Chương 89: Đại Thắng
Chương 89: Đại Thắng
Trận chiến ngay bên bờ sông Giáp Hà, Yên quân ban đầu thất thế khiến cho sĩ khí của quân Nam Kinh phấn chấn hẳn lên.
Các tướng sĩ dưới trướng đều xin được xuất chiến, nhưng Thịnh Dung lại kiên quyết lắc đầu. Hắn tự biết rõ thực lực của quân mình, triều đình đã nhiều lần chiêu mộ vệ quân, bộ binh tinh nhuệ nhất của quân triều đình đã hao tổn gần hết trong tay hai vị tướng đi đầu là Cảnh Bình Văn và Lý Cảnh Long.
Hai mươi vạn quân Nam Kinh đối đầu với kỵ binh Yên quân, dù có nằm mơ bọn họ cũng không dám nắm chắc phần thắng, chỉ có thể dựa vào chiến trận phòng thủ mới miễn cưỡng ngăn được thế xung phong của kỵ binh Yên quân.
Ý định của Thịnh Dung là kéo Yên quân vào cuộc chiến tiêu hao giữa đôi bên.
Tài sản của Bệ hạ bọn họ trải khắp Tứ Hải Cửu Châu, Yên Vương chỉ chiếm cứ phương Bắc đất đai cằn cỗi, binh sĩ, tướng lĩnh trong tay hắn tuy mạnh, nhưng lương thảo tiếp tế lại không thể sánh bằng triều đình được.
Chỉ dựa vào cướp bóc lương thảo thì có thể duy trì được bao lâu?
Chỉ cần phái thêm binh sĩ bảo vệ nghiêm ngặt tuyến đường vận lương, Yên Vương muốn cướp lương thảo cũng được, nhưng sẽ phải trả giá đắt.
Chiến thuật này có thể xem là tự hại chính mình, hại địch được một nghìn thì mình cũng thiệt thòi hết tám trăm.
Có điều, Thịnh Dung có Kiến Văn đế chống lưng, đương nhiên có thể chịu đựng được, nhưng Chu Đệ thì không.
Các tướng lĩnh quân Nam Kinh bị chiến thắng ban đầu làm mờ mắt, rõ ràng đã quên đi những thất bại thảm hại trước đó ở thôn Trịnh và sông Bạch Câu. Ngay cả trận chiến Thương Châu cũng phải khó khăn lắm bọn họ mới có thể giành chiến thắng.
Là Chủ Soái thống lĩnh quân Nam Kinh, Thịnh Dung phải luôn giữ bình tĩnh.
Nếu hắn cũng nóng vội như các tướng sĩ, trận này sẽ không thể đánh được nữa.
"Chúng ta dùng chiến thuật tiêu hao nhuệ khí của giặc Yên, dập tắt ý chí chiến đấu của chúng, giặc Yên tự khắc sẽ rối loạn."
Một khi Yên quân lộ ra sơ hở, mới là thời cơ tốt nhất để đại quân tấn công. Còn lại thì Thịnh Dung sẽ không liều lĩnh, hắn thà tiếp tục rút trong "mai rùa" để đối phó với Yên Vương còn hơn để binh sĩ dưới trướng đi chịu chết.
Để chế ngự các tướng sĩ xin ra chiến trường, Thịnh Dung chỉ có thể nghiêm nghị ra lệnh, trong trận chiến tới, nếu ai dám tham lam chiến công, bất chấp đại cục, đừng trách hắn không nể tình, xử theo quân pháp!
Nói cách khác, trận hình như mai rùa kia nhất định phải giữ vững, nếu ai dám tự ý rời trận, không nghe hiệu lệnh, thì tự xem cái cổ trên đầu mình cứng đến mức nào rồi hãy làm. Tự ý xông ra ngoài, nếu không bị Yên quân giết chết, trở về cũng vẫn phải chịu một đao!
Thịnh Dung tỏ rõ quyết tâm giữ vững kỹ cương trong quân, dù là ai phạm vào quân luật do hắn đề ra thì cũng sẽ chém không tha, kết quả là không còn ai dám chủ động xin xuất chiến nữa.
Dù trong lòng các tướng sĩ quân Nam Kinh khinh thường Thịnh Dung nhát gan, nhưng ngoài mặt vẫn phải tuân theo quân lệnh.
Ngày hôm sau, trời chưa sáng rõ, quân Nam Kinh đã bày trận bên bờ sông Giáp Hà, đợi Yên quân đến tấn công.
Từ sáng đến trưa, từ khi ánh bình minh ló dạng cho đến khi mặt trời lên cao, vẫn không thấy bóng dáng Yên quân.
Sự chờ đợi dài đằng đẵng khiến nhiều tướng sĩ bồn chồn, ngay cả Thịnh Dung cũng đứng ngồi không yên, không hiểu vì lý do gì mà đến giờ còn chưa thấy bóng dáng đối thủ.
Yên Vương là một mãnh tướng, khắp thiên hạ này không ai là không biết đến sự dũng mãnh của Chu Đệ. Luận về binh pháp chiến lược, ngoài các Khai Quốc Công Thần từng chinh chiến cùng Thái Tổ Cao Hoàng đế thì không ai có thể sánh bằng hắn. Ngụy Quốc Công Từ Huy Tổ miễn cưỡng cũng có thể xem như ngang tài ngang sức với Chu Đệ. nhưng binh pháp của Từ Huy Tổ và Chu Đệ hoàn toàn khác nhau.
Từ Huy Tổ giỏi tấn công trực diện, còn Yên Vương lại thích tấn công vào mạn sườn quân địch.
Trong tình thế hai bên cân bằng lực lượng, đánh một trận trực diện hay đánh úp từ phía sau, Yên Vương chắc chắn sẽ chọn cách thứ hai.
Qua việc nghiên cứu về Yên Vương, Thịnh Dung cơ bản có thể tổng kết được, trên chiến trường, Chu Đệ rất thích chơi trò đánh lén.
Trên làm gương, dưới noi theo, các tướng lĩnh Yên quân đương nhiên cũng tích cực học theo Chủ Soái Chu Đệ.
Cướp bóc lương thảo, chia nhỏ các nhóm kỵ binh chơi trò quấy rối, giương đông kích tây, cướp xong thì rút, đánh xong thì chạy, những việc này, Yên quân đều vô cùng thành thạo.
Là phiên Vương thì sao? Ai quy định phiên Vương phải hành xử quang minh chính đại?
Nghĩ đến đây, Thịnh Dung bắt đầu lo lắng, Yên quân chậm chạp không phát động tấn công, chẳng lẽ Chu Đệ lại muốn giở trò quỷ quyệt?
Cả ngày hôm đó, quân Nam Kinh đều trải qua trong lo lắng và chờ đợi.
Hoàng hôn sắp tàn đến nơi, doanh trại Yên quân vẫn im ắng, không thấy động tĩnh gì.
Cuối cùng, Thịnh Dung cũng không đợi được nữa, phái kỵ binh dưới trướng đến đại doanh Yên quân để dò la. Rốt cuộc là chuyện gì đang xảy ra, nhất định phải xem cho rõ ràng.
Kỵ binh xuất phát, trận hình mai rùa vẫn giữ nguyên.
Một khắc chưa nhận được tin tức, Thịnh Dung một khắc cũng không dám lơ là.
Lỡ như Yên quân mai phục gần đó, đợi trận hình của bọn họ xuất hiện sơ hở rồi phát động tấn công thì sao? Tuy khả năng đó không lớn, nhưng cũng không thể không đề phòng.
Kỵ binh đi dò la tin tức vẫn chưa trở về, trong lòng Thịnh Dung càng thêm bồn chồn, cắn răng phái thêm một đội kỵ binh thứ hai.
"Chủ Soái, chẳng lẽ giặc Yên thấy tình thế bất lợi, trong đêm tối đã bỏ chạy về phương Bắc rồi?"
Lời của Đô chỉ huy Trang Đắc, cũng đại diện cho suy nghĩ của một số tướng lĩnh quân Nam Kinh.
Thịnh Dung lắc đầu, đó không phải tác phong hành sự của Yên Vương. Thấy Chủ Soái lắc đầu, Trang Đắc cười gượng hai tiếng, không nói thêm gì nữa.
Một hồi lâu trôi qua, đợt kỵ binh thứ hai vẫn chưa trở về. Thịnh Dung lại nghiến răng, phất tay, sai người đi thăm dò lần nữa!
Mấy lần phái kỵ binh đi đều bặt vô âm tín, khiến lòng người thấp thỏm, chẳng lẽ thật sự có mai phục?
Cuối cùng, ở phía xa nơi kỵ binh rời đi cũng bốc lên bụi mù. Chưa kịp thở phào nhẹ nhõm, Thịnh Dung đã lập tức nhíu mày, tình hình không ổn!
Nhìn chiến bào và mũ giáp kia, quân đến không phải kỵ binh mà hắn đã phái đi thám thính tình hình quân địch, mà là... Yên quân! Hơn nữa, toàn bộ đều là kỵ binh Mông Cổ, nhóm viện binh cơ bắp lực lưỡng được Chu Đệ bỏ tiền thuê mướn.
"Bày trận!"
Không cần Thịnh Dung hạ lệnh, tướng sĩ đã lập tức vực dậy tinh thần. Khiên dựng lên, hỏa súng, cung nỏ sẵn sàng. Chỉ cần kỵ binh Yên quân tiến vào tầm bắn, nhất định sẽ cho chúng nếm mùi đau khổ.
Tiếng vó ngựa như sấm rền vang bên tai, tướng sĩ quân Nam Kinh liếm môi khô khốc, tựa như thợ săn đang rình mò con mồi sắp sập bẫy.
Kỳ lạ thay, khi hai bên chỉ còn cách nhau khoảng trăm bước chân, kỵ binh Yên quân đột nhiên ghìm cương ngựa, rút trường cung từ sau lưng ra.
Dưới ánh mắt kinh ngạc của quân Nam Kinh, từng mũi tên hình dạng kỳ quái, kết thành một tấm lưới sắt, như mưa rơi xuống đầu bọn họ.
Quân Nam Kinh lập tức dùng khiên đỡ, nào ngờ mũi tên va vào khiên lại phát ra tiếng nổ của thuốc súng. Một mùi khét lẹt xộc vào mũi, trong làn khói đen mù mịt, binh sĩ quân Nam Kinh cầm khiên không tài nào mở nổi mắt, chỉ có thể chảy nước mắt, ho sặc sụa.
Yên quân bắn ba loạt tên xong thì lập tức quay đầu ngựa bỏ chạy. Quân Nam Kinh muốn phản kích cũng không tìm thấy mục tiêu.
Lợi dụng lúc quân Nam Kinh hỗn loạn, Yên quân đẩy ra số ít hỏa pháo và máy bắn đá được bọn họ dựng vội vàng suốt cả đêm.
Tiếng nổ long trời lở đất vang lên, cánh trái của quân Nam Kinh bị những quả cầu sắt và đá tảng đập vỡ một lỗ hổng lớn.
Kỵ binh Yên quân vừa rút lui lúc trước lại nham hiểm quay đầu, từ chỗ hở ùa vào, như một mũi trường thương, đâm thẳng vào trận hình quân địch, máu tươi văng tung toé.
Hỏa pháo và máy bắn đá của Yên quân không nhiều, sau hai loạt bắn, những cỗ máy bắn đá được chế tạo thô sơ cũng đã hoàn toàn gãy đổ.
Kỵ binh Yên quân xông trận lại bắn thêm một loạt hoả tiễn, khiến cánh trái của quân Nam Kinh càng thêm hỗn loạn. Quân Nam Kinh đúng là đã nếm mùi đau khổ, nhưng kỵ binh Yên quân tính toán sai khoảng cách, không kịp né tránh cũng phải ho sặc sụa theo.
Nước mắt nước mũi tèm lem, trong lòng Yên quân thầm hạ quyết tâm, dù đắc tội với ai cũng tuyệt đối không thể đắc tội với Mạnh Đồng Tri của Yên Sơn Hậu Vệ!
Kế sách của Mạnh Đồng Tri, kế nào kế nấy đều vô cùng hung hiểm, đúng là không để cho người khác sống mà!
Sự hỗn loạn ở cánh trái khiến Thịnh Dung cảnh giác.
Sau khi nắm rõ tình hình, hắn lập tức điều một phần trung quân đến tiếp viện.
Để đề phòng Yên Vương đánh úp từ hai bên mạn sườn, Thịnh Dung đã đặc biệt gia cố cho hai cánh trái, phải của đại quân, đảm bảo cho dù Chu Đệ có phái kỵ binh xung phong, mệt chết cũng không thể xông vào đội hình của bọn họ được.
Nào ngờ Yên Vương lại không theo lẽ thường, kỵ binh có đến nhưng không hề áp sát mà lại chơi trò ném ám khí, bắn đá, ngay cả Thịnh Dung cũng phải giật mình.
Đè nén dự cảm chẳng lành trong lòng, Thịnh Dung hạ lệnh toàn quân giữ vững trận địa, tuyệt đối không được rối loạn, không cho Yên quân bất kỳ cơ hội nào phá vỡ đội hình.
Yên quân lấy kỵ binh làm chủ lực, chắc chắn sẽ không mang theo nhiều hỏa pháo, máy bắn đá kia cũng chỉ là hàng giả hàng nhái, lực lượng quyết định thắng bại chắc chắn vẫn là kỵ binh!
Suy nghĩ của Thịnh Dung rất chính xác, hành động điều binh cũng rất nhanh chóng, nhưng tiếc là trăm tính vạn tính đều không bằng trời tính, cuối cùng vẫn chậm một bước.
Cánh trái đại quân còn chưa ổn định, cánh phải lại vang lên tiếng trống trận rầm rộ. Kỵ binh Yên quân thừa dịp cánh trái quân Nam Kinh hỗn loạn, đã phát động tấn công vào cánh phải của quân Nam Kinh.
Vẫn là hỏa tiễn mở đường, nhưng sau đó không phải máy bắn đá hay hỏa pháo, mà là trường mâu do Yên quân ném tới. Thân mâu là hàng được Mạnh Đồng Tri yêu cầu cải tiến, vào tay những kẻ lực lưỡng như các tráng hán người Mông Cổ thậm chí có thể xuyên thủng cả khiên của quân Nam Kinh.
(Nhiều người sẽ nhầm trường mâu và trường thương là một nhưng chúng khác nhau nhé, mâu sẽ đi với thuẫn, thương sẽ đi với khiên, khi nào xuất hiện thuẫn mình sẽ update thông tin cho mọi người, giờ thì cùng phân biệt trường thương và trường mâu nhé, Fuhu chưa phát triển tính năng up kèm theo ảnh nên mình sẽ up ảnh minh hoạ ở blog riêng của mình sau vậy. Bắt đầu:
1. Hình dạng mũi:
Mâu: Mũi mâu thường có hình lá liễu hoặc hình tam giác thon dài, nhỏ hơn và sắc bén hơn mũi thương. Thiết kế này giúp mâu dễ dàng xuyên qua giáp địch. Một số loại mâu có thể có mũi hình dạng khác, nhưng nhìn chung vẫn nhỏ và thon hơn thương.
Thương: Mũi thương thường lớn hơn, có thể có hình tam giác, hình lá cờ, hoặc hình thoi. Mũi thương to và rộng hơn giúp gây sát thương diện rộng hơn mâu, thích hợp cho cả đâm và chém.
2. Chiều dài:
Mâu: Mâu thường dài hơn thương, có thể dài tới vài mét. Chiều dài này giúp mâu có tầm tấn công xa hơn, đặc biệt hiệu quả trong việc chống lại kỵ binh.
Thương: Thương thường ngắn hơn mâu, giúp dễ dàng sử dụng trong không gian hẹp và linh hoạt hơn trong các đòn đánh.
3. Trọng lượng:
Mâu: Do mũi nhỏ và thon hơn, mâu thường nhẹ hơn thương, giúp người sử dụng dễ dàng thao tác và di chuyển nhanh nhẹn.
Thương: Thương thường nặng hơn mâu do mũi lớn và cán thương cũng có thể dày hơn. Trọng lượng lớn giúp thương có lực đâm mạnh mẽ hơn.
4. Cách sử dụng:
Mâu: Mâu chủ yếu được sử dụng để đâm. Chiều dài và mũi nhọn của mâu giúp nó có thể xuyên qua giáp địch từ khoảng cách xa.
Thương: Thương có thể được sử dụng để cả đâm và chém. Mũi thương rộng và trọng lượng lớn giúp nó có thể gây sát thương lớn khi chém.
Nói tóm lại, mâu được thiết kế để đâm xuyên giáp từ xa, trong khi thương linh hoạt hơn, có thể dùng để cả đâm và chém ở cự ly gần. Sự lựa chọn giữa mâu và thương phụ thuộc vào chiến thuật và yêu cầu cụ thể của từng trận chiến.)
Mạnh Thanh Hòa đứng quan sát phía sau không khỏi tặc lưỡi, động tác ném mâu chuẩn xác như vậy, lực cánh tay kinh người đến thế, nếu ở thời hiện đại, tuyệt đối là trình độ có thế lấy huy chương Olympics.
Có điều.... chỉ là ném mâu thôi mà, có cần phải cởi trần khoe cơ bắp như thế không?
Nhìn những khối cơ bắp cuồn cuộn của đám tráng hán lực lưỡng kia, Mạnh Đồng Tri vừa tán thưởng vừa cảm thấy đầy bụng nghi vấn.
Sở thích cá nhân ư? Có trời mới biết được.
Hay tin cánh phải đại loạn, Thịnh Dung bất đắc dĩ lại phải lấy bên này đắp vào bên kia, tiếp tục điều trung quân sang chi viện.
Trong cơn mơ hồ, dường như Thịnh Dung đã đoán được ý đồ của Yên quân: lợi dụng việc đột phá hai cánh, ép hắn điều động trung quân, thừa lúc hỗn loạn phát động tổng công kích trực diện vào đội hình đại quân.
Nhưng đoán được thì đã sao? Bỏ mặc hai bên sườn bị tập kích ư?
Nếu Thịnh Dung dám không điều động trung quân chi viện, e rằng nhóm kỵ binh được phái đi làm mồi nhử sẽ biến thành tấn công thật. Thịnh Dung không muốn dùng máu và sinh mạng binh sĩ để trải nghiệm xem khả năng nắm bắt thời cuộc của Yên Vương có thể chuẩn xác đến mức nào.
Sau khi phái quân tiếp viện, Thịnh Dung hạ lệnh trung quân tăng cường phòng thủ, tuyệt đối không cho Yên quân bất kỳ cơ hội đột phá nào. Hắn đã tính toán rất rõ ràng, chỉ cần chống đỡ được ba đợt tấn công đầu tiên, cục diện chiến trường sẽ lại rơi vào thế giằng co, có lợi hơn cho phe mình.
Đáng tiếc, dù tính toán kỹ lưỡng đến đâu, cuối cùng cũng không thể thành hiện thực.
Thấy Thịnh Dung bắt đầu điều động trung quân đi như mình muốn, Yên Vương quyết đoán hạ lệnh, phát động tấn công theo kế hoạch!
Hàng vạn kỵ binh đồng loạt xuống ngựa, gia nhập với toán bộ binh Yên quân, xếp thành hàng dài, học theo đại quân của Thịnh Dung, đặt khiên lên phía trước, chống đỡ cung nỏ và tên của quân Nam Kinh mà tiến lên. Tuy Yên quân đa phần dùng khiên tròn, nhưng phối hợp với khả năng dùng đao điêu luyện đã được dày công tôi luyện trên chiến trường phương Bắc khắc nghiệt, cũng đủ để bảo vệ những bộ phận trọng yếu trên người.
Dàn trận như vậy, rõ ràng là bắt chước trắng trợn.
Nhưng trên chiến trường, với lập trường của đôi bên, Thịnh Dung không thể, cũng không có cách nào thảo luận với Chu Đệ về vấn đề bản quyền trí tuệ hay bằng sáng chế, chỉ có thể vừa gào mồm mắng Chu Lão Tứ vô sỉ, dám chơi trò đạo nhái! vừa trơ mắt nhìn Yên quân áp sát.
"Hỏa súng, cung nỏ, chuẩn bị!"
Hai cánh quân Nam Kinh bị Yên quân kiềm hãm, kỵ binh Yên quân còn dàn trận, mục tiêu thẳng hướng trung quân, ép Thịnh Dung chỉ có thể nghênh chiến.
Lúc này, quân Nam Kinh đã chân chân chính chính hoá thân thành con rùa bự, bốn chân bị trói chặt, đầu tiếp tục rụt lại thì có ích gì?
Làm như vậy sẽ chỉ chết càng nhanh hơn.
Khoảng cách hai bên ngày càng gần, cung nỏ của Quân Nam Kinh bắn ra trước. Tầm bắn chính xác của hoả súng thời này còn không tới trăm bước, thời gian nạp đạn còn lâu, phải đợi Yên quân đến gần hơn mới có thể khai hỏa.
Để Yên quân tiến vào tầm bắn, đồng nghĩa với việc tăng mức độ nguy hiểm cho chính mình.
Nhưng Thịnh Dung không còn cách nào khác. Cho dù hắn đã nghiên cứu kỹ chiến lược sử dụng kỵ binh của Chu Đệ, nhưng một khi Yên quân xuống ngựa đánh bộ, từ kỵ binh trở mình thành bộ binh, ngoài liều mạng giao chiến, bọn họ cũng chẳng còn cách nào khác.
Thịnh Dung rất buồn bực, kỵ binh dùng tốt như vậy, xuống ngựa đánh bộ làm cái quái gì không biết?
Khi sắp tiến vào tầm bắn của hỏa súng quân Nam Kinh, tiếng tù và vang lên, Yên quân đột nhiên dừng bước.
Binh sĩ Yên quân đứng hàng đầu, tay cầm đao gõ mạnh vào khiên, phát ra tiếng "cạch cạch" trầm đục. Binh sĩ hàng sau dùng trường thương đập mạnh xuống đất, mỗi lần đều kèm theo tiếng hô xung trận vang dội.
Bầu không khí tràn ngập chiến ý lan tỏa ngay ở trung tâm trận hình, tiếng hô xung trận ở hai cánh trái phải của quân Nam Kinh đột nhiên bé hơn hẳn, trở nên rất xa xôi.
Cho dù là Yên quân cầm khiên và trường thương hay trung quân dưới trướng Thịnh Dung, trong mắt đều chỉ có kẻ địch trước mặt.
Trong tiếng nổ vang của thuốc súng, nhóm binh sĩ phụ trách hỏa súng của quân Nam Kinh bắt đầu bắn phá quân địch.
Mặc dù Yên quân vẫn còn ở ngoài tầm bắn, nhưng các tướng lĩnh quân Nam Kinh cũng không quan tâm được nhiều như vậy, bất chấp tất cả ra lệnh bắn phá.
Sát khí trên người Yên quân khiến người khác kinh hãi, hai bên chưa kịp chính thức giao chiến, một số binh sĩ quân Nam Kinh đã bắt đầu run chân.
Sau một loạt hỏa súng của quân Nam Kinh, nhân lúc đối phương đang nạp thuốc súng và đạn, Yên quân lại tiến lên.
Nỏ tiễn của Quân Nam Kinh bay tới, Yên quân sau lớp khiên dùng cung tên bắn trả, nhưng không gây thương vong quá lớn cho quân Nam Kinh. Ngược lại, ngày càng nhiều Yên quân ngã xuống dưới làn mưa tên và hỏa súng của địch.
Nhưng Yên quân vẫn kiên cường, tiếp tục tiến lên.
Mí mắt Thịnh Dung bắt đầu giật giật, dự cảm chẳng lành ngày càng mãnh liệt.
Cuối cùng, khi hai bên gần như có thể nhìn rõ mặt nhau, Yên quân lần nữa dừng lại. Lần này không phải là thị uy nữa, mà thật sự sắp sửa tung chiêu cuối cùng.
Từng cây sào gỗ dài đến sáu bảy thước, bất ngờ phóng ra từ trận địa Yên quân, bay thẳng vào giữa đội hình quân Nam Kinh. Đầu sào đóng một cây đinh sắt lớn, mũi đinh còn được gắn thêm móc câu sắc bén, đuôi sào buộc chặt một sợi dây thừng dài. Những người ném sào đều là những tráng hán khỏe mạnh nhất trong Yên quân.
Sào gỗ bay vun vút, hoặc ghim thẳng vào trận địa quân Nam Kinh, hoặc sát thương binh lính, thậm chí có vài cây xuyên thủng cả khiên!
Cảnh tượng hoang đường đó chỉ có một lời giải thích duy nhất: Cục Quân khí bên quân Nam Kinh đã ăn bớt nguyên liệu, lấy gỗ mục thay thế đồng sắt, vơ vét đầy túi, lại hại chết binh sĩ nơi sa trường.
Dù là do Cục Quân khí tham ô hay do lực tay của các tráng hán Mông Cổ đã sắp sánh ngang với Ngu Công dời núi, quân Nam Kinh cũng bị chiêu này của Yên quân làm cho choáng váng.
Thấy đòn tấn công hiệu quả, các tráng hắn Yên quân hô lớn một tiếng, nắm chặt dây thừng buộc ở cuối sào gỗ, dùng sức giật mạnh về phía sau.
Theo lực giật của các tráng hán cơ bắp cuồn cuộn, khiên cùng với đao lập tức bị hất cho văng lên. Quân Nam Kinh phản ứng không kịp, trơ mắt nhìn khiên và đao trong tay mình bị kéo đi.
Nếu chỉ có binh khí thì còn đỡ, có vài người còn lôi được cả binh sĩ quân Nam Kinh về....
Những binh sĩ bị kéo lê cũng ngẩn người ra một lúc, mãi đến khi bị lôi vào trận địa Yên quân, nhìn thấy những khuôn mặt chứa đầy địch ý và ánh đao sáng loáng, mới khó khăn nắm chặt đao bên hông, rồi... rồi sau đó không còn gì nữa.....
Kế tiếp, Yên quân ném ra càng nhiều sào gỗ hơn. Có những kẻ liều lĩnh, chẳng màng đến uy lực của cung nỏ và hỏa súng, trực tiếp cầm sào đi móc khiên và binh sĩ của quân Nam Kinh, gần như móc đâu trúng đó.
Quân Nam Kinh hoàn hồn, vội vàng giữ chặt khiên, túm lấy sào gỗ đang móc chặt trên người, quyết tâm không để bị địch kéo đi.
Một người giữ không nổi, hai người cùng lên, hai người không được thì ba người!
Thế là, trong khi hai cánh quân trái phải đang đao kiếm loạn xạ, chém giết lẫn nhau, thì trung quân của hai bên lại diễn ra một cuộc thi kéo co kỳ quặc.....
Có quân Nam Kinh bị kéo đi, cũng có Yên quân bị lực kéo của đối thủ làm cho ngã nhào.
Quân Nam Kinh không bị sào gỗ móc trúng tranh thủ bắn cung nỏ, hỏa súng giải cứu các huynh đệ đồng liêu, Yên quân cũng không chịu thua kém, lập tức dùng cung tên và trường mâu đáp trả.
Còn về tính công bằng của cuộc thi?
Chẳng ai thèm quan tâm nữa.
Xét cho cùng, kẻ thua cuộc trong trận đấu này phải trả giá bằng máu và sinh mạng, nếu đã như vậy thì còn quan tâm đến cái gọi là công bằng làm chi?
Thịnh Dung và các tướng lĩnh dưới trướng đều sững sờ.
Đây là đánh trận ư?
Từ xưa đến nay, bọn họ chưa từng thấy ai đánh trận kiểu này.
Tất cả các kiểu binh pháp mưu lược, khi có một kẻ chẳng theo lẽ thường, lại giỏi tư duy sáng tạo nhúng tay vào, đều sẽ trở nên vô dụng.
Đòn tập kích của Yên Vương, Thịnh Dung có cách ứng phó.
Bộ binh đối chiến, quân Nam Kinh cũng có thể chống đỡ.
Nhưng tình cảnh trước mắt này thì làm sao bây giờ?
Thịnh Dung toát mồ hôi lạnh, rõ ràng trận chiến trước đó ở hai cánh trái phải còn rất "bình thường", sao đến khi tấn công trung quân lại đột ngột biến đổi như vậy chứ?
Phân biệt đối xử, kỳ thị đúng không??
Dù Thịnh Dung nghĩ thế nào, thì kế hoạch tác chiến do Mạnh Thanh Hòa đề xuất, được Thẩm Tuyên trình lên, được các tướng lĩnh Yên quân góp ý, cuối cùng do Yên Vương phê duyệt, đã phát huy tác dụng ngoài mong đợi trên chiến trường.
Bất kể thủ đoạn có cao minh hay không, có quang minh chính đại hay không, chỉ cần có thể giành chiến thắng, Chu Đệ đều không quan tâm!
Cuộc thi kéo co đang diễn ra giữa chừng, phía sau Yên quân lại vang lên tiếng kèn hiệu, một nhánh kỵ binh khác đã chuẩn bị sẵn sàng, do chính Yên Vương dẫn đầu, ào ạt xông lên tấn công trung quân của Thịnh Dung.
Hai cánh quân trái phải đang bị Đàm Uyên và Chu Năng kiềm chế, Thịnh Dung không thể điều thêm viện binh.
Thấy Chu Đệ xông tới, trường đao sắc bén trong nháy mắt đã cắt đứt cổ họng vài binh sĩ quân Nam Kinh vừa được kéo về, trung quân của Thịnh Dung lập tức đại loạn.
Thẩm Tuyên dẫn kỵ binh theo sát phía sau Yên Vương, tay cầm trường thương, tựa như sát thần.
Nhìn thấy y, quân Nam Kinh không dám tiến lên, như dân lành gặp phải ác bá, kêu lên một tiếng đau thương rồi bỏ chạy tán loạn.
Yên Vương đang chém giết hăng say, bỗng phát hiện quân địch đều chạy trối chết, không còn một ai, xung quanh chiến trường thoáng chốc trống không.
Cầm trường đao trong tay, đầu Chu Đệ xuất hiện đầy dấu chấm hỏi, nhìn thấy Thẩm Tuyên phía sau, lập tức hiểu ra.
"Tuyên nhi."
"Ty chức có mặt."
"Chiến trường rộng lớn thế này, chỗ nào mà chẳng chém được người? Tránh xa Cô ra chút đi..."
"Ty chức phải bảo vệ Vương gia!"
"Cô rất an toàn!" Có lá chắn bảo vệ của chất nhi Chu Doãn Văn, chỉ có Chu Đệ chém người khác, chứ ai dám chém hắn?
"Ty chức nhất định phải bảo vệ Vương gia!"
Chu Đệ trừng mắt, có y đi theo, hắn còn chém ai được nữa?
Thẩm Tuyên vô cùng kiên định, đi theo Yên Vương, may ra còn vớt vát được vài tên liều mạng vì chiến công mà lao lên, không đi theo Yên Vương, tám phần mười là một tên y cũng chẳng chém được.
Mạnh Thanh Hòa đi theo sau Thẩm Tuyên cúi đầu, trong lòng thầm niệm: Thẩm Chỉ Huy trung thành cẩn mật bảo vệ Vương gia, Vương gia anh minh thần võ, chân long giáng thế, đúng là một đôi quân thần song sát!!
Còn về ý đồ đuổi người rành rành của Yên Vương, ý đồ trục lợi của Thẩm Chỉ Huy... hắn cái gì cũng không nghe thấy, cái gì cũng không nhìn thấy.
Yên Vương không thể nào đuổi Thẩm Tuyên đi, chỉ có thể nhìn những con vịt sắp đến tay lần lượt vỗ cánh bay mất, chẳng còn cách nào khác.
Bất đắc dĩ ngửa mặt lên trời, Chủ Soái không đuổi Đại tướng trung quân bên mình đi thì không thể chém được người, từ xưa đến nay, ngoài hắn ra còn có ai chứ?
Trận chiến kéo dài đến tận chiều tối, lúc đầu, Yên quân chiếm ưu thế trên chiến trường, nhưng rất nhanh, quân Nam Kinh dưới sự chỉ huy của Thịnh Dung dần ổn định lại đội hình.
Chu Năng tấn công cánh trái quân Nam Kinh dũng cảm chiến đấu, dần dần có xu hướng hội quân với Yên Vương, còn Đàm Uyên tấn công cánh phải quân Nam Kinh lại gặp bất trắc.
Khi xông trận, vó ngựa đột nhiên sa vào hố, chân ngựa gãy, Đàm Uyên không cẩn thận ngã ngựa, chưa kịp đứng dậy đã bị tướng quân Nam Kinh là Trang Đắc thừa cơ chém chết.
Cảnh tượng này, ở Hùng Huyện cũng từng xảy ra. Khi đó, người ngã ngựa bất cẩn là tướng quân Nam Kinh Dương Tùng, kẻ thừa cơ chém người chính là Mạnh Thanh Hòa.
Xuống suối vàng, Đàm Uyên chắc chắn sẽ cùng Dương Tùng đồng cảm, đều là chết trận, sao cả hai lại chết uất ức đến vậy?
Sau khi Đàm Uyên tử trận oanh liệt, Trang Đắc có chút ngây người.
Nhận ra mình vừa chém chết ai, Trang Đắc lập tức sững sờ, tâm tình kích động chẳng khác nào trúng giải độc đắc.
Nhưng Trang Đắc cũng không vui mừng được bao lâu, Trương Phụ đã dẫn kỵ binh nhanh chóng giết đến.
Một tiếng "Xem đao", đầu Trang Đắc lập tức lìa khỏi cổ, nối gót Đàm Uyên xuống suối vàng hội ngộ với Dương Tùng.
Trúng giải độc đắc mà một đồng cũng chưa kịp tiêu, Trang Đắc e là còn uất ức hơn cả Đàm Uyên.
Màn đêm buông xuống, hai bên giao chiến bị thu hẹp tầm nhìn, bất đắc dĩ phải thu binh.
Thịnh Dung triệu tập hội nghị tác chiến ngay trong đêm, hội nghị kéo dài đến tận khuya, các tướng lĩnh quân Nam Kinh đều mang vẻ mặt nghiêm trọng.
Sắc mặt Yên Vương bên kia cũng không tốt lắm, tuy cán cân chiến thắng nghiêng về phía mình, nhưng tay ngứa ngáy lại không thể chém người, thân ở chiến trường lại chỉ có thể làm người đứng xem, sao có thể không khiến hắn bực bội cho được?
Nghe tin Đàm Uyên tử trận, lại còn tử trận theo cách oanh liệt đến khó tin, Yên Vương càng thêm tức giận.
Sau khi lập lều nghị sự, Yên Vương mặt mày âm trầm khen ngợi người hiến kế là Mạnh Thanh Hòa, ban thưởng cho các tướng lĩnh chiến đấu dũng mãnh, tưởng nhớ Đàm Uyên đã hy sinh anh dũng. Cuối cùng, trịnh trọng nói: "Ngày mai trung quân ở lại áp trận, bọc hậu, Cô thay Đàm Uyên, dẫn tả quân xuất kích."
Nói xong, không cho Thẩm Tuyên cơ hội phản đối, trực tiếp tuyên bố: mọi người giải tán.
Ra khỏi lều lớn, Chu Năng trịnh trọng vỗ vai Thẩm Tuyên: "Tử Ngọc, ngươi yên tâm, ta nhất định sẽ bảo vệ Vương gia."
Thẩm Tuyên: "..."
"Ây.... Nói chứ cũng là không còn cách nào khác. Ngươi vừa xông lên, địch đã chạy mất, còn đánh trận thế nào được?" Chu Năng cười toe toét: "Ngày mai ngươi ngàn vạn lần đừng xông về phía ta, nếu không ta không nể mặt đâu đấy. À, tiểu tử Trương Phụ ấy, tiểu tử đó mới ra trận không lâu, cứ xông về phía nó là được, nhớ kỹ đấy."
Thẩm Tuyên: "..."
Đợi Chu Năng đi xa, Mạnh Thanh Hòa nhìn Thẩm Tuyên: "Thẩm Chỉ Huy, thuộc hạ hiểu ngài."
Thẩm Tuyên nghiêng đầu, nheo mắt, đột nhiên nở nụ cười.
Sau gáy Mạnh Thanh Hòa lập tức lạnh toát, sao hắn phải lắm mồm xen vào chứ? Đêm nay, có phải hắn nên đổi lều ngủ không?
Đáng tiếc, Mạnh Đồng Tri cuối cùng cũng không được như ý.
Ngày hôm sau, Mạnh Thập Nhị Lang mặt mày bình tĩnh ra khỏi lều, sờ sờ vai và sau gáy, nhịn không được nhe răng hít khí.
Chốc lát, dường như nhớ ra điều gì, vành tai hơi đỏ lên.
May mà hôm nay còn phải đánh trận, may mắn thay!
Bên bờ sông Giáp Hà, hai quân lại bày trận.
Quân Nam Kinh ở phía Tây Nam, Yên quân ở phía Đông Bắc.
Thịnh Dung căn cứ vào chiến thuật của Yên quân mà bố trí lại trận hình, tuy không thể khắc chế hoàn toàn địch, nhưng ít nhất sẽ không bị áp đảo như hôm qua.
Hai bên đánh qua đánh lại, ăn miếng trả miếng, Yên Vương nhiều lần dẫn kỵ binh xung trận nhưng chiến trận vẫn luôn ở thế giằng co.
Quân Nam Kinh đã có chuẩn bị, hỏa pháo và sào gỗ của Yên quân đều không đạt được hiệu quả như hôm qua. Tuy nhiên, trận hình của quân Nam Kinh cũng không còn như mai rùa khiến Yên quân không tìm được chỗ nào ra tay.
Hai quân giao chiến từ giờ Thìn đến giờ Mùi, cục diện có thắng, có thua.
Về sau, binh sĩ hai bên đều mệt mỏi rã rời, dứt khoát ngồi bệt xuống đất, đợi hồi sức xong lại đứng dậy tiếp tục.
Đang lúc giằng co, đột nhiên một trận cuồng phong nổi lên, cuốn theo cát đá thổi từ hướng Đông Bắc đến. Yên quân thuận gió còn bị thổi cho nghiêng ngả, huống chi quân Nam Kinh đang ở thế ngược gió.
Gió nổi lên, bầu trời bị mây đen bao phủ, lại thêm bị gió thổi làm cho không thể mở mắt, quân Nam Kinh không nhìn rõ được kẻ địch trước mặt, chỉ có thể nghe thấy tiếng kèn trống của Yên quân lẫn trong gió, để bảo toàn tính mạng, bọn họ dứt khoát vứt vũ khí, quay đầu bỏ chạy.
Hướng nào cũng được, chỉ cần giữ được mạng sống là chạy!
Cơn gió này thật quá tà môn, chẳng lẽ Yên Vương thật sự là Chân Long Thiên Tử nên trời cao mới tương trợ như vậy?
Quân Nam Kinh trong phút chốc đại loạn, Yên Vương sao có thể bỏ qua thời cơ tốt như thế, mặc kệ cuồng phong chớp giật, toàn quân tổng tấn công.
Giữa cơn cuồng phong, quân đội của Thịnh Dung đại bại, hai mươi vạn đại quân mười phần không còn một, những người còn sống sót đều xin hàng.
Thịnh Dung được thân binh bảo vệ, chạy về hướng Đức Châu.
Yên quân đuổi đến tận sông Hô Đà mới dừng lại.
Rút quân về doanh trại, các tướng lĩnh đều mặt mũi đầy bụi bẩn, binh sĩ lại càng giống như vừa lăn lộn trong bùn đất, phải dựa vào giọng nói mới có thể nhận ra kẻ trước mặt có phải người quen hay không.
Yên Vương cũng xuống ngựa lau sạch bụi đất trên mặt rồi mới đi vào lều lớn, nhìn thấy Thẩm Tuyên, Chu Năng và những người khác cũng trong tình trạng chật vật, không khỏi bật cười ha hả.
Từ sau thất bại ở Đông Xương, cuối cùng cũng trút được một ngụm oán khí kia.
Yên Vương hả hê, chiến báo đưa đến Nam Kinh, Kiến Văn đế đọc xong, lại ngây ra như phỗng.
Ngồi trên ngai vàng, trong lòng dâng lên một trận chua xót, làm sao mà Thịnh Dung...đồng bọn tốt khó khăn lắm mới kiếm được.... cũng không đáng tin cậy đến thế?
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro