Chương 83: Tế Nam khó hạ (III)
Chương 83: Tế Nam khó hạ (III)
Mưu kế giả hàng của Thiết Huyễn đã triệt để chọc giận Yên Vương.
Dưới thành Tế Nam, họng pháo đen ngòm chĩa lên trời, Yên quân lần lượt nhét thuốc súng, đất sét và đạn sắt vào nòng. Cùng với những tiếng nổ long trời lở đất, thành Tế Nam hứng chịu đợt oanh tạc đầu tiên từ hỏa pháo.
Đất rung núi chuyển, tiếng nổ vang trời. Đứng cách trăm mét vẫn cảm nhận được sức nóng tỏa ra từ họng pháo khi bắn.
Đó chính là uy lực của hỏa khí.
Dưới thành Chân Định, ngoài thành Bắc Bình, Yên quân và quân Nam Kinh đều từng sử dụng hỏa pháo với quy mô lớn. Những khẩu đại bác đang gầm rú bên ngoài thành Tế Nam này, một nửa là do quân Nam Kinh "tặng", bao gồm cả thuốc súng và đạn sắt, phần lớn còn lại được chuyển ra từ kho ở Đức Châu.
Nếu Đạo Diễn có mặt ở đây, chắc chắn sẽ chắp tay niệm Phật, rồi lại tặng Lý Cảnh Long thêm một cái thẻ người tốt.
Tặng người, tặng pháo, tặng lương thảo, hào phóng vô tư, một đồng cũng không cần, còn ai tốt hơn Tào Quốc Công nữa chứ?
Tiếng pháo ầm ầm, trong thành, ngoài thành là hai thái cực hoàn toàn khác biệt.
Quân thủ thành Tế Nam nấp trong công sự, bịt tai, liên tục mắng chửi Yên quân không phải người, sẽ sinh con không có lỗ đuýt!!
Bên còn lại, sự uất ức nhiều ngày của Yên quân như được trút bỏ, nếu không phải lo ngại nguy cơ bắn nhiều nổ nòng, tiếng pháo sẽ còn dày đặc hơn, số đạn sắt bay lên tường thành ít nhất sẽ tăng gấp đôi.
Dần dần, quân thủ thành trên tường thành không chịu nổi nữa.
Đầu óc choáng váng, ù tai, không khí lẫn mùi máu tanh, nỗi sợ hãi dâng lên, sĩ khí nhanh chóng tụt dốc không phanh.
Hai quân giao chiến, đối đầu trực diện, sống chết chỉ trong khoảnh khắc.
Đường cùng gặp nhau, kẻ dũng cảm thắng, nhưng tình thế hiện tại, Yên quân hoàn toàn không cho quân thủ thành cơ hội gặp mặt.
Chém giết lẫn nhau? Không hứng thú. Dùng đạn sắt nện mới đã!!
Không đánh nổi thành Tế Nam? Vậy thì cứ oanh tạc cho sập luôn!!
Giữa tiếng rít chói tai, một quả đạn sắt bay qua đầu thành, đập sập một công sự phòng thủ, toàn bộ quân thủ thành bên trong bị vùi lấp dưới gỗ đá. Ngọn lửa bùng lên dữ dội, mang theo mùi khét lẹt, khiến người khác buồn nôn.
Những binh sĩ đứng gần nhất, trừng mắt nhìn cảnh tượng trước mắt, kinh hoàng lùi về phía sau vài bước, lại vấp phải mảnh gỗ gãy mà ngã nhào.
Lại một quả đạn sắt rơi xuống, máu bắn tung tóe. Cả tiếng hét thảm thiết còn chưa kịp kêu, những binh sĩ nọ đã bị nghiền nát thành bột vụn.
Lợi dụng lúc Yên quân ngừng bắn, Thiết Huyễn đích thân lên tường thành, một đội binh sĩ theo sau, mỗi người ôm vài tấm bảng gỗ, bất chấp nguy hiểm bị đạn sắt và tên bắn trúng, lần lượt treo các tấm bảng lên tường thành.
Đa số binh sĩ đều không biết chữ, trên bảng gỗ viết gì, chỉ có thể đoán.
Sau khi treo xong bảng gỗ, Thiết Huyễn không nghe theo lời khuyên của thuộc hạ quay về thành, mà kiên quyết ở lại trên tường thành. Nhìn xuống Yên quân bên ngoài, hắn ta muốn xem, Yên Vương còn dám tiếp tục bắn phá hay không!
Yên quân chú ý tới sự khác thường trên tường thành, nhìn thấy những tấm bảng gỗ lớn mà quân thủ thành treo lên, cảm thấy tình hình không ổn, lập tức báo về doanh trại cho Yên Vương.
Nhìn những tấm bảng gỗ với vẻ mặt phức tạp, Mạnh Thanh Hòa thở dài, quả nhiên, điều gì đến cũng phải đến.
Thấy binh sĩ vẫn tiếp tục nhét thuốc súng, Mạnh Đồng Tri vội nói: "Khoan đã, đừng bắn nữa, đợi Vương gia hạ lệnh!"
Chưa dứt lời, một đội thiết kỵ phóng ra từ đại doanh, người dẫn đầu chính là Chu Đệ.
Nhìn thấy những tấm bảng gỗ treo trên tường thành, Chu Đệ lập tức tái mặt, nghiến răng ken két, giọng nói như từ kẽ răng rít ra: "Thiết Huyễn!"
Trên tường thành, rất nhiều tấm bảng gỗ với dòng chữ "Thái Tổ Cao Hoàng đế thần bài" được treo lên.
Dưới thành, tiếng pháo đinh tai nhức óc không còn vang lên nữa.
Sắc mặt Yên Vương âm trầm, đen như đáy nồi, vẻ mặt các tướng lĩnh cũng vô cùng khó coi. Không ai ngờ Thiết Huyễn lại chơi chiêu này.
Phải gọi là gì đây? Thông minh sáng suốt hay là xảo quyệt âm hiểm?
Yên Vương đặt tay lên chuôi đao, hận không thể lập tức xông vào thành Tế Nam, băm Thiết Huyễn thành tám mảnh.
Treo thần bài của Hồng Vũ đế lên, dù biết là giả, Yên Vương cũng không dám tiếp tục bắn phá. Một khi tiếng pháo vang lên, việc "tuân theo di huấn của Thái Tổ Cao Hoàng đế khởi binh Tĩnh Nan" sẽ lập tức trở thành trò cười cho thiên hạ!
Thiết Huyễn một tay để sau lưng, một tay vuốt râu, nhìn xuống dưới thành, vẻ mặt đầy khinh miệt!
Lạnh lùng hừ một tiếng, có bản lĩnh thì ngươi bắn tiếp đi!
Một khi những tấm thần bài này bị phá hủy, lý do khởi binh "phò tá Thiên Tử, dẹp loạn gian thần" của Yên Vương sẽ không còn đứng vững. Chu Đệ nào phải phiên Vương thảo phạt gian thần, rõ ràng là loạn thần tặc tử, bất cứ ai trong thiên hạ cũng có thể tru diệt!
Yên Vương giận sôi máu, nhưng không dám manh động. Yên quân đành bất lực đẩy hỏa pháo về doanh trại.
Quân thủ thành lập tức hò reo vang dội, nhìn xuống Yên quân phía dưới, thừa thắng xông lên chửi rủa. Tiếng chửi rủa đủ kiểu, nội dung phong phú đa dạng, khiến Yên quân nổi gân xanh đầy trên trán, ai nấy đều muốn rút đao chém người.
Thẩm Tuyên đặt tay lên chuôi đao, cưỡi ngựa nhìn về phía thành Tế Nam, mắt nheo lại, bỗng nhiên cất tiếng: "Mạnh Đồng Tri."
"Có thuộc hạ."
"Thủ đoạn này hinh như có hơi quen."
Ánh mắt đen láy nhìn sang, Mạnh Thanh Hòa không khỏi rùng mình, da đầu tê dại, cười gượng hai tiếng: "Thuộc hạ... đã từng dùng cách này ở Mạnh gia thôn, chặn quân triều đình bên ngoài."
"Là ngươi nghĩ ra?"
"... Vâng."
"Có cách nào phá giải không?"
"Bẩm Chỉ Huy, thuộc hạ cũng đã nghĩ rất nhiều, thật sự không có cách nào hay."
Nếu hỏa pháo đủ mạnh, có thể bỏ qua tường thành mà bắn thẳng vào cổng lớn.
Nhưng đáng tiếc, do điều kiện hạn chế, độ chính xác của hỏa khí giai đoạn này thật sự không dám khen tặng, thường là chỉ nam đánh bắc, chỉ đông đánh tây. Nhắm vào con lợn rừng dưới đất, năm phần có thể bắn trúng con chim trên trời.
Tại sao lại phát triển chiến thuật bắn hàng loạt? Nguyên nhân cũng là do độ chính xác không đủ, chỉ có thể dùng số lượng bù đắp.
Vì vậy, tập trung hỏa pháo oanh tạc cổng thành là chuyện không khả thi.
Tiếp tục công thành thì chỉ có thể dùng mạng người để liều, trận chiến sẽ lại rơi vào thế giằng co kéo dài.
Lời của Mạnh Thanh Hòa không làm dịu được vẻ mặt của Thẩm Tuyên, y siết chặt dây cương, nhìn về phía Tế Nam, vẻ mặt càng thêm ngưng trọng.
Gần bốn tháng công thành, gần như đã vắt kiệt sĩ khí của Yên quân. Tuy lương thảo không thiếu, nhưng cứ liều chết công thành lại vô cùng bất lợi cho Yên quân. Số người chết và bị thương quá nhiều, rất có thể sẽ gây ra binh biến.
Vây mà không đánh, để quân thủ thành bên trong tự chết đói? Càng không thể.
Sơn Đông không phải Hà Bắc, Yên Vương chỉ chiếm được một mình Đức Châu, phần lãnh thổ còn lại đều nằm trong tay triều đình. Đừng nói tấn công, ngay cả việc rút quân cũng phải mạo hiểm rất lớn.
Sự xuất hiện của Thiết Huyễn đã chứng minh cho Chu Đệ thấy, trong triều đình có những kẻ bất tài như Lý Cảnh Long, thì cũng có những quan viên gan dạ, liều chết không lùi bước.
Bình An và Từ Huy Tổ đều là võ tướng có tài thao lược, có thể đánh ngang ngửa với Chu Đệ cũng không có gì lạ. Thiết Huyễn là một quan văn, là thư sinh hàng thật giá thật, vậy mà có thể giữ vững Tế Nam dưới sự tấn công mãnh liệt của Chu Đệ, chẳng khác nào đấm cho Chu Đệ một đòn đau điếng.
Xương cốt không gãy, cũng không tổn thương đến nội tạng, nhưng mặt mũi lại bị đạp dưới đất, còn bị giẫm thêm hai cái.
Yên Vương vô cùng tức giận, nhưng lại không nghĩ ra cách nào để giải quyết.
Dựng lều nghị sự, triệu tập các tướng, cùng nhau bàn bạc xem bây giờ phải làm sao.
Pháo không thể bắn, tiếp tục công thành tổn thất quá lớn, rút lui... Yên Vương không nói, không ai dám nhắc đến.
Trương Ngọc im lặng, giọng nói oang oang như chuông đồng của Chu Năng cũng tắt ngúm, Đàm Uyên xưa nay không phải là người giỏi bày mưu tính kế, Trịnh Hanh, Trần Huy và những người khác cũng không có cách nào hay.
Thẩm Tuyên không lên tiếng, Mạnh Thanh Hòa đương nhiên cũng ngoan ngoãn im lặng. Nhỡ đâu Yên Vương nhớ ra hắn đã từng học theo cách của Thiết Huyễn, giận cá chém thớt thì sao?
Trong lều lớn im ắng, Yên Vương cảm thấy miệng đắng nghét.
Nam chinh Bắc chiến hơn hai mươi năm, thiết kỵ dưới trướng Yên Vương khiến Bắc Nguyên nghe tiếng đã sợ mất mật, vậy mà giờ đây lại bị một tên thư sinh không hiểu binh pháp chặn đứng, đúng là nực cười!
Bên ngoài lều, binh sĩ tuần tra đã bắt đầu đốt đuốc.
Bên trong lều, sắc mặt Yên Vương càng lúc càng khó coi, trán các tướng lĩnh bắt đầu toát mồ hôi.
Đột nhiên, trong doanh trại vang lên một trận ồn ào, cơn giận của Yên Vương cuối cùng cũng bùng nổ, đập mạnh tay xuống bàn: "Trịnh Hòa!"
"Nô tài có mặt."
Yên Vương quát lớn: "Kẻ nào dám gây náo loạn trong doanh trại? Xử theo quân pháp cho Cô!"
"Tuân lệnh."
Trịnh Hòa lĩnh mệnh, vẻ mặt đầy sát khí, kẻ nào bị Trịnh Thính Sự tóm được, ít nhất cũng phải nhận hai mươi gậy.
Một lát sau, quân côn chưa kịp vung, Trịnh Hòa đã trở lại với vẻ mặt kỳ quái. Trước khi Chu Đệ nổi giận, vội cúi người bẩm báo: "Bẩm Vương gia, không phải trong doanh trại vô cớ náo loạn, mà thật sự là có nguyên do."
"Có nguyên do?"
"Nô tài nghe nói, có một Tiểu Kỳ phát hiện mật thám quân Nam Kinh, dẫn theo vài binh sĩ đuổi đến tận chân thành Tế Nam, đang cùng quân thủ thành..." Ngập ngừng một chút, Trịnh Hòa dường như có chút khó nói: "...Nói đạo lý."
Đây là cách nói văn vẻ, thực tế là hai bên đang gào thét chửi mắng nhau inh ỏi cả lên.
Chu Đệ nhíu mày, mọi người cũng nhìn nhau khó hiểu. Mạnh Thanh Hòa đảo mắt, kẻ nào lại có gan lớn đến vậy?
Dưới thành Tế Nam, Kỷ Cương cầm đuốc, vừa chửi vừa chú ý động tĩnh phía sau, nghe thấy tiếng vó ngựa, lập tức phấn chấn hẳn lên: "Huynh đệ, thành bại tại đây, tiếp tục!"
Tức thì, màn đấu khẩu của hai bên càng thêm kịch liệt.
Quân thủ thành dù có lớn gan đến đâu, cũng chỉ dám mắng chửi tổ tông mười tám đời nhà Yên quân, đánh chết cũng không dám động đến Chu Đệ nửa lời. Mắng chửi tổ tiên Yên Vương chẳng khác nào mắng chửi tổ tiên Hoàng đế, có chán sống đến mấy cũng không dám làm vậy.
Kỷ Cương thì khác, gã hoàn toàn không có chút kiêng kỵ nào. Tất cả thân thích của Thiết Huyễn đều bị gã lôi ra mắng chửi một lượt, bản thân Thiết Huyễn cũng không thoát khỏi.
Cùng xuất thân là người đọc sách, Kỷ Cương đương nhiên biết đám thư sinh văn nhã coi trọng điều gì nhất. Trong miệng gã, Thiết Huyễn ba tuổi đá cửa nhà góa phụ, năm tuổi đào mộ tuyệt tự, tám tuổi viết văn thơ dâm ô, mười tuổi kết giao tình cảm tri kỷ chung chăn chung gối với mấy cô nương lầu xanh. Gian lận thi cử, tham ô nhận hối lộ, đều là chuyện thường như cơm bữa.
Kỷ Tiểu Kỳ mắng chửi hăng say, quân thủ thành trên tường ngẩn người, binh sĩ Yên quân đi theo Kỷ Cương cũng ngây ra như phỗng.
Chẳng lẽ tên này tận mắt chứng kiến? Nếu không, sao có thể miêu tả quá trình Thiết Phương Bá sáu tuổi nhìn trộm thiếu phụ hàng xóm tắm một cách chi tiết và sống động như vậy?
Kỷ Tiểu Kỳ mắng quá nhập tâm, không để ý ai đó nhét cho gã một cái loa, đưa lên miệng, giọng lập tức vang to gấp mấy lần.
Những chiến tích anh hùng thời trẻ của Thiết Huyễn cũng được phóng đại lên gấp bội, truyền rõ mồn một vào tai mọi người, không sót một chữ.
Đưa loa xong, Mạnh Thanh Hòa hoàn thành nhiệm vụ, lui về sau một bước, quả không hổ danh là Đô Chỉ Huy Sứ Cẩm Y Vệ tương lai, năng lực đổi trắng thay đen, vu cáo hãm hại người khác, người thường có thúc ngựa chạy cũng không đuổi kịp....
Thật khiến người ta phải thán phục!
Thượng quan bị mắng chửi te tua, Bách Hộ trên tường thành đương nhiên không thể khoanh tay đứng nhìn, lập tức dẫn đầu phản bác.
Phản kháng và biện minh đều vô ích.
Cựu thư sinh, Đô Chỉ Huy Sứ Cẩm Y Vệ tương lai, tài ăn nói không phải người thường có thể so sánh. Có loa trợ giúp, âm thanh càng áp đảo đối phương. Trận chiến không súng đạn này, thắng thua đã rõ ràng, Kỷ Cương giành chiến thắng áp đảo, quân thủ thành có gào thét khản cổ cũng chỉ nhận lấy thất bại thảm hại.
Tuy thủ đoạn không được quang minh chính đại, nhưng cuối cùng cũng trút được cơn tức.
Kỷ Cương quỳ xuống dưới chân ngựa Yên Vương, giọng khàn đặc, đấm ngực, ôm lấy chân ngựa, thề sống chết vì Yên Vương, dù tan xương nát thịt cũng không tiếc.
"Thuộc hạ nguyện vì Vương gia xông pha lửa đạn."
Tâm trạng Chu Đệ khá hơn hẳn, quất roi ngựa, cho Kỷ Cương đứng dậy.
Ngay từ cái nhìn đầu tiên, hắn đã nhận ra Kỷ Cương là kẻ tiểu nhân.
Nhưng tiểu nhân có công dụng của tiểu nhân, có những việc, chỉ tiểu nhân mới làm được, và chỉ tiểu nhân mới có thể làm tốt.
Sử dụng tốt, cũng chỉ như nuôi một con chó. Cho vài miếng xương thịt, bất cứ lúc nào cũng có thể thả ra cắn người. Nếu có ngày con chó này không nghe lời, giết đi cũng chẳng tiếc.
Trở về doanh trại, Kỷ Cương được thăng vượt cấp lên làm Bách Hộ, vẫn dưới trướng của Trần Huy. Ánh mắt đồng liêu nhìn Kỷ Cương đã khác hẳn, bọn họ không ngờ, gã nhỏ thó mít ướt này lại có bản lĩnh đến vậy.
Trần Huy không ưa những kẻ như Kỷ Cương, dù được Vương gia khen ngợi, cũng chỉ là kẻ tiểu nhân nịnh hót. Lăn lộn trên quan trường nhiều năm, dù Trần Huy có là võ tướng, nhìn người cũng cực kỳ chuẩn xác.
Đối với chuyện này, Kỷ Cương chẳng mảy may bận tâm. Mục tiêu của gã đâu chỉ dừng lại ở chức Bách Hộ. Dù phải dùng mọi thủ đoạn, dù bị muôn người nguyền rủa, gã cũng chẳng màng. Thắng làm vua thua làm giặc, đầu quân cho Yên Vương chính là để có ngày ngóc đầu lên, gã khao khát quyền lực, gã muốn đứng ở vị trí cao hơn nữa!
Yên Vương trút được cơn tức, còn Thiết Huyễn lại hộc ra một ngụm máu tươi.
Kỷ Cương quả thật đã nắm trúng điểm yếu của hắn ta. Đối với người đọc sách, còn gì quan trọng hơn thanh danh?
Tam sao thất bản, chỉ sau một đêm, khắp thành Tế Nam lan truyền đủ loại "chuyện thú vị" thời trẻ của Thiết Phương Bá. Những lời đồn đại vô căn cứ này tuy hoang đường đến cực điểm, nhưng lại không cách nào giải thích được, càng giải thích lại càng đen.
Nếu có vị Ngự Sử nào rảnh rỗi dâng sớ tâu lên, Thiết Huyễn có trăm cái miệng cũng không thể nào biện minh, chuyện giả cũng sẽ thành thật.
Nhờ ý chí kiên cường, Thiết Phương Bá đã chống chọi được với những lời đồn đại, vẫn có thể..... thẳng lưng đứng vững.
Yên quân lại tốn thêm nửa tháng công sức ở dưới thành Tế Nam mà vẫn không thu được chút thành quả nào. Thiết Huyễn và Thịnh Dung thừa cơ phái quân lẻn ra quấy rối, năm lần thì cũng được một lần thành công, khiến Yên quân không kịp trở tay.
Không thể tiếp tục đánh nữa.
Yên Vương quyết định lui binh, Đạo Diễn liền kịp thời dâng lên cho Chu Đệ cái thang để lùi bước: "Đại quân đã mỏi mệt, xin Vương gia tạm về Bắc Bình để bàn mưu tính kế."
Bức thư này đến thật đúng lúc, Yên Vương lập tức triệu tập các tướng lĩnh, tuyên bố quyết định thu quân về Bắc Bình.
Các tướng lĩnh đồng loạt chắp tay: "Vương gia anh minh!"
Không ai đột nhiên nổi hứng làm trái ý, lên tiếng phản đối vào lúc này. Việc chưa thể công phá Tế Nam chỉ là tạm thời, bảo toàn lực lượng, sau này quay lại, nhất định sẽ hạ được thành này!
Yên quân lần lượt nhổ trại, hành động của hơn mười vạn đại quân đương nhiên không thể qua mắt được quân thủ thành.
"Yên quân muốn lui binh rồi!"
Thiết Huyễn bàn bạc với Thịnh Dung, quyết định truy kích Yên quân trên đường rút lui, dù không thể tiêu diệt hoàn toàn, nhưng cũng không thể để cho địch dễ dàng rút quân.
Thấy Thiết Huyễn nghiến răng nghiến lợi, vẻ mặt hận thù sâu sắc, Thịnh Dung tỏ vẻ thông cảm, dù là ai, bị người ta hắt nước bẩn lên người cũng không thể bình tĩnh được.
"Phương Bá, không cần để tâm đến mấy trò tiểu nhân của Yên quân. Bổn quan và các đồng liêu đều tin tưởng Phương Bá là bậc chính nhân quân tử."
Thiết Huyễn cảm động: "Tướng quân..."
Thịnh Dung: "Hơn nữa, mới sáu tuổi, lông còn chưa mọc đủ, lén nhìn tiểu nương tử tắm rửa cũng có làm ăn được gì đâu chứ!"
Thiết Huyễn: "..."
"Phương Bá sao lại hộc máu nữa rồi? Đám Yên quân thật đáng ghét!"
Thiết Huyễn: "..."
Giữa tháng tám, Yên quân rút khỏi Tế Nam, theo đường từ Đức Châu trở về Bắc Bình.
Thiết Huyễn và Thịnh Dung phái quân truy kích, đánh bại đội quân bọc hậu của Yên Vương, thừa thế tấn công Đức Châu, nhưng không thành công. Yên quân trong thành đã đẩy lui hai đợt tấn công của Thịnh Dung, nhờ sự giúp đỡ của bách tính Đức Châu, ngăn cản quân triều đình ở ngoài thành. Binh lực của Thịnh Dung không đủ, không thể cưỡng ép công thành, đành phải rút lui.
Từ đó, Đức Châu hoàn toàn rơi vào tay Yên Vương.
Trong lịch sử, đáng lẽ Thịnh Dung sẽ thu phục được Đức Châu khi Yên quân rút lui, nào ngờ Mạnh Thanh Hoà lại xen ngang, Yên Vương thừa cơ thu phục lòng dân, lại có An Lục Hầu Ngô Kiệt trấn giữ, với binh lực trong tay Thịnh Dung, việc thu phục Đức Châu là nhiệm vụ bất khả thi.
Mặc dù vậy, việc giữ được Tế Nam, buộc Yên Vương phải rút quân cũng là một đại chiến công.
Kiến Văn đế ở Nam Kinh cuối cùng cũng nghe được một tin tốt, phản ứng đầu tiên không phải là hạ lệnh khen thưởng, mà là xác nhận lại tính xác thực của chiến báo.
Chu Doãn Văn thật sự đã bị Lý Cảnh Long lừa sợ rồi, đã bị lừa một lần, quyết không để bị lừa lần thứ hai.
May mắn thay, Thiết Huyễn và Thịnh Dung không phải là Lý Cảnh Long, chiến báo và tấu chương viết rõ ràng minh bạch, đúng sự thật. Trong việc thất bại ở Đức Châu cũng không hề giấu giếm, Kiến Văn đế vừa yên tâm vừa không khỏi nhíu mày, thật thà quá mức.
Yên Vương thu phục lòng dân rất thành công, đã viết trong chiến báo trước đó một lần, còn cần nhấn mạnh thêm lần nữa sao hả? Thật đúng là khiến người ta thêm phiền muộn.
Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, thật thà vẫn hơn là gian xảo.
Chiếu chỉ ban thưởng nhanh chóng được soạn thảo, Thịnh Dung được phong làm Lịch Thành Hầu, các tướng lĩnh dưới quyền cũng được ban thưởng. Tuy nhiên, việc ban thưởng cho Thiết Huyễn lại bị trì hoãn. Kiến Văn đế vốn định thăng Thiết Huyễn làm Binh Bộ Thượng Thư, thánh chỉ đã soạn xong, ấn cũng đã đóng, nhưng chưa kịp ban xuống, Binh Khoa và Hộ Khoa Cấp Sự Trung lại dâng sớ vạch tội, nói Thiết Huyễn có vấn đề về tác phong sinh hoạt, đồng thời còn nghi ngờ hắn ta tham ô.
Trách nhiệm của Ngự Sử là can gián Hoàng thượng, giám sát chúng quan.
Việc vạch tội một vị quan nào đó, có bằng chứng xác thực thì càng tốt, không có bằng chứng cũng không sao. Hai chữ "nghe nói" vốn là để dùng cho những tin đồn thất thiệt, vô căn cứ, hơn nữa, nó cũng là đặc quyền của các Ngự Sử, chỉ cần hai từ đó cũng đủ để bọn họ biến nó thành sự thật, trở thành thanh đao sắc bén cứa cổ kẻ khác.
"Thần nghe nói, Thiết Huyễn thuở thiếu thời hành vi bất chính, chuyên gây tai họa cho cả xóm làng, từ lời nói đến hành động đều khiến người ta phẫn nộ..."
Gần đây, các Ngự Sử trong triều đang dấy lên làn sóng vạch tội Lý Cảnh Long. Hoàng Tử Trừng tuy đã bị giáng chức xuống làm thường dân, vẫn thường xuyên được Kiến Văn đế triệu kiến. Khi vào gặp vua, Hoàng Tử Trừng trực tiếp quỳ sụp xuống đất, khóc lóc thảm thiết: "Lý Cảnh Long có dã tâm hai lòng, không giết hắn ta thì không thể yên lòng tổ tông xã tắc, có lỗi với các tướng sĩ đã hy sinh!"
Ngự Sử Luyện Tử Ninh nhiều lần dâng sớ, thỉnh cầu Hoàng đế hạ chỉ thu hồi tước vị Tào Quốc Công của Lý Cảnh Long, lập tức xử trảm.
Giết hay không giết? Kiến Văn đế vô cùng do dự.
Với những gì Lý Cảnh Long thể hiện trên chiến trường, hắn ta đáng chết trăm lần. Nhưng dù sao hắn ta cũng là thân thích của ngài, phụ thân hắn ta, tiền nhiệm Tào Quốc Công còn là nghĩa tử của Thái Tổ Cao Hoàng đế. Giết hắn ta, sẽ trái với hình tượng nhân từ mà Kiến Văn đế vẫn luôn xây dựng. Hơn nữa, việc hạ chỉ triệu hắn ta về từ chiến trường cũng là để che đậy ô uế chủ soái bỏ chạy giữa trận, nay chiến trường Sơn Đông vừa có chút khởi sắc, liệu có nên lật lại chuyện cũ hay không?
Cuối cùng, Kiến Văn đế bác bỏ tấu chương của Ngự Sử, cũng không để ý đến tiếng khóc lóc của Hoàng Tử Trừng. Hoàng đế thậm chí còn nghi ngờ, phải chăng Hoàng Tử Trừng sốt sắng muốn lấy mạng Lý Cảnh Long như vậy là để che đậy tội lỗi của mình? Suy cho cùng, người tiến cử Lý Cảnh Long là Hoàng Tử Trừng, người giúp che giấu chiến báo cũng vẫn là Hoàng Tử Trừng.
Nghĩ đến đây, ánh mắt Kiến Văn đế nhìn Hoàng Tử Trừng đã hoàn toàn không còn sót lại chút thiện cảm nào. Chính vì Hoàng Tử Trừng dùng lời lẽ khéo léo biện hộ cho Lý Cảnh Long, nên ngài mới trọng dụng rồi lại ngu muội trọng thưởng cho một kẻ bại trận! Thái Tử Thái Sư ư?? Thái Tử Thái Sư cái nỗi gì chứ!
Cơn thịnh nộ của Kiến Văn đế bùng lên, Hoàng Tử Trừng lập tức không dám khóc nữa, Tề Thái bước lên khuyên can vài câu, Hoàng Tử Trừng mới không bị trị tội ngay tại chỗ. Sau đó, mỗi khi được Hoàng đế triệu kiến, Hoàng Tử Trừng không còn dám nhắc đến chuyện chém đầu Lý Cảnh Long nữa.
Hoàng Tử Trừng không nhắc đến, không có nghĩa là triều đình sẽ yên ổn.
Các Ngôn Quan đều là những kẻ gan dạ, châm ngôn sống là "cắn chặt không buông", càng thất bại càng kiên cường.
Kiến Văn đế bác bỏ tấu chương của Luyện Tử Ninh, thì tấu chương vạch tội Lý Cảnh Long lại như tuyết rơi, liên tục bay vào Thông Chính Ty, không chỉ khiến Kiến Văn đế đau đầu, mà cả đám người trên dưới Thông Chính Ty cũng tối sầm mặt mũi. Hễ chuyện gì dính dáng đến Ngôn Quan, có thể êm xuôi được mới là chuyện lạ.
Lý Cảnh Long biết mình gặp rắc rối lớn, rắc rối ngập trời, chỉ có thể trốn mất dạng trong phủ Quốc Công, học theo Cao Nguy, đóng cửa tự kiểm điểm.
Trong thời gian "tự kiểm điểm", khách đến thăm rất ít, mọi người đều cho rằng Tào Quốc Công sắp gặp vận hạn, đương nhiên sẽ không chủ động qua lại với hắn ta.
Tả Đô Đốc Từ Tăng Thọ là một ngoại lệ, cứ cách vài hôm lại mang rượu ngon đến tìm Lý Cảnh Long. Sau khi say khướt, Lý Cảnh Long nắm tay Từ Tăng Thọ, nước mắt giàn giụa: "Hoạn nạn mới thấy chân tình, giờ ta mới thấu hiểu điều này!"
Từ Tăng Thọ cười hai tiếng, cầm lấy bình rượu, lại rót cho Lý Cảnh Long một chén: "Nói những điều này làm gì, uống rượu đi!"
Lý Cảnh Long lại say mèm, trong cơn say mắng Hoàng Tử Trừng bất nghĩa, Hoàng đế nghe lời gièm pha, không màng tình thân. Trên mặt Từ Tăng Thọ thoáng hiện một tia biểu cảm kỳ lạ, có lẽ, Từ Tăng Thọ cũng không ngờ da mặt của Lý Cảnh Long lại dày đến độ này.
Phải lôi kéo cái bao cỏ này về phe bọn họ ư? Có thật sự cần thiết không?
Chuyện Lý Cảnh Long còn chưa ngã ngũ, các Ngôn Quan lại nhằm vào Thiết Huyễn. Thiết Huyễn bảo vệ thành Tế Nam vốn đã lập đại công, nhưng những tấu chương vạch tội dồn dập, khiến cho Kiến Văn đế không thể nào ban thưởng theo kế hoạch. Ngài có thể tưởng tượng, một khi chiếu chỉ ban thưởng vừa đi xuống, họng súng của Ngự Sử sẽ không còn nhắm vào Thiết Huyễn nữa, mà là nhắm vào kẻ đang ngồi trên ngai vàng là ngài.
Bất đắc dĩ, ngài đành phải tạm gác lại việc thăng chức cho Thiết Huyễn, lệnh cho Thiết Huyễn hồi kinh, đến Binh Bộ đợi nghe lệnh.
Vị Cấp Sự Trung vạch tội Thiết Huyễn hài lòng, vỗ tay ăn mừng chiến thắng: "Không sợ cường quyền, kiên quyết đấu tranh đến cùng" của mình. Vui mừng chưa đủ, vị nọ còn dâng sớ ca ngợi Hoàng đế, nói Quân Vương biết lắng nghe lời can gián thì mới là Minh quân.
Kiến Văn Đế tức đến đau gan, nhưng vẫn phải cố gắng giữ vững nụ cười trên môi: "Ái khanh nói phải, trẫm nhất định sẽ tiếp tục cố gắng."
Tin tức truyền đến Bắc Bình, Yên Vương lại được một trận cười hả hê. Ghi nhớ kỹ tên tuổi những Cấp Sự Trung vạch tội Thiết Huyễn, hắn quyết định sau khi đánh vào Nam Kinh sẽ trọng thưởng cho mấy người này, thưởng xong sẽ đá về quê cày ruộng.
Những quan viên "ngay thẳng" như vậy, thích hợp làm việc cho Chu Doãn Văn, chứ Chu Đệ kiên quyết không dùng, cho dù có dùng thì cũng lập tức cho về vườn.
Yên Sơn Hậu Vệ mới được bổ nhiệm thêm một vị Đồng Tri, gánh nặng trên vai Mạnh Thanh Hòa cũng nhẹ nhàng hơn không ít. Xử lý xong công việc, hắn ngủ một giấc đến sáng. Sửa soạn chỉnh tề, vừa mở cửa phòng, thì thấy Thẩm Tuyên trong bộ võ phục màu đỏ tươi đang đi tới. Nhìn Mạnh Thanh Hòa, y khẽ cong khóe môi: "Mạnh Đồng Tri ngủ ngon chứ?"
"Bái kiến Thẩm Chỉ Huy, tạ Chỉ Huy quan tâm, thuộc hạ rất khỏe." Mạnh Thanh Hòa hành lễ đáp: "Chỉ Huy nghỉ ngơi có tốt không?"
Đôi mắt sâu thẳm nhuốm ý cười, càng thêm phần tuấn tú vô song.
"Đã để Mạnh Đồng Tri lo, ta nghỉ ngơi rất tốt. Ta thấy tinh thần Mạnh Đồng Tri có vẻ đã ổn rồi, nếu vậy, ngày mai cùng ta lên đường đi một chuyến, chắc hẳn không có trở ngại gì."
Mạnh Thanh Hòa ngẩng đầu, vẻ mặt đầy nghi hoặc. Vừa mới trở về mà lại sắp xuất chinh rồi ư?
"Ta đã từng nói, khi trở về Bắc Bình, nhất định sẽ chuẩn bị lễ vật hậu hĩnh, đến thăm phủ đệ của Thập Nhị Lang." Đầu ngón tay thon dài trắng nõn lướt qua gò má Mạnh Thanh Hòa: "Chẳng lẽ, Thập Nhị Lang đã quên rồi sao?"
Mạnh Thanh Hòa: "..."
Nếu nói là vô tình quên mất, liệu có bị người ta thủ tiêu luôn không?
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro