Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 94-1: Thắng lợi rực rỡ - I

Kiến Văn năm thứ ba, tháng mười một, thế lực phản nghịch của Yên Vương ngày càng hung hãn, quân đội dưới trướng liên tiếp thắng trận, chiếm cứ gần hết Sơn Đông. Một khi đánh hạ được các châu phủ như Tế Nam, e rằng bất cứ lúc nào cũng có thể kéo quân xuống phía Nam.

Tin tức chiến sự cấp bách như lửa đốt.

Thế nhưng, trong thành Nam Kinh vẫn ca múa tưng bừng, phồn hoa rợp trời.

Các trà quán, tửu lâu khách khứa chật kín, chốn lầu xanh hương phấn nồng nàn bay xa.

Kỵ binh mang theo chiến báo phi như bay vào thành, bụi bay mù mịt, cũng chỉ khiến bách tính hai bên đường bàn tán vài câu xem Yên Vương lại đánh tới nơi nào rồi.

Chiến sự kéo dài ba năm, nói tới nói lui cũng chỉ quanh quẩn vài chuyện cũ rích, chẳng có gì mới mẻ.

Đầu năm, Lịch Thành Hầu đại thắng ở Đông Xương, Hoàng Đế tế lễ Thái miếu, quả thực đã khiến Kinh Thành náo nhiệt một phen. Vui chưa được mấy ngày, tin bại trận liên tiếp truyền về, sau đó thì chẳng còn tin tốt lành gì nữa.

Triều đình thì tô vẽ thái bình giả tạo trên chiến báo, nhưng bách tính đã sớm biết rõ sự thật từ nhiều nguồn khác nhau.

Yên quân liên tiếp thắng trận, còn quân triều đình thì mười trận đã thua đến chín.

Đám thư sinh quan tâm đến chuyện quốc sự ở Thái học cả ngày gào mồm phân bua, nói tới nói lui cũng chỉ là những lời sáo rỗng về việc ban bố thêm chiếu thư thảo phạt, kêu gọi thiên hạ đứng lên chống lại Yên Vương mà thôi.

Các văn thần võ tướng trong triều, kẻ thì vẫn rụt cổ kiên quyết làm chim cút, kẻ ngoài miệng rất dõng dạc nhưng hành động thực tế lại chả thấy đâu. Trong lòng mỗi người đều có toan tính riêng, trong bối cảnh hỗn loạn đó, Tả Đô Đốc Từ Tăng Thọ đã trở thành khách quý của rất nhiều Công hầu võ tướng.

Trường Hưng Hầu Cảnh Bình Văn vốn nhàn cư ở trong phủ đệ, không hỏi việc triều chính, vậy mà cũng mấy lần đích thân bàn luận "binh pháp" với Từ Tăng Thọ. Cốc Vương thường xuyên mời Từ Tăng Thọ đến phủ dự tiệc, Liêu Vương ở Kinh Thành cũng không chịu kém cạnh, kết giao, xưng huynh gọi đệ với Từ Tăng Thọ. Tề Vương cũng muốn góp vui, nhưng lại bị Hoàng Đế quản thúc chặt chẽ, muốn làm mà không được, ngay cả việc gửi tin tức cũng vô cùng khó khăn, chỉ còn biết than thở nhìn tường.

Trong số những người này, Lý Cảnh Long là người có "quan hệ" sâu đậm với Từ Tăng Thọ nhất. Những lúc không phải trực ban, thường thấy hai người tay trong tay, vai kề vai, sải bước tiến vào những tụ điểm ăn chơi nức tiếng nhất Nam Kinh, tiêu xài hoang phí cả đêm.

Ngụy Quốc Công Từ Huy Tổ cũng mặc kệ Từ Tăng Thọ muốn làm gì thì làm.

Trong mắt người ngoài, tiểu cữu tử Từ Tăng Thọ có quan hệ mật thiết với Yên Vương, còn đại cữu tử Từ Huy Tổ, thì đứng về phía triều đình, rõ ràng là đang có ý sẽ vì "đại nghĩa diệt thân".

Tính ra, nếu biết cách trọng dụng Từ Huy Tổ, phát huy tốt sự chính trực của ông, tuyệt đối có thể thu phục được lòng người, nhưng thái độ của Kiến Văn Đế lại cứ mơ hồ không rõ.

Khi chiến sự khó khăn, phái Từ Huy Tổ ra ngoài làm hậu quân, bọc hậu cho đại quân lui binh, tỏ vẻ tin tưởng hết mực.

Chiến sự vừa dịu đi, lập tức gọi người về, lấy danh nghĩa là bảo vệ Nam Kinh.

Binh quyền bị thu hồi, không thể ra khỏi Nam Kinh, cho dù Ngụy Quốc Công có tài giỏi đến đâu cũng không thể thi triển. Những người có kiến thức trong triều không khỏi thở dài, nếu Thiên Tử có thể phong Từ Huy Tổ làm thống soái, thắng bại chưa biết ra sao, nhưng cục diện chiến sự chắc chắn sẽ không nát bét đến mức này.

Dù gì đi nữa, Nguỵ Quốc Công cũng là một trong những người mà Chu Đệ kiêng dè.

Giá như Thiên Tử dành một nửa sự sủng ái dành cho lũ nho sĩ hủ lậu sang cho các võ tướng, thì võ tướng trong triều nào dám không liều mình đến chết chứ?

Nhưng thực tế lại là, lũ nho sĩ hủ lậu dựa vào sự sủng ái của Thiên Tử mà chèn ép võ tướng, khinh miệt các Công Hầu, bày ra vẻ thanh cao, như thể trên đời chỉ có bọn họ mới trung thành với Bệ hạ, mới vì giang sơn xã tắc của ngài mà tận tâm tận lực.

Võ tướng sao có thể cam tâm chứ? Đương nhiên là không thể.

Mâu thuẫn văn võ ngày càng nghiêm trọng, gần như đã sánh ngang nước với lửa.

Bên trong phe văn thần, phái Chu lễ và phái Thái Tổ đi chiêu mộ phe phái khắp nơi, hễ gặp mặt là đấu đá nhau, mỗi lần thượng triều ở điện Phụng Thiên chẳng khác nào đang mở họp chợ.

Ai cũng nói năng hùng hồn, ai cũng trình bày ý kiến riêng, nhưng lại cách xa vạn dặm so với điều Hoàng Đế muốn nghe.

Nói về điển chương pháp độ, những chuyện vặt vãnh thì có thể thao thao bất tuyệt cả ngày.

Hỏi đến chuyện Yên Vương tạo phản, lập tức cúi đầu, như thể dưới đất có vàng vậy.

Hành vi như vậy, nếu là vào thời Hồng Vũ, không bị lột da nhồi rơm thì cũng bị chém đầu tru di. Nhưng Thiên Tử đương triều thì khác, làm ngơ trước sự bất lực của văn thần, hễ hai bên văn võ xảy ra tranh chấp, lại thường đứng về phía văn thần. Võ tướng trong lòng chất chứa đầy oán khí, sao có thể hết lòng vì Kiến Văn Đế, liều chết báo đáp quốc gia đây? Không trực tiếp nhảy việc đã là nể mặt lắm rồi!

Tục ngữ nói, không u uất trong bức bối thì cũng sẽ bùng nổ trong phẫn nộ.

Cùng với những hoạt động của Từ Tăng Thọ ở Kinh Thành, cộng thêm sự nỗ lực ngấm ngầm của Dương Đạc và những người khác, tập đoàn võ tướng Huân quý do Trường Hưng Hầu và Tào Quốc Công đứng đầu, đã dần có xu hướng ngả về phía Yên Vương.

Kiến Văn Đế biết rõ thuộc hạ dưới trướng đang âm mưu "nhảy việc" tập thể, nhưng lại không có cách nào, càng không thể lập tức hạ chỉ điều tra.

Ngũ Quân Đô Đốc Phủ, các Vệ Sở địa phương, thổ Vương ở Tây Nam, những bằng hữu đồng liêu, thuộc hạ cũ phân bố trong quân đội, đều là vốn liếng của các võ tướng Huân quý đó. Ngay cả tên bất tài Lý Cảnh Long, dựa vào đường dây ngày xưa của phụ thân hắn ta là Lý Văn Trung, cũng có thể tạo ra một mạng lưới quan hệ rộng lớn.

Văn thần có bạn đồng môn, đồng hương, đồng khoa.

Võ tướng có đồng đội, có thân binh, có bộ tướng.

Mạng lưới quan hệ của văn thần tuy chặt chẽ, nhưng không cản trở việc bọn họ dùng ngòi bút đâm chém lẫn nhau.

Tình cảm của võ tướng phần lớn là cùng nhau đổ máu trên chiến trường mà kết thành. Đặc biệt là vào thời Minh sơ, chế độ Vệ Sở chưa sụp đổ, các quan võ phần lớn đều là binh sĩ thiện chiến, những Huân quý Công Hầu sống sót qua làn sóng đại sát Công Thần của Hồng Vũ Đế đều không phải hạng tầm thường, tình chiến hữu đồng sinh cộng tử vô cùng sâu đậm. Nếu Kiến Văn Đế dám động đến mạng lưới quan hệ của các võ tướng, kết cục chờ đợi ngài sẽ không khá hơn bị Yên Vương đá khỏi ngai vàng là bao.

Hồng Vũ Đế dám ra tay với các Khai Quốc Công Thần, trước mặt thì ban cho quặng thiết, sau lưng thì vung đao chém người, hoàn toàn không chút áp lực, chỉ vì Chu Nguyên Chương có đủ tự tin, đủ bản lĩnh.

Chu Nguyên Chương thấy ai ngứa mắt thì cứ chém người đó, rồi sao nào? Ai dám phản đối? Chém nốt!

Kiến Văn Đế lại không làm được. Tính do dự, không quả quyết đã ăn sâu vào máu thịt, lại thêm bản tính đa nghi di truyền của người Chu gia, tất cả đã đẩy ngài vào bước đường cùng như ngày hôm nay.

Trọng dụng văn thần, kìm hãm võ tướng, tiêu diệt phiên Vương, tất cả đều vì muốn giữ vững giang sơn xã tắc mà Hồng Vũ Đế giao phó.

Than ôi, hoài bão lớn lao lại không đi đôi với năng lực. Kết quả là quân phản loạn của Yên Vương hoành hành ngang dọc khắp Sơn Đông, khí thế ngất trời, còn Kiến Văn Đế chỉ biết than ngắn thở dài trong cung, hỏi kế sách đám thư sinh.

Một bộ bài đẹp như vậy, giao vào tay ngài lại đánh đến nông nỗi này, khỏi cần Hồng Vũ Đế, Thái tử Chu Tiêu sống lại cũng sẽ không nói hai lời, cho Chu Doãn Văn một cái tát chết tươi.

Thắng lợi ngày càng xa vời, Tề Thái và Hoàng Tử Trừng đi chiêu mộ binh mã vẫn bặt vô âm tín. Kiến Văn Đế chỉ còn biết trông chờ vào kế ly gián của Phương Hiếu Nhụ, mong rằng có thể khiến phụ tử Yên Vương nghi kỵ lẫn nhau, ít ra cũng câu giờ được đôi chút.

Trong lúc chờ đợi mỏi mòn, Trương An và Vương Cảnh Hoằng vẫn chưa có tin tức gì khả quan, thay vào đó là những lời đồn đại lan truyền khắp Kinh Thành.

"Hoàng thượng sai Cẩm Y Vệ dò xét phủ đệ của các đại thần, nghe nói quan viên từ Ngũ Phẩm trở lên đều có tai mắt của Cẩm Y Vệ trong phủ."

"Nghe đồn có vị đại nho trong Hàn Lâm Viện kết giao thân thiết với Cẩm Y Vệ, xưng huynh gọi đệ."

Có người không tin, ở thời Hồng Vũ đã tước bỏ quyền xử án của Cẩm Y Vệ, lại còn giải tán Bắc Trấn phủ Ty, nay Hoàng thượng lại dùng Cẩm Y Vệ để dò la tin tức ư? Sao trước khi Yên Vương tạo phản lại không dùng?

Kẻ bị phản bác cười khẩy, thấy những ánh mắt đổ dồn về phía mình, vẻ mặt đắc ý.

Không sợ bị mắng là nói bậy, chỉ sợ không ai chú ý.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro