Chương ba: Lần đầu gặp gỡ
Tiếng gà gáy đánh thức Ngô Kỷ. Oằn mình ngồi dậy, hết ngó ra ngoài cửa sổ lại ngó đồng hồ bằng đôi mắt chưa mở được một nửa, Kỷ thấy trời đã tảng sáng nhưng vẫn còn rất sớm. Hôm qua anh đã lái xe một mạch từ Sài Gòn về Phan Thiết. Trước đó anh đã tìm được một căn nhà nghỉ nhỏ rẻ ven biển Mũi Né, gọi điện và đặt chỗ trong vòng hai tuần. Dự tính trước mắt của Kỷ chỉ là thăm thú khu vực này, rồi ra biển gặp ngư dân, trải nghiệm những ngày làm ngư dân, vừa cũng để đợi tin tức từ Hà Nội và nghĩ xem sẽ làm gì tiếp theo. Đến cả sẽ làm gì sau khi hết hai tuần ở Phan Thiết anh cũng chưa tính tới.
Với tay lấy điện thoại, Kỷ thấy có e-mail vừa được gửi đến địa chỉ của Kỷ. Mắt nhắm mắt mở, Kỷ mở e-mail lên, bỏ qua luôn phần người gửi và chủ đề, để rồi anh bật người thẳng dậy, mở mắt to ra phấn khích: "Chào bạn, tôi là Vũ Ngưng, là người đã múa điệu Hạ Huyền Tiên Nữ. Tôi cũng thật ngạc nhiên rằng anh cũng biết về nó..."
Là thư trả lời của cô gái tên Nguyễn Vũ Ngưng, người đã múa điệu Hạ Tiên trên truyền hình mà Kỷ đã vô tình xem được. Ngô Kỷ tỉnh ngủ hẳn, ngó lại phần tiêu đề người gửi, đúng là địa chỉ e-mail của cô ấy, được gửi vào đêm hôm qua. Kỷ chăm chú đọc bức thư điện tử mà anh đã chờ đợi cả tháng nay. Nội dung đại khái là cô gái được mẹ dạy lại cho cả điệu múa và khúc nhạc, mẹ cô nói bà được vợ chồng hai người bạn dạy lại. Vũ Ngưng cũng rất tò mò về việc Ngô Kỷ lại biết đến điệu nhạc vũ ấy, vì nghe mẹ cô kể lại rằng rất ít người biết đến điệu nhạc vũ ấy do nó không phải nổi tiếng gì. Đọc đến dòng: "Hiện tại tôi đang ở Mũi Né và sẽ ở lại trong vòng mười ngày. Nếu bạn có thời gian có thể gặp tôi ở khách sạn 123, số 123 đường 456 phường Mũi Né, Phan Thiết, Bình Thuận" thì Kỷ thầm kêu may mắn quá. Mình cũng đang ở Mũi Né, cô gái ấy cũng đang ở đây, lát nữa có thể tìm gặp liền được rồi.
Đọc lại bức thư lần nữa, Kỷ không giấu được niềm vui trong mắt mình. Cuối cùng cũng có thêm được một chút manh mối nữa rồi. Nhanh chóng tắm rửa thay đồ, Kỷ ra ngoài lấy con Dream của mình đi tìm nơi ăn sáng. Bây giờ vẫn còn sớm lắm, có thể cô ta chưa dậy cũng nên, đợi mặt trời lên cao xíu nữa rồi hẳn tìm vậy.
Nơi anh nghỉ trọ trong nửa tháng tới là một căn nhà ba tầng lầu giáp mặt ra biển, cũng chẳng thể gọi là nhà nghỉ hay khách sạn, vì khách trọ sẽ ở chung cùng với chủ nhà, có thể cùng ăn uống, trò chuyện với chủ nhà. Dĩ nhiên là sẽ không có những dịch vụ dọn phòng, sắp xếp phòng như các khách sạn, giá cả vì vậy cũng dễ thở hơn rất nhiều. Từ sáng sớm vợ chồng chủ nhà đã dậy mở cửa. Họ là hai vợ chồng đứng tuổi, đã có ba mụn con đều đang học trung học. Thấy Kỷ dậy thật sớm dắt xe ra ngoài, anh chủ nhà hỏi han rồi chỉ đường cho Kỷ hướng đi có thể tìm được quán ăn ngon. Kỷ mỉm cười cảm ơn rồi theo hướng anh chủ chỉ mà đi.
Hôm qua khi đến được Phan Thiết thì trời đã tối hù, thân thể lại mệt mỏi vì chạy xe đường dài nên Kỷ chẳng có tâm trạng nào mà nhìn ngắm cảnh vật xung quanh. Giờ Kỷ đang chạy xe thật chậm để đón nhận làm gió biển buổi sớm lướt qua trên má. Có chút mặn, cả mùi lẫn vị. Có cả mùi tanh nữa. Thì ra Kỷ đã đi ngang qua làng chài. Ngoảnh đầu về phía biển khơi, Kỷ trông thấy vô số những chiếc ghe, chiếc thúng, chiếc tàu đánh cá hoặc nằm chỏng chơ trên bờ cát, hoặc chao qua chao lại trên mặt biển từ gần đến xa. Từ sớm vậy ngư dân đã ra khơi đánh cá rồi sao? Không phải, hình như là ngư dân đang từ đại dương trở về, họ đang cùng nhau kéo những mẻ cá bắt được lên bờ kìa. Mặt trời đã nhú ra hết khỏi mặt biển nhưng phía chân trời vẫn còn loang loáng vệt vàng vệt cam. Ngư dân phía dưới bận rộn hò giúp nhau kéo thành quả cả đêm của mình lên bờ, cả khung cảnh nhộn nhịp ấy nhưng chẳng tạo nên một không gian ồn ã. Hình như họ đã rất hiểu ý nhau rồi nên không cần phải nói nhiều.
Từ bé đến lớn, cho đến khi gặp biến cố ba mẹ lần lượt ra đi, Kỷ những tưởng cuộc sống quanh mình giữa lòng Sài Gòn tấp nập đã là yên bình lắm rồi. Những khi mệt mỏi, chỉ cần về đến nhà, nằm xuống nghe tiếng chim xung quanh hót giữa bầu không khí tĩnh lặng là Kỷ cảm thấy thoải mái ngay. Anh chưa bao giờ thích những nơi đông người, vì nó luôn ồn ào và xô bồ. Nhưng nhìn khung cảnh lướt qua trước mắt mình, Kỷ hoàn toàn kinh ngạc, thật đông người nhưng cũng thật thanh bình, trái hẳn với những gì mà anh suy nghĩ trước giờ. Ngày tiếp theo phải đến đây xin ra khơi một lần cho biết, Kỷ quyết định.
Sau khi tạt ngang qua một quán bánh canh ven đường dùng bữa sáng, Kỷ lại ghé vào một quán cà phê cóc quen bờ biển, ngắm nhìn những con sóng và đọc cuốn sách anh đem theo. Lần này chẳng phải truyện võ hiệp mà là một cuốn tiểu thuyết tình cảm được viết bởi một tác giả trước năm bảy lăm, giờ này chắc ít người nhận biết được. Cuốn này kể về một anh chàng yêu mến một cô ca sĩ, mặc dù biết rõ là viễn vông vì cũng có rất nhiều người khác yêu mến cô ấy. Anh chàng cũng không trông mong rằng mình sẽ có ngày nên chuyện với cô ca sĩ đó. Nhưng những gì không mong đến nhất nó lại đến, một lần anh chỉ nhìn lướt qua ánh mắt là có thể nhận ra kia là cô ca sĩ mình thần tượng bấy lâu dù cô ấy che kín khuôn mặt chỉ để chừa đôi mắt. Cô ca sĩ cảm động vì anh chàng chưa gặp mình lần nào những chỉ nhìn đôi mắt thôi cũng có thể nhận ra được cô. Và rồi trời xui rất rủi hai người yêu nhau say đắm. Đến một ngày nọ, anh chàng phát hiện ra cô gái đã bị một ông bầu cưỡng hiếp, đe dọa nếu không cho ông ta thỏa mãn ham muốn dâm dục thì sẽ lôi cô ta lẫn người yêu xuống đến tận cùng của xã hội không ngóc đầu lên được. Anh chàng thì đau khổ một thì cô ca sĩ đau khổ hơn cả mười. Cô biết rằng người yêu sẽ không trách móc cô, sẽ không xa lánh cô, nhưng chính bản thân cô không tha thứ cho chính mình, chẳng dám mang thân thể ô uế tiếp tục tình yêu với anh chàng nọ. Thế là cô quyết định dùng cái chết để chấm dứt mọi thứ. Một câu chuyện tình yêu buồn. Tạm thời Kỷ vẫn chưa đọc đến đoạn kết vì sau một hồi chú tâm vào những con chữ thì đã chín giờ sáng, đến lúc nên đi tìm cô gái tên Vũ Ngưng kia.
Chạy xe đến địa chỉ mà cô ta đã cung cấp trong e-mail nhờ Google Maps, trước mắt Kỷ hiện ra một khách sạn không lớn lắm, nhưng kiến trúc và màu sắc của nó rất hợp mắt, hòa mình với cảnh vật xung quanh. Một sự kết hợp tuyệt vời. Cô gái này thật biết cách hưởng thụ. Bước vào bàn tiếp tân, Kỷ hỏi về vị khách phòng 511. Cô ấy vẫn còn ở trên phòng, vì cách đây không lâu, khách sạn đã gọi cho cô ấy một Wake-up call (cuộc gọi để đánh thức khách) nên chắc mẩm cô ấy đã dậy rồi nên cô tiếp tân mới đồng ý giúp Kỷ gọi lại thông báo cho người khách.
Sau khi gác máy, cô tiếp tân báo lại cho Kỷ rằng Nguyễn Vũ Ngưng sẽ xuống gặp anh trong vòng mười phút nữa. Nói tiếng cảm ơn xong Kỷ bước đến băng ghế sô-pha ngồi đợi.
Chưa đầy mười phút sau, từ thang máy bước ra một cô gái trong bộ váy mỏng màu trắng. Cô mang một đôi xăng-đan màu đen, một cái cặp chéo màu đen, tóc buộc đuôi ngựa. Vì đã thấy trên truyền hình, Kỷ nhận ra ngay đấy chính là Nguyễn Vũ Ngưng. Nhưng lần này là người bằng xương bằng thịt làm Kỷ không khỏi ngẩn ngơ trước nét xinh xắn nhưng mạnh mẽ của cô gái. Mất một thời gian ngắn để ngắm cô gái, Kỷ vội vàng nhớ lại mục đích mình đến đây chẳng phải để ngắm người đẹp, liền đứng dậy vẫy tay về phía Ngưng trong khi cô đang nhìn quanh và dự định tiến tới quầy tiếp tân để hỏi.
Nhìn thấy một anh chàng trẻ tuổi vẫy tay mình, Ngưng ngầm đoán đó là người đã gửi e-mail cho mình và muốn biết về điệu Hạ Huyền Tiên Nữ. Bước về phía Ngô Kỷ, Ngưng đưa bàn tay nhỏ nhắn của mình ra, chào:
"Chào bạn, tôi là Nguyễn Vũ Ngưng. Bạn là người đã gửi e-mail cho mình đúng không?"
Kỷ chỉ cảm thấy giọng nói của cô gái rất giống mẹ của mình, có điều trong trẻo hơn, bất giác xúc động, nhưng vẫn đưa tay lên bắt lấy tay của Ngưng, trả lời:
"Đúng vậy, tôi là Ngô Kỷ. Rất vui được gặp bạn, bạn có thời gian để chúng ta nói chuyện không?"
Ngưng đáp:
"Bạn đã ăn sáng chưa? Chúng ta vừa ăn vừa nói chuyện vậy."
Kỷ "hừm" một tiếng rồi bảo:
"Tôi đã ăn rồi."
"Vậy cũng chẳng sao, tôi ăn, bạn ngồi nói chuyện vậy." Chẳng đợi Kỷ có đồng ý hay không, Ngưng đã xoay người hướng về phía khu vực ăn uống của khách sạn bảo "Đi thôi".
Ngồi đối diện với Ngưng đang ăn một tô bún cá, tay Kỷ cứ lúng túng không biết để đâu cho phải, khoang lại đặt trên bàn thì không hợp lí, đặt hai tay lên đùi thì tư thế sẽ giống như đang thấp thỏm, mà thả thõng hai tay xuống lại trông rất dị. Ngưng thấy Kỷ loay hoay một hồi vẫn chưa quyết định được nên làm thế nào với đôi tay thì bật cười, với tay gọi chị bồi bàn lại bảo:
"Cho em thêm một bình trà", rồi quay sang nhìn Kỷ hỏi, "bạn uống trà được chứ?"
"Dĩ nhiên rồi", Kỷ đáp. Lại nghe Ngưng cười: "Thay vì suy nghĩ nên đặt tay như thế nào thì hãy rót trà cho tôi đi nhé."
Thấy Ngưng nhận ra sự lúng túng của mình, Kỷ không khỏi xấu hổ. Lần đầu gặp mặt là đã muốn chui xuống đất thế này thì hỏng rồi.
Lát sau, bộ trà cụ được đem ra. Tổng cộng có hai khay. Một khay đựng một ấm trà cỡ nhỏ đủ cho hai người thưởng trà, bên cạnh ấm trà là một chén sứ được úp lên một chiếc đĩa dầm, chén này lớn, có một miệng để rót trà ra ngoài. Khay còn lại đựng một đĩa, gọi là đĩa bàn, trên đó có bốn chén nhỏ. Ngưng lên tiếng nói với chị bồi bàn: "Cho tụi em xin thêm một ấm nước nóng nữa."
Ban đầu Kỷ không hiểu mục đích của Ngưng khi xin thêm một ấm nước nóng là gì, nhưng vẫn chưa lên tiếng hỏi. Anh luôn muốn phải suy nghĩ thật kĩ một thắc mắc, chỉ khi nào mất quá nhiều thời gian mà chưa tìm được câu trả lời thì mới cần sự trợ giúp. À, thì ra là như vậy, Kỷ tự mẩm. Vừa hiểu được thì lại nghe Ngưng lên tiếng:
"Bạn biết dùng những cái này chứ?"
"Ừ, tôi có biết một ít", Kỷ trả lời, đúng lúc ấm nước nóng được đem lên. Trong khi Ngưng tiếp tục món ăn của mình, Kỷ nhấc tay lấy ấm nước nóng, tay còn lại lật ba cái chén lên, rót một ít nước vào hai chén trà, lắc đều, vừa làm vừa nói:
"Ban đầu tôi vẫn chưa hiểu vì sao bạn lại gọi thêm nước nóng. Không ngờ bạn lại hiểu cách thưởng trà như vậy. Dùng nước nóng tráng chén trà để chén nóng lên, lát sau rót trà không sợ trà bị chén hút nhiệt mà nguội đi." Kỷ lại tiếp tục đổ nước từ hai chén nhỏ qua cái chén lớn, lại tráng để chén ấm lên, sau đó đổ nước từ chén lớn vào chén nhỏ còn lại chưa được tráng. Đúng lúc ấy Ngưng vừa xong bữa sáng của mình, Kỷ sẵn tay rót trà vào cái chén lớn, lắc nhẹ vài cái rồi lại từ chén lớn rót vào hai chén nhỏ, nói:
"Bạn ăn nhanh quá nhỉ!"
Ngưng cười:
"Tôi chịu đói từ tối qua đến giờ. Ăn bún cá mà uống trà thì hơi kì cục một chút, nhưng thôi chẳng sao. Bạn cũng hiểu về trà?"
Kỷ đưa chén trà đã rót cho Ngưng, đáp:
"Tôi có đọc qua một ít về trà. Tại rảnh quá đó mà. Còn bạn?"
Nhấp một ngụm trà, Ngưng trả lời:
"Là ba tôi dạy tôi. Ông ấy thích uống trà lắm, nên đã lây sang tôi đó. Bạn có biết trong bộ trà cụ ở đây, cái nào do ông bà người Việt mình sáng tạo ra không?"
Với tay lấy cái chén to có miệng rót, nhìn vào hoa văn trạm trổ trên chén, Kỷ nói:
"Là cái chén tống này có phải không? Cần phải rót trà ra chén tống trước rồi mới rót vào chén quân nhỏ uống trà, tránh cho trà trong chén quân có chén đậm, chén nhạt nếu rót trực tiếp."
Ngưng vừa đưa ngón tay cái lên vừa nói:
"Chính xác. Thật khó để tìm ra một người trẻ mà biết về trà như bạn đó nha."
Kỷ cười mỉm, nhấp một ngụm trà, giữ trong miệng một ít rồi nuốt xuống. Trà này cũng khá, ban đầu có vị chát nhẹ, sau nuốt vào thì hơi đắng nơi cổ họng nhưng có một vị thanh thanh xen lẫn vào, mùi thơm cũng từ đó mà xộc lên. Kỷ thầm nghĩ thật may là đã lấy lại hình tượng. Kỷ vốn là người ít nói, nhưng người ít nói thì chẳng phải vì suy nghĩ ít mà là họ suy nghĩ nhiều lắm nhưng chẳng hay nói ra. Mà như thế thì chẳng ai biết được họ đang nghĩ gì, có chín chắn hay không. Ngô Kỷ là một ví dụ. Bên ngoài như một người ít nói, trầm tính là thế, nhưng bên trong lại có những suy nghĩ rất ư là đời thường. Đến lúc này, Kỷ mới lấy lại tự tin, bắt đầu đi vào vấn đề chính:
"Bạn bảo là do mẹ bạn dạy bạn điệu Hạ Huyền Tiên Nữ, và mẹ bạn lại học được nó từ vợ chồng hai người bạn?"
Ngưng nói:
"Đúng vậy. Mẹ tôi nói thế khi tôi hỏi xuất xứ. Tôi có hỏi mẹ rằng hai người bạn của mẹ đâu thì mẹ tôi trả lời răng đã mất liên lạc từ mấy mươi năm trước rồi. Phải rồi, làm sao anh biết được điệu đó?"
Không trả lời câu hỏi của Ngưng, Kỷ nói:
"Tôi biết hai người bạn của bác gái ở đâu đấy."
"Thật sao?" Ngưng tròn mắt hỏi.
"Ừ, bởi vì tôi là con của họ. Ba mẹ tôi là người đã sáng tác ra nó."
Ngưng "ồ" một tiếng dài rồi nói với giọng không khỏi ngạc nhiên:
"Thảo nào bạn lại biết. Vậy là chúng ta coi như có liên hệ với nhau rồi", Ngưng cười tươi, nụ cười của cô thật sự thu hết tất cả ánh sáng của vùng biển này lại một chỗ rồi. Ngắm nhìn nụ cười đó, dù trên mặt không lộ ra bất kì dấu hiệu nào, nhưng trong đầu Kỷ gào thét. Ôi làm sao có nụ cười nào đáng yêu đến như vậy chứ. Nghe Ngưng nói tiếp:
"Hai bác cùng nhau soạn ra cả điệu nhạc lẫn điệu múa hay sao?"
"Bạn đoán thử xem"
"Chắc là bác trai soạn nhạc, bác gái biên đạo rồi!" Kỷ lắc nhẹ đầu mỉm cười. Thấy chén trà Ngưng đã cạn, Kỷ rót trà vào chén tống rồi châm trà cho cả hai. Vừa nghe Ngưng nói hai tiếng "cảm ơn", Kỷ nói:
"Phải ngược lại mới đúng. Mẹ là người viết nhạc, ba biên đạo đó. Tôi nghĩ là mẹ bạn và mẹ tôi là bạn bè thuở ban đầu, rồi sau khi ba mẹ tôi yêu nhau thì ba tôi mới biết đến mẹ bạn. Ông ấy là người Trung. Chắc là cả hai người mẹ của chúng ta đều chơi đàn bầu rất giỏi."
Lại thêm một ngạc nhiên nữa với Ngưng.
"Thật á? Bác trai thật là giỏi quá."
Đến lúc này, Kỷ tóm tắt lại cho Ngưng nghe quá trình từ quán bún chả cho đến khi anh nhận được e-mail của Ngưng. Việc tóm tắt này Kỷ đã nói khá nhiều lần rồi, nên anh tóm tắt rõ ràng, mạch lạc, không sót chút thông tin nào. Nói xong, anh lấy trong ba-lô ra năm bức hình cũ của mẹ anh cho Ngưng xem.
"Ôi, bác gái đẹp quá." Ngưng thốt lên lời khen khi nhìn những bức ảnh rồi hỏi: "Vậy giờ bạn cần tôi giúp gì?"
"Nếu mẹ bạn biết ba mẹ tôi thì ắt hẳn bác ấy biết chuyện trước kia của họ đúng không?"
Ngưng đáp với giọng hơi buồn:
"Có lẽ vậy, nhưng thật tiếc, mẹ tôi qua đời hơn mười năm trước rồi."
Nghe vậy Kỷ thất vọng: "Tôi xin lỗi."
"Không sao. Chuyện cũng đã qua rồi."
"Vậy còn ba bạn thì sao? Chắc bác ấy sẽ biết gì đó chứ nhỉ?"
Ngưng tỏ vé bối rồi, một lúc sau đáp:
"Có lẽ. Nhưng hiện giờ chắc tôi không giúp được bạn rồi."
Kỷ hỏi lý do thì Ngưng nói: "Tôi đang giận ông ấy lắm. Tôi ra Phan Thiết này để tránh ông ấy đây. Đang trốn nhà ra đi đó!"
Kỷ lại một lần nữa thất vọng: "Thì ra là vậy."
Thấy gương mặt hơi buồn chán dù không được biểu hiện nhiều của Kỷ, Ngưng suy nghĩ một lát rồi nói: "Thôi được, tôi có cách hỏi giúp bạn rồi."
Như chỉ đợi có câu nói đó của Ngưng, Kỷ vui vẻ nói: "Vậy thì tốt quá. Cảm ơn bạn!"
Sự biến chuyển nhanh chóng của Kỷ làm Ngưng lại bật cười. Nụ cười lần này vẫn làm mờ nhạt hết mọi thứ xung quanh, Kỷ ngẩn ngơ nhìn cô, nhưng không quá để lộ sự thất thố.
"Bạn để lại số điện thoại cho tôi đi. Xong việc tôi sẽ gọi báo cho bạn", Ngưng nói.
Kỷ gật đầu, xé một mảnh giấy nhỏ ra, viết xoạt xoạt số điện thoại của mình lên đưa cho Ngưng.
"Nhờ bạn vậy", Kỷ nói một cách mong chờ.
"Được rồi, giờ tôi có việc phải đi rồi, đến tối tôi sẽ gọi cho bạn nhé! Nhân tiện, ba mẹ chúng ta xem như có quen biết, cũng nên xưng hô cho phải nhỉ? Tôi sinh năm chín lăm."
"Tôi sinh chín tư. Vậy tôi lớn hơn bạn một tuổi rồi."
"OK. Vậy phải gọi bằng anh rồi. Vậy nhé. Cứ gọi em là Vũ Ngưng, hay Ngưng đều được."
Kỷ cũng không ý kiến gì, người Việt xưng hô nhau bằng tuổi, mà chuyện ấy làm đau đầu biết bao nhiêu người nước ngoài học tiếng Việt.
"Ừ, cảm ơn em trước nhé. Anh sẽ chờ tin tức của em", Kỷ lại nói lời cảm ơn.
Gọi tính tiền xong, hai người tạm biệt nhau. Đến tối, điện thoại Kỷ đổ chuông.
Sau cuộc gặp gỡ cùng Ngưng, Kỷ trở về nhà trọ của mình. Anh được anh chị chủ nhà cùng làm cơm và ăn trưa với nhau. Chưa biết làm gì tiếp theo nên Kỷ vui vẻ nhận lời. Hỏi ra mới biết anh chủ tên là Thanh, chị chủ tên Nhàn. Ba đứa con đều đã đi học những trường gần nhà. Khi xưa hai vợ chồng cũng đã từng vào thành phố (Hồ Chí Minh) lăn lộn, vì làm ăn mà một thời gian dài chưa muốn sinh con. Sau này ba anh chủ để lại cho vợ chồng anh căn nhà này, hai người liền về quê lại, mở kinh doanh nhà trọ. Lại dùng số tiền kiếm được sắm cũng được vài chiếc xe du lịch, hoặc cho thuê, hoặc anh chủ sẽ chở người ta đi. Tóm lại, giờ họ về Mũi Né này sống một cuộc sống ổn định, nuôi ba đứa con ăn học nên người là tốt rồi. Quả là hai vợ chồng lấy nhau thật hợp lí, Thanh với Nhàn nên cuộc sống thật thanh nhàn, Kỷ nói thế.
Kỷ nấu ăn không tệ nên được hai anh chị khen không thôi. Đáng ra cả thảy mười hai phòng được cho thuê đều kín, sẽ có rất nhiều người trong nhà, nhưng phần lớn bọn họ đều là đi đôi đi cặp với nhau, lại thuê ngắn hạn. Chỉ riêng Kỷ đi một mình, lại thuê đến nửa tháng trời. Anh chị chủ thấy Kỷ còn trẻ, lại đi một mình nên thật có lòng làm thân với Kỷ. Mà lí do chính đó là vừa nhìn Kỷ họ đã biết ngay đây là một người trẻ đang trên đường du lịch và tìm kiếm điều gì đó cho cuộc đời mình. Hai vợ chồng đã cho ở trọ khá nhiều người như vậy rồi. Và họ biết những kẻ tìm kiếm đó thường sẽ rất cô đơn. Khi dùng cơm chung, Kỷ cũng không ngần ngại kể sơ lược qua mục đích chuyến đi của mình cho hai anh chị chủ nghe.
Sau khi nghỉ trưa, Kỷ ra lại làng chài mà anh đã đi ngang lúc sáng và trò chuyện cùng những người ngư dân. Sau đó anh mua một ít cá tươi về, định bụng sẽ mời anh chị chủ cùng ba đứa nhỏ ăn món cá của mình nấu. Trong lòng nôn nao chờ đợi tin tức của Ngưng nên nhất thời Kỷ vẫn chưa biết nên làm gì tiếp, cuối cùng anh quyết định về nhà trọ, nằm dài ra đọc tiếp cuốn tiểu thuyết tình yêu buồn giữa anh chàng nọ và cô ca sĩ.
Khi bữa cơm tối ấm cúng cùng gia đình chủ nhà vừa kết thúc, cú điện thoại Kỷ chờ đợi từ trưa đến giờ rốt cục cũng đến. Một số lạ. Chắc là Ngưng chứ không ai khác. Chạy vội ra sân để tránh làm phiền gia đình chủ nhà, Kỷ nhanh chóng bắt máy.
"A lô, Ngô Kỷ nghe."
"Em là Ngưng này. Em có hai tin, một tốt và một không tốt Anh Kỷ muốn nghe tin nào trước đây?" Đầu bên kia vang lên giọng Hà Nội trong trẻo của Ngưng. Kỷ bảo anh muốn nghe tin xấu trước, thế là Ngưng nói:
"Tin xấu là ba em không biết gì về điệu nhạc vũ đó cũng như là ba mẹ của anh."
Lại lần nữa thất vọng với những gì mình vừa nghe được, Kỷ chán nản đáp:
"Tin này quả thật không tốt," phải nói là rất rất xấu, Kỷ nghĩ, "vậy còn tin tốt là gì vậy em?"
Ngưng "ừm" một tiếng, nói:
"Mặc dù tin vừa rồi rất xấu, nhưng cũng chưa hẳn là mất hết hi vọng. Tin tốt đó là, ba em không biết, nhưng có người khác biết. Hôm qua khi xem ảnh bác gái, em đã chụp lại rồi gửi về cho bà ngoại em. Bà ấy nhận ra bác gái đó!"
Bà ngoại? Bà ngoại còn sống luôn à? Nếu vậy chắc bà ấy lớn tuổi lắm rồi, thế mà vẫn nhận ra mẹ mình, có thể nói là chuyện cực kì hiếm thấy. Lại có hi vọng rồi, cảm ơn trời đất. Nghĩ thì vậy, nhưng Kỷ chỉ nói:
"Thật ư? Vậy thì hay quá. Bà ngoại em nói như thế nào?"
Ngưng cười "hi hi" rồi nói:
"Anh kì lạ thật đó. Cứ tưởng anh sẽ kích động lắm chứ, sao giọng thờ ơ thế hả? Giờ anh có thể qua chỗ của em không, em sẽ nói chi tiết cho anh? Anh làm em muốn biết chuyện của mẹ em rồi đó."
Kỷ liếc nhìn đồng hồ, mới sáu rưỡi hơn, nói:
"Vậy được, khoảng hơn nửa tiếng nữa anh sẽ tới chỗ em. Anh phải phụ chủ nhà dọn dẹp một tí. Anh gọi em bằng số này đúng không?"
"Vâng, anh qua nhanh nhé!" Ngưng đáp.
Ba mươi phút sau, Kỷ có mặt ở trước khách sạn Ngưng ở. Kì lạ là Kỷ không thể gọi cho Ngưng được, gọi đến 5 cuộc gọi vẫn không thấy bắt máy. Anh bèn đến hỏi nhân viên tiếp tân thì được bảo là cách đấy nửa tiếng cô ấy đã đi ra ngoài rồi. Hẹn mình qua mà lại đi ra ngoài, đã vậy gọi cũng không được, cô gái này bị sao vậy cà? "Chắc cô ấy đi mua gì đó, để điện thoại trên phòng rồi, mình ngồi đợi một xíu vậy", Kỷ đoán. Lại mười phút nữa trôi qua, Kỷ quyết định gọi một lần nữa, nếu vẫn chưa bắt máy thì anh sẽ nhắn cho Ngưng một tin báo mình đã qua nhưng không liên lạc được rồi ra về. Lần này Ngưng bắt máy. Kỷ chưa kịp lên tiếng thì nghe thấy tiếng Ngưng:
"Em xin lỗi anh Kỷ", hình như Ngưng đang khóc, "em bị lạc rồi, điện thoại cũng không có bản đồ hay, định vị, ở đây toàn là, cát, em đến đồi cát rồi thì phải, nhưng không biết nên đi hướng nào, có hồ nước, trước mắt em, anh đến tìm dẫn em về với." Giọng Ngưng đứt quãng, xem lẫn là tiếng nấc lên vì nghẹn ngào nước mắt. Ngô Kỷ thường ngày bình tĩnh là thế, nhưng nghe thấy tiếng khóc của Ngưng thì đâm ra rối. Chết tiệt, đứa khốn nào khiến con bé khóc để rồi mình phải bối rối như thế này. Nghĩ thì như vậy, còn bên ngoài Kỷ nhanh chóng lấy lại vẻ bình tĩnh, nói:
"Hồ à? Được rồi, anh biết chỗ đó rồi. Em đừng khóc nữa, ở yên một chỗ nhé, anh sẽ tới ngay."
"Dạ, em biết rồi." Nói rồi Ngưng tắt máy.
Kỷ quay lại quầy tiếp tân hỏi xem có nhớ Ngưng đi hướng nào không thì nhân viên trả lời hình như là từ khách sạn rẽ trái, cô ấy đi xe máy. Khi xác định chắc chắn hướng đi và chỗ của Ngưng, Kỷ nhanh chóng lên chiếc Dream rồi rẽ trái mà chạy. Đã gần bảy giờ, trời tối hẳn. Trong lòng Kỷ đang vô cùng lo lắng. Không hiểu vì sao Ngưng lại chạy đến tận đồi cát, chắc là Bàu Trắng rồi. Anh nói mình biết chỗ vậy thôi, nhưng cái Bàu Trắng nó rộng thênh thang, hai cái hồ cũng không phải nhỏ, lại còn trong đêm tối nữa, muốn tìm được cũng khó khăn lắm. Mà anh lại sợ cô ấy thân gái một mình ra nơi đêm tối vắng vẻ, lỡ có chuyện gì thì không ai có thể tới giúp được.
Từ chỗ Ngưng đến Bàu Trắng nếu đi xe cũng mất đến nửa tiếng, vậy là cô ấy chạy xe quá nhanh rồi. Nhưng Kỷ còn chạy nhanh hơn, anh kéo đến hết công suất của chiếc Dream cũ kĩ, hơn hai mươi phút sau đã đến Bàu Trắng. Đường đêm ít xe, đây lại là khu vực ít dân nên Kỷ cứ mặc sức mà kéo tay ga. Kỷ cũng đã có ý định muốn đến vùng đồi cát này xem thử một phen nên đã tìm đường trước, nhưng lần này thì lại sớm hơn dự định rồi. Dừng xe lại, Kỷ lấy từ trong ba-lô ra cái đèn pin ra. Đêm nay có trăng, nhưng đã là cuối tháng âm lịch, mặt trăng chỉ còn lại một mảnh mỏng như chiếc lá mạ lơ lửng tầng không, ánh sáng chiếu xuống cũng rất mờ nhạt. Tuy vậy, trong đêm tối mịt mù như thế này, ánh trăng lại nổi bật hơn cả, trăng vừa lên, có thể thấy loang loáng mặt hồ đằng xa. Kỷ tiếp tục cho xe chạy, một trái thì cầm đèn pin rọi về phía đồi cát hi vọng tìm kiếm được Ngưng, nhưng ánh sáng đèn pin cũng không mạnh và khoảng chiếu rộng nên cũng không thấy được gì nhiều. Đang buồn bực thì Kỷ thấy hướng đối diện có một chiếc xe tải đang chạy tới, đèn pha của nó chiếu sáng cả một phương. Tốc độ của chiếc xe tải khá nhanh, như chỉ cần như vậy, Kỷ đã phát hiện được một chiếc Cub 100 đang được dựng tựa vào một cây nhỏ phía bên kia đường. Chắc là của Ngưng rồi, Kỷ mừng thầm. Thế là chẳng cần biết luật giao thông là gì, Kỷ ngó trước sau rồi chạy xe băng thẳng qua lề bên kia. Kỷ hiểu vì sao Ngưng lại để chiếc xe chỏng chơ ở đây, cát đã nhiều lên, chạy xe rất khó. Nhưng đi trên cát thì mệt gấp mười lần đi trên bộ, chắc Ngưng chưa đi xa được đâu.
Dựng chiếc xe mình kế bên chiếc xe của Ngưng, hướng theo một vài dấu chân còn lại trên cát mà đi, Kỷ vừa móc điện thoại ra gọi cho Ngưng. Rất mau bên kia đã trả lời, không còn nghe tiếng thút thít nữa:
"Anh có tìm được em không?" Nói xong thấy câu của mình hơi tối nghĩa một chút, Ngưng định sửa lại nhưng chưa kịp đã nghe Kỷ nói:
"Anh thấy chiếc xe của em rồi, em vẫn còn ở chỗ hồ nước chứ?", sau khi Ngưng xác nhận vẫn ở chỗ cũ, Kỷ tiếp tục, "vậy em mở đèn pin điện thoại lên rồi vẫy về phía sau đi, anh thấy sẽ đến!"
Ngưng trả lời "ừm" một tiếng rồi tắt máy. Ngô Kỷ tiếp tục con đường mò kim đáy bể. Được một lúc thì không còn thấy được dấu chân nữa. Chỉ còn cách la lên, mong rằng cô ấy có thể nghe. Nghĩ rồi Kỷ hét lên "Vũ Ngưng ơi, em ở đâu?". Cứ thế được khoảng chục lần thì nghe lại tiếng đáp trả "Ở đây này anh", rồi quay đầu về phía âm thanh, thấy một đốm sáng nhỏ đang quơ qua quơ lại. Ngô Kỷ bước đi hướng đến đốm sáng kia. Mất năm phút nữa để bước đi trên cát Kỷ mới thấy được Ngưng đang đứng vẫy chiếc điện thoại. Trong ánh trăng và ánh sáng từ đèn pin mờ mờ, hình như cô ấy lại mặc trang phục màu trắng. Lần này là áo thun và một cái váy dài quá đầu gối.
Bước thêm vài mươi bước nữa, Kỷ tắt đèn pin, thở hồng hộc, ngước lên nhìn Ngưng, cô gái đã làm anh khổ sở đêm tối phải chạy ra vùng cát trắng này tìm người. Hai người bắt gặp ánh mắt nhau, đột nhiên Ngưng bật cười. Con bé này dám cười trước sự đau khổ của mình sao? Thật quá đáng mà, biết thể bỏ cô ta lại đây cho cát vùi. Vẫn vẻ mặt mệt mỏi vì lặn lội trên cát một quãng dài, Kỷ hỏi:
"Em thật lạ, mới vừa khóc đây mà giờ lại cười rồi. Nhìn anh tiếu lâm lắm?"
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro