Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 91: Bất Ngờ

Chương 91: Bất Ngờ

Xe ngựa của Cao lão tiên sinh dừng trước doanh trại Yên quân. Yên Vương nghe tin, đích thân ra nghênh đón.

"Cao lão tiên sinh đã lâu không gặp, vẫn khỏe chứ?"

Trên danh nghĩa, Cao Nguy tuy là sứ thần, nhưng chẳng có chức quan gì, việc Yên Vương thịnh tình tiếp đón như thế này, phần lớn chỉ là diễn trò. Thế nhưng, trong mắt những người không biết rõ thực hư, hành động của Yên Vương quả là lễ độ khiêm nhường, đúng chuẩn mực của bậc hiền Vương đức độ.

Ai dám nói Yên Vương mưu phản chứ? Chẳng phải ngài ấy đang đối đãi sứ thần của Hoàng Đế hết sức long trọng hay sao? Ngược lại, Hoàng Đế mới là người xử sự thiếu chu đáo, đúng là từ xưa đến nay không có quy định về phẩm cấp của sứ thần nhưng ai lại phái một kẻ không có chức quan đến như thế kia, rốt cuộc là xem thường Yên Vương hay là coi khinh Yên quân?

Yên Vương hết sức nhiệt tình, tự mình nắm tay Cao Nguy, dẫn lão vào doanh trại.

Binh sĩ trong doanh trại lại chẳng khách sáo chút nào, dọc đường đi, ánh mắt hình viên đạn của họ suýt nữa bắn cho Cao Nguy thành cái sàng.

Đang đi thì có mấy tên lính khiêng một cây cờ lớn cắm đầy mũi tên đi ngang qua. Cao Nguy không hiểu, đây là làm gì? Biểu diễn nghệ thuật à?

Yên Vương cười ha hả: "Chiến lợi phẩm thu được trên chiến trường, mang về Bắc Bình làm kỷ niệm."

Kỷ niệm ư? Cao Nguy giật nảy mình, mồ hôi lạnh túa ra.

Đúng lúc đại quân đang chuẩn bị bữa tối, mùi bánh mì và canh thịt thơm phức theo gió bay xa.

Ọt ọt.

Bụng Cao Nguy réo lên, mặt mày cứng đờ.

Yên Vương cố tình lờ đi vẻ mặt cứng đờ của Cao Nguy, mời lão vào lều lớn của mình. Trịnh Hòa đứng hầu bên cạnh cúi người hành lễ, rồi lui ra. Chẳng mấy chốc, canh thịt và bánh nướng thơm phức được dâng lên.

"Đang hành quân bên ngoài, bữa cơm khó tránh khỏi sơ sài, mong lão tiên sinh đừng chê."

Yên Vương đã mời, dù sơ sài đến mấy cũng phải xem như sơn hào hải vị.

Chuyến này Cao Nguy đến là để "hòa đàm" với Yên Vương, đương nhiên không thể để Yên Vương mất mặt. Hơn nữa, binh sĩ mang đao bên ngoài lều đang nhìn chằm chằm, nếu tỏ ra chính trực quá, e rằng sẽ phải trả giá.

Cao lão tiên sinh tạ ơn Yên Vương, cầm ổ bánh mì lên, cảm thán: "Một hạt cơm một miếng ăn đều là mồ hôi nước mắt của bách tính, sao có thể gọi là sơ sài được?"

Tỏ bày xong cảm xúc nồng nàn, cắn một miếng, nhai nhai, Cao lão tiên sinh thầm nghĩ: Đúng rồi, chính là mùi vị này! Về Nam Kinh rồi, ngày nào lão cũng ngày nhớ đêm mong....!

Yên Vương rất vui vẻ, cười ha hả: "Nếu vậy, tiên sinh cùng Cô trở về Bắc Bình, thế nào?"

Đã nhớ nhung đồ ăn nhà hắn đến vậy, sao không nhảy việc, theo hắn cùng nhau khởi nghĩa? Bánh mì đảm bảo ăn no!

Cao Nguy gật đầu cũng không được, lắc đầu cũng không xong, chỉ đành cười gượng hai tiếng: "Vương gia đừng nói đùa."

Ăn bánh, tiếp tục ăn bánh!

Khụ!

Nghẹn rồi!

May mà Yên Vương thật sự chỉ nói đùa, lúc này mang Cao Nguy về Bắc Bình cũng chẳng ích gì, ngược lại, để lão về Nam Kinh càng có lợi cho việc hành sự.

Cao Nguy thấy Yên Vương không tiếp tục dây dưa chuyện "nhảy việc" của lão nữa thì thở phào nhẹ nhõm. Không dám cảm thán lung tung nữa, chỉ tập trung ăn bánh uống canh. Năm cái bánh mì nhanh chóng xuống bụng, nhưng mới chỉ no bảy phần. Từ lần trước đi Bắc Bình về, khẩu phần ăn của Cao lão tiên sinh tăng theo thể tích, sau đó không thể giảm xuống được nữa, đây là nỗi đau mà lão có chết cũng sẽ không thể nào nguôi ngoai được.

Bên ngoài lều, Mạnh Thanh Hòa đang tuần tra doanh trại.

Là Chỉ Huy Đồng Tri, vốn không cần đích thân dẫn đội tuần tra, nhưng hắn thực sự muốn gặp "cố nhân". Không chỉ Cao Nguy "nhớ nhung" những ngày ở Bắc Bình, Mạnh Đồng Tri cũng rất nhớ Cao lão tiên sinh. Một đối tượng dễ lừa, lại lừa thành công mỹ mãn như vậy, muốn không nhớ nhung cũng khó.

Ăn uống no say, Cao Nguy cuối cùng cũng có cơ hội bàn chính sự với Yên Vương.

Yên Vương giơ tay: "Khoan đã."

Sau đó, hô lớn ra lệnh cho Trịnh Hòa vào lều, triệu tập các tướng lĩnh dưới trướng cùng tham gia cuộc hoà đàm hữu nghị này.

"Lão tiên sinh không phiền chứ?"

"...Không phiền." Ngoài nói vậy ra còn có thể nói gì? Trải nghiệm ở Bắc Bình, những ngày ở Nam Kinh, sự lạnh nhạt của Hoàng Đế, những đả kích liên tiếp đã khiến Cao Nguy từ chỗ cứng nhắc trở nên vô cùng khéo léo.

Lúc được Yên Vương thả về, Cao Nguy chưa như vậy. Trở về Nam Kinh, sự nghi ngờ của Hoàng Đế, sự không tin tưởng của các đồng liêu, sự lạnh nhạt và chế giễu của thân bằng cố hữu mới là nguyên nhân khiến Cao Nguy thay đổi. Lão vẫn trung thành với Hoàng Đế, tuân theo chính thống, nhưng đối với Yên Vương, lão sẽ không còn như trước, mở miệng là "nghịch thần", ngậm miệng là "giặc cỏ" nữa.

Mắng một nghìn câu, Yên Vương vẫn cứ làm phản, hà cớ gì phải phí lời?

Trường hợp như Cao Nguy không phải hiếm, đại tài tử Giải Tấn cũng từng trải qua những cảm xúc tương tự. Từ dám dâng sớ chỉ trích Hồng Vũ Đế, đến mặt dày mày dạn xin chức quan với Kiến Văn Đế, rồi đến khi Yên Vương đánh đến Nam Kinh thì nửa đêm bỏ chạy khỏi thành, nỗi chua xót và buồn khổ trong đó, sự thấu hiểu về nhân sinh và quan trường, không phải người thường có thể lĩnh hội được.

Yên Vương cũng nhận ra sự khác biệt của Cao Nguy. Mấy tháng trước, lão già này chỉ cần vài câu là có thể khiến hắn bốc hỏa, hận không thể rút đao chém người, vậy mà giờ đây lại chịu ngồi im lặng trong lều lớn của hắn, nở nụ cười hoà ái với hắn, đến cả Chu Đệ cũng phải cảm thán, chuyện này đúng là quá mức thần kỳ!

Chu Năng, Thẩm Tuyên cùng các tướng lĩnh khác được triệu tập vào lều lớn của Yên Vương, Mạnh Thanh Hòa chen chúc đứng cạnh Thẩm Tuyên. Cao lão tiên sinh liếc mắt nhìn qua, Mạnh Đồng Tri nhe răng cười thân thiện. Lão tiên sinh lập tức như bị sét đánh, toàn thân cứng đờ.

Khuôn mặt đó, biểu cảm đó, dù có hóa thành tro lão cũng nhận ra!

Mạnh Thanh Hòa tiếp tục cười, sắc mặt Cao Nguy từ đỏ chuyển sang trắng, từ trắng chuyển sang xanh, từ xanh chuyển sang đen, nếu không phải Yên Vương lên tiếng cắt ngang, e rằng sẽ cứ đen mãi như vậy.

"Cao lão tiên sinh lần này đến đây, là để khuyên Cô bãi binh ư?"

Yên Vương mở lời trước, Cao Nguy đứng dậy, chắp tay nói: "Nguy mỗ trước khi lên đường, đã tâu với Hoàng thượng, nếu Điện hạ chịu buông bỏ, đến lăng tẩm của Tiên Hoàng tạ tội, Hoàng thượng sẽ cho Điện hạ trở về phiên, bỏ hết tội lỗi, không trách phạt."

Chu Đệ không nói gì, ngón tay gõ nhẹ lên đầu gối, dường như đang suy nghĩ.

Cao Nguy tiếp tục nói: "Hoàng thượng có nói, Điện hạ là đích tử của Thái Tổ Cao Hoàng Đế, thân đệ của Hiếu Khang Hoàng Đế, là thúc phụ của Hoàng thượng. Đao binh tương tàn sẽ trái với luân thường đạo lý, nếu giữa hai bên có tổn thương nào, ngày sau sao còn mặt mũi đi gặp tổ tiên nơi miếu thờ?"

Sắc mặt Yên Vương biến đổi. Kiến Văn Đế nhắc đến tổ tiên nơi miếu thờ, khiến Yên Vương không khỏi kiêng dè. Chu Doãn Văn còn không dám gặp tổ tiên, chẳng lẽ hắn dám sao?

"Thiên Tử còn nhiều lần nghiêm lệnh quân sĩ không được làm tổn hại tính mạng Điện hạ." Nói đến đây, hai mắt Cao Nguy đã đỏ hoe: "chẳng lẽ Điện hạ không thể cảm nhận được tấm lòng của Bệ hạ hay sao?"

"Cô... hầy!" Yên Vương thở dài: "Cô nào có muốn như vậy? Thực sự là do gian thần lộng hành nơi triều đình, nhiều lần vu cáo Cô với Bệ hạ, phá hoại phép tắc tổ tông, bức hại phiên vương, làm hại lê dân bách tính. Cô vâng mệnh Thái Tổ Cao Hoàng Đế, sao có thể ngồi yên nhìn triều cương bại hoại! Lần dẹp loạn này chỉ là để quét sạch gian thần, Thanh Quân Trắc. Nếu Bệ hạ có thể trục xuất gian thần trong triều, Cô sẽ lập tức..."

Chưa đợi Yên Vương nói xong, Chu Năng lập tức bước ra, lớn tiếng nói: "Điện hạ không thể! Một khi Điện hạ bãi binh, nhất định sẽ bị gian thần hãm hại, Thiên Tử cũng sẽ lo lắng cho Điện hạ!"

Yên Vương cau mày, quát lớn: "Sĩ Hoằng sao lại nói vậy? Mau lui xuống!"

"Thần xin Điện hạ suy xét kỹ càng!"

"Bịch" một tiếng, Chu Năng quỳ một gối xuống.

Sau khi Trương Ngọc chết, xét theo vai vế, Chu Năng trở thành đệ nhất Đại Tướng của Yên quân. Thẩm Tuyên dù danh tiếng lẫy lừng, vẫn phải xếp sau Chu Năng.

Thấy Chu Năng đã quỳ xuống, những người khác cũng không thể không lên tiếng, tất cả đều lần lượt quỳ xuống, đồng thanh nói: "Xin Vương gia suy xét kỹ càng!"

"Các ngươi..." Yên Vương chỉ vào đám thuộc hạ, ngữ khí vô cùng bất lực: "Các ngươi đang đẩy Cô vào chỗ bất nghĩa!"

Chúng tướng vẫn quỳ không chịu đứng dậy, Yên Vương khuyên bảo không được, chỉ đành quay sang Cao Nguy cười khổ: "Lão tiên sinh thấy chứ? Cô và Thiên Tử là thân thích, phụ Vương của Cô là Hoàng tổ phụ của Thiên Tử; phụ Vương của Thiên Tử còn là huynh trưởng của Cô. Cô làm phiên Vương, phú quý đã đủ đầy, còn mong muốn gì hơn! Thiên Tử nhân hậu, vốn rất yêu thương các thúc phụ của ngài, chỉ vì gian thần gièm pha mới dẫn đến nông nỗi này. Cô khởi binh Tĩnh Nan là bất đắc dĩ, chỉ vì muốn chỉnh đốn triều cương, cứu bách tính khỏi cảnh lầm than. Nếu được Thiên Tử ân chuẩn bãi binh, không trách tội, Cô vô cùng cảm kích. Nhưng gian thần trong triều chưa diệt trừ, đại quân Nam Kinh cũng chưa về, các tướng sĩ dưới trướng lo lắng gian thần hãm hại Cô, lòng đầy ngờ vực không muốn buông binh khí, Cô cũng chẳng biết làm sao. Mong Thiên Tử tiêu diệt gian thần, triệu hồi đại quân về Nam Kinh, bốn phụ tử chúng ta nguyện một mình một ngựa tiến về Kinh Thành, sống chết ra sao, mặc cho Bệ hạ xử trí."

Nói xong, Chu Đệ siết chặt tay, không bàn thêm gì nữa.

"Điện hạ!" Các tướng sĩ trong lều hai mắt ngấn lệ, Mạnh Thanh Hòa cũng rưng rưng, lớn tiếng nói: "Vương gia một lòng vì thiên hạ xã tắc, bị người đời hiểu lầm chỉ trích cũng không tiếc. Chúng ta cũng không màng đến tính mạng của mình, thực sự không nỡ nhìn Vương gia bị gian thần hãm hại. Nếu Thiên Tử có thể trục xuất gian thần, giải tán đại quân, chúng ta nguyện cùng Vương gia đến Nam Kinh, mặc cho Thiên Tử xử trí!"

Sắc mặt Cao Nguy tái mét. Triều đình không rút quân thì tiếp tục đánh, triều đình rút quân thì bọn họ vẫn theo Yên Vương vào kinh??

Người biết thì cho là đến tạ tội, người không biết thì cho là muốn tiếp tục tiến đánh Nam Kinh? 

Đây là quyết tâm tạo phản đến cùng rồi sao?

Cao Nguy ngồi đờ ra, trong đầu lóe lên vô số suy nghĩ, bốn chữ "Trần Kiều binh biến" đột nhiên xẹt qua, khiến lão giật mình kinh hãi.

(Trần Kiều binh biến: là một sự kiện lịch sử quan trọng đánh dấu sự chuyển giao quyền lực từ nhà Hậu Chu sang nhà Tống. Nó không phải là một cuộc binh biến hỗn loạn, mà được dàn dựng khá công phu, mặc dù vẫn có yếu tố bất ngờ."Trần Kiều binh biến" là một cuộc đảo chính được sắp đặt trước, diễn ra nhanh chóng và ít đổ máu. Mặc dù được gọi là "binh biến", nó mang tính chất "chuyển giao quyền lực" hơn là một cuộc nổi loạn thực sự. Việc gọi là "binh biến" có thể xuất phát từ góc nhìn của nhà Hậu Chu, hoặc là cách gọi chung cho các sự kiện thay đổi quyền lực bằng quân sự.)

Cho dù trong tay các tướng lĩnh không cầm long bào, dù Yên Vương ngấm ngầm tung ra tín hiệu "Tất cả những gì Cô làm là để phò tá Thiên Tử, giúp Thiên Tử ổn định triều chính", thì thực tế ra sao, trong ngoài triều đình đều rõ mười mươi.

Mượn danh Tĩnh Nan nhưng thực ra chỉ có một mục đích duy nhất là tạo phản. Chu Đệ nhắm vào ngai vàng, những lời biện minh đều là giả dối, chỉ là để giữ thể diện mà thôi. Họng pháo đen ngòm, lưỡi đao lạnh lẽo mới là đại diện cho dã tâm thực sự của hắn.

Chu Đệ không nói, Cao Nguy cũng không biết nên mở lời tiếp thế nào. Lão đột nhiên nhận ra, chuyến đi sứ này lần hoàn toàn là một sai lầm. Yên Vương không thể nào bãi binh, thay vì lãng phí thời gian chơi trò tâm lý với hắn, chi bằng chiêu mộ thêm binh sĩ, chế tạo thêm vũ khí còn thiết thực hơn.

Giây phút này, vị lão tiên sinh từng bị tứ thư ngũ kinh, học thuyết thánh hiền nhồi nhét đầu óc bỗng nhiên tỉnh ngộ, đầu óc như được soi sáng, cả người như được thăng hoa. Nhớ lại những chuyện trước kia, Cao lão tiên sinh bỗng nhiên phát hiện bản thân thật sự ngốc nghếch đến mức nào.

Kiến Văn Đế không đáng tin cậy, nhưng dù Hoàng Đế có không đáng tin cậy đến đâu, vẫn phải duy trì thiên hạ một cách chính thống mới là chuyện đúng đắn.

Đây là vấn đề lập trường cũng như thể hiện được khí tiết của bậc đọc sách thánh hiền. Cao Nguy có thể trở nên khôn khéo, nhưng không thể đánh mất khí tiết của mình.

Đời sau hay nói bọn họ cố chấp, cổ hủ, nhưng chính sự kiên trì đó đã tạo nên những bậc sĩ phu như Cao Nguy.

Dù sao, Cao Nguy cũng không phải là Giải Tấn.

Đó cũng là nguyên nhân giúp cho sau khi chết, Cao Nguy vẫn được tôn là trung thần, còn Giải Tấn tuy có tiếng là đại tài tử, nhưng lại bị phụ tử Chu Đệ lợi dụng rồi vứt bỏ, cuối cùng chết trong tay Cẩm Y Vệ.

Ngẫm nghĩ thông suốt, Cao Nguy bỗng nhiên cảm thấy nhẹ nhõm, áp lực tiêu tan, đầu óc cũng trở nên minh mẫn hơn.

Chuyện hoà đàm gì đó chắc chắn sẽ không thành công, khuyên can Yên Vương bãi binh cũng là điều không thể, chi bằng nghĩ cách mê hoặc Chu Đệ, dù chỉ có thể trì hoãn bước tiến công của Yên quân cũng không uổng công đi chuyến này.

Mạnh Thanh Hòa quỳ bên cạnh Thẩm Tuyên, vừa hô to theo mọi người, vừa quan sát sắc mặt Cao Nguy.

Diễn xuất của Yên Vương đã đạt đến mức xuất thần nhập hóa, cho dù biết hắn đang diễn trò, cũng không khỏi bị cảm động. Tình cảm quá chân thành, biểu cảm quá đúng chỗ, có thể xưng là Ảnh đế của triều Đại Minh! Chu Doãn Văn đứng trước mặt đương nhiên sẽ không đủ tầm, người duy nhất có thể so diễn xuất với Chu Đệ, chắc chỉ có Chu Nguyên Chương đang nằm trong lăng tẩm.

Khả năng ứng biến của Cao Nguy cũng đã khác xưa, ít nhất so với lúc ở Yên Vương phủ Bắc Bình đã cao hơn không ít bậc.

Mạnh Thập Nhị Lang cụp mắt, muốn lừa lão thêm lần nữa xem ra sẽ không dễ dàng như trước.

Nếu biết được suy nghĩ trong lòng Mạnh Thanh Hòa, Cao lão tiên sinh nhất định sẽ khóc ròng. Thiên hạ nhiều người như vậy, đại thần trong triều cũng không ít, sao cứ nhằm vào một mình lão mà lừa?

Đây là cái loại đạo lý gì vậy chứ?!

Cuối cùng, Yên Vương "đành phải" thỏa hiệp trước sự khẩn cầu của các tướng lĩnh, chiếu thư mà Cao Nguy mang đến trở thành một tờ giấy lộn.

Có lẽ là để giữ thể diện cho Kiến Văn Đế và danh tiếng của mình, Yên Vương viết một bức thư với lời lẽ tha thiết, đồng thời phái Chỉ Huy Vũ Thắng cùng Cao Nguy hồi kinh, đích thân trình lên Thiên Tử, nói rõ Yên Vương không bãi binh thực sự là bất đắc dĩ, việc đánh đến Nam Kinh cũng là do tình thế ép buộc. Yên Vương còn đồng thời nói rõ trong thư, để tỏ thành ý, trong thời gian Vũ Thắng vào kinh, Yên quân sẽ không tiếp tục tấn công về phía Nam.

Ý tứ sâu xa là, không đánh thì không đánh, nhưng đừng hòng đòi lại những vùng đất đã chiếm được.

Cao Nguy hồi kinh, đem những lời nói với Yên Vương viết thành tấu chương, dâng lên Hoàng Đế, sau đó chủ động đóng cửa ở yên trong phủ tự kiểm điểm. Cao lão tiên sinh nghĩ rất rõ ràng, chức tước do Kiến Văn Đế ban cho, lão sẽ không làm nữa. Triều đình đánh bại Yên Vương cũng được, Yên Vương tiến vào Nam Kinh cũng được, cùng lắm thì lão sẽ dùng đao tự sát để tuẫn quốc, danh lợi như mây khói thoảng qua, cũng chẳng khiến lão dao động dù chỉ một chút.

Kiến Văn Đế rất ngạc nhiên, trước còn chủ động xin phục chức, bây giờ lại làm trò gì thế này?

Một chuyến đi sứ Bắc Bình, lại tạo ra hiệu quả như vậy, không chỉ Kiến Văn Đế hoang mang, e rằng chính Cao Nguy cũng không ngờ tới.

"Trung thành với đạo nghĩa của chính mình, hà cớ gì phải sợ chết?" Cao Nguy đứng trước bàn dài, vung bút viết: "Đạo làm người."

Cao lão tiên sinh đóng cửa sống cuộc sống của riêng mình, Kiến Văn Đế còn phải triệu kiến sứ giả Vũ Thắng do Yên Vương phái đến.

Vũ Thắng là người có đầu óc, tính cách gan dạ, biết rõ chuyến đi này nguy hiểm, cửu tử nhất sinh, vẫn chủ động xin đi. Yên Vương cũng không định xem hắn như quân cờ bỏ đi, âm thầm phái Dương Đạc dẫn người theo bảo vệ Vũ Thắng.

Nghe nói, khi được hỏi ai có thể đảm đương trọng trách này, Thẩm Tuyên và Chu Năng cùng nhau tiến cử Dương Đạc.

Yên Vương gật đầu, tỏ vẻ đồng ý. Dương Đạc nhiều lần vào kinh, cũng đã gặp mặt tiểu cữu tử của Yên Vương là Từ Tăng Thọ, tương đối quen thuộc địa hình Nam Kinh, nếu Vũ Thắng gặp nguy hiểm, Dương Đạc cũng dễ dàng tìm cách cứu giúp.

Giao phó xong nhiệm vụ, Yên Vương rất hài lòng, đứng trước mặt Chu Năng, khen ngợi Thẩm là người có tài cán, không chỉ võ nghệ cao cường, mà còn có bản lĩnh biết người dùng người.

Thẩm Chỉ Huy rất khiêm tốn, liên tục nói, tất cả đều nhờ sự dạy bảo của Vương gia.

"Dương Đồng Tri làm việc trầm ổn, giỏi nắm bắt thời cơ, nếu có y ở kinh thành, ngày sau đại quân vượt sông, tiến thẳng đến dưới thành, chắc chắn sẽ có lợi."

Một phen nói năng đâu ra đấy, tiện thể tưởng tượng thêm một tương lai tươi đẹp.

Yên Vương gật đầu lia lịa, nghĩ đến phụ thân của Dương Đạc từng làm mưa làm gió trong Cẩm Y Vệ, giờ đến nhi tử cũng chẳng chịu thua kém, quả là có truyền thống tốt đẹp của gia đình, hăng hái vỗ đùi cái đét, Thẩm Tuyên đã nhắc nhở hắn, thép tốt phải dùng để mài đao, người tài phải được đặt vào đúng chỗ! Mạng lưới hoạn quan trong cung chỉ có thể truyền tin tức, Từ Tăng Thọ chắc chắn đã bị Kiến Văn Đế theo dõi, còn thêm một Từ Huy Tổ lập trường chẳng rõ ràng, hắn đúng là nên phái thêm người vào kinh để hoạt động cho tốt.

Vì vậy, ngoài việc bảo vệ Vũ Chỉ Huy vào kinh, Dương Đạc lại nhận được nhiệm vụ nằm vùng dài hạn ở Kinh Thành, phối hợp với Từ Tăng Thọ liên lạc nhiều phía, đợi thời cơ hành động.

Dương Đồng Tri cung kính lĩnh mệnh, tỏ vẻ nhất định sẽ hoàn thành nhiệm vụ!

Tuy không thể so với công lao chiến trận, nhưng nếu có thể hoàn thành xuất sắc công việc này, ngày Yên Vương đăng cơ, công lao tuyệt đối không nhỏ. Về vấn đề an toàn cá nhân, tạo phản vốn là một nghề nghiệp có xác suất mất đầu rất lớn. Nằm vùng ở Kinh Thành đúng là nguy hiểm thật nhưng ra chiến trường cũng vậy. Tạo phản thành công, mọi người thăng quan phát tài, chia ruộng chia nhà, tạo phản thất bại, cùng nhau rơi đầu.

Sau một hồi suy nghĩ, Dương Đạc đã điều chỉnh tâm lý. Đây là một nhiệm vụ gian khổ, đồng thời cũng là một cơ hội. Thành bại đều do bản thân y.

Nghe nói là do Thẩm Chỉ Huy tiến cử y, Dương Đồng Tri có hơi không hiểu. Hình như y và Thẩm Tuyên cũng không có bao nhiêu giao tình? Chẳng lẽ là vì đã cùng nhau đánh chiếm thành Chân Định?

Mãi cho đến lúc lên đường, Dương Đồng Tri vẫn chưa thể hiểu rõ ràng đầu đuôi câu chuyện.

Trước khi khởi hành, Dương Đạc bất ngờ gọi Kỷ Cương đi theo. Kỷ Bách Hộ mừng rỡ chạy đến, ngàn vạn lần cảm tạ sự tín nhiệm của Dương Đồng Tri, dường như đã quên mất chuyện suýt mất mạng dưới tay Dương Đạc ở Đức Châu.

Mạnh Thanh Hòa tình cờ biết được Dương Đạc từng cứu mình trên chiến trường, đã đích thân đến thành Chân Định để bày tỏ lòng biết ơn. Khi Dương Đạc lên đường, hắn cũng đích thân tiễn đưa. Nhìn thấy Kỷ Cương trong đội ngũ, ánh mắt hắn khẽ lóe lên, quả nhiên, nếu là vàng thật, dù tạo hình có hơi khó coi chút thì vẫn sẽ sáng chói.

Kết quả của việc tiễn đưa này là, đêm đó, gáy của Mạnh Thập Nhị Lang đã lưu lại một dấu răng sâu hoắm.

Hắn xoa xoa cổ, ngửa mặt lên trời, dường như đã hiểu được nguyên nhân khiến cho mấy ngày vừa rồi, Thẩm Tuyên có vẻ khác thường.

Nghiêm mặt kìm nén khóe miệng đang không ngừng nhếch lên, thôi được rồi, thấy mỹ nhân ghen, hắn cứ vui vẻ lén lút vậy đấy, ai làm gì được hắn nào!

Đầu tháng năm, Chỉ Huy Vũ Thắng của Yên quân đã đến Kinh Thành nhiều ngày, cuối cùng cũng được Hoàng Đế triệu kiến.

Đây là một cuộc gặp gỡ có thể xem như thành công.

Vũ Thắng nói, lòng trung thành của Yên Vương đối với triều đình có trời đất chứng giám. Việc Yên Vương khởi binh Tĩnh Nan đều là do gian thần trong triều bức bách, tuyệt đối không có ý bất mãn với Hoàng Đế.

Nếu chưa trải qua những chuyện trước đó, Kiến Văn Đế có lẽ đã tin lời hắn, nhưng còn bây giờ thì sao? Đánh nhau đã sắp ba năm, còn nói Yên Vương không có ý làm phản, chẳng phải là lừa trẻ lên ba hay sao?

Dù tức giận, Kiến Văn Đế cũng không định làm gì Vũ Thắng. Hai bên giao chiến không chém sứ giả, Cao Nguy đã bình an trở về, Vũ Thắng cũng nên được toàn vẹn thả đi.

Hơn nữa, nếu Kiến Văn Đế thực sự làm như vậy, có lẽ có thể giúp Hoàng Tử Trừng và Tề Thái có thêm thời gian chiêu mộ binh sĩ. Dù sao Yên Vương cũng đã đích thân đảm bảo rằng trong thời gian sứ giả ở Kinh Thành sẽ không xuất binh về phía Nam.

Ngàn tính vạn tính, lại không tính đến việc Phương Hiếu Nhụ bất ngờ xen vào.

Vị Phương Đại Học Sĩ căm ghét cái ác như kẻ thù tuyên bố rằng, Yên Vương quá đáng lắm rồi! Dám phái người đến mê hoặc Thiên Tử, nói dối trắng trợn! Không thể làm gì Yên Vương, nhưng nhất định phải nghiêm trị Vũ Thắng!

Kiến Văn Đế suýt nữa bị lời lẽ kịch liệt của y dọa cho giật mình: "Ái khanh, làm vậy không ổn lắm đâu..."

"Bệ hạ, không thể dễ dàng tin lời xảo trá của nghịch tặc Yên Vương được! Vũ Thắng giúp kẻ ác làm điều ác, nhất định phải nghiêm trị!"

"Nhưng chiến sự bất lợi, nếu chém sứ giả..." Dù ngài có dễ bị người khác thuyết phục, nhưng dù sao cũng là Hoàng Đế, trực giác của Chu Doãn Văn đang mách bảo ngài rằng, xử lý Vũ Thắng tuyệt đối không phải là một ý kiến hay: "Để Trẫm suy nghĩ lại."

Không ngờ Phương Hiếu Nhụ lại là người cố chấp, đã nhận định một việc thì tám con trâu cũng không kéo lại được. Thấy Hoàng Đế có ý do dự, lập tức lấy thân phận Hàn Lâm Học Sĩ kiêm luôn chức Ngự Sử để lên tiếng, bày ra sự thật, giảng giải đạo lý, dẫn chứng kinh điển, quyết tâm để Kiến Văn Đế nhận thức sâu sắc rằng, không nghe lời Phương Đại Học Sĩ tuyệt đối là sai lầm, sai lầm cực kỳ lớn! Chỉ có xử lý Vũ Thắng mới có thể răn đe Yên Vương. Thể hiện uy nghiêm của Thiên Tử, cho Yên Vương thấy dù có giỏi đánh trận đến đâu, chúng ta cũng không sợ!

"Nếu Yên Vương tức giận tấn công về phía Nam..."

"Bệ hạ," Phương Hiếu Nhụ nghiêm mặt nói: "Thời tiết bây giờ đã ấm dần lên, mưa liên miên không dứt, Yên quân đa phần không quen, chắc chắn không thể đánh lâu dài. Nếu Yên quân dám tiến quân về phía Nam, Bệ hạ có thể hiệu triệu toàn thiên hạ góp sức, cần gì phải lo Yên Vương không bị diệt!"

Cuối cùng, Kiến Văn Đế đã bị Phương Hiếu Nhụ thuyết phục.

Vũ Thắng đang thu dọn hành lý ở Hồng Lư Tự chuẩn bị rời kinh, cứ như vậy bị bắt lại. Không qua Đại Lý Tự và Hình Bộ, cũng không có bất kỳ tội danh nào. Người bắt hắn là thị vệ trong cung, trong tay còn không có cả chiếu chỉ, xông vào Hồng Lư Tự như hổ đói, trói người lại, trực tiếp giam vào ngục Cẩm Y.

Trước khi bị đưa đi, Vũ Thắng đã đá tấm thẻ bài bên hông xuống gầm giường. Thị vệ trong cung chỉ phụ trách bắt người, không nhận được lệnh khám xét, tấm thẻ bài này cuối cùng rơi vào tay Dương Đạc.

Tin tức Vũ Thắng bị bắt ngay trong ngày đã được đưa ra khỏi Kinh Thành.

Yên Vương nghe tin, lập tức nổi giận, hạ lệnh cho quân đội xuất phát, lập tức tấn công về phía Nam.

Ha! Đã không biết điều thì đừng trách người thúc thúc này vả cho chất nhi vài cái tát! Tay không đủ lực, trực tiếp dùng ván gỗ, không đánh rụng vài cái răng thì đừng hòng xong chuyện!

Quân của Thịnh Dung ở Đức Châu vẫn chưa thể đứng vững gót chân, nghe tin mười mấy vạn Yên quân đang tiến về phía Nam, tướng giữ thành lập tức không đánh mà chạy, quân đội cũng nhanh chóng tan rã.

Thẩm Tuyên theo lệnh chặn đường lương thảo tiếp tế của quân Nam Kinh, Yên Vương vốn e ngại việc đánh thẳng vào Tế Nam, không muốn giao tranh trực diện, quyết định dùng kế vây hãm, khiến quân thủ thành Tế Nam cạn lương mà chết.

Lương thảo của quân Tế Nam chủ yếu sẽ được vận chuyển bằng đường thủy, lại được binh lính tinh nhuệ canh giữ, muốn cắt đứt đường lương thảo quả không phải chuyện dễ dàng. Phần lớn các tướng lĩnh Yên quân đều kiến nghị nên mạnh mẽ tấn công trực diện, đánh bại quân Nam Kinh, đục thuyền cho chìm là được. Kế này tuy không phải không tốt, nhưng lại khá tốn thời gian. Đánh xong trận lại còn phải đục thuyền, chắc chắn sẽ làm chậm bước tiến của đại quân, tạo cơ hội cho quân Tế Nam tập kích quấy nhiễu.

Thẩm Tuyên vẫn trầm ngâm chưa quyết định được, Mạnh Thanh Hòa bèn tiến lên thưa: "Tướng quân, ty chức có một kế."

"Kế gì?"

"Ty chức cho rằng, quân thủ thành Tế Nam tuy đông, nhưng sức chiến đấu lại bình thường. Hơn nữa, quân lính được điều động từ các Vệ Sở khác nhau, không quen biết lẫn nhau. Chi bằng tập hợp hơn nghìn kỵ binh, thay đổi thành khôi giáp của quân thủ thành, buộc vải trắng quanh cổ, hoặc cắm cành liễu sau lưng để phân biệt, nếu không thể trà trộn vào thành, cũng có thể thừa cơ tấn công quân lính canh giữ đường lương thảo. Trong lúc hỗn loạn, dùng hỏa tiễn đốt thuyền trên sông, thuyền bị phá hủy, đương nhiên không thể vận chuyển lương thực, điều động từ nơi khác cũng cần thời gian. Đến lúc đó, dù không đánh Tế Nam, cũng có thể thành công hạ được các châu huyện lân cận, hoàn toàn cô lập Tế Nam!"

Mọi người bàn bạc một lúc, đều cho rằng kế này rất khả thi.

Thẩm Tuyên nghe theo kiến nghị của Mạnh Thanh Hòa, quyết định tự mình dẫn quân xuất chiến.

Có chủ soái như Chu Đệ, các tướng lĩnh trong Yên quân, người nào cũng thích dẫn quân xung phong, xông pha trận mạc. Ngay cả Ninh Vương vốn thích cởi trần trên chiến trường cũng không khỏi hâm mộ, thuộc hạ dưới trướng Vương huynh, ai nấy đều là nhân tài kiệt xuất, đệ thật bội phục.

Chưa kịp bước ra khỏi lều nghị sự, Thẩm Tuyên đã bị các tướng lĩnh trong quân đồng loạt ngăn lại.

"Tướng quân nên tọa trấn trung quân, việc nhỏ này cứ giao cho thuộc hạ dưới trướng là được."

"Nói chí phải! Chúng ta cần tướng quân ở đây, có tướng quân áp trận, chúng ta mới có lòng tin!"

"Tướng quân, ngài ở lại trong quân, ty chức mới có thể yên lòng xông pha trận mạc!"

"Giết gà sao phải cần dùng đến dao mổ trâu chứ, quá mức phí phạm! Quân triều đình yếu ớt không đáng quan ngại, không cần tướng quân ra trận. Nếu không đánh nổi doanh trại, ty chức xin chịu tội chết!"

"Tướng quân, vì thắng lợi của chiến trận, ngài vẫn nên ở lại!"

Bất kể là kẻ mãng phu tay chân phát triển hay người có chút đầu óc, đều nhất trí kiên quyết không để Thẩm Tuyên dẫn quân xung phong.

Nói đùa sao, Thẩm Chỉ Huy mà xung phong, thì công trạng còn đâu mà kiếm? Chỉ đốt vài chiếc thuyền, người khác có thể kể công, nhưng bọn họ cũng thấy xấu hổ thay. Mạnh Thanh Hòa khôn ngoan đứng ngoài "vòng vây", chẳng lẽ không thấy Thẩm Chỉ Huy sắp nổi trận lôi đình rồi sao? Lúc này mà lại gần chẳng khác nào tự tìm đường chết!

Dự đoán của Mạnh Đồng Tri nhanh chóng thành hiện thực, lấy Trịnh Hanh làm đầu, các tướng lĩnh trung quân lần lượt bị đá bay ra khỏi lều lớn, vẽ nên những đường cong tuyệt đẹp giữa không trung, rơi tự do xuống đất, bụi bay mù mịt.

Tuy bị ngã đau điếng người, nhưng thành quả thu được lại vô cùng hậu hĩnh.

Thẩm Tuyên chấp nhận ở lại trung quân, giao nhiệm vụ dẫn quân tấn công cho Trịnh Hanh.

Ngày Tân Mùi tháng năm, trung quân dưới trướng Thẩm Tuyên đã cắt đứt đường tiếp tế lương thảo của quân Nam Kinh, đánh tan nhiều nơi đóng quân của địch, trước thiêu hủy Cốc Đình, sau đó hợp binh với Khâu Phúc và Tiết Lộc, đại phá quân Nam Kinh tại Sa Hà, Phái Huyện, thiêu hủy hai thuyền lớn chất đầy lương thảo, thu được một triệu thạch lương thực cùng vô số khí giới.

Tháng sáu, Chu Năng dẫn quân đánh bại đại tướng Viên Vũ dưới trướng Thịnh Dung, chém hơn vạn thủ cấp.

Tháng bảy, Yên quân tập kích Chương Đức, Yên Vương phái quân quấy rối quân thủ thành, không cho bách tính trong thành ra ngoài kiếm củi. Hễ phát hiện, lập tức áp giải đến dưới thành, tuyệt đối không làm hại tính mạng, may mắn còn được mang về nhà vài cái bánh bao, bánh bột mì. Làm như vậy, bách tính tuy vẫn sống ổn, nhưng quân thủ thành lại phải dỡ nhà phá tường, lấy gỗ đá xây dựng công sự phòng thủ. Chẳng bao lâu sau, bách tính trong thành bắt đầu oán thán.

Khi đó, Đô Đốc Triệu Thanh trấn giữ Chương Đức lo lắng dân tình sôi sục, tạo cơ hội cho Yên quân phá thành, bất đắc dĩ phải chủ động xuất thành nghênh địch, trúng ngay mai phục của Yên quân, bị bắt giết hơn nghìn người. Yên Vương không truy kích, ngược lại phái người chiêu hàng Triệu Thanh.

Triệu Đô Đốc không còn cách nào khác, đành phải xuất thành, nói rất dõng dạc: "Ngày Điện hạ đến Kinh Thành, chỉ cần dùng hai ngón tay viết thư triệu kiến thần, thần không dám không đến, nay cũng chưa dám làm vậy."

Yên Vương đồng ý, tha chết cho Triệu Thanh, phái Tiết Lộc dẫn quân vào chiếm đóng Chương Đức, sau đó tiếp tục thống lĩnh đại quân tiến về phía Nam.

Đến tháng tám, trừ Tế Nam và một số ít châu phủ, Yên Vương đã chiếm được hơn nửa Sơn Đông.

Tin tức nhanh chóng được đưa về Kinh Thành, khiến cả triều đình chấn động.

Kiến Văn Đế ngồi trên ngai vàng, vừa khóc vừa đấm ngực, sao ngài lại nghe lời một tên thư sinh chứ? Ngài thật hối hận vì đã nghe lời Phương Hiếu Nhụ!

Đúng lúc Kiến Văn Đế đang rơi lệ, Yên Vương đang đắc ý, thì Bắc Bình đột nhiên truyền đến tin tức, Bình An bất ngờ suất lĩnh đại quân xuất hiện cách thành Bắc Bình năm mươi dặm! Vài vạn đại quân đang đóng quân tại thôn Bình, uy hiếp Bắc Bình.

Yên Vương biến sắc, Bình An không phải Lý Cảnh Long, hiện tại cũng không phải mùa đông, không có cơ hội cho Chu Cao Sí làm tượng băng. Một khi Bắc Bình thất thủ, có đánh chiếm được cả Sơn Đông cũng thành công cốc!

Nhưng mà, mấy vạn đại quân của Bình An rốt cuộc từ đâu đào ra được?

Chu Đệ vô cùng khó hiểu.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro