Chương 3: Có một gia đình
Xa xa ánh lửa lập lòe
Biết rằng mái ấm đang kề ngay đây.
(Kìa màn sương bạc rơi bên sông vắng - Fyodor Kuzmich Sologub)
Đương tờ mờ tối, trong Kiến Nhan lâu cũng chẳng có mấy dáng người qua lại. Họ đều đang ngủ một giấc yên bình, có thể hơi nông giấc do tiếng huyên náo xa xa chẳng liên quan tới họ, rồi lại thiêm thiếp chìm sâu vào cơn mơ. Họ cứ thế ngủ, sáng mai tỉnh dậy sẽ lại hăng hái làm việc, vô tâm kể đôi ba chuyện trà dư tửu lậu về ngôi làng gặp hỏa hoạn cách đó trăm dặm, chóng nhớ chóng quên. Chỉ có hai cái bóng nhỏ đang đi theo lão bản phu nhân của Kiến Nhan lâu là sẽ nhớ mãi không quên được đêm này.
Lão bản phu nhân nhìn thiếu niên cùng đứa trẻ cả người lấm lem bùn đất cùng tro tàn, lắc đầu thương tiếc: "Hai đứa nhỏ mệnh khổ..."
Lão bản phu nhân của Kiến Nhan lâu năm nay đã năm mươi, cùng lão bản lâu là một đôi vợ chồng già hiếm muộn đường con cái. Đây cũng là một lý do khiến nàng cầm lòng không đặng mà nhận Trọng Khanh vào làm. Hai anh em nương tựa nhau giữa nơi đất khách, dẫu tâm hồn chúng còn non nớt không rõ tuyệt vọng là chi vẫn khiến nàng đau lòng mà thương yêu.
Nàng tra chìa khóa, lạch cạch mở ra một khách phòng không lớn không nhỏ. Đôi bàn tay được phu quân yêu thương bảo dưỡng chỉ vương vài vệt tháng năm xoa đầu hai đứa nhỏ: "Chuyện đã qua rồi, các ngươi đừng nhớ làm chi. Ngoan ngoãn ngủ một giấc. Sáng mai A Khanh không cần xuống làm đâu."
Thiếu niên ôn nhu lắc đầu chối từ: "Không cần đâu, lão bản phu nhân! Ta vẫn khỏe lắm, cũng chẳng bị thương chỗ nào. Cứ để ta làm như bình thường đi!"
Lão bản phu nhân đương nhiên không an tâm, mở miệng toan ngăn cản lại bị Trọng Khanh chặn lời trước: "Người làm bộ khuyên ta nghỉ, thực ra muốn ăn bớt tiền lương của ta chứ gì?" Nói rồi thiếu niên bày ra gương mặt phụng phịu cứ như có ai nợ tiền cậu thật. Lão bản phu nhân bất đắc dĩ cười, biết nói thế nào đứa nhỏ cứng đầu này cũng không chịu nghe, đành sắp xếp cho người làm để ý cậu một chút vậy.
Mà cũng chẳng cần lão bản phu nhân sắp xếp, tự người làm trong quán rượu nghe được chuyện hôm qua liền săn sóc hai huynh đệ Trọng Khanh đúng với tám chữ 'nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa'. Rõ ràng đương thời điểm bận rộn của quán rượu, tiểu nhị nơi này phải luôn tay luôn chân làm, không hoa mắt choáng đầu ù tai đã là may mắn lắm rồi mà bọn hắn còn để tâm ngăn Trọng Khanh ôm việc nặng vào mình.
"A Khanh, ai ai, ngươi mang hộ ta cái này vào bếp! Bàn này ư? Để ta dọn là được rồi!"
"Ôi Mộc thần trên cao! A Khanh, ngươi mau bỏ cái đống đó xuống, không thấy sắp đổ rồi ư?!"
"A Khanh, bưng phần lẩu này giúp ta, nóng quá ta bưng không nổi! Mấy phần còn lại là đồ nguội, mình ta bưng được rồi. Không sao, không sao."
Những mẩu câu kỳ lạ ấy cứ len lỏi trong tiếng huyên náo gọi món, kêu thanh toán ở Kiến Nhan lâu, khiến thực khách tò mò nhìn xem cậu tiểu nhị tháo vát quen mặt hôm nay có gì không khỏe. Người được săn sóc mếu miệng cười, bất đắc dĩ lắc đầu. Có lẽ do tín ngưỡng mạnh mẽ ăn sâu nên tâm tính của người dân thời đại này mới hồn nhiên chất phác đến vậy? Trọng Khanh thoáng nghĩ, rồi lại lao vào công cuộc tranh việc làm khổ tiểu nhị nơi đây.
Cứ như vậy đôi co ba việc vụn vặt với đồng nghiệp, giấc trưa náo nhiệt đã rút khỏi Kiến Nhan lâu lúc nào cậu chẳng hay. Trọng Khanh từ sáng vẫn hay đưa mắt nhìn qua cửa hậu viện, nay lão bản phu nhân ra hiệu cho nghỉ cậu liền giống như được ân xá, đi chân như bay về phía hậu viện.
"Ấy này, A Khanh! Lấy cơm đã chứ! Hay ngươi thích hai huynh đệ bụng rỗng nhìn nhau tâm tình?" Lão bản phu nhân trêu ghẹo, tay đưa khay cơm cho Trọng Khanh. Thiếu niên cười bẽn lẽn nhận cơm, rồi lại đi xăm xăm về hướng ban đầu.
"Ôi chao, ngươi xem hai đứa nhỏ đáng yêu chưa kìa!" Lão bản phu nhân cười hiền hậu mà nói với chưởng quầy.
"Đáng yêu thật đấy." Vị chưởng quầy vẫn luôn tay khẩy bàn tính, miệng nói mà mắt không rời khỏi trang sổ sách chất chồng lên nhau. "Sao phu nhân không thu nhận chúng đi?"
"Ơ kìa?"
"Người cùng lão gia tuổi đã cao, nếu không có mụn con nối dòng thì Bách gia ba đời độc đinh sẽ không có người kế thừa sản nghiệp. Lão nô theo hai vị từ bé, cũng biết tình cảm của lão gia và phu nhân không dung người ngoài, chi bằng nhận hai đứa trẻ lanh lợi kia làm con. Vừa có người kế nghiệp, vừa có tiếng trẻ con vui nhà vui cửa." Như vậy sẽ dịu được phần nào bầu không khí u ám của Bách gia mấy tháng này. Chưởng quầy nghĩ, khéo léo ngâm câu cuối trong lòng mình.
Lão bản phu nhân nghe vậy, lòng vô thức mường tượng cảnh hai phu thê bọn họ cùng đám trẻ sống chung với nhau, ấm áp, vui vầy. Lòng nàng vui nhưng tâm không khỏi ngần ngại:"Như vậy thì còn gì bằng... Chỉ là hai đứa nhỏ có chịu chăng?"
Biết phu nhân mình đã xuôi lòng, chưởng quầy nở nụ cười gợi ý: "Sao người không thử hỏi?"
Lúc này Trọng Khanh đã đứng tần ngần trước căn phòng nơi hậu viện, rối rắm không yên. Buổi tối hôm qua cả hai đều mệt mỏi quá độ, lưng chạm vào giường liền ngủ mê. Sớm nay khi cậu rời giường xuống quán rượu làm việc thì Tiểu Nhạc vẫn còn đang say ngủ, cậu sợ bước chân chưa đủ êm chứ đừng nói đánh thức người ta dậy mà nói chuyện tâm tình!
Giờ làm sao đây – Trọng Khanh rối rắm nghĩ. Cái tính tình ngại ngùng đứa trẻ nào trong xã hội hiện đại chẳng có: ngại tiếp xúc, ngại cất lời, ngại gần gũi. Chúng rụt rè trong việc nói lời yêu thương, không phải vì không thương, chỉ là xấu hổ (hoặc chăng bị ảnh hưởng bởi đám phim thần tượng nên cảm thấy mấy lời yêu thương chỉ nên nói khi dâng trào cảm xúc?). Cũng vì vậy mà khả năng bày tỏ suy nghĩ của Trọng Khanh kém vô cùng, chứ đừng nói là kinh nghiệm an ủi người khác.
Băn khoăn đi qua đi lại cửa phòng một hồi, rốt cuộc người ngồi trong phòng mất kiên nhẫn trước tiên: "Vào thì vào, không vào thì ca đứng đó cả năm luôn đi!"
Trọng Khanh thở dài, lấy hết can đảm đẩy cửa vào.
"Vào phòng thôi mà như gặp Dạ Quân ấy, đệ đáng sợ đến vậy à?!" Đứa trẻ càu nhàu, gương mặt phụng phịu khiến người ta thương tình biết bao. Đáng tiếc thiếu niên ngây ngô không bắt được trọng điểm: "Dạ Quân là ai?"
Đứa trẻ ôm mặt khóc thầm trong lòng. Tại sao mình lại nhặt gã ngu này?! Tại sao?! Tại sao?!
Dù trong lòng có gào thét điên cuồng bao nhiêu lần, cuối cùng bạn nhỏ Lâm Nhạc cũng phải nhận mệnh giải thích cho ca ca ham học hỏi của mình: "Dạ Quân là vị thần cai quản cõi vĩnh hằng. Đó là nơi linh hồn qui tụ lại sau khi thể xác đã chết..." Ngưng một lúc, lâu đến mức Trọng Khanh nghĩ phần giải thích đến đây đã hết rồi thì đứa trẻ mới bật thốt ra một câu khẽ như muỗi kêu: "...Tựa như những người trong làng đêm qua, quay về cõi vĩnh hằng..."
Trọng Khanh bước đến giường, khẽ ôm đứa bé vào lòng, vỗ nhẹ lên lưng nó như mẹ cậu từng dỗ cậu mỗi khi gặp ác mộng thuở bé. Cậu thật sự không biết nói lời an ủi. Nên nói gì đây? Rằng những người đó đã được an nghỉ? Hay giả tạo ra một câu chuyện về số mệnh và đầu thai lừa đứa nhỏ? Không được. Vậy nên cậu chỉ biết dùng cách của mình, lặng lẽ ôm chặt Lâm Nhạc đang run run trong lòng mình.
Đứa trẻ ngồi gọn trong lòng thiếu niên, đầu tựa vào lồng ngực đơn bạc của cậu, cảm nhận nhịp đập khe khẽ của sự sống mà chìm vào giấc ngủ. Bàn tay trên lưng nó sao ấm áp quá.
Nếu không phải còn ca làm buổi chiều hẳn thiếu niên cũng sẽ cùng nó yên bình ngủ. Thật cẩn thận đặt Lâm Nhạc nằm ngay ngắn trên giường, bản thân xử lý phần ăn trưa hai người rồi lại vác mặt dày xuống bếp xin một phần cháo nóng. Đứa nhỏ từ hôm qua đã chưa ăn gì, nay lại còn ngủ tiếp, đợi thức dậy ăn cháo ấm vẫn tốt hơn.
Khẽ đem cháo vào rồi khép cửa phòng rời đi, Trọng Khanh vỗ má chấn chỉnh bản thân vào trạng thái hăng hái làm việc.
Cơ mà tinh thần hăng hái của cậu cũng chẳng trụ được bao lâu. Đợi thực khách trong Kiến Nhan lâu vừa vãn đi một chút, lão bản phu nhân đã gọi riêng cậu ra mà quăng cho một tin động trời.
Cậu dùng gương mặt tiêu chuẩn mắt chữ A mồm chữ O mà đờ người ra nhìn nàng. Cái tình tiết gì đây?
Thấy cậu tần ngần chẳng nói chẳng rằng, lão bản phu nhân dùng đôi mắt hạnh thấm vết tháng năm âu lo nhìn cậu, ngần ngại hỏi: "A Khanh không chịu sao?"
Thiếu niên bối rối vội trấn an phụ nhân, bảo rằng cần phải hỏi ý kiến đệ đệ mình, trong lòng vừa mừng vừa lo. Mừng vì có chốn nương thân, lại nửa lo Lâm Nhạc nhà mình không ưng thuận. Đến thế giới này, người cậu gặp đầu tiên là Lâm Nhạc, người bên cậu đến giờ cũng là Lâm Nhạc. Trong lòng Trọng Khanh vô thức phát sinh tin tưởng cùng dựa dẫm lẫn nhau với đứa trẻ năm tuổi này. Rất lâu sau, khi nhận thức ra loại tình cảm đã nảy sinh lúc này, Tô Trọng Khanh không khỏi thở dài, hóa ra cánh bướm bay từ đấy mà gây nên bão.
Thật ra Trọng Khanh đã lo thừa, chuyện tốt như vậy đương nhiên Lâm Nhạc gật đầu ngay. Nó còn đang băn khoăn chuyện ăn ở, vừa lúc buồn ngủ gặp chiếu manh, thật tạ ơn Mộc thần. Hai đứa nhỏ cũng không quên trò chuyện cả đêm, hôm sau khi đáp ứng lời của lão bản phu nhân liền bẽn lẽn gọi một tiếng 'mẫu thân'. Thiếu niên cùng đứa trẻ, một chưa từng dùng xưng hô này, một luôn muốn dùng xưng hô này, gọi lão bản phu nhân là mẫu thân để bày tỏ lòng cảm kích cũng như yêu thương gần gũi của chúng dành cho nàng. Phụ nhân trước mắt từ khi gặp mặt đã nhiều lần chiếu cố chúng, cho Trọng Khanh một công việc, cho chúng nơi tá túc qua đêm, nay lại cho chúng một gia đình.
Trọng Khanh luôn cảm thấy mình rất may mắn. Không cần như người ta trùng sinh vào một cơ thể thiên phú, gánh sứ mạng bảo vệ thế giới, có huynh đệ đi theo hay giai nhân bên cạnh làm gì. Nhặt được một đệ đệ đáng yêu, lại có một chốn về, đó chính là may mắn giữa thế giới xa lạ này. Lâm Nhạc và Bách gia chính là điểm gắn kết giữa cậu và thế giới này.
Tâm con người rất lạ, càng mừng thì lại sinh lo. Ngồi trong xe ngựa cùng lão bản phu nhân, nay nên gọi là Bách phu nhân, Trọng Khanh không khỏi bồn chồn lo lắng. Lỡ như Bách gia không thích hai huynh đệ cậu? Lỡ như cậu lạ nước lạ cái phạm sai lầm khiến Bách phu nhân phật lòng? Lỡ như cậu vô dụng khiến Bách lão gia không vừa ý?
Lỡ như rồi lại lỡ như, càng đặt ra giả thuyết thiếu niên càng loạn. Trọng Khanh hẳn quên mất, nửa tháng trước cậu cũng là lạ nước lạ cái đến thế giới này mà xin vào làm ở Kiến Nhan lâu. Sự đời luôn biến đổi khôn lường, cực bi sinh lạc, cực lạc sinh bi rồi lại hóa lạc. Xoay vần như vậy, tâm tình ta cũng theo đó mà thêm phong phú. Giống như lúc này chẳng hạn, bao nhiêu lo lắng của thiếu niên chỉ cần được một bàn tay nhỏ bé đưa ra vỗ vỗ tay cậu là liền nhẹ bẫng. Thiếu niên nhìn đứa trẻ đang tạo khẩu hình nói hai chữ 'vô dụng', bất đắc dĩ cười.
Bách phu nhân nhìn hai đứa nhỏ bằng ánh mắt từ ái, không khí trong xe từ đấy mà hòa hợp suốt đường đi. Xe ngựa cuối cùng cũng đến Bách gia.
Tác giả có lời muốn nói: Truyện dở lắm ư, không ai thèm nói gì cả...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro