Chương 92: Hy vọng
Chương 92: Hy vọng
Dù khó hiểu đến mấy nhưng một khi Bình An đã dẫn quân đến uy hiếp sự tồn vong của Bắc Bình thì Chu Đệ nhất định phải phái quân tiếp viện.
Thẩm Tuyên và Chu Năng đang dẫn quân cắt đứt đường vận lương của quân Nam Kinh, không thể gọi người về được. Từ Trung trấn giữ Chân Định, cũng không thể điều binh. Phòng Khoan và Ngô Kiệt theo quân tiến đánh Sơn Đông, gọi về thì e là quân số không đủ dùng.
Khâu Phúc, Hà Thọ... Yên Vương thầm lắc đầu, gạt bỏ ngay tên hai người này. Gần đây, cả hai tuy có chút công lao, nhưng việc dẫn quân tiếp viện Bắc Bình không phải chuyện nhỏ, lỡ đâu họ "rớt phong độ" giữa chừng thì hỏng bét.
Loại trừ các vị chủ tướng đang thống lĩnh Ngũ quân và các lão tướng không đáng tin cậy, Yên Vương chỉ còn cách tìm kiếm nhân tài nơi khác. Cuối cùng, Lưu Giang và phó tướng trung quân Trương Phụ, hai người đã có màn thể hiện xuất sắc trong trận chiến ở sông Bạch Câu, được chọn. Cả hai đều ở dưới trướng Thẩm Tuyên, chịu ảnh hưởng của y, phong thái chiến đấu dũng mãnh, đầu óc cũng nhanh nhạy. Trương Phụ là đích tử của Đại Tướng Trương Ngọc, với danh tiếng của phụ thân đã khuất và bản lĩnh của chính mình, Trương Phụ có thể khiến các binh sĩ dưới trướng tâm phục khẩu phục.
Lúc bấy giờ, Yên quân đang đóng tại Định Châu, hai người Lưu Thắng và Trương Phụ cũng được triệu vào lều lớn. Yên Vương đang cùng các mưu sĩ bàn bạc kế sách tiếp viện Bắc Bình.
Lưu Giang, Trương Phụ quỳ một gối, hô lớn: "Bái kiến Vương gia."
Yên Vương xua tay: "Đứng lên cả đi, Cô có việc quan trọng muốn giao phó cho hai người các ngươi."
"Ty chức cung kính chờ lệnh."
Biết Yên Vương muốn hai người dẫn kỵ binh tiếp viện Bắc Bình, Trương Phụ lập tức lên tiếng, xin làm tiên phong.
Lời còn chưa dứt, Cao Dương Quận vương Chu Cao Hú cũng đang ở trong lều, bước lên một bước, xin phụ Vương cho phép y cùng đi tiếp viện, giải vây cho Bắc Bình.
Yên Vương không nói gì, ánh mắt chăm chú nhìn về phía Lưu Giang.
Lưu Giang không để Chu Đệ thất vọng, suy nghĩ một lát rồi nói: "Ty chức có một kế, có thể giải vây cho Bắc Bình."
"Kế gì? Nói đi Cô nghe."
Lưu Giang đáp: "Bẩm Vương gia, bây giờ mà dẫn theo quá nhiều người cũng không tốt, thời gian chậm trễ lại còn dễ gây ra động tĩnh khiến địch đề phòng, ty chức và Trương tướng quân tình nguyện dẫn một nghìn kỵ binh nhanh chóng đến Bắc Bình. Dùng hỏa pháo đặt ngoài doanh trại của Bình An, thừa lúc đêm tối nổ pháo tấn công doanh trại địch. Tiếng pháo ầm ĩ không dứt, khiến địch tưởng rằng đại quân đã quay về tiếp viện. Bình An chỉ có chưa đến mười vạn quân, nghi ngờ đại quân quay lại, đương nhiên sẽ kinh hãi. Quân lính dưới trướng Bình An cũng sợ hãi, chắc chắn sẽ bỏ chạy tan tác. Lúc đó, quân thủ thành của Bắc Bình xuất chiến phối hợp trong ngoài giáp công, nguy cơ của Bắc Bình chắc chắn có thể giải trừ, chiến thắng nằm gọn trong lòng bàn tay."
Yên Vương mừng rỡ, khen Lưu Giang là người có đầu óc.
Được thượng cấp khen ngợi, Lưu Giang có chút ngại ngùng, chắp tay nói: "Kế này không phải do ty chức nghĩ ra, mà do Mạnh Đồng Tri ở Hậu Vệ Yên Sơn gợi ý."
"Ồ?" Yên Vương có hơi ngạc nhiên nhìn Lưu Giang: "Thật vậy sao?"
"Bẩm Vương gia, ty chức không dám giấu giếm." Lưu Giang là người thật thà, tuy Mạnh Thanh Hòa chỉ bâng quơ gợi ý một câu, kế sách phần lớn vẫn do Lưu Giang nghĩ ra, nhưng Lưu Giang vẫn không muốn độc chiếm công lao.
"Tốt lắm!"
Yên Vương thích người thành thật, không hỏi nhiều, lập tức lệnh cho Lưu Giang và Trương Phụ đi tiếp viện Bắc Bình. Chu Cao Hú vẫn muốn đi theo, nhưng đã bị phụ Vương y thẳng thừng từ chối.
"Con làm loạn cái gì? Bắc Bình con không được đi, mau đến Hà Gian trấn thủ cho ta!"
Bất đắc dĩ, Chu Cao Hú chỉ đành lĩnh mệnh, ngoan ngoãn dẫn người đến Hà Gian đóng quân.
Yên Vương đã đoán được nguyên nhân Bình An xuất hiện ngoài thành Bắc Bình, chỉ vỏn vẹn hai chữ: "Đường vòng"!
Không phải từ Sơn Tây thì là Liêu Đông, hoặc là có tướng trấn thủ ở Hà Gian hay nơi nào đó thay lòng đổi dạ, bán đứng Chu Đệ, mở đường cho Bình An. Chu Đệ cau mày, hành động của Bình An khiến hắn lo lắng, nhưng cũng cho hắn một gợi ý hết sức mơ hồ. Nghĩ đến việc đánh mãi không hạ được Tế Nam, trong đầu hắn dường như có ý nghĩ thoáng qua, nhưng chưa kịp nắm bắt thì nó đã trôi tuột đi.
Hắn đã bỏ sót điều gì chăng?
Lúc này, trong ngoài thành Bắc Bình đều chìm trong bầu không khí căng thẳng.
Ngoài thành, vài vạn đại quân của Bình An đã dựng trại, lập đài cao bằng gỗ, cùng quân thủ thành trên tường thành Bắc Bình bốn mắt nhìn nhau, ngày ngày mài giũa nghệ thuật "chào hỏi" tổ tiên đối phương. Thỉnh thoảng lại so tài bắn tên, bắn không trúng thì bị cười nhạo một trận. Bắn trúng thì người bị thương chỉ có thể chấp nhận xui xẻo. Đôi khi, trên mũi tên còn buộc thư của Bình An và Thế tử Yên Vương Chu Cao Sí, nội dung na ná nhau, tư tưởng chủ đạo chỉ có một: Khuyên đối phương đầu hàng.
Cả hai bên đều hiểu rõ, đây là nhiệm vụ bất khả thi, nhưng thủ tục cần phải làm vẫn phải làm.
Chu Cao Sí đã không còn là công tử bột ngày nào, thấy Bình An cho quân Nam Kinh mỗi ngày đến quấy rối trước cổng thành, gặp Yên quân xuất kích thì lập tức quay đầu bỏ chạy, Chu Cao Sí cũng chẳng tham chiến, lệnh cho Yên quân quay về, đầu vẫn không ngừng suy nghĩ về ý đồ thực sự của Bình An.
Công thành ư? Vài vạn quân Nam Kinh mà muốn đánh hạ thành Bắc Bình, quả là trò cười, hắn ta không tin kẻ từng được phụ Vương dạy dỗ như Bình An lại ngu ngốc đến mức không nhận thức rõ được điều đó.
Không công thành, vậy mỗi ngày lượn lờ trước cổng thành là có ý gì? Chứng minh cho mọi người biết là Bình An đã đến đây? Hay đang giả vờ yếu thế, định đợi trong thành lơi lỏng cảnh giác rồi tìm cơ hội hành động?
Không nghĩ ra, Chu Cao Sí bèn chạy đi hỏi mẫu Phi.
Trước mặt thân nương, hắn ta có tỏ ra kém cỏi cũng chẳng sao, giải quyết vấn đề mới là mấu chốt. Kết quả, Yên Vương phi lại chẳng nể mặt trưởng tử, một câu đuổi khéo: "Đi hỏi Đại sư Đạo Diễn đi."
Hỏi Đại sư Đạo Diễn?
Chu Cao Sí chắp tay sau lưng đi tới đi lui trong buồng sưởi của điện Thừa Vận, răng đau, dạ dày cũng hơi đau.
Không chỉ Mạnh Thanh Hòa sợ Đạo Diễn, ba huynh đệ Chu Cao Sí gặp vị này cũng đều sởn gai ốc. Trước mặt vị hòa thượng này, phải tự xưng là vãn bối, cung kính hết mực, phong thái oai phong của Thế tử, Quận vương đều phải vứt hết vào xó, đây là bài học xương máu bọn họ rút ra được từ những trận đòn roi của phụ Vương.
Nghe Thế tử nói rõ ý định, Đạo Diễn mở mắt, tiếng gõ mõ tụng kinh trong phòng im bặt.
"Trong lòng Thế tử đã có tính toán gì chưa?"
"Cô thật sự bất lực, vẫn xin Đại sư chỉ điểm."
Đạo Diễn khẽ mỉm cười: "Có một câu, bần tăng từng nói với Yên Vương Điện hạ, nay không ngại nói lại với Thế tử một lần."
"Xin Đại sư xin cứ nói."
Dưới ánh mắt mong đợi của Chu Cao Sí, Đạo Diễn bày ra vẻ mặt cao thâm khó lường, nói: "Bình Đô Đốc là người thông minh."
Hả?
Chu Cao Sí ngẩng đầu, trên đầu là một dãy dấu chấm hỏi.
Đạo Diễn lại không nói thêm gì nữa, tiếp tục gõ mõ tụng kinh, ý tứ đuổi khách rõ ràng đến mức không thể rõ ràng hơn.
Bất đắc dĩ, Chu Cao Sí đành phải cáo từ.
Lúc đến còn mơ hồ, lúc về lại càng thêm phần hoang mang. Nếu không phải còn chút lý trí, Chu Cao Sí thật sự muốn túm lấy cổ áo Đạo Diễn mà gào lên: Nói rõ ràng ra có chết ai không?! Cả ngày cứ làm ra vẻ cao thâm có ý gì chứ?! Thành Bắc Bình mà xảy ra chuyện, chúng ta cùng toi mạng đó!
Đáng tiếc những lời này chỉ có thể gào thét trong lòng, nói ra miệng ư? Trừ phi Chu Cao Sí muốn nếm lại mùi đòn roi của phụ Vương.
Tuổi càng lớn, Chu Cao Sí càng giỏi che giấu tâm tư, bề ngoài luôn giữ vẻ khiêm nhường hòa nhã, trước mặt Yên Vương cũng vậy.
Yên Vương không nói gì, chỉ có Yên Vương phi là tỏ vẻ khác thường, mấy lần lên tiếng dạy bảo, lời lẽ ngày càng sắc bén. Không dạy bảo không được, chơi trò tâm cơ với người ngoài thì không sao, còn chơi với phụ Vương mình, chẳng phải là Chu Cao Sí chán sống rồi ư? Sinh ra ở Hoàng tộc làm gì có cái gọi là phụ tử, làm gì có đạo lý hổ dữ không ăn thịt con, Chu Cao Sí vẫn chưa ngộ ra được sao?
Không chỉ mình Yên Vương phi có con mắt tinh tường.
Đạo Diễn được Chu Đệ phó thác trọng trách, ngoài việc xúi giục Yên Vương tạo phản, làm quân sư quạt mo, thỉnh thoảng cũng chỉ điểm cho ba nhi tử của Yên Vương đôi điều.
Hổ phụ sinh hổ tử, đây là mục tiêu chung của cả Hồng Vũ Đế và Vĩnh Lạc Đế.
Hồng Vũ Đế đã thành công, hơn hai mươi thân sinh nhi tử, hơn mười nghĩa tử, không võ công cái thế thì cũng văn chương lỗi lạc. Chu Đệ càng là người xuất chúng trong số đó, anh hùng đến mức mặc kệ luôn lời dạy bảo của Chu Nguyên Chương, cướp cả giang sơn của chất nhi.
Về số lượng con cái nối dõi, Vĩnh Lạc Đế không bằng Hỗng Vũ Đế, chất lượng cũng chưa được như ý, nhưng phàm là người sống trên đời luôn phải có mục tiêu theo đuổi. Phụ vương có nhiều thân sinh nhi tử như vậy mà đứa nào đứa nấy đều oai hùng, Chu Đệ hắn chỉ có ba đứa, không dạy dỗ được đến mức xuất chúng phi phàm thì cũng phải coi sao cho ra hồn chứ, đúng không?
Chu Cao Hú và Chu Cao Toại đánh trận thì rất tốt, đầu óc cũng không kém, nhưng bàn về mưu mô, chính trị lại hơi thiếu.
Chu Cao Sí mưu mô thì nhiều, nhưng cưỡi ngựa đánh trận thì chỉ có thể hít bụi phía sau đội ngũ.
Chu Đệ không chỉ một lần đấm ngực than thở, than thở đến tai Yên Vương phi, suýt nữa bị thê tử kết tóc cho ăn một đấm.
Sao nào, chê bà đây sinh con không tốt chứ gì?
Bị thê tử bắt ngủ ba ngày ở điện phụ, Yên Vương đau đớn không thôi, vừa cười làm lành với chính phi, vừa nói, con nào do nàng sinh hắn đều thích! Tuyệt đối không có ý chê bai gì hết!! Vậy, hắn có thể dọn về tẩm điện được chưa?
Yên Vương nên cảm tạ trời đất, Yên Vương phi là nữ trung hào kiệt, cũng rất hiểu chuyện, nếu không, bảo bối "thần khí – bàn gai giặt đồ" nhất định sẽ trở thành vật bất ly thân trong cung của Vương phi.
Không thể tiếp tục than thở với Yên Vương phi, Yên Vương đành phải đổi sang đối tượng khác để than vãn, chính là Đạo Diễn.
Đối với vị đại hòa thượng chuyên đi lừa người khác, chút phiền não này của Yên Vương chẳng là gì sất. Đạo Diễn nói, đường là do người ta đi mới thành, con cái phải do phụ mẫu dạy mới nên. Người xưa có câu: "Tử bất giáo, phụ chi quá" tức phụ thân không dạy thì nhi tử nào có tội, Yên Vương muốn có đứa con như ý, thì phải bỏ công dạy dỗ. Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người, phải lấy giáo dục làm gốc rễ.
Yên Vương bừng tỉnh, trịnh trọng gật đầu, Cô đã hiểu.
Sau cuộc trò chuyện dài với Đạo Diễn, số lần ba huynh đệ Chu Cao Sí bị phụ Vương đánh bằng roi lập tức tăng vọt.
Chu Đệ diễn giải hoàn hảo thế nào là giáo dục kiểu "mãnh nam cơ bắp". Ngày xưa phụ Vương cũng dạy dỗ hắn như vậy, tuy không dùng roi, nhưng gậy trong quân doanh thì hắn và các huynh đệ ăn không ít.
Chứng kiến một lần Chu Đệ dạy dỗ ba nhi tử, Đạo Diễn chắp tay, ngẩng mặt nhìn trời, niệm một tiếng Phật hiệu.
Thủ đoạn hơi thô bạo một chút thôi, nhưng phương hướng thì không có vấn đề gì. Còn những chi tiết nhỏ nhặt, đánh con cái, bạo lực gì đó... Đại hòa thượng tỏ vẻ, đây là chuyện nhà của Yên Vương, ông ấy vẫn nên đứng ngoài thì hơn. Sau khi thấy đồ nhi yêu quý nhà mình nhiều lần bị Thế tử bắt làm chân sai vặt, đại hòa thượng càng cho rằng không cần thiết phải nhắc nhở.
Vì vậy, con đường giáo dục theo hướng "Mãnh nam cơ bắp" của ba huynh đệ Chu Cao Sí vẫn phải tiếp tục.
Theo một nghĩa nào đó, Mạnh Thanh Hòa quả thực rất thích hợp làm đồ đệ của Đạo Diễn. Nói về tài năng "dắt mũi" người khác, hai người này có thể xem là sư đồ đồng lòng, không phân cao thấp.
Ngoài thành Bắc Bình, quân Nam Kinh một ngày quấy rối ba lần, quân thủ thành đã lười để ý đến bọn họ, cứ đến là bắn tên đuổi đi, không cần phái người ra khỏi thành làm gì cho tốn công.
Hai bên hình thành một kiểu ăn ý ngầm, không giống như cuộc chiến sống mái, mà giống như đang cùng nhau diễn một vở kịch, đạo diễn và diễn viên chính của vở kịch chính là Đô Đốc Bình An.
Bình Tướng quân dùng hành động thực tế chứng minh với triều đình rằng Bình mỗ vẫn luôn nỗ lực, chưa từng lơ là. Tuy không tấn công trực diện, nhưng ngày nào cũng ba lần diễu võ dương oai, đủ để "chấn nhiếp" Yên quân!!
Bất luận tình hình thực tế ra sao, chiến báo quả thực viết như vậy.
Từ liều chết chiến đấu đến ra quân cho có lệ, Bình An cũng trải qua một phen đấu tranh tâm lý dữ dội. Triều đình ngày càng không xong, lũ nho sĩ chỉ suốt ngày chi hồ giả dã, đủ đường chèn ép võ tướng. Thái độ của Bệ hạ càng khiến người ta lạnh lòng. Vừa muốn ngựa chạy, lại không cho ngựa ăn cỏ, trên đời này, há có chuyện dễ dàng như vậy?
Bình An không công khai phản bội triều đình, nhưng thái độ ỡm ờ, không hành động của Bình An lại gieo mầm họa cho quân Nam Kinh. Hành động đi đường vòng thâm nhập vào cứ địa Hà Bắc, vây khốn Bắc Bình, cũng khiến Yên Vương cảnh tỉnh, con đường tiến công về phía Nam chẳng lẽ chỉ có thể đánh hạ Tế Nam mới đi qua được hay sao?
Cho dù hiện tại Yên Vương chưa nghĩ ra, nhưng có cao nhân Đạo Diễn chỉ điểm, sớm muộn gì Chu Đệ cũng sẽ hiểu. Kể cả Đạo Diễn không nhắc nhở, Mạnh Thanh Hòa – kẻ đã bước vào dòng chảy lịch sử – cũng sẽ không khoanh tay đứng nhìn.
Kết quả đã bày ra trước mắt, Mạnh Thanh Hoà chỉ cần khẽ động vài con ốc vít, tăng tốc độ bánh răng vận hành chút xíu, chắc là cũng không ảnh hưởng gì đến dòng chảy lịch sử đâu đúng chứ?
Ngồi trong lều của Thẩm Tuyên, Mạnh Thập Nhị Lang ngẩng đầu bốn mươi lăm độ nhìn trời, vừa ngắm sao thở dài, vừa nhìn lỗ thủng trên nóc lều than thở.
Thủng to đến mức có thể nhìn thấy sao rồi, không vá không được.
Đánh nhau ba năm, gia sản của Yên Vương e rằng sắp bị vét sạch, ngay cả Thẩm Tuyên – đường đường là Đại tướng trung quân, đích tử Hầu tước – lều trại cũng vá chằng vá đụp, có thể sớm một ngày kết thúc chiến tranh, tiến vào Nam Kinh, thì chính là điều tốt đẹp mà không phải sao?
Đứng trước dòng chảy lịch sử, Mạnh Thanh Hòa rất nhỏ bé. Nhưng nếu đã biết trước lịch sử sẽ đi về đâu, hắn cố gắng một phen, hẳn là không có vấn đề gì lớn.
Thẩm Tuyên bước vào lều, thấy Mạnh Thanh Hòa chống cằm ngẩn người, cũng ngẩng lên nhìn theo hướng đó, thấy nóc lều rách rưới một cách đầy... nghệ thuật, vẻ mặt vô cùng khó tả.
"Chỉ Huy?"
"Ừm, Thập Nhị Lang dùng bữa xong rồi?"
"Vâng." Mạnh Thanh Hòa đứng dậy, cười tủm tỉm nhận lấy mũ trụ của Thẩm Tuyên đưa sang: "Ước chừng nửa đêm sẽ lại mưa."
Cởi đao xuống, Thẩm Tuyên nhướn một bên mày: "Cho nên?"
Vầng trán đầy đặn, vài lọn tóc đen rũ xuống, đôi mắt đen càng thêm sâu thẳm.
"Cho nên, để nửa đêm không bị dột, cái lều này phải vá lại."
Thấy Mạnh Thanh Hòa lấy ra kim chỉ từ chỗ hậu cần, trong mắt Thẩm Tuyên mang theo vài phần nghi vấn.
Mạnh Thanh Hòa cười cười: "Sống cần kiệm, phải bắt đầu từ chủ tướng làm gương. Chỉ Huy có thể giúp thuộc hạ một tay không?"
"Thập Nhị Lang vá?"
"À." Mạnh Thanh Hòa gật đầu: "Không cần phiền người khác, Chỉ Huy chỉ cần nâng ta lên là được."
Nâng lên?
Thẩm Tuyên một tay chống cằm, dường như nghĩ ra điều gì đó, lập tức cúi người, một tay túm Mạnh Thanh Hòa lên, vác lên vai như vác bao gạo.
Tầm nhìn đảo lộn, Mạnh Thập Nhị Lang hơi choáng vãng, bụng bị cấn một cái, khẽ "hự" một tiếng, vỗ vỗ lưng Thẩm Tuyên: "Chỉ Huy, ngược rồi, ngược rồi!!!"
Đầu chúc xuống dưới thế này, vá lều kiểu gì?
"Để ta chỉnh lại."
Bàn tay ở eo lại dùng thêm lực, tư thế trong nháy mắt đã được sửa đúng, nhưng chả hiểu sao cả người lại nằm gọn trong vòng tay đối phương.
Mạnh Thanh Hòa nghiến răng, cố ý? Nhất định là cố ý!
Thẩm Tuyên cười đắc ý, đột nhiên dùng sức tung Mạnh Thanh Hòa lên.
Mạnh Thập Nhị Lang hoàn toàn luống cuống, coi hắn là hài tử lên ba sao? Dù nhẹ cân thấp bé, hắn cũng là nam nhi đại trượng phu! Lúc rơi xuống, theo bản năng ôm lấy cổ Thẩm Tuyên, tim đập thình thịch, hơi thở có chút gấp gáp, trừng mắt định lên tiếng, trước mắt bỗng tối sầm, môi đã bị người kia áp lấy.
Hơi thở giao hòa, bên tai vang lên tiếng cười trầm thấp: "Đừng giận."
Mạnh Thanh Hòa nheo mắt, đầu ngửa ra sau, nhưng đã bị một bàn tay lớn giữ chặt gáy, chạm phải một đôi mắt mang đầy ý cười.
Đây là xin lỗi thật đấy à? Một chút thành ý cũng chẳng có.
Mắt đảo một vòng, cúi đầu, không giận thì không giận, hôn cho đủ vốn đã rồi tính.
Ngọn nến trong lều tắt ngúm, truyền ra một tiếng "thịch" nặng nề, hình như bàn thấp bị đá đổ, lại hình như có vật nặng rơi xuống.
Binh sĩ tuần tra đi ngang qua, dừng bước, nhìn nhau khó hiểu, nghe tiếng động này, chẳng lẽ Thẩm Chỉ Huy và Mạnh Đồng Tri đang tỷ thí võ nghệ trong bóng tối?
Nghĩ đến chỉ số chiến đấu phi phàm của Thẩm Chỉ Huy, trong lòng binh sĩ dâng lên sự kính nể, có tinh thần bất khuất, gặp khó khăn không lùi bước như vậy, Mạnh Đồng Tri quả nhiên là bậc đại trượng phu, hảo hán!
Thánh nhân nói, nhìn người không thể chỉ nhìn vẻ bề ngoài, lời đồn Mạnh Đồng Tri lâm trận chém năm thủ cấp quân địch, chắc chắn không hề phóng đại, càng không hề bịa đặt!
Thần tượng!!!
Hai mắt binh sĩ sáng lấp lánh, ngày càng đi xa trên con đường nhận thức sai lầm.
Trong lều, Mạnh Thập Nhị Lang kéo cổ áo người đối diện, nhe răng, lần này người để lại dấu răng tuyệt đối không chỉ mình Thẩm Tuyên.
Thẩm Tuyên chống tay dậy, ngón tay vuốt ve mái tóc Mạnh Thanh Hòa bị làm rối, cúi người hôn nhẹ lên tóc mai hắn: "Thập Nhị Lang còn muốn vá lều không?"
Mạnh Thanh Hòa nghiến răng, vá! Nhất định phải vá! Nếu không, hắn bị cắn uổng rồi!
"Lần này không được làm loạn." Hắn phát hiện, vị Hầu Nhị Đại trước mắt này không chỉ là kiểu nói một đằng, nghĩ một nẻo, mà thỉnh thoảng còn trẻ con đến mức khiến người ta phải nghiến răng.
Nói cho đúng, Thẩm Tuyên chỉ vừa mới hai mươi xuân xanh, đang là độ tuổi giao hoà giữa thiếu niên và thanh niên, nhưng Mạnh Thanh Hòa lại thường xuyên quên mất tuổi tác của Thẩm Tuyên.
Nghĩ kỹ lại, điều này cũng không kỳ lạ. Dù là trên chiến trường hay chốn triều đình, vị trí hiện tại của Thẩm Tuyên đã định sẵn y không thể dễ dàng buông lỏng bản thân.
Bộ dạng này của y, chắc cũng chỉ có mình Mạnh Thập Nhị Lang mới được thấy.
Nghĩ đến đây, trong lòng Mạnh Thanh Hòa dâng lên một cảm giác thỏa mãn kỳ lạ, giống như mở ra chiếc rương báu mà người khác không thể mở, nâng niu món bảo vật vô giá trong tay.
Có lẽ biểu cảm của Mạnh Thập Nhị Lang quá mức mơ màng, Thẩm Tuyên bất đắc dĩ, chỉ có thể vỗ một cái lên trán hắn: "Sao lại ngẩn người nữa rồi?"
"Tử Ngọc." Mạnh Thanh Hòa ngoắc ngoắc ngón tay: "Cúi người, cúi đầu xuống."
Thẩm Tuyên lập tức làm theo.
Lều trại khi nào mới sửa sang được đây?
Dẹp!! Dẹp hết đi!! Để bàn sau!!
Cuối tháng Tám năm Kiến Văn thứ ba, viện quân của Trương Phụ và Lưu Giang vượt sông Hô Đà, thẳng tiến Bắc Bình.
Do mang theo lượng lớn hỏa pháo, tốc độ hành quân bị chậm lại, nhưng tin tức từ Bắc Bình truyền đến cho thấy, Bình An vẫn chưa hạ lệnh công thành. Tuy không rõ nguyên nhân, nhưng quả thực đã giúp đại quân tranh thủ được thời gian.
Trương Phụ lệnh cho tiền quân dò đường, gặp mật thám quân Nam Kinh thì bắt giết toàn bộ, tuyệt đối không để Bình An biết được tin tức, thăm dò thực hư của viện quân. Chiêu này quả nhiên hiệu nghiệm, khi viện quân đến nơi, quân Bình An không hề hay biết. Lưu Giang cùng Trương Phụ bàn bạc, quyết định thừa lúc đêm tối, giương đuốc tập kích doanh trại.
Tiếng pháo vang lên, Trương Phụ dẫn kỵ binh xông vào doanh trại, quân Nam Kinh tuy loạn nhưng vẫn có trật tự, chặn đứng được đợt tấn công của Trương Phụ. Trương Phụ bất đắc dĩ phải dẫn quân lui về, viện quân vốn không nhiều, đánh giáp lá cà không có cơ hội thắng.
"Bình Bảo Nhi quả nhiên lợi hại!"
Tuy là địch thủ, nhưng Trương Phụ vẫn không khỏi thán phục tài thao lược của Bình An. Nếu đổi lại là Lý Cảnh Long, đại doanh quân Nam Kinh đã sớm rối loạn như tơ vò.
Thấy Trương Phụ thất bại rút lui, Lưu Giang lập tức hạ lệnh khai pháo.
Trong đêm tối, tiếng pháo vang trời dậy đất, cho dù không gây ra nhiều tổn thất thực tế cho quân Nam Kinh, nhưng lại liên tục đè nén tinh thần của bọn họ. Đêm tối mù mịt không nhìn thấy địch, chỉ thấy đuốc lửa ngút trời, nghe tiếng pháo ầm ầm. Quân Nam Kinh bắt đầu hoang mang lo lắng, chẳng lẽ Yên Vương đích thân dẫn đại quân trở về tiếp viện?
Tiếng pháo và tiếng hô xung trận kinh động đến quân thủ thành, Chu Cao Sí lên trên tường thành, nhìn về hướng đại quân Bình An đóng trại, nhíu mày, chẳng lẽ phụ Vương đã về Bắc Bình rồi ư?
Vài con ngựa từ hướng Vương phủ phi tới, người dẫn đầu lại là một nữ quan.
Nữ quan phụng mệnh Yên Vương phi, mời Thế tử phối hợp cùng viện quân đồng loạt sử dụng pháo tấn công vào doanh trại của Bình An, sáng sớm sẽ phái kỵ binh xuất thành tập kích.
"Sáng sớm xuất thành?"
"Bẩm Thế tử, đúng vậy." Nữ quan đáp: "Đại sư Đạo Diễn cũng tán thành ý kiến của Vương phi."
"Được, Cô đã biết."
Chu Cao Sí không do dự, mưu lược quân sự và khả năng nắm bắt thời cơ của mẫu Phi, hắn ta vẫn chưa thể nào sánh bằng. nếu đến cả Đạo Diễn cũng tán thành, vậy thì càng không sai.
Trước đó, hắn ta còn đang phân vân giữa việc cố thủ hay xuất thành nghênh địch, nghi ngờ đây là kế của Bình An, bày ra mai phục dụ quân thủ thành xuất kích. Nghĩ lại thì, Bình An không thể nào có thủ đoạn lớn như vậy, nhất định là viện quân của phụ Vương đã đến.
Trên thành nhanh chóng vang lên tiếng pháo, khẩu pháo lớn canh giữ thành trì Bắc Bình hay được xưng là Uy Vũ Đại Tướng Quân gầm lên trong đêm tối, uy lực rất khủng bố, hỏa pháo mà Trương Phụ, Lưu Giang mang đến không cách nào có thể so sánh.
Pháo từ hai phía liên tiếp nổ vang, tiếng hô xung trận vây quanh bốn phía, tuyến phòng thủ tâm lý cuối cùng của quân Nam Kinh hoàn toàn sụp đổ, không còn ý chí chiến đấu, bốn phía chạy tán loạn.
Bọn họ vốn đã một mình tiến sâu vào lãnh thổ địch, lại bị pháo hai bên kẹp cứng nã tới tấp như vậy, trận này thật sự không đánh nổi nữa!
Đại doanh bỏ rồi, quân khí, lương thảo cũng vứt hết, trước tiên bảo toàn tính mạng rồi tính sau.
Bình An không còn cách nào khác, chỉ có thể cố gắng tập hợp tàn quân, tự mình dẫn đầu chạy về hướng Chân Định. Bình An lo lắng không chỉ vì Yên quân, mà còn vì quân Nam Kinh dưới trướng, nếu như náo loạn, mấy vạn người đều phải bỏ mạng dưới thành Bắc Bình. Không muốn binh sĩ tàn sát lẫn nhau, chỉ có thể dẫn đầu chạy trốn. Cho dù trở thành bia ngắm của Yên quân, chiến kỳ và đuốc cũng phải giương cao, chạy tán loạn như ruồi mất đầu, kết cục ra sao, Bình An có thể tưởng tượng được.
Kéo chặt dây cương, trong lòng Bình An tràn ngập khổ sở không nói nên lời.
Đánh trận nhiều năm như vậy, chưa bao giờ phải chịu uất ức như thế này.
Chu Lão Tứ không tử tế, nhi tử của Chu Lão Tứ cũng rặt một hạng âm hiểm! Rõ ràng đang phối hợp diễn kịch rất hay, nói trở mặt là trở mặt ngay được, thật không có chút nghĩa khí!
Bình An dẫn quân chạy về phía Nam, Trương Phụ dẫn kỵ binh đuổi theo sát nút. Đuổi đến Chân Định, Từ Trung trong thành dẫn quân chặn đánh, trước sau giáp công, nhưng vẫn không thể ngăn cản được.
Tin tức về đại thắng của Bình An như bọt nước, vỡ tan trong chớp mắt. Ngoài Thẩm Tuyên và Chu Năng, quả thật không ai cản nổi bước tiến của Bình An. Khi tin tức đến tai Yên Vương, Bình An đã chạy thoát khỏi Hà Bắc. Đại quân của Bình An tuy chỉ còn chưa đầy vạn người, nhưng trải qua liên tiếp những trận huyết chiến, ai nấy đều trở nên vô cùng hung hãn.
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng và bàn bạc với các tướng lĩnh, Chu Đệ hạ lệnh mở đường, để Bình An rời đi.
Thịnh Dung đang trấn giữ Tế Nam, nghe tin Bình An bại trận, lập tức phái quân đi tiếp ứng. Hắn còn bí mật ra lệnh cho Phòng Chiêu, tướng trấn giữ Đại Đồng, dẫn quân vào Tử Kinh Quan, chiếm cứ Tây Thủy trại ở Dịch Châu, nhằm thu hút sự chú ý của Yên quân, giúp Bình An thoát hiểm.
Nào ngờ Chu Đệ đã quyết định thả Bình An, Thịnh Dung không đón được người, ngược lại còn hoàn toàn lộ ra con bài nằm vùng của quân triều đình đang cài cắm trong hàng ngũ đồng minh của Chu Đệ.
Yên Vương vẫn bình tĩnh, nhưng Tấn Vương lại nổi trận lôi đình.
Y điều động thân binh, đích thân ra trận trợ giúp Yên Vương, đồng thời phái người đi bắt gia quyến của Phòng Chiêu.
Nhưng tất cả đều công cốc, người nhà của Phòng Chiêu, kẻ thì thắt cổ, người thì nhảy giếng, không còn một ai.
Tấn Vương cười lạnh: "Gia quyến đã không còn, chẳng lẽ cả tộc nhân cũng không có sao?"
Một câu nói nhẹ tênh, nhưng đã quyết định vận mệnh của cả tộc Phòng thị.
Để xóa tan nghi ngờ của Yên Vương, Tấn Vương buộc phải ra tay tàn độc.
Hay tin, Yên Vương mỉm cười nói với Chu Năng và Thẩm Tuyên: "Tốt lắm, quả nhiên tàn nhẫn giống y hệt huynh trưởng của Cô."
(Cho ai quên thì Tấn Vương hiện tại là cháu của anh Đệ, Tấn Vương đời trước đánh giặc chết mịa nó rồi =)))))) ảnh nói cháu nó tàn nhẫn y hệt thằng cha đã chết của nó đó =))))))
Tuy không nói rõ, nhưng cũng đủ khiến Tấn Vương thở phào nhẹ nhõm.
Trong thành Nam Kinh, theo những chiến báo liên tục được đưa về, Kiến Văn Đế càng ngày càng nóng nảy.
Đại thắng Đông Xương chẳng khác nào hoa phù dung sớm nở tối tàn, lễ tế cáo Thái Miếu trở thành trò cười. Bình An đại bại, Thịnh Dung co cụm trong Tế Nam, Hà Bắc, Sơn Tây, Liêu Đông đều rơi vào tay Yên Vương, phần lớn châu huyện ở Sơn Đông cũng bị chiếm đóng.
Họng súng của Yên quân có thể chĩa về Nam Kinh bất cứ lúc nào, trên cổ Kiến Văn Đế như treo một thanh đao lớn, người nắm đao không ai khác chính là Hoàng thúc của ngài.
Hoàng Đế như con thú bị nhốt trong lồng, văn võ bá quan vẫn tiếp tục giả làm chim cút, chỉ có đám Ngôn Quan là còn sức mà nhảy nhót. Tin tức Bắc Bình thất thủ vừa đến, cả đám lập tức nhảy dựng lên, dâng sớ đòi tước bỏ chức Đô Đốc của Bình An, giải trừ binh quyền, bắt về Kinh Thành trị tội. Hình Khoa Cấp Sự Trung lớn tiếng khăng khăng nói Bình An liên tiếp tác chiến bất lợi, có dấu hiệu đầu hàng Yên Vương, nhất định phải nghiêm trị!
Bắt Bình An rồi, ai sẽ thay thế Bình An chỉ huy quân đội? Đó là chuyện của Ngũ Quân Đô Đốc Phủ và Binh Bộ, can hệ gì đến Hình Bộ và Hình Khoa cơ chứ? Hình Khoa Cấp Sự Trung là Ngôn Quan, trách nhiệm là can gián Hoàng Đế, giám sát chúng quan, chỉ cần làm tốt bổn phận của mình là được.
Các võ tướng tức đến đỏ mắt, mong Hoàng Đế trị tội kẻ gây rối này, dù chỉ là khiển trách vài câu cũng được. Nhưng Kiến Văn Đế lại một lần nữa khiến họ thất vọng. Ngài không bắt Bình An, cũng chẳng trách mắng Ngôn Quan kia, chỉ uể oải phẩy tay, tuyên bố bãi triều.
Lục Khoa Cấp Sự Trung và Ngự Sử nhìn các võ tướng với vẻ chế giễu, khinh miệt đám người chỉ biết đánh đấm bọn họ, rồi ngẩng cao đầu bước ra khỏi điện Phụng Thiên, hệt như những con gà chọi kiêu ngạo.
Các quan võ nghiến răng ken két, ngay cả Đại Hán Tướng quân canh gác bên ngoài điện cũng phải cau mày.
Phục vụ cho một vị Hoàng Đế như vậy, thật sự đáng giá sao?
Trở về cung Càn Thanh, Kiến Văn Đế mệt mỏi cho gọi Phương Hiếu Nhụ đến, không phải để hỏi kế sách, mà chỉ để tìm người tâm sự. Tên thư sinh họ Phương đó đã hại ngài một lần, Chu Doãn Văn không muốn bị hại lần thứ hai.
Nhưng Phương Hiếu Nhụ lại rất cố chấp, nhất quyết muốn chia sẻ nỗi lo với Hoàng Đế. Bất chấp sự ngăn cản của Kiến Văn Đế và ánh mắt ai oán của đám hoạn quan trong điện, Phương Hiếu Nhụ hào sảng nói: "Thần có một kế, có thể khiến cho nghịch tặc họ Chu kia không rảnh lo chuyện phía Nam, lại khiến phụ tử hắn nghi kỵ lẫn nhau!"
Lời vừa dứt, Kiến Văn Đế đang ôm mặt từ từ quay đầu lại, nhìn Phương Đại Học Sĩ đang ưỡn ngực đầy tự tin kia, trong lòng dần dâng lên một tia hy vọng.
Có nên tin tưởng tên thư sinh này thêm một lần nữa không?
Nhưng nào ai biết, kế sách của Phương Đại Học Sĩ quả thực đã mang đến hy vọng chiến thắng, nhưng không phải cho Kiến Văn Đế, mà là cho Yên Vương.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro