Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 94: Thắng lợi rực rỡ - I (gộp chương lớn)

Chương 94: Thắng lợi rực rỡ - I (gộp chương lớn)

Kiến Văn năm thứ ba, tháng mười một, thế lực phản nghịch của Yên Vương ngày càng hung hãn, quân đội dưới trướng liên tiếp thắng trận, chiếm cứ gần hết Sơn Đông. Một khi đánh hạ được các châu phủ như Tế Nam, e rằng bất cứ lúc nào cũng có thể kéo quân xuống phía Nam.

Tin tức chiến sự cấp bách như lửa đốt.

Thế nhưng, trong thành Nam Kinh vẫn ca múa tưng bừng, phồn hoa rợp trời.

Các trà quán, tửu lâu khách khứa chật kín, chốn lầu xanh hương phấn nồng nàn bay xa.

Kỵ binh mang theo chiến báo phi như bay vào thành, bụi bay mù mịt, cũng chỉ khiến bách tính hai bên đường bàn tán vài câu xem Yên Vương lại đánh tới nơi nào rồi.

Chiến sự kéo dài ba năm, nói tới nói lui cũng chỉ quanh quẩn vài chuyện cũ rích, chẳng có gì mới mẻ.

Đầu năm, Lịch Thành Hầu đại thắng ở Đông Xương, Hoàng Đế tế lễ Thái miếu, quả thực đã khiến Kinh Thành náo nhiệt một phen. Vui chưa được mấy ngày, tin bại trận liên tiếp truyền về, sau đó thì chẳng còn tin tốt lành gì nữa.

Triều đình thì tô vẽ thái bình giả tạo trên chiến báo, nhưng bách tính đã sớm biết rõ sự thật từ nhiều nguồn khác nhau.

Yên quân liên tiếp thắng trận, còn quân triều đình thì mười trận đã thua đến chín.

Đám thư sinh quan tâm đến chuyện quốc sự ở Thái học cả ngày gào mồm phân bua, nói tới nói lui cũng chỉ là những lời sáo rỗng về việc ban bố thêm chiếu thư thảo phạt, kêu gọi thiên hạ đứng lên chống lại Yên Vương mà thôi.

Các văn thần võ tướng trong triều, kẻ thì vẫn rụt cổ kiên quyết làm chim cút, kẻ ngoài miệng rất dõng dạc nhưng hành động thực tế lại chả thấy đâu. Trong lòng mỗi người đều có toan tính riêng, trong bối cảnh hỗn loạn đó, Tả Đô Đốc Từ Tăng Thọ đã trở thành khách quý của rất nhiều Công hầu võ tướng.

Trường Hưng Hầu Cảnh Bình Văn vốn nhàn cư ở trong phủ đệ, không hỏi việc triều chính, vậy mà cũng mấy lần đích thân bàn luận "binh pháp" với Từ Tăng Thọ. Cốc Vương thường xuyên mời Từ Tăng Thọ đến phủ dự tiệc, Liêu Vương ở Kinh Thành cũng không chịu kém cạnh, kết giao, xưng huynh gọi đệ với Từ Tăng Thọ. Tề Vương cũng muốn góp vui, nhưng lại bị Hoàng Đế quản thúc chặt chẽ, muốn làm mà không được, ngay cả việc gửi tin tức cũng vô cùng khó khăn, chỉ còn biết than thở nhìn tường.

Trong số những người này, Lý Cảnh Long là người có "quan hệ" sâu đậm với Từ Tăng Thọ nhất. Những lúc không phải trực ban, thường thấy hai người tay trong tay, vai kề vai, sải bước tiến vào những tụ điểm ăn chơi nức tiếng nhất Nam Kinh, tiêu xài hoang phí cả đêm.

Ngụy Quốc Công Từ Huy Tổ cũng mặc kệ Từ Tăng Thọ muốn làm gì thì làm.

Trong mắt người ngoài, tiểu cữu tử Từ Tăng Thọ có quan hệ mật thiết với Yên Vương, còn đại cữu tử Từ Huy Tổ, thì đứng về phía triều đình, rõ ràng là đang có ý sẽ vì "đại nghĩa diệt thân".

Tính ra, nếu biết cách trọng dụng Từ Huy Tổ, phát huy tốt sự chính trực của ông, tuyệt đối có thể thu phục được lòng người, nhưng thái độ của Kiến Văn Đế lại cứ mơ hồ không rõ.

Khi chiến sự khó khăn, phái Từ Huy Tổ ra ngoài làm hậu quân, bọc hậu cho đại quân lui binh, tỏ vẻ tin tưởng hết mực.

Chiến sự vừa dịu đi, lập tức gọi người về, lấy danh nghĩa là bảo vệ Nam Kinh.

Binh quyền bị thu hồi, không thể ra khỏi Nam Kinh, cho dù Ngụy Quốc Công có tài giỏi đến đâu cũng không thể thi triển. Những người có kiến thức trong triều không khỏi thở dài, nếu Thiên Tử có thể phong Từ Huy Tổ làm thống soái, thắng bại chưa biết ra sao, nhưng cục diện chiến sự chắc chắn sẽ không nát bét đến mức này.

Dù gì đi nữa, Nguỵ Quốc Công cũng là một trong những người mà Chu Đệ kiêng dè.

Giá như Thiên Tử dành một nửa sự sủng ái dành cho lũ nho sĩ hủ lậu sang cho các võ tướng, thì võ tướng trong triều nào dám không liều mình đến chết chứ?

Nhưng thực tế lại là, lũ nho sĩ hủ lậu dựa vào sự sủng ái của Thiên Tử mà chèn ép võ tướng, khinh miệt các Công Hầu, bày ra vẻ thanh cao, như thể trên đời chỉ có bọn họ mới trung thành với Bệ hạ, mới vì giang sơn xã tắc của ngài mà tận tâm tận lực.

Võ tướng sao có thể cam tâm chứ? Đương nhiên là không thể.

Mâu thuẫn văn võ ngày càng nghiêm trọng, gần như đã sánh ngang nước với lửa.

Bên trong phe văn thần, phái Chu lễ và phái Thái Tổ đi chiêu mộ phe phái khắp nơi, hễ gặp mặt là đấu đá nhau, mỗi lần thượng triều ở điện Phụng Thiên chẳng khác nào đang mở họp chợ.

Ai cũng nói năng hùng hồn, ai cũng trình bày ý kiến riêng, nhưng lại cách xa vạn dặm so với điều Hoàng Đế muốn nghe.

Nói về điển chương pháp độ, những chuyện vặt vãnh thì có thể thao thao bất tuyệt cả ngày.

Hỏi đến chuyện Yên Vương tạo phản, lập tức cúi đầu, như thể dưới đất có vàng vậy.

Hành vi như vậy, nếu là vào thời Hồng Vũ, không bị lột da nhồi rơm thì cũng bị chém đầu tru di. Nhưng Thiên Tử đương triều thì khác, làm ngơ trước sự bất lực của văn thần, hễ hai bên văn võ xảy ra tranh chấp, lại thường đứng về phía văn thần. Võ tướng trong lòng chất chứa đầy oán khí, sao có thể hết lòng vì Kiến Văn Đế, liều chết báo đáp quốc gia đây? Không trực tiếp nhảy việc đã là nể mặt lắm rồi!

Tục ngữ nói, không u uất trong bức bối thì cũng sẽ bùng nổ trong phẫn nộ.

Cùng với những hoạt động của Từ Tăng Thọ ở Kinh Thành, cộng thêm sự nỗ lực ngấm ngầm của Dương Đạc và những người khác, tập đoàn võ tướng Huân quý do Trường Hưng Hầu và Tào Quốc Công đứng đầu, đã dần có xu hướng ngả về phía Yên Vương.

Kiến Văn Đế biết rõ thuộc hạ dưới trướng đang âm mưu "nhảy việc" tập thể, nhưng lại không có cách nào, càng không thể lập tức hạ chỉ điều tra.

Ngũ Quân Đô Đốc Phủ, các Vệ Sở địa phương, thổ Vương ở Tây Nam, những bằng hữu đồng liêu, thuộc hạ cũ phân bố trong quân đội, đều là vốn liếng của các võ tướng Huân quý đó. Ngay cả tên bất tài Lý Cảnh Long, dựa vào đường dây ngày xưa của phụ thân hắn ta là Lý Văn Trung, cũng có thể tạo ra một mạng lưới quan hệ rộng lớn.

Văn thần có bạn đồng môn, đồng hương, đồng khoa.

Võ tướng có đồng đội, có thân binh, có bộ tướng.

Mạng lưới quan hệ của văn thần tuy chặt chẽ, nhưng không cản trở việc bọn họ dùng ngòi bút đâm chém lẫn nhau.

Tình cảm của võ tướng phần lớn là cùng nhau đổ máu trên chiến trường mà kết thành. Đặc biệt là vào thời Minh sơ, chế độ Vệ Sở chưa sụp đổ, các quan võ phần lớn đều là binh sĩ thiện chiến, những Huân quý Công Hầu sống sót qua làn sóng đại sát Công Thần của Hồng Vũ Đế đều không phải hạng tầm thường, tình chiến hữu đồng sinh cộng tử vô cùng sâu đậm. Nếu Kiến Văn Đế dám động đến mạng lưới quan hệ của các võ tướng, kết cục chờ đợi ngài sẽ không khá hơn bị Yên Vương đá khỏi ngai vàng là bao.

Hồng Vũ Đế dám ra tay với các Khai Quốc Công Thần, trước mặt thì ban cho quặng thiết, sau lưng thì vung đao chém người, hoàn toàn không chút áp lực, chỉ vì Chu Nguyên Chương có đủ tự tin, đủ bản lĩnh.

Chu Nguyên Chương thấy ai ngứa mắt thì cứ chém người đó, rồi sao nào? Ai dám phản đối? Chém nốt!

Kiến Văn Đế lại không làm được. Tính do dự, không quả quyết đã ăn sâu vào máu thịt, lại thêm bản tính đa nghi di truyền của người Chu gia, tất cả đã đẩy ngài vào bước đường cùng như ngày hôm nay.

Trọng dụng văn thần, kìm hãm võ tướng, tiêu diệt phiên Vương, tất cả đều vì muốn giữ vững giang sơn xã tắc mà Hồng Vũ Đế giao phó.

Than ôi, hoài bão lớn lao lại không đi đôi với năng lực. Kết quả là quân phản loạn của Yên Vương hoành hành ngang dọc khắp Sơn Đông, khí thế ngất trời, còn Kiến Văn Đế chỉ biết than ngắn thở dài trong cung, hỏi kế sách đám thư sinh.

Một bộ bài đẹp như vậy, giao vào tay ngài lại đánh đến nông nỗi này, khỏi cần Hồng Vũ Đế, Thái tử Chu Tiêu sống lại cũng sẽ không nói hai lời, cho Chu Doãn Văn một cái tát chết tươi.

Thắng lợi ngày càng xa vời, Tề Thái và Hoàng Tử Trừng đi chiêu mộ binh mã vẫn bặt vô âm tín. Kiến Văn Đế chỉ còn biết trông chờ vào kế ly gián của Phương Hiếu Nhụ, mong rằng có thể khiến phụ tử Yên Vương nghi kỵ lẫn nhau, ít ra cũng câu giờ được đôi chút.

Trong lúc chờ đợi mỏi mòn, Trương An và Vương Cảnh Hoằng vẫn chưa có tin tức gì khả quan, thay vào đó là những lời đồn đại lan truyền khắp Kinh Thành.

"Hoàng thượng sai Cẩm Y Vệ dò xét phủ đệ của các đại thần, nghe nói quan viên từ Ngũ Phẩm trở lên đều có tai mắt của Cẩm Y Vệ trong phủ."

"Nghe đồn có vị đại nho trong Hàn Lâm Viện kết giao thân thiết với Cẩm Y Vệ, xưng huynh gọi đệ."

Có người không tin, ở thời Hồng Vũ đã tước bỏ quyền xử án của Cẩm Y Vệ, lại còn giải tán Bắc Trấn phủ Ty, nay Hoàng thượng lại dùng Cẩm Y Vệ để dò la tin tức ư? Sao trước khi Yên Vương tạo phản lại không dùng?

Kẻ bị phản bác cười khẩy, thấy những ánh mắt đổ dồn về phía mình, vẻ mặt đắc ý.

Không sợ bị mắng là nói bậy, chỉ sợ không ai chú ý.

Sở dĩ tin đồn được gọi là tin đồn, chính là vì nó không cần bằng chứng.

So với sự thật khô khan, người đời thường thích nghe những chuyện thêm mắm dặm muối hơn.

Tin đồn thất thiệt cứ thế nhanh chóng lan truyền. Có người phản bác, lại càng có nhiều người truyền bá, càng nhiều người tin. Truyền miệng qua nhiều người, cuối cùng, chuyện bịa đặt cũng sắp thành sự thật.

Lời tổng kết sâu sắc của Mạnh Đồng Tri được mật thám Yên quân xem như kim chỉ nam để hành động, theo chân một nhóm mật thám mới vào kinh, lời đó cũng được truyền đến tai Dương Đạc và Từ Tăng Thọ.

Tả Đô Đốc đặt chén trà xuống bàn, xoa cằm: "Lời này thật thú vị. Mạnh Đồng Tri ở Hậu Vệ Yên Sơn, chẳng phải là tên Mạnh Bách Hộ năm xưa theo Thế tử vào kinh sao?"

"Chính là hắn."

"Thật sự là hắn ư?" Từ Tăng Thọ bật cười, chuyện ồn ào do Chu Cao Sí gây ra năm đó, đến giờ hắn ta vẫn còn nhớ rõ.

Thế tử Yên Vương thương nhớ Thái Tổ Cao Hoàng Đế, ngày ngày ăn mặc giản dị, người gầy rộc đi, được tiếng là bậc đại hiếu. Các phiên Vương trong Kinh Thành đều bắt chước, Ngự Sử liên tục dâng sớ, Hoàng thượng mất hết mặt mũi, phải dọn vào điện Vũ Anh ăn chay niệm Phật mới vớt vát lại được chút danh tiếng. Từ Tăng Thọ cứ nghĩ là có cao nhân nào đứng sau bày mưu tính kế cho mấy chất nhi nhà mình, khả năng cao nhất là vị hòa thượng trong phủ Yên Vương.

Sự thật phơi bày, lại là một tên Bách Hộ, chuyện đó đã khiến Từ Tăng Thọ kinh ngạc một thời gian.

"Nghe nói hắn là đồ đệ của Đại sư Đạo Diễn?"

"Việc này ty chức cũng có nghe qua, nhưng thực hư ra sao thì không rõ."

"Ồ." Từ Tăng Thọ gật đầu, vị Đại sư kia quả là cao nhân, là đồ đệ của ông ấy, có thủ đoạn như vậy cũng không có gì lạ.

Trong ấn tượng, Mạnh Đồng Tri tướng mạo rất không tệ, nhưng thân hình lại gầy yếu, thể lực hết sức bết bát, chẳng hiểu sao lại đi theo nghiệp võ. Chưa đầy bốn năm đã leo lên chức Tòng Tam Phẩm, dù không phải đồ đệ của Đạo Diễn, tài năng cũng không thể xem thường.

Ngày sau gặp mặt, nhất định phải đàm đạo đôi chút.

Lắc đầu xua tan mấy suy nghĩ bên lề, Từ Tăng Thọ ra hiệu cho Dương Đạc lại gần, ghé tai dặn dò vài câu, rồi vỗ vai Dương Đồng Tri, cười nói: "Bản lĩnh của Chấn Võ, ta biết rõ. Cứ hết sức làm, đừng làm mất uy phong của phụ thân ngươi năm xưa."

"Ty chức tuân mệnh!"

Dương Đạc lĩnh mệnh, đứng dậy cáo từ. Nhìn theo bóng y khuất sau cánh cửa, Từ Tăng Thọ uống cạn chén trà, hôm trước đã hẹn với Cốc Vương, bữa tối nay lại không thể dùng bữa ở nhà rồi.

Dặn dò người hầu, Từ Tăng Thọ thay một bộ trường bào màu lam dùng để đi thăm viếng, thắt đai ngọc, khoác áo choàng, vừa oai phong lẫm liệt lại vừa nho nhã, phong thái trên người càng lúc càng giống Từ Huy Tổ.

Biết Từ Tăng Thọ lại đến phủ Cốc Vương, Từ Huy Tổ không nói gì, phẩy tay cho hộ vệ lui xuống, khoanh tay đứng trước cửa sổ, nhìn trời âm u, trầm ngâm suy nghĩ.

Vì Từ gia, Từ Huy Tổ cũng nên suy nghĩ cho kỹ rồi.

Tháng Chạp vừa sang, Yên Vương bỗng dưng hạ lệnh thu quân về Bắc Bình. Khói lửa Sơn Đông tạm thời lắng xuống, Thịnh Dung trấn giữ Tế Nam và Bình An rút về Túc Châu đều ngửi thấy mùi bất thường. Thế trận đang tốt đẹp, cớ sao lại đột ngột rút lui? Hoặc là Bắc Bình có biến, hoặc là Chu Đệ đang ấp ủ một cuộc tấn công quy mô hơn, chỉ có thể là một trong hai. Cả Thịnh Dung và Bình An đều cho rằng khả năng thứ hai lớn hơn. Cảnh tượng trước mắt chẳng khác nào sự yên ắng trước cơn bão lớn, e rằng khi Yên Vương trở lại sẽ là trận quyết chiến sinh tử.

Nhưng Kiến Văn Đế ở Kinh Thành lại không nghĩ vậy. Ngài nghiêng về việc kế ly gián của Phương Hiếu Nhụ đã có hiệu quả, khiến Yên Vương nghi ngờ Thế tử đâm sau lưng mình, nên mới vội vã rút quân về ổn định hậu phương. 

Phương Hiếu Nhụ cũng đồng quan điểm này. Phấn khích tràn trề, một sớ vạch tội hùng hồn lại được soạn thảo, tiếp tục mắng nhiếc Yên Vương là loạn thần tặc tử, quấy nhiễu triều cương, kêu gọi người tài trong thiên hạ đứng lên phò tá Thiên Tử, cứu vãn giang sơn xã tắc.

Phương Hiếu Nhụ hận không thể ngày mai sẽ lập tức tru diệt Yên Vương, thiên hạ thái bình, để y có thể tiếp tục nghiên cứu Chu Lễ, thực hiện lý tưởng học vấn vĩ đại của mình.

Nhưng sớ vạch tội vừa phát ra, thay vì những lời ca tụng như trước, lại vấp phải những tiếng ngờ vực. Trong lúc Kiến Văn Đế và Phương Hiếu Nhụ đang mơ mộng về việc dẹp loạn Yên Vương, xây dựng xã hội tươi đẹp, thì những lời đồn đại về Cẩm Y Vệ ngày càng lan rộng, không sao ngăn chặn nổi.

Các quan viên ở Ứng Thiên Phủ nhận thấy tình hình bất ổn, lo sợ có kẻ đứng sau giật dây, bèn phối hợp với Binh Mã Ty ở Ngũ Thành bí mật điều tra trong ngoài thành, nhưng kết quả chỉ là công cốc. Dù biết lời đồn đại phần lớn xuất phát từ đám lưu dân và khất cái đến từ phương Bắc, nhưng căn nguyên và kẻ chủ mưu thì vẫn mò kim đáy bể. Lưu dân không rõ hộ tịch, khất cái cũng vậy. Sai nha Ứng Thiên Phủ tay cầm thước sắt, binh sĩ của Binh Mã Ty vung vỏ đao, trông thì oai phong lẫm liệt, nhưng chẳng biết trút giận vào đâu, chỉ đành đánh không khí.

Càng đàn áp, lời đồn càng lan nhanh, nội dung cũng thêm phần phong phú, ly kỳ. Nào là mật thám Cẩm Y Vệ đại náo phủ Quốc Công, chuyện thâm cung bí sử giữa Hoàng thượng và Cẩm Y Vệ, rồi mối quan hệ mờ ám giữa vị Đại Học Sĩ nào đó với Thiên Hộ Cẩm Y Vệ... tất cả được kể lại sống động như thật, cứ như bọn họ tận mắt chứng kiến.

Lời đồn không chỉ đích danh vị Đại Học Sĩ nào đó, nhưng căn cứ vào nội dung, thì chín phần mười là ám chỉ Hàn Lâm Học Sĩ Phương Hiếu Nhụ. Đáp án vừa ra, cả thiên hạ chấn động. Phương Hiếu Nhụ là ai? Là bậc đại nho đương thời, là tấm gương của người đọc sách, là thần tượng của nhóm văn thần, là hình mẫu của Ngôn Quan. Một bậc chính nhân quân tử như thế, sao lại có thể dính líu đến đám Cẩm Y Vệ khét tiếng là chó săn kia? Phần lớn mọi người đều tỏ ra nghi ngờ, đặc biệt là giới học sĩ, càng mắng chửi đó là chuyện bịa đặt.

Đúng lúc này, Thiên Hộ Cẩm Y Vệ Trương An, kẻ được lệnh trà trộn vào hàng ngũ Yên Vương, bỗng xuất hiện "làm chứng", kể lại đầu đuôi câu chuyện: Phương Hiếu Nhụ bày mưu ly gián, liên lạc với hắn ta như thế nào, sai khiến hắn ta hãm hại Yên Vương trung thành với triều đình ra sao, y  còn lập mưu chia rẽ tình phụ tử của Yên Vương, vân vân... Tất cả đều được thuật lại rành mạch, không sót một chi tiết nào. Chuyện này còn được "người nghĩa hiệp" bỏ tiền in thành sách, cho thiên hạ cùng xem. Để tăng thêm phần hấp dẫn, người viết còn dùng lối hành văn của tiểu thuyết chương hồi, khiến câu chuyện càng dễ đọc, dễ nhớ.

Chắc thấy vẫn chưa đủ "sốc", Yên Vương đích thân viết một tờ tấu chương, sai người đưa vào Kinh Thành. Vị võ quan nhận nhiệm vụ này hiểu rõ, đây là một chuyến đi đầy hiểm nguy. Nhưng nguy hiểm luôn đi kèm với cơ hội, nếu giữ được mạng sống trở về, ngày sau Yên Vương Điện hạ lên ngôi Hoàng Đế, công lao của gã chắc chắn sẽ được ghi nhận.

Sau khi vênh vang tiến vào Nam Kinh, dâng tấu chương lên, viên võ quan mặt mày hớn hở kia đã bị Đại Hán Tướng quân tóm gọn, ném vào ngục Cẩm Y làm bạn với Vũ Thắng.

Hai người gặp nhau, cách song sắt chắp tay hành lễ, hỏi han lẫn nhau.

"Huynh đệ mạnh khỏe chứ? Nay đã thành hàng xóm, vì tương lai tươi sáng, tiền đồ huy hoàng, phải cùng nhau cố gắng."

Nhận được tấu chương của Yên Vương, từ trên xuống dưới Thông Chính Ty, ai nấy đều toát mồ hôi lạnh.

Thật sự phải trình lên cho Bệ hạ xem trước sao?

Liệu có khiến Bệ hạ tức giận đến mức thét ra lửa không?

Mọi người nhìn nhau, cuối cùng Tả, Hữu Thông Chính và Đăng Hoàng Hữu Thông Chính giơ tay biểu quyết: Dâng!

(Đăng Hoàng Hữu Thông Chính: như thư ký của anh Hữu Thông Chính vậy đó, "Đăng Hoàng" (誊黄) chỉ việc sao chép văn bản bằng mực vàng, thường là các văn bản quan trọng cần trình lên Hoàng Đế. Vì vậy, Đăng Hoàng Hữu Thông Chính chính là người đang làm nhiệm vụ sao chép các văn bản quan trọng của Hữu Thông Chính bằng mực vàng.)

Vì sao Thông Chính Sứ không tham gia biểu quyết?

Nói ra cũng thật xấu hổ, do bất đồng quan điểm với Hộ Bộ Hữu Thị Lang, lời qua tiếng lại dẫn đến hai bên động tay động chân. Võ nghệ hơi kém một chút, bị đánh vỡ đầu, tổn hại nhan sắc, đang cáo bệnh dưỡng thương.

Đúng như dự đoán của Thông Chính Ty, tấu chương của Yên Vương quả thực đã chọc vào tổ ong vò vẽ.

Những lời đồn đại trong dân gian, Kiến Văn Đế vẫn luôn bị che mắt. Hoạn quan, cung nữ trong cung cố tình giấu giếm, còn các đại thần thì không muốn tự chuốc phiền phức, phần lớn đều nhân lúc hỗn loạn này, điều tra trong phủ, phát hiện ra vài manh mối của Cẩm Y Vệ, ai nấy đều không khỏi lạnh lòng với Hoàng Đế.

Là người trong cuộc, Phương Hiếu Nhụ ngoài việc nghiên cứu học vấn thì chỉ lo bày mưu tính kế bình định Yên Vương, cũng không rảnh để ý đến việc bách tính trong thành lúc trà dư tửu hậu đang bàn tán điều gì. Tuy cũng cảm thấy ánh mắt đồng liêu nhìn mình có chút kỳ quái, nhưng Phương Đại Học Sĩ luôn tự tin với danh tiếng và nhân phẩm của mình, đương nhiên sẽ không nghĩ nhiều.

Tấu chương của Yên Vương, giống như đang vén tấm màn che đậy của mọi người, phơi bày "sự thật" dưới ánh mặt trời, một cái tát giáng thẳng vào mặt Chu Doãn Văn, cái tát còn lại đương nhiên là dành cho Phương Hiếu Nhụ.

Cử Cẩm Y Vệ đến Bắc Bình, Kiến Văn Đế đã chuẩn bị tinh thần bị các Ngự Sử lên án. Chưa đợi được các Ngôn Quan, Yên Vương đã dẫn đầu hắt cho ngài một chậu nước bẩn.

Sự kinh ngạc của Phương Hiếu Nhụ còn chân thật hơn cả Kiến Văn Đế. Y chưa bao giờ nghĩ tới, mình lại bị Yên Vương chỉ thẳng mặt, mắng là "mượn danh cầu lợi", "cùng bè lũ với gian thần", "ly gián tình thân thiên gia", "khinh thường luân lý", "làm loạn triều cương".

Bị vu khống như vậy, Kiến Văn Đế còn có thể gắng gượng, nhưng Phương Hiếu Nhụ lại không chịu nổi, phun ra một ngụm máu, ngất xỉu tại chỗ.

Đây không còn là vấn đề thể diện nữa, mà đã nâng lên thành vấn đề cốt lõi của việc làm người!!

Nếu những tội danh trong tấu chương của Yên Vương được chứng thực, thì tất cả những gì Phương Hiếu Nhụ từng được ca tụng trước đây đều sẽ bị đặt dấu hỏi chấm.

Đại nho, chính nhân quân tử?

Hay là ngụy quân tử, rặt phường tiểu nhân?

Có người âm thầm tiếc cho Phương Hiếu Nhụ, đây rõ ràng là độc kế của Yên Vương! Nhưng ai bảo Phương Hiếu Nhụ tự đưa nhược điểm vào tay kẻ địch? Kế sách thì không tồi, nhưng dùng người không đúng. Cho dù chọn người từ Đại Hán Tướng Quân hay Kỳ Thủ Vệ cũng tốt hơn Cẩm Y Vệ mà, sao cứ một hai phải làm chuyện ngu xuẩn như vậy?

Bắt tay với Cẩm Y Vệ, võ tướng thì cũng tạm chấp nhận đi, nhưng một quan văn, lại còn là Hàn Lâm Viện Đại Học Sĩ được người đọc sách khắp thiên hạ coi là tấm gương noi theo, chẳng khác nào tự hủy hoại tiền đồ.

Những kẻ hả hê cũng không ít.

Xưa nay văn nhân hay ghen ghét nhau, Phương Hiếu Nhụ là đại nho, nhưng không phải là đại nho duy nhất. Danh tiếng của y quá lớn, những người bị y đè nén làm sao cam tâm?

Gặp phải người tính tình phóng khoáng, độ lượng thì thôi, còn những kẻ có chút tài cán nhưng bụng dạ hẹp hòi, ai cũng muốn nhân cơ hội này đạp lên vài cái, kéo Phương Hiếu Nhụ xuống khỏi thần đàn.

Tin đồn từ dân gian tràn vào triều đình, cuộc tranh luận trên triều cũng nhanh chóng lan ra khắp thiên hạ.

Cuộc tranh luận xoay quanh Phương Hiếu Nhụ đã gây ra phản ứng dữ dội trong giới hủ nho.

Từ Thái Học, Phủ học, Châu học, Huyện học, thậm chí đến Vệ học, đều chia thành hai phe rõ rệt. Một phe cho rằng đây hoàn toàn là vu khống, Phương Đại Học Sĩ là người chính trực, cho dù có liên quan đến Cẩm Y Vệ cũng chắc chắn là bị hãm hại. Phe còn lại thì cười nhạo quan điểm này, ruồi không bâu vào trứng lành, nếu thật sự là vu khống, tại sao Phương Hiếu Nhụ không phản bác? Ngược lại, tên Thiên Hộ Cẩm Y Vệ họ Trương kia lại nắm giữ bằng chứng, nói năng rành mạch, còn có cả chiếu thư do chính tay Phương Hiếu Nhụ soạn thảo!

"Ngụy quân tử như thế, dù học rộng tài cao đến mấy, chúng ta cũng không muốn cùng bè cùng lũ!"

Hai phe phái tranh cãi không ngừng, tiếng ồn dần át cả tin tức Yên Vương tạo phản.

Nhóm học đồ ủng hộ Phương Hiếu Nhụ chiến đấu rất hăng, bất kể ai không đứng về phía mình, dù quan điểm thế nào, đều bị công kích kịch liệt.

Trong số đó có người nghe tin đồn, tâm hồn bị "hành vi vô sỉ" của Phương Đại Học Sĩ làm tổn thương, cũng có người ngưỡng mộ học vấn của Phương Hiếu Nhụ thuộc phe trung lập, còn có người nhìn thấu được thủ đoạn của Yên Vương nhưng lại lắc đầu tiếc nuối cho Phương Hiếu Nhụ không hiểu việc đời.

Loại người thứ ba thường chú trọng thực tế hơn, trong cuộc tranh luận đã nhìn thấy sự yếu đuối dễ bị bắt nạt của triều đình, cũng nhìn ra sự mạnh mẽ và bá khí của Yên Vương.

Từ khi Thiên Tử đăng cơ đến nay, ngoài việc tước phiên Vương ra thì còn có công trạng gì?

Ngoại bang xâm lược cướp bóc giết chóc, các nước chư hầu không còn đến triều kiến, ngược lại, tàn dư quân Nguyên ở phương Bắc e sợ uy danh của Yên Vương không dám hành động thiếu suy nghĩ.

Vừa thất vọng về Phương Hiếu Nhụ và Kiến Văn Đế, bọn họ không khỏi dấy lên kỳ vọng vào Yên Vương.

Kiến Văn Đế là chính thống không sai, nhưng Đại Minh hiện nay cần một vị vua mạnh mẽ hơn, có thể chấn nhiếp bốn phương, bình định xã tắc!

Luận điểm này bắt đầu lan truyền trong một bộ phận những người đọc sách, tuy chưa được công khai bàn luận, nhưng cũng không thể xem thường.

Thiên Tử và sĩ phu cùng trị vì thiên hạ, nho sĩ thời Minh vừa có mặt cố chấp khó hiểu, vừa có mặt đáng kinh ngạc khâm phục.

Binh biến Thổ Mộc Bảo, Minh Anh Tông bị bắt, quân Ngoã Lạt áp sát thành, sĩ phu nhà Minh thà ủng hộ lập Hoàng Đế mới, chấp nhận mang tiếng bất trung, cũng không chịu cúi đầu trước kẻ thù.

Thiên Tử trấn giữ cổng lớn thiên hạ, quân Vương chết vì biên ải xã tắc.

Đây là khúc ca bi tráng sau cùng nói lên cốt cách của người Hán.

Cuối cùng, lại bị chôn vùi dưới sự xâm lược man rợ.

Yên Vương ở Bắc Bình không ngờ rằng, chỉ một kế sách nhắm vào Hoàng Đế và Phương Hiếu Nhụ lại đạt được hiệu quả như vậy.

Chu Đệ rất vui mừng, trước mặt các tướng lĩnh một lần nữa khen ngợi Thẩm Tuyên và Mạnh Thanh Hòa.

"Nhi tử của Cô đúng là vô cùng tốt!" Chu Đệ vuốt râu ngắn, cười ha hả: "Mạnh Đồng Tri cũng không khác gì Vệ Trọng Khanh của Cô!"

Nghe câu này, Mạnh Thanh Hòa không thấy vui mừng, ngược lại chỉ thấy lạnh sống lưng, da đầu tê dại.

Chu Nguyên Chương từng khen Lam Ngọc là Lý Tĩnh, Trương Lương của ngài, kết cục Lam Ngọc bị lột da nhồi rơm.

Chu Đệ ca ngợi Trương Ngọc là Quan Quân Hầu của hắn, Trương Ngọc chết giữa loạn quân.

Bây giờ, trước mặt chúng tướng, lại khen Mạnh Thanh Hoà là Vệ Trọng Khanh, điều này đại biểu cho cái gì?

"Ty chức tạ ơn Vương gia, ty chức thật không dám nhận."

Biết rõ là miệng quạ đen, nhưng vẫn phải ngậm nước mắt tỏ lòng cảm tạ. Dù sao Vệ Thanh cũng được coi là chết già, tốt hơn Quan Quân Hầu Hoắc Khứ Bệnh chết yểu vài bậc.

(Vệ Thanh – Vệ Trọng Khanh: Là một vị tướng quân lỗi lạc thời nhà Hán, em trai của Vệ Tử Phu (phi tần được Hán Vũ Đế sủng ái). Ông nổi tiếng với chiến công đánh bại Hung Nô, lập nhiều chiến tích hiển hách, được phong đến chức Đại Tư Mã Đại Tướng Quân, có kết cục tốt đẹp, sống đến già và mất một cách yên bình, không như Quan Quân Hầu Hoắc Khứ Bệnh chết yểu =)))

Tâm trí đã bay xa, nhưng nụ cười trên mặt Mạnh Thanh Hòa không hề lộ ra chút sơ hở nào.

Thẩm Tuyên liếc hắn một cái, khóe miệng khẽ nhếch lên, không nói gì.

Sau khi mọi người giải tán, Mạnh Thanh Hòa vốn định về phòng tự an ủi bản thân, hoặc đi tìm Thẩm Chỉ Huy tìm chút an ủi cũng được. Không ngờ giữa đường bị Đạo Diễn gọi đến, vào phòng, ngồi xuống, nhìn cái đầu trọc ngày càng sáng bóng của đại hòa thượng mà im lặng không nói.

Trước mặt Đạo Diễn đặt một lò than, trên lò đang nướng bánh và màn thầu.

Ngửi thấy mùi thơm của bánh nướng lẫn vào một chút mùi thịt, Mạnh Thanh Hòa không khách sáo với Đạo Diễn, đại hòa thượng đã chuẩn bị cho hắn, không ăn thì phí, lãng phí là đáng trách.

Đạo Diễn gắp một phần màn thầu, chậm rãi nhai. Đợi đến khi Mạnh Thanh Hòa ăn xong ba cái bánh, ông ấy mới buông đũa xuống.

Trà được dâng lên. Xuyên qua làn khói mỏng manh, có thể thấy rõ khuôn mặt từ bi hỉ xả của Đại sư.

Yên Vương không hiểu Đạo Diễn, Mạnh Thanh Hòa từng nghĩ mình hiểu, nhưng tiếp xúc nhiều mới phát hiện, bản thân hắn cũng chẳng hiểu gì về con người này.

Một vị hòa thượng lấy việc tạo phản làm chí hướng cả đời, đúng là một người kỳ lạ.

"Kế sách khuyên Vương gia bỏ qua Tế Nam, là do đồ nhi nghĩ ra?"

Đã đoán trước được Đạo Diễn sẽ hỏi chuyện này, Mạnh Thanh Hòa đặt chén trà xuống, làm như không nghe thấy hai chữ "đồ nhi" trong lời nói của Đạo Diễn, đáp: "Bẩm Đại sư, là tại hạ đề nghị, nhưng người quyết định vẫn là Vương gia."

"Kế sách bôi nhọ Phương Hiếu Nhụ cũng là từ miệng con mà ra?"

Mạnh Thanh Hòa gật đầu, không hề có ý định chối cãi. Tuy thủ đoạn không quang minh chính đại, nhưng Phương Hiếu Nhụ tự đưa cán dao cho người ta, sao có thể trách người ta dùng con dao đó chém y vài nhát chứ? Hơn nữa, nếu thanh danh Phương Hiếu Nhụ bị hủy hoại, Yên Vương có còn muốn y soạn thảo chiếu thư đăng cơ nữa hay không? Nếu ngay cả Phương Hiếu Nhụ cũng thoát khỏi cái chết, vậy Thiết Huyễn, người mà Mạnh Thanh Hoà nợ ân tình, có phải cũng có cách nào đó hay không?

Giả sử Phương Hiếu Nhụ không chọc giận Chu Đệ đến mức phải tru di tam tộc, liệu thảm án tru di thập tộc trong lịch sử có còn xảy ra hay không?

Đợi đến khi Vĩnh Lạc Đế lên ngôi, liệu máu chảy có ít hơn chút không?

Trên chiến trường, không ngươi chết thì ta sống.

Còn dưới chiến trường, dù người tuẫn quốc đáng kính, nhưng những người bị liên lụy vô tội vẫn nên càng ít càng tốt.

Những lời này chỉ có thể giấu trong lòng, không thể nói với bất kỳ ai, ngay cả Thẩm Tuyên cũng không.

Đôi khi, Mạnh Thanh Hòa cũng cảm thấy hành động của mình có chút buồn cười. Nhưng lương tâm mách bảo hắn rằng, dù bị mắng là giả tạo, bị mắng là giả nhân giả nghĩa, cũng nên làm như vậy.

Mạnh Thập Nhị Lang trầm tư, ánh mắt trống rỗng.

Đạo Diễn không lên tiếng, lặng lẽ mân mê chuỗi tràng hạt.

Trong phòng chỉ còn tiếng tí tách của lửa than, hồi lâu sau, Mạnh Thanh Hòa thở dài một hơi, nhìn lại Đạo Diễn, vị Đại sư này lại đang nhắm mắt dưỡng thần.

"Mạnh Đồng Tri." Đạo Diễn mở mắt, không gọi Mạnh Thanh Hòa là đồ nhi nữa, nụ cười mang theo vẻ nghiêm túc: "Lòng có thiện tâm, cứ việc làm theo ý mình, hà tất phải do dự chứ?"

Mạnh Thanh Hòa kinh hãi, chẳng lẽ vị Đại sư này biết thuật đọc tâm à?

Đang kinh ngạc, Đạo Diễn lại nói: "Kinh thư vi sư giao cho đồ nhi đã đọc hết chưa? Chỗ nào chưa hiểu có thể hỏi vi sư. Đừng vì sĩ diện mà làm lỡ việc học hành."

Mạnh Thanh Hòa: "..."

"Tất cả đều hiểu hết ư?" Đạo Diễn cười đắc ý: "Quả nhiên là đồ nhi ngoan của bần tăng."

Mạnh Thanh Hòa: "..."

Lão hòa thượng này không phải cao thâm, mà bị đa nhân cách chứ gì?

Cuối tháng mười hai năm Kiến Văn thứ ba, sau khi nghỉ ngơi và bố trí quân lực, Yên Vương triệu tập các tướng lĩnh tại điện Thừa Vận, tuyên bố sẽ phát động cuộc tấn công quy mô lớn nhất.

"Bao năm chinh chiến, đến bao giờ mới thôi? Phải quyết chiến một trận, không được quay đầu!"

Nói một cách dễ hiểu là: tạo phản ba năm rồi, phải phân thắng bại. Lần xuất binh này là lần cuối cùng, không đánh đến Nam Kinh, lão tử quyết không quay về!

Dẫn đầu là Chu Năng và Thẩm Tuyên, các tướng lĩnh đồng thanh hô: "Tuân lệnh!"

Đứng sau Thẩm Tuyên, nghe tiếng vang trong điện, Mạnh Thanh Hòa cảm thấy một luồng khí thế hào hùng dâng trào trong lồng ngực.

Cuộc chiến Tĩnh Nan, cuối cùng đã bước vào giai đoạn đếm ngược.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro