Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Phần I _ 1. Hà Nội (đã sửa)

"Sài Gòn, ngày 28 tháng Hai năm 1965.

Gửi Hiểu Phương thân mến,

Giờ này có lẽ Hà Nội đã bắt đầu ấm dần sau mùa xuân mưa phùn nhỉ? Anh không biết nói gì nhiều, chẳng qua tình cờ gặp chú Trường ở chỗ điểm tập kết nên anh viết vài chữ tiện nhờ gửi ra Bắc cho mày, gọi là hỏi thăm tình hình nhà cửa. Cuốn sách này anh định bữa nào về thăm sẽ tặng mày làm quà sinh nhật, nhưng anh cũng chưa biết bao giờ về lại, anh gửi mày tự xem trước. Sách này do một người bạn của anh đến từ Mỹ từng mang sang cho, nhìn có vẻ đắt, chất bìa xịn lắm, giữ gìn cho cẩn thận. Nhớ học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn.

Nếu có chuyện gì mới, mang tính nghiêm trọng liên quan đến miền ngoài đó, anh sẽ báo sớm.

Mong rằng lá thư và gói hàng sẽ an toàn.

Anh nhớ cả nhà và Hà Nội nhiều.

K."

K. K là mật danh của anh Văn Khuê, người anh họ con bác thân thiết mà lớn lên từ bé với cô. Hiểu Phương không biết mật danh đó có tác dụng hay được sử dụng với mục đích gì. Nhưng anh dặn khi hai người trao đổi thư từ Nam ra Bắc hay ngược lại, cô phải gọi anh bằng mật danh đó, cấm được tạo ra manh mối nào có liên quan đến tên thật của anh. Và bức thư này, theo trong thư, Văn Khuê viết nó từ hôm cuối tháng Hai. Bằng một cách lạ lùng nào đó, tận đúng tròn một tháng sau, bức thư mới hạ cánh xuống tay Hiểu Phương.

Đọc lướt qua xong bức thư, cô cười hờ một tiếng, lật qua lật lại cuốn sách viết bằng thứ ngôn ngữ Tây hay Tàu mà cô không biết tí gì cả. Ừ, công nhận sách trông rất đắt tiền, rất đẹp. Vỏ bìa da cứng, đường chỉ khâu hay họa tiết, tất cả rất hoàn hảo. Không hoàn hảo duy nhất ở mỗi chỗ, Hiểu Phương chả hiểu nó viết gì.

"Chú ơi, anh Khuê gửi có thế này thôi đúng không ạ?"

"Có thế thôi, chú kiểm tra lại kỹ rồi, không sót gì đâu. Cháu có hồi âm gì cho thằng bé không, ngồi viết luôn đi, lát chú phải về đơn vị tập hợp rồi!"

"Chắc là không đâu ạ!" Hiểu Phương đứng dậy, mạnh tay đóng quyển sách dày lại khiến chúng va vào nhau và tạo ra một "Bụp" nhỏ "Bọn cháu về đây, sau có gì chú gọi cháu nhé."

"Ừ, hai đứa đi cẩn thận."

Chào chú xong, Hiểu Phương ra hiệu cho Hạnh Vân biết điều nhấc người dậy đi về. Con bé này buồn cười gớm! Cứ sang nhà chú Trường là chú thương các cháu, mời ăn mời uống đủ thứ trong khi đi lái xe trên đường xa thì chịu thiếu thốn đủ điều. Nãy nếu Hiểu Phương không bắt đứng dậy sớm, có khi nó xơi hết miếng lương khô thứ ba từ đời nào rồi.

Hai chị em dắt xe ra khỏi ngõ, chuẩn bị leo lên xe đi thì chú Trường đi ra cửa, gọi to:

"Hai đứa ơi về sớm nhé, đừng có la cà lâu la. Nhà đang có việc đấy!"

Hiểu Phương dừng chân, ngoái nhìn hỏi lại:

"Việc gì vậy ạ? Bố cháu dặn vậy hay sao chú?"

Chú cười, xua tay:

"Theo chú nhớ thì là vậy! Thế nhớ, chú phải vào chuẩn bị đây!"

Nói rồi, chú Trường khép cửa, đi vào trong nhà. Hiểu Phương lắc đầu, thở hắt ra một hơi. Chắc bệnh văn chương, thơ ca hay dài dòng, vòng vo của Hiểu Phương cũng là từ do di truyền của nhà họ Phạm mà ra cả.

Biết tin vậy, Hiểu Phương cũng ậm ừ thế thôi, cô vẫn kéo Hạnh Vân đi la cà. Quan trọng gì cái đấy, hôm nay là ngày bố cô từ Hải Phòng về thành phố ethì cũng như bao ngày khác thôi. Chỉ là nhà có thêm người về.

Nghĩ đi nghĩ lại với quyển sách dày cộp trên tay. Cuối cùng, Hiểu Phương chọn đến nhà ông giáo dưỡng già, ông Lâm.

"Chị Phương ơi, ở phía này đây cơ mà! Mắt mũi để đi đâu thế không biết!"

Hạnh Vân đi trước, đạp xe chầm chậm, quay sau lớn tiếng gọi chị gái mình. Hai người rong ruổi cùng nhau đạp xe xung quanh khắp phố và bờ hồ Gươm. Tháng tư sắp đến, Hiểu Phương muốn tranh thủ tận hưởng nốt cái se lạnh cuối xuân trước khi mùa hoa phượng tới. Cô đạp xe thật chậm trên đường để có thời gian mà ngẩn ngơ ngắm mùa xuân sắp tàn. Nào ngờ, cô ngẩn ngơ đến nỗi suýt đi nhầm cả sang đường khác.

"Chờ đấy!"

Hiểu Phương lắc đầu, thôi tha thẩn ngó nghiêng xung quanh, cô đạp xe thật nhanh để đuổi theo em gái. Từ đâu cơn gió xuân nhẹ thổi luồn qua mái tóc dài của cô khiến chúng bay phất phơ trong làn gió. Bên cạnh thì là khung cảnh Hồ Gươm. Một Hà Nội mới thật đẹp và bình yên làm sao.

Nhà ông giáo Lâm là một căn nhà hai tầng, cỡ nhỡ trên phố Hàng Trống, con phố ngay sát với hồ Gươm. Ông giáo Lâm đã già, ông lớn tuổi hơn cả bác trai bố anh Văn Khuê. Đến nay ông vẫn ở một mình như vậy. Nghe nói vợ ông đã mất vì bạo bệnh từ nhiều năm trước, đứa con trai hồi ấy mới thanh niên, cũng đã bỏ mạng nơi chiến trường. Thế nên hiện giờ, ông giáo Lâm chỉ sống với chú chó của mình một cách lặng lẽ, ngày qua ngày bằng việc cho thuê mượn sách và trợ cấp của Nhà Nước.

Còn tầm hơn chục năm trước, quay trở lại cái thời Hà Nội còn đang phồn thịnh, vẫn còn có nô bộc, vẫn có chuyện vợ cả vợ lẽ và mới chỉ bắt đầu việc sinh nở cần có kế hoạch. Ông Kim họ Phạm, một người giàu có đáo để - hai tiệm vàng trên phố Hàng Bạc, một tiệm vải phố Hàng Đào và nguyên dãy phố Mã Mây là thuộc sở hữu nhà cụ. Ngoài ra, ông Kim còn có mấy căn nhà cỡ lớn, cỡ vừa lẻ tẻ trải xung quanh đất Hà Thành, căn nhà trên phố Lý Thường Kiệt hiện giờ của gia đình nhà Hiểu Phương cũng thuộc phần đó. Sau này, ông cưới thêm một bà vợ hai trẻ đẹp. Bà hai là mẹ chú Trường, tuy phải gọi là chú nhưng chú chỉ hơn anh Văn Khuê có bốn tuổi.

Khi đó, ông giáo Lâm là người em, cũng là bạn của ông Kim đã được mời đến làm thầy giáo tại gia của đại gia đình họ Phạm. Ông làm thầy cho cả bốn đứa nhóc - đầu tiên là chú Trường con bà hai, tiếp đó là cậu cả Văn Khuê con trai đồng chí Văn Lương, rồi sau mới đến hai cô tiểu thư Hiểu Phương và Hạnh Vân nhà đồng chí Gia Kỳ.

Cả đời làm công việc nhà giáo của ông Lâm, lại còn làm cho gia đình cô lâu đến như vậy, Hiểu Phương thấy rất đáng cảm kích và vô cùng quý mến thầy. Đã từ lâu cô không còn là học trò nhỏ của ông nữa, nhưng Hiểu Phương vẫn thường ghé qua nhà với tư cách là một người thân quen cũ, một người bạn nhỏ hoặc có thể là một người thuê sách vào hôm nào đó. Những câu chuyện trong cuộc sống khúc mắc không thể kể cho bố mẹ hay gia đình thì người đầu tiên Hiểu Phương tìm đến là ông giáo. Và cho đến bây giờ, cô vẫn gọi ông giáo bằng thầy như một thói quen từ lâu.

Căn nhà nhỏ xinh của ông giáo Lâm trông vậy mà đến là lắm sách truyện. Với Hiểu Phương, đây như một thư viện bách khoa thu nhỏ, cô vĩnh viễn không thể biết được căn nhà chứa bao nhiêu quyển sách. Hôm nay hai chị em ghé qua vào lúc trưa, có khi ông giáo lại đang ăn cơm. Sau khi dựng xe gọn gàng, Hiểu Phương thấy cửa chính ra vào để mở và ông giáo đang ngồi ngay giữa phòng. Ông ngồi trên một chiếc ghế đẩu gỗ, hí hoáy vặn sửa gì chiếc đồng hồ quả lắc to đùng cũng đang được để giữa nhà, cụ thể hơn là trước mặt ông giáo.

"Thầy không cơm nước gì buổi trưa ạ thầy."

Hiểu Phương lúi húi tháo dép để vào nhà, tiện mồm nói chuyện hỏi thăm ông giáo vài câu aluôn. Con chó thấy người quen chạy ra vẫy đuôi, sủa gâu gâu vài tiếng rồi chạy vòng vòng làm trò. Ông giáo nghe tiếng chó sủa và tiếng người thì khẽ ngẩng đầu lên, xong lại ngó nghiêng ra ngoài cửa xem có gì khác không. Ông đuổi con chó vào nhà trong cho đỡ ồn ào, sau đó nhìn Hiểu Phương một cái, tiếp tục sửa đồng hồ:

"Thầy ăn xong rồi. Chị này hôm nay có việc gì đây, sao không về nhà ăn trưa mà lại qua vào giờ độc thế này?"

"Em đi học về tiện đường ghé qua thôi thầy!"

Ông giáo Lâm hừm một tiếng, tiếp tục hỏi:

"Sao không bảo cả cái Vân vào đây, thế rốt cuộc hôm nay chị định trình bày với thầy cái gì nào?"

Hiểu Phương nhìn ra sang bên ngoài đường, thấy Hạnh Vân đang nghịch ngợm, ngó nghiêng một cách vui vẻ cái gì đó. Cô chẳng nỡ bắt nó vào đây nghe cùng. Dù gì cũng toàn cô với ông giáo nói chuyện sách sách vở vở, Hạnh Vân ngồi nghe chắc chỉ tổ thấy buồn ngủ. Hiểu Phương bèn bảo thầy rằng em nó không muốn vào, đang thích chạy nhảy ngoài kia nên kệ nó. Sau khi hai thầy trò nói qua loa vài câu hỏi thăm linh tinh, Hiểu Phương mới vào vấn đề chính - cuốn sách tiếng Tây nào đó bằng chữ Quốc ngữ nhưng cô chả hiểu gì sất.

Ông giáo Lâm sau khi thấy cuốn sách thì vội đi rửa đôi tay đang dính dầu nhớt tra đồng hồ, lau khô tay thật cẩn thận. Xong xuôi, ông mới lọ mọ tìm cặp kính đeo lên, từ từ mở cuốn sách ra, nheo mắt xem từng chữ từng dòng một.

"Này là sách bằng tiếng Anh. Sách đẹp quá, anh Khuê không biết quen ai ở đâu mà kiếm đâu ra quyển sách được đấy."

Hiểu Phương gật gật đồng tình, vội vàng hỏi lại:

"Thế thầy dịch giúp em được không thầy? Sách viết về kiểu gì vậy ạ?"

Ông giáo Lâm có vẻ trầm trồ trước quyển sách lắm, nhưng nghe đến dịch đọc thì ông lắc đầu:

"Thầy cũng không biết sách viết gì, biết là tiếng Anh thôi. Thầy cũng chỉ biết tiếng Pháp với ít tiếng Tàu, sách đây không giúp chị được."

Hiểu Phương thở dài, tay cứ mân mê bìa quyển sách mãi. Như này thì đành phải để trên kệ mà trang trí  vậy, đúng là phí phạm cả quyển sách.

Hỏi xong công chuyện mà không thành, Hiểu Phương đành về nhà. Dù sao đã trưa trờ trưa trật, không nên làm phiền ông giáo thêm và cũng nên về nhanh trước khi bố cô nổi điên.

Nhắc đến bố, bố của Hiểu Phương và Hạnh Vân - ông Phạm Gia Kỳ, ông là con thứ của bà cả và cụ Kim. Hiểu Phương thật sự không có mối quan hệ tốt đẹp mấy với bố, bởi theo cô, tính cách ông và cả cách làm việc rất ư lạ lùng.

Mà không chỉ ông con thứ bà vợ cả cụ Kim, kể cả cái đại gia đình dòng họ này kỳ lạ, tuy nhiều nhà còn khó hiểu hơn nhưng Hiểu Phương thấy nhà mình đã đủ rắc rối không kém cạnh. Ông Kỳ và bác Lương sàn sàn tuổi nhau, cách nhau tầm hai hoặc ba tuổi. Nhưng anh Văn Khuê - con trai bác, hơn Hiểu Phương đúng tròn mười tuổi, và chú Trường kém hai anh khác mẹ chắc tầm hai chục tuổi gì đó. Riêng việc tuổi tác xưng hô cũng đã đủ rắc rối.

Việc kỳ lạ nhất vẫn là sự tan rã của đại gia đình trước sự ngỡ ngàng của biết bao người, cả người quen lận cận và cả đám nô bộc, con sen con ở. Đại gia đình cụ Kim cả ba thế hệ sống chung với nhau, nhà cao cửa rộng, tiền nhiều như nước, chị dâu em chồng sống rất hòa thuận, hạnh phúc ấy thế mà sau một đêm mỗi người mỗi ngả.

Có lẽ bắt đầu từ việc sự ra đi không lý do của cụ Kim và sự mất tích không dấu vết của mẹ anh Văn Khuê, đàn con cháu mới bắt đầu tan đàn xẻ nghé. Đến nay bác gái bỏ trốn đã hơn mười năm không thấy quay trở lại, mặc kệ cả con trai và chồng. Bao nhiêu xưởng, tiệm vàng hay đất đai của gia đình đã bán gần hết, hai căn nhà to lớn nhất, mỗi căn cho con bà cả một cái. Chú Trường và bà hai cũng có phần, là một căn nhà cỡ nhỡ, cất dưới tận cuối phố Bạch Mai. Hiện giờ bà hai sống ở căn nhà được phân đó, còn bà cả, cũng là bà nội của Văn Khuê và Hiểu Phương, Hạnh Vân thì về quê nội trên Hà Tây sống. Bà sống xung quanh cái đám mà ông Kỳ gọi là "bọn nhà quê".

Ông nói hay lắm cơ, là một người đàn ông có thể chết vì sĩ diện, ông sẵn sàng từ chối quê đẻ và chỉ dám nhận nhà mình dân gốc ở thành phố. Thật may, mẹ cô - bà Liên là người phụ nữ chịu thương chịu khó nên đã không bỏ đi như mẹ Văn Khuê, nếu không cô và em gái sẽ lớn lên trong cuộc sống như địa ngục với ông bố như này.

Bà Liên có dáng người phúc hậu, tuy không cao lắm nhưng gương mặt rất có cảm tình, ưa nhìn. Bà là người tốt nhất Hiểu Phương từng thấy. Khi biết có đứa hầu nhỏ làm sai bị cụ đánh phạt và bỏ đói một bữa, bà sẽ là người lén lút mang vài cái nắm xôi nếp thừa ra cho đứa nhỏ, dỗ nó nín và dặn dò, an ủi. Có khi không cần phải kể những việc tốt bà từng làm, chỉ cần chịu đựng được ông Kỳ là Hiểu Phương thấy bà quá đủ tốt tính, hiền lành.

Trái ngược với bà mẹ nhân hậu, bố cô là một người đối lập hoàn toàn. Ông là người có vóc dáng cao to, da dẻ hồng hào. Gương mặt nhìn ổn, có một vết sẹo nhỏ bên gò má trái. Ông gần như không bao giờ cười, hoặc có thể chỉ không cười với vợ con. Cái nụ cười tươi nhất của ông Kỳ mà Hiểu Phương từng chứng kiến là cái nhếch mép. Cộng thêm cái gương mặt lạnh như tiền chẳng ai biết đang vui hay buồn, và cả cách sống ích kỷ, đã sĩ diện còn khó tính. Hiểu Phương không thể nào cứ nhịn trước bao nhiêu việc quá đáng ông làm nên cãi lời rất nhiều, rất thường xuyên. Thậm chí ông đã từng định cấm mọi người trong nhà gặp chú Trường và bà hai, làm sao cô nghe cho lọt tai được chứ. Vì vậy, quan hệ hai bố con lúc nào cũng căng thẳng, không được tốt đẹp lắm.

Hiểu Phương cũng không rõ gia đình mình làm gì, chỉ biết là luôn đặt đất nước và Đảng lên hàng đầu. Bà Liên, nghe bảo quản lý xưởng may nhưng lúc đi làm lúc ở nhà, nhìn qua thì thời gian làm việc không ổn định. Ông Kỳ làm bàn giấy, hoặc công việc gì đó mà cô chẳng biết tại sở Công An Nhân Dân. Hiểu Phương không biết có phải thế thật không, vì cô chưa thấy ông khoác lên người bộ đồng phục bao giờ nhưng vẫn sáng đi chiều về, lương thưởng hay tem phiếu nhận đều đều không thiếu một tháng. Ông làm từ hồi Hiểu Phương còn chưa ra đời, đến giờ vẫn thấy đang làm ở chỗ đó. Nói chung, cô thực sự không rõ bố mẹ mình làm cái gì. Gia đình cô ai cũng bí ẩn như tình báo quốc gia.

Từ nhà ông giáo Lâm về đến nhà đường đi không xa mấy, hai chị em đạp xe một lúc đã về đến nơi. Hai người về đến nhà, căn nhà tọa lạc ngay giữa phố lớn mà được di chúc cụ Kim phân cho. Gồm nhà nhỏ một tầng phía góc ở sau và một ngôi nhà to chính giữa. Ngôi nhà chính to lớn sừng sững, có hai tầng, sơn màu vàng, gạch nghiêng màu đỏ đất viền mái, có khung cửa kính và cửa chớp xanh. Hai gian nhà được ngăn cách bởi cái sân cỡ nhỡ trưng cây cảnh và cũng gọi là cái xưởng gỗ quy mô nhỏ của ông Kỳ. Ông Kỳ có vẻ thích mấy thứ đồ gỗ hay làm từ cây cối, trước tự tay đóng được bộ trường kỷ mà ông khoe suốt mấy ngày.

Thật ra thời này giữ được cái nhà to vậy cũng phải vất vả, khó khăn. Làm gì có cái chuyện nhà bốn người mà đòi được nhiều đất như thế? Thế là nhà Hiểu Phương phải đón một gia đình mới cho ở nhờ cùng, gọi là ở cùng nhưng nhà họ là gian nhà nhỏ một tầng kia. Ban đầu là hai vợ chồng công nhân làm xưởng chế biến thực phẩm, nhưng sau hai, ba năm lại tòi đâu thêm ra một thằng cu con. Ông Kỳ có vẻ không vui, nhưng cũng đâu có làm gì được. Thằng bé dần lớn lên, theo thời gian, nó cũng đến tuổi đi học. Nó tên Quang, da đen nhẻm, người nhỏ nhỏ, bù lại được cái nhanh nhẹn, lanh lợi nên mọi người quý.

Trưa nay tưởng chừng như bao trưa khác, hai chị em dắt xe vào sân nhà, dựng bên góc tường và vào ăn cơm với bố mẹ. Nhưng kỳ lạ là hôm nay Hiểu Phương phải tự mở cổng nhà, chứ thường ngày chỉ cần nghe tiếng xe đạp của người trong nhà lạch cạch ngoài cổng là thằng Quang chạy ra mở và đón ngay. Việc này chắc chắn không phải do nó đang ở trường học, bởi vì mười một giờ nó đã được tan học.

Sau khi dựng xe, Hạnh Vân lập tức vào trong nhà, còn Hiểu Phương ghé qua nhà nhỏ ngó xem có thấy thằng bé đâu không, định để gọi lên ăn cơm luôn. Nhưng gian nhà trống không, chẳng có bóng dáng ai cả. Sao lại kỳ lạ như vậy nhỉ?

Đến khi vào nhà, thấy bên mâm cơm có mỗi ông bố và một vị khách lạ mặt, còn Hạnh Vân hình như đang trong bếp. Chỉ liếc qua thôi Hiểu Phương đã hiểu ra vấn đề.

"Thằng Quang đâu bố? Cả mẹ nữa? Sao mọi người đâu hết rồi!"

"Con bé này về chưa chào hỏi ai đã nói lung tung! Mẹ mày có việc lên xưởng, thằng kia ra ngoài chơi rồi!"

Hiểu Phương cắn môi. Cô biết sẽ lại như thế mà, cô biết ngay là ông Kỳ làm. Cứ mỗi khi nhà có khách ghé thăm ăn trưa là ông Kỳ sẽ cho thằng Quang ăn trước bữa, xong đuổi nó đi chơi để không cho nó ăn cùng mâm với khách. Càng nghĩ cô càng thấy thương, bố mẹ đi làm cả ngày, có mỗi mụn con ở nhà, nhờ hàng xóm sát vách nấu hộ rồi cho ăn bữa cơm mà không biết con mình bị người ta xua đuổi. Cô bỏ túi đeo xuống ghế và lại gần chỗ bàn ăn.

"Sao bố có thể vô tâm vô nghĩ như thế được? Nó cũng chỉ là đứa trẻ con, trưa nắng như này mà bố đuổi nó ra đường! Còn mẹ nữa, hay bố bắt mẹ ăn cơm ở xưởng luôn chứ gì?"

Ông Kỳ bắt đầu nóng, ông đặt mạnh đũa xuống bàn, đang định lớn tiếng mắng nhưng lại để ý vị khách đang ngồi trước mặt chăm chú nhìn hai bố con, ông cố nén giọng:

"Nhà đang có khách, lễ phép chút đi. Cậu Tuấn, đây là cháu gái đầu nhà tôi, tên Phương, Phạm Hiểu Phương, nó đang học năm cuối, xưa cũng có học tiếng Pháp đấy cậu ạ!"

Hiểu Phương liếc mắt xuống nhìn người mà ông Kỳ gọi là cậu Tuấn, đúng khoảnh khắc đó anh ta cũng ngẩng đầu lên nhìn cô. Hai người chạm mặt nhau, đều vô tình bắt trúng cái nhìn của đối phương. "Cậu Tuấn" tóc đen, để kiểu bổ luống. Mặt nhỏ, hơi nhọn. Mắt ti hí, đuôi mắt còn hơi nhọn. Cô đoán, chắc lại là một gã người Tàu hoặc người Nhật. Chứ ai đời người Việt Nam có con mắt bé tin hin như này.

Gã này trông rất trẻ, mặc dù anh ta mắt hí nhưng Hiểu Phương không thể phủ nhận nhìn tổng quan gương mặt khá là... dễ nhìn chăng? Một kiểu đẹp khá lạ lùng. Thật sự anh quả là một người tuấn tú như cái tên của anh. Các đường gương mặt không phải quá xuất sắc nhưng trông anh lại có những nét thu hút đến kỳ lạ. Kiểu khá giống một người đã từng trải, phong trần, hay đi đây đi đó khắp nơi, có tầm hiểu cao biết rộng, đủ khiến cho người ta phải chú ý.

Anh ta cứ nhìn cô không thôi, thậm chí không thèm chớp mắt một cái. Cô lẩm bẩm, anh ta nhìn cô thế là có ý gì? Thể hiện thái độ gì?

"T...Tôi xin lỗi, tôi không có ý gì đâu, thật vô lễ quá! Chào cô ạ."

Hiểu Phương gật đầu nhẹ phát tỏ ý chào xã giao, sau đó cô quay mặt đi nhìn chỗ khác. Trời đất, cô nhỏ miệng chửi thầm người ta ai dè người ta nghe được. Thật sự đáng xấu hổ quá! Hiểu Phương cũng không muốn vô duyên vô cớ nói người khác như thế nhưng cô đang tức ông Kỳ, thế là tự nhiên đi giận cá chém thớt.

Ông Kỳ thở dài, ông ngồi xuống ghế, khẽ bảo:

"Thôi thôi, mày ngồi xuống ăn luôn đi. Đừng có nói gì ngu ngơ nữa, tao mệt mày lắm rồi!"

"Con không ngồi, con đi tìm thằng Quang về đã. Nhỡ đâu trưa nắng nó đi lang thang về bị cảm thì sao?"

"Ngồi xuống! Cạnh Cậu Tuấn!"

Ông Kỳ nhấn mạnh từng chữ một, coi như là cảnh báo đỏ đầu tiên dành cho cô con gái. Hiểu Phương bèn bực tức ngồi xuống, nhìn cậu Tuấn ngồi bên cạnh một cách chán ghét. Tuy rằng cậu Tuấn chẳng làm gì nhưng anh đến thăm vào sai thời điểm nên tự dưng bị ghét lây. Khổ thân cậu, thấy cô con gái chủ nhà làm gì cũng tỏ vẻ thái độ rất khó chịu nên cứ nghĩ lỗi tại do mình ban nãy.

Lúc trước, ông Kỳ với cậu Tuấn đang nói chuyện bình thường, tự nhiên Hiểu Phương làm loạn hết mọi thứ lên khiến anh ngại chẳng dám nói gì. Ông cũng không biết nên làm sao trong cái bầu không khí im lặng này, thế là lấy cớ đi giải vây:

"Con em mày làm gì lâu thế không biết, để tao xuống bếp kiểm tra. Hai đứa cứ nói chuyện đi!"

Nói rồi, ông Kỳ đứng dậy xỏ dép, lật đật rảo bước đi sang gian nhà bếp. Cả căn phòng lớn giờ còn mỗi cậu Tuấn với Hiểu Phương. Cô lại lẩm bẩm, cố ý nói đủ to để người ngồi bên nghe thấy:

"Có chuyện gì để mà nói chuyện được chứ..."

Cậu Tuấn nghe đó thì buông đũa xuống, miệng ngừng ăn, anh quay sang bắt chuyện. Nói một cách thành khẩn với Hiểu Phương:

"Cô Phương à, là tôi đã thất lễ hồi nãy, mong cô bỏ qua cho tôi. Tôi cũng không muốn ấn tượng đầu giữa chúng ta phải căng thẳng, không tốt như thế! Sau này ở đây lâu dài, tôi còn mong được cô giúp đỡ nhiều!"

"Hả? Anh ở đâu lâu dài cơ?"

"Ở nhà cô, ở đây."

Hiểu Phương thở dài, chắc do ông bố cô lại thích hươu vượn sĩ diện lắm trò. Kệ đi, thôi thì cứ đành im lặng chấp nhận vậy. Cô tập trung vào bát cơm của mình, không đáp lời cậu Tuấn nữa. Hôm nay nhà có khách nên đồ ăn cũng kiểu cách gớm, thậm chí còn có mực hấp xả chắc là từ mấy thứ lần trước mẹ mang từ Hải Phòng khi về thành phố vì có việc trên xưởng, giờ mới lôi ra đãi khách. Hiểu Phương tia đĩa mực ngay từ khi ngồi xuống mâm, chỉ tội cái đĩa mực nó ở trước mặt ông Kỳ nên không tiện lắm. Nhân lúc ông không ở đây, cô mới toan với tay ra tranh thủ gắp một miếng.

"Cô muốn ăn cái này hả? Để tôi gắp cho."

Hiểu Phương chưa kịp chạm đầu đũa tới đầu đĩa mà cậu Tuấn ngồi cạnh đã nhanh tay hơn, anh giơ đũa gắp cái rẹt rồi đặt vào bát cô. Song, anh mỉm cười, như thể mang ý đang chờ đợi một lời khen. Cô quay sang nhìn anh, ừ thì anh ta cũng biết lấy lòng người khác phết, có vẻ cậu Tuấn này chắc cũng không đến nỗi nào. Mà cô cũng tò mò, người này rốt cuộc như nào khiến ông Kỳ đồng ý cho ở lại. Nhà cô trước giờ không bao giờ có khách ở qua đêm, hiếm khi thì là họ hàng, thân thích đến.

Cô bắt đầu nhìn ra chỗ khác, giả vờ hỏi bâng quơ:

"Anh quê ở đâu vậy?"

"Tôi á, tôi đến từ một nơi rất xa."

"Là ở đâu? Anh ở nhà tôi, tôi cũng nên được biết rõ chứ nhỉ?"

Cậu Tuấn bối rối, gãi đầu gãi tai, ậm ừ mãi mới trả lời:

"Tôi... ở Mỹ đến đây chơi."

Hiểu Phương ngừng đùa, xém chút nữa sặc cơm. Liệu cô có nghe nhầm không? Gia đình cô là một gia đình truyền thống yêu nước, tại sao ông Kỳ lại cho một gã người Mỹ ở trong nhà? Lẽ nào bố cô là gián điệp cài vào nơi đây, hay ông chọn phản quốc? Không ổn hơn nữa, anh ta trông vậy mà là người Mỹ? Thật sự thì trông anh không khác gì một người Việt máu đỏ da vàng.

"Anh đừng có đùa, tôi hỏi thật, anh đừng có đùa vớ vẩn!"

"Tôi đến từ Mỹ thật, không đùa. Tôi lớn lên ở đó, do cha mẹ tôi đều có gốc gác từ Triều Tiên, nếu cô thắc mắc vì ngoại hình của tôi."

Hiểu Phương gật đầu, dù cô không hiểu hết lời anh nói nhưng nghe cũng có lý. Tuy vẫn ngờ vực về chuyện tại sao người Mỹ lại đến được tận đây, cô tạm bỏ qua. Có lẽ ông Kỳ có lý do để làm vậy. Sau đó, cô tiếp tục cuộc thăm dò:

"Cậu tốt nghiệp rồi à? Hay vẫn đi học?"

"Tôi đi làm rồi, nhưng tôi đã xin nghỉ một thời gian."

Đã đi làm, thế có nghĩa người ta cô ít nhất cũng phải năm tuổi, hoặc hơn nhiều nữa. Ấy vậy mà từ ban nãy đến giờ, Hiểu Phương nói bố láo bố toét với người ta hết sức. Cô thấy hơi lo sợ cho bản thân mình vì cậu Tuấn đáng tuổi chú kia mà, còn là người quen của ông Kỳ nữa. Thế là cô giả vờ gật gù xong lờ đi, tiếp tục ăn, nhưng có vẻ cậu Tuấn đang có hứng bắt chuyện. Anh tiếp tục:

"Thật ra cô cũng không nhất thiết phải mặt nặng mày nhẹ với tôi nhiều vậy làm gì. Tôi chỉ ở đây có vài ba tháng rồi đi ngay, không làm phiền cô đâu!"

Hiểu Phương thầm nghĩ, vài ba tháng là quá đủ làm phiền rồi chứ muốn bao nhiêu nữa. Nhưng dù sao thì, sau này sống chung mái nhà một thời gian cũng nên biết nhiều về đối phương hơn.

"Thế chú đến đây để làm gì vậy?"

"À, tôi muốn gặp một người bạn đến từ Liên Xô sắp tới. Cậu này đúng kiểu trai tây da trắng, chắc bảo là người nước ngoài cô sẽ tin thôi! Với lại, tôi ra thăm Hà Nội cũng vì muốn khám phá xem sao nữa, mọi người bảo muốn đến Hà Nội khó khăn lắm. Ban đầu tôi chỉ định ở Sài Gòn nhưng nghe nói vậy lại tò mò."

Hiểu Phương "ồ" theo tán hưởng một tiếng. Nói chung cô không rõ chàng trai trước mặt như nào, nhưng nếu anh đến được đây và vào tận nhà cô ăn ngủ thì hẳn là có nhiều câu chuyện bí ẩn đằng sau lắm.

"Mà nãy bác trai nói cô ngày xưa có học tiếng Pháp, vậy là cô biết nói tiếng đúng không?"

"Vâng, tôi có từng học ở trường và đã học từ bé. Chú cũng biết tiếng sao ạ?"

"Đúng vậy, tôi sinh ra và hồi nhỏ tôi đã sống ở Cannes, phía Nam của Pháp. Sau khi bắt đầu đi học mới quay về Mỹ. Nhắc tôi mới thấy nhớ biển ở Cannes, mùa hè nên ghé chơi thử xem."

Hiểu Phương gật đầu, trả lời qua loa cho xong.

"Tôi mà đi được tôi sẽ thử hết rồi chú ạ!"

"À mà còn nữa..."

Hiểu Phương khẽ nhíu mày hỏi.

"Còn gì ạ?"

"Đừng gọi tôi là chú... Trông tôi rất trẻ, đẹp trai như này. Gọi chú nghe thấy buồn lòng quá!"

Anh nhướn mày, khóe miệng nhếch lên nhìn rất đểu cáng. Khi anh vừa kết thúc câu nói, Hiểu Phương bật cười một tiếng. Mặc dù cô cũng không chắc, nhưng có vẻ anh khá hóm hỉnh, hoặc do cô dễ cười vì mấy cái linh tinh. Cậu Tuấn thấy thế cười theo, đối với anh, thu thập được nụ cười của mọi người xung quanh là điều tốt đẹp nhất trên đời. Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ đó.

Phải mất một lúc, Hiểu Phương mới nhận ra nụ cười hơi bị hớ hênh của bản thân, cô rút lại ngay. Có cái gì đáng để cười đâu chứ, anh ta chỉ là một gã vui tính đang thích trêu hoa ghẹo bướm.

"Này nhớ, anh đừng tưởng tôi cười là tôi ưa anh. Sau này anh cứ cẩn thận đấy!"

"Vâng, tôi biết, tôi nào có dám thất lễ nữa!"

Tuy miệng cố dằn nhau từng câu nhưng khóe miệng cả hai vẫn cứ thấp thoáng nụ cười. Sau đó cô và cậu lại ngại ngùng cúi mặt xuống bát cơm, giả bộ tập trung ăn để làm lơ đi sự hiện diện của người kia. Khi lần đầu ta mới gặp ai đó thì đều ngại ngùng như thế cả thôi, nhưng câu chuyện ấn tượng lần đầu gặp mặt Hiểu Phương khiến cậu Tuấn thấy khá lạ. Cô có nét gì đó rất ngổ ngáo, ương bướng, lì lợm và còn rất mỉa mai người ta. Có lẽ do thế mà anh lại ấn tượng chăng?

Gian nhà vắng nãy giờ chỉ có tiếng bát đũa lạch cạch và tiếng nói chuyện thì thầm của hai người. Cậu Tuấn chợt thấy nơi này mới thật yên bình và hay ho làm sao. Không giống như Tokyo, không sầm uất như Paris; không lạnh băng như Liên Xô, không nhộn nhịp như Sài Gòn; Hà Nội như thể làm vạn vật, vạn sự trôi đi chậm hơn so với thời gian thực dù đang trong chiến tranh. Điều đó khiến cậu có thể cảm nhận được từng điều một đang xảy ra một cách vô cùng rõ ràng, dù chỉ một chiếc lá rơi, một làn gió nhẹ thổi qua hay tiếng xe đạp cọc cạch chạy ngoài phố. Từ hôm nay, nơi đây sẽ bắt đầu là một "ngôi nhà" nữa trên đường đời lang thang phiêu bạt của cậu. Một "ngôi nhà" chắc chắn sẽ khác biệt so với các "ngôi nhà" từ trước tới nay cậu từng đi qua.

"Nào, ăn cơm đi! Hạnh Vân đây rồi. Cậu Tuấn thoải mái như ở nhà nhé. Con trai lão già xấu tính đấy thì cũng như con trai tôi. Sau này về Mỹ, cậu phải gửi lời hỏi thăm bố cậu cho tôi đấy!"

"Vâng bác, cháu sẽ chuyển lời tới bố. Mời bác ăn cơm ạ!"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro