Chương 5: Tiểu Hầu gia tức giận rồi
Nghe Ngôn Lão Tướng quân nói như vậy, Hạ Nam Phong càng không tiện ra mặt giúp Vạn thị, ria mép của ông ta giật giật, nhưng cũng không nói gì nữa.
Gương mặt nhỏ nhắn, ước chừng chỉ to bằng bản tay của Vạn thị trắng bệch như tờ giấy, Hạ Nam Phong thấy vậy đau lòng quá đỗi, nhưng nàng ta vẫn khá bình tĩnh, chỉ cúi đầu im lặng một hồi, rồi chậm rãi đáp: "Đúng như lời Hầu gia nói, tranh vẽ và bát tự của Cố nhi đều là do Hoàng hậu nương nương đích thân cho đòi, chứ con không hề có ý đó đâu. Hôm nay lúc dùng bữa Hầu gia cũng đã hỏi con về việc này rồi, bây giờ hai vị có hỏi nữa, thì con cũng chỉ có một câu trả lời này thôi."
Nàng ta vừa nói, vừa gấp khăn tay chấm chấm giọt lệ, nhỏ giọng nói: "Huống chi, Cố nhi cũng đã đến tuổi bàn chuyện hôn nhân. Tuổi của thằng bé tương đương Trưởng Công chúa điện hạ, nếu nương nương đã để ý đến Cố Nhi nhà chúng ta, thì chẳng lẽ đây không phải phúc của Trường Dương Hầu phủ sao? Trưởng Công chúa điện hạ cành vàng lá ngọc, hứa hẹn với Cố Nhi, cũng đâu phải là thiệt thòi cho thằng bé. Tuy đúng là con đưa bát tự của nó vào cung, nhưng đó cũng là do phụng mệnh ý chỉ của Hoàng Hậu nương nương. Tại sao khi đến tai Lão phu nhân, lại thành 'lòng dạ dơ bẩn' rồi? Chẳng lẽ việc Hoàng Hậu nương nương xem trọng phẩm chất tài hoa của Cố nhi mà có ý hứa gả công chúa cho, cũng là sai hay sao?"
Lời này của nàng ta giống như chỉ đang biện bạch cho bản thân, nhưng thực chất lại ngấm ngầm châm chọc, ám chỉ Ngôn Lão tướng quân và Ngôn lão phu nhân bất kính Hoàng Hậu, bất kính công chúa. Ngôn lão phu nhân vừa nghe xong, sắc mặt lập tức thay đổi. Vạn thị khom lưng uốn gối nhiều năm, Ngôn lão phu nhân không ngờ nàng ta còn có bộ mặt như vậy, bà tức giận đến mức đứng dậy chỉ vào nàng ta, đầu ngón tay cũng run run: "Ngươi...ngươi..."
Hạ Cố vội vàng đỡ bà ngoại ngồi xuống, y biết rõ Vạn Thị tuy không có ý tốt, nhưng nàng ta nói cũng không sai. Không muốn làm Phò mã vốn là điều rất nhiều công tử nhà huân quý đều ngầm hiểu với nhau, nhưng chẳng mấy người dám nói ra, cũng vì lẽ như vậy.
Làm một kẻ ăn không ngồi rồi cũng chẳng sao, tuy lấy công chúa không thể làm quan, nhưng cũng được ban thưởng hậu hĩnh. Chỉ cần không phạm phải sai lầm lớn, thì cả đời không lo cơm áo, sống cuộc sống giàu sang nhàn nhã kể cũng vui vẻ sung sướng.
Tuy Trường Dương Hầu phủ ở Biện Kinh cũng không tính là công hầu quý tộc số một số hai, nhưng cũng nào phải dạng nghèo hèn. Hạ Cố lại là đích trưởng tử, tương lai còn thừa kế tước vị, dù có làm Phò mã hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống cẩm y ngọc thực của y. Vậy mà lại vì chuyện này mà chôn vùi tiền đồ, thì thực sự không đáng.
Trong lòng Ngôn lão phu nhân, đứa cháu trai này của bà là một đứa rất có ý chí.
Con gái lớn mệnh khổ mất sớm, cháu ngoại tuổi nhỏ đã mồ côi. Thằng nhỏ không những không hư đốn lệch lạc, mà còn thông minh nhanh nhẹn từ bé, văn võ song toàn, học một biết mười.
Tài võ nghệ, cưỡi ngựa, bắn cung cũng là số một số hai trong dàn công tử vương tôn quý tộc ở Biện Kinh này, Hạ Cố tuổi còn trẻ mà đã theo phụ thân bình loạn Thừa Hà, chiến thắng trở về. Tuy cũng chẳng phải chiến công hiển hách, nhưng xét ở tuổi mười sáu thì đó cũng là thành tựu đáng nể.
Phảng phất phong phạm năm đó của Ngôn lão tướng quân, thậm chí còn sóng sau xô sóng trước.
Ngôn lão phu nhân tin rằng, ngày sau cháu trai chắc chắn sẽ làm nên nghiệp lớn.
Nhưng lúc này bà cũng không thể nói thẳng rằng hôn sự này không tốt, mặt bà lúc đỏ lúc tái. Hạ Cố thấy vậy, y sợ bà sẽ tức đến đổ bệnh mất, đang tính mở miệng thì đã nghe thấy tiếng cha ruột y, Hạ lão hầu gia lên tiếng: "Nhạc phụ nhạc mẫu không cần lo lắng đâu, dù đây là ý của Hoàng hậu nương nương, nhưng trong cung cũng chưa chắc chắn chuyện này. Bây giờ cũng chỉ coi như xem mắt giúp công chúa, chưa chắc Cố Nhi đã cưới được công chúa mà. "
"Thế này đi, hai ngày nữa Bệ hạ hẳn sẽ từ trường săn Tây Sơn hồi kinh. Đến lúc đó ta vào cung báo cáo công tác, có lẽ có thể thăm dò đôi chút lúc diện thánh. Nếu Bệ hạ cũng có ý đó, ta sẽ tìm một lý do để từ chối khéo giúp Cố nhi, Bệ hạ là bậc chính nhân quân tử, ta lại có công bình loạn Thừa Hà, thiết nghĩ Bệ Hạ sẽ không vì thế mà trách tội ta đâu. Việc này vẫn có thể xoay chuyển được."
Ông ta vừa dứt miệng, khỏi nói, Hạ Cố và hai người Ngôn lão tướng quân đều có chút bất ngờ, nhưng ngay cả Vạn thị cũng đứng hình. Ngôn lão tướng quân im lặng đôi chút, nhắm mắt nói: "...Coi như ngươi còn chút lương tâm của người làm cha."
Vạn thị lúng túng một hồi, thấp giọng: "Đây...đây là ý của Hoàng hậu nương nương, Hầu gia từ chối thẳng thừng như vậy, sợ rằng sẽ đắc tội với hoàng gia..."
Nàng ta chưa kịp dứt lời, Hạ Nam Phong đã nghiêm mặt, quát: "Nàng câm miệng!"
Vạn thị rất hiếm khi thấy ông ta tức giận như vậy, giật mình sợ hãi rồi vội vã cúi đầu, không dám lên tiếng nữa.
Hạ Nam Phong đã hứa ngày mai tiến cung sẽ thay con trai từ chối mối hôn sự này, vợ chồng Ngôn lão cũng không tiện nói tiếp nữa, bèn cáo từ ra về. Hạ Nam Phong có ý muốn giữ họ lại ăn cơm tối, nhưng cũng bị Ngôn lão tướng quân không mặn không nhạt từ chối.
Lúc này Ngôn lão phu nhân mới chú ý đến Ngôn Định Dã đang lấp lấp ló ló bên mé cửa không dám bước vào, ngẩn người, hỏi: "Định Dã, sao con lại ở đây?"
Ngôn Định Dã sờ sờ mũi, hơi xấu hổ, lí nhí đáp: "Cái này...hôm nay con đang đi trên phố thì tự dưng đụng trúng biểu ca, rồi bị huynh ấy tóm tới đây."
Ngôn lão tướng quân nhìn đứa cháu trai không nên thân này, lòng thầm đoán rằng thằng nhóc ranh con này chắc lại ra ngoài lêu lổng, nhưng ông cũng không muốn dạy dỗ cháu mình trước cửa Hạ Gia, chỉ khẽ nhíu mày rồi nói: "Về nhà."
Dứt lời, ông nhìn sang cháu ngoại, ngữ khí dịu dàng đi trông thấy: "Cố nhi, con không dễ mới về kinh, ngày khác nhớ đến thăm ta và bà ngoại con nhé."
Ngôn Định Dã: "..."
Rốt cuộc ai mới là cháu ruột vậy!
Hạ Cố liền gật đầu đồng ý, Hạ Nam Phong ép Vạn thị ở trong phòng, không cho nàng ta ra ngoài, rồi cùng con trai đưa hai vị Ngôn gia tới cửa phủ. Cho đến khi tiễn họ lên xe ngựa mới quay người trở về.
Vừa quay đầu đã đối diện với ánh nhìn lạnh lẽo của con trai cả.
Hạ Cố thấy ông ta nhìn về phía mình, y nhếch mép cười khinh khỉnh, không nói câu nào quay về phòng mình.
Hạ lão hầu gia đột nhiên nói: "Con đứng lại."
Hạ Cố dừng bước: "Cha có gì chỉ dạy sao?"
"Hai ngày nữa vi phụ tiến cung, con đi cùng ta đi."
Hạ Cố ngẩn người: "Con...con đi làm gì chứ?"
Bộ râu của Hạ Nam Phong rung rung, khóe miệng mấp máy, nhưng cũng vẫn chẳng nói tiếng nào.
Ông biết rõ đương kim Thiên tử không chỉ là chính nhân quân tử, mà còn là bậc minh quân. Bệ hạ mến tài, dù đứa con trai lớn nhà ông ta có chút ngỗ nghịch, nhưng bất kể là văn chương thi từ hay cưỡi ngựa bắn cung, nó đều có chút tài năng. Dù việc này Hạ Nam Phong chưa từng nói ra, nhưng trong thâm tâm ông cũng thầm tự hào đôi chút. Ông ta cũng không ít lần nghe đồng liêu hâm mộ ông sinh ra được đứa con tài giỏi. Nếu Bệ hạ gặp được Hạ Cố, tám phần sẽ sinh lòng tiếc tài mà có thể sẽ muốn giữ nó lại để sau này làm quan làm tướng, không nỡ để nó chôn vùi tương lai ở cái ghế Phò mã.
Kế này hay hơn để ông ta tự mình mở miệng từ chối nhiều.
Chỉ có điều, dù Hạ Nam Phong hiểu rõ trong lòng, ông cũng không muốn nói với Hạ Cố, bằng không đứa nghịch tử cứng đầu cứng cổ này sẽ càng thêm đắc ý, lúc đó ông càng không dễ quản giáo nó.
Ông nghĩ đến đây, chỉ hắng giọng một cái, lạnh lùng đáp: "Quyết định của vi phụ đều có lý do, hỏi nhiều thế làm gì?"
Hạ Cố sâu sắc cảm thấy rằng ông ta đúng là đồ thần kinh, rõ ràng là lão già họ Hạ này kêu y đứng lại, vậy mà bây giờ lại nói chuyện kiểu úp úp mở mở. Y cố gắng kìm nén không trợn trắng mắt, đang chuẩn bị quay người rời đi thì lại sực nhớ đến một chuyện, bèn dừng bước.
"Cha và phu nhân sống thế nào, người làm con như con cũng không có quyền can dự. Chỉ là, phu nhân là vợ kế của cha, Dung nhi lại là con gái của cha, vẫn mong cha quản giáo phu nhân cùng đám hạ nhân lòng dạ hiểm độc của bà ta cho tốt, đừng để bọn họ vươn tay tới Vọng Thư Trai. Bằng không, nếu tương lai xảy ra chuyện lớn, thể diện của phụ thân cũng khó mà giữ được."
Hạ lão hầu gia ngẩn người, khẽ nhíu mày, nói: "Con đang nói đến..."
Hạ Cố nhìn ông ta với vẻ khó hiểu, nở nụ cười đầy giễu cợt.
"Phu nhân tốt xấu gì cũng là người chung chăn chung gối với cha nhiều năm, sao vậy, bà ta có thể làm ra loại chuyện gì, chẳng lẽ ngài thực sự không đoán được hay sao? Dung nhi đích thân nói với con rằng có người xấu muốn hại con bé, chỉ là bị các ma ma của Vọng Thư Trai phát hiện nên chưa kịp động tay động chân. Một cô bé tám, chín tuổi có thể bịa đặt được điều gì chứ? Con và cha đều ở Thừa Hà, cái Trường Dương Hầu phủ lớn thể này có bao nhiêu người có thể hại con bé, muốn hại con bé? Chẳng lẽ cha không đoán được hay sao?"
Hạ Cố vừa nói, vừa bất giác nhớ lại kiếp trước, chỉ vì một lần y sơ suất mà Dung nhi bị người đàn bà đó hạ độc ngay tại phủ, rồi bị rắn dọa đến phát điên, tâm trí vĩnh viễn dừng lại ở thuở thơ bé. Nghĩ đến đây, trong lòng y lại dâng lên từng cơn tức giận.
Từ lúc sống lại đến giờ, thực ra Hạ Cố vẫn thường có cảm giác như Trang Chu mộng hồ điệp(1). Y tỉnh giấc vào mỗi sớm mai sau từng đêm dài qua đi, khi soi mình trong làn nước mỗi khi rửa mặt, y đều hoài nghi liệu có phải y đã thực sự được sống lại, từng sống một kiếp người đầy phong ba bất trắc hay không? Hay tất cả chỉ là một giấc mộng của y?
Nhưng Hạ Cố nhận ra, y không thể mang tấm lòng như Hạ Cố đã nếm trải nửa đời thăng trầm bể dâu trong giấc mộng kia. Y vào sinh ra tử vì Thái Tử, nhưng cuối cùng hắn ta lại ra lệnh tru di cả Hạ gia, gán cho y tội danh 'bề tôi bất trung', nhưng y lại chỉ biết nhẫn nhục chịu đựng, cúi đầu chờ chết.
Trở về thuở thiếu thời, Hạ Cố cảm giác tâm lý của mình cũng đã bị ảnh hưởng ít nhiều. Cảm xúc của y chẳng xao động mãnh liệt, cũng chẳng muốn tiếp tục bị người ta thao túng, phụ lòng, phản bội nữa.
Cho dù kiếp sống đó là thật hay giả, chí ít lần này, y quyết sẽ không dẫm lên vết xe đổ năm xưa nữa.
Mặc dù bây giờ Vạn thị vẫn chưa kịp tạo nên nghiệp chướng như kiếp trước, nhưng Hạ Cố cũng sẽ không lơ là cảnh giác. Y sẽ không cho đám người đó có cơ hội làm hại y, cũng như người thân của y nữa.
Y lạnh giọng nói: "Việc gì cần nói cũng đã nói cả rồi. Nếu cha còn dung túng bà ta, về sau bà ta có chọc giận con, thì cha cũng đừng trách con trai ngỗ nghịch bất hiếu."
Hạ Cố vừa dứt lời liền quay người rời đi, để lại Hạ lão hầu gia sững sờ đứng đó.
Cùng lúc đó, tại cung Chỉ Dương của Hoàng hậu.
Trưởng công chúa hiếu thảo, vốn đang tháp tùng Hoàng đế vây săn tại Tây Sơn, vừa hay tin Hoàng hậu nhiễm phong hàn bèn lập tức xin cáo lui hồi cung thăm mẫu thân.
Nhưng cung nhân ở cung Chỉ Dương đều biết...Hoàng hậu vẫn khỏe mạnh, còn về việc nhiễm phong hàn nằm liệt giường...
Nào phải sự thật, chẳng qua nương nương muốn lừa Công chúa về sớm mà bốc phét thôi.
Lúc này Trưởng công chúa quả nhiên không quản gió bụi dặm trường mà tức tốc chạy về. Nàng vừa tới cung Chỉ Dương, cung nhân của cung Chỉ Dương đều mắt nhìn mũi mũi nhìn tim, không dám thở mạnh, chỉ sợ lát nữa sau khi công chúa phát hiện mình bị mẹ ruột bịp sẽ giận cá chém thớt lên họ.
Trần Hoàng hậu năm ấy là mỹ nhân lừng danh chốn Biện Kinh, gia thế hiển hách, lại chưa xuất giá, người đến cầu thân nhiều đến mức muốn đạp mòn cả ngưỡng cửa Trần phủ.
Trưởng công chúa Bùi Chiêu Du, dung mạo tuyệt sắc thừa hưởng từ mẫu thân.
Chỉ là tính tình nàng lạnh lùng ít nói, Bệ hạ lại hết mực yêu thương, từ nhỏ đã nuôi dưỡng như hoàng tử, đọc sách, cưỡi ngựa, bắn cung, môn nào cũng thạo.
Khác với vẻ xinh đẹp, linh động hoạt bát động lòng người của mẫu thân Trần Hoàng hậu, Trưởng công chúa đẹp tựa đóa hồng liên trong tuyết, tuy lạnh lẽo, nhưng vẫn rực rỡ hút hồn.
Nàng tháo bỏ tầng sa mỏng che mặt, các cung nhân của cung Chỉ Dương tuy đều nhìn nàng lớn lên, nhưng lần nào họ cũng không tránh khỏi việc choáng váng trước dung mạo của Trưởng công chúa.
Giọng của Trưởng công chúa có chút nhỏ, nhưng vẫn nghe ra nét dịu dàng êm tai: "Mẫu hậu? Người sao rồi?"
"Không sao không sao." Trần hoàng hậu vừa lật giấy loạt xoạt trên án kỷ vừa nói, "Nếu ta không nói như vậy, không biết bao giờ con mới chịu về cung, mẫu hậu có chính sự muốn tìm con đây."
"Nếu đã là chính sự, tại sao người không trực tiếp..."
Nàng chưa dứt lời, ánh mắt đã rơi xuống bức họa Trần Hoàng hậu đang lật trên án(2).
Thiếu niên anh tuấn trong bức họa mặc bộ y phục sắc lam, họa sĩ có vẻ cũng là người có chút tài năng, vẽ đôi mắt đen bóng như mực của y long lanh sáng ngời. Đuôi mắt khẽ cong, môi khẽ mỉm cười, cực kỳ tuấn tú.
"Thấy sao?" Hoàng hậu vui vẻ đưa mắt nhìn con gái, "Đại công tử nhà Trường Dương Hầu phủ, bổn cung coi đi coi lại cũng vẫn vừa ý y nhất. Mấy ngày trước ta cũng từng hỏi Trường Dương phu nhân rồi, y văn võ song toàn, bát tự cũng hợp với con. Du nhi thử nhìn xem, có thích không?"
______________________________________________________________
(1)Trang Chu mộng hồ điệp: "庄周梦蝶" (Zhuāng Zhōu mèng dié) là một điển tích nổi tiếng trong triết học Đạo gia, sự tích này được thuật lại trong Tề Vật Luận (齊物論) của Trang Tử (莊子). Câu chuyện kể rằng Trang Chu (庄周) mơ thấy mình hóa thành một con bướm, bay lượn tự do, vui vẻ quên mất bản thân là Trang Chu. Đến khi tỉnh dậy, ông lại hoang mang không biết mình là Trang Chu mơ thấy làm bướm, hay con bướm mơ thấy làm Trang Chu,chẳng thể phân rõ đâu là thực đâu là mộng.
(2)Cho bồ tèo nào không biết thì nó là cái 案几, kiểu bàn dài nhỏ bằng gỗ, thường được đặt trên giường hoặc ghế dài, tui tra bằng tiếng Việt thì không ra nên để chữ Hán cho mấy bồ dễ kiếm. Hình ảnh cái án:
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro