Trúc Mai - IV - Tiểu huynh 2
Tựa như có một uy lực vô hình, mảnh đoạn vàng thêu hổ phù đáp trên lưng áo Hoài Văn đã làm ngọn chông phải chùn lại. Bọn lâu la đã thu gậy.
- A Hoa, muội thở đi. Đừng sợ!
Gạt vài cọng tóc mai của tiểu muội lên tai, Hoài Văn buông gậy dùng tay quệt nước mắt cho Ngọc Hoa rồi nhìn cô cứng cỏi nói. Ánh mắt khi ấy của cậu ám ảnh tới nỗi đang trong khoảnh khắc hãi hùng Ngọc Hoa vẫn tin rằng dù thiên binh vạn mã có tràn qua đây tiểu huynh cũng vẫn hiên ngang, điềm đạm như thế chống đỡ cho cô bé vậy.
Chờ đến lúc nghĩa muội thở đều và tươi tỉnh hơn, Hoài Văn bấy giờ cau mày nhìn lại phía có lũ lâu la. Không nói không rằng, chỉ với ánh mắt to tròn mở lớn dữ dội cậu khiến cả bọn dần dần phải hạ gậy và co cụm lại.
Tá Đức nhận thấy tình huống đã thay đổi khi kẻ ù lì kia bắt đầu phản ứng lại, y hiểu không thể cậy phận trưởng bối mà ngang nhiên ức hiếp kẻ dưới ngay trên đất đai của hắn. Hơn nữa nếu y gây chuyện bên ngoài trở về thế nào cũng nhận sự trách phạt của phụ vương.
Cả bọn nhà Tá Đức bấy giờ dần trở nên lúng túng và dáo dác, chúng lo Hoài Văn tinh trí, tri hô gia nô phủ nhà đến tiếp ứng thì rất phiền.
Còn Hoài Văn, cậu lừ mắt đến khi bọn lâu la thực sự lùi xa một khoảng mới quay lại phía sau chầm chậm nâng nghĩa muội lên, nói:
- A Hoa, ta đi thôi!
Cô bé lập tức gật đầu, rụt rè ngó đám côn đồ rồi bám vào tiểu huynh đứng dậy.
Cả hai cứ thế thản nhiên đi khuất vào sau dãy nhà trước sự chứng khiến của Tá Đức và đám tay chân. Cả bọn cứ đờ đẫn ra phần vì thiếu khẩu lệnh của chủ; phần vì vị tiểu hầu gia Trang Liệt kia vẫn thỉnh thoảng ngoảng lại, lườm nguýt chúng. Khi hai bóng trẻ khuất dạng đã lâu, Ta Đức mới tỉnh ra. Hắn căm tức rú lên với bọn tay chân:
- Hừ, bọn bay có mắt không tròng hay sao để chúng nó trốn thoát dễ dàng như vậy? Hừ, phải ôm cái hận này về Thăng Long ông sẽ tróc da từng đứa!
...
Tháp Khán Long là ngôi tháp bảy tầng được làm hoàn toàn bằng gỗ dựng ở chính giữa phủ đệ Trang Liệt. Công trình này được xây dựng từ thời Hoài Đức thái vương còn tại thế, để ghi nhớ những huân công khi ngài theo phò Thái Tông hoàng đế đánh dẹp giặc Hồ. Vì vậy tháp Khán Long có bảy tầng bởi theo triết lý Phật học số bảy là biểu tượng cho quyền uy thái dương, mà ở đây quyền uy của thái dương ứng với uy quyền của quan gia. Tháp Khán Long mở đều ra bốn mặt những mặt chính diện vẫn nhất nhất trông về hướng tây nam, nơi có Thăng Long. Ví như trước đây đức thái vương đã theo phò đức Thái Tông, nay hậu duệ ngài cũng đời đời chầu về kinh sư vậy.
Nếu so với các công trình đương thời khác ở Vũ Ninh châu, gác Khán Long là đài quan sát nhân tạo cao nhất. Bởi từ trên đỉnh tháp cúi xuống có thể thấy rõ những tán trên đỉnh các rặng cổ thụ, còn trông ra xa hơn là bao quát cả bốn phương tám hướng một vùng xung quanh.
Thư thái ngồi trên hàng hiên của ngôi tháp, Ngọc Hoa dường như đã quên sạch sẽ vụ lộn xộn mới xảy ra. Cô bé chỉ mê mải phóng tầm mắt ra xa. Từ lúc tới Trang Liệt, quả thật Ngọc Hoa chưa từng được ngắm một phong cảnh nào cao xa và kỳ vỹ đến thế.
"Chà, quả nhiên là nơi cao đón gió lớn."
Tiết trời đầu đông càng về chiều càng thêm lạnh, Ngọc Hoa dần co mình lại trong chiếc áo cánh nhung khoác ngoài. Chợt từ phía sau, đã có ai choàng thêm một mảnh gấm cho cô bé. Ngoảnh lại nhìn, thì ra là Hoài Văn. Cậu đang đứng trên bậu cửa, nãy giờ cứ phải cập kênh mãi bởi đã nhắc liên miệng mà tiểu muội thì nào có để tâm.
- A Hoa, trong người có bệnh, ngồi trước gió không được đâu.
- Ầy, đâu có sao. Không phải người ta nói trên đời có hai thứ giúp tăng thọ hay sao. Một là ăn món ngon, hai là nhìn cảnh đẹp. Tiểu huynh đừng có cằn nhằn giống vú Mã như thế. – Ngọc Hoa phủi đi, vẫn không thèm quay mặt lại. - Tiểu huynh, tiểu huynh cũng ra đây với Ngọc Hoa đi. À, hay là tiểu huynh... sợ cao?
- Ai bảo ta sợ cao kia chứ? – Hoài Văn cậu cọ đáp rồi bước từ trên bậu cửa xuống.
- Tiểu huynh, kia là đâu?
- Kia? - Hoài Văn cũng ngồi khoanh chân, hơi có ý sát lại tiểu muội. Theo hướng tay Ngọc Hoa chỉ, cậu nheo mắt nhìn rồi đáp. – Là Trạch Độ.
- Chà, khói bếp bốc nghi ngút quá. Chắc ở đó có nhiều người lắm.
- Phải, Trạch Độ là bến thuyền nằm trên một chi lưu của Thiên Đức giang. Nơi đấy là chốn thông thương toàn châu Vũ Ninh. Trên bến dưới thuyền, quang cảnh trù mật, đợi khi em thật khoẻ, ta sẽ dẫn em tới đó quan lãm.
- Thật chứ? Ở kia có một khu rừng lớn. Rừng gì vậy? Ngọc Hoa cũng muốn tới đó chơi.
- Là rừng Sặt. Được.
- Còn cái gò đó?
- Gò Tổ Sơn.
- Chà, cái tên ý nghĩa nhỉ. Trên đó còn cắm cả ngũ sắc kỳ kìa.
- Phải. Từ đời thái vương quân bản bộ Trang Liệt đã đóng trên ấy nên còn có tên là gò Võ.
- Chà, thì ra đó là nơi quân binh đóng. Ngọc Hoa muốn tới!
- Còn khu lò rèn chắc cũng gần đây?
- Ngay kia.
- Sao không thấy cái gì hết?
- Buổi thái bình kỵ rèn gươm đao.
- À, phải ha. Mà tiểu huynh, còn những khoảnh ruộng này và dãy nhà kia?
- Nhà kia là nhà dệt còn đây là công điền của ta.
- Ra vậy đấy. Có phải hễ người dân làm ra bao nhiêu hoa lợi tiểu huynh đều chiếm mất một phần của họ không? Tiểu huynh không sợ như thế họ đói chết hết à?
- Ưm, tô thuế... tô thuế có hạng từ đời thái vương, ta chỉ theo đó... Nhưng việc này lão Bộc toàn quyền...
Hoài Văn ngắc ngứ. Khắc trước cậu vẫn đầy hào hứng khoe với nghĩa muội về vùng đất phong trù phú của mình. Nhưng trước câu hỏi kia, không hiểu sao làm cậu thấy nhột nhạt. Kể ra thì thanh mai trúc mã biệt tin lâu ngày, buổi đầu gặp gỡ mang những chuyện rèn gươm trui giáo, hoa lợi dân gian chảy về đâu, giới đại quý tộc dùng cách thức nào để bóc lột tư túi làm đề tài thì quả có không hay lắm với những người ở vào địa vị như Hoài Văn.
- Ngọc Hoa cũng muốn tới công điền và nhà dệt nữa. – Tuy nhiên tiểu muội nhanh chóng phớt lờ câu hỏi đó và chuyển chủ đề: - Ha, đây thật có nhiều nơi để đi. Tiểu huynh đã hứa sẽ đưa Ngọc Hoa đi xem khắp rồi đấy. Quân tử nhất ngôn, chúng ta ngoắc tay làm tin nào.
Trước nụ cười tươi tắn và bàn tay mảnh dẻ chìa ra đón đợi, Hoài Văn ngập ngừng lùi lại. Phải đến khi khuôn mặt đang phấn khích kia hơi sa sầm, cậu mới ngần ngừ:
- A Hoa à, có thật em đã hết giận ta?
- Giận gì cơ? Tiểu huynh nói gì vậy, đừng có đánh lảng mà. Lúc này là lúc tiểu huynh phải ngoắc tay cam kết những lời đã hứa với Ngọc Hoa. – Ngọc Hoa sốt ruột, cứ ngoắc ngoắc mãi ngón út trước mặt Hoài Văn.
- Được, hứa với em. - Hoài Văn nở cười rạng rỡ, dùng ngón áp út của mình ngoắc lấy tay tiểu muội.
Vậy là khúc mắc cũ giữa hai cô cậu bé được cởi bỏ theo suy nghĩ của Hoài Văn. Vị nghĩa muội những tưởng xa vạn dặm, mãi mãi kẻ Bắc người Nam vậy mà cũng có ngày được ở một chỗ; làm những người thân tín xung quanh vị hầu gia nhỏ tuổi phải nhận ra một điều rằng từ lúc Triệu tiểu thư tới đây, Hoài Văn ít nhiều trở nên vui tươi và dễ gần hơn. Bời dù có thừa nhận hay không thì Triệu Ngọc Hoa vẫn chiếm một phần không nhỏ trong cái kí ức ấu thơ êm đềm, vô lo vô nghĩ của cậu. Đó chính là cái quá khứ ngọt ngào có phụ thân phụ mẫu, được bao dung che chở mà Hoài Văn đã nhớ siết bao nhiêu; để rồi khi nhìn lại cậu thấy bên mình chỉ còn ba người. Ba người còn lại cho cả một thời kỳ, cho cả một triều đại, cho tới lúc này...
- Kìa, tiểu huynh đừng giữ tay Ngọc Hoa mãi thế... Tiểu huynh, Ngọc Hoa lạnh rồi, ta vào trong đi!
Hớn hở khi đạt được yêu sách lại thêm còn nhiều cơ hội để nhìn ngắm quang cảnh này nên Ngọc Hoa vội đứng dậy, choàng lại mảnh gấm trên mình rồi nâng mành trúc đi vào bên trong.
Buông người xuống ngôi chủ ngay trước bức trấn phong, từ chuyện tương kế tựu kế trốn khỏi vú Mã và Tiêu Tiêu cho tới chuyện gặp người hung đồ như Tá Đức khiến cô bé thấm mệt. Hơn nữa Ngọc Hoa còn vừa ăn kha khá bánh trái do tiểu huynh mời nên căng da bụng ắt chùng da mắt.
Cô bé xoay trở một lúc rồi thuận tiện ngả lưng luôn trên tấm đệm dồi bông êm như mây. Ngọc Hoa cũng không quên bỏ bớt hai chiếc trong chồng gối xếp kê tay và nghiêng đầu gối lên đó, vừa nằm duỗi chân vừa thích thú nhìn Hoài Văn lục tục theo vào, ngay ngắn ngồi xuống một ngôi khách ở gần. Khí chất dữ dội khi đối phó với Tá Đức và đám lâu la ở cậu hiện hoàn toàn bay biến. Trước mặt nghĩa muội, Hoài Văn mang vẻ ân cần, lúng ta lúng túng và cả chút cam chịu.
- A Hoa, có chuyện muốn hỏi em.
- Chuyện gì? Tiểu huynh hỏi đi, cứ hỏi đi...
- Chỉ là ta thấy lạ khi em rành rẽ Nam ngữ đến vậy? Em đã học nó khi nào?
"Cái gì cơ?"
Câu hỏi xem ra rất bình thường này dường như đánh trúng một yếu huyệt của Ngọc Hoa. Đang nằm duỗi thư thái bỗng cô bé ngồi dựng lên, mặt mày biến sắc.
- À thì... thì là... Muội... muội... – Ngọc Hoa nhanh chóng lấp liếm bằng Ngô ngữ: – Không biết nữa. Cứ nói được vậy thôi! À, chẳng phải trước đây vú Mã nói tiểu huynh từng chỉ Nam ngữ cho muội hay sao? Muội nói được là nhờ tiểu huynh đó!
- Thế thì lạ thật. Hồi đó muội có nói tiếng Nam làm muội đau đầu kia mà... Vậy tại sao... – Hoài Văn nhăn trán nghĩ.
- Ha ha, còn có chuyện đó nữa sao? Đó... cái đó là khi còn ấu trĩ... Tiểu huynh à, tiểu huynh đừng để ý mà. Nói được so với không biết nói chẳng phải tốt hơn hay sao? Với lại muội nghĩ muội dù sao đã tới phương Nam rồi, muội cũng rất thích nơi đây nên nếu dụng Bắc ngữ sẽ không mấy ai hiểu được. Vì thế muội đã hạ quyết tâm biết thêm nhiều tiếng Nam hơn nữa.
- Hay lắm! – Hoài Văn phấn khởi. – A Hoa nếu vậy muội đừng về phương Bắc nữa. Từ giờ trở đi chúng ta sẽ trao đổi bằng Nam ngữ, nhé?
- Hờ... ờ... Tất nhiên rồi! – Và Ngọc Hoa giả lả hùa theo.
- A Hoa, còn điều này...
- Còn gì nữa?
- Tại... tại sao em không nhận ra ta?
Đứng giữa sự bất ngờ từ câu hỏi không ngờ tới can hệ cả những điều bản thân phải giấu diếm lẫn khuôn mặt đang nhìn chằm chằm mang đầy uất ức của tiểu huynh, Ngọc Hoa chỉ còn biết thầm kêu khổ. Cô bé lại bắt đầu động não:
- Ờ thì do... do Ngọc Hoa bị ốm! Ôi, lúc tỉnh dậy mà chẳng nhớ nổi điều gì, xung quanh thì toàn những người lạ hoắc, đáng sợ lắm. May thay lang y đã phán chỉ cần Ngọc Hoa chịu khó tĩnh tâm...
- Nhưng ta đâu có phải người lạ! – Hoài Văn gắt lên.
- Ơ...
Bắt gặp cặp mắt long lanh đầy sợ hãi của nghĩa muội đang nhìn mình cậu lại chùn xuống, nhỏ giọng tiếp:
- Chỉ là ta đã nghĩ em sẽ không quên ta như ta... không quên em vậy.
Cậu phụng phịu. Hoài Văn hiểu bản thân lại không khéo léo, lại lỗ mang doạ nạt nghĩa muội. Nhưng chung quy với nỗi ấm ức bị nhận nhầm kia, cậu không cách nào tự xoa dịu được.
- Tiểu huynh đừng giận nữa. Từ rày Ngọc Hoa không quên huynh nữa đâu.
Giơ tay ra với lấy tay vị tiểu huynh đang giận dỗi, Ngọc Hoa hướng mặt lên nhìn cậu mỉm cười. Với nụ cười ngọt ngào và chất giọng trong trẻo kia mặt cậu bé đối diện thoảng chốc đã đỏ lựng, lúng túng tới nỗi cậu bỗng nhiên to giọng kể ra chuyện đâu đâu:
- A Hoa, việc em khỏi bệnh ta rất mừng. Ta đã cho người vào châu Hoá báo với đại huynh của em đấy. Triệu tướng quân đã vào tới châu Hoá rồi. Đấy là thành trấn của một người bác họ ta. Châu Hoá đường đi xa xôi hiểm trở, em không biết đâu...
- Ngọc Hoa biết Hoá châu.
- À... có lẽ là dăm hôm nữa Triệu tướng quân sẽ...
Nghe đến đấy bất thần Ngọc Hoa ngã vật ra nệm, người co lại.
- A Hoa!
Hoài Văn vừa gào lên thì ngay lập tức một bàn tay nhỏ giơ lên chặn miệng cậu.
- Đừng ồn mà, Ngọc Hoa chỉ ngủ thôi. Ngọc Hoa mở mắt không nổi rồi.
- Em ngủ? Được, vậy em ngủ đi. Ta sẽ không nói nữa.
- Nhưng Ngọc Hoa... ở đây có chút bất tiện.
- Không sao đâu.
- Ngộ nhỡ mấy người đó tìm tới, Ngọc Hoa sợ...
- Đừng sợ, dưới tháp luôn có gia đồng canh giữ.
- Người anh em đó sẽ sợ gia đồng sao?
- Còn có ta mà. Ta sẽ canh tới khi nào em thức giấc. Được không?
- Được!
Ngọc Hoa gật đầu đồng tình, hai mắt dần khít lại. Trước khi chìm vào giấc mộng mị, cô bé mơ hồ thấy tiểu huynh cứ nhìn mình rồi lại kéo mảnh gấm lên diềm cho thật kín. Hình như được ngồi như vậy, nhìn như vậy, làm những việc như vậy cậu lấy làm vui vẻ lắm nên thành thử đôi môi đỏ sơn cứ mãi nhoẻn cười thành hình trăng khuyết.
...
Giấc mơ dịu dàng với trăng khuyết dần nhạt nhoà, thay vào đó là nền trời tím bầm của buổi hoàng hôn cùng cái bóng dài gân guốc và giọng nói đùng đục của một người đàn ông đứng tuổi.
- Hầu gia!
Lời nói nghiêm khắc của cái bóng lập tức khinh động đến trăng khuyết, xô ngã và làm nó rơi từ trên đỉnh cái tháp ngà đang tại vị xuống nền đá, vỡ thành muôn tàn sao nhỏ.
- Thưa thầy!
Cái bóng cúi đầu đáp lễ rồi lại lên tiếng, giọng đầy chất vấn:
- Hiếm khi mới có người từ Thăng Long ghé thăm, chẳng hay vì nguyên cớ gì hầu gia lại gây để Tá Đức hầu phẫn nộ bỏ về?
Những tàn sao nhỏ trên nền đá cũng đáp lại với giọng thánh thót nhưng quyết liệt:
- Tá Đức ỷ mạnh hiếp yếu, là kẻ không có cái chính nhân trong đức người quân tử. Không những thế y còn dám mang tiểu muội ra đùa cợt. Với loại người ấy, dù là họ hàng ta cũng không muốn giao thiệp.
- Hầu gia!
Cái bóng dài nói lớn, tuy vẫn giữ xưng hô cung kính nhưng ý định trấn áp đám sao nhỏ đã hiển hiện rõ ràng. Cái bóng tiếp:
- Cổ nhân có câu huynh đệ hủ túc. Thủ túc đoạn thời nan tái tục. Nay chỉ vì đứa con gái ngoại quốc lại đi gây bất hoà với người tộc họ, liệu có nên? Vả chăng, nếu có lời đồn chấp chứa ngoại tộc bài xích thân tộc truyền đến tai các đức ông hoàng hay cao hơn là ngôi cửu ngũ thì chẳng phải hầu gia đã tự gây bất lợi cho mình hay sao? Nên nếu hầu gia nếu còn lòng bái Phan mỗ làm thầy, chuyện Tá Đức hầu hãy viết một bài tạ chuyển đến Thăng Long và xin đến từ đường nghiên khắc răn mình...
"Nghiêm khắc răn mình..."
Ngọc Hoa mơ hồ lặp lại. Cô bé vẫn ngỡ cuộc đối thoại này chỉ là một giấc mơ. Nhưng loáng thoáng thấy Hoài Văn cứ nấn ná nhìn về mình và đằng trước quả nhiên có một người đàn ông nghiêm khắc đứng đó thì cô bé sực tỉnh.
Ngọc Hoa bật dậy, lơ mơ cãi không đầu không đuôi:
- Không phải, tiểu nữ là người chứng kiến. Hoài Văn hầu không làm gì sai hết. Tất cả đều tại tên Tá Đức đó...
Phan sư phụ nhìn về Ngọc Hoa, lập tức trừng lớn mắt. Như thể ông rất tức giận khi phát hiện cô bé đã tỉnh. Phan sư phụ dữ tợn quát bằng Ngô ngữ:
- Tiểu nha đầu, câm miệng. Đây không còn là chốn cho phép ngươi lớn lối.
Không giấu nổi vẻ tức tối Phan sư phụ quay lại phía Hoài Văn cố tỏ ra lãnh đạm.
- Tháp Khán Sơn là nơi Thái vương xưa dùng thiết thượng khách, nay sao có thể để một đứa nha đầu làm uế tạp. Hãy nghiêm cẩn tự răn trước bài vị Thái vương chẵn ba canh giờ và chịu phạt mười trượng cho ta!
- ...
- Hoài Văn! Phạt trượng trò, trò có phục hay chăng?
Tiếc nuối rời mắt khỏi nghĩa muội, Hoài Văn nhún nhường đáp:
- Thưa thầy, nghĩa muội...
- Việc ấy trò không cần để tâm, Mã thị đã ở dưới chân tháp.
Dương như bấy giờ mới yên lòng, cậu vòng tay đáp:
- Phục! Xin lĩnh ý thầy.
Sau câu phục, cái bóng sẫm đỏ mảnh khảnh của Hoài Văn nhanh chóng nối gót sau Phan sư phụ rồi khuất hẳn dưới cầu thang. Trên tháp chỉ còn lại mình Ngọc Hoa với đầu óc váng vất. Cô bé cứ ú ớ gọi theo cho đến khi nghe tiếng vú Mã tru gọi mình ngay ở lầu bên dưới.
Trong lúc chờ bà vú lên đón, Ngọc Hoa bần thần chống cằm nhớ lại để rồi phát hiện ra:
"Cách hành ngôn đó, Phan sư phụ... ông ta cũng là người trở về từ phương Bắc sao?".
*** Chú thích:
Trang Liệt tên Nôm là Kẻ Sặt nay thuộc thôn Trang Hạ, xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Tươngtruyền cách đây hơn 1000 năm, vùng đất này có rừng Sặt lớn diện tích khoảng 50mẫu Bắc Bộ với rất nhiều cây cổ thụ như sến, lim... Vào thời Lý, vì là mộttrong những đầu mối giao thương với kinh sư Thăng Long, Trang Liệt sớm trởthành thái ấp điền trang cho giới quan lại quý tộc. Dưới thời Trần, Trang Liệtlà thực ấp của Hoài Đức vương Trần Bà Liệt (có dẫn chứng trong vùng về việc Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản sinh ra tạiđây). Cho đến trước cách mạng tháng Tám năm 1945, trong địa bạ làng vẫn ghi rõ còn 41 mẫu ruộng sơn lăng dùng tế cúng Trần triều sơn lăng (lăng Hoài Đức vương).
TND.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro