Đăng hoa bất kham tiễn
Dựng
.
Lịch sử cổ đại Trung Quốc mở ra bằng thuở hồng hoang nguyên sơ nhuốm màu thần thoại của Tam Hoàng Ngũ Đế: Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhân Hoàng; Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Đế Nghiêu, Đế Thuấn. Khi vua Thuấn qua đời, Hạ Vũ lên ngôi, bắt đầu triều đại phong kiến đầu tiên trong lịch sử.
Nhà Hạ cùng với truyền thuyết Hậu Nghệ – Hằng Nga kéo dài 439 năm, đến đời vua Kiệt thì mất vào tay Thương Thang. Nhà Thương tiếp nối cai trị Trung Hoa 644 năm, cho đến lúc vị vua thứ ba mươi Trụ Vương bị hồ ly tinh Đát Kỷ mị hồn, bộ tộc Chu ở sông Vị nổi dậy chống Thương. Vua Trụ chạy lên Lộc Đài tự thiêu, nhà Thương diệt vong, Cơ Phát trưởng tộc Chu lên ngôi gây dựng nhà Chu, triều đại dài nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Nhà Chu khởi nguồn ở sông Vị phía Tây nền văn minh Thương, vì vậy sử sách gọi giai đoạn này là Tây Chu. Sau khi Chu U Vương bị quân Khuyển Nhung giết chết, mỹ nhân “nghìn vàng đổi một nụ cười” Bao Tự thắt cổ tự vẫn, thái tử Nghi Cữu lên ngôi, dời đô về thành Lạc Dương phía Đông. Từ đây bắt đầu giai đoạn Đông Chu. Đông Chu lại được chia làm hai thời kỳ là Xuân Thu và Chiến Quốc.
Tên gọi Xuân Thu bắt nguồn từ cuốn Kinh Xuân Thu được cho là của Khổng Tử. Ở giai đoạn này, Trung Quốc lấy sự cai trị của nhà Chu làm trung tâm, quần tụ xung quanh là nhóm các tiểu vương quốc còn gọi là các nước chư hầu. Sau khi dời đô về phía Đông, quyền lực của nhà Chu liên tục suy giảm, dần dần không thể khống chế sự nổi loạn của các nước này. Vua nhà Chu bấy giờ chỉ còn cai trị trên danh nghĩa, quyền lực thực sự nằm trong tay các chư hầu hùng mạnh. Các chư hầu đó đánh nhau để giành ngôi bá chủ, thay nhà Chu điều khiển các nước yếu hơn, dù trên danh nghĩa họ vẫn mượn tiếng nhà Chu để áp chế các tiểu quốc yếu. Thời Xuân Thu là một giai đoạn lịch sử nguy hiểm và đầy biến động, biến giới lãnh thổ bị chuyển dịch tới lui, các cuộc xâm lấn thường xuyên xảy ra, các liên minh được lập nên rồi giải tán với sự nhanh chóng đáng kinh ngạc.
Năm chư hầu mạnh nhất thời kỳ này được xưng là Xuân Thu Ngũ Bá, bao gồm Tề Hoàn Công (nước Tề), Tấn Văn Công (nước Tấn), Sở Trang Vương (nước Sở), Tần Mục Công (nước Tần), Tống Tương Công (nước Tống). Sau giai đoạn huy động chiến tranh ở mọi góc độ, Tề, Tần, Tấn và Sở cuối cùng đã đi đến một quyết định liên minh đình chiến, biến Tống và các nước khác trở thành nước vệ tinh.
Tuy nhiên, giai đoạn hoà bình ngắn ngủi này chỉ có tính chất tạm thời, đóng vai trò bước đệm giữa Xuân Thu và một thời kỳ loạn lạc khói lửa bi thương sau này: thời Chiến Quốc.
Tên gọi Chiến Quốc bắt nguồn từ cuốn Chiến Quốc Sách được nhà Hán đời sau biên soạn. Chiến Quốc chính thức bắt đầu khi ba họ lớn nhất ở nước Tấn là Triệu, Ngụy và Hàn phân chia đất nước; triều đình bất lực nhà Chu bắt buộc phải công nhận quyền lực của họ.
Lúc này cục diện Trung Quốc đã có sự biến đổi: rất nhiều nước chư hầu vừa và nhỏ đã bị thôn tính, chỉ còn lại bảy thế lực hùng cứ các phương bấy giờ là: Tề, Tần, Sở, Triệu, Ngụy, Hàn và Yên, sử gọi là Chiến Quốc Thất Hùng. Trái với thời Xuân Thu, sự tăng cường quyền lực của các nước chư hầu lúc này được đánh dấu bằng việc thay đổi danh hiệu: trước kia các lãnh chúa vẫn xếp mình vào bậc công (公) hay hầu (侯), chư hầu của vua nhà Chu; nhưng trong giai đoạn này họ đã lần lượt tự xưng vương (王), đồng nghĩa với việc ngang hàng thiên tử nhà Chu.
Mộng bá chủ trung nguyên như trăng khuyết lại đầy, triền miên không bao giờ chấm dứt. Loạn thế xuất anh hùng, biết bao học giả, thuyết khách, mưu sĩ, tướng quân đã bị cuốn vào vòng xoáy tranh giành quyền lực. Không ít người nhận lấy kết cục bi thảm như Khuất Nguyên trầm mình dưới sông Mịch La, Hàn Phi bị tiểu nhân đầu độc, Tô Tần bị người đâm chết, Vệ Ưởng bị xử phanh thây. Các nước đưa Thế tử của mình sang nước bạn làm con tin chính trị, mười người đi tám chín chẳng trở về. Các công tử con cháu chư hầu vương thi nhau nuôi thực khách trong nhà làm chỗ nhờ cậy và khuếch trương danh tiếng. Thực khách trong nhà các công tử, cũng như các nhà quyền quý khác, có ăn ngon thì đến, không ăn ngon thì đi; hoặc chủ đắc sủng thì tới, chủ thất sủng thì bỏ. Tuy nhiên đám thực khách đó không phải người nào cũng sống ăn bám và bạc bẽo. Sự ngưỡng vọng, trung thành và trả ơn của một vài người trong số họ đã vượt quá cả bốn chữ “kết cỏ ngậm vành”…
Cho đến khi Tần Doanh Chính lần lượt diệt hết sáu nước phía Đông, thống nhất Trung Hoa trở thành vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử, thì vẫn là một câu chuyện dài cần phải kể…
.
.::.
.
Chương 1
Tô Tử thong thả xòe bàn tay trắng nõn, xuất ra cái giá vô cùng thấp.
“Bảy đồng, thêm nửa cắc không lấy!”
Lão chủ quầy thuốc nhìn hắn lòng ai oán: “Thêm vài đồng nữa bộ lấy mạng ngươi sao?!!”
“Đúng vậy!” Tô Tử chắc như đinh đóng cột, đoạn bốc một nắm thuốc đặt dưới ánh sáng đèn: “Ông chủ, nhìn thuốc của ông đi, dính dấp mùi nồng màu xỉn, nói không chừng là thuốc giả, uống vào chết người chưa biết chừng!”
Kẻ làm thuốc xưa nay kỵ nhất bị nghi ngờ chất lượng, chủ quầy lập tức sầm mặt: “Ngươi giỏi thì biến, đừng mua!”
Người xưa dạy mềm nắn rắn buông, Tô Tử mặt dày cười hì hì: “Tiểu đệ tất nhiên là không giỏi rồi, hôm nay không mua được thì nhất định không đi a…”
Cái phường vô lại này dính vào thật là xúi quẩy! Bảy đồng bạc bảy lạng thuốc, gói lại ném tới trước mặt Tô Tử.
Đang lúi húi giở bạc trả tiền, bất chợt ngoài đường ập vào hai gã đại hán cao to, theo sau còn có một bà dì, hầm hầm chỉ mặt Tô Tử quát: “Nó đấy! Lúc nãy trên đường chính nó móc tiền của tôi!”
Tô Tử nhìn rõ người vừa đến, lập tức chộp bọc thuốc khơi khơi vặn lại: “Tiền đó vốn là của tôi, giữa thanh thiên bạch nhật dì đem ngực cọ vào tôi thì có!”
Hai gã đại hán cùng ả kia vốn làm cùng một phủ, biết tỏng bản tính lẳng lơ của nữ nhân này, nghe Tô Tử nói thế thì dở khóc dở cười, liền bị bà ta bạt mấy cái vào đầu, đoạn gào thét đòi chỉnh cho Tô Tử một trận.
Tô Tử tay chân nhỏ gầy, vóc người chưa đến sáu thước, tự nhiên không phải đối thủ của hai tên lực lưỡng, hai ba chiêu đã trúng mấy quyền vào bụng. Hắn vốn ăn uống không đủ, mấy ngày nay lại đi bộ đường dài, chật vật chống đỡ một hồi, biết không được liền ôm gói thuốc chạy trốn. Ra đến cửa còn không quên nẫng luôn túi mầm cát cánh, khiến chủ quầy chỉ còn biết ngửa mặt nhìn trời mà khóc tu tu.
Đám người ào ra khỏi tiệm đuổi theo, nhưng nhoằng một cái đã không thấy bóng. Lùng sục xong bèn hậm hực quay về, không biết từ lúc nào trước cửa hiệu thuốc đã nhốn nháo quan binh. Một vị đại quan choàng áo lông cừu ngồi trên ghế gấp ở chính giữa.
Chủ quầy trong lòng khiếp sợ, hớt hải cười cầu tài bước ra, liền bị hỏi có người nào đến tiệm mua một lượng lớn thuốc bổ trị thương không.
“Bẩm quan gia,” khuôn mặt ông già lộ vẻ khó xử, “Thuốc công dụng cao thì chưa ai mua, nhưng dược trị thương tầm thường thì có người mua gần mười lạng.”
Vị đại nhân liền hỏi: “Lần gần đây nhất là người ở đâu đến, có nhận biết được không?”
Chủ quầy đáp: “Bẩm, thảo dân không rõ, nhưng nhìn lời nói cử chỉ thì rõ là phường du thủ du thực.”
Viên quan có bụng nghi ngờ, bèn hỏi tiếp: “Đã có người nào áo quần hoa lệ, hoặc mặc quân phục Tiễn quốc ta đến đây chưa?”
Chủ quầy ngẫm ngợi một lát, rốt cuộc lắc đầu.
Một vị dáng vẻ văn sĩ đứng bên khom mình nhắc nhở: “Chúng có thể giả dạng thường dân, đại nhân hỏi diện mạo cụ thể xem sao.”
Viên quan gật đầu, chủ quầy theo đó mô tả lại: “Người đó thân không đến sáu thước, dáng vẻ mi thanh mục tú nhưng xem ra lại quá mức âm nhu, à phải, trên trán còn một vết sẹo nhạt nữa.”
Văn sĩ nghe xong bèn thấp giọng: “Môn khách thân cận của công tử Hàm không có người nào như vậy.”
Vị đại quan gật đầu, thở dài đứng dậy lên ngựa, lệnh cho binh sĩ chỉnh lại đội hình xuất phát. Thoáng chốc người ngựa binh giáp đã rời đi. Lưu lại tiệm thuốc lúc này là mấy người rảnh rỗi ra xem náo nhiệt.
“Hôm nay có chuyện gì à?”
“Chương Quốc Công băng hà rồi, nghe nói Chất tử Hàm ở nước ta làm con tin đêm qua bỏ trốn!”
*
“Thế tử, người tên Tô Tử này không nên tiếc làm gì!”
Dưới ánh đèn, Lý Nhiễm Cầu một tay chống đất, khẩn thiết khuyên ngăn: “Đang lúc nước nhà thành bại mà vẫn giữ nam sủng bên mình, người không sợ đời sau nhạo báng sao?”
“A Tử không phải nam sủng.” Công tử Hàm cuộn thư quyển trên tay lại, quan ngọc lấp lánh dưới ánh đèn mờ ảo. “Hắn là thực khách của ta, đã thề cùng nhau sống chết. Nói vứt bỏ là đạo lý gì? Cứ theo lời Lý tướng, đuổi hắn đi chẳng phải tạo thêm một người tha phương cầu thực?”
Lý Nhiễm Cầu thở dài: “Lần này về Chương phải kế thừa vương vị, phong hậu lập phi. Tô Tử ở lại bên người vô cùng bất tiện, chi bằng bây giờ hãy để hắn tự do.”
Người trẻ tuổi chỉ ung dung cười: “Lần này về Chương, việc đầu tiên là liên quân khởi binh đánh Tiễn. Chị ruột Tô Tử là tỳ nữ của Tường phu nhân, sủng phi của Quách Quốc Công, sau này nhất định có việc dùng.”
Lý Nhiễm Cầu lộ vẻ khinh thường: “Tô Tử lưu lạc phong trần nhiều năm, đầu lưỡi mọc hoa, việc này sao có thể tin được?”
Công tử Hàm khoát tay: “Thanh quan bán nghệ không bán thân, không tính là lưu lạc phong trần. Về phần đầu lưỡi mọc hoa, dùng làm thuyết khách không phải hợp lắm sao?”
Lý Nhiễm Cầu nhíu mày: “Tiểu tử đó tính tình lơ đễnh, lòng dạ hẹp hòi nhỏ mọn, vô phép vô tắc, biết dùng như thế nào đây? Bây giờ lại không biết chạy đâu rồi, giữ bên người chỉ thêm nguy hiểm!”
“Hắn ra ngoài làm việc đã báo trước với ta. Người này giữ hay bỏ tự ta đã có chủ ý, Lý tướng quân không cần đa sự.”
Lý Nhiễm Cầu đã nói hết nhẽ nhưng trước sau vẫn tay chống chân quỳ. Được một lúc bên tai bỗng truyền đến tiếng người đi rất nhẹ, ngay lập tức nắm chặt chuôi đao cảnh giác. Miệng giếng thông lên mặt đất khẽ động, một thiếu niên leo xuống dọc thang dây.
Mặt mũi thanh tú, thái dương còn lưu vết sẹo nhạt. Đúng là Tô Tử.
“Đoán là ngươi nên ta vẫn để đèn.” Công tử Hàm cười.
Trên tay còn nắm chặt gói thuốc, Tô Tử đi đến thành giếng ghé tai nghe ngóng, đoạn thở dài: “Phiền công tử vì thực khách lao tâm.”
Bỗng nhiên trên miệng giếng có người dùng thùng gỗ đập vào ba tiếng, là tín hiệu có kẻ đến điều tra. Công tử Hàm vội thổi tắt đèn. Ba người đứng im trong bóng đêm, chừng một tuần hương lại nghe ba tiếng trầm đục nữa, ý nói đã qua nguy hiểm.
Một lát sau đèn được khêu lên, công tử Hàm đem Tô Tử ủng vào trong ngực, tự mình dùng đầu ngón tay day nhẹ thái dương cho hắn. Lý Nhiễm Cầu không quen nhìn cảnh tượng nam nhân thân mật, trong lòng chán nản thở dài, chợt thấy Tô Tử ngẩng lên, giở bảy lạng thuốc ra bàn.
“Lý đại nhân, đây là thuốc trị thương của đại nhân, sợ lưu manh mối nên chỉ mua loại dược tính ôn hòa. Bình phục chậm hơn, nhưng có thể trấn áp cơn đau cũng coi là tạm được.”
Lý Nhiễm Cầu thấy hắn thay mình đi bốc thuốc, sắc mặt thoạt trắng thoạt hồng, vui mắt vô cùng. Đương lúc không biết làm sao, lại có một nho sĩ áo trắng leo xuống từ miệng giếng.
.
.
Chương 2
Nho sĩ này là chủ nhân nhà cỏ ngoài miệng giếng, cũng chính là mật thám nằm vùng của Chương quốc, y lại gần trình lên tin tức chim đưa thư mang về. Công tử Hàm bày thư tín lên bàn, trong thư tóm lược tình hình hiện thời ở Chương, kế đó là tin ba ngày sau, mười tử sĩ sẽ đợi ở trạm dịch bên ngoài biên giới Tiễn quốc, hộ tống Thế tử trở về.
“Trạm dịch cách nơi này gần sáu mươi dặm, từ đây đến đó đã sắp xếp một mật thám khác, Thế tử đến đó nghỉ chân, độ một hai ngày là có thể hồi Chương.” Nho sĩ áo trắng từ tốn giải thích, bất giác nhìn thấy bọc thuốc Tô Tử đem về: “Vừa rồi quân binh đến điều tra xem ai mua thuốc trị thương. Cũng may Tô công tử tự mình đi mua, nếu tôi đi chắc đã sinh chuyện, phiền toái đến Thế tử.”
Tô Tử nghe vậy, thè lưỡi cười một cái.
Lý Nhiễm Cầu đứng bên cạnh thấy nho sĩ cũng hùa theo khen ngợi, lòng càng thêm phiền muộn, bèn xin lên miệng giếng hít thở khí trời. Không bao lâu nho sĩ cũng rời đi, Tô Tử lại nhu thuận nằm trong lòng công tử Hàm, làm lò sưởi giữ ấm cho y đọc sách duyệt thư.
Được một thời gian, hai người đều có phần mệt mỏi. Tô Tử đứng dậy, trong bụng bỗng sôi ùng ục, đúng là cực đói. Hắn vội quay đi che dấu, lại bị công tử Hàm lấy tay đặt lên bụng.
“Tưởng ta không nhận ra sao?”
Trời đang rét đậm, thâm sơn cùng cốc lương thực thiếu thốn, tất cả đồ ăn trước hết phải dành cho Thế tử, sau đó đến hộ vệ Lý Nhiễm Cầu bổ sung thể lực, phần còn lại ít ỏi không được bao nhiêu.
Tô Tử dường như chẳng hề để tâm, cười rộ lên: “Ếch nhái bụng rỗng kêu to! Thực khách bụng no cũng kêu, công tử nếu bị cái bụng của thực khách lừa thì sau này thượng triều làm sao phân biệt được đâu là trung đâu là gian?”
Nam tử cuộn thư quyển lại, ôn nhu nhìn hắn: “Cái miệng trơn thật, so với đồ ăn còn nhiều dầu hơn!”
Nói xong liền cúi người hôn lên môi Tô Tử, đoạn lấy từ trong áo ra cái bình nhỏ, đổ ra hai viên tiểu hoàn.
“Còn mấy viên đại bổ đan, dù không xua được cơn đói nhưng cũng làm dịu tinh thần, ta xem ngươi có chút uể oải. Ban ngày gấp rút lên đường, cố gắng đừng tụt lại phía sau mới tốt.” Nói xong cứng rắn nhét vào lòng bàn tay Tô Tử.
Thiếu niên nhìn viên thuốc trên tay, run run nói: “Thuốc quý như thế, người cho tôi, tôi lại tiếc rẻ không ăn thôi. Đem bán lấy tiền, có khi còn đổi được mấy…”
Lời vừa nói ra, công tử Hàm đột ngột hôn lên bờ môi hắn, lấy đầu lưỡi đẩy thuốc vào cuống họng, lại nắm lấy cổ bắt phải nuốt vào.
Tô Tử ban đầu còn thấy xót xa, sau đó nhãn thần hơi hơi sáng lên, khóe miệng rưng rưng, cuối cùng hóa thành một nụ cười, như sương tan hoa nở.
*
Sáng hôm sau, ba người cưỡi ngựa rời khỏi nhà nho sĩ, theo đường nhỏ hướng về biên giới phía Đông. Đám người truy bắt dường như đã chạy trước khá xa, dọc đường đi vì thế mà sóng yên gió lặng. Nhưng đột nhiên trời về chiều rào rạt đổ mưa, ba người toàn thân ướt sũng. Dạ dày trống rỗng của Tô Tử trở đau, tụt lại cuối cùng, trộm run rẩy như lá héo cuối đông.
May mà chỗ ở của mật thám cũng không khó kiếm, trước khi giông gió nổi lên bọn họ đã được đón vào nhà. Mật thám tạm thời lấy săn bắn làm kế sinh nhai, lương thực so với trấn trước dồi dào hơn hẳn. Tô Tử lau khô người xong bèn đi xả thịt một miếng đùi hươu.
Công tử Hàm cùng mật thám đi vào mật thất, Lý Nhiễm Cầu ở nhà kho phía sau cho ngựa ăn, Tô Tử một mình ngồi trong phòng nhỏ bốn phía gió lùa, đói đến lả đi. Hắn xắn vài miếng thịt ăn cầm hơi, sau đó dùng dao nhỏ tỉ mẩn lóc thịt hươu đem bọc vào một mảnh khăn sạch sẽ.
Đương tập trung tinh thần, Lý Nhiễm Cầu bỗng nhiên gõ cửa, cao giọng gọi hắn đi ra. Tuy biết không phải chuyện hay, nhưng Tô Tử vẫn lau khô mặt dao, gói ghém thịt hươu cẩn thận rồi mới đi ra cửa.
Bên ngoài mưa đông tầm tã, hiên nhà lộp độp mưa rơi, thanh âm nghe đến nao lòng.
Lý Nhiễm Cầu đứng trong bóng tối, không rõ có biểu tình gì, Tô Tử chỉ nghe hắn hỏi: “Buổi sáng rời đi ngươi lén mang theo một gói to, đó là cái gì?”
Tô Tử trả lời: “Là mầm cát cánh, khi nào tiện có thể giúp tướng quân bốc thuốc.” Hắn nhấn vào hai chữ cuối cùng, ngừng một thoáng lại nói: “Của nả trong nhà mật thám thực khách chưa bao giờ có bụng dạ gì. Tướng quân yên tâm.”
Lý Nhiễm Cầu có chút bất ngờ, hậm hừ mấy tiếng rồi trầm giọng nói: “Có biết ngươi là gánh nặng không?”
Tô Tử nghe hắn hỏi, trong lòng vô cùng kinh ngạc: “Thực khách cho đến giờ chưa từng làm chậm hành trình, chưa từng để Thế tử cùng tướng quân hao tâm tổn sức. Lương thực thuốc men thực khách cũng tận lực tìm về, không dám ăn không ngồi rồi, tại sao lại là gánh nặng?”
Lý Nhiễm Cầu chẳng nói chẳng rằng chộp lấy tay hắn bóp mạnh, Tô Tử cắn răng chịu đau ngồi sụp xuống. Lý Nhiễm Cầu cười lạnh: “Khi ở Chất tử phủ đã bệnh này bệnh nọ, dù Thế tử làm như không thấy, ngươi cũng nên tự ngộ ra. Phường tiểu nhân yếu ớt tham sống sợ chết sao có thể giúp ngài làm nên đại sự!”
“Thực khách là tiểu nhân.” Tô Tử cố nhịn đau. “Kê minh cẩu đạo so với tôi có lẽ còn hữu dụng hơn. Nhưng tiểu nhân cũng có nghĩa khí. Mặc dù tôi lấy thân báo ơn công tử, công tử lại chưa bao giờ đối xử với tôi như nam thiếp, còn cho tôi danh phận thực khách. Ơn ấy thực khách không quên, nhất định đáp đền.”
Lý Nhiễm Cầu lạnh lùng: “Hiện giờ ly khai chính là báo đáp tốt nhất!”
Nghe xong lời này, Tô Tử lược thẳng thân mình nhìn lên: “Nếu có ngày thực khách không đi được nữa, lúc đó sẽ chủ động giã từ. Nhưng một khi còn có thể đuổi kịp thì nhất định không ly khai Thế tử!”
.
.
Chương 3
Rốt cuộc trời cũng tạnh mưa.
Công tử Hàm trải giấy hoa tiên, cầm bút thảo một bài hịch liên quân đợi dùng sau khi hồi quốc. Ngày lạnh, Tô Tử đứng bên mài mực, lại ủ một bình nước ấm đem đặt vào lòng y rồi mới lùi về sau lặng lẽ nhìn.
Tô Tử không biết chữ, nhưng lờ mờ hiểu được người kia hành văn thực hảo. Chẳng biết người đã viết được bao lâu, hắn đã nhìn y được bao lâu.
Ánh trăng mỏng mà sáng, giống như châu quang xuyên qua lớp vỏ trai, dập dềnh trôi ngoài khe cửa. Đêm về khuya, văn tứ cũng bay đi đâu hết. Thư quyển lỏng tay rơi xuống đất, nam nhân trên bàn gục xuống ngủ vùi.
Tô Tử si ngốc nhìn công tử Hàm, ánh mắt lưu luyến đọng trên khuôn mặt đẹp mà giản dị. Ngày nào còn có nhau, chỉ mong đừng quá vội. Mê luyến cả đời này, không biết còn có thể nhìn được bao lâu.
Hắn tự tính toán thể lực của bản thân, chao, cố gắng lắm thì hầu công tử đi được tới biên giới Tiễn quốc. Nếu thuận lợi hội họp cùng tử sĩ, biết đâu còn có thể theo công tử về Chương. Còn như có biến cố gì, cũng chẳng còn đường quay về làm thanh quan như ngày xưa.
Đương suy nghĩ mông lung, trong lồng ngực hàn khí bỗng xông lên nhức buốt, thiếu niên vội vàng nằm xuống dùng tay đè tiếng ho khan. Gói thịt hươu ban nãy từ trong áo rơi ra, vài miếng văng trên mặt đất. Hắn tiếc của lại nhặt lên thổi cho sạch bụi, lòng thầm nhủ “Phải ăn mới mong hết bệnh,” rồi bỏ vào miệng chậm rãi nhai. Mới được vài canh giờ, chẳng ngờ đầu lưỡi đã còn toàn chua xót.
Trong màn đêm yên tĩnh, Tô Tử quỳ rạp trên mặt đất, tẩn mẩn nhấm nuốt, thỉnh thoảng lại hục hặc ho khan. Lúc ngẩng lên hai mắt lệ đã ươm đầy. Cánh mũi phập phồng sụt sịt lấy hơi, nam nhân đang ngủ trên bàn bỗng mờ mịt gọi một tiếng “A…”, hắn vội vàng lấy tay áo quệt đi rồi đến bên người nọ.
Bấc đèn dài quá mà dầu thì sắp cạn, nơi ngọn lửa đang cháy nở ra những chấm tròn đỏ quạch xoay quanh tim đèn như đóa hoa. Bỗng đâu một tiếng “Ba!” vang lên, hoa đèn nổ, phụt sáng rồi lụi tàn. Trong ánh trăng mờ ảo, bóng đồ đạc rung rung như dáng người chạy loạn. Tô Tử thêm dầu. Một canh giờ hoa đèn nổ hai ba bận, công tử Hàm giật mình tỉnh dậy, trán ướt đẫm mồ hôi, lại cầm bút lên soạn hịch.
Tô Tử khuyên y nghỉ tạm, chẳng những bị cự tuyệt, y lại còn bắt hắn đi nằm. Hắn giả bộ ngoan ngoãn lùi về buồng trong, đứng sau bức rèm nhìn nam nhân chăm chú viết. Cho đến lúc y lảo đảo gục xuống bàn lần nữa mới rón rén lẻn về bên cạnh. Rồi dường như sợ quấy nhiễu y, hắn ngây ngốc ngồi ở bên bàn, cầm cây kéo khêu bấc đèn vừa cháy, lụi cụi cắt tâm.
Thiếu niên cắt thật tỉ mẩn nhẹ nhàng, như sợ động mạnh đèn sẽ tắt. Trong ánh sáng le lói, bóng hắn in lên tường cổ quái nhỏ gầy. Năm ngón tay như cánh hoa lan vươn ra gần đốm lửa, giống như ngay sau đó sẽ bị thiêu trụi hết, hóa thành một giọt lệ buông.
Có tiếng thở dài trong gió đông se. Một nỗi bùi ngùi bay đi thầm lặng.
Một chút lệ nhòa trong phút hôn nhau.
Trăng lạnh đêm thâu, ngồi cắt hoa đèn, mong người yên giấc ngủ.
*
“May mà không nặng lắm!” Tô Tử cười nói, buộc túi mầm cát cánh vào yên ngựa, “Vả lại cũng không phải ta thồ. Ngựa thêm nhiêu đây không có gì đáng ngại…” Lời vừa dứt, đột nhiên phục xuống mình ngựa, không nhịn được ho lên.
“Sao lại ho thành như vậy?” Công tử Hàm gặng hỏi, giọng có chút đau lòng. Lý Nhiễm Cầu nghe thấy lập tức sầm mặt xuống.
Tô Tử lắc đầu: “Hôm qua dầm mưa, không cẩn thận nhiễm lạnh.”
Trận mưa đêm qua đã trì hoãn hành trình, mưa ngớt mới tiếp tục lên đường ra trạm dịch. Đoạn đầu một mạch rừng núi hoang vu không nhiều trạm gác, nhưng nếu sau đó phải đi ngang quán trọ thì cũng chưa nói trước được tình hình.
Ba người rong ruổi theo đường nhỏ, đường đi mỗi lúc một dốc, tiến vào triền núi hai bên đều là đất ẩm. Đêm qua mưa lớn, đá lở từ đỉnh núi lăn xuống không ít, lại thêm mấy hố nước nhìn chẳng rõ nông sâu.
Lý Nhiễm Cầu thấy địa thế bất lợi, bèn lên tiếng nhắc nhở hai người phải cẩn thận đề phòng. Tô Tử không rành cưỡi ngựa, đi được một đoạn, thanh mã (ngựa ô) dưới thân đột nhiên nghiêng ngả, lảo đảo sụp xuống đám bùn. Công tử Hàm nhanh tay kéo Tô Tử lên, hắn không quên túm theo túi mầm cát cánh. Con ngựa sa lầy, bùn đất bắn lên nhuộm hai người một thân nhớp bẩn.
Lý Nhiễm Cầu xuống ngựa xem xét tình hình, giây lát ngẩng lên: “Ngựa gẫy chân rồi, không thể tiếp tục cưỡi.” Nói xong trừng mắt lườm Tô Tử.
Công tử Hàm thở dài: “Đường đi lầy lội xóc nảy, không nên trách A Tử. Con ngựa này cũng thật đáng tiếc.” Đoạn xốc Tô Tử lên ngựa với mình, “Ngươi vốn nhẹ, cưỡi chung với ta không vấn đề gì.”
Dứt lời liếc sang Lý Nhiễm Cầu, ra chiều đừng nói gì thêm. Ba người hai ngựa tiếp tục lên đường. Đi được hồi lâu, bỗng nghe đằng sau ngựa hí từng phiên, quay đầu nhìn lại, đúng là thanh mã bị thương đã ráng sức vùng lên khỏi hố, tập tễnh chạy theo một đoạn.
“Loài súc sanh cũng có lòng trung như vậy, thực làm người ta cảm động.” Nam nhân phía sau Tô Tử thở dài, “Nhưng đã như vậy còn cố đi theo, cuối cùng chỉ là gánh nặng thôi.”
Thiếu niên nghe y nói lời này, trong lòng đột nhiên thấp thỏm.
Công tử Hàm quay sang Lý Nhiễm Cầu, nhẹ giọng phẩy tay: “Đi. Cứ để nó chạy.”
.
.
.
Chú:
★ Chất tử: Chất 质 có nghĩa là cầm cố, thay thế. Chất tử hay Nhân chất là người được đem ra thế chấp, làm con tin. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, các nước chư hầu để tỏ lòng tín nhiệm nhau thường phái nhân vật trọng yếu của nước mình sang cư trú tại nước đối phương để làm vật thế. Người bị phái đi thông thường là con vua của nước chư hầu.
Nếu như trong hai nước một mạnh một yếu, thì nước yếu sẽ gửi Chất tử đến nước mạnh, còn nước mạnh không phải gửi người sang. Đó là trường hợp Tử Sở, cha của Tần Thủy Hoàng, sang làm con tin nước Triệu. Ở đây Tiễn mạnh, Chương yếu, Thế tử Hàm con của Chương Quốc Công phải sang Tiễn làm Chất tử.
★ Công tử : Ở thời kỳ này, con trưởng của vua chư hầu được gọi là Thế tử, con thứ được gọi là công tử. Về sau người ta cũng gọi con cái quan lại là công tử, rồi dần dần con nhà giàu có cũng gọi công tử nốt. Con gái những nhà này ban đầu gọi là “nữ công tử,” các bạn đừng ngạc nhiên :)) Ở đây danh xưng “công tử” của Hàm là để tránh dòm ngó trên đường bỏ trốn. Hàm là con trai duy nhất của Chương Quốc Công, vì thế ở Chương sẽ được gọi là Thế tử Hàm.
★ Thực khách: Các công tử gây uy tín và thanh thế bằng việc nuôi thực khách trong phủ. Số thực khách ăn ngủ có khi đông đến hàng ngàn. Sử ký Tư Mã Thiên ghi nhận Mạnh Thường Quân, Bình Nguyên Quân và Tín Lăng Quân đều có ba nghìn thực khách trong nhà. Họ đến ở nhờ một thời gian và có thể ra đi, không có sự ràng buộc như các thủ hạ dưới quyền các vị công tử này. Đối với các công tử, việc nuôi thực khách hoàn toàn tự nguyện và vô điều kiện, không hề đòi hỏi những người khách phải đáp ứng điều gì mới được đến ăn ở nhà mình. Thực khách trong nhà các công tử, cũng như các nhà quyền quý khác, có ăn ngon thì đến, không ăn ngon thì đi; hoặc chủ đắc sủng thì tới, chủ thất sủng thì bỏ.
Tuy nhiên không phải tất cả các thực khách đều sống ăn bám và bạc bẽo như vậy. Nhiều thực khách trở thành mạng lưới tình báo hữu hiệu cho các công tử Mạnh Thường Quân, Tín Lăng Quân. Người có nhiều thực khách ngưỡng vọng và trung thành hơn cả là Ngụy Vô Kỵ và Triệu Thắng. Không thấy sử chép những trường hợp thực khách bỏ các vị công tử này đi khi họ gặp khó khăn, thậm chí với Nguỵ Vô Kỵ, hàng ngàn thực khách còn khảng khái đầu quân ra mặt trận đánh Tần, liều chết báo đáp.
★ Kê minh cẩu đạo: Bắt chước tiếng gà gáy rồi giả làm chó vào ăn trộm. Môn khách của Mạnh Thường Quân giả làm chó lẻn vào trộm áo lông chồn đem tặng Yến phi, Yến phi cầu vua Tần thả Mạnh Thường Quân về Tề. Sợ vua đổi ý, Mạnh Thường Quân lập tức rời khỏi nước Tần, nhưng khi qua Hàm Cốc Quan thì gà còn chưa gáy sáng, cửa thành chưa mở. Một môn khách khác thấy vậy liền bắt chước tiếng gà gáy, lập tức gà ở xung quanh cũng vỗ cánh gáy theo. Cửa thành mở ra, Mạnh Thường Quân chạy thoát trước khi quân Tần Chiêu Vương đuổi kịp. Đời sau dùng thành ngữ này chỉ kỹ năng, hành vi thấp hèn.
★ Đăng hoa bất kham tiễn: Khi chưa có đèn dầu hỏa, người xưa dùng dầu phụng hoặc dầu lạc đổ vào một đĩa nhỏ sâu lòng, xoắn vải lại thành sợi dây thả vào làm tim đèn. Tim đèn gần như được nhúng hoàn toàn vào dầu, chỉ có một đầu gát trên vành đĩa. Đèn thắp lâu thì “tim lụn dầu hao,” lúc đĩa dầu cạn, nơi ngọn lửa cháy nở ra những chấm tròn đỏ quạch, xoay quanh tim đèn như đóa hoa mà người ta gọi là hoa đèn. Khi hết dầu, trước khi tắt, đèn phụt sáng rồi lụn hẳn.
Đăng hoa ở đây không phải đèn lồng mà chính là “hoa đèn.” Vương Chất đời Tống làm bài thơ họa đăng hoa, đại ý là bấc đèn sau khi cháy hết sẽ kết thành hình hoa, trên đời chỉ có “hoa” này không phụ thuộc quy luật tự nhiên. Trong đêm mưa giông gió giật, trăm hoa đã dập nát, riêng hoa đèn vẫn đem xuân sắc lưu lại nhân gian.
Đời Minh, Phùng Tiểu Thanh viết Cổ thi có câu: “Lộ yên tiệm sấu tiễn thanh tiểu.” Tiễn là cắt. Người xưa thắp đèn dầu, thỉnh thoảng dùng kéo cắt bấc đèn đã cháy cho đèn sáng. Ý câu thơ này là bấc đèn đã lụi nên tiếng kéo nghe không còn rõ nữa. Trong Dạ vũ ký Bắc Lý Thương Ẩn cũng tự hỏi: “Hà đương cộng tiễn Tây song chúc?” – bao giờ mới được cùng nhau ngồi cắt hoa đèn dưới song Tây? Lý Thương Ẩn chong đèn kể chuyện, Lý Bạch đốt đuốc chơi đêm, tất cả đều ám chỉ kiếp phù sinh như mộng, ngày vui ngắn chẳng tày gang, phải nhờ đến đêm dài, tận dụng hết thời gian có thể.
Tô Tử ngồi cắt hoa đèn, sơ sơ là như thế. Còn tên truyện tại sao là Đăng hoa bất kham tiễn– hoa đèn không thể cắt, thì xin đợi đến Vĩ thanh.
Chương 4
Ba người cưỡi ngựa chạy trước, thanh mã vẫn ương ngạnh đuổi theo sau. Trước mặt lúc này là ngã ba đường, vốn phải rẽ về phía Đông, công tử Hàm lại cho ngựa ngoặt sang hướng Tây. Được hơn mười trượng, thanh mã từ phía sau đuổi kịp, công tử Hàm cùng Lý Nhiễm Cầu ghìm cương xuống ngựa, thanh mã hiểu ý nằm phục xuống. Tô Tử đứng cạnh người nọ đã mơ hồ cảm thấy dụng ý của y.
Công tử Hàm đưa tay về phía Lý Nhiễm Cầu: “Kiếm!”
Lý Nhiễm Cầu giật mình bừng tỉnh: “Thế tử, việc này hãy để thuộc hạ…”
Y lắc đầu, lặp lại y nguyên: “Kiếm!”
Lý tướng quân không còn cách nào khác, bất đắc dĩ tháo kiếm dâng lên. Công tử Hàm cầm trường kiếm trên tay, khom người ôn nhu vuốt ve thanh mã, lại kề tai thì thào mấy lời nhỏ nhẹ. Rồi đột ngột ánh bạc lóe lên, một kiếm chém xuống, máu đỏ ồng ộc tuôn trào. Ba người khẽ dịch ra xa, ánh mắt nam tử hòa vào tịch dương Tây hạ, lặng lẽ rơi trên mình con vật đang cố hớp ngụm không khí cuối cùng.
Tiếng hí của thanh mã hiểm dị và mơ hồ, sặc trong bong bóng máu.
Con vật dần dần thôi giãy dụa.
Một lát sau, thanh mã đã nằm yên.
Mùi máu tanh nồng theo gió phả vào da, Tô Tử rùng mình lấy tay bịt mũi. Trời về chiều ráng tà như lửa. Trước mặt máu ngựa còn ấm đỏ, sau lưng rừng núi đã hoang lương.
*
Quán trọ nằm giữa vùng cỏ lá hoang vu chỉ độc một gian nhà lớn, phía trước treo bảng hiệu, phía sau đặt thêm một chuồng ngựa. Bởi vì cách đường chính khá xa, khách vãng lai như khói, tiểu nhị vắt khăn trên vai đứng ở sườn núi dài mặt ngóng người. Vừa thoáng nghe vó ngựa truyền về, lập tức chạy đi báo tin cho chủ trọ.
Mật thư cho biết một vài tử sĩ đã đi trước dẹp đường, toàn bộ quán trọ dẫn đến biên quan đều bố trí người chờ sẵn. Thế tử tới nơi chỉ cần dùng ám hiệu đã quy định trong thư.
Nhìn chủ quán đứng trước mặt mình, công tử Hàm bỗng cảm thấy sự tình có lẽ không suôn sẻ vậy.
Lão già đã ngoại ngũ tuần, da mỏng dính nhăn nheo ủng lấy đôi mắt xám, nhìn người vừa đến thong thả hỏi: “Ba vị nghỉ chân hay ở trọ?”
Lý Nhiễm Cầu cho lão là tử sĩ dịch dung, bèn theo thư viết mà dùng ám hiệu trả lời: “Thiên Địa Nhân, ba gian thượng phòng.”
Chủ quán không có lấy một phản ứng dư thừa, thậm chí chẳng cười chẳng nói, chỉ thò tay lên giá sờ soạng nửa ngày, lôi ra ba tấm thẻ buồng. Công tử Hàm yên lặng nhìn chưởng quầy, đột nhiên cười nói: “Đói bụng rồi, dùng bữa trước rồi lên lầu sau!”
Nói xong liền nắm tay Tô Tử đi vào tiền sảnh, Lý Nhiễm Cầu trong bụng hồ nghi nhưng cũng theo qua. Tiểu nhị bận rộn làm cơm. Đương ngồi chờ, Tô Tử bất chợt đứng dậy, lấy cớ đi tìm nhà xí mà nhanh chân biến vào nhà trong.
Công tử áo khoác dính bùn, vẫn còn nhuốm huyết mã mơ hồ lấm tấm. Trên đường chẳng mang bao nhiêu bạc, ăn uống đều rất qua loa. Tô Tử chưa bao giờ thấy y sa vào cảnh nghèo nàn chật vật đến vậy, bất giác trong lòng chua chát. Vừa rồi từ xa nhìn thấy một người ăn mặc theo lối nhà buôn từ phòng khách vào trong, ngón cái còn đeo nhẫn ngọc, Tô Tử vội vàng nhẩm tính trong đầu. Không dễ mà gặp một tay giàu có ở đây, có lẽ nên thuận tay kiếm chút tiền tiêu, ít nhất cũng đổi được một bữa ăn tử tế.
Hắn nghiền ngẫm một chút lại ngẩn người, cứ ngựa quen đường cũ như thế, mai này về Chương có thể nào làm người đứng đắn thiện lương?
Thôi, lúc này còn tính lương thiện cái gì. Đầu ngón tay cũng bắt đầu ngứa ngáy.
Tô Tử hé mắt nhìn qua cửa sổ, trong phòng không một bóng người. Khẽ khàng đẩy cửa bước vào, đột nhiên phía sau vang lên một loạt bước chân, có lẽ khách kia đã quay trở lại. Tô Tử hoảng hốt không biết chạy đi đâu, nhìn đến tấm mành bố nơi góc phòng, vội vàng chạy tới nấp. Mành rèm vừa buông còn chưa hết đong đưa đã thấy ba bốn nam nhân cao lớn từ bên ngoài mở cửa tiến vào. Tô Tử trong lòng rủa xả, cắn chặt môi, vốn chỉ chờ đám người mau chóng rời đi, ngờ đâu lại nghe được một đoạn đối thoại không ai ngờ tới.
“Đúng vậy. Chính là người trong tranh vẽ, Thế tử Chương!”
“Xác định rồi? Vậy chúng ta hãy mau chóng ra tay!”
“Đừng vội. Mật thám nói không bao lâu tử sĩ của y sẽ đến tiếp ứng tại quán trọ này, lúc đó nhất tiễn hạ song điêu, còn lo không lập được đại công?”
“Người của ta đủ ứng phó họ sao?”
“Dư thừa. Trong quán bố trí cả rồi, chỉ cần chúng tiến vào, đừng mong có cơ thoát được!”
…
Thiếu niên đằng sau mành bố thoáng rùng mình, lòng bàn tay đã đổ mồ hôi, lập tức hiểu cần phải làm gì. Cửa sổ phía sau mở ra phía Đông quán trọ, bên ngoài là rẻo đất hoang. Tuy phòng này ở lầu một nhưng lại cất dọc theo sườn núi, từ cửa sổ nhảy xuống cũng phải hơn một trượng. Tô Tử lúc này chỉ hy vọng không bị người phát giác, rón rén đi sát bờ tường rồi trườn lên bục cửa nhảy ào một hơi, lăn trên mặt đất hai vòng, chẳng cần biết đau hay không đau đã cắn răng chạy một mạch về tiền sảnh.
Công tử Hàm cùng Lý Nhiễm Cầu thấy hắn mặt tái thành tro, lại từ bên ngoài chạy về, trong lòng đã ngờ có biến. Tô Tử vừa chạy vừa lớn tiếng cười: “Thanh mã, thanh mã đuổi kịp rồi!”
Người trong quán trọ nhất thời không hiểu hắn muốn nói gì, nhưng Lý Nhiễm Cầu đã xám mặt.
Công tử Hàm cười nhạt: “Thật ra như thế cũng hay.”
Hai người liền đứng dậy rời đi, vừa mới tới cửa đã bị tiểu nhị chặn lại.
“Chất tử Hàm!” Chủ quán ngoài cười nhưng trong không cười: “Ngài đi đâu mà vội? Quán trọ này vì ngài mà dựng lên đó.”
Lão vừa dứt lời, Lý Nhiễm Cầu sát khí bốc thẳng lên đến đỉnh đầu, kiếm còn chưa rút cả vỏ cả thân lao về phía tiểu nhị. Công tử Hàm tóm lấy tay Tô Tử, bước nhanh ra khỏi khách đường.
Lúc này, một toán người ngựa phong trần bụi bặm từ ngoài xa cũng vừa đuổi tới.
.
.
Chương 5
Tiếng chém giết kêu la cùng gói tan gạch vỡ hòa vào nhau thành trận âm thanh hỗn độn, xung quanh bụi đất mịt mù. Công tử Hàm cùng Tô Tử được tử sĩ vây quanh, Lý Nhiễm Cầu bên người không rời nửa bước, vừa đánh vừa mở đường cho Thế tử rút lui. Tiễn quân được tin mật thám đưa về, tinh binh mai phục trong rừng chờ sẵn thấy động ào ra tham chiến. Tử sĩ tả xung hữu đột nhưng mãnh hổ nan địch quần hồ, cục diện nhìn qua đã sớm định đoạt.
Lý Nhiễm Cầu thấy thế vội lao ra đoạt ngựa, trợ Thế tử cưỡi lên, sau đó chớp mắt chính mình cũng thu được một con, chực đột phá vòng vây, chỉ chừa lại mình Tô Tử ngẩn ngơ giữa trùng trùng đao kiếm.
Hiểu được Lý Nhiễm Cầu muốn mượn thời cơ mà bỏ hắn phía sau, Tô Tử nhìn bốn phía mịt mờ, biết làm sao để tìm được ngựa? Đang chần chừ do dự, công tử Hàm đã đưa tay chộp lấy hắn kéo lên, đặt ngồi ở phía sau mình.
“Bám chặt lấy ta!” Nam nhân thoáng quay đầu lại nhìn Tô Tử nói: “Ta sẽ bảo hộ ngươi!”
Tô Tử gật đầu, vội nắm chặt ống tay áo công tử Hàm. Tử sĩ còn sót lại chắn thành một hàng mở đường máu cho Thế tử thoái lui. Hai ngựa nhanh chóng phá vây, bỗng nghe phía sau một tiếng thét vang rừng vọng đến: “Bắn tên!”
Tô Tử chưa dám quay đầu lại nhìn, bên tai đã mơ hồ loạt dao động của cung tiễn xé gió bắn ra. Sau đó là tiếng kêu thảm thiết, có người ngã ngựa. Rồi đột nhiên cảm thấy trên lưng đau như lửa táp, hắn vội đưa tay quờ quạng, đúng là đầu tên, đã vào sâu trong cơ thể đến gần một tấc. Lập tức khí lạnh xộc thẳng vào tim.
Lý Nhiễm Cầu thấy bốn bề tử sĩ còn lại ít dần, vội thúc ngựa chạy đến bên công tử Hàm canh giữ, bất ngờ nhìn thấy đầu tên trên lưng Tô Tử. Vào sâu như thế sợ đã xuyên qua cột sống, một khi thối rữa nhiễm trùng có thể sẽ liệt nửa người.
Hắn cau mày, vừa định mở miệng nói, Tô Tử lại đột ngột quay sang, gương mặt thanh tú trắng bệch ướt mồ hôi lạnh. Ngón tay trỏ thẳng đưa sát vào đôi môi dính bụi, tỏ ý cầu tướng quân đừng có nói gì.
Với tình trạng này của thiếu niên, chỉ cần kéo nhẹ một cái là hắn rơi xuống đất. Đến lúc đó giữa binh đao loạn lạc, Thế tử dù muốn cũng không cứu được tiểu tử này. Nhưng Lý Nhiễm Cầu chẳng rõ bản thân đã nghĩ cái gì, bèn rút kiếm nhắm đầu tên trên lưng Tô Tử chém tới, đầu tên lập tức rơi xuống chỉ còn lại một chấm đen. Máu đỏ rỉ ra từ điểm đen là dấu vết duy nhất khiến người biết được thiếu niên đã trúng tiễn.
Tô Tử thấy kiếm chém tới hai mắt lộ vẻ thất kinh, sau đó lại nhìn Lý Nhiễm Cầu, trong lòng có chút cảm kích. Trái lại Lý tướng quân mặt tối đi vài phần, nhìn Tô Tử khẽ động thắt lưng cởi áo ngoài dính máu vứt xuống đất, xé ống tay áo đệm vào miệng vết thương.
Hắn hiểu rằng đây là toàn bộ những gì thiếu niên có thể làm, hành trình trước mặt lành ít dữ nhiều, cơ hội dừng chân thỉnh thầy lang còn không có, nói gì đến chữa trị. Sắp tới gian nan không ít, thân mang thương tích khó lòng trụ được đến biên quan. Thời điểm Tô Tử phải ly khai chỉ còn tính bằng giờ.
Để tránh né tay sai Tiễn quốc đang lùng bắt, bọn họ quyết định bỏ ngựa trốn vào rừng, đổi thành đi bộ theo đường núi mà tiến ra biên cảnh.
Tô Tử trúng thương nhưng đầu tên vẫn nằm trong cơ thể chưa được nhổ ra, vì thế xuất huyết không nhiều. Lại thêm mấy ngày liền bôn ba, bụi bặm tích tụ trên áo cũng thêm phần che giấu. Nhưng cứ mỗi bước đi, đầu tên trong người theo cử động cơ thể cứa vào xương cốt, mấy ngày đầu đau không thể thở. Dần dà khi cảm thấy khối thịt trên lưng đã bắt đầu thối rữa, cũng là lúc đau đớn hóa thành thuốc phiện, theo thời gian tê liệt cả đi, thịt da không còn cảm giác, thân thể đờ đẫn lết theo đoàn người. Ý thức đã sớm mơ hồ, không biết khi nào thì ngã xuống.
Công tử Hàm vẫn quan tâm hắn như xưa, nhưng bởi tử sĩ ở đây mà phải đối đãi theo lễ tiết. Bao nhiêu lần Tô Tử đau đến mức sắp ngất đến nơi, bàn tay ấm áp kia lại nửa vô tình nửa hữu ý chạm vào hắn, khiến bao nhiêu đau đớn lại cố nén vào trong.
Cái chết của thanh mã, đã rành rành trước mặt.
.
.
Chương 6
“Vô luận như thế nào, Lý Nhiễm Cầu ta bội phục ngươi!”
Đêm xuống, Thế tử cùng tử sĩ ở trong lều thảo luận đường đi. Bên ngoài Lý Nhiễm Cầu đang khom lưng đốt lửa chợt quay sang Tô Tử nói.
“Nhưng chắc ngươi cũng thấy, vì ngươi bị thương, tiến trình của mọi người cũng bị liên lụy…”
Tô Tử gật đầu, thò tay lấy trong áo mảnh vải đã đỏ sẫm từ lúc nào, lại xé một miếng áo khác. Bây giờ cầm máu cũng để làm gì đâu, đã đến nước này thì chỉ mong không bị ai phát hiện.
Thiếu niên mệt mỏi rã rời, mi mắt rũ xuống chẳng còn sức mở lên: “Việc ngày mai… Nếu tiểu nhân còn sức để đi, vẫn phải cầu Lý tướng quân dàn xếp một lần. Rừng núi hoang vắng, dù không thể có quan tài cũng muốn tìm một chỗ khuất nẻo mà nằm xuống. Tiểu nhân không cha không mẹ, có lẽ sẽ chẳng ai đến tế bái đâu. Trước khi thành dã quỷ cũng muốn nhìn Thế tử một lần cho kỹ, mai này vĩnh viễn ở lại nơi đây, cũng còn cái để mà hoài niệm.”
Lý Nhiễm Cầu thân là võ tướng, vậy mà nghe hắn nói cũng có chút nao lòng, thật sự không nhẫn tâm cự tuyệt, thoáng gật đầu một cái. Tô Tử khẽ cười cảm tạ. Lửa khêu lên, đám người quần tụ dùng bữa tối. Tô Tử như mọi bận lẻn ra một nơi bí mật gần đó, móc gói thịt hươu từ trong người ra chậm rãi nhai. Thịt hươu mới có mấy ngày, đã mốc thành xanh cả.
*
Trời chẳng toại lòng người, ngày hôm sau nắng vừa ló rạng, Tô Tử lên cơn sốt cao, kết quả của việc miệng vết thương bị nhiễm trùng. Bệnh đến nước này vô phương che giấu. Hắn đưa tay sờ trán nóng như lửa đốt, cả người mềm nhũn như gãy làm hai. Thể lực này chỉ sợ một đi không trở lại, nếu ngoan cố chỉ e chết gục trên đường.
Trước mặt, tử sĩ bận rộn tháo lều dập lửa xóa vết tích. Tô Tử loạng choạng đứng dậy, Lý Nhiễm Cầu thấy thế liền kín đáo đưa tay muốn đỡ hắn đứng lên, lại bị Tô Tử cố ý tránh đi. Ánh mắt thiếu niên trong tích tắc thật buồn, như sắp sửa làm một việc đã hết đường lựa chọn.
Quả nhiên, trong ánh nhìn chăm chú của mọi người, Tô Tử quỳ rạp xuống trước mặt Thế tử Hàm.
“Thực khách không cha không mẹ, lại càng không có chị làm tỳ nữ. Trên đường đi qua nơi này, bỗng nhớ tới một bạn cũ thanh quan ngày trước nay đã chuộc thân đang ở gần đây.” Nói xong bèn giơ ngón tay chỉ qua quýt một đường: “Ở bên kia triền núi.”
Công tử Hàm dường như đã hiểu được vài phần, nhưng vẫn chưa hề mở miệng, chờ thiếu niên nói rõ ý tứ.
Tô Tử ho nhẹ hai tiếng, tiếp tục nói: “Thực khách sinh ra ở Tiễn quốc, tuy bị uy phong của công tử thu phục, nhưng tình cố thổ thật sự khó gạt đi. Đêm qua suy nghĩ mãi, cuối cùng vẫn quyết định đến nương nhờ người bạn cũ thanh quan kia.”
Nói xong lại như nhớ ra cái gì, từ trong lòng rút ra một mẩu khăn tay, cẩn thận dâng lên: “Đây là đại bổ đan của công tử, Tô Tử tiểu nhân mạng nhỏ, dùng cảm thấy xa xỉ lắm. Không bằng để công tử hoặc các vị tử sĩ đây dùng.”
Công tử Hàm bình tĩnh nhận lấy mẩu khăn tay. Tô Tử từ trên xuống đều toát ra thần sắc của người có bệnh, Lý Nhiễm Cầu trong lòng căng thẳng, tưởng như Thế tử đã nhìn ra manh mối đến nơi. Thế nhưng nam nhân chỉ yên lặng trầm ngâm, nhìn đến túi mầm cát cánh dưới chân Tô Tử, đột nhiên thở dài:
“Một túi mầm cát cánh còn tiếc không nỡ vứt, lại dễ dàng bỏ ta như thế mà đi sao?”
Một lời hỏi đến như dùng dao đục khoét tim gan, Tô Tử nở nụ cười lợt lạt: “Đúng vậy. Tô Tử tham sống sợ chết, chẳng đáng để công tử nhớ mong. Ân tình của công tử, Tô Tử nguyện kết cỏ ngậm vành.”
Nói xong mặc đau đớn trên người, hướng nam nhân trước mặt dập đầu ba cái. Công tử Hàm ngoài mặt vẫn bình tĩnh thản nhiên, lại giống như trong lòng nhói đau.
Trong đám người đứng nhìn chỉ có Lý Nhiễm Cầu hiểu được thực ý của “kết cỏ ngậm vành.” Chinh chiến đã bao năm, đổi với chuyện sống chết đã không còn lạ lẫm, vậy mà bỗng cảm thấy một chút xót xa. Lý Nhiễm Cầu là người chí tình chí nghĩa, nghĩ lại sự chịu đựng trong thân thể nhỏ bé không bao nhiêu sức lực kia, không nhịn được mà cảm phục. Lại nhớ tới ngày trước đã xử tệ với hắn, bất giác hổ thẹn tràn ngập đáy lòng. Thế nhưng lý trí vẫn đặt an nguy của Thế tử lên đầu, trước sau một từ cũng chưa mở miệng.
Tô Tử lảo đảo đứng dậy, túi mầm cát cánh chẳng nặng bao nhiêu cũng làm hắn dùng hết sức mới cất được lên vai. Lý Nhiễm Cầu trong lòng thương xót, bất giác nhìn thấy một vệt đỏ sẫm bằng lòng bàn tay từ lúc nào đã lờ mờ hiện ra trên lưng Tô Tử.
Đến nước này, khó người nào có thể làm như không thấy.
Thủ vệ có người nhẹ giọng nhắc nhở phải lên đường, bỗng nhiên công tử Hàm đứng dậy bước nhanh đuổi theo Tô Tử. Lý Nhiễm Cầu biến sắc cả kinh, không khỏi vừa mừng vừa lo.
Công tử Hàm đem một mảnh ngọc bội nhét vào tay thiếu niên. Nam tử áo trắng nhìn chằm chằm vào mái tóc khô vàng trước mặt, ánh mắt âm u mà bi thương. Giây lát sau, một giọng nói rất nhỏ vang bên tai Tô Tử.
“Hàm này nửa đời, chỉ yêu một mình ngươi.”
Giữa ánh nhìn hoang mang của quần hầu, người đó cúi xuống, hôn lên gáy hắn.
Trong cơn kinh ngạc tột độ thấp thoáng chút hoan hỉ mơ hồ, Tô Tử cả người run rẩy, từ đâu mọc ra một hy vọng mong manh. Nhưng nụ hôn ấy là cuối cùng, khi đôi môi kia dời đi, người nọ cũng thu tay lại.
“Ngày sau, bảo trọng.”
Thiếu niên giật mình, rồi như chậm rãi nhấm nuốt ý nghĩa của lời ly biệt, ho lên hai tiếng, cúi đầu nhìn ngọc bội trong lòng bàn tay.
Thì ra, ngọc bội này…
… chính là bồi táng lễ.
Ngọc bội thực sự đẹp lắm, Tô Tử tỏ vẻ không nỡ khước từ. Hắn không quay đầu lại, chỉ hướng phía trước khom mình hành lễ. Đi được hơn mười bước, áng chừng chẳng cần che giấu thương thế nữa, bóng người tập tễnh xiêu vẹo đổ dài trong nắng tái, chậm rãi biến mất vào rừng núi hoang vu.
Cho đến lúc chim bay về tổ, chút bụi tro tàn lửa đêm qua bị gió cuốn lên cao. Lều vải đã dẹp đi, đoàn người cũng không thấy bóng. Chỉ có tà dương đã vàng phai mấy độ. Từng giọt mưa về thu hết những mênh mông.
.
.
.
.
Chú thích:
★ Kết cỏ ngậm vành: Đền ơn trả nghĩa cho người từng cứu giúp mình.
Kết cỏ: Ngụy Thù người nước Tấn chết, con trai là Ngụy Khoả không chôn sống ái thiếp của ông mà đem gả cho người khác. Sau Ngụy Khoả bị giặc bao vây, nhờ có hồn của cha người ái thiếp kia kết cỏ vào chân tướng giặc mà tướng giặc vấp ngã, bị Ngụy Khỏa bắt được.
Ngậm vành: Dương Biểu đến chơi núi Hoa Âm, cứu sống được một con chim. Đêm ấy có một đồng tử mặc áo vàng đến tặng bốn chiếc vòng và nói rằng: “Ta là sứ giả của Tây Vương Mẫu, may được chàng cứu mạng, xin cảm tạ đại ân.”
“Kết cỏ ngậm vành” mà Tô Tử nói ở đây không phải báo đáp bình thường, mà là nghĩa đen, sau khi chết đi thành cô hồn dã quỷ nơi rừng núi rồi cũng xin hẹn ngày trả nghĩa.
Cát cánh: Sự khiêm tốn, lòng thủy chung, kiên định, trung thành, không thay đổi. Tình yêu thầm lặng và tuyệt vọng.
Cát cánh là một trong những loài hoa dại cứng cỏi nhất, chúng thường trở lại một cách thủy chung năm này qua năm khác, và chắc hẳn chúng mang ý nghĩa của sự bền bỉ là do khả năng tồn tại bền vững một khi đã được trồng xuống đất. Ở nơi hoang dã, loài hoa này phủ những tấm thảm xanh ngát màu da trời lên những cánh rừng vào mỗi độ tháng Năm..
.
Vĩ thanh
Chương Thái tháng Giêng năm thứ hai mươi lăm, Chương Quốc Công băng hà, Thế tử Hàm từ Tiễn quốc trở về kế vị, sửa niên hiệu thành Việt Chương.
Sau khi lên ngôi, Chương Vương Hàm liền cùng các thế lực bốn phương liên quân khởi binh, thắng lợi thu về như chẻ tre. Đầu hạ đại phá Tiễn quân, vào thu bình định Tiễn quốc. Các nước bang hầu thấy thế bèn đồng lòng chung tay đưa Chương Vương lên ngôi minh chủ. Chương quốc dời đô về biên giới Tiễn quốc, mùa xuân năm thứ ba lại sáp nhập thêm ba nước nhỏ, bốn bề mở mang bờ cõi, buộc các chư hầu láng giềng phải bằng lòng quy thuận, an phận thủ thường. Bốn năm sau khi đại cục định đoạt, Chương Vương lập hậu và Thái tử, bắt đầu công cuộc gây dựng một thời thái bình thịnh thế, mưa thuận gió hòa khắp chốn.
Tướng quân Lý Nhiễm Cầu là hộ vệ của Chương Vương khi ngài còn làm Chất tử, trong thời gian chinh chiến liên tiếp lập được đại công, từ đó về sau thăng quan tiến tước, chịu ơn mưa móc của thánh ân, rốt cuộc một ngày được đặc sủng ngồi cạnh mặt rồng. Chương Vương xưa nay vốn thích nam nhân, đồn thổi xì xào vì thế mà râm ran đầu đường cuối chợ. Nhưng Lý Nhiễm Cầu tính tình cương trực, kỷ luật thâm nghiêm, hơn nữa tướng mạo võ quan đường hoàng bệ vệ, tìm không ra nửa điểm giống phường lấy thân hầu chủ. Câu chuyện đế vương tình ái hoang đường dần dà không có đất sinh tồn, cứ thế rơi vào lãng quên.
*
Một sáng thu trong, Chương Vương Hàm bất chợt muốn ra vùng đồng nội săn bắn giải sầu, bèn dẫn theo Lý Nhiễm Cầu di giá tới ngoại thành vốn là biên giới của Tiễn quốc ngày trước.
Lý Nhiễm Cầu trong lòng nao nao nhớ đến cố nhân xưa. Chớp mắt đã bốn năm trôi qua, chỉ sợ người nọ cũng cô đơn nằm ở vùng cỏ lá hoang vu kia được bốn năm rồi.
Trở lại chốn cũ bên người lúc này đã có hàng trăm cấm vệ theo hầu, những ngày tháng lang bạt kỳ hồ trước đây chỉ còn là một hồi bọt nước. Chương Vương Hàm có chút cảm khái, âm thầm nhìn khắp bốn bề, bỗng dưng thấy dưới chân một khóm hoa dại còn chưa nở hết, miễn cưỡng dời giầy vàng đang muốn giẫm xuống sang một bên.
Lý Nhiễm Cầu giật mình hiểu ra ngài đang muốn tìm kiếm cái gì, nhìn sang hai phía chỉ thấy một triền hoang vắng, bèn truyền lệnh cho cấm vệ quân tản ra xung quanh, nếu phát hiện cây cát cánh lập tức cấp báo về.
Quân sĩ nhận lệnh lập tức thi hành. Chương Vương Hàm cúi người ngắt một bông hoa dại, đặt vào lòng bàn tay chậm rãi mân mê. Chỉ là đóa cúc vàng nhạt tầm thường. Ngài thở dài, mấy cánh hoa theo đầu ngón tay rời đài rơi xuống đất.
Lý Nhiễm Cầu bỗng nhiên nhớ lại, hậu cung của Chương Vương có không ít thiếu niên diễm lệ, kẻ nào cũng vài phần giảo hoạt biết lấy lòng người, nhưng Chương Vương chưa bao giờ thực sự sủng hạnh một ai, cũng giống như cánh hoa cúc kia bị ngài miết rơi xuống đất.
“A Tử…” Nhiều năm như vậy rồi, đây là lần đầu tiên ngài gọi lại cái tên này, “Không biết ngủ ở nơi nào?”
Lý Tướng quân trong lòng căng thẳng, không khỏi cất lời an ủi: “Vương thượng chớ lo, Tô Tử năm đó đến ở nhà bạn cũ. Hắn trời sinh tính tình lanh lợi, người không cần hao tổn tâm tư…”
Lý Nhiễm Cầu nói xong lại cảm thấy gượng gạo không xuôi, nếu vong hồn Tô Tử nghe được, liệu có cảm thấy đau lòng?
Chương Vương Hàm không nói gì, đưa mắt nhìn bốn bề hoang vắng. Đã mấy bận xuân thu đưa lối mà đông về sao quá ơ hờ. Đồng hoang đã thay lá cây.
Rồi ngài khẽ cười với Lý Nhiễm Cầu: “Quả nhân làm sao lại không nhìn ra hắn đã bị thương? Ngày đó để hắn rời đi, liền biết đó là vĩnh biệt.”
Lý Nhiễm Cầu nghe đến đây cũng không muốn giấu diếm gì thêm, thận trọng đem toàn bộ sự tình năm ấy về thương thế của Tô Tử kể rõ ngọn ngành. Hắn vừa kể vừa nhìn Vương thượng, bàn tay ngài nắm chặt đến mức nổi rõ gân xanh, trong lòng thầm đoán ngài đang dằn vặt chuyện xưa. Thế nhưng khi hắn ngẩng đầu lên, khuôn mặt Chương Vương Hàm trước sau vẫn phẳng lặng vô biên, không khác gì biểu tình của ngài lúc lâm triều nghị chính.
Ngài lược thẳng thân mình, chậm rãi nói với Lý Nhiễm Cầu: “Lý khanh còn nhớ chuyện thanh mã hay không?”
Lý Nhiễm Cầu ngẫm nghĩ một lát rồi gật đầu đáp: “Vi thần nhớ rõ.”
Chương Vương lạnh lẽo tiếp lời: “Thanh mã phải chết, ấy là vì mắc tội ngu trung. Nên đi lúc có thể đi, đó mới là hành vi sáng suốt nhất. Tô Tử theo ta đã bao năm, tất biết ta không muốn tự tay giết hắn. Một người nhu thuận thông minh như thế, lẽ nào lại không hiểu chủ ý của ta?”
Lý tướng quân nghe lời này của ngài, sống lưng đột nhiên lạnh toát, lập tức tỉnh ngộ hiểu ra tất cả.
Chuyện thanh mã ngày đó hóa ra chỉ là màn kịch diễn riêng cho Tô Tử xem? Vậy chân tướng của sự việc năm xưa… bây giờ là ai đang kể cho ai nghe đây?
Bắc phong từ đâu thổi đến làm thân thể hắn thoáng rùng mình, có lẽ đã sắp sửa vào những ngày mùa đông rét đậm. Đám người săn bắn đằng xa đã thu cung xếp tiễn, rời khỏi chỗ ẩn nấp chờ mồi.
Đang rối loạn thẫn thờ, chợt nghe phía sau có tiếng binh lính thất thanh hô lớn: “Cây cát cánh!”
Nghe được cấp báo, Vương thượng cùng Lý Tướng quân vội vàng lại chỗ đó xem. Mảnh sườn núi trước mặt không biết từ lúc nào đã mọc lên một đồng cát cánh. Cả cánh đồng trông xa rừng rực như ngọn lửa xanh lam, lại gần thì bình lặng êm đềm, chỉ khi gió qua mới thổi vào một chút sức sống.
Chương Vương trọng thưởng cho binh sĩ rồi lệnh những kẻ không phận sự thoái lui. Ngài đứng lặng trong biển hoa mênh mông, giống như đang tưởng nhớ cái gì đó, giây lát mới xoay người lại, bạc nhược cười cười:
“Bốn bận xuân thu rốt cuộc cũng mọc lên cái biển hoa này. Mà người lại không biết chạy đi đâu, tìm cũng tìm không thấy…”
Lý Nhiễm Cầu nhìn thấy biểu tình yếu ớt hiếm hoi đó của ngài, trong lòng không mảy may xúc động, ngược lại chỉ âm thầm kinh hãi. Hắn không còn từ ngữ nào an ủi mà cũng chẳng muốn cất lời, vì thế chỉ yên lặng đứng đó nghe Chương Vương tiếp tục thì thào tự nói.
“Kỳ thật đêm khuya hồn mộng quay về, có lúc cũng đau lòng không đặng. Thế nhưng nếu có thể quay lại thời điểm đó sự tình cũng sẽ chẳng khác đi. Cứ cho rằng ta yêu Tô Tử trọn một đời người thì đã sao? Ái tình là gì mà đòi so với thiên trường địa cửu? Một kiếp người nhỏ bé bì thế nào với vạn dặm giang sơn? Mà Tô Tử xuống hoàng tuyền một khi bước qua cầu Nại Hà sẽ quên đi tất cả, đâu phải nhớ ta đã bạc tình với hắn thế nào.
…
Chi bằng giống như cây cát cánh này, niên niên phục sinh, niên niên bất tẫn, chẳng cần vì nó mà ngóng chờ hay trông đợi.”
Nói tới đây, Chương Vương bệ hạ cúi người định nhổ một thân hoa mang đi, bỗng dưng ngài “A!” lên một tiếng thất thanh đau đớn rồi cả thân mình sụp xuống.
Lý Nhiễm Cầu tưởng long thể của ngài không khỏe, vội vã lại gần đỡ dậy. Vừa lúc nhìn thấy trong tay Chương Vương đang cầm một vật gì đó, hắn cũng thất thanh kêu lên.
.
Đám rễ của cây cát cánh vừa bị rút lên xoắn xuýt quấn vào một miếng ngọc xanh, còn cuốn theo một bàn tay xương trắng. Có lẽ người nằm đó trước khi chết đã cố nắm miếng thúy ngọc kia thật chặt, nhất quyết không chịu xa rời.
.
.
.
- Hết -
.
.
Chú:
★ Quả nhân: Nguyên văn là “Cô” 孤 – tiếng tự xưng của vương hầu thời Xuân Thu Chiến Quốc. Thời xưa vua thường tự xưng là cô gia, quả nhân, đều có nghĩa là người cô độc. Làm bạn với vua như chơi với hổ, không ai có thể ngang hàng cùng Hoàng đế, mà Hoàng đế cũng không thể lơi lỏng cảnh giác, chân thành tin tưởng bất kỳ ai. Có được vạn dặm giang sơn, tọa hưởng một đời cô độc.
Cuối chương 3 có nợ mọi người một lời giải thích tại sao tên truyện lại là “Đăng hoa bất kham tiễn” – hoa đèn không thể cắt, bây giờ chắc ai cũng đã hiểu rồi.
Phải cắt đăng hoa thì tim đèn mới tiếp tục cháy. Nhưng có những hoa đèn không thể cắt đi.
Tô Tử khi sống là đăng hoa, khi chết lại thành cát cánh, dẫu bị người nhẫn tâm cắt bỏ, chết đi rồi năm năm vẫn phục sinh. Tình yêu của ta với người mãi mãi không đổi thay, như loài cát cánh năm này qua năm sau vẫn nở.
Ái tình, cũng giống như nhan sắc của nữ nhân. Người đẹp quá thì thường bạc phận. Tình yêu vĩ đại thâm sâu kết cục thường rất bi ai. Có lẽ chỉ nên xinh vừa vừa và yêu bình thường, như vậy mới dễ được hạnh phúc. Ngu si hưởng thái bình, tài tình chi lắm cho trời ghen đất hận, để rồi cuối cùng thành những kẻ phận mỏng duyên ôi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro