PHẦN III
Cha là người sáng dạ, học thông minh, khi mới sinh có 1 ông thầy tướng người Trung Quốc đi ngang qua nhà, có ghé vào xem tướng cho cha. Sau khi tính ngày giờ sinh, ngắm nghía và ông ta nói số cha tôi sẽ làm đến quan Thượng thư. Ông tôi thì lắc đầu, môi mỏng, da xạm, người cô độc, không có nghĩa. Có phải vì lời nhận xét ấy mà trong cuộc đời sau này, ông và cha không thích nhau chăng ?
Tuy không thể đi làm Cách mạng, nhưng nhà ông là nơi che dấu, ra vào của cán bộ Việt minh hoạt động bí mật trong thời gian những năm 1940. Khi cha tôi cũng như các chú vừa đủ tuổi là lập tức được động viên cho đi thoát ly. Ông chấp nhận nguy hiểm, rình rập xung quanh nhà, mật thám Pháp và đám hào lý luôn nhòm ngó, nhưng chúng chưa làm gì được vì không bắt được quả tang và trong làng ông là người có uy tín. Một ông đồ sống thanh bạch và tính tình thẳng thắn, cương trực, không chịu luồn cúi, mặc dù nhà nghèo, anh em con cháu đông nhưng ông cấm không ai được làm việc cho Pháp.
Làng Vũ của chúng tôi là 1 ngôi làng có mấy trăm năm lịch sử, với 1 ngôi đình thượng, 1 ngôi chùa và 1 đàn lộ thiên thờ văn chỉ nằm nối đuôi thành 1 vệt dài. Ngôi đình ở đầu langcò thờ 1 vị Trung đẳng thần, nhưng không ai rõ ông ta họ tên gì, chỉ biết ông có công chống ngoại xâm từ thời giặc Nguyên qua xâm lược nước ta, khi qua đời, đặc sắc phong của triều đình gọi là Phúc thần. Vì vậy hàng năm vào ngày lễ Sóc vọng, hoặc Tế kỳ phúc là các quan quân trong vùng và dân cả tổng đều tới đât lễ bái rất to. Có những năm làm ăn khấm khá, các lễ kéo dài hàng mấy ngày, có mời các ban hát đến phục vụ cả cho các làng xung quanh xem. Làng Vũ cũng đã cống hiến cho triều đình 2 bà Vương phi, 3 ông Tiến sĩ, còn ông Nghè, Cử nhân, Tú tài thì không kể hết. Vì vậy làng Vũ này là niềm tự hào cho cả tổng chúng tôi.
Trong làng Vũ, ông là 1 người thầy đồ có uy tín vì có học, nhiều thế hệ con người ở làng này đều bắt đầu từ bài học vỡ lòng nhân chi sơ... của ông mà thành người. Hầu như việc làng, việc xã, bao giờ các bậc từ lão hạng đến bô lão và chức dịch của làng... đều mời ông tham gia, có tiếng nói đóng góp quan trọng, dù ông không giữ 1 vai trò gì cụ thể gì trong làng. Các kỳ hương ẩm, lễ đình bao giờ ông cũng được ngồi chiếu trên với các bô lão và chức dịch của làng. Thực ra các chức dịch làng này cũng không ưa ông lắm, vì tính thẳng thắn, chưa kể nhà ông là nơi ra vào của những người tham gia hội kín, thế nhưng mọi người kiêng nể vì uy tín và danh tộc trưởng họ Phạm lớn nhất vùng của ông. Thậm chí, thời trước thỉnh thoảng có vài ông quan lớn là học trò của ông cũng thường thăm viếng vào dịp lễ, Tết, do vậy họ rất e dè ông.
Gia đình có công lao nuôi nấng cán bộ, con cháu đi kháng chiến làm Vệ quốc đoàn, ông không bao giờ khoe khoang. Nhưng trong đợt phát động xây dựng phong trào văn hóa mới, chống văn hóa nô dịch của thực dân và những tàn tích của chủ nghĩa phong kiến, vì không đồng ý với cung cách xử lý đối với 1 số di tích văn hóa làng Vũ của 1 số vị lãnh đạo xã mà ông bị quy chụp là thành phần địa chủ, phong kiến và bị đưa ra ngôi đình đầu làng để hạch tội. Năm ấy, tiếng súng ở mặt trận Điện Biên Phủ vẫn còn đang vang vọng, và làng tôi nằm 1 trong những vùng giải phóng sớm nhất.
Hàng loạt tội danh được kể ra và gán ghép cho ông, đến chính ông còn bị bất ngờ khi nghe. Ông đau đớn, xót xa nở nụ cười kiêu hãnh va khinh bỉ nhìn vẻ mặt câng câng thỏa mãn vị Chủ tịch xã có tuổi chỉ đáng con trai mình. Kẻ có mấy đời chuyên làm Mõ của làng Vũ, và xuất thân cũng là 1 tên mõ làng. Vào lúc giao thời kháng chiến mới thành cộng thì đây chính là ưu điểm tuyệt đối của những con người trong sạch vì là thành phần bần cố nông.
Gã, 1 con người cả cuộc đời phải luồn cúi và khom lưng, quanh năm không có đủ 1 tấm áo để mặc, đi bao giờ cũng phải cúi gằm và dạ với cả 1 thằng bé con của làng Vũ. Trong các kỳ lễ của làng, chỉ được ăn đứng với cái thân phận của kẻ ngụ cư. Từ khi kháng chiến thành công, đã được đánh giá là thành phần trong sạch đáng tin cậy. Và khi quyền lực được trao cho những kẻ ngu dốt thì đấy là cái tai họa của nhân dân.
Ông chủ tịch xã mới nhận chức, việc đầu tiên là cho đập ngay Am chúng sinh giữa làng, đuổi bà đồng Then đi vì cho rằng đây là nơi tụ tập nạn mê tín dị đoan. Đàn Lộ thiên văn chỉ giữa trời để thờ các bậc văn hoạn trong làng và của tổng, cũng bị đập, vì là biểu hiện của chủ nghĩa phong kiến.Tấm văn bia đồ sộ bằng đá ghi tên các bậc tiền nhân có công lao nhiều đời với triều đình và nhân dân, được hạ xuống để lót đường đi. Giải tán hội các bà ở chùa làng, cho rằng các bà tụ tập kinh mõ sớm hôm không cần thiết, phải lao động. Riêng ngôi cồ đình thì được cải tạo lại làm sân phơi hợp tác xã, và dọn dẹp các đồ thờ tự trong đình để làm nơi cho thanh phụ lão, ấu nhi sinh hoạt tập thể.
Những ngôi đình, chùa có bề dày lịch sử hàng trăm năm này là niềm tự hào của cả tổng, không riêng gì của làng Vũ chúng tôi, nhưng lại là nổi nhục của ông chủ tịch xã vì thân phận làm mõ làng. Trước kia khi vào các ngày lễ của làng, ông ta là người khốn khổ nhất vì suốt ngày hầu hạ các chức dịch từ sáng sớm đến tối mịt mà còn liên tục bị chửi rủa, thậm chí bị đánh đập và không bao giờ dám có 1 lời hó hé.
Đập sạch. Tất cả bài vị, long khám, long kiệu, đồ nghi trượng,cờ quạt.... bị đun củi, các sắc phong, kim sách bị đốt hết vì nó là tàn tích của chủ nghĩa phong kiến, là mê tín dị đoan. Đấy là ý kiến chỉ đạo của ông chủ tịch xã.
Ông tôi đau lòng nhìn những giá trị văn hóa, tinh thần của tổ tiên bị thiêu hủy. Trong làng Vũ chỉ còn có ông là người duy nhất đọc, hiểu được các sắc tự chữ Hán và biết rõ các giá trị lịch sử của ngôi đình có từ mấy trăm năm nay của làng. Mặc cho bà cả và bà ba, cùng các cô chú van xin, can ngăn, năn nỉ nhưng ông vẫn cương quyết đứng ra phản đối việc thiêu hủy ngôi đình.
Một sự xúc phạm ghê gớm đến chính quyền nhân dân, kẻ phản động, gián điệp, đồ rác rưởi phong kiến... Lãnh đạo xã lập tức quy kết cho ông với hàng loạt tội danh và đã cho bắt ông đưa đi mặc cho mọi người trong nhà quỳ xuống của van xin. Bà nội tôi khom lưng, đội đầu cái mâm gỗ son có lá đơn đi ra đình gặp ông chủ tịch xã, xin tha tội cho ông tôi. Ông ta không thèm xem vì không biết chữ, và giận dữ điên cuồng, thấy bị xúc phạm. Phải chăng họ biết rằng ông ta không biết chữ nên cố ý làm đơn xin để hạ nhục mình.
Mọi người trong làng Vũ sợ sệt và thương cảm cho ông tôi, nhưng không ai dám đứng ra xin cho ông, khí thế những ngày đó hừng hực lớn quá, ai cũng sợ mình bị quy chụp như ông.
Lúc này bố tôi không ở nhà vì đã thoát ly bí mật đã lâu và nghe đâu đang là Vệ quốc đoàn chiến đấu ở mặt trận Trị Thiên - Huế.
Sự mẫn cán ngu ngốc cộng với sự hớn hở thơ ngây, lòng nhiệt tình cách mạng ấu trĩ kèm theo những toan tính nhỏ nhoi của 1 kẻ ti tiện và dốt nát, vị chủ tịch xã, đã cần mẫn thi hành quá trách nhiệm của mình, đã tàn phá sạch những di tích văn hóa quý giá của tổ tiên để lại.
Làng Vũ, ngôi làng nổi tiếng đất Kinh Bắc ngày nào trở nên xơ xác hơn những cơn bão lớn trong nhiều năm cộng lại.
Thật may, rồi cũng có những vị lãnh đạo sáng suốt đã nhìn ra những sự đi quá lố và có ý kiến điều chỉnh. Mặt khác, một vài vị lãnh đạo đã từng là học trò của ông tôi, cũng như đã từng được ông tôi che chở thời còn thực dân Pháp đã xuất hiện để bảo vệ cho ông. Họ còn phát hiện bố tôi là 1 cán bộ cấp đại đội của Vệ quốc đoàn đang chiến đấu ngoài mặt trận.
Ông được thả, được vinh danh và được xin lỗi.
Mọi người ngỡ ngàng khi biết sự thật về ông, như 1 phát kiến vĩ đại tìm ra được chân lý quả đất quay lần thứ hai.
Những người đã từng tố cáo ông tôi trước kia thì nay rúm ró vì sợ hãi. Còn riêng ban lãnh đạo xã mà ông chủ tịch cầm đầu đã bị đưa ra làm kẻ tế thần. Ông ta bị kiểm điểm trước toàn thể dân làng Vũ, dưới sự chỉ đạo 1 vị lãnh đạo trên huyện về chứng kiến.
Con người cũng thật lạ. Lúc đang thời đang thì, trông vênh váo, hồng hào tự đắc bao nhiêu, nhưng hết thời hết thì, lại xuống sắc đến thảm hại, đấy là ông ta. Nay người ta muốn trừng phạt để thanh minh, để chuộc lỗi lầm với ông.
Mọi người thi nhau kể tội ông ta, trong 1 niềm căm ghét, và mỗi câu nói như búa tạ làm cho gã mõ làng năm xưa như oằn xuống sát mặt đất.
Cuối cùng, mọi người hồi hộp chờ đợi sự phán xét của ông tôi. Vì ông là nạn nhân trực tiếp của gã và vimồng nay lại là anh hùng. Một lời của ông sẽ định đoạt số phận của 1 con người.
Và người ta chờ đợi.
Gã run rẫy dưới ánh mắt của ông, miệng nói lí nhí lời nhận tội không rõ tiếng. Không hiểu sao nhìn khuôn mặt đờ đẫn, đen đủi đầy nếp nhăn khổ ải không biên giới tuổi tác của gã, ông tôi không 1 lời trách cứ. Trầm ngâm mất mấy giây, ông thưa với toàn thể dân làng Vũ rằng hãy tha thứ cho anh ta vì rằng không biết thì không có tội. Đằng nào thì những giá trị văn hóa của tổ tiên cũng đã mất rồi, không còn lấy lại được, hành hạ nhau làm gì, xin hãy sống khoan dung với nhau hơn. Tội, có chăng là việc chúng ta đã giao cho anh ta những nhiệm vụ quá sức mình mà không đánh giá hết khả năng. Đấy mới là tội, ông tôi kết luận như vậy.
Lặng bê đến cho gã 1 ly chè xanh đang bốc khói của mình. Ông thở dài, "Tại vì anh chưa bao giờ biết chữ nên anh không biết chữ Nhân là gì. Nay tôi chỉ chomanh chữ Nhân". Ông vạch nhanh trên mặt bàn chữ Nhân viết thảo trước mặt gã.
Mọi người ngơ ngác nhìn nhau.
Gã lắp bắp chữ Nhân trong miệng rồi đột nhiên òa khóc và quỳ xụp xuống ôm lấy chân ông. " Con lạy ông, con hiểu, con nhận tội, xin tha thứ cho con vì con ngu dốt". Mọi người bật hoan hô ông, còn vị lãnh đạo Huyện tỏ vẻ không hài lòng, nhưng cũng không nói gì.
Nhờ vậy, gã được đưa về huyện cho đi học bổ túc văn hóa.
Thế là xong, mọi người thở phào nhẹ nhõm vì thấy làng mình thoát khỏi 1 tai họa từ trên trời rơi xuống.
Ngày gã ra đi, ông bảo bà đem đến cho gã mấy bộ quần áo cũ vì biết ganchẳng có gì. Nhận bộ quần áo và thấy trong đó còn có quyển sách quốc ngữ, gã nghẹn ngào vì không biết nói gì. Gã mạnh dạn nắm tay bà, nói "Nếu trời cho con sống, 1 ngày nào đó con sẽ quay về làng Vũ này tạ ơn ông bà"
Gã lủi thủi ra đi trong 1 chiều gió lớn.
Thế đấy. Cũng cái dáng cum cúp đầu cúi thấp, đi lom khom với tiếng mõ lốc cốc của thằng mõ làng Vũ ngày nào vẫn không thay đổi bao nhiêu sau kháng chiến thành công. Và vẫn con người đấy, nay có đổi khác là nhờ thời thế, nhưng dáng đi vẫn cum cúp và bản chất không thay đổi. Nói cho công bằng gã cũng làm được khá nhiều việc, tâm tính không phải là kẻ mưu mô, thủ đoạn. Vì cả đời là 1 kẻ làm phận tôi đòi, khi quyền lực đến quá nhanh, gã bị sốc. Dốt nát và mang mặc cảm về thân phận thấp kém của mình nên gã cố tình phát huy hết khả năng quye6'n lực của mình đang c, xử dụng quyền lực để dấu đi nỗi sợ hãi dốt nát trong lòng, để chứng tỏ quyền uy.
Tôi hy vọng trong tương lai chuyện này sẽ không xảy ra nữa, thế nhưng tôi biết đâu đó trong cuộc sống chúng ta hiện vẫn còn có những biến tướng khác của hiện tượng này. Nó thấp thoáng như những bóng ma và bám vào vô vàn thứ như: Chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa lí lịch, chủ nghĩa cào bằng, bè phái, cục bộ địa phương - để cản trở đà tiếc của xã hội. Phải chăng đấy cũng là quy luật cho cuo6.c sống muôn màu.
Hy vọng đây là bài học cho chúng ta hôm nay và cho con cháu mai sau.
Sau chuyện đấy ông tôi như trở thành 1 người khác hẳn, ít nói, ít cười và các hoạt động của làng xã ông chìa người đứng bên lề im lặng. Ông ra đình, nhặt nhạnh các mẩu cháy dở đem về để chấp vá lại dấu tích của tiền nhân. Các bà tôi rất sợ, cho rằng ông bị ma ám nên bị lẩn thẩn và đã bí mật mời thầy về ếm chỗ nằm và nơi ôngbthường ngồi đọc sách, nhưng không ăn thua. Khi bố tôi về, nghe chuyện của ông, bố có thưa "thôi ông bỏ qua, đấy chẳng qua là những sơ suất mà trong tình hình hiện nay ở đâu cũng vậy". Ông cười cay đắng:
- Tôi nào có trách gì các anh.
Ông giơ cao trong tay 1 mẫu gỗ cháy xém không rõ của pho tượng nào:
- Tuy nhiên cái này, liệu các anh có còn lấy lại được không ? Nếu chúng ta mà không biết tôn trọng văn hóa tổ tiên, thì có 1 ngày chính chúng ta sẽ hứng chịu hậu quả. Tôi nói thật.
Bố tôi hùng hồn:
- Con biết, chúng con không hề cố ý. Đánh đổ chủ nghĩa thực dân, xóa bỏ những tàn dư phong kiến thối nát, xây dựng 1 nền văn hóa mới, đó là 1 nhiệm vụ cao cả của chế độ chúng ta, tất nhiên trong quá trình đấy, không phải không có những sai sót đáng tiếc.
Và bố dừng lời nhìn ông rồi nhấn mạnh giọng, nói:
- Nhưng đấy không phải là bản chất của chế độ này. Ông phải thông cảm cho chúng con, rồi chúng ta sẽ xây dựng lại 1 xã hội tốt đẹp hơn.
Bài thuyết giáo mang đậm màu sắc chính trị của bố hơi dài, và bố chờ phản ứng của ông.
Thế nhưng, nhìn anh bộ đội trẻ, đang ưỡn ngực hăng hái thuyết giáo, ông chỉ cười mỉm và im lặng không nói gì. Chẳng hiểu ông có tin những điều bố nói không ?
Ngoài sân mấy mảnh vải cháy của ông đang phơi, bay bay.
Thái độ của ông làm bố mất hứng. Bố lúng túng và cười xoa dịu với ông, nhưng ông đã ngoảnh mặt đi không thèm nhìn con trai mình và đột ngột đứng dậy bỏ ra ngoài sân nhặt mấy mảnh vải rách đang phơi rồi đi thẳng ra cổng.
Theo bà tôi nói, bố và ông tôi kỵ tuổi, hay xung khắc, 2 cha con chẳng bao giờ nói chuyện với nhau quá nửa giờ.
Sau đấy bố lại lên đường đi chiến đấu.
Đấy là câu chuyện mà chưa bao giờ ông hay bố kể lại cho tôi nghe. Chỉ nhiều năm sau, khi tôi đã lớn khôn thì chú tôi mới lén nói cho tôi biết. Đến khi đó, tôi mới hiểu tại sao thỉnh thoảng ông có những thái độ rất lạ lùng, có lẽ chuyện cũ vẫn làm cho ông không quên và vẫn bị ám ảnh. Tôi thương ông vô cùng, và không thể hình dung nổi 1 con người sống tràn đầy kiêu hãnh như ông ngày ấy nghĩ và xử sự như thế nào trong hoàn cảnh như vậy.
Tôi yêu quý và khâm phục ông nội của tôi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro