Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

2. Đại dương

Tôi đã rất sốc khi nhìn thấy gương mặt của cậu Tuấn xuất hiện ngay trước mắt tôi. Đó là anh, hay một người giống anh y đúc?

Tôi đứng trên ban công nhà anh Khải, anh ta đứng từ bên kia đường nhìn lên. Hai mắt cứ nhìn nhau chằm chằm. Chuyện này thật điên rồ. Tôi chạy vào nhà, vội vã đến nỗi suýt đá vào người Gừng làm chú mèo ré lên một tiếng. Tôi chạy sang phòng Khải, sốt sắng:

"Anh Khải, anh Khải, tôi nghĩ là tôi vừa nhìn thấy ai đó rất giống cậu Tuấn... nghe có vẻ hoang đường... nhưng thật sự là vậy, anh ta còn đứng ngay trước nhà anh kia kìa!"

Trái với suy nghĩ của tôi, Khải điềm tĩnh hơn tôi tưởng nhiều, anh dửng dưng, tiếp tục làm công việc vẽ vời, thiết kế dở dang.

"Vậy ư?"

"Thật! Thật sự rất giống, tôi đã giật mình luôn đấy! Kiểu như chính là anh ấy, chỉ hơi khác một chút. Đúng có khác, nhưng cực ít, còn lại giống lắm. Giống phát sợ!"

Tôi không hiểu vì sao Khải lại bình tĩnh như thế. Anh vẫn cứ thản nhiên, thậm chí khoé miệng còn cười cười. Ý anh là sao?

"Thật sự có người thứ hai giống như vậy sao? Tôi không biết nữa, cái này tuỳ mắt nhìn của Hiểu Phương thôi."

"Giống thật mà... Hôm nay là cái ngày gì thế không biết... Sáng tôi đã bị người ta làm phiền đinh tai nhức óc, sang đây trốn lại gặp chuyện không đây gì nữa... Ôi, tôi đi đây, anh Khải, tôi đi đây..."

Tôi day trán, cọ mắt để bình tâm lại. Cầm túi lên, chuẩn bị xuống nhà để ra ngoài. Sáng nay, tôi đã bị tên điên kia làm phiền, hắn quanh quẩn khu ngõ nhà tôi, làm ầm ĩ đến đau cả đầu. Tôi không thể cứ ở nhà như vậy, hay trốn sang nhà Ngọc Hà thì càng không, trốn lên trường không được, lang thang ngoài đường cũng không xong. Tôi không hiểu sao hắn có thể tìm tôi mọi ngóc ngách của Hà Nội. Có một nơi duy nhất tôi chưa từng kể nên hắn không biết, đó là nhà anh Khải. Do vậy, tôi mới trốn sang đây chơi, nhưng tiếp tục gặp chuyện không đâu từ trên trời xuống.

Hắn - Hoàng Nam, người yêu cũ của tôi. Tuy hắn là anh họ của Ngọc Hà, nhưng thật sự mà nói, hắn không phải là người quá tốt đẹp gì. Tính cách gọi là tạm, hơi gia trưởng, khó kiềm chế và dễ nổi nóng, nổi nóng này không phải chỉ là khó tính, dễ cáu. Mà là anh ta khá là... hay sử dụng lực. Hẹn hò gần một năm, có những lần cãi nhau, anh ta đã chỉ tay vào mặt tôi, rồi tiện tặng cho cái tát. Có lúc mạnh, có lúc nhẹ. Tôi tức cái tính đấy của hắn lắm, nhưng ngồi uống nước chè buôn chuyện, mấy bà cô lại nói: yêu nhau mấy cũng có lúc cãi vã, đánh nhau, sau sẽ lại yêu thương nhau nên đó là bình thường, nhà nào chả thế. Vậy là bao nhiêu lần bị "tiện tay" tát cho, không hiểu thế nào tôi đều bỏ qua, cũng chẳng kể ai. Ngoài cái tính đó, nhìn chung, Nam có vẻ thích tôi thật lòng, đánh xong thì cũng ngon ngọt "vừa đấm vừa xoa" ngay lập tức, hứa hẹn dứt hẳn tật xấu. Vậy nên tôi tạm chấp nhận, tạm bỏ qua cái tính xấu này.

Nhưng đó là chuyện quá khứ. Có lần, anh Văn Khuê biết chuyện, do Hạnh Vân mách lẻo khi nó thấy mặt tôi sưng húp, anh đã ngay lập tức viết thư "răn đe" gửi cho tôi. Đọc rồi tôi thấy anh nói phải, từ nhỏ đến lớn chưa ai dám đánh tôi, vậy mà mới yêu đương hắn đã đánh người ta. Không biết sau cưới về, cãi nhau mấy câu có khi nó cầm dao đâm cho nhát. Chia tay sớm là phải!

Dù vậy, lý do thật sự tôi chia tay Nam ngay và luôn không phải vì bức thư của Văn Khuê. Mà vì Nam đòi cưới tôi.

Hạnh Vân kém tuổi tôi, thế mà nó suốt ngày hùa theo Văn Khuê để nói tôi ngu. Nó bảo, gia đình mình gia giáo, nhà công chức sao tôi lại cứ yêu mấy thằng hèn hạ, vũ phu, thất học. Tôi chịu, mẫu đàn ông lý tưởng của tôi lạ lùng thật! Có lẽ mấy gã như vậy mới có nhiều thời gian để đeo bám, khiến tôi mủi lòng chăng?

Nam là người như vậy. Hắn gặp tôi trong một lần tôi sang nhà Ngọc Hà. Tôi vốn không có ấn tượng mấy. Phải kể từ hắn theo đuổi, tôi mới để mắt đến loại người như vậy. Nhà hắn không phải quá khó khăn, bố mẹ cũng muốn con học tiếp, nhưng hắn thi trượt, giống như Nghĩa. Hắn chọn ở nhà với bố mẹ, ít ra còn làm việc giúp vặt ở quán nhà họ hàng, chứ không vô công rỗi nghề như Nghĩa.

Tôi đã chia tay Nam vào vài tháng trước. Hắn muốn cưới tôi, vì người quen ở phường bảo hắn có "nguy cơ" sắp được gọi đi nhập ngũ. Hắn đòi lấy vợ trước khi bị nhận giấy gọi "lên đường".

Đương nhiên tôi không chịu, hắn cứ hối thúc, nài nỉ cầu xin rồi cả đe doạ. Nghe lời khuyên từ Hạnh Vân, tôi chia tay, mặc cho hắn có là anh họ của bạn thân. Tôi không thể chịu nổi cái thói đời của hắn thêm bất cứ một giây phút nào. Mấy tháng sau đó và cho đến tận bây giờ, Nam vẫn làm phiền tôi, với lý do tôi tự ý đòi chia tay, chứ hắn thì chưa "cho phép".

Điều này khiến tôi càng thấy đúng đắn hơn về quyết định chia tay, dù tôi có gấp gáp phải lấy chồng, tôi cũng sẽ không lấy hắn.

Sau hôn ước đổ vỡ với Nghĩa, tôi không muốn vội vàng trong chuyện yêu hay cưới xin. Dù bố mẹ có ép, tôi cũng không chấp nhận. Tôi sẽ không bao giờ đồng ý mấy cái hẹn ước ngày xưa hay mai mối, hay "bố mẹ yêu hộ".

Và đúng vậy, trước đó, tôi và Nghĩa đã huỷ hôn ước. Chúng tôi không kết hôn, cũng không còn liên lạc. Khi đi trực tuần tối, tôi có nghe tổ dân bên đó nói cha mẹ Nghĩa về quê nội làm nông, hắn đi theo cô bạn gái giáo viên kia về nhà ngoại để chăm con. Hắn tệ với tôi, nhưng chi ít hắn đã không tệ với vợ con, thế là tốt rồi. Và Nghĩa dần biến mất khỏi cuộc đời tôi theo cách đó.

Còn cậu Tuấn...

Anh cũng vậy, anh biến mất khỏi cuộc đời tôi lặng lẽ và nhanh chóng, nhưng lại khiến tôi khốn khổ hơn bao giờ hết.

Đối với một đứa con gái tuổi mới lớn, có lẽ anh là người đàn ông tốt nhất tôi từng gặp. Tốt hơn cái gã tôi cố chấp đâm đầu, tốt hơn bố tôi. Anh cứ lẳng lặng dần xuất hiện trong cuộc sống tôi, khiến tôi cảm nắng từ khoảnh khắc nào không hay, nhưng sau đó anh lại vội vàng rời đi. Sự đột ngột thiếu vắng bóng anh làm tôi thấy trống rỗng. Lúc anh đi, tôi không nghĩ tôi sẽ buồn đến thế. Nhưng thời gian cứ trôi, tôi mới ngộ ra: à, thì ra tôi đã quen cuộc sống có anh rồi.

Ngay từ đầu, tôi đã biết tôi không nên có cảm tình với người ấy. Nghe đến hai chữ "người Mỹ", tôi đã tự biết tôi không được phép dính vào.

Nhưng anh lại cứ làm mấy hành động tốt để lấy lòng, tôi không thể bỏ những chuyện ấy ngoài mắt cũng như không thể giữ khư khư thù ghét trong lòng mãi. Tôi bèn chấp nhận một cấp độ mới giữa anh và tôi - bạn bè. Chúng tôi thoải mái với người bạn thân thiết mới (gần như duy nhất tại thời điểm đó) quá mức, đến nỗi tình cảm lớn lên từ khi nào không hay.

Tôi biết anh là người tôi không nên có tình cảm. Anh là bạn của bố tôi, anh thuộc về thế giới của người lớn. Anh đã trưởng thành và trải qua nhiều điều trong cuộc sống. Và hơn cả thế, anh không thuộc về nơi này, anh từ nơi xa đến - nơi tôi không thể đặt chân đến. Chúng tôi đến từ hai thế giới khác nhau, tình cờ đã có một quãng thời gian ngắn gặp gỡ và quen biết. Ngắn, nhưng đủ cám dỗ khiến tôi lầm lỡ, vô tình để hụt chân vào thứ tôi luôn trốn tránh nhất. Tôi có tình cảm với người tôi không nên có nhất.

Cái ngày trời âm u, anh ra đi, để lại quãng mùa hè của chúng tôi sau lưng. Chúng tôi đã chia tay trong sự lạnh nhạt, thờ ơ và vô tình của cả hai đứa. Sau này nghĩ lại, tôi đã rất hối hận. Tôi nên chạy đến ôm anh một cái thật chặt cho lần gặp cuối cùng này. Tôi nên nói ra tất cả những điều tôi luôn giữ kín, tôi nên chúc anh luôn hạnh phúc và mạnh khoẻ dù sau này không thể nhìn thấy nhau mỗi ngày.

Lẽ ra tôi nên quay lưng nhìn lại một lần nữa. Nếu vậy, tôi sẽ không hối tiếc về sau như bây giờ.

Ngày hôm anh rời Hà Nội, sau khi bước đi, tôi đã bật khóc, dù trước đó đã tỏ ra chán ghét anh.

Giây phút ấy tôi đã rất cố giữ bình tĩnh, tay lật giở từng trang sách đầy chữ. Tôi cố đọc từng chữ một thật cẩn thận, nhưng những dòng chữ ấy chẳng chịu đi vào trong tâm trí. Tôi cứ đọc rồi lại quên, lại đọc lại, lại quên, lại đọc. Tôi thấy bất lực vô cùng, bỗng bao nhiêu niềm tủi thân cứ trỗi dậy, tôi cứ thế bật khóc như một đứa trẻ con. Căn nhà trống vắng không có ai. Có tiếng khóc nức nở của tôi, có tiếng mưa rơi ngoài sân nhà, có trang giấy ướt nhoè chữ.

Tôi khóc một trận thật to để quên đi tất cả. Dù sao tôi quen cậu Tuấn có ba tháng, có lẽ là không quá khó khăn để xoá bỏ một người chỉ xuất hiện một khoảng thời gian ngắn trong đời mình. Thế giới cũng sẽ không sụp đổ vì điều ấy. Mọi sự vẫn như trước, con người vẫn vui vẻ và cười đùa. Chỉ có tôi đau khổ với trái tim tan nát. Tình cảm ấy chữa lành những vết nứt, nhưng về sau, cũng chính nó làm cho vết nứt ấy sâu hơn. Và cứ như vậy, chẳng còn gì đọng lại sau mùa hè năm ấy.

Tôi không ngờ, ba tháng ngỡ như ba năm, ngỡ như một đời. Cảm giác như tôi đã quen biết anh từ rất lâu, lâu hơn sự thật chỉ có ba tháng kia. Tôi đã quen thuộc và thích sự hiện diện của anh trong cuộc sống tôi.

Điều đó khiến cho cuộc sống không có mặt anh sau này đối với tôi thật khó khăn. Tôi nhận ra rằng tôi đã sâu đậm, đã mong anh nhiều đến vậy.

Sau ngày chia ly, tôi không khóc nữa. Một lần khóc, tôi tin có lẽ là đủ để hết đau thương. Tôi tiếp tục cuộc sống. Chỉ hai tuần nữa tôi và Nghĩa sẽ làm đám hỏi, bố mẹ tôi rất nhiều việc nhưng tối nào cũng bàn bạc, xem xét kế hoạch chuẩn bị đám cưới sau mỗi bữa tối. Tôi không muốn Nghĩa đi cùng cô bồ giáo viên kia nhiều, gây tai tiếng cho hai nhà nên hẹn hắn đi chơi, gặp gỡ nhiều hơn. Gọi là bồi dưỡng tình cảm đấy. Dù sao cũng sắp cưới tới nơi.

Tôi dắt hắn đi những chốn quen thuộc của mình. Từ cái quán ăn, cà phê, kéo hắn vào làm những công việc thường ngày của mình. Thậm chí dắt hắn đến cả chỗ ông giáo Lâm, người tôi trân quý vô cùng.

Ông đã rất ngạc nhiên khi tôi nói Nghĩa là người tôi sắp cưới, vài ngày nữa thiệp mời sẽ gửi đến nhà ông giáo, mong sự chúc phúc của ông. Ông nhìn tôi, ông không nói ra, nhưng tôi chắc chắn đã hiểu được. Vậy cũng tốt, tôi thật sự không muốn giải thích tất cả, cậu Tuấn xuất hiện trong cuộc sống tôi có ba tháng mà khiến tôi lệch lạc đi, chẳng phải điều tốt đẹp gì để kể ra. Thật may vì ông đã không vạch trần tôi trước gã chồng sắp cưới.

Nghĩa chê nhà ông giáo chán òm, hắn kiếm cớ bảo tôi rời đi sớm. Ra đến ngoài, hắn vừa than trời nắng, vừa kêu ca:

"Em toàn dắt anh đi mấy chỗ đâu đâu suốt mấy ngày hôm nay. Không thể nào có gì hay hơn à?"

Hắn mới dành có ba, bốn ngày đi với tôi.

"Tôi thấy hay, anh dễ tính mà sao khó khăn với việc này thế?"

Hắn nhăn nhó liếc tôi, khịt mũi:

"Cái nhà ông già khú này vừa tối vừa bẩn, toàn mùi chó với mùi người già. Sau này đừng có đến mấy chỗ như này nữa, nắng nôi mà cứ lôi nhau ra đường. Anh sang nhà bạn đây, em về nhà đi!"

Nhà bạn, tức là nhà bồ nhí đấy chứ đâu.

À thì ra, tôi kỳ quái, tôi dở người đến nỗi người gọi là "chồng" của tôi cũng không chịu nổi. Tôi có những thú vui, sở trường và nơi chốn yêu thích không giống ai. Người ta đi với tôi vài ba ngày đã khó chịu, đã kêu ca, than phiền.

Vậy mà anh, suốt cả tháng hè, anh vẫn luôn đi cùng tôi và tỏ ra thích thú, không hề chê bôi. Anh quý mến những sở thích kỳ lạ và những điều tôi yêu. Chỉ có anh mới chấp nhận tôi. Tôi không thể có được một người thứ hai như vậy, thật sự. Người tôi sắp tổ chức đám cưới cùng, không chỉ không yêu tôi, hắn ta cũng chưa từng tôn trọng, dù là với tôi hay gia đình, hay bố mẹ tôi. Đừng nói đến là sở trường sở thích.

Tôi không nói gì, nhìn bóng lưng của Nghĩa khuất dần, tôi thấy trái tim trống rỗng và vô hồn khi nén chịu đau đớn bởi nỗi buồn bóp nghẹt. Không phải vì Nghĩa, mà vì một người khác. Người đã thay đổi cuộc đời tôi, điều ấy thể hiện rõ ràng nhất vào ngày hôm nay vào cái khoảnh khắc tôi lựa chọn buông tha cho chính mình.

Dù rằng anh không còn nơi đây.

Nhờ quãng thời gian bên anh, tôi đã biết mình nên làm gì cho bản thân. Sau ngày hôm đó, cuộc đời tôi đã có những biến đổi lớn. Tôi trở về nhà và nói chuyện với bố mẹ. Tất nhiên, bố tôi cáu làm ỏm tỏi cả nhà, gà bay chó chạy loạn xạ. Thậm chí tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần bị đuổi khỏi nhà. Rồi, sau khi nghe hết từ đầu đến cuối, không biết ông nghĩ sao, bố tôi đã chấp nhận. Có cha mẹ thực sự nào lại muốn con mình không hạnh phúc, cưới một thằng hèn nhát, kém cỏi. Đám cưới khép lại, của hồi môn hay sính lễ đều trả lại hết. Người ta bảo khi một đám cưới cận kề bị hủy, nhà gái sẽ bị điều tiếng nhiều nhất. Nhưng may mắn, gia đình tôi không hề bị ảnh hưởng mấy khi mọi sự kết thúc như vậy. Cùng lắm thì người ta nói sau lưng, chứ bố ai dám đụng nhà ông tổng công an quận. Còn về gia đình Nghĩa, tôi không quan tâm lắm, không hề dù chỉ một chút. Mãi đến vài năm sau, tôi mới nghe mọi người kể chuyện về hắn.

Tôi ở lại Hà Nội, giấc mộng mang danh nhà có con gái đi nước ngoài của bố tôi kết thúc. Tôi thật sự không rõ vì sao tôi bỏ công cốc thời gian bốn năm qua với tiếng Liên Xô, cũng không quay lại với tiếng Pháp và xuống tay chọn "Sư phạm tiếng Anh". Bố tôi không hài lòng, nhưng kệ. Thế là tôi bước trên vào cánh cổng đại học của những người theo học nghề làm thầy thiên hạ. Hành trình mới mở ra, thoát khỏi gánh nặng kỳ vọng của bố, tôi như chú chim sổ lồng được tung cánh tự do.

Năm đầu tiên ở trường đại học trôi qua đầy biến động, mùa hè một lần nữa chuẩn bị quay về.

Một năm qua, tôi đã luôn tích cực và cố gắng, chăm chỉ học tập, biến bản thân thành một cô sinh viên bận rộn. Trước giờ tôi vẫn luôn là người có tính cách như vậy, điều ấy quá đỗi hiển nhiên khi tôi mang đến sự thoải mái và vui vẻ cho mọi người xung quanh. Ai cũng thấy tôi đã trở thành người tốt hơn. Tất nhiên là một phần do thay đổi môi trường, dù là Mát-xcơ-va hay ở lại Hà Nội, tôi chắc sẽ khác hơn so với trước kia. Nhưng xét cho cùng, chỉ có tôi biết là ai, là điều gì đã thay đổi tôi nhiều đến vậy.

Tôi biết, tôi chẳng hợp làm nhà giáo, tôi không thích làm giáo viên luôn. Ngược đời là thế, tôi muốn học tiếng Anh nên chỉ có lựa chọn vào Sư Phạm.

Cớ sự học ngôn ngữ của người Mỹ thật ra cũng là vì người ấy.

Sau khi hủy đám cưới, tôi rơi vào chuỗi ngày vô vị nhất của mùa hè. Không đi học, không đi làm, không yêu đương, lại đang thất tình. Tôi rảnh rỗi, tự hành hạ bản thân bằng cách ôn lại kỷ niệm của mình và anh. Trong tất cả những thứ anh để lại, kỷ vật rõ ràng nhất khiến tôi tin rằng anh đã từng xuất hiện trong cuộc đời tôi là chữ viết tay của anh.

Cuốn sách tiếng Anh, "Đỉnh đồi nơi gió thổi". Chữ ký Daniel Leon Choi.

Mãi đến hôm ấy, khi mở sách ra một lần nữa, tôi mới để ý, giữa cuốn sách có kẹp một bức thư tay.

Là thư của anh, vì cuối thư lại là chữ ký quen thuộc kia. Thư viết bằng tiếng Anh, viết vào cái đêm trước khi anh đi. Sau gần một tháng, tôi mới biết đến sự tồn tại của nó. Tôi biết là của anh, chứ không hiểu anh viết gì. Cay đắng làm sao, tôi thương nhớ một người mà đến cái tên anh tôi cũng không thể đọc đúng. Và liệu có phải trong phút giây chán nản, bốc đồng nhất thời ấy khiến tôi đưa ra một lựa chọn rẽ ngoặt cuộc đời mình?

Có lẽ chúng cũng đóng góp một phần, dù sao thì tôi vẫn muốn đọc bức thư anh viết cho. Có thể chỉ là những lời sáo rỗng như chúc tôi sống hạnh phúc về sau, đầu bạc răng long với gã chồng tệ bạc,... Tôi không biết. Nhưng nếu học tiếng Anh, tôi biết chắc, ít ra tôi có thể đọc đúng tên người tôi từng yêu, cái người đã thay đổi cuộc sống của tôi.

Năm học đầu tiên làm quen với tiếng của người Mỹ ấy sắp kết thúc, mùa hè đang biểu lộ sự trở về rất rõ - mưa tháng Năm, nắng bắt đầu rát, mặt trời dậy sớm và ngủ muộn, tiếng ve sầu và dế hoà ca mỗi đêm - mùa hè thật sự sắp chạm vào mái tóc, vào da thịt, vào thành phố này một lần nữa.

Mùi nhựa cỏ và mùn đất sau mưa của mùa hè, mùi hương của kỷ niệm. Tôi ghét nó.

Mùa yêu thích nhất của tôi - nay lại biến thành những tháng ngày tôi luôn muốn trốn chạy, mong sao nó sớm kết thúc nhất. Mùa hè đầu tiên quay lại kể từ khi không còn anh ở đây, quả là quãng thời gian khó khăn đối với tôi. Vì Hà Nội, nhìn đâu đều là kỷ niệm về mùa hè năm ấy của hai đứa. Tháng Năm đầu hạ như một giấc mộng đẹp dần biến tướng thành ác mộng hằng đêm. Con đường về nhà, lối cạnh hồ Gươm, nhà anh Khải, cửa hàng ăn uống, quán cà phê nơi góc phố Nguyễn Hữu Huân rồi thậm chí cái ca nhôm đựng cà phê, chiếc xe đạp dựng bên hiên nhà mà anh từng đưa đón tôi đi học cũng chứa đầy kỉ niệm.

Những đêm hè tháng Năm, tháng Sáu, thành phố có người không ngủ được vì cái nóng, vì phải đi tuần trông cho giấc ngủ của nhân dân, vì nhiều lo toan bận bịu khác. Tôi cũng không tài nào ngủ nổi, cứ thao thức mãi đến tận khi đồng hồ quả lắc điểm chuông một giờ sáng, khi ấy mí mắt mới mệt lả và cho phép thân thể được nghỉ ngơi. Tôi không khóc như năm ngoái, nhưng thật lòng mà nói, nếu nói tôi không được nghĩ về anh thì tôi chẳng làm được. Tôi không thể nào nhớ được bóng hình hay giọng nói của anh nữa, chúng cứ tự ý biến mất khỏi vùng ký ức dù tôi đã cố khắc ghi. Nhưng có một thứ ám ảnh tôi mãi , khiến tôi rất muốn quên đi - đôi mắt sâu thẳm như đại dương ấy - chúng tự nhớ khắc cốt ghi tâm, ép tôi không thể nào quên. Tôi có thói quen nhìn mắt đối phương để đọc vị, để hiểu tâm hồn họ, nhưng tôi không đọc được gì từ của cậu Tuấn. Có lẽ do vậy chúng mới ám ảnh tôi cùng cực.

Anh vẫn luôn ở trong tâm trí, trong ký ức dù anh chẳng còn hiện diện trong cuộc sống của tôi. Tôi nhìn quanh nhà, quan sát cuộc sống xung quanh - dường như mọi thứ vẫn vậy, không có thay đổi gì khác - cứ như thể anh chưa từng xuất hiện tại nơi đây. Mọi thứ quen thuộc tới đáng sợ. Mùa hè năm ấy cùng với bóng hình của anh như thể chưa từng tồn tại. Chúng đã nhạt nhòa tới nỗi khiến đôi khi tôi phải tự hỏi, liệu quãng thời gian ấy có thật hay tôi đã tự bịa ra vì quá áp lực, mệt mỏi dạo ấy?

Những đêm trằn trọc giữa hè oi của Hà Nội cùng mớ suy nghĩ rối bòng bong kia, tôi mò mẫm lại cái kệ sách cũ nơi có những cuốn sách tiếng Pháp, tiếng Liên Xô đã ngả ố vàng trên giấy và dần bám bụi. Đằng sau chúng chính là bí mật tôi giữ cho riêng mình - "Đỉnh đồi nơi gió thổi". Tôi luôn tìm đến nó để chạm lên dòng mực đen khắc tên anh, ngón tay được lướt qua từng con chữ anh dành tặng tôi. Tất cả chỉ để củng cố lại một điều - à, thì ra từng có người như thế tồn tại, xuất hiện bên cạnh tôi, người đàn ông ấy là có thật.

Tôi học tiếng Anh, nhưng trình độ mới một năm còn rất gà mờ. Đòi đọc cuốn sách hay thư thì chữ được chữ không. Nhưng ít ra, tôi có tiến bộ nhiều - tôi đã có thể đọc chính xác cái tên riêng ở trang cuối cùng.

"Daniel Leon Choi" - dòng chữ nhỏ xíu, là thứ duy nhất khiến tôi tin rằng anh đã từng đặt chân trên những con phố cổ của Hà Nội, đã từng cùng tôi uống cà phê trong ca nhôm, đã từng siết chặt tay tôi chạy qua màn đêm, đã từng cùng nhau đi qua mùa hè đổ lửa năm nào.

Tôi ngước lên, nhìn thấy cây đàn vĩ cầm của bản thân dựng nơi góc nhà.

Tôi đã học cách chơi vĩ cầm một lần nữa, vì anh từng nói, anh ước được thấy dáng vẻ tôi đứng kéo đàn. Anh bảo gương mặt tôi khi làm việc gì đó bằng tất cả sự tập trung trông rất dễ thương. Tôi biết chơi vĩ cầm lại rồi. Liệu anh có trở về thăm tôi, để tôi được kéo đàn cho anh nghe như anh từng mong ước không?

Tôi học hành tấn tới, sáng dạ nên tiếp thu nhanh. Vì vậy, dù chưa thể hiểu bức thư và cuốn sách, ít nhất tôi đã biết "Chào buổi sáng" trong tiếng Anh là "Good morning", không phải "I love you".

Và tôi cũng biết "I love you" nghĩa là gì.

Love. Danh từ là tình yêu, động từ là yêu.

Khi biết được chuyện này, tôi không trách cậu Tuấn, dù sao anh cũng đâu phải là thầy giáo thực thụ. Dạy nhầm dạy sai là bình thường. Cơ mà tôi lại nảy sinh một cảm giác ngờ vực, không rõ ràng một cách kỳ lạ, nếu như anh biết rõ nghĩa của chúng nhưng vẫn cố tình dạy thế thì sao?... Ý anh là gì khi làm vậy?... Nhưng tôi sớm gạt chúng khỏi đầu. Chắc là nhầm thật. Cậu Tuấn thì có thể có ý gì khác với tôi.

Dẫu biết là sai, trái tim tôi vẫn khuyết một mảnh từ khi anh đi và tôi không thể quên anh, dù đã một năm qua đi kể từ ngày ấy. Liệu trên đời này có ai vẫn luôn yêu một người không liên lạc, không gặp gỡ, không biết gì về nhau trong nhiều năm không? Giữa tôi và anh không có gì ngoài kỷ niệm những ngày từng trải qua cùng nhau đọng lại trong lòng, tôi biết, rồi chúng cũng sẽ sớm mờ nhạt dần như cách tôi quên đi giọng nói của anh như nào.

Tôi đã thích dù thậm chí không biết anh là ai - anh bao nhiêu tuổi, làm việc gì, từng học trường gì, sống ở đâu, sở trường, sở đoản... Tôi chẳng biết gì về anh, ngoại trừ thông tin anh lớn hơn tôi nhiều tuổi, quen biết bố tôi. Tôi cũng không biết tại sao anh nói được tiếng Việt. Anh cứ thế xuất hiện, nói là đến từ Mỹ, bảo tôi gọi là cậu Tuấn. Những thứ tôi biết về anh chỉ đếm đủ trên đầu ngón tay nhưng anh biết tôi từ đầu đến cuối - tên tuổi, sinh nhật, gia đình, nơi ở, dự định tương lai, cuộc sống hiện tại. Thậm chí anh biết cả thói quen ăn uống, chuyện tình cảm, học hành của tôi.

Vì vậy tôi mới thường tự hỏi, người tôi nhớ thương và danh tình cảm, sự quan tâm cho ấy có tồn tại thật không? Hay luôn là sự ảo tưởng ra về một người xa lạ?... Chúng tôi chưa từng bắt đầu, cũng chẳng rõ đã thật sự kết thúc chưa. Người đã thay đổi cuộc đời tôi, rốt cuộc anh là ai, anh là người như nào?

Vật vã mãi ba tháng hè, mùa thu tới, năm thứ hai học đại học bắt đầu. Thật nhẹ nhõm, mùa hè vừa qua đã dằn vặt tôi biết mấy, khi nó rời đi tôi mới có thể thở phào.

Nhưng trái tim và tâm hồn tôi một lần nữa trở về với cảm giác cô đơn và trống vắng. Hệt như hồi ấy.

Cuốn vào học tập và làm việc là cái cớ tốt nhất. Tôi cứ đi học, về nhà, gặp gỡ mọi người, sau đó lặp lại vòng quẩn. Cuộc sống trông có vẻ an nhàn giữa thời mưa bom đạn lạc, nếu không nói là tẻ nhạt nhưng như vậy là có phúc lắm rồi. Mặc dù ai cũng nói vậy, tôi lại không thấy hạnh phúc. Tôi biết đó chỉ là vỏ bọc, vẻ bề ngoài của một cái kén rỗng tuếch bên trong - tôi sống thảnh thơi với một trái tim và tâm hồn trống rỗng. Tôi không biết bản thân mình muốn gì, thích gì, đam mê gì. Học chơi lại đàn vĩ cầm, tôi cũng chỉ học nó như một môn học trên trường, không có đam mê, khao khát hay xúc cảm đặc biệt gì.

Tôi không cảm thấy mình đang sống. Cuộc sống này chợt vô nghĩa quá đỗi - không được yêu người mình yêu, cuộc sống vô thần vô định, không có khao khát bất cứ điều gì. Không muốn sống, nhưng không có lý do để ra đi, tôi cứ gắng gượng tiếp tục cái vòng lặp cuộc sống kia cho hết ngày, mong cho ngày qua ngày yên ổn. Nhưng tôi không thật sự hạnh phúc.

Tôi biết bản thân còn trẻ, có lẽ đó chỉ là khoảnh khắc chán nản nhất thời, con người ai cũng phải trải qua. Tôi đã cố rất nhiều để thoát khỏi tình trạng ấy: tập trung học, gặp gỡ nhiều người, chơi vĩ cầm, đọc sách... Nhưng cuối cùng, tôi vẫn không hiểu nổi bản thân đang làm gì, rốt cuộc vì sao lại tồn tại trên cõi đời này.

Năm 1966 đây người ta kêu gọi thêm sinh viên ra tiền tuyến. Tôi đặt bút viết đơn tình nguyện. Nếu tôi đã chán nản đến vậy, chi bằng cống hiến cho đất nước. Tôi trẻ như bao người khác, nhưng tôi không có gì để mất. Gia đình không yên ấm, không tình yêu, không có đam mê hay ước mơ, không có bất cứ thứ gì để mất, không có gì ngăn cản tôi cả.

Nhưng tôi lại vô tình quên rằng, bố mình là cán bộ ở công an quận. Khỏi nói ông đã tức giận thế nào khi nhìn thấy tờ đơn tình nguyện với tên và dòng chữ ký "Phạm Hiểu Phương" ở góc bên phải trang giấy.

Cũng may, đợt ấy trông tôi u sầu quá, ông chỉ nhắc nhở, nói chuyện riêng hai cha con, thậm chí có ý đe doạ. Vậy vẫn tốt hơn ông làm ầm ĩ nhà cửa lên. Chuyện tham gia nhập ngũ dần đi vào quên lãng, ý định từ bỏ mọi thứ của tôi bất thành. Thời gian trôi đi, mùa đông rét buốt của Hà Nội tới. Có lẽ ở Mỹ tuyết đang rơi trắng trời nhỉ?

Một người bạn quen biết trong ba tháng, tôi không nên nhớ và day dứt đến vậy. Những đêm không ngủ được, trằn trọc suốt hay khi có sự kiện đặc biệt xảy ra trong đời tôi, tôi cứ bất giác nhớ tới anh:"Nếu như anh còn ở đây thì sẽ như nào? Anh sẽ nói gì với tôi? Chúng tôi sẽ cùng nhau đi qua quãng thời gian ấy như nào?"

Những ngày cuối năm trời rét buốt. Đêm Giáng Sinh, tôi rảo bước trên đường về từ nhà Ngọc Hà và vô tình đi qua Nhà thờ Lớn. Tôi không theo đạo, nhưng tôi biết người Mỹ đa phần tin vào Chúa, giống như những vị con chiên xung quanh đây.

Cái rét buốt của mùa đông Hà Nội, không khí giáng sinh ngập tràn nơi đây. Và tôi chắp tay trước Chúa Jesus.

"Lạy Chúa, xin ngài ban phước lành cho anh ấy luôn khoẻ mạnh, không bệnh tật. Xin ngài hãy chỉ đường dẫn lối anh ấy đến những nơi tốt đẹp, tìm thấy được hạnh phúc và tình yêu của chính mình.

...Con nguyện đánh đổi tuổi thọ của mình vì hạnh phúc của anh ấy...

Con cầu cho anh ấy vạn điều tốt đẹp nhất, cầu Chúa nghe lời cầu nguyện của con. Xin ngài hãy bảo vệ anh ấy."

.

.

Nước mắt nóng hổi chạm vào gò má đang tê cóng vì lạnh, khiến chúng rát ngứa.

Thật lòng thì ước nguyện của tôi là được gặp anh một lần nữa, chỉ một lần duy nhất. Để tôi nói lời tạm biệt chính thức với anh, để tôi nhìn thấy anh đang thực sự sống hạnh phúc như tôi mong cầu với Chúa.

Nhưng tôi biết giữa chúng tôi đâu còn cái cơ hội ấy, tôi phải học cách quên đi.

Và vào mỗi dịp đặc biệt, tôi lại cầu cho anh vạn sự tốt lành, như một cách "quan tâm" đến người bạn cũ - người mà tôi biết tôi sẽ không bao giờ được gặp lại. Rồi một ngày tôi sẽ hết yêu, hết thương, nhưng tôi thật tâm cầu mong anh luôn hạnh phúc.

Cuộc sống của tôi đã tiếp tục như vậy. Dù có đôi lần nhớ đến, nhưng tôi đã dần chấp nhận sự thật để tiếp tục sống, nỗi đau cũng dần nguôi ngoai theo thời gian.

Hồi tết đầu năm 1967, tôi sang nhà Ngọc Hà chơi và gặp Nam ở đấy lần đầu tiên.

Anh ta theo đuổi, tôi không biết do bản thân thực sự có hứng thú hay chỉ muốn thể hiện bản thân mình, tôi đã đồng ý yêu sau một vài tháng.

Vì mùa hè về rồi, mùa hè 1967, hai năm từ ngày ấy. Tôi chắc chắn đã quên anh rồi, tôi chắc chắn... vì tôi không còn nhớ giọng nói của anh nữa, tôi không thể, thời gian thật sự tàn nhẫn như sách vẫn nói. Đôi mắt sâu thẳm như đại dương ấy, sự dịu dàng của anh vẫn còn trong tâm trí. Kỳ lạ, tôi không thể nhớ kỹ chúng, nhưng trái tim nhói đau khi nhớ lại.

Ngày tôi đồng ý với Nam, trên đường trở về, nước mắt cứ rơi lã chã dù đã rất lâu rồi tôi không khóc. Tôi bước đi trên lối cũ tôi và anh từng đi qua, con đường cạnh Hồ Gươm năm nào. Tôi tự đi lại con đường mà anh từng chở tôi về khi tan học, con đường mà chúng tôi đi qua cùng những câu chuyện vặt vãnh trong những đêm hè xa lắc lơ ngày xưa.

Gió hè cuối tháng Năm oi nóng phát cáu.

Tôi bước đi trên con đường của mùa hè năm ấy một lần nữa. Như thể hai năm trước, như thể vẫn có anh sánh bước cạnh tôi. Xung quanh chỉ toàn là kỷ niệm, những cung đường của Hà Nội, nhìn đâu tôi cũng thấy bóng dáng anh.

.

.

.

Em đã yêu người khác, em đã hẹn hò với người khác. Nhất định anh cũng phải như vậy, phải sống hạnh phúc như em.

.

.

Tôi đã yêu người khác, Xin anh đừng ám ảnh trong tâm trí tôi mỗi khi hè về.

Tháng Năm, tháng Sáu... mùa hạ cũng đừng về nữa. Hãy rời đi, hãy để những cơn gió nóng như lò thiêu cuốn đi mùa hè năm ấy.

.

.

Mùa hạ đừng về, vì mỗi lần hạ về, khoảng thời gian đã trôi đi từ ngày ấy càng lớn hơn và đơn vị tính bằng năm.

một.

rồi hai.

ba.

rồi là cả đời...

.

.



Hai năm trôi đi, giọng nói của anh đã dần trở thành quãng ký ức mờ nhạt trong tâm trí tôi.

Về tình cảm, tôi không chắc nó có dần mất đi không. Vì mỗi khi hè đến tôi cứ buồn bã như vậy. Tôi không thể cảm nhận được sự vui vẻ thường có của mùa hè, dù rõ là mùa tôi yêu nhất.

Có thể tôi vẫn còn tình cảm với cậu Tuấn, tôi nhớ anh vô cùng. Tại sao anh lại tốt với tôi như vậy khi chưa từng có ý định sẽ ở lại?... Tại sao anh đối xử tốt với tôi đến thế, khiến cho tôi luôn tìm kiếm bóng hình anh trong người khác.

Những năm đại học tiếp tục, tôi quay trở lại cuộc sống một mình, trong thế giới cô độc riêng như trước khi anh đến.

Khoác lên người diện mạo mới, miệng nở nụ cười xinh, bước đi trên phố tràn đầy rạng rỡ và tự tin. Cuộc sống đại học bận rộn hơn rất nhiều. Một, hai năm trôi đi, cuối cùng tôi cũng đã quen được bạn trai mới. Tôi tưởng bản thân đã thay đổi tốt hơn sau những gì anh đã dạy cho tôi. Phải coi trọng bản thân, phải dần mở lòng với thế giới hơn.

Tôi có bạn trai, đúng là vậy, nhưng tôi vẫn thấy thật cô độc. Hoàng Nam không thể xoa dịu và vỗ về đứa trẻ bên trong tôi, tôi vẫn luôn phải gồng mình khi ở bên hắn như những lúc phải đối diện với thế giới ngoài kia. Trên danh nghĩa là người yêu, thật tâm, tôi vẫn coi Nam là bạn bè. Tôi cũng chẳng buồn dắt Nam đi những nơi chốn ưa thích của mình, hắn giống Nghĩa thôi, làm sao cảm nhận được những điều xinh đẹp ấy. Tôi không hề cảm thấy sự kết nối giữa chúng tôi.

Thời gian trôi hững hờ, vậy mà chớp mắt cái, vài năm đã trôi đi. Tôi học chơi lại vĩ cầm khi mới vào đại học, giờ trình độ đã lấy lại được như trước kia, khá hơn là đằng khác. Chuyện học hành cũng thế, tiếng Anh của tôi rất tốt sau vài năm tiếp xúc với.

Tôi đã hiểu bức thư của cậu Tuấn viết gì, tôi đã biết "I love you" không phải là chào buổi sáng. Và tôi cũng biết vì sao cậu Tuấn lại đối xử tốt với tôi xong vẫn rời đi một cách lạnh lùng.

Giờ đây, tôi đã lớn. Hai mươi tuổi. Trưởng thành khiến tôi hiểu hơn vì sao ngày ấy anh và tôi đều có tình cảm mà không thành, vì mối quan hệ của chúng tôi là không thể nào. Dù là về bất cứ mặt nào, lý trí, thể xác, đạo đức hay hoàn cảnh,... tôi và anh đều sai nếu như thành đôi.

Thật tốt, thật nhẹ nhõm... vì ngày ấy anh đã không nói, rằng anh cũng có tình cảm với tôi. Nếu anh bốc đồng giống tôi, liệu khi đó mọi thứ sẽ rối ren như nào?...

Tôi biết ơn anh, tôi vẫn luôn mong cầu cho anh những điều tốt đẹp nhất. Tôi biết, dù mọi mặt của mối quan hệ của chúng tôi là sai, nhưng cảm xúc của trái tim luôn đúng. Có lẽ là đúng người, nhưng sai kiếp, sai thời điểm gặp gỡ. Chúng tôi không có duyên nợ để bên nhau.

Dù sao tôi cũng đã chờ đợi anh trong tuyệt vọng rất lâu, đến nỗi tôi đã quên vì sao tôi lại chờ và yêu một người xa lạ lâu tới vậy.

Anh là chấp niệm của tôi, nhưng đã đến lúc tôi nên giải thoát chính mình. Tôi sẽ luôn nhớ về anh, người thay đổi cả cuộc đời tôi. Dù biết sẽ không thể gặp lại, tôi vẫn sẽ chúc phúc cho anh mọi điều lành và sẽ tiếp tục cuộc sống mà không chờ đợi anh.

Giờ đây, tôi chưa thể đọc hết "Đỉnh đồi nơi gió thổi", nhưng tôi đã đọc hết bức thư của cậu Tuấn để lại mùa hè năm ấy. Anh có cảm xúc dành cho tôi, nhưng anh rất xin lỗi vì không thể đáp trả tử tế. Biết vậy và bên cạnh tất cả những chuyện đã xảy ra, cuối cùng tôi cũng đã nhẹ lòng hơn. Tình yêu dang dở ấy, mãi mãi là bí mật giữa hai chúng tôi. Tôi biết mình sẽ không bao giờ được gặp lại anh, tôi biết anh sẽ mãi là bí mật ở nơi sâu thẳm nhất trong trái tim tôi.

Thật lòng, tôi vẫn luôn cầu nguyện anh những điều tốt nhất, dù đã cách xa nhau từ rất lâu. Tôi tìm được con đường riêng cho chính mình nhờ sự xuất hiện của anh, và tôi hy vọng anh cũng vậy.

Trong mấy năm đại học, tôi vẫn thường ghé ông giáo Lâm, thăm chú Trường mỗi khi có dịp, thỉnh thoảng lại đến cái quán nhỏ trên phố Nguyễn Hữu Huân thưởng thức cà phê trong chiếc ca nhôm như ngày nào. Nhìn chung, cuộc sống của tôi giản dị và đơn giản, không quá khác trước đây.

Ngược lại, tình hình đất nước đã khác rất nhiều, vì chiến tranh đang leo thang.

Tôi vẫn luôn có mối quan tâm đặc biệt đến tình hình đất nước kể từ khi anh Khuê lên đường vào miền Nam. Năm 1966, Mỹ ném bom phá hoại Hà Nội và Hải Phòng. Hơn nửa phần dân Hà Nội đi sơ tán, đường phố chẳng còn mấy tiếng cười đùa của em bé, thay vào đó là không khí căng thẳng của một thủ đô đang gồng mình chống lại chiến tranh. Gia đình tôi và cả bố mẹ thằng Quang không thuộc diện yêu cầu sơ tán. Trải qua những ngày tháng ấy cùng thủ đô, tôi mới thấy cái gọi là chiến tranh gần kề làm sao. Khi Bác kêu gọi đồng bào, chiến sĩ, tôi thậm chí đã định nhảy vào biển lửa ấy cùng anh Văn Khuê kia mà. Và mặc dù không thể thực hiện ý định ấy, tôi vẫn tiếp tục theo dõi cuộc chiến. Cũng đã sớm dần quen cảnh chạy hầm trú bom, dùng hầm cá nhân, tôi dần hoà nhập với Hà Nội của chiến tranh.

Lên đại học, thành sinh viên, dù bố cấm cản mấy 'trò' như "trò tình nguyên ra chiến trường", tôi vẫn tham gia vài việc ở địa phương - làm thanh niên xung phong trong thành phố, được chọn vào đội dân quân tự vệ. Các anh trong đội không cho tôi cầm súng, sợ tôi không vác nổi. Nhưng các anh cho tôi là người cầm còi, thỉnh thoảng "toét toét" vài tiếng cũng oai. Đội tôi trực ca tối, thỉnh thoảng gặp mấy cặp ngồi bên hồ, mấy đứa lại kiếm trò trêu xong lén cười với nhau. Chứ cười toáng lên, chỉ huy biết thì bẻ tay từng đứa một.

Quãng thời gian ấy giúp tôi nhận ra, thất tình không phải tận thế. Và nếu như trái tim chẳng dành cho cậu chàng nào, thì hoàn toàn có thể lựa chọn dành tình cảm ấy cho quê hương đang vươn mình đứng lên đấu lại Đế quốc.

Năm học thứ ba đại học trôi đi phân nửa, đêm giao thừa 1968, tôi ở nhà với bố mẹ và em gái, không có lịch trực cho tôi hôm nay. Cô chú cạnh nhà về chỗ sơ tán ăn tết với độc đinh - thằng Quang.

Chiếc đài cát-xét nhỏ của bố để ở góc bàn, rè rè phát ra lời chúc của Bác. Đồng hồ vang tiếng báo hiệu nửa đêm. Trên bàn thờ, mâm cơm cúng giao thừa đang nghi ngút hương khói. Sau vài ngày Tết, tin dữ nhất đã đến với gia đình chúng tôi: Chiến dịch Mậu Thân tại Sài Gòn thất bại, anh Văn Khuê bị bắn trên ngực ngay gần vị trí tim, hiện đang bị gãy cánh tay trái, rạn xương mắt cá chân phải, chưa kể mảnh đạn nhỏ găm một bên má gần thái dương. Hiện không ai rõ sống chết ra sao, nhưng ai cũng đoán già non sau ca này, Văn Khuê mà sống cũng chỉ có thành thương binh, chỉ huy bù nhìn chứ làm sao xông pha tiếp nổi trận nào.

Chiến dịch thất bại, thậm chí còn suýt lấy đi người thân thiết nhất với tôi trong gia đình. Thủ đô tôi lớn lên từ nhỏ bị máy bay của Mỹ phá hoại ngày đêm. Lần đầu tiên, sau gần hai năm kể từ ngày bố tôi "răn đe" về việc tình nguyện ra chiến trường, cái suy nghĩ ấy bắt đầu nhen nhóm lại trong tâm trí tôi.

Lần này, không phải vì tôi muốn chết quách đi, mà là vì tôi thực sự muốn đi, tôi giúp đỡ nơi chôn rau cắt rốn của mình. Có thể con tôi sẽ không tồn tại, nhưng bố mẹ, em gái và bạn bè, thậm chí cháu tôi sau này sẽ được sống ở Hà Nội, một Hà Nội vui vẻ và yên bình như trước. Có tiếng trẻ em cười đùa, có thanh âm của sự sống.

Tôi quyết tâm là vậy, nhưng vẫn chưa nói cho ai. Tôi giữ trong lòng tất cả ý nghĩ và dự định. Nhờ đó tôi đã gặp vô số chuyện "thú vị". Các trường kêu gọi sinh viên tình nguyện tham gia, trong khi tôi nóng lòng suy nghĩ tới lui nên làm đơn hay thôi, có người bên cạnh tôi đang run sợ như cày sáy.

Tôi không biết anh người yêu bố đời, ưa đánh đấm ấy lại sợ chết, sợ đi giúp đỡ đất nước bằng "nắm đấm của anh" tới vậy. Hoàng Nam tìm mọi cách hoãn giấy gọi. Hắn muốn lấy cớ mới có vợ, mới lập gia đình, nhà khó khăn nên không đi. Thế là từ nài nỉ đến đe doạ tôi cưới gã, đúng là thằng điên, tôi thật sự không nghĩ nó là người hèn tới vậy - ăn bám bố mẹ và trốn nhập ngũ bằng mọi cách.

Đó là lý do tôi đá hắn sau gần một năm quen. Từ ngày ấy, tôi bắt đầu bị làm phiền. Hắn nói sẽ không ai cưới tôi nếu tôi không đồng ý hắn, hắn đi đặt điều cho cả phường cùng nghe, kể lể bao nhiều thói hư tật xấu trời ơi đất hỡi về tôi từ chợ đến cổng chùa. Nói nếu tôi không chịu cưới, sẽ không ai chịu cưới đứa con gái nào bị nhà người ta huỷ đám sát giờ tận hai lần.

Bên cạnh né tránh thằng điên ấy, tôi vẫn quay cuồng trong suy nghĩ: đi hay không đi?

Tiền phương vẫy gọi, họ cần người.

Dòng máu yêu nước như một mã gen truyền thống chảy trong những người con họ Phạm gia đình chúng tôi. Những câu chuyện anh Văn Khuê gửi từ tiền phương về trước đây, những lời kêu gọi thanh niên, những lần Mỹ ném bom thủ đô thân yêu... Từ ngay khi còn nhỏ, tôi đã có ấn tượng tốt đẹp với những chiến binh và con người đứng lên vì đất nước. Không đâu xa mà ngay người thân thiết trong gia đình - anh họ, tôi ngưỡng mộ anh Văn Khuê và cũng thương anh, nhớ anh nhiều. Anh đánh đổi mạng sống và mọi thứ vì đất nước, làm một công việc nguy hiểm hết sức tại nơi xứ lạ. Để giờ, như theo người ta nói, anh sắp thành thương binh tàn phế.

Tôi cũng muốn đóng góp sức mình như anh, dù chỉ góp được phần nhỏ. Gia đình tôi, từ ông đến bác trai, đến chú, đến bố, rồi cả người anh con bác... họ đều tham gia từ thời Pháp đóng, giờ tới Đế quốc Mỹ. Là thế hệ sau, tôi cũng muốn đi theo con đường của gia đình tự lúc nào.

Hàng nghìn người chết trong trận chiến ngày giao thừa ấy, họ là những người cũng có mong muốn tốt đẹp vì hạnh phúc, độc lập của dân tộc. Khi họ đã nằm xuống, những người con sẽ tiếp tục sứ mệnh hào hùng ấy của dân tộc. Tôi tự hào vì được tham gia hoạt động đóng góp giống anh Văn Khuê, tôi cũng không sợ trời, không sợ đất. Tôi từng sống mà không có ý nghĩa, nếu tôi không có đam mê riêng cho bản thân, vậy thì tôi sẽ hiến tặng cuộc sống cho mảnh đất đã bao bọc và nuôi lớn tôi từng này. Tôi luôn sẵn sàng mà không có bất cứ nuối tiếc nào cả.

Đó là những suy nghĩ của tôi khi đặt bút viết ba chữ cái "Đơn tình nguyện" in hoa to tướng và ký tên Phạm Hiểu Phương ở dưới cùng một lần nữa. Hôm ấy, "Đơn tình nguyện" ngay lập tức được viết ra, mực đen khô trên giấy trắng. Có trốn nhà tôi cũng sẽ đi. Thêm chuyện mười chị thanh niên xung phong hy sinh ở Hà Tĩnh mới đây, tất cả như một cú chốt hạ mạnh mẽ cho suy nghĩ suốt mấy tháng qua của tôi.

Tất nhiên, đây là kế hoạch lén lút. Nếu được chấp thuận, tôi chỉ báo gia đình một tiếng và đi ngay. Tôi chuẩn bị đồ đạc, quần áo sẵn như thể mình sẽ xông pha đi rừng Trường Sơn bạt ngàn, phá bom và lấp đường như các chị con gái khác như chú Trường từng kể. Nhưng rồi, chuyện lên đường nhập ngũ có lẽ chỉ là một giấc mơ đẹp.

Hôm ấy bố tôi hầm hập chạy về nhà giữa trưa nắng, ông ném một tờ giấy mỏng tang vào giữa mâm cơm gia đình. Tôi nhận ra đó chính là tờ đơn tình nguyện tham gia nhập ngũ, cuối tờ giấy là nét chữ ký quen thuộc: Phạm Hiểu Phương.

Tôi lại quên mất, bố tôi là người trong Công an, và chức vụ của ông không nhỏ.

Hai bố con tôi đã có một cuộc nói chuyện lời ra tiếng vào hôm đó. Ông như phát điên lên khi thấy tên con gái mình trong đám giấy tờ ấy lần thứ hai. Mặc dù ông Kỳ là người khó tính và đáng ghét, nhưng sự phẫn nộ của ông chưa từng biểu lộ trên gương mặt và lời nói một cách rõ ràng. Lần đầu tiên tôi thấy ông làm ầm lên như vậy, lần đầu tiên tôi thấy bố chuyển hoá sự giận dữ của mình thành những ngôn từ khó nghe và xúc phạm. Lẽ nào ông vẫn muốn tiếp tục kiểm soát cuộc đời tôi bằng mọi cách?

Chẳng có bữa trưa nào nữa, cả khu phố vắng lặng trong cái nắng trưa gay gắt, chỉ có tiếng tôi và bố cãi nhau. Lần đầu tiên, ông xuống tay tát thẳng mặt con cái. Khỏi nói mẹ tôi và Hạnh Vân đã bất ngờ và khiếp sợ như nào.

Bố tôi là người gia trưởng, hẳn là thế, chứ không tự nhiên ông cáu ầm lên vì tôi không nghe ý ông sao? Ông chửi chán chê, bảo tôi không đi du học là bắt đầu rảnh rỗi, làm càn, việc đi lính không phải trách nhiệm của con gái. Ông xé tan tờ đơn tình nguyện, lẩm bẩm biết thế để tôi cưới quách thằng Nghĩa đi cho xong.

Cưới là cưới quách thế nào? Với lại, trong chiến tranh, đàn ông và đàn bà có trách nhiệm với đất nước như nhau. Trách nhiệm và lòng yêu nước không dựa trên giới tính.

Mẹ van nài tôi nhận sai với bố và hứa hẹn đại đi cho yên nhà yên cửa. Nhưng lần này tôi chọn cãi cả mẹ, tôi đã nhịn cho "yên nhà cửa" hơn hai mươi năm nay.

Câu nói cuối cùng của bố tôi thật sự khiến tôi cảm thấy tôi không nên sống trong cái nhà này nữa.

"...Là vì tao quá chiều mày mới sinh hư, nếu mày cưới thằng Nghĩa rồi đi Liên Xô thì sẽ có chuyện như này à? Bây giờ mày cứ yên phận lấy chồng, cút về bên nhà người ta, rồi người ta cho đi đâu thì đi. Đến lúc đấy mà ra chiến trường rồi chết luôn cũng được, không phải què quặt như thằng anh mày!"

"Tức là con lấy chồng là đi được à?"

"Mày lấy chồng thì là người nhà người ta, muốn cút đi đâu thì cút! Chết luôn càng tốt cho rảnh nợ đời!"

.

.

Những lời nói của bố như là thách thức đối với tôi. Cả cái nhà này biết rõ chuyện tôi và Hoàng Nam nhất, ông nói thế rành rành ra là đang thách tôi quay lại với thằng hèn kia và cưới nó.

Vì ông biết tôi sẽ không bao giờ làm vậy, dù có muốn đi đến cỡ nào, tôi cũng sẽ không vì điều ấy mà cưới Nam.

Sau hôm đó, hai bố con chiến tranh lạnh. Tôi ghét ở nhà, ra đường thì trốn đâu cũng gặp thằng điên kia làm phiền. Tôi bèn đến nhà Khải "tránh bom".

Tôi đến thăm anh Khải - bạn cậu Tuấn - không nhiều như đi sang nhà ông giáo. Chỉ có dịp hay có đồ gì ngon, mẹ bảo tôi mang sang cho anh thì tôi mới đi. Anh Khải vẫn sống ở căn nhà trên phố Lý Thái Tổ ấy. Con mèo bác giúp việc cho anh giờ đã lớn tướng sau ba năm. Tôi xuất hiện ở nhà anh nhiều, anh thấy lạ bèn hỏi thăm. Tôi cũng tâm sự hết ra, dù sao anh Khải không phải kiểu người sẽ nói với người khác hay là đánh giá người ta.

Biết chuyện, anh rất thông cảm và đồng ý để tôi đến chơi. Thế là cứ chiều nào không bận, tôi trốn sang nhà anh Khải. Anh Khải là người Liên Xô, nhưng anh nói với tôi, thật ra anh người Đức di cư sang. Tôi cười, bảo sao khiếu hài hước của anh bí ẩn vậy. Anh cũng biết đùa chứ không lạnh tanh như Hít-le, tôi nghĩ anh là người hài hước ngầm.

Tôi bất cần một, anh Khải phải bất cần độ tám hoặc bảy. Đợt sơ tán, anh Khải thuộc diện phải đi. Anh có thể về nước hoặc di tản theo tổ dân. Tôi sang nhà anh nói chuyện vì mẹ tôi bảo anh Khải có thể sơ tán về quê nội tôi, nhà bà tôi rất rộng. Nhưng khi nghe về hành trình di chuyển mà không được ngồi ô tô của bác trai nhà tôi, Khải quyết định ở lại Hà Nội.

Anh lại còn bảo lỡ bom ném trúng thì chết thôi chứ làm sao.

Đúng là người Liên Xô có khác, vui tính phải biết!

Trong thời gian chiến tranh lạnh với bố, tôi vẫn nghĩ cách làm sao để tham gia ra tiền phương. Thật sự rất nan giải vì tôi không thể đi khi đơn bị từ chối, và tất nhiên tôi sẽ không lấy Hoàng Nam, thà chết còn hơn! Tôi hỏi ông giáo, hỏi anh Khải, hỏi chú Trường, hỏi Ngọc Hà, hỏi ý kiến ti tỉ lần. Nhưng ai cũng bảo đúng là chỉ có cách lấy chồng hoặc đi chui, có cán bộ lớn cho dựa lưng.

Cán bộ lớn thì chẳng quen ai. Lấy chồng thì...

Quả thực là một bài toán nan giải. Không dành cho mấy đứa văn nghệ sĩ như tôi đây. Tôi cứ đau đáu, thở dài mãi khi nghĩ về câu trả lời cho "bài toán".

Sau khoảng gần hai tuần chiến tranh lạnh với bố, tôi nhận tin vui: anh Văn Khuê về Hà Nội thăm!

Gặp anh, tôi mừng phát khóc. Cánh tay và bên chân phải băng bó sọp đi hẳn sau nửa năm trời tù túng trong mớ bông vải. Anh gầy và xanh xao đi nhiều. Không chỉ vậy, anh tôi vốn dĩ đẹp trai, sáng sủa. Vậy mà giờ đây, bên má có vết sẹo do mảnh đạn nhỏ găm. Gặp lại anh còn sống, mẹ tôi cứ khóc vì thương anh mãi. Cũng may, ông thương, cụ thương cho thằng cháu trai trưởng họ còn về được nhà.

Anh Khuê về là tin vui. Nhưng vấn đề chính vẫn chưa được giải quyết. Tôi chả hỏi ý kiến anh được, anh về ăn bữa cơm xong cứ đi công chuyện miết mải. Nói chuyện thì chắc phiếm vài câu xong anh đi tiếp.

Tôi cũng bất lực, tiếp tục quay về như trước, sang nhà anh Khải chơi. Nghe loáng thoáng tin anh Khuê về, thằng Nam sợ, không dám sang phiền khi tôi ở nhà. Chắc ai cũng biết cho dù nếu có què, anh Khuê vẫn xử tốt thằng oắt ngon ơ. Nhưng sau vài hôm, nó biết anh bận hay sao nên bắt đầu sang phá một cách tạo tợn.

Hôm nay, tôi sang nhà anh Khải sau một tuần chưa ghé. Anh bận vẽ vời trong phòng riêng. Nhà bếp yên ắng. Lồng bàn đậy đĩa thịt băm xào. Con mèo tên Gừng nũng nịu người vuốt ve nó như thói quen. Cánh cửa ban công mở toang, gió lùa vào nhà nhè nhẹ. Mùa thu sắp quay về rồi đây.

Tôi đi qua cái phòng trống mà anh Khải hay vứt đồ linh tinh không dùng vào với bày kệ sách, tôi định mượn anh một cuốn đọc giết thời gian. Nhưng hôm nay căn phòng ấy rất lạ - không hề bừa bộn đồ đạc trên sàn như mọi khi - gọn gàng và ngăn nắp từ cái giá sách đến góc treo đồ. Ở cạnh đó có một chiếc túi da màu đen và một cái cặp táp nhỏ, và giường thì giống như ai đó ngủ tối qua. Tôi sang phòng anh Khải đang làm việc:

"Anh mới sửa phòng trống thành phòng ngủ à?"

Tôi ngó lên chiếc giường lộn xộn chăn gối, quần áo, bút chì và giấy vẽ của anh. Hẳn là như thế thật.

Khải đang tập trung hí hoáy làm việc, mắt anh cắm vào bàn luôn quá. Có khi lời tôi nói anh không nghe lọt tai một chữ, anh ậm ừ cho xong rồi tiếp tục công việc.

Tôi nhún vai, tốt hơn không nên làm phiền đến người đang cố tập trung. Tôi rời phòng của Khải, bước ra ban công đứng hóng gió. Tiếp tục suy nghĩ câu trả lời cho bài toán nan giải của mình.

Khoảnh khắc chạm mặt ấy, tôi sẽ không thể nào quên. Khi nhìn thấy gương mặt người đàn ông đứng bên kia đường, trái tim tôi như trật mất một nhịp. Trong đầu chỉ hiện lên hai chữ: "Cậu Tuấn".

Tôi vẫn nghĩ tôi đã hoàn toàn quên anh. Không phải tôi không nhớ anh là ai, mà là tôi không còn thương nhớ anh trong vô vọng nữa. Anh như một kỷ niệm đẹp tôi cất giữ sâu trong trái tim. Một bí mật nằm đáy lòng đại dương bị mai một dần bởi dòng nước.

Nụ cười ấm áp và đôi mắt một mí, ánh mắt sâu hun hút ấy của anh ta rất giống người tôi luôn nhớ mong... Một người đàn ông phong độ và có gương mặt sáng ngời. Anh ta thực sự là cậu Tuấn hay là ai? Nếu là người khác, làm sao có thể chân thực và giống tới vậy?

Hôm nay, khi gương mặt anh một lần nữa xuất hiện trước mặt tôi. Tôi mới nhận ra, hóa ra tôi chưa từng quên anh, chưa từng hết tình cảm với anh. Tôi nghĩ tôi quên hết rồi nhưng không phải. Giữa biển trăm người, chỉ cần một câu nói, một cái liếc mắt, tôi có thể ngay lập tức nhận ra đó là anh - cậu Tuấn, chàng trai ngoại quốc của tôi, mối tình mùa hè vội vã của tôi năm mười tám.

Tôi tưởng, cậu Tuấn đã đi vào cõi lãng quên của hồi ức trong tôi. Tôi không còn nhớ rõ gương mặt, giọng nói hay bóng hình của anh nữa. Anh chỉ còn là chấm xám mờ nhạt trong cuộc đời tôi. Mối nhân duyên của chúng tôi đã chấm dứt. Nhưng không, tôi chẳng thay đổi gì cả. Sau khi anh đi, tôi chỉ đang cố gắng quên đi tình yêu trước, cố gắng luôn bận rộn để không nghĩ về anh nữa.

Có lẽ đó là lý do vì sao khi thấy ánh mặt và khuôn mặt người đàn ông kia, tôi đã giật mình - anh ta trông y hệt cậu Tuấn, đến mức tôi đã nghĩ anh về thăm Hà Nội rồi.

Tôi không tin, nhất định cái người đứng bên đường đấy không phải anh! Sao lại anh được chứ?... Nhưng tại sao lại có người giống tới vậy? Nhưng giống thì giống, làm sao đó có thể là anh được? Chúng tôi làm sao có thể gặp lại được?

Đầu óc tôi quay cuồng với dòng suy nghĩ, không phải vì tôi quá căng thẳng với việc trốn chạy Hoàng Nam mà sinh hoang tưởng chứ?

Tôi rảo bước, rời nhà anh Khải. Tôi cứ bước đi thẳng về phía trước con đường, đầu óc vẫn hoang mang. Anh ta là ai...?

"Hiểu Phương!"

"Hiểu Phương ơi."

.

.

Giọng nói trầm ấm, nhẹ nhàng, dịu dàng ấy cất lên gọi tôi nhiều lần. Tiếng gọi ấy như âm thanh ám ảnh từ quá khứ vọng về. Ánh mắt anh, nụ cười anh khi đôi môi ấy phát ra tên tôi. Chúng khiến trái tim tôi nát tan khi nhớ đến. Tôi thở dài, vỗ nhẹ đầu mình mấy cái. Nhìn trước sau để định hình lại mọi thứ, tôi thấy anh ta theo khá sát đằng sau rồi.

Đang lạc trong suy tư, bất chợt tiếng còi vang lớn khiến tôi tỉnh khỏi mê sảng.

Báo hiệu máy bay đang Mỹ đến. Dường như sắp có một đợt thả bom nữa xuống Hà Nội.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro