Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 30: Khủng hoảng

Chương 30: Khủng hoảng

Mạnh Thanh Hòa vẫn luôn ghi nhớ ân tình của Cao Phúc, tìm được ngày thích hợp, đem thịt ngựa được chia, phân ra thành từng miếng lớn, nấu cả một nồi đầy, mời Cao Phúc và các huynh đệ ăn một bữa no nê.

Thịt và xương thô ngụp lặn trong nước súp, cùng với từng bát lớn bánh kiều mạch nóng hổi được mang lên, mùi thơm ngào ngạt.

Cao Phúc và các huynh đệ cũng không khách sáo, bỏ đũa dùng tay, rút dao găm mang theo bên người, gọt gân trên xương, đưa vào miệng, từng miếng lớn, nhai rất ngon.

Đinh Tiểu Kỳ và Lưu Tiểu Kỳ không mời mà đến, Lưu Tiểu Kỳ còn hơi xấu hổ chứ Đinh Tiểu Kỳ thì như đã quen, mặc kệ bản mặt đen sì của Mạnh Bách Hộ, sau khi chắp tay chào hỏi, đũa trên tay chuẩn xác nhắm vào miếng xương nhiều thịt nhất, nhanh chóng vớt lên, hung hăng cắn một miếng.

Nhanh, gọn, lẹ, tinh thần ba chữ này được phát huy đến mức tối đa.

Dầu bắn tung tóe, Mạnh Thanh Hòa nhìn mà giật giật khóe miệng.

Cựu Lang trung đại nhân này, sự thanh cao của văn nhân đâu? Khí độ của quan viên Đại Minh đâu? Tiết tháo của người đọc sách đâu?

Cựu Lang trung đại nhân gặm xong xương, lau miệng, "Tiết tháo là gì? Ta lần đầu nghe đấy."

Nói xong, dứt khoát vứt đũa, trực tiếp xông vào cướp, mức độ hung hãn không thua kém gì biên quân bên cạnh.

Tinh thần giác ngộ cực cao, hành động noi gương cực chuẩn, đây chính là tác phong của quan văn Ngũ Phẩm!

Còn có thể nói gì nữa?

Mạnh Bách Hộ chỉ có thể xắn tay áo, trợn mắt, tham gia vào hàng ngũ cướp thịt.

Mọi người đều là nho sinh tòng quân, ta sợ ngươi chắc!!

Trước mặt một đám quân Minh hung hãn, Mạnh Hổ và Mạnh Thanh Giang là hai người duy nhất còn duy trì được hai chữ nho nhã. Bưng bát cơm lùi sang một bên, nhìn nhau, may mà bếp dưới có để dành một ít, nếu không đừng nói là thịt vụn, ngay cả nước thịt cũng không có mà húp.

"May mà Tứ đường ca nhìn xa trông rộng!"

"Quá khen, quá khen, bánh kiều mạch còn mấy cái?"

"Không nhiều." Mạnh Hổ giơ mười ngón tay lên.

"Đường đệ xuất sắc lắm!" Mạnh Thanh Giang giơ ngón tay cái.

"Quá khen, quá khen." Mạnh Hổ cười hiền lành.

Cho nên mới nói, gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, ở cùng Mạnh Thập Nhị Lang lâu ngày, gỗ son cũng bắt đầu biến đen.

Tháng mười hai, năm Hồng Vũ thứ ba mươi mốt.

Vào đông, miền Bắc liên tục đổ tuyết, đường lớn không thể đi lại được. Tấu chương từ khắp nơi gửi về Kinh Thành, trì hoãn hơn mười ngày mới được đặt lên bàn của Hoàng đế. Đợi đến khi triều đình biết được Bắc Nguyên lại xâm phạm biên giới, biên quân Liêu Đông và các nơi khác đã chém giết với người Mông Cổ được vài đợt.

"Lúc này Bắc Nguyên lại xâm phạm biên giới?"

Đừng trách Kiến Văn đế thấy khó tin, hàng năm vào thời điểm này, người Mông Cổ đã về nhà ngủ đông, biên giới cũng được yên tĩnh, năm nay đúng là tình huống đặc biệt.

Người Mông Cổ ở Khai Bình Vệ không xơ múi được gì, còn bị hái đầu người như gặt lúa, vài lần như vậy, tổn thất không ít người ngựa, mỗi lần nghĩ đến đều không nhịn được rớt nước mắt chua xót. Những người chạy thoát về, dù giữ được mạng, vẫn phải đối mặt với vấn đề sinh tồn nghiêm trọng.

Không có lương thực, không có vải bông, chỉ dựa vào gia súc trong tay dân du mục, làm sao chống đỡ qua mùa đông? Cho dù có thể chống đỡ được, bò cừu cũng bị giết thịt ăn sạch, năm sau sẽ sống thế nào?

Hàng loạt vấn đề liên tiếp đặt ra trước mắt, khiến cho các vương công quý tộc Bắc Nguyên thấm thía được sự khó khăn của cuộc sống sinh tồn.

Trong vương trướng của Hoàng đế Bắc Nguyên, Ngạch Lặc Bá Khắc mặt mày u ám. Các đại thần và vương công đều không nghĩ được biện pháp nào tốt hơn, chỉ có thể cắn răng bẩm tấu, cướp thêm lần nữa.

"Cướp thêm lần nữa?"

Ánh mắt cả đám lập loè như sói đói, địa bàn Yên Vương không dễ cướp, vậy thì đi Liêu Đông, đi Sơn Tây, tóm lại, gặp may cũng có thể thu được chút ít chứ?

Vì vậy, vào mùa đông lạnh giá của năm Hồng Vũ thứ ba mươi mốt, Bắc Nguyên liên tiếp tổ chức nhiều cuộc tấn công vào biên giới Đại Minh. Kỵ binh Bắc Nguyên phân tán khắp nơi, tác chiến du kích, phát huy tối đa tiêu chuẩn hành động cao nhất: Có cơ hội thì cướp, cướp xong thì chạy, một khi gặp biên quân, vẫn phải cắm đầu chạy, tuyệt đối không tham chiến.

Bất kể cướp được hay không, giữ mạng là quan trọng nhất. Đợi khi gió mạnh, huynh đệ ta lại trỗi dậy!

Ruồi không cắn người, nhưng nó làm người ta khó chịu!

Biên quân trong Vệ Sở điên tiết, bắt đầu hắng giọng hỏi thăm mười tám tổ tông của quân Mông Cổ, đủ loại lời lẽ không văn minh lần lượt ra đời, lưu hành khắp biên ải, nổi đến mức không ai không biết. Các loại phương ngữ quy tụ lại với nhau, mắng cả ngày cũng không bị trùng lặp.

Thực sự không thể chịu đựng được, biên quân Liêu Đông và các nơi khác bắt đầu chủ động xuất kích, Đóa Nhan Tam Vệ dưới trướng Ninh Vương cũng không rảnh rỗi, vung đao chém người không chút nương tay. Nhận tiền của ai thì làm việc cho người đó, đây là đạo đức nghề nghiệp cơ bản.

Trong một thời gian dài, khắp nơi ở phương Bắc vang lên tiếng giết chóc, đao kiếm sáng loáng, triều đình cũng vì vậy mà chấn động.

Tin tức truyền đến Nam Kinh, Kiến Văn đế buộc phải giảm bớt tốc độ gây sức ép cho các phiên Vương, một đám đại thần chủ trương tước phiên Vương cũng hạ thấp giọng. Khi mâu thuẫn bên ngoài và mâu thuẫn trong nước xảy ra xung đột, phần lớn mọi người vẫn có thể phân biệt được cái nào cấp bách hơn. Chuyện nhà tạm gác sang một bên, trước tiên đuổi hàng xóm đi, rồi làm gì thì làm.

Sau khi người Mông Cổ tấn công Liêu Đông, lần nữa thất bại trở về, Yên Vương, Ninh Vương, Tấn Vương, Liêu Vương, Cốc Vương đột nhiên liên thủ, tập hợp quân đội, bất chấp gió tuyết, từ các Vệ Sở tiến ra phía Bắc hai, ba mươi dặm, tiến hành quét dọn người Mông Cổ ấn nấp khắp nơi, động tác nhanh chóng, hung tàn như mưa rền gió dữ!

Tả Đô Đốc Dương Văn, Vũ Định Hầu Quách Anh cũng tích cực tham gia vào hành động này. Đích thân mặc giáp xuất trận, oai phong năm xưa vẫn không hề giảm sút.

Khai Bình Vệ trấn thủ nơi hiểm yếu, biên quân trong Vệ Sở dũng mãnh thiện chiến, chỉ có một số ít ở trong thành, những người còn lại dưới sự chỉ huy của Từ Trung, dốc hết toàn lực lao vào chiến trường.

Thẩm Tuyên được lệnh làm tiên phong, dẫn theo ba nghìn kỵ binh xông pha chiến đấu, trong vùng thảo nguyên tuyết phủ mênh mông, tìm kiếm tung tích người Mông Cổ, tìm được thì giết, giết xong thì tiếp tục tìm, giết đến mức người Mông Cổ chỉ cần thoáng nghe tiếng gió là chuồn sạch.

Mạnh Thanh Hòa dẫn hơn trăm binh sĩ dưới quyền, đi theo đội quân của Thẩm Du Kích, giả vờ vung tay múa chân rất khí thế, tiện thể nhặt đồ rơi.

Không phải hắn muốn lười biếng, nhưng hễ là nơi kỵ binh của Thẩm Du Kích đi qua, thì chả khác gì vừa có nạn châu chấu quét ngang, có thể gặp một, hai người Mông Cổ còn sống đã có thể coi là kỳ tích.

Mạnh Thanh Hòa thề với trời, mỗi một từ hắn sử dụng đều để ca ngợi tư thế oai hùng của Thẩm Du Kích!

Vào giữa tháng mười hai, chiến dịch quân sự liên hợp của các phiên Vương đã đạt được thành công viên mãn.

Yên Vương, Ninh Vương và các phiên Vương khác không gặp mặt, chỉ dùng thư tín để liên lạc với nhau, tổng kết kinh nghiệm và thiếu sót trong quá trình hành động, tiện thể bàn bạc xem tấu chương nộp lên triều đình nên viết thế nào. Tổn thất báo cáo ra sao, chiến công xin thưởng gồm những gì, trong đó có không ít điều cần nói.

Sau khi thương nghị và quyết sách với nhau, các phiên Vương lần lượt dẫn quân trở về đất phong, không lâu sau, liên tiếp có chiến mã mang theo tấu chương của các phiên Vương chạy về Nam Kinh.

Chiến trận đã kết thúc, người Mông Cổ đã bị đuổi đi, triều đình cũng nên có ý tứ chút đúng không?

Nói trắng ra, việc các phiên Vương xuất binh chinh phạt biên giới lần này, về mặt đại nghĩa là vì nước, vì dân, xét về tầng lớp sâu xa hơn, chưa chắc đã không phải là một lần thị uy ra oai với triều đình.

Chu Vương bị bắt, tước bỏ phong hầu, người chấn động không chỉ mình Yên Vương. Lần này là Chu Vương, ai biết lần sau là cái gì Vương?

Giết gà dọa khỉ, khỉ là ai mọi người đều biết rõ, nhưng không ai muốn làm con gà đó nữa.

Ngoài Tấn Vương đã mất, phiên Vương nào không phải là thúc thúc của Kiến Văn đế? Phiên Vương có thực lực yếu thì thôi không nói, còn loại dũng mãnh, hung tàn như Yên Vương, Ninh Vương, có thể tùy ý để hiền chất nhào nặn sao?

Vì vậy, sau khi tấu chương ở biên ải phương Bắc được đưa đến Nam Kinh, Kiến Văn đế lo lắng, một lần nữa, ngài nhận ra, mấy người thúc thúc đó của ngài, không có ai là đèn cạn dầu, con đường tước phiên Vương này, gánh thì nặng mà đường còn xa quá...

Kiến Văn đế cũng nhận ra, khó khăn lớn nhất chắc chắn là Yên Vương.

Các thúc thúc khác không tiện nói, nhưng Yên Vương nhất định sẽ phản!

Kiến Văn đế cũng không phải là kẻ ngốc, trước khi thực sự động thủ, phải chuẩn bị đầy đủ hơn. Tề Thái, Hoàng Tử Trừng và những người khác đã vạch ra kế hoạch tưởng chừng như hoàn hảo, chỉ đợi Kiến Văn đế phê chuẩn, chấp thuận thi hành.

Bỏ qua hai người Tề, Hoàng và những quan viên theo phái chủ chiến, trong triều đình cũng có vài tiếng nói khác.

Cao Nguy từng đảm nhiệm Tiền Quân Đô Đốc phủ Tả Đoạn Sự, hiện đang chịu trách nhiệm chính cho Lại Bộ, cùng với Ngự Sử Hàn Úc, lần lượt dâng tấu chương, kiên quyết không đồng ý chủ trương ​​và cách xử lý của những người theo phái chủ chiến, như Tề Thái, Hoàng Tử Trừng.

Trong tấu chương của Cao Nguy đã viết rõ, việc tước phiên Vương là cần thiết, mọi người đều đồng ý. Nhưng các biện pháp tiến hành cần được xem xét lại.

Bắt chước sự cứng rắn của Triều Thác thì tuyệt đối không được, nếu không cẩn thận sẽ kích động phiên Vương tạo phản. Nên học tập sự linh hoạt của Chủ Phụ Yển, thực hiện các hình thức ban ân, phong hầu Vương không thể chia thêm, thì phong cho con cháu của các phiên Vương, để bọn họ tự kiềm chế lẫn nhau, con cháu phiên Vương phương Bắc thì nhận đất phong ở phương Nam; con cháu chư vương phương Nam thì lập phủ đệ ở phương Bắc.

"Như vậy, quyền lực của phiên Vương sẽ tự động phân tán, mà không cần chúng ta động thủ."

Loại biện pháp này, Kiến Văn đế đã từng đề cập khi dâng tấu chương cho Hồng Vũ đế, nhưng khi Cao Nguy và Hàn Úc đưa ra một lần nữa, Kiến Văn đế lại do dự.

Người trẻ tuổi làm việc, đều có sự bốc đồng, huống hồ, các phiên Vương đã khiến Kiến Văn đế cảm nhận được mối đe dọa thực sự.

Nhìn vào những tấu chương bày ra trước mặt, vị Hoàng đế trẻ tuổi vẫn không thể đưa ra quyết định, chỉ có thể sai người đi tìm Tề Thái, Hoàng Tử Trừng và những người khác để bàn bạc.

Tề Thái và những người khác nghe xong, đương nhiên lắc đầu.

"Bệ hạ, các phiên Vương đa phần kiêu ngạo phóng túng, vi phạm triều chế, không tước phiên Vương thì kỷ cương triều chính không lập được, biện pháp ban ân mặc dù tốt, nhưng không thể thực hiện. Bệ hạ là Vua một nước, phiên Vương cũng chỉ là thần tử mà thôi..."

Trong Văn Hoa Điện, Hoàng Tử Trừng đứng thẳng người, dõng dạc nói. Tề Thái và những người khác không ngừng tán thành, thêm vào vài câu đốc thúc. Kiến Văn đế được tâng bốc đến mức mặt mày hồng hào, liên tục gật đầu.

Kết quả của việc quân thần thương nghị này, ai cũng có thể đoán được.

"Vậy thì cứ làm như các khanh nói đi!"

Kiến Văn đế cuối cùng cũng hạ quyết tâm, vỗ tay đánh nhịp, tốt, Trẫm cứ làm như vậy!

Chiến tranh ở biên ải vừa kết thúc, Kiến Văn đế tự cho rằng đã mài xong đao, bắt đầu động thủ.

Tháng mười hai năm Hồng Vũ thứ ba mươi mốt, triều đình có lệnh, điều Công Bộ Thị Lang Trương Bỉnh sang làm Bố Chính Sứ Bắc Bình, điều Hà Nam Đô Chỉ Huy Sứ Tạ Quý, Quý Châu Đô Chỉ Huy Thiêm Sự Trương Tín làm Đô Chỉ Huy Sứ Bắc Bình, Ấn Sát Sứ Trần Anh làm Thiêm Sự Bắc Bình. Đồng thời thăng chức cho nguyên Cẩm Y Vệ Chỉ Huy Sứ Tống Trung làm Đô Đốc, đóng quân từ Khai Bình Vệ kéo dài đến tận Sơn Hải Quan.

Nguyên Bắc Bình Đô Chỉ Huy Sứ Trần Hanh cùng Yên Vương đi quá gần nhau, Kiến Văn đế vung bút, thăng Trần Hanh làm Đô Đốc Thiêm Sự, quan thăng nhưng quyền hành mất sạch, ý muốn bảo Trần Hanh kiếm chỗ nào mát mẻ thì đi chỗ đó chơi đi!

Trương Bỉnh và những người khác được điều đến Bắc Bình, nhiệm vụ trọng tâm chỉ có một, đó là nhìn chằm chằm Yên Vương, một khi phát hiện Yên Vương có dấu hiệu tạo phản, lập tức phụng chỉ xử lý!

Chưa dừng lại ở đó, Kiến Văn đế đang trong cơn phấn khích, dự định tiếp tục chơi trò phá núi dọa hổ, lấy tội danh "tham lam tàn bạo", bắt giữ Đại Vương Chu Quế, người vừa liên hợp với Yên Vương xuất chinh đánh giặc Mông Cổ ở biên ải. Tương tự Chu Vương, cả gia quyến Đại Vương bị bắt đến Nam Kinh, tội danh nhanh chóng chứng thực, tước bỏ phong hầu cha truyền con nối. Đến sang năm, Đại Vương Chu Quế bị đưa đến vùng núi phía dưới đất Thục để tham gia lao động sản xuất, tiếp nhận giáo dục của tầng lớp bần nông.

Hàng loạt động thái của triều đình có thể nói là mạnh mẽ vang dội, Kiến Văn đế tự cho là mình đắc thủ, không biết rằng, người ra tay trước chưa chắc đã giành được tiên cơ, người động thủ sau chưa chắc đã không có lợi thế.

Sự thật lịch sử đã chứng minh, khí phách thư sinh nhất định hỏng, nhất thời xúc động hại chết người!


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro