Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 94-3: Thắng lợi rực rỡ - I

Là người trong cuộc, Phương Hiếu Nhụ ngoài việc nghiên cứu học vấn thì chỉ lo bày mưu tính kế bình định Yên Vương, cũng không rảnh để ý đến việc bách tính trong thành lúc trà dư tửu hậu đang bàn tán điều gì. Tuy cũng cảm thấy ánh mắt đồng liêu nhìn mình có chút kỳ quái, nhưng Phương Đại Học Sĩ luôn tự tin với danh tiếng và nhân phẩm của mình, đương nhiên sẽ không nghĩ nhiều.

Tấu chương của Yên Vương, giống như đang vén tấm màn che đậy của mọi người, phơi bày "sự thật" dưới ánh mặt trời, một cái tát giáng thẳng vào mặt Chu Doãn Văn, cái tát còn lại đương nhiên là dành cho Phương Hiếu Nhụ.

Cử Cẩm Y Vệ đến Bắc Bình, Kiến Văn Đế đã chuẩn bị tinh thần bị các Ngự Sử lên án. Chưa đợi được các Ngôn Quan, Yên Vương đã dẫn đầu hắt cho ngài một chậu nước bẩn.

Sự kinh ngạc của Phương Hiếu Nhụ còn chân thật hơn cả Kiến Văn Đế. Y chưa bao giờ nghĩ tới, mình lại bị Yên Vương chỉ thẳng mặt, mắng là "mượn danh cầu lợi", "cùng bè lũ với gian thần", "ly gián tình thân thiên gia", "khinh thường luân lý", "làm loạn triều cương".

Bị vu khống như vậy, Kiến Văn Đế còn có thể gắng gượng, nhưng Phương Hiếu Nhụ lại không chịu nổi, phun ra một ngụm máu, ngất xỉu tại chỗ.

Đây không còn là vấn đề thể diện nữa, mà đã nâng lên thành vấn đề cốt lõi của việc làm người!!

Nếu những tội danh trong tấu chương của Yên Vương được chứng thực, thì tất cả những gì Phương Hiếu Nhụ từng được ca tụng trước đây đều sẽ bị đặt dấu hỏi chấm.

Đại nho, chính nhân quân tử?

Hay là ngụy quân tử, rặt phường tiểu nhân?

Có người âm thầm tiếc cho Phương Hiếu Nhụ, đây rõ ràng là độc kế của Yên Vương! Nhưng ai bảo Phương Hiếu Nhụ tự đưa nhược điểm vào tay kẻ địch? Kế sách thì không tồi, nhưng dùng người không đúng. Cho dù chọn người từ Đại Hán Tướng Quân hay Kỳ Thủ Vệ cũng tốt hơn Cẩm Y Vệ mà, sao cứ một hai phải làm chuyện ngu xuẩn như vậy?

Bắt tay với Cẩm Y Vệ, võ tướng thì cũng tạm chấp nhận đi, nhưng một quan văn, lại còn là Hàn Lâm Viện Đại Học Sĩ được người đọc sách khắp thiên hạ coi là tấm gương noi theo, chẳng khác nào tự hủy hoại tiền đồ.

Những kẻ hả hê cũng không ít.

Xưa nay văn nhân hay ghen ghét nhau, Phương Hiếu Nhụ là đại nho, nhưng không phải là đại nho duy nhất. Danh tiếng của y quá lớn, những người bị y đè nén làm sao cam tâm?

Gặp phải người tính tình phóng khoáng, độ lượng thì thôi, còn những kẻ có chút tài cán nhưng bụng dạ hẹp hòi, ai cũng muốn nhân cơ hội này đạp lên vài cái, kéo Phương Hiếu Nhụ xuống khỏi thần đàn.

Tin đồn từ dân gian tràn vào triều đình, cuộc tranh luận trên triều cũng nhanh chóng lan ra khắp thiên hạ.

Cuộc tranh luận xoay quanh Phương Hiếu Nhụ đã gây ra phản ứng dữ dội trong giới hủ nho.

Từ Thái Học, Phủ học, Châu học, Huyện học, thậm chí đến Vệ học, đều chia thành hai phe rõ rệt. Một phe cho rằng đây hoàn toàn là vu khống, Phương Đại Học Sĩ là người chính trực, cho dù có liên quan đến Cẩm Y Vệ cũng chắc chắn là bị hãm hại. Phe còn lại thì cười nhạo quan điểm này, ruồi không bâu vào trứng lành, nếu thật sự là vu khống, tại sao Phương Hiếu Nhụ không phản bác? Ngược lại, tên Thiên Hộ Cẩm Y Vệ họ Trương kia lại nắm giữ bằng chứng, nói năng rành mạch, còn có cả chiếu thư do chính tay Phương Hiếu Nhụ soạn thảo!

"Ngụy quân tử như thế, dù học rộng tài cao đến mấy, chúng ta cũng không muốn cùng bè cùng lũ!"

Hai phe phái tranh cãi không ngừng, tiếng ồn dần át cả tin tức Yên Vương tạo phản.

Nhóm học đồ ủng hộ Phương Hiếu Nhụ chiến đấu rất hăng, bất kể ai không đứng về phía mình, dù quan điểm thế nào, đều bị công kích kịch liệt.

Trong số đó có người nghe tin đồn, tâm hồn bị "hành vi vô sỉ" của Phương Đại Học Sĩ làm tổn thương, cũng có người ngưỡng mộ học vấn của Phương Hiếu Nhụ thuộc phe trung lập, còn có người nhìn thấu được thủ đoạn của Yên Vương nhưng lại lắc đầu tiếc nuối cho Phương Hiếu Nhụ không hiểu việc đời.

Loại người thứ ba thường chú trọng thực tế hơn, trong cuộc tranh luận đã nhìn thấy sự yếu đuối dễ bị bắt nạt của triều đình, cũng nhìn ra sự mạnh mẽ và bá khí của Yên Vương.

Từ khi Thiên Tử đăng cơ đến nay, ngoài việc tước phiên Vương ra thì còn có công trạng gì?

Ngoại bang xâm lược cướp bóc giết chóc, các nước chư hầu không còn đến triều kiến, ngược lại, tàn dư quân Nguyên ở phương Bắc e sợ uy danh của Yên Vương không dám hành động thiếu suy nghĩ.

Vừa thất vọng về Phương Hiếu Nhụ và Kiến Văn Đế, bọn họ không khỏi dấy lên kỳ vọng vào Yên Vương.

Kiến Văn Đế là chính thống không sai, nhưng Đại Minh hiện nay cần một vị vua mạnh mẽ hơn, có thể chấn nhiếp bốn phương, bình định xã tắc!

Luận điểm này bắt đầu lan truyền trong một bộ phận những người đọc sách, tuy chưa được công khai bàn luận, nhưng cũng không thể xem thường.

Thiên Tử và sĩ phu cùng trị vì thiên hạ, nho sĩ thời Minh vừa có mặt cố chấp khó hiểu, vừa có mặt đáng kinh ngạc khâm phục.

Binh biến Thổ Mộc Bảo, Minh Anh Tông bị bắt, quân Ngoã Lạt áp sát thành, sĩ phu nhà Minh thà ủng hộ lập Hoàng Đế mới, chấp nhận mang tiếng bất trung, cũng không chịu cúi đầu trước kẻ thù.

Thiên Tử trấn giữ cổng lớn thiên hạ, quân Vương chết vì biên ải xã tắc.

Đây là khúc ca bi tráng sau cùng nói lên cốt cách của người Hán.

Cuối cùng, lại bị chôn vùi dưới sự xâm lược man rợ.

Yên Vương ở Bắc Bình không ngờ rằng, chỉ một kế sách nhắm vào Hoàng Đế và Phương Hiếu Nhụ lại đạt được hiệu quả như vậy.

Chu Đệ rất vui mừng, trước mặt các tướng lĩnh một lần nữa khen ngợi Thẩm Tuyên và Mạnh Thanh Hòa.

"Nhi tử của Cô đúng là vô cùng tốt!" Chu Đệ vuốt râu ngắn, cười ha hả: "Mạnh Đồng Tri cũng không khác gì Vệ Trọng Khanh của Cô!"

Nghe câu này, Mạnh Thanh Hòa không thấy vui mừng, ngược lại chỉ thấy lạnh sống lưng, da đầu tê dại.

Chu Nguyên Chương từng khen Lam Ngọc là Lý Tĩnh, Trương Lương của ngài, kết cục Lam Ngọc bị lột da nhồi rơm.

Chu Đệ ca ngợi Trương Ngọc là Quan Quân Hầu của hắn, Trương Ngọc chết giữa loạn quân.

Bây giờ, trước mặt chúng tướng, lại khen Mạnh Thanh Hoà là Vệ Trọng Khanh, điều này đại biểu cho cái gì?

"Ty chức tạ ơn Vương gia, ty chức thật không dám nhận."

Biết rõ là miệng quạ đen, nhưng vẫn phải ngậm nước mắt tỏ lòng cảm tạ. Dù sao Vệ Thanh cũng được coi là chết già, tốt hơn Quan Quân Hầu Hoắc Khứ Bệnh chết yểu vài bậc.

(Vệ Thanh – Vệ Trọng Khanh: Là một vị tướng quân lỗi lạc thời nhà Hán, em trai của Vệ Tử Phu (phi tần được Hán Vũ Đế sủng ái). Ông nổi tiếng với chiến công đánh bại Hung Nô, lập nhiều chiến tích hiển hách, được phong đến chức Đại Tư Mã Đại Tướng Quân, có kết cục tốt đẹp, sống đến già và mất một cách yên bình, không như Quan Quân Hầu Hoắc Khứ Bệnh chết yểu =)))

Tâm trí đã bay xa, nhưng nụ cười trên mặt Mạnh Thanh Hòa không hề lộ ra chút sơ hở nào.

Thẩm Tuyên liếc hắn một cái, khóe miệng khẽ nhếch lên, không nói gì.

Sau khi mọi người giải tán, Mạnh Thanh Hòa vốn định về phòng tự an ủi bản thân, hoặc đi tìm Thẩm Chỉ Huy tìm chút an ủi cũng được. Không ngờ giữa đường bị Đạo Diễn gọi đến, vào phòng, ngồi xuống, nhìn cái đầu trọc ngày càng sáng bóng của đại hòa thượng mà im lặng không nói.

Trước mặt Đạo Diễn đặt một lò than, trên lò đang nướng bánh và màn thầu.

Ngửi thấy mùi thơm của bánh nướng lẫn vào một chút mùi thịt, Mạnh Thanh Hòa không khách sáo với Đạo Diễn, đại hòa thượng đã chuẩn bị cho hắn, không ăn thì phí, lãng phí là đáng trách.

Đạo Diễn gắp một phần màn thầu, chậm rãi nhai. Đợi đến khi Mạnh Thanh Hòa ăn xong ba cái bánh, ông ấy mới buông đũa xuống.

Trà được dâng lên. Xuyên qua làn khói mỏng manh, có thể thấy rõ khuôn mặt từ bi hỉ xả của Đại sư.

Yên Vương không hiểu Đạo Diễn, Mạnh Thanh Hòa từng nghĩ mình hiểu, nhưng tiếp xúc nhiều mới phát hiện, bản thân hắn cũng chẳng hiểu gì về con người này.

Một vị hòa thượng lấy việc tạo phản làm chí hướng cả đời, đúng là một người kỳ lạ.

"Kế sách khuyên Vương gia bỏ qua Tế Nam, là do đồ nhi nghĩ ra?"

Đã đoán trước được Đạo Diễn sẽ hỏi chuyện này, Mạnh Thanh Hòa đặt chén trà xuống, làm như không nghe thấy hai chữ "đồ nhi" trong lời nói của Đạo Diễn, đáp: "Bẩm Đại sư, là tại hạ đề nghị, nhưng người quyết định vẫn là Vương gia."

"Kế sách bôi nhọ Phương Hiếu Nhụ cũng là từ miệng con mà ra?"

Mạnh Thanh Hòa gật đầu, không hề có ý định chối cãi. Tuy thủ đoạn không quang minh chính đại, nhưng Phương Hiếu Nhụ tự đưa cán dao cho người ta, sao có thể trách người ta dùng con dao đó chém y vài nhát chứ? Hơn nữa, nếu thanh danh Phương Hiếu Nhụ bị hủy hoại, Yên Vương có còn muốn y soạn thảo chiếu thư đăng cơ nữa hay không? Nếu ngay cả Phương Hiếu Nhụ cũng thoát khỏi cái chết, vậy Thiết Huyễn, người mà Mạnh Thanh Hoà nợ ân tình, có phải cũng có cách nào đó hay không?

Giả sử Phương Hiếu Nhụ không chọc giận Chu Đệ đến mức phải tru di tam tộc, liệu thảm án tru di thập tộc trong lịch sử có còn xảy ra hay không?

Đợi đến khi Vĩnh Lạc Đế lên ngôi, liệu máu chảy có ít hơn chút không?

Trên chiến trường, không ngươi chết thì ta sống.

Còn dưới chiến trường, dù người tuẫn quốc đáng kính, nhưng những người bị liên lụy vô tội vẫn nên càng ít càng tốt.

Những lời này chỉ có thể giấu trong lòng, không thể nói với bất kỳ ai, ngay cả Thẩm Tuyên cũng không.

Đôi khi, Mạnh Thanh Hòa cũng cảm thấy hành động của mình có chút buồn cười. Nhưng lương tâm mách bảo hắn rằng, dù bị mắng là giả tạo, bị mắng là giả nhân giả nghĩa, cũng nên làm như vậy.

Mạnh Thập Nhị Lang trầm tư, ánh mắt trống rỗng.

Đạo Diễn không lên tiếng, lặng lẽ mân mê chuỗi tràng hạt.

Trong phòng chỉ còn tiếng tí tách của lửa than, hồi lâu sau, Mạnh Thanh Hòa thở dài một hơi, nhìn lại Đạo Diễn, vị Đại sư này lại đang nhắm mắt dưỡng thần.

"Mạnh Đồng Tri." Đạo Diễn mở mắt, không gọi Mạnh Thanh Hòa là đồ nhi nữa, nụ cười mang theo vẻ nghiêm túc: "Lòng có thiện tâm, cứ việc làm theo ý mình, hà tất phải do dự chứ?"

Mạnh Thanh Hòa kinh hãi, chẳng lẽ vị Đại sư này biết thuật đọc tâm à?

Đang kinh ngạc, Đạo Diễn lại nói: "Kinh thư vi sư giao cho đồ nhi đã đọc hết chưa? Chỗ nào chưa hiểu có thể hỏi vi sư. Đừng vì sĩ diện mà làm lỡ việc học hành."

Mạnh Thanh Hòa: "..."

"Tất cả đều hiểu hết ư?" Đạo Diễn cười đắc ý: "Quả nhiên là đồ nhi ngoan của bần tăng."

Mạnh Thanh Hòa: "..."

Lão hòa thượng này không phải cao thâm, mà bị đa nhân cách chứ gì?

Cuối tháng mười hai năm Kiến Văn thứ ba, sau khi nghỉ ngơi và bố trí quân lực, Yên Vương triệu tập các tướng lĩnh tại điện Thừa Vận, tuyên bố sẽ phát động cuộc tấn công quy mô lớn nhất.

"Bao năm chinh chiến, đến bao giờ mới thôi? Phải quyết chiến một trận, không được quay đầu!"

Nói một cách dễ hiểu là: tạo phản ba năm rồi, phải phân thắng bại. Lần xuất binh này là lần cuối cùng, không đánh đến Nam Kinh, lão tử quyết không quay về!

Dẫn đầu là Chu Năng và Thẩm Tuyên, các tướng lĩnh đồng thanh hô: "Tuân lệnh!"

Đứng sau Thẩm Tuyên, nghe tiếng vang trong điện, Mạnh Thanh Hòa cảm thấy một luồng khí thế hào hùng dâng trào trong lồng ngực.

Cuộc chiến Tĩnh Nan, cuối cùng đã bước vào giai đoạn đếm ngược.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro