gác cổng hỏi:
- Ông Bu Sơn là người Việt hay người Mỹ?
- Người Mỹ!
- Thế thì không có rồi. Ở đây chỉ có mỗi ông Pe-terson là đại sứ Mỹ, chứ không có ông Bu Sơn nào cả.
- Đúng rồi, ông ấy là đại sứ Mỹ, nhưng ở làng, chúng tôi vẫn gọi là Bu Sơn...
- Thế cụ có giấy tờ gì không?
- Tôi chẳng có giấy tờ gì cả. Mà làm sao lại cứ phải có giấy tờ. Tôi tưởng chỉ có xe máy, xích-lô mới phải có giấy đăng ký. Thế ra người cũng phải đăng ký à?
- Không phải giấy đăng ký mà là giấy thông hành. Cụ có chứng minh thư hay bất cứ một loại giấy tờ gì để đi đường không?
- Tôi chỉ là nông dân. Nông dân thì cần giấy tờ làm gì? Tôi chỉ có mỗi một cái giấy để ở đồng làng thì không thể mang theo được.
- Sao lại có giấy tờ nào để ở đồng làng? - Anh gác cổng bắt đầu ngờ vực. - Đầu óc cụ có làm sao không đấy?
- Tôi chẳng có làm sao cả. Ông Bu Sơn mời tôi đến chơi thì tôi đến chơi thôi. Ông ấy có bảo tôi mang theo giấy tờ đâu. Mà tôi cũng chỉ có mỗi cái giấy dài một mét sáu, sâu đến tận mét ba ở cánh đồng làng thôi. Loại giấy ấy thì đến bố tôi cũng chẳng thể nào vác theo được.
Nói rồi, lão Chộp cười hô hố. Cái lưỡi đỏ nhờ nhờ của lão cứ đập đập vào lỗ răng thủng. Anh gác cổng cũng không còn giữ được vẻ nghiêm nghị:
- Thế cụ với ông Peterson là như thế nào?
- Nó là em tôi đấy!
- Là em cụ? - Anh gác cổng trợn tròn mắt. - Xin cụ nhớ cho rằng ông Peterson là người Mỹ...
- Thì nó là người Mỹ chứ sao! Tôi nói thực, chú lại cứ không tin. Tôi là anh Bu Sơn thật mà. Chú tưởng tôi là gián điệp hử? Tôi là anh Bu Sơn. Chú cứ vào bảo Bu Sơn, có thằng anh, là lão Chộp ở làng An Đoài đến chơi. Nếu Bu Sơn đi vắng thì tôi về...
Nghe đến tên lão Chộp, anh gác cổng dường như đã nhận ra người nông dân năm xưa đã bắt viên phi công Mỹ. Không ngờ ông lão vẫn còn rất tráng kiện, vẫn đùa nghịch tinh quái như một gã trai làng. Anh mời ông lão ngồi đợi, rồi đi vào gặp thư ký đại sứ Mỹ. Chỉ một loáng sau, anh đã quay ra:
- Ngài Peterson rất mừng khi cụ đến chơi. Chỉ tiếc cụ đến đột ngột quá, lại không báo trước, nên xin cụ vui lòng chờ. Hết giờ làm việc, ngài Peterson sẽ tiếp cơm cụ. Còn bây giờ con xin mời cụ vào phòng khách đặc biệt của đại sứ...
Một người Mỹ nói rất thạo tiếng Việt dẫn lão Chộp vào một căn phòng khách sang trọng. Trong phòng có xa-lông. Có máy điều hoà. Một dãy tủ kính bày la liệt những rượu đủ các loại hạng. Chưa bao giờ lão Chộp nhìn thấy nhiều chai rượu đẹp và sang trọng đến thế. ở quê, lão chuyên uống mỗi một loại rượu, là rượu nếp nút lá chuối khô. Lão bảo một anh nhân viên người Mỹ:
- Chú có chai rượu ngon nào cho ta mua một chai?
- Thưa cụ, cụ thích loại rượu nào?
Anh nhân viên Mỹ hỏi lại lão Chộp bằng một giọng lơ lớ. Và điều ấy lại làm cho lão Chộp rất đỗi ngạc nhiên:
- Ô, thế ra quê gốc chú ở Hà Tĩnh à?
- Không, tôi không phải người Hà Tĩnh. Tôi là người Hoa Kỳ. - Anh nhân viên Mỹ phân bua. - Tôi cũng đã hai lần qua quê cụ rồi. Quê cụ có bài hát Quê ta từ đất dấy lên*. Tôi thấy ở đấy dấy lên rất nhiều lò gạch tự tạo. Cụ thích loại rượu nào?
- Loại nào ngon nhất, đắt nhất, khoảng một triệu ấy. - Lão Chộp nói với đầy vẻ hãnh diện. - Chả nói giấu gì chú, sáng nay đi vội quá, ta chỉ kịp giắt túi có hơn triệu bạc thôi. Chú cứ tìm cho ta chai rượu trên một triệu...
Lão Chộp nói vậy cho oai. Chứ thực tình, toàn bộ tài sản trong nhà lão, có đem bán hết thì cũng không thể kiếm nổi một triệu bạc. Lão Chộp bảo tôi:
- Thực ra, trong túi tôi lúc ấy chỉ có nhõn một trăm ngàn đồng. Đó là tiền cô cháu gái đưa cho để ông về đi xe ôm. Nhưng mình cứ phải nói cứng lên như thế, để cho bọn Mỹ nó sợ. Nó cần phải biết rằng, nông dân Việt Nam không có xoàng đâu nhé. Cũng ăn chơi trác táng lắm đấy. Mỹ chẳng là cái đinh gỉ gì!
- Thế khi cụ thanh toán thì sao?
- Làm sao mà phải thanh toán? - Ông Bu Sơn ông ấy trả cho hết. Tôi biết trước thế. Mà thế là phải. Mình là khách cơ mà. Chính ông ấy đã mời mình đến, chứ có phải kiến tha mình đến đâu. Có ai mời khách đến nhà ăn cỗ lại bắt khách trả tiền cỗ bao giờ.
Nói rồi lão Chộp lại cười:
- Tôi cứ tưởng rượu Mỹ ngon thế nào. Hoá ra chả ra cái quái gì. Chai rượu mấy trăm đô mà đắng ngắt như cứt bọ lẹt. Loại rượu ấy so với rượu ta sao được. Tôi đổ hết đi, chỉ giữ mỗi cái vỏ chai. Quả là thứ rượu ấy chỉ có mỗi cái vỏ là có giá trị.
- Tối hôm ấy, cụ gặp ông Peterson thế nào?
- Mãi tới tối mịt ông Bu Sơn mới đến. Còn suốt buổi chiều ấy, tôi ngủ một giấc đẫy, bác ạ. Khi tỉnh dậy lại không mở được cửa. Chìa khoá chỉ trùng trục một cái cục sắt. Rõ thật khoá cũng chẳng ra khoá. Thế mà nó lại bảo là khoá từ. Khoá từ chỉ áp nhẹ là cửa tự mở. Nhưng tôi không biết, tôi ấn mạnh quá nên từ bị triệt. Thế là cánh cửa cứ ngậm tịt như tường nhà tù. Tôi nghĩ bụng, bỏ mẹ, không khéo nó diễn biến hoà bình mình rồi. Trước đây mình nhốt nó vào kho lúa. Bây giờ nó nhốt lại mình vào cái lô-cốt lạnh ngắt như l... ma. Tôi đấm cửa rầm rầm, bác ạ. Chỉ tí tẹo nữa, thì tôi đấm vỡ cái toà đại sứ Mỹ.
- Thế hôm ấy, cụ với ngài đại sứ Mỹ nói với nhau chuyện gì?
- Ông ấy lại hỏi thăm bà con An Đoài. Rồi tỏ ý rất tiếc là do bận công việc quá nên chưa trở lại thăm bà con được. Ông ấy tặng tôi nhiều ảnh lắm. Cả một quyển ảnh dày bịch in toàn hình ô-tô. Tôi ngờ không khéo bố này còn làm thêm nghề buôn ô-tô nữa bác ạ. Nhiều ô-tô lắm. Đủ các kiểu loại. Nhưng có lẽ biết tôi không có tiền mua ô-tô nên ông ấy lờ đi, chẳng nói gì đến ô-tô cả, vẫn chỉ muốn cùng tôi nhìn về tương lai. Tôi nghĩ bụng, cái bố này rõ thật buồn cười. Già khú cả một lũ với nhau rồi thì còn tương lai cái khỉ gió gì nữa. Tương lai của tôi với ông ấy là cái lỗ dài mét sáu, sâu mét ba ở đồng làng ấy. Xuống đấy rồi thì còn nhìn thấy cái khỉ gió gì nữa. Tương lai là chuyện của các bác. Mà xem ra bác cũng hết thời rồi. Có chăng là trông chờ ở lớp con cháu bác thôi. Cầu mong cho chúng nó cứ đi làm đại sứ, cứ đi buôn ô-tô, hay cứ dong trâu ra đồng cày. Mệt thì nằm lăn ra bãi cỏ mà ngủ, chứ đừng có săn nhau, quật nhau ở trên đồng, cũng đừng nhốt nhau vào kho lúa như tôi với ông Bu Sơn ngày xưa. Chơi cái trò ấy chán lắm. Mà cũng chẳng hay ho gì đâu, bác ạ!
8.2000
Lão Chộp
và ngài Peter Peterson
Cuộc chia tay tháng bảy
I
Ôi dào ôi! Tưởng gì, hoá ra lại chuyện lão Chộp. Cái thằng cha này đúng là gà què ăn quẩn cối xay. Quê hắn hoá ra cũng nghèo nàn, xơ xác lắm. Chỉ có mỗi đặc sản là...lão Chộp, nên đi đâu cũng khoe ra rả. Biết rồi. Lão Chộp bắt phi công Mỹ. Lão Chộp kết nghĩa anh em với Đại sứ Mỹ. Lão Chộp làm thơ về cà dái dê. Bà con nông dân cứ theo thơ lão thì có tiền. Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!
Vâng, tôi biết có bạn đọc sẽ ngán ngẩm kêu lên thế. Thực tình, trong thâm tâm, tôi cũng không muốn bàn thêm về lão Chộp nữa. Bởi lẽ, tôi cũng đã kể khá nhiều về lão rồi, đã ngắm lão ở rất nhiều góc độ. Bây giờ, tôi cũng muốn để cho lão được yên. Chính lão cũng không muốn thiên hạ bàn tán quá nhiều về mình. Nhưng khổ nỗi, hình như cái số của lão vẫn chưa thể yên được. Một nhà biên kịch điện ảnh rất nổi tiếng của ta vừa điện cho tôi, thông báo rằng anh đang muốn làm một bộ phim về lão Chộp, không phải phim tài liệu, mà phim truyện hẳn hoi kia. Anh Ninh Bình hiện đang làm việc trong một Công ty của Nhật ở đường Thuỵ Khuê Hà Nội thì nói thẳng với tôi: “Xuống cơ sở, tôi cứ đọc thơ Dái dê của lão Chộp là bà con vỗ tay rôm rốp. Nhưng hỏi thơ anh thì chẳng ai nhớ câu nào. Nói thế, anh buồn không?” Sao lại buồn hả các ngài Thượng Đế khả kính? Mà buồn làm sao được kia chứ. Các ngài chán thơ tôi, nhưng lại thích thơ lão Chộp, làm theo thơ lão Chộp. Thế thì vui quá đi chứ. Thơ ca đã can dự được vào đời sống, đã góp phần bày cho bà con ta cách xoá đói giảm nghèo. Ai dám bảo thi sĩ là cái lũ ngẩn ngơ, chỉ biết nhung nhăng những chuyện mây gió?
Có lẽ lão Chộp cũng chẳng ngờ lão lại được bà con nông dân yêu mến đến thế. Bác Lê Xuân Hùng ở bản Nà Ho, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang còn viết thư cho báo Nông nghiệp Việt Nam, đề nghị toà soạn kiến nghị với Nhà nước phong cho lão Chộp một chức vụ gì đó. Chỉ tiếc là lão Chộp đã già mất rồi. Chẳng ai lại đề bạt cất nhắc một ông lão đã bảy mươi ba tuổi. Còn nhà văn Dương Tất Từ, một dịch giả tiếng Tiệp nổi tiếng thì điện cho tôi: “Mình yêu lão Chộp lắm, Khoa ạ. Ông cụ đúng là một người nông dân Việt Nam điển hình đấy. Mình rất muốn đến thăm ông cụ. Khoa bố trí đi cùng với mình nhé. Ta sẽ thuê một cái tắc xi. Cố gắng đi càng nhanh càng tốt, vì ông cụ già rồi. Người già như trái chín cây. Chẳng biết sẽ rụng lúc nào...”. Rồi còn bao nhiêu là độc giả. Họ thư cho tôi, thư đến báo Nông nghiệp Việt Nam. Nhiều người muốn biết cụ thể hiện nay lão Chộp sống ra sao? Cuộc kết nghĩa anh em thắm thiết giữa lão và ngài đại sứ Mỹ Peter Peterson hư thực thế nào? Rồi cuộc chia tay của “anh em” lão vào dịp tháng Bẩy vừa qua nữa. Bao nhiêu là chuyện. Mà toàn những chuyện chỉ có lão mới biết. Bởi thế, chẳng còn cách nào khác, tôi lại đành phải về làng, hóng chuyện lão thôi.
II
Đến thăm lão Chộp lần này, ngoài tôi và anh Chiến, lái xe của báo Nông nghiệp Việt Nam, còn có nhà văn Dương Tất Từ, người từng dịch hàng loạt cuốn sách nổi tiếng được bạn đọc mến mộ. Dương Tất Từ từng ở nước ngoài lâu năm, nhưng anh vẫn chu đáo, tỉ mẩn như một bà nội trợ nhà quê sành điệu. Anh chuẩn bị lỉnh kỉnh đồ ăn, thức uống cho cả đoàn ở dọc đường. Anh “thửa” riêng món quà tặng lão Chộp. Đó là hai cây giò, mấy cuốn lịch và bao nhiêu hoa quả, bánh kẹo.
Buổi sớm. Trời se lạnh. Mưa bụi bay phiêu diêu, phơ phất như sương khói. Không khí đã nhuốm hơi xuân. Nhưng với lão Chộp thì mùa xuân dường như đã đến từ rất lâu rồi. Mới cuối tháng Mười, tháng Mười Một, đã có bao nhiêu người đến “xông đất” lão. Chủ yếu là cánh phóng viên báo chí quốc tế. “Bố em dạo này đắt khách lắm – Cô con gái rượu của lão Chộp tiết lộ - Ông cụ đi suốt ngày. Mấy hôm vừa rồi, các phái đoàn Mỹ, Úc, Canađa và cả Đài Loan, Trung Quốc nữa còn về mời bố em đóng phim”. “Thế thì năm nay, không khéo ông cụ giàu lắm nhỉ!”. “Giàu cái khỉ gì. Mệt hơn trâu kéo cày - Lão Chộp cười hô hố - Thà cứ để tôi đi cày còn thoải mái hơn là bắt tôi đi đóng phim. Khổ nhất là họ cứ bắt mình phải đi hiên ngang. Thỉnh thoảng lại nhe răng ra cười, trong khi trong bụng chẳng thấy có cái gì đáng phải cười cả. Không có điều để cười mà lại cứ nhe răng ra thì khác gì con đười ươi hả bác?
Lão Chộp cười lục khục:
- Thực ra, khi đi bắt phi công Mỹ, mình có “hiên ngang”, có nghĩ ngợi quái gì đâu. Chỉ cố làm sao nhanh chóng quật ngã nó. Không quật ngã nó thì nó giết mình. Đơn giản thế thôi. Nhà văn nhà báo bố là cứ hay lằng nhằng!...
- Thế họ trả thù lao cụ mỗi buổi đóng phim bao nhiêu?
- Có tiền nong gì đâu bác. Đến bữa ăn thì họ cho mình ăn thôi. Mà thế là phải. Cũng như đi cày thuê ở quê, làm sao có tiền nong gì. Chủ nhà cho ăn bữa sáng, bữa trưa, bữa tối thì có thêm cút rượu nữa. Cơm rượu xong thì phủi đít ra về. Thế thôi mà. Chỉ có điều, thức ăn của họ chán lắm bác ạ. Toàn bánh mì với lằng nhằng những cái gì ấy. Ăn chán bỏ mẹ. Nhai cứ nhệu nhạo như bò nhai rơm. Thế mới biết làm ông Tây cũng chẳng sướng gì đâu! Còn xơi họ mới bằng được cánh thợ cày làng mình...
- Thế vừa rồi cụ chia tay ông P. Peterson thế nào?
- Nửa đêm, ông ấy cho người gọi tôi qua điện thoại. Mà khổ, nhà tôi có điện thoại đâu. Ông ấy phải gọi nhờ qua con cháu ở đầu xóm. Nhà nó buôn bán nên mới sắm điện thoại. Tôi bổ xấp, bổ ngửa chạy đến. Tưởng gì, hoá ra ông Bu Sơn. Ông ấy mời tôi về Hà Nội chơi, chia tay với ông ấy. Thế là tôi với ông Sính lặn lội tàu xe lên Hà Nội. Ông Sính chắc bác biết rồi chứ? Ông ấy cùng bắt phi công Mỹ với tôi năm xưa ấy mà. Ông Bu Sơn bảo: “Lẽ ra thì em phải về làng An Đoài chào anh mới phải. Nhưng vì công việc bận quá. Anh thông cảm!”. Khổ, tôi có trách gì ông ấy đâu. Mà ông ấy tất bật, bận bịu thật. Chia tay hết đoàn này lại đến đoàn khác. Tuy thế ông ấy vẫn giành cho anh em chúng tôi suốt cả một buổi chiều. Cũng chẳng có chuyện gì mà nói. Vẫn luẩn quẩn cái chuyện ngày xưa. Ông ấy cứ hỏi tôi: “Sao hồi ấy, ông đã bắt tôi rồi, đã trói tôi rồi, sao vẫn cứ lăm lăm khẩu súng, lại còn lên đạn nữa?” Tôi bảo: “Tôi lên đạn để doạ dân làng. Họ định xé xác ông. Tôi phải đi trước, cản họ, rồi che đất đá họ ném vào ông. Tôi bảo: “Nó bây giờ là tù binh của mình rồi. Nó mà chết thì tôi chết trước rồi các ông các bà chết sau. Chính sách tù binh của Đảng ta là rất khoan hồng. Ai giết nó là tôi bắn đấy!”. Rồi tôi lên đạn roạt roạt. Lên đạn để doạ bà con, chứ súng làm quái gì có đạn. Ngay cả khẩu súng tôi mang đi bắt phi công cũng chẳng còn viên đạn nào”. Ông Bu Sơn ngạc nhiên lắm. Tôi bảo, bọn Mỹ các ông chỉ ầm ào phồng mang trợn mắt làm con ngoáo ộp ở trên giời thôi, chứ xuống dưới mặt đất thì trông thấy đàn bà con gái, các ông cũng hãi đến vãi đái...
- Thế ông Peterson về thăm cụ mấy lần?
- Ba lần! Một lần đi có quy mô, đón rước theo cấp nhà nước. Còn hai lần sau ông ấy đi riêng, đi lặng lẽ bình thường thôi. Ông ấy kết nghĩa anh em với tôi mà. Tôi biết ông ấy sắp về nước. Mà về nước là về vườn, ở nước tư bản đế quốc không khéo đói nhăn răng ấy chứ. Tôi lo cho ông ấy lắm. Tôi nhắn ông ấy: Chú rỗi thì bố trí về đây với tôi. Tốt nhất là đừng đi ô-tô. Vì đi ô-tô thì không thể ở lâu được. Chú cứ làm một cuốc xe ôm. Đi xe ôm rẻ chán. Nếu chú ngại thì tôi bảo cháu nó lên nó đón. Thằng con rể tôi làm nghề xe ôm mà. Về đây lâu lâu, tôi sẽ bày cho chú cách nấu rượu. Có nghề nấu rượu là sống được đấy. Vì bọn Tây mắt xanh mũi lõ các chú, xem ra thằng nào cũng nghiện rượu cả. Mà rượu của các chú thì chán bỏ mẹ. Đến ma nó cũng chẳng thèm uống, làm sao sánh được rượu làng tôi...”
Nhà văn Dương Tất Từ tròn mắt nhìn lão Chộp. Đối với anh, ông lão dường như có một cái gì rất kỳ bí. Anh lại hỏi ông cụ chuyện bắt viên phi công Mỹ Peter Peterson. Và lão Chộp lại rủ rỉ kể lại câu chuyện mà tôi đã tường thuật khá kỹ cho bạn đọc nghe từ mấy năm trước. So với những lần gặp ấy, tôi thấy lão gày hơn, xanh xao hơn. Căn nhà lão cũng tềnh toàng, xơ xác. Tài sản duy nhất trong nhà lão có thể bán được chỉ có mỗi con lợn xề gày nhẳng chừng hơn sáu chục ký. Còn bao nhiêu gà vịt, ngan ngỗng, lão đã bán hết để đổ vào tiền thuốc. Cứ như lời lão thì lão vừa qua một trận ốm thập tử nhất sinh. Ngay sau khi chia tay với “thằng em” Đại sứ Mỹ, lão bị tụt huyết áp, phải vào nằm bệnh viện Bạch Mai. Lão đinh ninh lần này thì lão đi hẳn. Bởi thế, lão cứ nằng nặc xin về quê để chết ở quê. Ai ngờ khi về đến làng, ngửi mùi đất làng, hít thở ngọn gió đồng quê, lão lại tỉnh như sáo tắm. “Tôi không thể sống được ở thành phố bác ạ. Chật chội, ngột ngạt lắm. Nếu cứ ở phố, không khéo tôi chết từ lâu rồi!” Lão Chộp vui vẻ nói vậy khi thung thăng dẫn nhà văn Dương Tất Từ và tôi đi thăm cánh đồng Mả Giai. Cánh đồng năm xưa lão đã từng lùng sục suốt đêm để săn viên phi công Mỹ P. Peterson. Cây quéo xưa đã chết. Người ta đã xây ở đấy một cái điếm canh đồng. Cả cánh đồng bát ngát nhìn đến ngút tầm mắt chỉ thấy xanh ngắt một màu tỏi non. Cứ theo lời lão thì quê lão đang chuyển đổi cây trồng. Gia đình lão cũng có một sào rưỡi tỏi. Cả nhà bây giờ chỉ còn biết trông vào hơn sào tỏi ấy và thằng con rể lái xe ôm. Mấy đứa con gái lão thì nheo nhóc con mọn nên cũng chẳng làm lụng được gì. Thằng con trai cả lão kiếm ăn ở phương xa, nghe nói nó vào Sài Gòn làm cửu vạn. Chẳng biết nó có kiếm được đồng nào không, nhưng mấy năm trời chẳng thấy gửi xu nào về nhà. Còn thằng con út thì lão đang cho lên tỉnh học Tiếng Anh cấp tốc.
- Có phải cái cậu cụ xin vào làm ở Đại sứ quán Mỹ không?
- Ừ, chính nó đấy - Lão Chộp cười - Nó tên là Thắng. Nguyễn Viết Thắng. Tên là Thắng nhưng làm cái quái gì cũng bại. Thằng này vụng thối vụng dòi. Trong lũ con nhà tôi, nó là thằng đoảng nhất. Bác cứ trông nó đấy. Người thì loẻo khoẻo loèo khoèo. Năm ngoái trầy trật mãi mới tốt nghiệp phổ thông. Thi đại học lại trượt. Tôi bảo ông Bu Sơn: “Thôi, tôi cứ gửi nó cho chú. Nó dốt lắm, chỉ đi làm cho Mỹ là hợp. Chú xem rồi giúp đỡ cháu, đào tạo cháu. Rồi sau này thạo việc rồi, chú về vườn, thì để nó thay chú luôn, rồi chú làm cố vấn cho nó. Chú cháu thì dễ hiểu nhau”.
Lão Chộp ngất ngưởng nói vậy. Ai ngờ ngài Đại sứ Mỹ lại đồng ý. Ngài mời bố con lão lên Đại sứ quán. Nhưng đến khi thử việc, mới hay “thằng cháu” lại chẳng làm được việc gì. Ngay cả cái việc đơn giản nhất là làm văn thư, nhận thư từ, chuyển cho các phòng ban trong đại sứ quán, cu cậu cũng không thể đảm đương được vì một chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết. “Tôi rất buồn vì không thể thực hiện được điều mong muốn của ông anh tôi. Cháu nó chẳng làm được việc gì ở đây cả - Đại sứ Peter Peterson tâm sự với chị Phan Thanh Hảo, phóng viên báo Giáo dục & thời đại – Bây giờ thì tôi phải trở về Mỹ rồi, mà ông anh tôi thì mỗi ngày một già yếu. Không biết vài năm nữa, khi tôi có dịp trở lại Việt Nam, ông cụ có còn sống được đến ngày đó không. Tôi thực sự lo lắng cho sức khoẻ của ông ấy!”
“Ôi dào, lão ấy đãi bôi đấy! - Ông lão gác nghĩa địa ngay cổng đồng Mả Giai bình luận – Anh em cái cóc khô gì. Tôi chả bao giờ tin cái thứ tình cảm đầu lưỡi. Chú có đồng ý với tôi không nào? Đã là anh em, nếu quý nhau thật thì phải đỡ đần nhau một cách cụ thể những khi khó khăn chứ. Nếu không giúp được cái cần câu thì cũng phải cho nhau con cá. Đằng này, tôi chỉ thấy “anh em” lão nói chuyện suông bằng nước dãi...”
Đối với người dân quê, những tình cảm suông dù nồng nàn, thắm thiết đến mấy cũng vẫn chỉ là chuyện “đãi bôi”. Nhưng tôi nghĩ ngài Đại sứ Mỹ cũng chẳng có lỗi. Lỗi tại họ không hiểu nhau thôi. Vâng, tôi nghĩ là chẳng bao giờ họ có thể hiểu nhau được. Cho dù trước đây họ là kẻ thù, hay bây giờ là anh em kết nghĩa thắm thiết thì họ cũng sẽ chẳng bao giờ có thể hoà nhập được với nhau. Nếu lão Chộp hiểu người Mỹ, thì chắc chẳng bao giờ lão lại xin cho thằng con trai vừa hết lớp 12 vào làm việc ở Đại sứ quán Mỹ. Và nếu ngài Thượng Nghị sĩ Mỹ Peter Peterson hiểu lão Chộp thì chắc ngài cũng sẽ chẳng bao giờ tặng lão Chộp những chai rượu Tây rất đắt tiền, để rồi sau đó lão lại đổ hết đi, chỉ mang về mỗi cái vỏ chai, trong khi chỉ cần số tiền mua rượu ấy cũng đã đủ giúp lão Chộp đổi đời rồi. Nhưng điều ấy thì ngài không thể biết được, cũng như lão Chộp, lão cũng sẽ chẳng bao giờ hiểu được thằng em kết nghĩa của lão. Bởi đó là sự khác biệt của hai nền văn minh.
- Ông Peterson bây giờ là Chủ tịch Hội Thương mại Mỹ Việt rồi đấy, cụ biết chưa?
Tôi thông báo cho lão Chộp một cái tin chẳng lấy gì làm mới mẻ. Không ngờ lão mừng rỡ:
- Thế tức là ông ấy không phải về vườn hả - Lão Chộp nhìn tôi đầy vẻ hồi hộp. Và khi biết đấy là chức vụ mới của ngài Thượng nghị sĩ Mỹ Peter Peterson, thì lão không giấu được nỗi vui:
- Thôi thế thì tôi cũng mừng cho chú ấy. Tôi cứ tưởng chú ấy về hưu, mà lại về hưu ở nước đế quốc tư bản, không có nghề làm thêm thì đói dã họng.
- Ông ấy làm sao mà đói được - Tôi nói cho lão Chộp yên tâm - Nước mình vừa mới ký hiệp định Thương mại với Mỹ. Cụ nghĩ như thế nào về chuyện này?
- Tôi biết rồi. Đài báo ta cũng đã nói cả, nên ở làng này, ai cũng biết chuyện ấy. Tôi mừng lắm chứ sao. Đây này, cả cánh đồng tỏi này chúng tôi giồng để xuất cho Mỹ đấy. Rồi còn nhiều giống cây quả khác nữa. Mặc dù thế, tôi biết nước mình nếu có giàu thì cũng giàu lên ở đâu đó thôi, chứ nông dân thì làm sao khá được nhờ mấy cây hành, cây tỏi, hay đậu đay, chiếu cói này. Nông dân thời nào cũng khổ bác ạ, không ngóc đầu lên được đâu, làm sao mà giàu được hả bác. Nghèo nhưng yên hàn là tốt rồi. Tôi chỉ mong mình ký hiệp định với Mỹ, với Trung Quốc, với cả Lào và Căm Pu Chia nữa. Như thế nghĩa là mình sẽ là bạn làm ăn với tất cả các nước, phải không bác. Làm ăn với ai cũng được, miễn là đừng để xảy ra chiến tranh. Tôi thì đã già rồi. Còn bọn trẻ thì để yên cho chúng làm ăn. Đừng bắt chúng phải chết trận. Thời buổi bây giờ, cứ được yên hàn làm ăn là sung sướng nhất! Có phải thế không bác?
Tết con ngựa 2002
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro