Chương 7: Trảm thảo trừ căn.
Trong thôn Phật Cước, nhà nhà đều đóng chặt cửa nẻo, không tiếp xúc với bên ngoài, muốn tìm một người còn sống hỏi chuyện cũng khó. Hầu như nhà nào cũng đều treo tang trắng. Xác động vật chết nằm rải rác khắp hai bên đường, trong xó. Muốn thảm hại bao nhiêu liền có bấy nhiêu.
Người sợ chết đi cũng đã đi, cả một thôn không còn bao nhiêu người sống. Nơi này gần như chỉ sót lại người già, trẻ nhỏ, những tức phụ góa chồng, đều là những người mà nếu rời bỏ cái nơi chôn nhau cắt rốn này thì chẳng còn biết nương tựa nơi nào, liệu rằng nếu bỏ đi thì có thể sống tiếp được không.
Hạc Hiên cùng Chí Phàm đi vài vòng quanh thôn tra xét, lúc đến gần một ngôi miếu, thì cảm nhận được một tia sát ý yếu ớt nhìn chằm chằm hai người. Chí Phàm tra kiếm khỏi vỏ ba tấc, đứng chắn trước người Hạc Hiên, hướng vào miếu nghiêm giọng quát: "Ai?".
Kẻ bên trong như bị dọa cho sợ, trượt chân ngã ra sau, phát ra tiếng loảng xoảng leng keng.
Hạc Hiên tiến lên phía trước, ra hiệu cho Chí Phàm thu kiếm. Bước vào bên trong miếu.
Một thiếu niên độ chừng mười ba, mười bốn tuổi quần áo rách rưới, mặt mày bẩn thỉu lem luốc, trên người còn có vô số vết thương cũ mới lẫn lộn, đang nằm ôm đầu cuộn người trên nền đất. Lúc ngã nó va đầu vào một cái chuông, trông có vẻ rất đau.
Khi thấy Hạc Hiên đi đến trước mặt mình, thiếu niên lập tức bò dậy, chạy nấp đằng sau tượng phật, người run bần bật. Hạc Hiên thấy vậy định giơ tay kéo nó ra, liền bị nó há miệng cắn vào cổ tay.
Nó gặm càng lúc càng chặt, Hạc Hiên cau mày nhịn đau, hé môi nghiến răng nói: "Cắn đủ chưa? Đủ rồi thì nhả ra, có đói đến đâu thì thịt người ngươi cũng không nên ăn".
Thiếu niên nghe vậy liền sửng sốt, người này thế mà lại không đánh mình? Trước giờ hễ chỉ cần ai nhìn thấy nó, nếu người ta không nhổ cho nó một bãi nước bọt, thì cũng sẽ đánh cho nó thừa sống thiếu chết.
Hạc Hiên hít một ngụm khí lạnh, nói: "Nè, thằng nhóc này, ta bảo ngươi nhả ra có nghe không?".
Thiếu niên hoàn hồn, lập tức thả tay Hạc Hiên ra, ánh mắt có ba phần sợ hãi, bảy phần tội lỗi nhìn Hạc Hiên, nó nhỏ giọng nói lí nhí: "Xin... xin lỗi...".
"Huynh không sao chứ?" - Chí Phàm lo lắng hỏi.
Hạc Hiên xoa xoa cái chỗ bị cắn, bất mãn nói: "Cũng không có gì, cho nó cắn thêm vài trăm cái cũng không chết được". Nhưng mà vẫn thấy đau.
"Đệ đói sao?" - Chí Phàm quay sang thiếu niên, ôn tồn hỏi.
Thằng nhóc lắc lắc cái đầu, suy nghĩ một lát, lại gật gật đầu. Chí Phàm dở khóc dở cười móc từ tay áo ra một cái màn thầu trắng mớn, đưa cho nó. Thấy nó cứ hết nhìn cái bánh rồi lại nhìn Hạc Hiên, mãi do dự không biết có nên nhận hay không, liền trực tiếp nhét luôn cái màn thầu vào tay nó cười hiền hoà nói: "Đệ ăn đi, vị ca ca này không trách đệ đâu".
Một lúc sau, Chí Phàm lại hỏi: "Đệ tên gì?".
Thiếu niên đang gặm cái bánh ngon lành, nghe Chí Phàm hỏi đến liền ngẩng mặt lên, lắp ba lắp bắp trả lời: "Đệ… đệ tên Lâm An".
Thì ra lúc trước mẫu thân của Lâm An là một ca kỹ, tên Lâm Như Ngọc, nàng tuy tư sắc không nổi bật, nhưng giọng hát lại ngọt ngào dễ nghe. Ngày ấy, nàng xem như có thể đứng vững trong cái chốn phong lưu cay nghiệt này.
Lâm Như Ngọc chăm chỉ tích cóp cả thanh xuân, chỉ mong có thể tự chuộc mình rời khỏi nơi thị phi, đi đến một vùng quê yên bình làm nông, sống một cuộc sống đạm bạc. Nhưng đời có mấy khi được như ý nguyện. Mắt thấy nàng sắp đủ bạc chuộc thân, ma ma của nàng liền lừa gạt, bán đêm xuân của nàng cho một tên đại gia với số bạc lớn. Đêm ấy, nàng ca kỹ mệnh bạc nước mắt lưng tròng, gom hết can đảm bỏ trốn. Cũng may trời không phụ lòng người, nàng trốn thoát.
Tuy nhiên vẫn là không ngờ được, chỉ một đêm như vậy, Lâm Như Ngọc lại thụ thai. Sau khi trốn khỏi tửu lâu, nàng lưu lạc khắp nơi, cuối cùng dừng chân ở thôn Phật Cước. Nói là dừng chân tại đây, nhưng thật ra nàng cũng không được sống như người bình thường, chỉ là do sắp đến ngày sinh không tiện đi lại, nàng liền tìm một căn nhà bỏ hoang đổ nát tạm che mưa tránh nắng.
Sau khi sinh Lâm An, sức khoẻ Lâm Như Ngọc ngày qua ngày dần suy kiệt, nhưng hằng ngày nàng vẫn phải ra ngoài làm thuê, làm mướn, việc gì cũng làm. Kéo giữ hơi tàn cho mình, và cho cả đứa nhỏ. Thương nàng tứ khố vô thân, một lão bà không con không cái đồng ý giúp Lâm Như Ngọc trông coi Lâm An lúc nàng ra ngoài làm việc.
Cho đến một ngày, Lâm Như Ngọc đèn đã cạn dầu, nàng mất, để lại Lâm An chỉ mới hơn sáu tuổi, nó ngây thơ, côi cút, đơn độc.
Con của kỹ nữ, đối với mọi người mà nói là nhơ bẩn, là nghiệt súc. Cả cha nó là ai nó cũng không biết. Lâm Như Ngọc mất rồi, không ai có thể bảo vệ che chở nó, bởi lẽ đó nó luôn bị người khác ức hiếp, mắng chửi, đánh đập, phỉ nhổ. Nó sống khổ cực qua ngày, chỉ vì mẹ nó trước khi mất đã nói với nó: "Cho dù người đời có bạc đãi con như thế nào, vẫn phải tiếp tục sống. Không được để thù hận che mất lý trí. Hãy tin mẹ, rồi sẽ có một ngày con được Thiên Đạo bù đắp, nhân gian này vẫn có phần đẹp lắm, hãy thay mẹ ngắm nhìn nó". Cứ thế, nó giữ trong lòng lời mẫu thân dạy, sống kiên cường đến tận bây giờ.
Hạc Hiên đứng một bên nghe chuyện, nhưng mặt lại xoay ra nhìn nơi khác, đợi Lâm An ăn được phân nửa cái bánh, không nhạt không mặn nói: "Ngươi ăn thì cũng đã ăn rồi, có việc cần ngươi giúp đây".
Lâm An ngây thơ không hiểu gì ngước lên nhìn Hạc Hiên, sau lại như phát giác ra hình như mình bị lừa, nó co người, lại núp đằng sau tượng phật. Thì ra huynh cho ta ăn là có ý đồ.
Hạc Hiên nhìn nó chán ghét, xoay người bước ra, dựa vào cửa miếu khoanh tay nhìn trời, nhìn trời, nhìn trời.
Chí Phàm thật là khổ tâm với vị sư huynh này, thở dài thầm nghĩ nếu huynh ấy chuyến này đi một mình, thật sự có thể hỏi han được gì sao?
"Ta có thể hỏi đệ vài chuyện hay không?" - Chí Phàm hỏi thằng nhóc đang rụt cổ phía sau.
Lâm An nhìn xung quanh một hồi, mới nhìn thẳng vào Chí Phàm, giọng the thé: "Huynh... các huynh muốn hỏi gì?".
Chí Phàm mừng rỡ: "Chuyện ở thôn này, đệ biết được gì cứ nói".
Theo như lời kể của Lâm An, vào độ hơn nửa năm trước, có một vị lữ khách từ nơi khác đến, cụ thể từ đâu đến thì không biết. Vị khách đó là nam, tuổi tầm bốn mươi, xưng tên là A Ngũ, mang rất nhiều hạt giống hoa màu kỳ lạ đến đây. Nói là đi chu du tứ hải phổ biến nông sản quê nhà. Kỳ lạ ở đây không phải do giống loài kỳ lạ, vốn dĩ cũng chỉ là rau cải bình thường hay gặp, nhưng giống do hắn ươm ra lại bắt rể phát triển tốt hơn các loại thường rất nhiều, lại còn không kén phân kén nước, sâu bệnh không mảy may phá phách. Một mùa thu hoạch liền có thể kiếm lời rất nhiều. Ai nấy trong thôn đều vui mừng khôn xiết. Từ dạo đó A Ngũ được người dân hết mực quý trọng, xem hắn như quý nhân mà đối xử cực kỳ thân thiện.
Cho đến một ngày, A Ngũ rời thôn, nói muốn về quê lấy thêm đợt giống mới. Khi đó hắn cũng để lại cho người trong thôn một lô hạt giống, đủ để trồng trọt mùa này. Những tưởng hắn đi tầm một hai tháng sẽ về, nhưng từ khi hắn rời đi, tai hoạ cũng bắt đầu giáng xuống thôn Phật Cước.
Đầu tiên là từ nhà thôn trưởng họ Trịnh, nhà này bao gồm Trịnh lão bá còn có vợ của lão và ba đứa con, hai trai một gái. Trịnh phu nhân bảy hôm sau khi A Ngũ rời đi đã bắt đầu sốt cao, tay chân nổi đầy mụn mủ, vùng da xung quanh mụn mủ theo thời gian chuyển từ đỏ sang xanh, rồi từ xanh sang tím, cuối cùng đen sậm rồi... vỡ tung! Sau khi vỡ còn bốc lên mùi hôi của thịt thối, vừa đau vừa ngứa, lại không thể gãi, vì càng gãi càng làm vết thương lở loét, chảy máu, càng thê thảm hơn. Cuối cùng, giai đoạn khi mà da thịt bị thối rửa hết, thì người cũng chết. Có người không chịu được cảnh dày vò thống khổ như vậy, ngay tại chỗ tự kết liễu mình.
Trịnh thôn trưởng có mời bao nhiêu đại phu đến bắt mạch cũng vô dụng, thậm chí chỉ cần nhìn thấy bộ dạng của cái người nằm trên giường bệnh kia, đã dọa cho các đại phu sợ vỡ mật. Vì chả khác gì một cái xác đang phân hủy. Sau khi lão phu nhân mất, thôn trưởng cũng bắt đầu xuất hiện bệnh trạng y hệt vợ của mình. Trong thôn từ đó lan tràn dịch bệnh.
Những người chưa nhiễm bệnh còn lại sợ hãi, thu dọn đồ đạc cùng người nhà mình rời khỏi thôn. Nhưng nghe bảo ôn dịch này đã nhiễm lên người từ lâu mới từ từ bộc phát. Thời hạn nuôi bệnh lại không ai giống ai. Sau có người mặc dù đã rời thôn lúc chưa có biểu hiện gì, vẫn bị bệnh bộc phát giết chết.
A Ngũ cũng từ khi rời đi đến giờ vẫn không thấy quay về.
"Nghe như là có thể tùy ý khiến người nhiễm bệnh, lại còn có thể điều chỉnh thời gian nuôi bệnh" - Hạc Hiên sờ sờ cằm nói.
Chí Phàm gật đầu đồng ý, lại hỏi tiếp: "Người nhiễm bệnh có đặc điểm chung gì không?"
Lâm An đáp: "Đệ... đệ không rõ... A... đệ chỉ thấy người lớn bị bệnh, như tỷ tỷ và ca ca nhà thôn trưởng đâu có bệnh đâu". Dừng lại suy nghĩ thêm, thiếu niên lại ấp úng nói: "Nhưng mà cũng không phải ai lớn tuổi cũng bị bệnh...". Lão bà bà hay cho đệ bánh bao không có bị làm sao aa.
Hạc Hiên rơi vào trầm mặc, Chí Phàm: "Đủ rồi, đa tạ tiểu đệ". Nói xong lấy lọ thuốc bột trong tay áo đưa cho nó: "Cái này là thuốc trị thương, thoa lên có thể giúp mấy vết thương trên người đệ nhanh chóng lành lại, bây giờ chúng ta phải đi rồi, đệ tự lo cho bản thân được chứ?".
Tiểu Lâm An gật đầu, rồi cầm lấy lọ thuốc bột, cũng không quên nói cảm ơn.
Chí Phàm xoa đầu nó tán thưởng: "Đứa trẻ ngoan, sẽ gặp lại đệ sau". Xoay người ra đứng cạnh Hạc Hiên.
"Sư huynh nghĩ thế nào? Cái người tên A Ngũ kia chắc chắn có vấn đề" - Chí Phàm hỏi.
"Ừ, hiện tại ta nắm chắc chín phần mười, còn một phần, thì phải hỏi một người có liên quan---" - Hạc Hiên vừa nói, đang định đi khỏi miếu nhỏ, thì đột nhiên có một người không biết từ đâu rơi xuống trước cửa miếu, nện trên đất thành một cái hố to hình người, cát bay đá chạy mù mịt một khoảng.
Hạc Hiên: "..."
Chí Phàm: "..."
Thằng nhóc trong miếu nghe tiếng động lớn cũng giật mình chạy ra, ló đầu hóng chuyện: "..."
Rơi từ đâu xuống không biết. Chắc là vẫn còn sống ha?
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro