Trúc Mai - V - Trần ngọc
- Trần Ngọc đường Trần Ngọc đường... nhà bày ngọc?! Chà chà, cái tên kêu như vậy chắc chắn không thể do tiểu huynh đặt rồi. Có lẽ là Hoài Đức thái vương. Nghe đâu các quận chúa trước đã từng ở đây...
Uể oải nằm ngửa trên chiếc chõng tre xanh ngắt đặt ngoài hiên, Ngọc Hoa trân trân ngó vào tấm hoành phi thếp vàng treo trang trọng giữa khuê phòng lẩm bẩm. Bình phẩm chán chê cô bé lại lim dim qua ra vỗ nhè nhẹ lên chiếc liễn đang ôm một bên tay.
Chiếc liễn sứ với chất men mát rượi này được lão Bộc mang sang Trần Ngọc đường từ sáng sớm, trao cho Ngọc Hoa. Trước khi đi khỏi ông lão cũng không quên giải thích thứ chứa trong liễn chính là loại mứt sen quý báu mà quan gia đã ngự ban cho Hoài Văn hầu, tuyệt đối không được phí phạm. Còn nguồn cơn của câu chuyện lại bắt đầu từ một buổi quan gia dạo chơi trong thuỷ đình vườn Quỳnh Lâm. Vị Nội thị khán thủ chí cận mới nhân đó mới dâng một món mứt. Quan gia nếm miếng đầu liền đã khen hợp miệng. Viên nội thị nhận khen thì sung sướng gợi chuyện gần xa, bẩm rằng thứ mứt kẹo này con trẻ chốn dân dã thường chỉ được đãi môi mỗi dịp tân niên, mà có được ăn cũng chỉ đủ để thòm thèm.
Quan gia nghe xong vui lại hoá buồn, ngài trầm ngâm ngắm mãi âu sen. Hồi lâu sau mới như sực tỉnh, ngài khẩu dụ cho viên Nội thị tra sổ tông thân, tìm trong họ mạc ra những ai còn là hoàng nam nữ tộc, chưa đến tuổi đại hoàng và thành thân. Quan viên bên phủ tông chính chuẩn y, kê ra và tâu lên được danh tính của mấy mươi vị kim chi ngọc diệp. Bấy giờ quan gia lại khẩu dụ đều ban cho một liễn, coi như là lòng vua anh ở kinh sư gặp miếng ngon cũng không quên các em.
Lệnh trên truyền xuống, thái ấp Trang Liệt cũng lĩnh một phần bởi có vị hầu gia chủ quản năm nay mới chẵn mười hai. Tuy nhiên liễn mứt cuối cùng lại trôi đến tận miệng Ngọc Hoa và được cô bé già non lý giải:
"Hà, tiểu huynh khảnh ngọt. Bao giờ thì cái liễn thứ hai mới tới đây?".
Giơ một viên mứt lên dưới ánh sáng ban ngày, nó là toả sáng như châu ngọc. Và nếu không cẩn thận để rơi ra hẳn sẽ có ối kẻ không sành tưởng rằng đó là viên bạch ngọc mới rơi từ trong chuỗi xoàn của một cung nhân nào đấy. Bọc bên ngoài viên sen là lớp đường phèn tôi rất trong và mỏng. Đến khi cho vào miệng thì vị ngọt mau chóng tan đi, chỉ còn lại vừa thanh vừa bùi. Nên dù đã nuốt xuống một lúc lâu mà khi hồi tưởng lại cái ngọt nhan nhát vẫn hư ảo mãi nơi cuống lưỡi.
Vừa tấm tắc tán tụng vừa nhấm nháp từng chút từng chút một, Ngọc Hoa chợt phát hiện con bé nô tỳ người Hán của mình đang đi tới từ chái nhà phụ, liền vui vẻ réo:
- Hiên, Hiên... Lại đây, có cái này ăn được lắm!
- ...
- Hiên à!
- ...
Thế nhưng trước sự ồn ào cô bé tạo ra con bé nô tỳ kia vẫn vờ như không nghe thấy. Nó giả tảng lại gần chỗ sào phơi, đặt thau đồng xuống rồi lấy từ bên trong ra từng món trang phục sặc sỡ kiểu Tống vặt kiệt và vẩy nhẹ rồi phơi lên sào.
"Con nhỏ này!"
Ngọc Hoa nhíu mày nhìn nó rồi lớn giọng, gọi một tràng.
- Tiêu Tiêu! Tiêu Tiêu! A Tiêu đâu rồi?
Bấy giờ Tiêu Tiêu mới giật mình, là giật nảy một chập. Nó gấp gáp chạy lại, vướng chân vào cả thau đồng. Khi lại gần chiếc chõng nó mới hơi khựng lại. Một thoáng chần chừ, Tiêu Tiêu thở hắt dè rồi dè chừng tiến từng bước nhỏ.
- Đại tiểu thư, cô gọi Tiêu Tiêu? Là Tiêu Tiêu mải việc, không phải Tiêu Tiêu cố tình không nghe cô. Đại tiểu thư tha lỗi cho Tiêu Tiêu! – Nó khúm núm.
Liếc con bé một cái, Ngọc Hoa nổi cạu. Rõ ràng với câu trả lời vừa rồi nó giấu được cái đầu nhưng lại lòi ra cái đuôi. Đã vậy cô bé phải càng tương kế tựu kế. Sắc giận bị xua đi nhanh chóng, Ngọc Hoa ngọt tươi cười hỏi:
- Giờ đứng đây là rất gần có phải không? Em cũng không bận gì nữa chứ?
- Vâng.
- Vậy thì, Hiên!
- ...
- Hiên!
- ...
Trước đứa hầu gái ương ngạnh, Ngọc Hoa không hề nao núng. Chỉ là chất giọng hiện thời của cô bé càng lúc càng đi xuống và gằn hơn. Để đến cuối cùng...
- Hiên!
- Bẩm... tiểu thư... Hiên... Hiên ở đây!
...
Sau một tuần trăng sống cạnh tiểu thư mà gần như không xảy ra bất cứ sự quái lạ nào, nỗi sợ hãi của Tiêu Tiêu dần mất hết lý do để trụ vững. Vả lại thêm công việc ngày ngày phải qua lại hầu tiểu thư nên càng dễ khiến nó trút bỏ hãi hùng một cách tự nhiên nhất. Bây giờ mà nói, nỗi sợ hãi và không tin tiểu thư của nó chỉ còn lại tí teo.
- Này, em tên là gì đấy?
Triệu Ngọc Hoa tiểu thư lên tiếng hỏi lúc đang ngồi tựa lưng thư thái trên sập, sau khi được nó giúp thay y phục.
- Tiểu thư không nhớ... Tiểu thư không nhớ Tiêu Tiêu thật hay sao?
Tiêu Tiêu đang dọn phòng luôn chân luôn tay, nhưng mới nghe đến đấy nó thổn thức, đặt cây chổi xuống, hai hàng nước mắt hiếu thắng đuổi nhau trên gò má.
- Lại khóc? Ô hay, nào đã ai đánh mắng gì mà khóc?
Than xong, Ngọc Hoa nhìn nó ngao ngán rồi ôm đầu nằm giãy ra, đạp lung tung chăn gối trên giường.
Quả thật con bé này và cả bà nhũ mẫu họ Mã rất hay khóc mếu. Cả hai khóc nhiều đến nỗi Ngọc Hoa nghĩ đó là thương hiệu làm nên danh tiếng gia nhân phương Bắc và khiến cô bé liên tưởng tới những cái hũ đựng đầy nước mắt biết di động. Nghĩa là vui một chút vú Mã cùng Tiêu Tiêu cũng khóc, buồn một chút cũng khóc và ngay kể như đang chẳng có chuyện gì xảy ra, nếu muốn cũng có thể ôm nhau khóc ngay được.
Thế nên có lúc Ngọc Hoa đã ươm hỏi vú Mã, liệu gia nhân người Hán có hay khóc như bà hay không? Và tại sao lại khóc nhiều đến thế để hầu hạ chủ trong khi những gia nô người Nam ở đây thì không.
Và vú Mã ngay lúc ấy vốn đang trong một tâm trạng khá bình thường, chỉ đơn giản là bà ngồi tết lại cái cúc đại cát bằng lụa trên chiếc áo sa mỏng của Ngọc Hoa, cái cúc mà vì tò mò mà cô bé đã gỡ ra xem cách tết nhưng rồi không thể tết lại được. Vậy mà nghe xong câu hỏi, đôi mắt bà nhũ mẫu lập tức ngân ngấn. Đặt chiếc áo xuống bàn, bà nhìn Ngọc Hoa trân trối rồi vồ tới ôm chặt lấy cô bé khi khuôn mặt Ngọc Hoa đang trong trạng thái hoảng hồn. Vú Mã đại ý trả lời rằng: gia nhân Hán ai ai cũng như bà, đó là thói đáng trọng của những gia nhân dám sống chết vì chủ nhân nhưng lực bất tòng tâm, chỉ có thể dùng nước mắt để san sẻ. Còn những kẻ tôi tớ không bao giờ biết rơi lệ thì ắt là đám phản phúc và bà cam đoan khi chủ nhân đến hồi bĩ cực chúng sẽ bỏ mặc mà chạy lấy thân. Ngoài ra nước Nam là nơi man di đầy rẫy thói tục vì thế không thể mang ra so bì cùng bản triều.
Tuy nhiên câu trả lời và cái ôm siết kia chỉ làm Ngọc Hoa thấy phát ngán. Cuối cùng vùng ra không nổi cô bé phải giả bộ kêu đau.
Quay lại chuyện Tiêu Tiêu, nước mặt nó giờ đây nếu nói quá hơn chút đã thành ra hứng lấy mà rửa mặt được. Con bé lí nhí than:
- Nhũ mẫu nói sau khi được cứu lên từ nam hải tiểu thư mê man chẳng... chẳng còn để tâm nhớ tới một ai...
Tiêu Tiêu lại nức nở.
- Ừ, có lẽ đầu ta bị gì rồi nên quên mất.
Ngọc Hoa tự vỗ đầu, giọng nói man mác. Tuy nhiên hành động vỗ tay vào tấm chăn một cách khoan khoái và phấn khởi của cô bé thì rõ ràng mang ý ngược lại. Cô bé vờ chững chạc an ủi Tiêu Tiêu:
- Thôi không khóc nữa. Chuyện quên thì cũng quên rồi, không nhớ lại được. Khóc nhiều ta thêm nẫu ruột. Còn nếu em muốn giúp ta, tốt nhất hãy kể ta nghe thật nhiều những chuyện khi trước.
Tiêu Tiêu nghe đến đây cũng đủ nhanh trí để hiểu ý chủ. Nó thôi không khóc nữa, len lén kéo tay áo lên chùi hai khoé mắt, gật đầu vâng dạ.
- Mà Tiêu Tiêu hả?
- Vâng, em là Tiêu Tiêu! – Con bé tươi tỉnh đáp ngay.
- Tiêu Tiêu, Tiêu Tiêu à... Nghe có vẻ không được hay lắm.
- Tiểu thư bảo sao kia? – Nó nhớn nhác, ngay được.
- Ý ta là... Hay đổi cho em một cái tên Việt nghe thật kêu nhỉ?
- Nhưng... nhưng... – Tiêu Tiêu dè dặt rồi lắc đầu. – Em không đổi đâu. Khi em được mua về ngài quản gia trong phủ đã đặt cho em một cái tên tốt lành rồi.
- Tốt lành gì đâu. Em không biết rằng tên mình ở đây rất không thuận tai hay sao? Cải đi còn kịp. – Ngọc Hoa chèo kéo.
- Không thể nào! Ngài quản gia nói... nói chữ "tiêu" trong tên em là dáng vẻ tươi tắn, hình dung khoe mạnh. Lặp lại hai lần ý chỉ em khoẻ mạnh nhanh nhẹn, có thể hết lòng hầu hạ chủ nhân. Tiểu thư, tên Tiêu Tiêu chẳng phải đang rất tốt hay sao?
Con bé nô tỳ bấy giờ đã mạo muội đặt người ngồi lên sập. Nó dùng hai tay lắc nhẹ Ngọc Hoa như thuyết phục.
- Ừ thì... Chỉ là tốt theo nghĩa Hán. Em không biết đấy thôi, quốc ngữ của người Việt là chữ Nôm. Mà nếu diễn Nôm tên em thì... thì... – Ngọc Hoa không buông tha.
- Thì sao tiểu thư? – Con bé háo hức.
- Thì người ta sẽ ngầm hiểu là... tiêu hoá, đi tiêu chứ sao nữa!
- Đi tiêu? Đi tiêu chẳng đi đến nơi tốt lành, khỏe mạnh hay sao? - Tiêu Tiêu cố cãi.
- Hừ, nơi tốt lành khỏe mạnh cái con khỉ. Có mà đi đến chỗ hôi thối, xú uế thì có. - Ngọc Hoa hừ mũi phản bác. Chữ tiêu đối với người Việt mà nói, đa phần là ám chỉ những sự thô tục. Rất xấu!
- Không phải đâu, không thể nào... - Tiêu Tiêu xìu xuống, cái lúc lắc chừng không tin.
- Vẫn còn ngang bướng hả? Chúng ta bây giờ chẳng thể trở về phương Bắc nữa, cõ lẽ cả đời sẽ ở tại phương Nam. Nhập gia phải tuỳ tục, em giữ cái tên xấu như vậy chẳng lẽ muốn người Đại Việt bàn ra tán vào hay sao. - Nói đến đây Ngọc Hoa chuyển qua giả một loạt giọng. - Ê kìa, con bé kia tên Tiêu Tiêu kìa. Hả, có phải "tiêu" trong cầu tiêu không? Thì hẳn rồi. Chậc, hai người này nói chuyện nghe ghê quá, không để người ta ăn nốt miếng cơm hay sao?
Tức thì mặt Tiêu Tiêu đỏ bừng lên, nó lắp bắp:
- Mọi người đều bàn tán... chẳng lẽ... chẳng lẽ... người đó cũng...
- Tất nhiên rồi, người đó cũng vậy! - Nghe hơi nồi trõ, tuy chẳng rõ người đó Tiêu Tiêu nói là ai Ngọc Hoa vẫn chắc nịch.
- Tiêu Tiêu không giữ, không thèm giữ nữa! Tiểu thư, xin hãy cải tên cho Tiêu Tiêu.
Tiêu Tiêu khẩn thiết, nó sán lại miệng cầu xin và tay lắc Ngọc Hoa đến nỗi chóng mặt
- Được rồi, được rồi. Bỏ ta ra, bỏ ra! Hừm, em phải từ từ để ta nghĩ đã chứ.
Nói rồi Ngọc Hoa hồ hởi liếc trái liếc phải để tìm kiếm một ý tưởng. Và rồi đôi mắt cô bé dừng lại trước cái bóng lốm đốm của nắng đang in trên nền nhà lát gốm hoa chanh. Cô bé à lên:
- Ra rồi, Hiên! Hiên có được không? Trong tiếng Nôm, hiên là phần thềm nhà có mái che. Chính là cái chỗ ngoài kia. Nhìn đi đâu đấy, cái là mái ngay trên đầu kia kìa. Ngoài ra hiên còn biểu trưng cho nếp nhà, là sự bình yên tự tại. Nên người mang tên đó chắc chắc sẽ an phận thủ thường, cả đời không lo hoạ hoạn.
- Hi... en Hien ạ?
Tiêu Tiêu bỡ ngỡ nhắc lại cái tên mới bằng chất giọng Việt ngọng líu ngọng lô nó đang cố học.
- Hiên. Hy... yên... Ừ, nghe cũng tàm tàm, là thế đấy. – Ngọc Hoa chỉnh lại phát âm, không quên nói thêm. – Thực ra người Việt còn nhiều tên hay, nhưng do ngữ âm họ có bằng trắc nên rất khó đọc. Em lại nói ngọng thì nên chọn cái tên đơn giản, chứ mỹ miều mấy lúc nói họ chẳng nghe ra cũng bằng thừa.
- Vâng, từ giờ em sẽ dùng tên do tiểu thư đặt Hy - yên.
- Hiên!
Tuy nhiên sau khi được Ngọc Hoa cải tên không hiểu vú Mã và Hiên thậm thụt với nhau những gì mà mấy hôm sau dù có gọi cách mấy Hiên cũng không chịu nhận cái tên mới. Nó cứ vờ như không nghe thấy và chỉ phản ứng lại mỗi khi Ngọc Hoa chịu gọi đúng tên.
...
- Này, ăn đi chứ, để người Nam trông thấy họ lại tưởng em chê bai đồ ngự của họ. Tội khi quân phạm thượng ở đây chỉ có... khực!
Úp bàn tay phải ngang tầm cổ, ngay trước tiếng khực Ngọc Hoa làm động tác tự cứa đứt cổ mình một cách vô cùng gọn ghẽ. Hiên nghe được mặt mày biến sắc, vội vã nhìn quanh rồi bốc một nắm sen to, cố nhét cho đầy miệng. Nhét tới nỗi nó ghê cổ, hai tay phải bịt miệng cho khỏi nôn ra.
- Thân lừa ưa nặng, từ từ thôi kẻo chết nghẹn bây giờ. Nền y học hãy còn lạc hậu lắm, bệnh kỳ quái lại diễn biến nhanh như mắc nghẹn thì chỉ có nước hạ thổ để giun dế chữa thôi. Mau chiêu chút trà đi!
Với tay lấy chén trà hãy còn hơi khói trong khay đưa cho Hiên, Ngọc Hoa vừa nhìn nó uống cạn vừa tủm tỉm cười. Rồi cô bé ghé tai thì thầm:
- Này, tối nay ta và em lại qua đằng ấy nhé.
- Tiêu thư muốn đi đâu? – Hiên ngơ ngác ngẩng đầu nhìn.
- Suỵt, be bé cái miệng thôi. Hỏi thừa, từ ngày tới đây ta và em đã đi mấy lần và đi được những đâu kia chứ?
- Ưm... Từ ngày tới đây tiểu thư mới cùng em đi... Là do tiểu thư nói có việc cần tìm nhị vị công tử... Không, giờ Trần công tử đã là hầu tước Đại Việt.
Hiên vẫn giữ thói quen gọi Hoài Văn là trần công tử như hồi cựu Tống. Và mỗi khi gọi nhầm, nó đều rất tự giác chuyện vả miệng răn mình. Vả xong, nó ấp úng tiếp:
- Em... còn em thì cần theo để soi hỏa trúc hầu tiểu thư. Ừm... cũng đã vài lần. - Hiên vẫn ấp úng. Đôi lông mày nhạt màu của nó chau lại, má đỏ. Nó chìa các đốt ngón tay như đang đếm mặc dù chẳng còn gì để đếm cả.
- Chính thế, chính là ta lại muốn tới tìm tiểu huynh và Nhân Hiếu hầu... Ôi, buổi tối sẽ thật tẻ ngắt nếu không lén đến chơi cùng hai người đó. - Rồi cô bé chỉ vào liễn sen đang nằm chỏng trơ giữa chõng nói. - Và lại lần này là đi công cán, đâu có phải chuyện chơi. Mứt này là quan gia nước Việt ban cho tiểu huynh. Nhưng tiểu huynh nhã ý nhường cho ta. Giờ thì cả em cũng ăn rồi đấy. Chúng ta không thể của trọng người khinh. Phải đến cảm tạ người ta một tiếng.
Ngọc Hoa híp mắt cười gian. Chuyện ơn nghĩa với cô bé rõ ràng chỉ là thứ yếu, thứ khách sáo không cần thiết. Bởi nếu không có tâm cơ tính toán thì Ngọc Hoa là người có nhận hết năm chục liễn sen cũng chẳng quan tâm nó tới từ đâu.
Hiêm nghe xong mặt tái đi. Nó chối đây đẩy như đỉa phải vôi nói:
- Không được đâu tiểu thư, em không dám nữa. Nhũ mẫu đã nghi ngờ rồi, người mà biết em không phải soi đèn đưa tiểu thư đi dạo mà tới chỗ Trần công... hầu gia thì bà đánh chết em mất.
Thật ra đấy không phải lý do chính bởi ngoài nỗi sợ nhũ mẫu phát hiện, Hiên còn ghét cái cảnh hai vị hoàng thân nước Nam kẻ nâng người đỡ giúp tiểu thư nó leo lên cái cây cổ thụ cao nhất trong khu phủ. Rồi ba người họ ở trên đó vui vẻ cười đùa, không biết rằng còn có nó ở dưới gốc cây, bị muỗi đốt và vô cùng ganh tị.
- Vớ vẩn, vú Mã đã nhận em là nghĩa nữ để phụng dưỡng và hương hỏa. Nếu đánh chết em thì không phải mất nhờ hay sao? Còn ngộ nhỡ đánh không chết, thế chẳng phải đang đầu tắt mặt tối hầu hạ một người ốm này hoá thành hai? Vậy nên chỉ là vài câu dọa để em ngoan ngoãn nghe lời thôi... – Ra chiều trấn an xong, Ngọc Hoa chợt thấp giọng tiếp: - Còn ta và em. Ta là chủ tử em là kẻ dưới, dám không nghe lời thì... thì... ta hớp hồn nhà người đấy! – Gằn giọng ở đoạn hút hồn, Ngọc Hoa còn làm thêm cả bộ mặt ma quái cho ăn rơ với câu chuyện Hiên từng tin sái cổ, Triệu tiểu thư bị quỷ nhập tràng.
Nỗi sợ cũ chưa qua cái sợ mới đã tới, Hiên dĩ nhiên phát hoảng. Nó đông cứng bập bẹ:
- Đừng... để... để em đưa tiểu thư... đi là được.
Lập tức đổi lại vẻ mặt bình thường, thậm chí có phần hiền dịu thái quá, Ngọc Hoa hoan hỉ khen:
- Xuất sắc! Thế mới ngoan chứ. Nào, ngồi xuống ăn đi. Phải ăn nhiều nhiều một chút. Đã mất công lặn lội đi cảm tạ thì hãy ăn cho thật thoải mái.
Để chủ nhân nịnh mãi Hiên mới định thần chịu ngồi xuống, với tay vào liễn mứt. Qua một lúc, bầu không khí giữa hai cô bé trầm hẳn khi Ngọc Hoa quay ra mải mê ngắm khoảng vườn phía trước. Còn Hiên, dường như đã nghĩ gì lung lắm nó mới quay ra thỏ thẻ:
- Tiểu thư, có chuyện này em muốn hỏi người.
- Hử? Ừ, hỏi đi.
- Nhưng em không dám đâu. Nhũ mẫu nói đó cũng không phải chuyện quan trọng.
- Cũng cứ hỏi đi.
- Không chỉ là Hy-yên nói bậy, Hy-yên sẽ tự phạt mình. Xin tiểu thư hãy quên những lời đó đi.
- Hừ, muốn ta quên thì tốt nhất đừng có nói ra chứ. Giờ đã nói ra rồi, em có biết là ta là thiên hạ đệ nhất tò mò không hả?
- Là Hy-yên nói bậy, tiểu thư đừng chấp. Hy-yên sẽ vả miệng!
- Hừ, giờ vả cũng đã muộn. Nói mau, hỏi gì, nếu không đừng trách ta... – Ngọc Hoa đột nhiên quay sang, mắt trợn tròn, chu miệng phát ra những âm thanh u u nho nhỏ. Sau tràng âm thanh ma quái, cả khuôn mặt cô bé dần chuyển thành dài dại với cái cổ ngoẹo hẳn sang một bên hai tay múa may loạn xạ: – Úm, chiết lệ, chủ lệ, Chuẩn Đề ta bà ha... Âm binh thần tướng của ta, lẩn khuất nơi nào, mau về nghe triệu!
- Đừng... đừng mà! Âm binh... âm binh đừng tới đây! Tiêu Tiêu biết tội... xin Ma vương... Ma vương hãy tha cho Tiêu Tiêu...
- Còn không mau nói. – Vẫn giữ biểu cảm cũ, Ngọc Hoa lạnh lùng phán bằng giọng "cõi trên".
- Là... là... là chuyện giữa đạitiểu thư và Trần công tử!
TND.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro