Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 63: Điên đảo thị phi

Chương 63: Điên đảo thị phi

Mật thư của Lý Cảnh Long vừa đến Kinh Thành, Hoàng Tử Trừng đã toát mồ hôi lạnh.

"Sao mọi chuyện lại ra nông nỗi như này!"

Dù đã lường trước nhiều khả năng, nhưng Hoàng Tử Trừng không ngờ, năm mươi vạn đại quân lại bại trận nhanh như vậy.

Trong tay Yên Vương mới có bao nhiêu người? Yên quân trấn giữ Bắc Bình chưa đến mười vạn. Năm mươi vạn đại quân Nam Kinh vây thành chẳng những không thu hoạch được gì, ngược lại còn bị Yên quân phản công đánh cho tan tác, bị đuổi khỏi Bắc Bình, đánh bật ra khỏi Hà Bắc như xua vịt!

Nghĩ đến những lời đảm bảo chắc nịch của Lý Cảnh Long trước khi xuất binh, Hoàng Tử Trừng hận không thể ném thẳng vào mặt hắn ta một viên gạch. Đường đường mang tiếng danh tướng, tử tôn nhà Lý Văn Trung, vậy mà lại vô dụng, chỉ là cái bao cỏ!

Mắng chửi Lý Cảnh Long, nhưng Hoàng Tử Trừng lại chẳng thấy áy náy, cũng không thấy gã ta tự kiểm điểm bản thân, là Hoàng Tử Trừng tin vào những lời đảm bảo vô căn cứ của Lý Cảnh Long, một mực tiến cử hắn ta với Kiến Văn đế, bản thân Hoàng Tử Trừng thì cao minh hơn Lý Cảnh Long được bao nhiêu?

Điều duy nhất Hoàng Tử Trừng có thể nghĩ đến là, một khi tin tức đại quân thất bại truyền về Kinh Thành, Lý Cảnh Long chắc chắn sẽ không có kết cục tốt đẹp, gã ta e rằng cũng khó thoát tội.

Cho dù Hoàng đế không ra tay thì Tề Thái cũng sẽ không bỏ qua cho gã ta. Trong việc tước phiên Vương, hai người tuy đứng cùng một chiến tuyến, nhưng phần lớn thời gian, ý kiến ​​của Tề Thái và Hoàng Tử Trừng thường trái ngược nhau. Đặc biệt là trong việc bổ nhiệm Lý Cảnh Long làm chủ soái thống lĩnh năm mươi vạn đại quân, Tề Thái lúc đầu đã kịch liệt phản đối, thậm chí còn chỉ thẳng vào mũi Hoàng Tử Trừng, mắng gã ta là "kẻ hại nước", suýt chút nữa thì vu oan gã ta là gián điệp được Yên Vương cài vào.

Hoàng Tử Trừng chắp tay sau lưng đi đi lại lại trong phòng, sắc mặt ngày càng khó coi.

Gã ta có thể đi được đến ngày hôm nay, chủ yếu là nhờ sự sủng ái của Hoàng đế. Từ thời ngài còn là Hoàng thái tôn, gã ta đã sống chết ôm chặt lấy cái đùi của Chu Doãn Văn.

Tề Thái thì khác, ngoài sự sủng ái của Kiến Văn đế, hắn còn được Minh Thái Tổ coi trọng, ngay cả tên cũng là do Minh Thái Tổ đích thân đặt cho. Có ân tình này, rất nhiều lúc, Tề Thái luôn được Kiến Văn đế đánh giá cao hơn gã ta. Chỉ cần nắm được cơ hội, Tề Thái nhất định sẽ tâu với Hoàng đế, khiến gã ta không thể ngóc đầu lên được, giống như cách Hoàng Tử Trừng đã liên thủ với Ngự Sử để đối phó với Cảnh Bình Văn.

Nghĩ đến đây, Hoàng Tử Trừng dừng bước, không thể để Tề Thái nắm thóp, lấy việc Lý Cảnh Long thất bại làm cớ gây khó khăn cho gã ta được!

Quyết tâm xong, lập tức viết một phong thư đưa cho người đến: "Nhớ kỹ, nhất định phải tự mình đưa bức thư này cho Tào Quốc Công!"

Sau khi người đưa thư rời đi, Hoàng Tử Trừng lại phái người  theo dõi Thông Chính Sứ Ty, một khi có tấu chương từ Bắc Bình, Sơn Đông đến thì lập tức báo cáo. Đồng thời liên lạc với Hữu Thông Chính của Thông Chính Sứ Ty, nếu có chiến báo của quân đội thảo phạt Yên Vương gửi về, cho dù không thể đè xuống thì ít nhất cũng phải báo cho gã ta một tiếng.

Thông Chính Sứ Ty là nha môn tam phẩm, phụ trách tiếp nhận, sao chép, đóng dấu và trình tấu chương lên triều đình. Bất kể là tấu chương từ các nơi gửi về Kinh Thành, hay tấu chương từ trong kinh điều đi, đều phải do Thông Chính Sứ Ty sao chép và đóng dấu, sau đó mới được tổng hợp và trình lên vào buổi chầu sớm. Nếu có ban bệ, quan viên nào tự ý trình tấu chương lên trên mà không thông qua Thông Chính Sứ Ty, thì bất kể nội dung tấu chương là gì đều bị bác bỏ, đồng thời truy cứu trách nhiệm của những người liên quan.

Ngoại lệ duy nhất có lẽ là Ngự Sử của Đô Sát Viện và các Khoa Cấp Sự Trung.

Đây đều là những đấu sĩ trong số những mãnh nhân, không được trình tấu chương ư? Không sao, bọn họ sẽ bỏ qua thủ tục này, trực tiếp tâu thẳng trên triều!

Người đặt ra quy định này là Minh Thái Tổ, theo tư tưởng của Chu Nguyên Chương, mọi việc đều phải theo quy củ mà làm, ai dám phá vỡ quy củ do Chu Nguyên Chương đặt ra, thì phải cẩn thận cái đầu trên cổ.

Ví dụ điển hình nhất là vụ Không Ấn Án*, một trong bốn vụ án lớn thời Minh Thái Tổ. Chỉ là đóng dấu quan lên sổ sách trống mang vào Kinh Thành, để tiện cho việc đối chiếu sổ sách thu chi với Hộ Bộ khi có sai sót thì có thể sửa chữa, tránh mất thời gian đi lại giữa Nam Kinh và các phủ huyện địa phương, từ thời nhà Nguyên, các quan viên trong triều đã làm như vậy, quan viên Lục Bộ đều ngầm hiểu với nhau.

*Không Ấn Án: là một trong bốn vụ án lớn thời Hồng Vũ triều Minh, xảy ra năm 1376. Tể tướng Hồ Duy Dung bị cáo buộc lạm quyền, in ấn trắng và âm mưu tạo phản. Kết quả, Hồ Duy Dung bị xử tử, hơn 30,000 người liên quan bị giết hoặc đày, chức Tể tướng bị bãi bỏ. Vụ án này củng cố quyền lực của Chu Nguyên Chương, chấm dứt chế độ Tể tướng và thay đổi cơ cấu chính trị triều Minh, đồng thời thể hiện sự tàn bạo trong cách cai trị của vị hoàng đế này.

Nhưng trong mắt Minh Thái Tổ, đây chính là làm việc không theo quy củ!

Đao phủ vung lên, hàng nghìn người đầu rơi máu chảy, mà người bị giết đều là các quan lại nắm giữ chức vụ quan trọng trong nha môn.

Đáng thương thay, những vị quan này, một là không tham ô, hai là không phỉ báng triều đình, chỉ vì muốn nâng cao hiệu quả công việc, linh hoạt một chút, lại vì thế mà mất mạng. Có thể thấy, làm quan dưới thời Minh Thái Tổ thật sự không phải là chuyện dễ dàng.

Tuy Minh Thái Tổ đã băng hà, bây giờ đang là Kiến Văn đế trị vì, nhưng các quan viên trong triều vẫn còn gặp bóng ma ám ảnh, hành xử hết sức thận trọng.

Không ngờ Hoàng đế lại nghe theo ý kiến ​​của đám người Hàn Lâm Học Sĩ, muốn khôi phục Chu Lễ, tên gọi các nha môn trong triều bị thay đổi không nói, phẩm cấp quan lại cũng thay đổi xoành xoạch. Các quan viên ở Kinh Thành không khỏi lo lắng, nhỡ đâu một ngày nào đó Hoàng đế nổi hứng, lấy Chu Lễ làm cái cớ mà cắt giảm nhân sự, cho bọn họ về quê cày ruộng, thì biết làm sao bây giờ?

Vì muốn giữ bát cơm, rất nhiều người lấy cảm hứng từ việc thảo phạt Yên Vương, bám chặt lấy quy chế thời Minh Thái Tổ, vừa khóc vừa khuyên can Hoàng đế, Chu Lễ tuy tốt, nhưng pháp lệnh của Thái Tổ Hoàng đế không thể bỏ! Dám hát bài ca trái ngược với Thái Tổ Hoàng đế, đây chính là bất kính với tổ tông, bất hiếu!

"Hiếu đạo cao hơn trời, thần xin Bệ hạ hãy suy xét kỹ lưỡng!"

Loại ngôn luận này đã vấp phải sự phản bác của phe phái Chu Lễ do Phương Hiếu Nhụ đứng đầu, hai bên không ai chịu nhường ai, bắt đầu cuộc tranh luận nảy lửa.

Phe phái Chu Lễ cứng cổ: Không cải cách, chẳng bằng chết đi cho xong!

Phe phái Thái Tổ trợn mắt: Muốn bãi bỏ chức quan của lão tử ư? Trước tiên phải thu thập các ngươi đã!

Đều là người đọc sách, đều là những người đã vượt qua kỳ khoa cử gian nan để bước lên con đường làm quan, bàn về dẫn chứng kinh điển, Khổng Mạnh, Tuân Tử, bát cổ văn gì gì đó, ai sợ ai chứ!!!

Bên ngoài, Yên Vương lấy danh nghĩa "Tĩnh Nan, Thanh Quân Trắc" mà khởi binh tạo phản, bên trong, các quan viên phái Thái Tổ và phái Chu Lễ gặp mặt là cãi vã, tay áo xắn cao, rất có khí thế của mấy kẻ mang thù không đội trời chung.

Tình cảnh loạn trong giặc ngoài khiến Kiến Văn đế ngày nào cũng đau đầu. Ngài thật sự không hiểu, Thái Tổ Hoàng đế hễ tức giận là vung đao chém người, các đại thần trong triều, ai nấy ngoan ngoãn răm rắp, nói chuyện cũng không dám thở mạnh, hiệu quả làm việc cũng càng ngày càng cao. Rất nhiều chuyện không cần nói cũng có thể hoàn thành đâu ra đấy, một tháng tăng ca ba mươi ngày cũng không cần nhận thêm phần bổng lộc nào, thật là công tư phân minh, cống hiến hết mình cho đất nước.

Kết quả đến lượt ngài kế vị, không tuỳ tiện vung tay bẻ đầu ai, còn nâng cao địa vị của người đọc sách, đám quan viên trong triều này ngược lại chẳng ra thể thống gì. Gặp chuyện lớn đều giả vờ câm điếc, đối với một số thứ vụn vặt lại tranh cãi đến long trời lở đất. Chỉ là đổi tên một số nha môn, điều chỉnh một phần chế độ quan lại, mà bọn họ cứ làm như ngài muốn giết cả nhà, diệt cả tộc của bọn họ không bằng, đây là đạo lý gì?

Hai phe phái trong triều náo loạn khói lửa mù mịt, đấu võ mồm không ra kết quả, thành ra đang có xu hướng động chân tay, quần ẩu tập thể. Chiến sự ở phương Bắc liên tiếp gặp bất lợi, từ đầu đến cuối không có tin tức tốt, Chu Đệ ngược lại ngày càng lộng hành. Gương mặt Kiến Văn đế thường xuyên u ám, rất ít khi vui vẻ, nếu như nghe được tin Lý Cảnh Long dâng cả năm mươi vạn đại quân và hàng trăm nghìn tấn lương thảo cho Yên Vương, e rằng không muốn giết người cũng phải giết người.

Hoàng Tử Trừng tuy không am hiểu quân sự, nhưng lại hiểu rõ Hoàng đế.

Vì vậy, gã ta mới dám liều mạo hiểm lừa dối Hoàng đế, phái người đưa thư cho Lý Cảnh Long, dặn đi dặn lại không được tấu tình hình chiến sự thực tế về Kinh Thành. Đồng thời phái người theo dõi Thông Chính Sứ Ty, đề phòng chiến báo từ phương Bắc gửi về. Bản thân gã ta thì ngày ngày cầu kiến Hoàng đế, cố gắng mỗi khi Hoàng đế hỏi đến tình hình chiến sự thì có thể dàn xếp ổn thỏa.

Tóm lại cách làm của Hoàng Tử Trừng chỉ có một chữ: Giấu.

Giấu nhẹm tin tức đại quân thất bại, bảo toàn chức vị thống soái cho Lý Cảnh Long, đồng thời cũng bảo toàn mạng sống và mũ quan cho chính mình.

Thua lần này cũng không sao, có thể tiếp tục điều động đại quân, chỉ cần có thể giành được thắng lợi cuối cùng, Hoàng đế nhất định sẽ không truy cứu.

Hoàng Tử Trừng tính toán rất hay, nhưng Tề Thái lại không để gã ta được như ý muốn.

Không chỉ nhiều lần nhắc đến cục diện chiến sự ở Bắc Bình trước mặt Kiến Văn đế, tỏ ra nghi ngờ về việc Lý Cảnh Long đến nay vẫn chưa hạ được Bắc Bình, Tề Thái còn tâu với Hoàng đế rằng, tuy chưa có tấu chương cụ thể, nhưng đã có lời đồn đại, đại quân triều đình tác chiến bất lợi, đã bị Yên quân đánh bại, mất đi một vùng đất rộng lớn ở Hà Bắc, Liêu Đông. Lý Cảnh Long cũng đã chạy vào Đức Châu, rõ ràng là bại trận bỏ chạy.

"Thần nghe nói, Tào Quốc Công trước khi đại chiến đã bỏ chạy khỏi trận địa, dẫn đến quân ta đại bại. Xin Bệ hạ hạ lệnh điều tra rõ ràng, nếu lời đồn là sự thật, nhất định phải trị tội nặng để còn răn đe!"

Nghe Tề Thái nói xong, Hoàng Tử Trừng thầm nghĩ, đến rồi, cuối cùng cũng đến rồi!

Kiến Văn đế lộ vẻ nghi hoặc: "Có thật như vậy không?"

Không cho Tề Thái tiếp tục lên tiếng, Hoàng Tử Trừng vội vàng xen vào: "Tề Thượng Thư nói sai rồi. Thần nghe nói, đại quân thảo phạt nghịch tặc, từng nhiều lần giao chiến với Yên quân, đã có vài lần giành thắng lợi. Chỉ vì phương Bắc trời rét đậm, bất lợi cho việc tác chiến, hơn nữa quân của Tào Quốc Công phần lớn là quân Nam Kinh, không thể thích ứng kịp với thời tiết khắc nghiệt, chỉ có thể tạm thời rút về Đức Châu, để tránh rét đậm, bảo toàn thực lực, đợi đến mùa xuân năm sau sẽ quyết chiến với nghịch tặc Yên quân."

Hoàng Tử Trừng nói dối trắng trợn, cố tình biến thất bại của năm mươi vạn đại quân thành chiếc lược có tầm nhìn, một phen suýt nữa bị cách chức giáng tước đã được gã ta xoay chuyển tình thế rất tài tình.

Tề Thái không tin Hoàng Tử Trừng, lên tiếng phản bác, đáng tiếc Bắc Bình và Đức Châu vẫn chưa có tấu sớ gửi về, những gì trong lời của Tề Thái chỉ có "nghe nói", rất thiếu căn cứ.

Kiến Văn đế cuối cùng tin tưởng Hoàng Tử Trừng, theo suy nghĩ của ngài, quân triều đình có năm mươi vạn, quân đội dưới trướng Yên Vương nhiều nhất cũng chỉ mười mấy vạn, chỉ riêng về số lượng, Lý Cảnh Long đã chiếm ưu thế tuyệt đối. Cho dù không thể đánh hạ Bắc Bình, cũng chưa chắc đã thảm bại như lời Tề Thái nói.

Con người ai cũng thích nghe lời hay ý đẹp, trong trường hợp không có bằng chứng thực tế, Kiến Văn đế thà tin tưởng Hoàng Tử Trừng.

Kiến Văn đế bày tỏ thái độ, Hoàng Tử Trừng lập tức vỗ mông ngựa: "Bệ hạ thánh minh!"

Tề Thái tức giận đến mức mặt đỏ tía tai, suýt chút nữa thì phun ra một ngụm máu già.

Nhân lúc Tề Thái tức giận đến run rẩy, Hoàng Tử Trừng lại nói tốt cho Lý Cảnh Long. Trong miệng gã ta, Lý Cảnh Long từ một bao cỏ bại trận bỗng chốc biến thành một vị tướng tài ba thao lược, mưu kế thâm sâu, thương yêu thuộc cấp.

Nếu để cho Cù Năng, Thịnh Dung và mấy chục vạn tướng sĩ bị Lý Cảnh Long bỏ rơi nghe được những lời này, chắc chắn sẽ cầm đao chém chết Hoàng Tử Trừng, trên đời sao lại có kẻ nói hươu nói vượn mà không thèm chớp mắt như Hoàng Hàn Lâm vậy?!

Nhưng người nghe được những lời này là Kiến Văn đế, ngài không cho rằng Hoàng Tử Trừng đang nói dối, ngược lại còn cảm thấy gã ta nói rất có lý.

"Tốt lắm!"

Hai chữ thốt ra, Chu Doãn Văn vung bút, phong cho Lý Cảnh Long làm Thái Sư cho Thái Tử, đồng thời ban thưởng ấn tín, vàng bạc, rượu ngon, lông chồn. Ra lệnh cho Lý Cảnh Long tiếp tục làm thống soái, đeo ấn soái, đóng quân ở Đức Châu, đợi đến mùa xuân năm sau hội quân, quyết chiến với Yên quân.

Thưởng hậu hĩnh như vậy, quả thực hiếm thấy.

Thời Hồng Vũ, Lam Ngọc đại phá quân Nguyên ở Bắc Nguyên, cũng chỉ được phong làm Thái Phó cho Thái Tử, đứng sau Thái Sư Thái Tử một bậc. Lý Cảnh Long, một bao cỏ bại trận lại được hưởng vinh dự như vậy, khiến người khác nghe được, không khỏi nghi ngờ Hoàng đế rốt cuộc đang nghĩ gì, chẳng lẽ thật sự không muốn ngồi trên ngai vàng nữa sao?

Tin tức truyền đến Bắc Bình, Yên Vương cũng không dám tin, cho rằng đây là kế nghi binh của triều đình trước khi thay chủ soái. Mãi cho đến khi có hoạn quan trong cung truyền tin ra, Chu Đệ mới tin tưởng Lý Cảnh Long không bị cách chức, mà còn được thăng quan tiến tước.

Nên nói như thế nào đây? Trời cao cũng đang giúp Chu Đệ hắn hả!

Không đoạt lấy ngôi Hoàng đế quả thực là có lỗi với trời đất.

Phất tay ra hiệu cho người báo tin lui xuống, Yên Vương nói: "Trịnh Hòa, mời Đại hòa thượng đến đây."

"Nô tài tuân mệnh."

Tam Bảo trong trận đánh ở thôn Trịnh đã liều chết truyền tin cho tiền tuyến, giúp đại quân công phá doanh trại quân Nam Kinh, lập được đại công, được Yên Vương ban cho họ Trịnh. Sau khi trở về Bắc Bình, mọi người trong phủ không còn gọi tiểu danh của gã là Tam Bảo nữa, mà đều đổi cách gọi sang đại danh "Hòa".

Tháng 12 năm Kiến Văn thứ nhất, Mã Tam Bảo chính thức trở thành Trịnh Hòa.

Mạnh Thanh Hòa cuối cùng cũng xác định mình không nhận nhầm người, Trịnh Hòa say sóng nkia, quả thực chính là nhà hàng hải lừng lẫy trong lịch sử thời Minh.

Có điều... Gã đã giương buồm ra biển như thế nào vậy? Chẳng lẽ là say sóng suốt dọc đường khám phá Tây Dương?

Mạnh Thập Nhị Lang vô cùng nghi hoặc.

Đây không phải vấn đề chính mà Mạnh Thanh Hòa đang phải đối mặt, từ sau khi trở về Bắc Bình, hắn đã bị hòa thượng Đạo Diễn bám riết không buông.

Đại hòa thượng cố gắng thuyết phục Mạnh Thập Nhị Lang bái ông ấy làm sư phụ, gần như là không đạt mục đích thì không chịu bỏ cuộc. Mỗi ngày đều có một con ong vò vẽ cỡ bự vo ve bên tai, nỗi phiền muộn của Mạnh Thanh Hòa, e rằng chỉ có Yên Vương bị vo ve suốt mười năm mới có thể hiểu được...

"Bái bần tăng làm sư phụ thì có gì không tốt? Mạnh Thiêm Sự hãy suy nghĩ lại đi."

Mạnh Thanh Hòa nhếch nhếch miệng, chắp tay thi lễ với Đại hòa thượng, chuyện làm đồ đệ thì thôi bỏ đi, hắn thật sự không có hứng thú với việc gia nhập môn phái của hòa thượng.

Đạo Diễn hết lời khuyên nhủ, nhưng Mạnh Thanh Hòa vẫn ngoan cố không nghe.

"Thiên hạ nhiều người tài như vậy? Như Trịnh Hòa bên cạnh Vương gia chẳng hạn. Mạnh mỗ chỉ là có chút khôn vặt, không đáng để Đại hòa thượng để mắt tới."

Vì vậy, ngài làm ơn hãy đi tìm người khác mà vo ve đi.

Đạo Diễn vuốt ve chuỗi tràng hạt, niềm tin vô cùng kiên định, ta đã nói đến mức này mà ngươi vẫn không chịu, quả là một nhân tài, nhất định phải thu làm đồ đệ!

Một người nhất quyết muốn thu đồ đệ, một người sống chết không chịu gia nhập môn phái, hai người giằng co không dứt, cũng may, sự xuất hiện của Trịnh Hòa đã phá vỡ cục diện bế tắc.

"Phật gia, Vương gia cho mời."

Trịnh Hòa mỉm cười, vô cùng thân thiết nhưng không hề tỏ ra nịnh nọt.

"A Di Đà Phật."

Đạo Diễn niệm một tiếng Phật hiệu, hôm nay không thu được đồ đệ này, ngày mai tiếp tục chiến đấu. Đã chịu đựng được mười năm trong Vương phủ rồi, hòa thượng ta có quyết tâm, có nghị lực!

Nhìn theo bóng dáng Đạo Diễn khuất xa, Mạnh Thanh Hòa rốt cuộc cũng thở phào nhẹ nhõm.

Tài hùng biện của hòa thượng này quả thực lợi hại, chẳng trách có thể xúi giục Yên Vương tạo phản mà vẫn được trọng dụng. Nếu là người khác, e rằng đã bị Yên Vương chém đầu từ lâu rồi.

Tuy nhiên, hòa thượng có lợi hại đến đâu cũng không liên quan gì đến hắn. Hắn thật sự không có hứng thú làm đồ đệ của hòa thượng, cửa chính không có, cửa sổ cũng không, ống khói càng phải bịt kín!

Tạm thời thoát khỏi sự dụ dỗ như tụng kinh niệm phật của Đại hòa thượng, Mạnh Thanh Hòa xoay người đi bái kiến Thế tử, trì hoãn lâu như vậy rồi, kỳ nghỉ phép về quê mà Thế tử đã đích thân hứa hẹn với hắn cũng nên thực hiện rồi chứ?

Trận chiến thôn Trịnh, năm mươi vạn đại quân triều đình đại bại, tàn quân phần lớn rút lui vào Đức Châu được Lý Cảnh Long thu nạp, trong thời gian ngắn không còn sức lực phát động tấn công Yên quân nữa.

Yên Vương lại không nhàn rỗi, nhân lúc quân triều đình suy yếu, phái quân xuất phát từ Tử Kinh Quan, công hạ Quảng Xương, nhắm thẳng tới Đại Đồng.

Lần xuất binh này đã khiến Tấn Vương Chu Tế Hi cảnh giác, y biết mình không thể tiếp tục giả ngốc được nữa, đã đến lúc phải lựa chọn phe phái rồi.

Tấn Cung Vương Chu Cương qua đời vào năm Hồng Vũ thứ 31, chết sớm hơn lão phụ thân hai tháng. Tấn Vương Chu Tế Hi hiện tại là trưởng tử của Chu Cương, cũng phải gọi Chu Đệ một tiếng thúc thúc.

Tấn Vương Chu Cương là tam đích tử của Chu Nguyên Chương, do Mã Hoàng Hậu sinh ra. Nếu hắn ta còn sống, câu khẩu hiệu "Ta là đích tử của Thái tổ Cao Hoàng đế và Hiếu Từ Cao Hoàng hậu" của Chu Đệ, chưa chắc đã hô hào được vang dội như vậy.

Chu Lão Tam đã chết, Chu Lão Tứ lại tạo phản, Chu Tế Hi trong quá trình Kiến Văn đế tước phiên Vương cũng bị liên lụy, trưng ra thái độ không vừa lòng, nhưng từ đầu đến cuối, y chưa từng nghĩ đến việc tạo phản cùng Yên Vương.

Hiện tại tình thế đã khác, Yên Vương đánh bại năm mươi vạn đại quân triều đình dễ như trở bàn tay, Lý Cảnh Long co rúm ở Đức Châu không dám tiến về phương Bắc, Kiến Văn đế hoặc là bị che mắt, hoặc thật sự là hôn quân, đến nay vẫn chưa thay đổi chủ soái, tâm tư của Tấn Vương cũng bắt đầu dao động, đường đệ trên ngai vàng vô dụng như vậy, y có nên tạo phản hay không?

Yên quân nhắm thẳng tới Đại Đồng, cuối cùng đã thúc đẩy Chu Tế Hi hạ quyết tâm, dứt khoát gia nhập vào đội ngũ tạo phản của Yên Vương.

Có Tấn Vương gia nhập, đội quân "Tĩnh Nan" của Yên Vương đã lên đến ba mươi vạn, lương thực, chiến mã càng thêm sung túc, Yên Vương lúc này mới dám tuyên bố với thiên hạ, ta ai cũng không sợ!

Sau khi thương nghị với hòa thượng Đạo Diễn, Yên Vương phấn chấn viết tấu chương dâng lên triều đình, mượn danh nghĩa lão phụ thân, nhiều lần khẳng định tính hợp pháp của việc mình khởi binh "Thanh Quân Trắc", yêu cầu triều đình lập tức dừng mọi hành vi xâm phạm đến thân thể và tài sản của phiên vương. Đồng thời công bố thiên hạ bản hịch văn liệt kê tội danh của Tề Thái, Hoàng Tử Trừng, buộc Kiến Văn đế giết sạch những gian thần trong triều.

Cuối tấu chương và hịch văn, Yên Vương viết rất hùng hồn, nếu triều đình không tiếp nhận kiến nghị của hắn, hắn sẽ tiếp tục "Tĩnh Nan": "Tĩnh" đến tận Nam Kinh!

Kiến Văn đế bị ép đến mức bất đắc dĩ, chỉ đành tạm thời bãi miễn chức quan của Tề Thái và Hoàng Tử Trừng, để bảo toàn tính mạng cho cả hai.

Qua hành động này của Yên Vương, Kiến Văn đế bắt đầu nghi ngờ, Lý Cảnh Long ở Đức Châu không giống như lời Hoàng Tử Trừng nói là thao lược hơn người, nếu không, Chu Đệ sao dám ngang nhiên uy hiếp triều đình như vậy? Rõ ràng Chu Đệ không xem Lý Cảnh Long ở Đức Châu ra gì!

Nào là tạm thời rút lui về Đức Châu, đợi đến mùa xuân năm sau quyết chiến, tất cả đều là lời nói dối!

Bại trận mới là sự thật!

Kiến Văn đế cuối cùng cũng ngộ ra được sự thật, nhưng lại không thể xử lý Lý Cảnh Long. Vừa mới ban thưởng xong, sau lưng đã cách chức giáng tội, chẳng phải là tự vả vào mặt mình sao?

Bất đắc dĩ, chỉ có thể ngậm bồ hòn làm ngọt, nuốt nước mắt vào trong.

Tự véo mạnh vào đùi mình một cái, Kiến Văn đế nhịn!

Chủ soái không thể thay đổi, nhưng những tướng lĩnh khác vẫn có thể điều động.

Trong cuộc đời làm Hoàng đế của mình, Kiến Văn đế rốt cuộc cũng anh minh quyết đoán một lần, lần lượt hạ lệnh cho Vũ Định Hầu Quách Anh, An Lục Hầu Ngô Kiệt và Đô đốc Bình An chỉnh đốn quân mã tiến về phương Bắc, trợ giúp đại quân thảo phạt nghịch tặc.

Ngụy Quốc Công Từ Huy Tổ cũng nhận được lệnh bổ nhiệm.

Kiến Văn đế suy nghĩ rất kỹ, Từ Huy Tổ và Yên Vương nói thế nào cũng tính là thân thích, Lý Cảnh Long cũng vậy. So với Lý Cảnh Long, ít nhất Từ Huy Tổ còn biết đánh trận.

Từng đạo thánh chỉ được ban ra từ điện Phụng Thiên, bầu không khí ở Kinh Thành cũng theo đó, lập tức trở nên căng thẳng.

Tháng chạp, vốn là thời gian thư thái và vui vẻ nhất của các quan viên triều đình. Cận kề năm mới, kẻ thì thăm người thân, kẻ thì xin nghỉ phép, chờ đợi Hoàng đế ban yến tiệc ở Phụng Thiên Môn, sau đó bọn họ có thể trở về nhà, an nhàn hưởng thụ mấy ngày cuối năm.

Nào ngờ, chỉ vì một tờ tấu chương của Yên Vương, Hoàng đế trực tiếp hủy bỏ yến tiệc tất niên, ngay cả kỳ nghỉ của các quan viên cũng bị cắt giảm. Muốn xin nghỉ phép ư? Chẳng lẽ không thấy quan lớn Lục Bộ ngày nào cũng bận rộn sao? Không duyệt!

Tiếng oán thán của các quan viên không ngớt, hai vị Ngự Sử của Đô Sát Viện cứng cổ lên tiếng, can gián Hoàng đế quá mức vô tình, vô nghĩa, quá mức vô lý. Các vị Khoa Cấp Sự Trung cũng nhân cơ hội góp vui. Phái Thái Tổ và phái Chu Lễ trên triều không ngừng công kích lẫn nhau, nay khó có dịp cùng nhau chỉ trích Hoàng đế máu lạnh, không biết thương xót thuộc hạ, ngay cả dịp Tết cũng muốn nghiền ép, bóc lột quan viên triều đình.

Trong mắt những người này, việc Yên Vương tạo phản có thể tạm thời gác sang một bên, chẳng phải vẫn chưa đánh đến Nam Kinh sao?

Về quê thăm gia quyến, thân thích, cho bọn họ thời gian nghỉ ngơi mới là quan trọng. Hoàng đế chẳng phải vẫn luôn khoan dung nhân hậu, lấy lý lẽ để phục người sao? Sao có thể không màng đến sự vất vả của bọn họ, không cho phép mọi người nghỉ ngơi?

Hành vi như vậy tuyệt đối không thể dung túng!

Nhất định phải dâng sớ can gián!

Kiến Văn đế tức đến mức đau gan, rốt cuộc cũng hiểu vì sao Hồng Vũ đế luôn nhìn đám quan viên trong triều này không vừa mắt.

Tức giận hoá rồ, ngài cũng muốn giết người! Cầm đao lên, nhưng lại thế nào cũng không hạ thủ được.

Không thể xuống tay giết người, không có nghĩa là Chu Doãn Văn sẽ chấp nhận cho qua.

Ngài chính là không chịu đồng ý cho các quan nghỉ phép, cứ kéo dài như vậy, xem ai có thể thắng được ai!

Trong thành Nam Kinh, Kiến Văn đế và các quan viên triều đình chính thức bước vào cuộc chiến giằng co. Ngụy Quốc Công Từ Huy Tổ và Vũ Định hầu Quách Anh không có hứng thú tham gia vào chuyện này cùng đám quan văn, chỉ làm theo lệnh Hoàng đế, nghiêm túc chỉnh đốn quân ngũ, đến Hộ Bộ và Binh Bộ lĩnh lương thảo, xe ngựa, cung tên,... Các vị chủ sự của An Bí Cục, Binh Trượng Cục và Quân Khí Cục bận rộn đến mức chân không chạm đất, chiến giáp, binh khí của mấy chục vạn đại quân cần phải điều động từ nhiều nguồn, nếu không dốc hết sức sẽ không kịp.

Tả Đô Đốc Từ Tăng Thọ không được giao nhiệm vụ quân sự, Kiến Văn đế thể hiện rõ, ngài không tin tưởng hắn ta. Từ Tăng Thọ cũng không để tâm, khi Ngũ Quân Đô Đốc Phủ bận rộn đến mức sứt đầu mẻ trán, hắn ta lại lén lút đi dạo trong thành Nam Kinh, đi dạo một hồi lại đi đến Cốc Vương phủ ở Kinh Thành, vừa hay gặp Cốc Vương đang bước ra khỏi phủ.

Từ Tăng Thọ cười sang sảng, thi lễ nói: "Tham kiến vương gia."

Cốc vương dừng bước, quay người trở về phủ là điều không thể, chỉ có thể nhắm mắt đáp lễ, sau khi Từ Tăng Thọ mặt dày yêu cầu ở lại dùng bữa, đành phải mời hắn ta vào phủ.

Bắc Bình, Yên Vương phủ

Mạnh Thanh Hòa nhận được sự đồng ý của Chu Cao Sí, cho phép hắn về nhà sáu ngày.

"Cô vốn muốn thưa với phụ vương, muốn điều Mạnh Thiêm Sự trở về bên cạnh Cô. Nhưng phụ vương lại nói Mạnh Thiêm Sự tài năng xuất chúng, cần phải nghe theo sự điều động trong quân. Cô không nỡ cũng không còn cách nào khác, nhưng trước khi đại quân xuất chinh, Mạnh Thiêm Sự vẫn chịu trách nhiệm bảo vệ Vương phủ, có thể ở bên cạnh Cô nghe theo sai bảo."

Nghĩ đến những lời này của Chu Cao Sí, động tác thu dọn hành lý của Mạnh Thanh Hòa chậm lại.

Đảng phái của Thế tử?

Bây giờ mà hắn bị gán cho cái mác này thì thực sự chẳng phải chuyện tốt.

Thở dài một hơi, thôi vậy, nghĩ ngợi nhiều cũng vô dụng, suy cho cùng, bản thân hắn cũng chỉ là một nhân vật nhỏ bé. Vất vả lắm mới xin được nghỉ phép về thăm nhà, nên nhanh chóng lên đường thì hơn. Trễ nữa, nói không chừng lại xảy ra chuyện gì ngoài ý muốn.

Mạnh Thanh Hòa kiểm tra lại tiền bạc định mang về nhà, cất kỹ hoa tai nhỏ và tua rua cài tóc cho hai chất nữ, lại lấy vải vóc mà Yên Vương ban thưởng ra, ừm, chắc là đủ rồi.

Bước ra khỏi phòng, bên ngoài đã có bốn biên quân đứng sẵn, đợi hộ tống hắn.

Mạnh Thập Nhị Lang giờ đã là võ quan Tứ Phẩm, về quê thăm nhà một chuyến, chút phô trương này vẫn phải có.

Trước khi về nhà, hắn đã cho người báo cho Mạnh Hổ và Mạnh Thanh Giang, cũng nhờ Thẩm Chỉ Huy chuyển lời cho Từ Trung, đều là người xuất thân từ Khai Bình Vệ, hy vọng Từ Chỉ Huy có thể tạo điều kiện cho hai vị đường ca cùng Mạnh Thanh Hòa về quê thăm gia quyến.

Gần đây không có chiến sự lớn, ngoại trừ những nơi trọng yếu, Yên quân không cần phải lúc nào cũng cần phòng bị. Từ Trung bèn điều Mạnh Hổ và Mạnh Thanh Giang vào Yên Sơn Vệ, thuộc quyền quản lý của Mạnh Thanh Hòa, coi như đã cho Mạnh Thanh Hoà một ân tình không nhỏ.

Một Tiểu Kỳ và một Tổng Kỳ, việc điều động chỉ cần sửa đổi danh sách, cũng không tốn bao nhiêu công sức.

Biết được có thể về nhà một chuyến, Mạnh Hổ rất kích động, cũng mang theo đủ thứ lỉnh kỉnh. Mạnh Thanh Giang lại có vẻ hơi lạnh nhạt, không mấy nhiệt tình, Mạnh Thanh Hòa cũng không nói nhiều, chỉ khuyên hắn ta: "Dù sao cũng phải về nhà bái kiến trưởng bối, hỏi han sức khỏe một tiếng."

Mạnh Thanh Hòa và đoàn người còn chưa ra khỏi vương phủ, đã gặp Thẩm Tuyên đang từ hướng đối diện đi đến.

Áo bào đỏ thẫm, mũ ô sa đen, thắt lưng vàng, bên hông là hai tấm thẻ bài chạm khắc Kim Long và Hổ Phù, bên cạnh còn đeo thêm một thanh trường đao vỏ cá mập.

Khuôn mặt tuấn mỹ như ngọc, mắt sáng như viễn sơn.

Mạnh Thanh Hòa tiến lên một bước: "Bái kiến Thẩm Chỉ Huy."

"Ừm." Thẩm Tuyên liếc nhìn Mạnh Thanh Hòa và những người phía sau hắn, cuối cùng ánh mắt dừng lại trên mặt Mạnh Thanh Hoà: "Mạnh Thiêm Sự muốn xuất thành?"

"Bẩm Chỉ Huy, Thế tử đã cho phép thuộc hạ về quê thăm gia quyến."

"Mấy ngày?"

"Sáu ngày."

Thẩm Tuyên gật đầu, tiếp tục nói: "Trước đó đã nói, Thẩm mỗ sẽ đến nhà của Mạnh Thiêm Sự bái kiến trưởng bối, lựa ngày chi bằng chọn ngày, hôm nay Thẩm mỗ đến luôn, thế nào?"

Mạnh Thanh Hòa sửng sốt, hắn cứ tưởng Thẩm Tuyên chỉ thuận miệng nói, nhưng nghe ngữ khí nghiêm túc thế kia, là thật sự muốn đến nhà hắn?


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro