Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 86: Nỗi bất an

Chương 86: Nỗi bất an

Tướng Từ Khải của triều đình thua thảm hại, thành Thương Châu thất thủ chỉ sau một trận đánh, khí thế Yên quân thoáng chốc đã được đẩy lên cao ngút trời.

Yên Vương lập tức hạ lệnh, đại quân thừa thắng xông lên, men theo đường thuỷ tiến về phía Nam.

Không bao lâu sau, Yên quân lần lượt chiếm được các thành trì như Lâm Thanh, Quán Đào. Trong thời gian đóng quân tại Đại Danh, Yên quân thu được một lượng lớn lương thảo của tàn dư quân Nam Kinh. Một phần được vận chuyển về Bắc Bình, một phần dùng làm quân lương, số còn lại được phân phát hết cho bách tính bình dân địa phương.

Các mưu sĩ đi theo hiến kế, nên thiêu hết số lương thảo không mang theo được, kiên quyết không để lại cho quân Nam Kinh một hạt thóc nào.

Yên Vương có chút do dự, thiêu hủy ngần ấy lương thực, thật sự quá đáng tiếc. Nhưng đại quân sắp sửa lên đường xuất hành, mang theo thì quá vướng víu, sẽ làm chậm tốc độ di chuyển, vận chuyển về Bắc Bình lại không kịp, chẳng lẽ để lại cho quân triều đình hưởng sái? Điều đó không phù hợp với tác phong làm việc của Chu Đệ hắn.

Đang lúc khó xử, Thẩm Tuyên đứng ra kiến nghị, nói có thể làm như ở Đức Châu, phát lương thực cho bách tính.

"Khi Vương gia mở kho lương ở Đức Châu, bách tính ai ai cũng ca tụng lòng nhân từ của Vương gia. Nay làm theo cách đó, vừa thu phục lòng dân, vừa giúp đại quân ta yên tâm tiến về phía Nam mà không cần phải lo lắng chuyện hậu phương."

Lời Thẩm Tuyên vừa dứt, hai mắt Yên Vương sáng lên: "Đúng vậy! Hay lắm!"

Mải nghĩ đến việc đánh đuổi quân địch, vậy mà lại quên mất chuyện thu phục lòng dân.

Lại nghĩ đến Mạnh Thanh Hòa, người đã hiến kế ở Đức Châu, Yên Vương có chút tiếc nuối.

Lần này thân thể Mạnh Thanh Hoà đúng là không thể trụ nổi, không theo đại quân cùng xuất chinh, nghĩ sao cũng thấy tiếc nuối.

Yên Vương nghe theo lời Thẩm Tuyên, hạ lệnh cho các tướng sĩ dưới trướng cứ y theo cách ở Đức Châu mà làm, cho dán cáo thị, triệu tập các bô lão trong vùng, đồng thời sai nha dịch thông báo cho bách tính biết Yên quân sẽ phát lương thực trong thành.

Thấy phụ Vương khen ngợi Thẩm Tuyên, Chu Cao Hú nhân cơ hội lên tiếng "Bẩm phụ Vương, ngoài lương thực, áo bông mùa đông trong kho cũng có thể phân phát cho bách tính."

Phía Nam ấm áp, dù là mùa đông cũng kém xa so với biên ải phương Bắc, áo bông của quân Nam Kinh chỉ được lót một lớp bông mỏng, không đủ ấm, Yên quân chướng mắt không thèm dùng. Hơn nữa, các tráng hán Yên quân ai nấy đều cao lớn vạm vỡ, những tráng sĩ Mông Cổ trong đội kỵ binh lại càng lực lưỡng, tám múi, cho dù không chê chất liệu và đường may, thì kích cỡ cũng không vừa, cố nhét vào chỉ có nước rách toạc.

Bản thân không mặc được, chi bằng phát cho bách tính, để bọn họ sửa lại hoặc tháo bông bên trong ra dùng đều được.

"Được! Rất tốt!"

Yên Vương vuốt chòm râu ngắn dưới cằm, hài lòng nhìn nhi tử, gật đầu tán thưởng.

Những ngày tháng theo đại quân xuất chinh, cả Chu Cao Hú và Chu Cao Toại đều trưởng thành hơn rất nhiều. Tuy vẫn còn kiêu ngạo, nhưng đã bớt lỗ mãng, thêm vài phần trầm ổn, khiến Yên Vương không khỏi vui mừng.

Thế tử ở lại trấn giữ Bắc Bình cũng thể hiện rất xuất sắc, lại còn có tiếng hiền hòa, được lòng các quan văn. Nhưng nhi tử được lòng Yên Vương Chu Đệ nhất, như cũ vẫn là thứ tử Chu Cao Hú.

Cưỡi ngựa xuất chiến, dẫn quân xung trận, tính tình hào sảng.

Chỉ có người lăn lộn trên sa trường, nếm qua máu tanh, mới thật sự chảy trong mình dòng máu của Chu gia, mới xứng là nhi tử của Chu Đệ!

Chu Cao Toại tuy còn trẻ, nhưng sự dũng mãnh cũng không thua kém gì nhị ca của hắn. So qua so lại, trưởng tử Chu Cao Sí không thể theo quân xuất chinh cũng không khác gì đám thư sinh yếu đuối, Yên Vương không khỏi thở dài, nếu như có thể kết hợp ưu điểm của cả ba nhi tử lại thì tốt biết mấy.

Đáng tiếc, trên đời này không có gì là hoàn hảo, hiện thực luôn sẽ tồn tại vài điều tiếc nuối. Ngay cả thần tiên cũng không thể muốn gì được nấy, huống chi là hắn, một người trần mắt thịt.

Dòng máu Chân Long ư? Thiên tử ư?

Mấy cái danh xưng đó cũng chỉ là để lừa gạt thế nhân mà thôi.

Lương thực và áo bông đã được phân phát xong, Yên quân tiếp tục hành quân tiến về phía Nam.

Cũng như ở Đức Châu, bách tính nhận được lương thực và áo bông cùng nhau đứng hai bên đường tiễn đưa đại quân.

Giữa trời gió rét, thấy có một lão nhân tuổi đã ngoài bảy mươi, Yên Vương lập tức xuống ngựa, tự mình đỡ lấy ông, đồng thời cởi ngoại bào của mình khoác lên người ông.

"Bô lão làm như vậy, thật sự khiến bổn Vương hổ thẹn."

Lão nhân được Yên Vương dìu, cả người run run rẩy rẩy, nước mắt lưng tròng, giọng nói nghẹn ngào.

Tử tôn của lão nhân đứng cạnh lập tức quỳ xuống đất, dập đầu tạ ơn Yên Vương.

"Điện hạ nhân từ!"

"Điện hạ thiên tuế!"

Đã hai lần nộp thuế khóa, lại còn bị quân triều đình trưng thu lương thực, nếu không có Yên Vương Điện hạ hạ lệnh phát lương, mùa đông này chắc chắn sẽ rất khó khăn. Những ai trong nhà có lão nhân lớn tuổi và hài tử phải chăm sóc càng thêm cảm kích ân đức của Yên Vương.

Không ít người bắt đầu oán trách Hoàng đế ở Nam Kinh, đã có thể miễn thuế nặng cho Giang Chiết, tại sao lại không miễn cho Sơn Đông bọn họ? Sơn Đông không phải lãnh thổ Đại Minh ư? Ngoài việc nộp thuế còn bị trưng thu lương thực, cuộc sống của bọn họ so ra còn khổ hơn cả thời Hồng Vũ!

Nếu không có Mạnh Thanh Hòa hiến kế ở Đức Châu, Yên Vương sẽ không nghĩ đến việc phát lương, mà chỉ đóng quân luyện binh ở Lâm Thanh và các nơi khác. Khi đó, bách tính sẽ càng thêm lầm than, làm sao có thể ca ngợi lòng nhân từ của Yên Vương như bây giờ, chưa chỉ tay vào mũi mắng hắn Chu lột da là đã may mắn lắm rồi.

Cánh bướm khẽ rung động, đã tạo ra những ảnh hưởng mà ngay cả Mạnh Thập Nhị Lang cũng không ngờ tới.

Đỡ lão nhân dậy, hai lần vái dài chạm tay đến tận đất, Yên Vương nhảy lên ngựa, vẻ mặt chính trực nói: "Cô tuân theo di huấn của Thái Tổ Cao Hoàng đế, khởi binh Tĩnh Nan là để quét sạch gian thần trong triều, Thanh Quân Trắc! Hoàng đế ngự ở Kinh Thành đã lâu, không ra khỏi Hoàng cung, không hiểu biết nhân tình thế thái, bị gian thần che mắt, không thương xót lê dân, bách tính, tự ý phế bỏ phép tắc lập quốc của tổ tông, khiến người ta đau lòng. Cô thân là đích tử của Thái Tổ Cao Hoàng đế và Hiếu Từ Cao Hoàng hậu, là Hoàng thúc của Hoàng đế, tuyệt đối không thể khoanh tay đứng nhìn! Nhất định phải quét sạch gian thần, bình ổn thiên hạ, trả lại cuộc sống thái bình cho lê dân bách tính!"

Những lời này, Yên Vương nói từ năm Kiến Văn thứ nhất tới giờ vẫn chưa thấy ngán, gần như đã thành khẩu hiệu cửa miệng.

Lời lẽ trau chuốt, tinh tế, tình cảm chân thành.

Qua miệng Chu Đệ, khởi binh Tĩnh Nan đã đại biểu cho chính nghĩa!

Bất kể người khác có tin hay không, tóm lại, Chu Đệ - người đang giương cao ngọn cờ tạo phản và những kẻ đi theo hắn đều tin tưởng vững chắc điều này là đủ!!

Nếu nói về độ dày của da mặt, năm Kiến Văn đế cộng lại cũng không bằng một Vĩnh Lạc đế.

Về khoản mê tín phong kiến và diễn trò tạo thanh thế, học giả Chu Doãn Văn càng không thể nào sánh được với kẻ dày dạn kinh nghiệm xã hội như Chu Đệ.

Có khởi đầu thuận lợi ở Đức Châu, tại Lâm Thanh cùng các vùng phụ cận, tiếng lành về lòng nhân từ của Yên Vương đã hoàn toàn lấn át Kiến Văn đế.

Các quan địa phương bỏ ấn tín, chạy về phía Nam ngày càng ít, còn những kẻ nhân cơ hội "nhảy việc" lại ngày càng nhiều. Yên Vương và Kiến Văn đế vốn là thúc chất, nói trắng ra là cùng làm việc cho Chu gia cả, chẳng cần phải giãy giụa hay quá mức cắn rứt lương tâm. Huống hồ, lời đồn đại Yên Vương nhân từ, dù thật hay giả, thì lúc này đầu quân cho hắn vẫn tốt hơn là chạy trốn rồi bị Yên quân bắt giữ.

Trên đất Sơn Đông, Yên quân thế như chẻ tre, không ai cản nổi. Hễ thiết kỵ đi đến đâu, quan lại đều nghe tin, sẵn sàng đi ra đầu hàng. Kẻ không hàng, hoặc là dắt díu cả nhà bỏ chạy, hoặc là ngồi trong nha môn chờ đợi thời khắc "vinh quang" khi bị bắt.

Đại quân triều đình đã đến Sơn Đông, nhưng không trực tiếp đối đầu với Yên Vương, chỉ phái quân đánh úp thăm dò, đúng như dự đoán, tất cả đều thất bại. Binh sĩ và tướng lĩnh được phái đi cứ như viên sỏi ném xuống biển sâu, chỉ thấy đi chứ không thấy về.

Thịnh Dung không phải thật sự nhút nhát, sợ hãi không dám giao chiến trực diện với Yên Vương. Nếu hắn là người như vậy, thì đã không cùng Thiết Huyễn sống chết thủ vững Tế Nam, chống trả Yên quân suốt mấy tháng trời.

Việc tỏ ra yếu thế, thực ra là vì có toan tính khác.

Khi Yên quân tiếp tục tấn công đến Tế Ninh, Thịnh Dung cuối cùng đã triệu tập các tướng lĩnh dưới trướng, nói rõ ý đồ thực sự:

"Tháng trước, quân lương của chúng ta đều mất sạch ở Đức Châu, Thương Châu, binh sĩ mệt mỏi, tướng lĩnh kiệt quệ, khí thế Yên quân đang lên cao, không phải thời cơ thích hợp để giao chiến. Nay, Yên quân liên tiếp thắng trận, chiếm được nhiều vùng, chắc chắn sẽ nảy sinh kiêu ngạo, chi bằng ta lấy tĩnh chế động, mai phục ở nơi chúng ắt phải đi qua, bố trí hỏa khí, cung nỏ, dụ chúng vào trận, không giết được cũng có thể bắt sống, đây là kế toàn thắng."

Vừa dứt lời, các Tham Quân, Đô Đốc dưới trướng Thịnh Dung cũng không lập tức tán thành, ngược lại đều lộ vẻ lo lắng.

Ý của Chủ soái rất rõ ràng, hắn muốn xuất thành mai phục, quyết chiến với Yên quân trên chiến trường.

Đây chẳng phải là đem mạng sống ra đùa giỡn hay sao?

Yên quân hùng mạnh, ngay cả thủ thành, bọn họ cũng chỉ có năm phần thắng, vậy mà còn muốn chủ động ra khỏi thành giao chiến?

Ba mươi vạn đại quân của Cảnh Bình Văn đã bại trận dưới tay Chu Đệ trên chiến trường, phải lui về Chân Định mới giữ được vài vạn người.

Quân đội trong tay Lý Cảnh Long, trước sau cộng lại hơn trăm vạn, cũng trở thành miếng mồi ngon cho Yên Vương.

Dưới trướng Thịnh Dung bây giờ còn chưa đến ba mươi vạn quân, một nửa là bại binh rút lui từ Hà Bắc, Đức Châu. Trong số các tướng lĩnh, ngoài Đô Đốc Bình An ra chẳng có mấy ai khá khẩm, xông lên chỉ có nước đưa đầu cho Yên quân chém. Huống hồ, Đô Đốc Bình An cũng vẫn còn ấm ức vì việc Hoàng đế bổ nhiệm Thịnh Dung làm Chủ soái, chưa chắc đã hết lòng xông trận. Trong tình cảnh này mà xuất thành giao chiến với Chu Đệ ư?

Dù muốn thể hiện lòng trung nghĩa, sự dũng cảm, cũng không thể liều lĩnh lấy mạng ra thể hiện như vậy chứ?

Thần sắc của mọi người đều lọt vào mắt Thịnh Dung, tiếng bàn tán cũng truyền vào tai hắn rõ mồn một.

Thịnh Dung không quát mắng, chỉ nói: "Nếu thủ thành, chúng ta có bao nhiêu phần thắng?"

Trong lều lớn bỗng chốc im lặng như tờ.

"Xuất thành giao chiến, đúng là thắng bại khó lường. Nhưng nếu cứ cố thủ trong thành, sẽ càng làm tăng thêm khí thế cho Yên quân, mất thêm vài vùng đất nữa, chúng ta chắc chắn sẽ bại!"

"Chủ soái, lời này e rằng..."

Tống Tham Quân vừa định mở miệng, đã bị ánh mắt sắc bén của Thịnh Dung chặn lại:

"Ăn lộc vua ban, tận trung với vua, nếu cứ sợ sệt, chẳng qua chỉ là tham sống sợ chết, chỉ khiến người đời cười chê! Yên quân thế lớn, chúng ta cứ liều chết một trận, cho dù hy sinh cũng sẽ lưu danh sử sách, chết cũng không hối tiếc!"

Quân lệnh cứng rắn dập tắt mọi tiếng tranh cãi, chúng tướng sĩ cúi đầu, không ai phản đối nữa.

Để khích lệ sĩ khí, Thịnh Dung hạ lệnh mở tiệc khao thưởng tướng sĩ, sau đó mặc giáp trụ đầy đủ, treo lên Đài Điểm Tướng, hùng hồn tuyên thệ cổ vũ binh sĩ.

Thịnh Dung rút trường đao, cao giọng nói: "Quyết tử chiến với Yên quân, tử chiến đến cùng, chỉ tiến không lùi, cùng sống cùng chết!"

Trên thao trường rộng lớn, chỉ có tiếng nói của một người vang vọng.

Không ngừng lặp đi lặp lại.

"Quyết tử chiến, chỉ tiến không lùi, cùng sống cùng chết!"

Dần dần, tiếng hô theo bắt đầu nổi lên.

Trải qua quá nhiều thất bại, quân Nam Kinh gần như đã quên mất cảm giác nhiệt huyết sôi trào, đánh mất dũng khí liều chết chiến đấu.

Theo tiếng hô vang dội của Chủ soái, vinh quang của binh sĩ, ý chí chiến đấu của tướng lĩnh, từng chút một được khơi gợi, bùng cháy.

Cùng là quân đội Đại Minh, Yên quân tuy thiện chiến, nhưng không phải ai cũng có ba đầu sáu tay, cũng chỉ có hai tay hai chân, trên cổ treo một cái đầu, chẳng qua là liều mạng trên chiến trường, chết rồi, kéo theo được một tên cũng là huề vốn!

Ý chí chiến đấu tràn ngập lồng ngực, cho dù phải chết, cũng phải chiến đấu hết mình!

Trên thao trường, tiếng hô của tướng sĩ vang rợp trời.

Thịnh Dung giơ cao trường đao, mãi không hạ xuống.

Dù đã trở thành Chủ soái quân Nam Kinh, nhưng trong mắt Yên Vương - người từng chinh chiến sa trường nhiều năm, Thịnh Dung vẫn chỉ là một tên lính quèn, vô danh tiểu tốt, không đáng để bận tâm.

Thịnh Dung quả thực không phải danh tướng, thậm chí còn không địch nổi Bình An và Từ Huy Tổ, nhưng đối với Chu Đệ, hắn lại có ưu thế mà những người khác không có.

Từ Chân Định đến Bắc Bình, từ thôn Trịnh đến sông Bạch Câu, từ Hà Bắc đến Sơn Đông, từ Đức Châu đến Tế Nam, tên tướng lĩnh vô danh tiểu tốt đó vẫn luôn ở ngay tiền tuyến của chiến trường, hết lần này đến lần khác bị Yên quân đánh bại, hết lần này đến lần khác nếm trải sự lợi hại của Yên Vương, hết lần này đến lần khác sống sót.

Đời sau chẳng phải có câu nói nổi tiếng: Thất bại là mẹ thành công sao?

Thất bại vô số lần, Thịnh Dung không ngừng suy nghĩ, không ngừng tiến bộ, dần dần nắm bắt được chiến thuật sở trường của Chu Đệ.

Bị kẻ địch hiểu rõ, là một điều vô cùng đáng sợ.

Cũng như Chu Đệ hiểu rõ Lý Cảnh Long, dựa vào sự hiểu biết đó, liên tiếp đánh bại đại quân triều đình. Bình An cũng hiểu rõ Chu Đệ, nếu không có tên thượng cấp ngu ngốc Lý Cảnh Long, nếu không có trận gió lớn làm gãy chiến kỳ, có lẽ trận chiến ở sông Bạch Câu đã có kết quả khác.

Cuối cùng, Thịnh Dung cũng nghiên cứu ra phương pháp chiến thắng kỵ binh Yên quân, trong khi đó, Chu Đệ lại không hề hiểu rõ Thịnh Dung, ngược lại còn rất khinh thường hắn. Tất cả những nguyên nhân này cộng lại, đã định sẵn Yên Vương – kẻ chưa từng nếm mùi thất bại kể từ khi khởi nghĩa Tĩnh Nan, sẽ phải hứng chịu một trận thảm bại đau đớn nhất trong cuộc đời phản loạn của mình.

Nối gót Thiết Huyễn, Thịnh Dung cũng vinh dự trở thành một cái tên trong danh sách đen của Vĩnh Lạc đế.

Yên quân lúc này vẫn đang tiếp tục tiến quân về phía Nam.

Tháng mười hai, ngày Giáp Ngọ, Yên quân xuôi xuống Vấn Thượng, chiếm Tế Ninh.

Thịnh Dung dẫn binh tránh mũi nhọn của quân tiên phong, tiến vào đóng quân ở Đông Xương.

Hành động của quân Nam Kinh rất bí mật, theo lời Thịnh Dung: "Chúng ta lặng lẽ vào thành, cẩn thận đào hầm, tuyệt đối không được bắn tên, nổ pháo."

Để đánh lạc hướng sự chú ý của Yên quân, Thịnh Dung phái tướng tiên phong Tôn Lâm mai phục ở Hoạt Khẩu, không cầu thắng lợi, chỉ cầu giữ được chân đối phương.

Nhận nhiệm vụ quan trọng bậc này, tâm trạng Tôn Lâm rất phức tạp.

Theo ý của Chủ soái, lần mai phục này là để thu hút sự chú ý của quân địch, khiến Yên Vương phán đoán sai lệch thực lực của bọn họ, khinh địch mà tiến vào.

Nghĩ sâu xa hơn, tại sao chủ soái lại giao nhiệm vụ "quan trọng" như vậy cho Tôn Lâm? Là vì tin tưởng Tôn Lâm, hay là cho rằng hắn ta là kẻ bất tài, không cần tốn công diễn xuất cũng có thể khiến Yên quân khinh thường?

Tôn Lâm không muốn nghĩ sâu xa, nghĩ nhiều chỉ thêm đau lòng.

Tuy chua xót, nhưng nhánh quân tiên phong do Tôn Lâm chỉ huy vẫn trung thành chấp hành mệnh lệnh, thành công để quân mật thám của Yên quân phát hiện ra mai phục, hoàn hảo bị Yên quân đánh tan chỉ bằng một đợt xung phong.

Tôn Lâm vốn có thể chạy thoát, nào ngờ trong trận địch đột nhiên xông ra một tên sát thần, toàn thân như được bao phủ bởi một tầng sát khí đậm đặc, trường đao vung lên hạ xuống, chém một nhát chết một người, bất kể là tướng lĩnh hay binh sĩ, gặp là chém, động tác vô cùng gọn gàng, trong sự gọn gàng lại mang theo cuồng loạn khát máu, như thể cả đời tên sát thần đó đã lấy việc chém người làm mục tiêu theo đuổi vậy.

Theo lời Mạnh Thập Nhị Lang, có thể dùng câu thần chết đến rồi để hình dung....

Tôn Lâm vừa may mắn, vừa xui xẻo.

May mắn là, trước khi bị Thẩm Tuyên mình đầy sát khí chém chết, đã bị Thiên Hộ Yên quân là Lưu Giang chém rớt xuống ngựa.

Xui xẻo là, đường đường là một vị tướng, suất lĩnh quân tiên phong, Đô Đốc Nhị Phẩm, vậy mà lại bị một Thiên Hộ bắt sống, quả thực khiến hắn ta nhục nhã đến mức không ngẩng mặt lên được.

Thực ra Tôn Lâm không cần phải như vậy. Có Dương Tùng bị Mạnh Thập Nhị Lang chém chết làm gương, ít ra Lưu Thiên Hộ bắt sống hắn ta thân cao tám thước, cơ bắp vạm vỡ, múi nào ra múi nấy, không giống gà luộc trụi lông như ai đó, có gì mà phải chán nản.

Đã vậy, sức chiến đấu của Lưu Giang còn đạt Ngũ Phẩm, còn Mạnh Thanh Hòa dù quan to đến đâu, sức chiến đấu của hắn cũng chỉ từ số âm tiệm cận về không....

Bắt được tướng suất lĩnh quân tiên phong Tôn Lâm, Thẩm Tuyên cuối cùng cũng đạt được đột phá đầu tiên trong chiến dịch này. Y bắt đầu nghiêm túc cân nhắc, sau này ra trận có nên che mặt lại hay không, nếu không, địch cứ thấy y là chạy, hoặc là y phải rống to một tiếng để khiến bọn họ sợ nhũn cả chân không chạy được, chứ với tình hình này, nếu muốn tiếp tục thăng quan tiến tước nhờ chiến công, quả thực quá khó khăn.

Tháng mười hai, ngày Ất Mão, Yên quân cuối cùng cũng đến Đông Xương.

Quân đội dưới trướng Thịnh Dung đã chuẩn bị sẵn sàng, nghiêm trận chờ đợi.

Thấy quân Nam Kinh xuất thành nghênh chiến, nhưng chủ yếu là bộ binh, Yên Vương lập tức hạ lệnh, Dương Đạc và Trịnh Hanh làm tiên phong, dẫn kỵ binh tấn công cánh trái quân địch.

Thẩm Tuyên bị giữ lại trong đại quân, còn về lý do... Yên Vương lặng lẽ quay đầu, nắm đấm che miệng ho khan hai tiếng, chất nhi này của hắn quả thực.... quá mức hung hãn.

Vì an nguy của đại quân, tạm thời để chất nhi ngoan ở lại áp trận vậy.

Đợt tiến công của Dương Đạc và Trịnh Hanh diễn ra rất thuận lợi, kỵ binh xông đến trước mặt, cánh trái quân Nam Kinh đã lập tức rối loạn.

Yên Vương cho rằng thời cơ đã đến, rút trường đao, hạ lệnh cho toàn quân tấn công. Năm sáu mươi vạn quân địch còn chém được, huống chi chỉ có hai mươi mấy vạn người, hắn vốn chẳng để nhóm quân này vào mắt.

Quân Nam Kinh lại lần nữa rối loạn, Yên Vương đích thân dẫn kỵ binh Mông Cổ xông vào trận, chém trái giết phải, vô cùng thuận lợi.

Đang lúc hưng phấn, hắn phát hiện ra quân Nam Kinh tuy loạn, nhưng không hề tản ra bỏ chạy, so với binh sĩ bên ngoài trận, số lượng binh sĩ cầm súng và cung nỏ trong trận hình như.... có hơi nhiều.

Chu Đệ giật mình, cảm giác nguy hiểm dâng lên. Kinh nghiệm và trực giác nhạy bén được tôi luyện trên chiến trường nhiều năm mách bảo hắn, tình hình không ổn!

Liên tưởng đến việc suýt nữa bị mắc bẫy của Bình An ở trận sông Bạch Câu, hắn lập tức quay đầu ngựa, nhưng đã quá muộn.

Trong trận, càng ngày càng nhiều binh sĩ phụ trách súng pháo và cung nỏ tập trung lại, quân Nam Kinh lúc nãy còn la hét om sòm bỗng chốc lộ ra nụ cười nham hiểm, nhe hàm răng trắng chói mắt.

Trong tiếng nổ chói tai, làn khói đen và mùi thuốc súng nồng nặc bốc lên, mấy viên đạn sắt bắn ra, những mũi tên nỏ xé gió, tạo thành một mạng lưới tử thần giăng kín, phủ xuống Yên quân.

Yên quân vốn nổi tiếng thiện chiến, dẫu trúng mưa tên, lửa đạn vẫn liều mình xông pha, vết thương rỉ máu cũng chẳng rời trận tuyến. 

Nhưng đánh mãi đánh mãi, Yên quân bị thương bắt đầu hoa mắt chóng mặt, vết thương đau nhức, chân tay rã rời. Nhìn xuống vết thương đang rỉ máu đen, mới nhận thức được chuyện gì đang xảy ra.

"Đê tiện! Hèn hạ!", tiếng chửi rủa thốt ra từ miệng Yên quân, đây là câu chửi gần như đã thành thương hiệu để đời của quân Nam Kinh từ khi khai chiến đến nay. Quân Nam Kinh nghe địch mắng mình như vậy, lại thấy... khoái trá lạ thường. Xem ra, suy nghĩ của những binh sĩ quanh năm lăn lộn ở sa trường, thật khó mà dùng lẽ thường để đánh giá.

Tẩm độc trên mũi tên, tuy không đến mức thấy máu là tắt thở, nhưng cũng đủ làm ruột gan nát tan. Dù chiến giáp của Yên quân có dày cách mấy, dù đại phu đi theo quân xuất chinh có biết cách giải độc, nhưng binh sĩ đang bị vây khốn giữa trận, lỡ mất thời gian vàng chữa trị, cũng chỉ có con đường chết.

Quân Nam Kinh triệt để thực hiện lời hiệu triệu của Thịnh Dung trước trận, thừa dịp địch suy yếu lập tức ra tay quyết liệt, không buông tha một tên nào!

Yên quân cứ thế ngã xuống, vòng vây của quân Nam Kinh ngày càng siết chặt. Yên Vương một lần nữa bị vây khốn giữa trận địa địch, tình thế vô cùng nguy cấp.

Thấy Chủ soái bị bao vây, các tướng lĩnh dưới trướng Chu Đệ, ai nấy đều nóng lòng như lửa đốt.

Chu Năng không nói hai lời, vung đao xông thẳng vào trận địa địch, dẫn theo thân binh liều chết mở đường máu. 

Nào súng hoả mai, nào pháo cối, nào nỏ độc, tất cả đều bị Chu Năng quẳng ra sau đầu. Mất Chủ tướng Chu Đệ, đại quân có thể tan vỡ bất cứ lúc nào, đại nghiệp tạo phản sẽ chấm dứt, những kẻ tạo phản như bọn họ cũng chỉ có một con đường chết.

Cùng xông vào trận địa địch cứu viện còn có Trương Ngọc và Thẩm Tuyên. Trịnh Hanh và Dương Đạc cũng không chịu kém cạnh. 

Mục đích của các tướng lĩnh Yên quân chỉ có một: sống chết cũng phải cứu Yên Vương ra ngoài!

Vận may mỉm cười với Chu Năng, hắn ta nhanh chóng tìm thấy Yên Vương đang bị vây khốn giữa vòng vây địch. 

Đúng là nên cảm tạ tấm lòng "nhân từ" và mệnh lệnh "không giết hại thân nhân" của Kiến Văn đế. Dù thân binh xung quanh Chu Đệ đã chết hết, bản thân lấm lem bụi đất, Yên Vương vẫn chẳng hề hấn gì.

Đùa sao, tên nỏ tẩm độc, ai dám bắn về phía Chu Đệ chứ? Súng hoả mai thiếu độ chính xác, nhắm vào mông có khi lại trúng đầu, lỡ bắn chết Yên Vương thì biết ăn nói thế nào?

Quân Nam Kinh đành phải bỏ vũ khí lợi hại, cầm đao chém tay đôi với Yên Vương. Nhưng nói về tài chém giết, ai có thể sánh bằng Chu Đệ?

Yên Vương đã trụ vững cho đến khi viện binh tới. 

Nhờ sự liều mình của Chu Năng, cuối cùng hắn cũng thoát khỏi vòng vây.

Trương Ngọc, Thẩm Tuyên và những người khác cũng đến cứu Yên Vương nhưng lại không may mắn như vậy. Không có phương tiện liên lạc, bọn họ hoàn toàn không biết Chủ soái đã được cứu ra, vẫn liều mình xông pha vào trận địa địch. Đến nơi mới phát hiện, Yên Vương đã không còn ở đó, bản thân lại rơi vào vòng vây trùng trùng.

Thân binh lần lượt ngã xuống, chỉ còn lại Trương Ngọc và Thẩm Tuyên. Chiến mã cũng bị tên nỏ bắn chết. Giữa vòng vây quân Nam Kinh, hai người cầm trường thương, lưng tựa lưng, giáp trụ đẫm máu quân thù, dưới chân là hàng chục xác binh sĩ quân Nam Kinh

"Xông lên!" Trương Ngọc hét lớn, trường thương quét ngang, Thẩm Tuyên hất văng một tên binh sĩ Nam Kinh, tiếng kêu thảm thiết vang lên, máu phun như mưa.

Sự dũng mãnh của hai người khiến quân Nam Kinh khiếp sợ, vội vàng giương súng hoả mai và cung nỏ lên. Tiếng súng nổ vang, nhưng tên nỏ lại chẳng còn mấy, hóa ra số tên nỏ vừa rồi dùng để vây giết thân binh của Trương Ngọc và Thẩm Tuyên đã dùng gần hết, chưa kịp bổ sung.

"Giết!" Sát khí ngút trời, Trương Ngọc và Thẩm Tuyên nắm chắc thời cơ, quyết mở ra một con đường máu. Trường thương vung lên, hai người tựa như hai vị sát thần giữa trận địa địch.

Bên ngoài trận địa, Trương Phụ nghe tin phụ thân là Trương Ngọc vì cứu Yên Vương mà bị vây khốn, lòng nóng như lửa đốt. Cao Dương Quận vương khi xông trận đã trúng tên nỏ, may mà được cứu chữa kịp thời, nhưng cũng không thể tiếp tục chiến đấu.

Nghe tin Trương Ngọc và Thẩm Tuyên vì muốn cứu mình mà bị vây khốn giữa trận địa địch, Yên Vương giật mình kinh hãi, vội vàng kéo một con chiến mã tới, lại định tự mình xông pha vào trận.

Trịnh Hòa bị thương ở chân, vẫn cố hết sức ôm lấy đầu ngựa, bị Chu Đệ quất một roi vào lưng.

"Tránh ra!" Chu Đệ quát lớn: "Không tránh, ta giết ngươi!"

Trong cơn nóng giận, Chu Đệ lại tự xưng "ta"

Trịnh Hòa không dám tránh, dù cho Chu Đệ có quất thêm mấy roi nữa, Trịnh Hoà cũng tuyệt đối không thể để Chu Đệ xông vào. Nếu hắn lại bị vây khốn, còn ai có thể cứu hắn ra được nữa đây?

Bạch Cẩu Nhi cũng lao đến, đỡ cho Trịnh Hòa hai roi, nghiến răng chịu đựng, không hề kêu lấy một tiếng.

Chu Năng nhảy lên một con chiến mã khác, cầm trường thương, nói: "Vương gia không thể đi, để mạt tướng thay Vương gia đi một chuyến, nhất định sẽ cứu Thế Mỹ huynh và Tử Ngọc ra!"

Dứt lời, Chu Năng giật cương ngựa, dẫn theo những binh sĩ Yên quân vừa thoát khỏi vòng vây, lại một lần nữa xông thẳng vào trận địa địch.

Yên Vương nóng ruột như lửa đốt, hất Trịnh Hòa và Bạch Cẩu Nhi ra, định đuổi theo, nào ngờ Bình An, người nãy giờ vẫn chưa từng thấy bóng dáng, bỗng nhiên xuất hiện từ phía sau, chặn đường Yên Vương.

Mắt hổ của Yên Vương đỏ ngầu, tay nắm chặt trường đao, nghiến răng nghiến lợi, sát khí trên người bùng nổ: "Thịnh Dung, Bình An, Cô nhất định sẽ giết chết các ngươi!"

Thành Bắc Bình.

Gió lạnh cuốn theo tuyết lớn, gào thét suốt đêm, mái ngói lưu ly xanh biếc của Vương phủ trải đầy một lớp tuyết trắng dày. Dưới mái hiên, hàng loạt băng nhọn rũ xuống, phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh sắc màu.

Mạnh Thanh Hòa đặt bút xuống, đứng dậy, đẩy mạnh cửa sổ. Gió Bắc thổi vào khiến đầu óc hắn tỉnh táo hơn, nhưng lại không thể xua tan nỗi bồn chồn trong lòng.

Đứng bên cửa sổ hồi lâu, hắn hắt hơi một cái rõ to.

Vừa đóng cửa sổ lại, hai tiểu hoạn quan đã bưng hộp thức ăn vào phòng, mở nắp ra, cơm canh vẫn còn nóng hổi.

"Làm phiền hai vị rồi."

Hai tiểu hoạn quan vội vàng cúi người, nói không dám. So với những người còn phải quét tuyết dọn băng, công việc của bọn họ chỉ là đưa cơm cho các quan lại trong phủ, đã là nhẹ nhàng lắm rồi.

Theo quy củ của Vương phủ, nếu không được phép, những tiểu hoạn quan chỉ mặc áo viền lĩnh trơn này còn không được phép nói nhiều hơn một câu. 

Nịnh nọt lấy lòng ư? Đó không phải là thể hiện, mà là mấy ngày không bị đánh đòn nên nhớ đòn roi thì đúng hơn.

Mỗi thời đại mỗi khác, luôn có những quy tắc riêng, dù không vừa mắt, dù có khó chịu đến mấy cũng phải thích nghi.

Đợi hai tiểu hoạn quan rời đi, Mạnh Thanh Hòa cầm đũa lên, vừa gắp một miếng thức ăn, còn chưa kịp đưa lên miệng, miếng ngọc bội đeo trên cổ bỗng nhiên trượt xuống.

Hắn giật mình, vội vàng mở cổ áo ra xem thì thấy sợi dây gấm buộc ngọc bội đã đứt.

Ngồi xuống bên bàn, tay đặt lên ngực, nỗi bồn chồn vừa lắng xuống lại trỗi dậy, một cảm giác bất an khó tả len lỏi trong lòng.

Mạnh Thanh Hòa cau mày, không hiểu chuyện gì đang xảy ra.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro