Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Phần 3

Chương 5

Bắt đầu từ tuần này cả trường học quân sự. Địa điểm là nhà văn hóa cách chỗ tôi ở hơn năm cây số. Tôi phải dậy từ sớm để bắt kịp chuyến xe buýt đầu tiên. Thở dài khi nhìn dòng ghi chú mà tôi đã nắn nót trên tờ lịch của ngày hôm nay: sinh nhật Tuấn, tôi lưỡng lự một lúc rồi bỏ keo thủy tinh đựng đầy hạc giấy vào ba lô.

Sáng thứ hai tuần trước tôi còn phấp phỏng chờ đợi được gặp Tuấn, vậy mà đến tuần này thì tâm trạng tôi lại cực kỳ tệ. Sau cái phi vụ quen rồi chia tay vỏn vẹn có một tuần, tôi chẳng biết phải đối mặt với cậu ấy ra sao nữa. Cũng may cho tôi là cái sân học quân sự rộng thênh thang, tôi tha hồ lẩn trốn trong đám người rồng rắn ngồi xếp hàng như đang bị tra tấn dưới trời nắng thêu đốt.

Thầy chia lớp tôi ra thành những nhóm nhỏ để thực hành tháo lắp súng. Tôi lang thang đến nhóm cách xa chỗ của Tuấn nhất. Yên thân được một lúc thì cậu ấy mon men tới gần. Tôi giả vờ chăm chú vào việc tháo khẩu súng AK-47 ra, kỳ thực tôi biết cậu ta đang nhìn tôi cười mỉa mai vì tôi thực sự vụng về trong chuyện này.

Phặc!

Cái lò xo vụt khỏi tay tôi, lao thẳng vào mặt của đứa ngồi đối diện. Nó giật mình hét to khiến tôi cũng hoảng hồn buông cây súng ra. Cả bọn còn lại cười ngất.

“Mấy em không lo thực hành mà cười giỡn vậy hả?” Ông thầy ốm nhách như cây tre hét văng nước bọt vào mặt cả đám. “Chút nữa thực hành xong mấy em bị phạt đem súng vào kho.”

Tuấn yên lặng rút lui để khỏi mang họa. Tôi vừa thấy nhẹ nhõm vừa nổi đóa với những đứa kia.

Lê lết cả sân xi măng rộng mênh mông, cuối cùng tôi cũng đem được cây súng cuối cùng vào kho. Nói là kho chứ thật ra là một cái nhà chứa cũ, dùng để cất những dụng cụ sân khấu. Đi ngang cửa tôi thấy có vài ba đứa thuộc dạng anh chị trong trường nhìn tôi xì xầm, chúng nó cúp học ngồi đây đàn đúm suốt buổi.

Tôi mệt mỏi vác ba lô lên và lững thững bước đi. Ba lô nhẹ hơn bình thường. Tôi ngồi sụp xuống, lục tung cái ba lô. Cái lọ thủy tinh đã không cánh mà bay.

“Tìm cái này phải không?” Một đứa đầu tóc dựng ngược, môi dày mắt hí cất giọng ồ ề.

Tôi khẩn khoản: “Làm ơn trả lại cho tôi.”

“Ê.” Một đứa khác mặt mày cũng dữ tợn không kém the thé. “Thằng này không phải là con chó con của thằng Tuấn sao? Bị chủ bỏ rồi hả?”

Tôi bước tới gầm gừ: “Trả đây.”

Đứa đầu tóc chia chỉa giơ cao keo thủy tinh rồi thả xuống đất. Tiếng thủy tinh vỡ vang vọng khắp nhà chứa, những con hạt giấy bẹp dí dưới đống miểng vụn. Máu dồn hết lên não, tôi giận dữ gào lên rồi xông thẳng vào cái đám đầu gấu ấy đá đạp tới tấp. Giằng co được lúc thì tôi bị hạ đo ván.

Cả đám chúng nó cười thoả mãn rồi hùa nhau kéo đi. Đầu óc tôi vẫn còn điên loạn cực độ, tôi với tay lấy cây súng, cầm ngược đầu, đập dùi súng về phía cái đầu chia chỉa. Do tay run nên tôi hụt. Bọn chúng quay lại, đè bẹp tôi xuống sàn nhà. Thằng đầu tóc chia chỉa nhìn tôi vẻ khát máu. Nó kéo lưỡi lê bên thân súng ra và nhắm vào đầu tôi.

Phập! Lưỡi lê cắm phụt xuống đất ngay bên mép tai tôi.

“Mấy em làm cái trò gì vậy?” Giọng của thầy cây tre vang lên với tông cao cực độ.

Theo sau thầy là những thầy khác trong trang phục sĩ quan màu xanh. Lập tức cả bọn bị bao vây và áp giải lên phòng chỉ huy. Những đứa học sinh đang lúc tan học tò mò kéo nhau đi theo. Nhìn bộ dạng bầm dập máu me của tôi hẳn là giang hồ lắm, nhưng càng đến gần phòng họp tôi lại càng run lẩy bẩy.

Ngồi giữa phòng là thầy hiệu trưởng, xung quanh là mấy thầy thể dục của trường và vài thầy từ bên quân khu qua hỗ trợ. Mặt ai trông cũng dữ tợn. Cả phòng chìm trong sự im lặng đáng sợ, chỉ còn nghe mỗi tiếng quạt máy trên trần nhà kêu rì rì và đám học sinh chen chút nhau ngoài cửa thì thầm.

Sau một hồi chất vấn, làm kiểm điểm, tôi được cho ra về với một lời mời phụ huynh và cái án bị đuổi học. Nhưng chuyện đó thì còn phải đợi giáp mặt ba mẹ tôi mới phải lo lắng. Cả bọn đầu gấu kia sau khi được cho ra về vẫn thấp thoáng chờ tôi ngoài cổng. Giờ tôi hết nổi điên nên thấy sợ thật sự, tôi tự hỏi không biết mình lấy đâu ra dũng cảm mà chiến đấu với cả bọn anh chị ấy. Tôi líu ríu theo đuôi thầy cây tre chờ vận may để trốn về. Những đứa học sinh khác nhìn tôi xì xầm như thể tôi là người ngoài hành tinh.

Một bàn tay lạnh toát chộp lấy tôi. Tôi hét toáng lên. Tuấn bịt miệng tôi lại.

“Này. Mới nãy cậu giang hồ lắm mà. Sao giờ lại hét như con gái thế?”

Tôi nhìn Tuấn, mừng muốn phát khóc.

“Cậu cho tôi về chung với nhé.” Tôi thút thít.

“Thằng nào đánh cậu thế?” Tuấn chau mày nhìn tôi.

Tôi run run chỉ tay về phía cổng. Tuấn nheo mắt trông theo. Trong một giây cả bọn kia như bị trúng đạn khi nhìn thấy Tuấn, lục đục kéo nhau đi mất.

“Đi về nào.” Tuấn nói, vẫn nắm tay tôi kéo đi.

Đám học sinh còn lại căng mắt quan sát hai đứa tôi, chúng nó chỉ trỏ như xem xiếc thú. Tôi ngập ngừng:

“Cậu có thấy… nắm tay như vậy… là kỳ lắm không?”

Tuấn vẫn không quay lưng lại, giọng phấn khích:

“Tôi thích như thế đấy.”

Tuấn không chở tôi về nhà mà chạy thẳng xuống bến cảng. Ngày tháng mười nên nắng tắt sớm, giờ này các cặp tình nhân vẫn chưa dẫn nhau xuống đây ngắm cảnh. Cả bến vắng lặng và buồn tẻ dưới ánh nắng vàng nhạt.

“Cậu có muốn lên đó không?” Tuấn chỉ tay lên ngọn hải đăng.

“Người ta khóa lại rồi.” Tôi nhìn lên cánh cửa sắt đóng chặt với vòng dây xích dày.

“Học hỏi đàn anh này.” Tuấn nháy mắt.

Cầu thang đá cuốn quanh chân tháp đến tận đỉnh, cửa sắt nằm ở giữa lưng chừng cầu thang. Tuấn đi vòng qua cửa sắt bằng cách leo ra bên ngoài cầu thang. Trông cậu thành thục như đã leo lên đó nhiều lần lắm rồi. Tôi luống cuống bắt chước theo. Hai bên cửa là những thanh sắt nhọn hoắc nên tôi phải thật cẩn thận. Tuấn đưa tay kéo tôi từ bên kia. Cuối cùng thì tôi cũng qua được cái cửa sắt.

Cả thành phố bên dưới hiện lên với những khóm màu riêng biệt: màu ngói đỏ của những căn biệt thự nối liền nhau, màu xanh của hàng cây trãi dài dọc con đường, màu phù sa con sông uốn lượn, màu bạc của những con đường nhựa mới… tất cả bị bao bọc bởi một màu xanh thẫm của biển và màu trời xanh lơ. Ngoài khơi, đường dần trời mờ nhạt trong làn hơi mây.

Tuấn nhìn vẻ mặt đờ đẫn của tôi mỉm cười: “Đẹp thật há?”

Cậu kéo tôi ngồi xuống bên cạnh, lục lọi trong cặp đến khi tìm thấy hộp bông băng và cồn sát trùng.

“Lúc nào cậu cũng mang theo hết hả?” Tôi ngạc nhiên.

“Không. Tôi mới mua ở nhà văn hóa khi thấy cậu bị bầm dập thê thảm.”

Tôi cảm nhận sóng mũi mình cay cay. Cậu ta làm tôi cảm động muốn phát khóc.

“Ngồi yên nào.” Tuấn đưa bàn tay to lớn của mình vụng về dán băng cá nhân lên má tôi. “Xong rồi.” Cậu ta hào hứng như một đứa trẻ làm được việc tốt.

Cả hai đứa tôi giữ im lặng ngắm nhìn mặt biển phản chiếu những ánh nắng yếu ớt và đón những đợt gió nhè nhẹ. Mắt tôi lơ đểnh bắt gặp những ổ khóa đôi dọc theo lan can quanh hải đăng. Trước đây tôi từng nghe Uyên nói, những cặp tình nhân hay mua những ổ khóa được khắc tên mình và đem lên đây, khóa lại, rồi ném chìa khóa xuống biển. Làm như thế sẽ được bên nhau mãi mãi. Nhìn những ổ khóa rĩ sét, lòng tôi chợt buồn miên man. Có bao nhiêu tình yêu bên vững với thời gian như những ổ khóa ấy nhỉ?

“Có phải hai người chia tay là vì tôi không?” Tôi không nhìn Tuấn, lẩm bẩm.

“Gì cơ?” Tuấn ngờ nghệch.

“Cậu với bạn Hương ấy…” Tôi vẫn giả vờ nhìn xa xăm.

Tuấn bật cười rũ rượi. Mãi một lúc tôi đâm ra bối rối: “Gì mà cười?”

Tuấn xoa đầu tôi: “Cậu giỏi tượng tượng thật đấy.” Cậu nghiêm giọng: “Cậu có thể an tâm vì trước giờ tôi chưa từng quen ai cả.”

“Thế sao cậu lại làm cô bé ấy khóc thế?” Tôi vẫn không hài lòng.

Tuấn im lặng, cậu thôi nhìn tôi. Lúc này tôi mới dám quay sang nhìn Tuấn, khuôn mặt cậu trông thật buồn.

“Từ lâu rồi ba không về ăn cơm chung với hai mẹ con.” Giọng Tuấn trầm lắng. “Ba cũng thường ngủ qua đêm ở ngoài. Mẹ lúc nào cũng phải uống thuốc ngủ để thôi lo lắng…”

Nhìn dáng vẻ trơ trọi của Tuấn, tim tôi lại nhói lên. Thì ra cậu luôn dấu trái tim bị tổn thương bên trong một vỏ bọc cứng cỏi. Vậy mà tôi tưởng mình đã hiểu Tuấn lắm, tôi thật là ngốc nghếch.

“Tôi luôn cố làm những trò quậy phá để ba chú ý đến. Tôi cứ tưởng mình có thể kéo hai người họ đến bên nhau, bằng việc chăm lo cho tôi.” Giọng Tuấn run run.

“Cậu có biết điều tồi tệ nhất là gì không?” Tuấn quay sang nhìn tôi, mỉm cười cay đắng. “Ba cặp kè với một con bé còn nhỏ tuổi hơn cả con mình.”

Một giọt nước mắt lấp lánh nơi khóe mắt cậu trào ra trong khoảnh khắc rất ngắn trước khi cậu đưa tay quệt nó đi mất. Tuấn khóc.

Tim tôi như thắt lại. Một niềm thương cảm trào dâng mãnh liệt trong lòng tôi. Tôi muốn đưa tay ôm chầm lấy Tuấn ngay lúc này, sưởi ấm cho tâm hồn đơn độc ấy. Nhưng tất cả những gì tôi có thể làm là… khóc như mưa.

“Này.” Tuấn lắc lắc hai má tôi. “Tôi không khóc thì thôi. Mắc gì cậu phải khóc giùm tôi thế?”

Tôi càng khóc to hơn. Tuấn nhìn tôi một lúc rồi phì cười.

Thật nhẹ. Cậu đặt môi mình lên môi tôi. Đôi môi cậu đã khô lại từ lúc nào do làn gió biển. Nhưng sau tất cả cái vị mằn mặn của nước mắt và đôi môi rướm máu của tôi, vị ngọt trong hơi thở và đôi môi của Tuấn làm lòng tôi dịu lại. Một cảm giác bình yên đến lạ, tim tôi cũng thôi rộn ràng trong lòng ngực mà ngoan ngoãn đánh những nhịp thật khẽ. Có lẽ, nó đã tìm được đường đến với trái tim của Tuấn rồi.

Chương 6

Sau bao lần khóc lóc, van xin, nài nỉ, tôi cũng thuyết phục được ba mẹ rằng tôi không cố ý gây sự đánh nhau trước. Ba mẹ tôi lại phải mất hai ba ngày chạy đôn chạy đáo nhờ vả ông này bà kia nói ra nói vào cho tôi được ở lại trường. Sau khi một khoảng tiền kha khá nằm gọn trong tay của mấy ông lớn bà nhỏ, tôi mới được đi học trở lại với cái án treo lơ lững trên đầu.

Bù vào đó tôi bị ba cấm túc vô thời hạn. Mỗi ngày tôi chỉ được phép ra khỏi nhà vào buổi sáng để đến trường, trước mười hai giờ là tôi lại phải trở về nhà – ngôi nhà thân yêu mà mọi người vẫn thường ca tụng ấy nay đã trở thành trại giam. Đi làm thêm: không được phép, nấu cháo điện thoại: không được phép, online bằng máy tính duy nhất trong nhà ở phòng khách: không được phép, xem TV từ chín giờ tối trở đi: không được phép.

Đấy chưa hẳn là địa ngục, ở trường còn có một địa ngục khác với con quỷ giữ của vô cùng độc đoán.

“Cậu có thấy hai thằng con trai cứ quấn quít lấy nhau là kỳ cục lắm không?” Tôi mệt mỏi than vãn khi Tuấn suốt ngày cứ đeo bám tôi như sam. Chẳng khác nào nếu như tôi ở một mình trong năm giây thì thiên thạch sẽ va vào đầu tôi, hoặc là tôi sẽ bị một bọn Mafia bao vây bắn cho đến chết.

“Thế một thằng con trai thầm yêu một thằng con trai khác trong hai năm thì không kỳ cục à?” Tuấn thì thầm vào tai tôi, mặt ngây ngô vô số tội.

“Cậu đi đâu đấy?” Tôi nhăn mặt, quay lại nhìn Tuấn từ nãy đến giờ lẽo đẽo theo tôi suốt dãy hành lang.

“Đi theo cậu.” Tuấn mỉm cười.

“Tôi đi toilet đấy.” Tôi mím chặt môi, nén cơn tức đang sôi cuồn cuộn trong bụng.

“Ừ. Thế thì tôi cũng đi toilet.”

Rồi. Đời tôi đến đây là tàn . Nếu trước đây tôi phát điên vì không được cậu ta quan tâm, thì giờ đây khi được quan tâm một cách độc tài như vậy, tôi thấy thà chết còn sướng hơn.

“Ba mẹ tôi mà biết tôi thích cậu, tôi sẽ bị lột da, đập nhừ tử cho đến chết.” Tôi làu bàu khi đã ngồi gọn trong lòng Tuấn trên chiếc Martin lúc ra về.

“Nhà cậu vui nhỉ? Tôi đến chơi nhé?” Tuấn hào hứng.

“Không được.” Tôi lắc đầu nguầy nguậy.

“Sao thế? Cậu bị cấm không cho ra ngoài, chứ đâu có bị cấm dẫn bạn đến nhà đâu.” Tuấn lí sự.

Sau một lúc tranh cãi thì hai đứa cũng đi đến kết cục ở trước cổng nhà tôi. Tuấn tự nhiên dắt xe vào, vừa đi vừa huýt sáo. Lòng tôi nôn nao sợ ba tôi lại nổi trận lôi đình. Lo sợ của tôi hóa ra lại thừa, nhà tôi vui vẻ chào đón Tuấn. Hiếm khi tôi dẫn bạn về nhà, ngoại trừ Uyên ra. Tuấn tỏ ra lễ phép và ngoan ngoãn khác thường, nói chuyện cứ nhỏ nhẹ, dạ thưa chứ không cộc cằn như lúc nói chuyện với tôi. Bà nội cứ luôn miệng khen Tuấn đẹp trai suốt, và theo tôi nhẩm đếm thì đã khen đến lần thứ hai mươi mấy. Đứa em gái bốn tuổi của tôi thì lẳng lặng đi theo Tuấn, cắn móng tay vẻ e thẹn dòm cậu ta lom lom.

“Tuấn có bạn gái chưa con?” Mẹ tôi gợi chuyện khi cả nhà quây quần bên bàn ăn.

Tôi thầm cười thích thú nhìn Tuấn, cậu ta liếc sang tôi rồi lúng túng trả lời:

“Dạ chưa.”

Mẹ nhìn tôi thở dài:

“Chẳng biết bao giờ con dì mới có bạn gái. Tuấn biết không, nó học lớp 12 rồi mà còn măn vú mẹ đó.”

“Mẹ…” Tôi xấu hổ càu nhàu.

Tuấn phì cười.

“Bọn con nít bây giờ cứ mới tí tuổi đã bày đặt yêu đương.” Ba gằn giọng.

“Hồi xưa tụi mình cũng vậy mà.” Mẹ tôi pha trò.

Ba đáp lại mẹ bằng một cái lườm thật dài.

“Ăn nhiều vào đi con.” Nội tôi gắp cho Tuấn một miếng thịt to đùng.

Cả buổi cơm trôi qua trong không khí sôi nổi thường ngày của nhà tôi. Ba kể lể chuyện trưởng phòng mới khó chịu ở công ty, nội và mẹ thì cứ tranh cãi suốt nên mua rèm cửa màu hồng hay màu xanh, tôi và con em thì tranh nhau giành cho bằng được miếng thịt cuối cùng, rốt cuộc tôi cũng phải nhường cho nó.

“Ba mẹ cậu vui thật đấy.” Tuấn nói khi thích thú lăn lộn trên giường trong phòng của tôi.

Tôi loay hoay cất tập sách lên giá, chẳng buồn phát biểu ý kiến. Tuấn chưa được chứng kiến cảnh ba tôi nổi cơn tam bành và mẹ tôi tối ngày cứ lằn nhằn suốt nên mới nói thế.

Con em tôi đứng lóng ngóng ngoài cửa, một tay lôi sền sệt con Gấu Teddy trên sàn nhà, tay kia cầm cuốn truyện thiếu nhi.

“Bé Ni đi đâu thế?” Tôi cất giọng dịu dàng hỏi.

Con bé chẳng thèm dòm đến mặt tôi. Nó đi một mạch thẳng đến giường, trèo lên và nũng nịu với Tuấn: “Anh gì ơi! Đọc truyện cho em nghe nhé.”

Trời ơi. Còn có cái màn này nữa . Ở nhà chẳng bao giờ con bé dịu dàng với tôi được một phần một trăm mũ n như thế. Nó toàn cào cấu, đánh đấm tôi, tranh giành mẹ với tôi. Thế mà giờ này nó lại nằm gọn trong lòng Tuấn, lim dim mơ màng nghe Tuấn đọc truyện. Rõ ràng là nó đang lợi dụng Tuấn mà, càng nghĩ tôi càng phát bực. Nhà tôi sao di truyền cái gen mê trai mạnh đến thế chẳng biết. Tôi phải gắng làm cho xong bài tập thật nhanh rồi lôi đầu con em ra khỏi phòng giao cho mẹ mới được.

Mẹ mang nước vào phòng để lên bàn học, tôi ngẩng mặt lên cảm ơn. Mẹ đưa tay ra dấu: “Suỵt!” Rồi chỉ về phía giường ngủ của tôi. Tuấn và con em của tôi đang ôm nhau ngủ say sưa.

Nắng gấp khúc qua cửa kính rọi một mảng sáng rực khắp phòng. Đôi tai và khuôn mặt Tuấn hồng lên trong ánh nắng. Lặng đứng quan sát mất một lúc, bất giác hai mẹ con tôi nhìn nhau mỉm cười.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro