Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Quyển 05


Quyển V

[1a]

Kỷ Thuộc Tùy Đường

Quý Hợi, (603), (Tùy Nhân Thọ năm thứ 2).158 Lưu Phương bắt được tướng cũ của Hậu Nam Đế, cho là gian ác, đều chém cả.

158 Sửa đúng là niên hiệu Nhân Thọ năm thứ 3.

Ất Sửu, (605), (Tùy Dạng Đế Quảng, Đại Nghiệp năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, Lưu Phương mới dẹp yên nước ta, bầy tôi nhà Tùy có người nói nước Lâm Ấp có nhiều báu lạ. Vua Tùy bèn cho Phương làm Hoan Châu đạo hành quân tổng quản, đi kinh lược nước Lâm Ấp. Phương sai bọn thứ sử Khâm Châu là Nịnh Trường Chân đem quân bộ và quân kỵ hơn một vạn xuất phát từ Việt Thường159. Phương thân dẫn bọn đại tướng quân Trương Tốn đem thủy quân xuất phát từ quận Tỷ Cảnh (huyện của nhà Hán, thuộc quận Nhật Nam; nhà Tùy đặt quận Tỷ Cảnh)160. Tháng ấy quân đến cửa biển. Tháng 3, vua Lâm Ấp là Phạn [1b] Chí sai quân ra giữ nơi hiểm yếu, bị Lưu Phương đánh tan chạy.

159 Việt Thường: tên huyện thời Tùy, thuộc quận Nhật Nam, vị trí vào khoảng huyện Đức Thọ và phía nam huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay.

160 Tỷ Cảnh: tên quận do nhà Tùy đặt năm 607, vị trí ở vào khoảng phía nam tỉnh Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Ở đây, Toàn thư chép với chữ Cảnh ____, nhưng đúng ra là Cảnh _____ (xem Tùy thư, Lưu Phương truyện). Cảnh còn có thể đọc theo âm cổ là Ánh (Tỷ Ánh nguyên là tên huyện thời Hán, có nghĩa là so bóng mặt trời).

Quân của Phương qua sông Chà Lê. Quân Lâm Ấp cưỡi voi lớn từ bốn mặt kéo đến, quân của Phương đánh không lợi bèn đào nhiều hố nhỏ, phủ cỏ lên trên, cho quân khiêu chiến, đang đánh giả thua chạy. Quân Lâm Ấp đuổi theo, voi phần nhiều sụp hố ngã nhào, nhốn nháo kinh hãi, quân trở nên rối loạn. Phương cho dùng nỏ bắn voi, voi lùi chạy, xéo giẫm vào hàng trận. Phương nhân đó cho quân tinh nhuệ đuổi theo. Quân Lâm Ấp thua to, bị bắt, bị chém kể hàng vạn. Phương tiến quân đuổi theo, mấy trận đều được cả, qua phía nam cột đồng Mã Viện, đi tám ngày nữa đến quốc đô Lâm Ấp.

Mùa hạ, tháng 4, Phạn Chí bỏ thành chạy ra biển. Phương vào thành lấy được mười tám bộ thần chủ trong miếu đều đúc bằng vàng (tức là mười tám đời vua), khắc đá ghi công rồi về. Binh sĩ thũng chân, mười phần chết đến bốn năm phần. Phương cũng bị ốm, chết dọc đường.

[2a] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Lâm Ấp tự chuốc bại vong là có nguyên do. Từ khi Phạm Hồ Đạt đánh chiếm Nhật Nam, Cửu Chân, cướp phá Giao Châu, bị Đỗ Viện nhà Tấn đánh tan, mà không từng lấy đó làm răn. Năm nay cướp Cửu Chân, sang năm lại cướp Giao Châu. Đỗ Tuệ Độ lại đánh tan, giết hết quá nửa. Dương Mại lại cướp Cửu Đức, bị Đàn Hòa Chi nhà Tống đánh cho phải phục tội. Tuy có sai sứ vào cống nhưng vẫn cướp phá như cũ. Tông Xác và Hòa Chi đuổi dài, thắng được Lâm Ấp. Dương Mại may thoát khỏi miệng hùm, văng mình bỏ chạy. Từ đấy, biển Nam sóng lặng, tưởng chừng mãi mãi lấy đó làm răn. Nhưng Phạn Chí nối ngôi, lại ra cướp Nhật Nam, bị Pham Tu đánh tan ở Cửu Đức, suốt cả đời Hậu Nam Đế không dám dòm ngó đất trung châu phía bắc (tức nước ta) nữa, mà nước họ cũng được giàu thịnh. Đến đây người Tùy tham của báu, cất quân đi đánh, giày xéo quốc [2b] đô, làm dơ bẩn cung điện, tuy gọi là quân tham bạo, nhưng bọn man di quấy nhiễu trung châu cũng có thể lấy làm răn.

Mậu Dần, (618), (Đường Cao Tổ Lý Uyên, Vũ Đức năm thứ 1). Mùa hạ, tháng 4, Thứ sử Khâm Châu là Nịnh Trường Chân đem đất Uất Lâm và Thủy An phụ theo Tiêu Tiển. Thái thú Hán Dương là Phùng Áng đem đất Thương Ngô, Cao Yếu, Châu Nhai, Phiên Ngung phụ theo Lâm Sĩ Hoằng.

Tiển và Sĩ Hoằng đều sai người sang chiêu dụ Thái thú Giao Châu là Khâu Hòa, Hòa không theo. Tiển sai Trường Chân đem quân Lĩnh Nam đi đường biển đến đánh Hòa. Hòa muốn đón hàng, Tư pháp thư tá là Cao Sĩ Liêm bảo Hòa rằng: "Quân của Trường Chân tuy nhiều, nhưng quân cô từ xa đến, lương thực ít, tất không thể cầm giữ lâu, quân giỏi trong thành cũng đủ đương được, việc gì mới nghe hơi đã vội chịu theo người".

Hòa nghe theo, lấy Sĩ Liêm làm [3a] Hành quân tư mã, đem các doanh thủy bộ đón đánh, phá tan quân (của Trường Chân). Trường Chân chỉ chạy thoát một mình, quân lính bị bắt hết. Hòa lại đắp tử thành (tức thành nhỏ bên trong thành), chu vi chín trăm bước để chống giữ. Đến khi nhà Tùy mất, Hòa hàng phục nhà Đường. Vua Đường sai Lý Đạo Hựu mang cờ tiết sang cho Hòa làm Giao Châu đại tổng quản161, tước Đàm quốc công. Hòa sai Sĩ Liêm dâng biểu xin vào chầu. Vua Đường xuống chiếu sai quân đi đón162. Năm này nhà Tùy mất.

161 Nguyên bản in là Thái Tổng Quản, sửa lại theo Tân Đường thư, Khâu Hòa truyện.

162 Nguyên văn: "chiếu phát sư nghênh chi"; có thể sai sót. Tân Đường thư, Khâu Hòa truyện chép là: "chiêu kỳ tử Sư Lợi nghênh chi", nghĩa là: xuống chiếu sai con của Hòa là Sư Lợi đi đón. Truyện Khâu Hòa trong Cựu Đường thư và Thông Giám cùng chép tương tự ("khiển kỳ tử Sư Lợi nghênh chi").

Nhâm Ngọ, (622), (Đường Vũ Đức năm thứ 5). Trước đây, cuối thời nhà Tùy, Khâu Hòa làm Thái thú Giao Châu, cậy uy thế của nhà Tùy, thường đi tuần các khe động ở biên giới, ở châu hơn 60 năm, Lâm Ấp và các nước163 tặng cho Hòa những ngọc minh châu, sừng tê văn và vàng bạc của báu, cho nên Hòa giàu như vương giả. Năm này nhà Đường đổi Giao Châu làm An Nam đô hộ phủ164.

163 Cựu Đường thư, Khâu Hòa truyện chép "Lâm Ấp chi tây chư quốc" (các nước phía tây Lâm Ấp).

164 Cựu Đường thư, Địa lý chí chép: "Quận Giao Chỉ thời Tùy, năm Vũ Đức thứ 5 (nhà Đường) đổi làm Giao Châu tổng quản phủ"

[3b] Mậu Tý, (628), (Đường Thái Tông Thế Dân, Trinh Quán năm thứ 2). Tông thất nhà Đường là Lý Thọ làm Đô đốc Giao Châu tham ô phải tội. Vua Đường thấy Thứ sử Doanh Châu là Lư Tổ Thượng có tài gồm văn võ, gọi vào triều, dụ rằng: "Giao Châu đã lâu không được người giỏi, các đô đốc trước sau đều không xứng chức. Khanh có tài lược dẹp yên biên giới, hãy vì ta sang trấn đất ấy, chớ lấy đường xa mà từ chối".

Tổ Thượng lạy tạ, rồi lại hối, lấy cớ đau ốm mà từ chối. Vua Đường sai Đỗ Như Hối bảo cho Tổ Thượng biết ý vua. Tổ Thượng vẫn cố từ. Lại sai Chu Phạm là anh vợ của Tổ Thượng đến dụ rằng: "Người thường đã hứa với nhau còn biết giữ chữ tín, khanh đã hứa trước mặt trẫm, há trái lời hay sao? Nên sớm lên đường, sau ba năm tất gọi về, trẫm không nuốt lời".

Tổ Thượng trả lời rằng: "Đất Lĩnh Nam lam chướng, dịch lệ, đó là cái lẽ đã ra đi thì không trở về". Vua Đường tức giận nói: "Ta sai người không đi, còn làm chính lệnh thế nào được nữa". Sai chém ngay ở triều đường. Sau hối lại, cho khôi phục quan tước và ấm phong.

[4a] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vua sai bề tôi lấy lễ, bề tôi thờ vua lấy trung. Đường Thái Tông sai bề tôi không chịu đi, dỗ đến hai lần, có thể gọi là có lễ. Tổ Thượng được vua sai lại tránh khó nhọc, thế là thất tiết; đã nhận rồi lại hối, thế là thất tín; lời nói giận dỗi, thế là thất lễ. Thái Tông giết đi, tuy là quá, song Tổ Thượng đủ ba lỗi ấy, thì tội ra sao?

Ất Mùi, (635), (Đường Trinh Quán năm thứ 9). Tông thất nhà Đường là Lý Đạo Hưng làm Đô đốc Giao Châu vì bệnh chướng khí chết ở nơi làm quan.

Đinh Hợi, (687), (Đường Trung Tông Triết, Tự Thánh năm thứ 4). Mùa thu, tháng 7, các hộ người Lý ở Lĩnh Nam theo như lệ cũ nộp nửa thuế, Đô hộ Lưu Diên Hựu bắt phải nộp cả. Các hộ người Lý mới oán giận, mưu làm loạn. Lý Tự Tiên làm [4b] chủ mưu, Diên Hựu giết đi. Dư đảng là bọn Đinh Kiến họp quân vây phủ thành. Trong thành binh ít không chống nổi, đóng cửa thành cố giữ để đợi quân cứu viện. Đại tộc ở Quảng Châu là Phùng Tử Do muốn lập công, đóng quân không đến cứu, Kiến giết Diên Hựu. Sau Tư mã Quế Châu là Tào Trực Tĩnh165 đánh giết được Kiến.

165 Tân Đường thư, Cựu Đường thư, Thông giám đều chép là Tào Huyền Tĩnh.

Nhâm Tuất, (722), (Đường Huyền Tông, Long Cơ, Khai Nguyên năm thứ 10). Tướng giặc là Mai Thúc Loan166chiếm giữ châu, xưng là Hắc Đế, bên ngoài liên kết với người Lâm Ấp, Chân Lạp, số quân nói là 30 vạn167. Vua Đường sai nội thị tả giám môn vệ tướng quân là Dương Tư Húc và Đô hộ là Nguyên Sở Khách168 đánh dẹp yên được.

166 Tân Đường thư - Bản kỷ chép là Mai Thúc Loan; Cựu Đường thư, Dương Tư Húc truyện chép là Mai Lập Thành Thông giám chép là Mai Thúc Yên.

167 CMTB4, 21b theo Tân Đường Thư, Dương Tư Húc truyện ghi số quân của Mai Thúc Loan là 40 vạn.

168 CMTB4, 21b theo Đường Thư; Dương Tư Húc truyện chép là Quang Sở Khách. Hai chữ Quang và Nguyên dễ viết nhầm.

Mậu Tuất, (758), (Đường Túc Tông Hanh, Chí Đức năm thứ 3). Nhà Đường đổi An Nam Đô Hộ Phủ làm Trấn Nam Đô Hộ Phủ.

Đinh Mùi (767), (Đường Đại Tông Dự, Đại Lích thứ 2). Người Côn Lôn169, Chà Bà170 đến cướp, đánh lấy châu thành. Kinh lược sứ Trương Bá Nghi cầu cứu với Đô úy châu Vũ Định là Cao Chính Bình. Quân cứu viện đến, đánh tan quân Côn Lôn, [5a] Chà Bà ở Chu Diên. Bá Nghi đắp lại La Thành171. Khi ấy có người tiết phụ họ Toàn172là mẹ của Đào Tề Lượng ở Giao Châu, thường lấy trung nghĩa dạy Lượng, nhưng Lượng ngoan cố không chịu nghe, mới dứt tình với con, tự cày lấy mà ăn, dệt lấy mà mặc, người trong làng xóm đều noi theo. Vua Đường xuống chiếu cho hai người đinh đến hầu nuôi, sai quan bản đạo bốn mùa đến thăm hỏi.

169 Côn Lôn: thư tịch Trung Quốc từ thế kỷ IV, nhất là từ thời Đường, thường dùng tên Côn Lôn để chỉ một số cư dân trong vùng Nam Hải, tức vùng Đông Nam Á ngày nay. Tuệ Lâm trong Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa (quyển 61), soạn năm 817, nói rằng "Côn Lôn... cũng gọi là Cốt Luân, là người Di ở các đảo châu Nam Hải, rất đen... chủng loại có nhiều". Cựu Đường Thư, Nam Man truyện cùng chép: "Từ Lâm Ấp trở về phía nam, đều tóc quăn, da đen, gọi chung là Côn Lôn". Như vậy Côn Lôn là một sự phiếm chỉ, khó có thể xác định đó là cư dân một nơi nào ở Đông Nam Á hiện nay.

170 Chà Bà: phiên âm tên đảo Java.

171 Theo Nguyên Hòa quận huyện chí (quyển 38), năm này (767) Trương Bá Nghi cho đắp La Thành ở vị trí mới, cách sông Tô Lịch khoảng hai trăm thước.

172 Cương mục TB4 chép người tiết phụ này họ Kim, hẳn là đã dựa vào Tân Đường thư quyển 205 Liệt nữ truyện (Kim tiết phụ). Toàn thư đã chép nhầm chữ Kim ra chữ Toàn.

Mậu Thân, (768), (Đường Đại Lịch năm thứ 3). Nhà Đường đổi Giao Châu làm An Nam Đô Hộ Phủ.

Giáp Tý, (784), (Đường Đức Tông Quát, Hưng Nguyên năm thứ 1). Người quận Cửu Chân là Khương Công Phụ làm quan thời Đường, đậu tiến sĩ, bổ làm Hiệu Thư Lang. Vì có bài chế sách hơn người, cho làm Hữu thập di Hàn Lâm học sĩ, kiêm chức Kinh triệu hộ tào tham quân, từng xin giết Chu Thử, vua Đường không nghe.

Không bao lâu Kinh sư có loạn, vua Đường từ cửa Thượng Uyển đi ra, Công Phụ giữ ngựa lại can rằng: "Chu Thử từng làm tướng ở đất Kinh đất Nguyên, được lòng quân lính, [5b] vì Chu Thao làm phản nên bị vua cất mất binh quyền, ngày thường vẫn uất ức, xin cho bắt đem đi theo, chớ để cho bọn hung ác đón được". Vua Đường đương lúc vội vàng không kịp nghe, trên đường đi lại muốn dừng lại ở Phượng Tường để nương nhờ Trương Dật. Công Phụ can rằng: "Dật tuy là bề tôi đáng tin cậy, nhưng là quan văn, quân đột kỵ ở Ngư Dương do ông ta quản lĩnh đều là bộ khúc của Chu Thử. Nếu Thử thẳng đến Kinh Nguyên làm loạn, thì ở nơi ấy không phải kế vạn toàn". Vua Đường bèn đi sang Phụng Thiên.

Có người báo tin Thử làm phản, xin vua phòng bị. Vua Đường nghe lời Lư Kỷ xuống chiếu cho quân các đạo đóng cách xa thành một xá173, muốn đợi Thử đến đón. Công Phụ nói: "Bậc vương giả không nghiêm việc vũ bị thì lấy gì để oai linh được trọng. Nay cấm binh đã ít người mà quân lính người ngựa đều ở bên ngoài, thần lấy làm nguy cho bệ hạ lắm". Vua Đường khen là phải, cho gọi hết vào trong thành.

173 Xá: 30 dặm.

Quân của Thử quả nhiên kéo đến, đúng như lời của Công Phụ. Vua Đường bèn thăng cho Phụ làm Gián Nghị Đại Phu, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự174. Sau [6a] vì việc can

vua chôn cất công chúa Đường An quá hậu, trái ý vua, Lục Chí tâu gỡ cho, nhưng không được, cuối cùng vẫn phải xuống chức làm Thái tử tả thứ tử, lại bị biếm là Tuyền Châu biệt giá. Đường Thuận Tông lên ngôi, cho làm Thứ sử Cát Châu, chưa đến nơi nhận chức thì chết. Em là Khương Công Phục cũng đậu tiến sĩ, làm quan đến chức Bắc bộ thị lang175.

174 Việc Khương Công Phụ căn ngăn Đường Đức Tông, Đường thư và Thông giám đều ghi vào năm Kiên Trung thứ 4 (783), quan hàm được phong là Gián nghị đại phu kiêm Đổng bình chương sự.

175 Bắc bộ thị lang: Đại Việt sử ký tiền biên (bản in thời Tây Sơn) sửa là Tỉ bộ thị lang (____ tỉ và bắc dễ viết nhầm). CMTB26 dẫn An Nam kỷ yếu ghi Bình trước là Đô úy ở Vũ Định, nhờ đem quân cứu viện Trương Bá Nghi, được phong làm An Nam Đô Hộ.

Tân Mùi, (791), (Đường Trinh Nguyên năm thứ 7). Mùa xuân, An Nam đô hộ phủ là Cao Chính Bình làm việc quan bắt dân đóng góp nặng.

Mùa hạ, tháng 4, người ở Đường Lâm thuộc Giao Châu (Đường Lâm thuộc huyện Phúc Lộc)176 là Phùng Hưng dấy binh vây phủ. Chính Bình lo sợ mà chết. Trước đây Phùng Hưng vốn là nhà hào phú, có sức khỏe, có thể vật trâu, đánh hổ. Khoảng niên hiệu Đại Lịch (766 - 780) đời Đường Đại Tông, nhân Giao Châu có loạn, cùng với em là Hãi hàng phục được các ấp bên cạnh, Hưng xưng là Đô Quân, Hãi xưng là Đô Bảo, đánh nhau với Chính Bình, lâu ngày không thắng được. Đến đây dùng [6b] kế của người làng là Đỗ Anh Hàn, đem quân vây phủ. Chính Bình lo sợ phẫn uất thành bệnh ở lưng mà chết. Hưng nhân đó vào đóng ở phủ trị, chưa được bao lâu thì chết.

176 Nay là xã Cam Lâm, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây.

Con là An tôn xưng làm Bố Cái Đại Vương (tục gọi cha là Bố, mẹ là Cái, cho nên lấy Bố Cái làm hiệu). Vương thường hiển linh, dân cho là thần, mới làm đền thờ ở phía tây phủ đô hộ, tuế thời cúng tế (tức là Phu hựu chương tín sùng nghĩa Bố Cái Đại Vương. Đền thờ nay ở phường Thịnh Quang177, ở phía đông nam178 ruộng tịch điền).

177 Nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội.

178 Nguyên bản in: "tịch điền đông - tây", có lẽ là đông - nam hay đông - bắc, khắc in nhầm.

Tháng 5, ngày Tân Tỵ, nhà Đường đặt quân Nhu Viễn ở phủ trị. Mùa thu, tháng 7, ngày Canh Thìn, nhà Đường lấy Triệu Xương làm đô hộ. Xương vào cõi, lòng dân bèn yên. Xương sai sứ dụ An, An đem quân hàng. Xương đắp thêm La Thành kiên cố hơn trước, ở chức mười bảy năm, vì đau chân xin về. Vua Đường chuẩn cho, lấy Lang trung bộ Binh là Bùi Thái thay Xương.

Quý Mùi, (803), (Đường Trinh Nguyên năm thứ 19). Đô đốc Bùi Thái sai lấp bỏ những hào rãnh ở trong thành, hợp làm một [7a] thành179. Tướng ở châu là Vương Quý Nguyên đuổi Bùi Thái đi. Vua Đường vời Xương hỏi tình trạng. Xương đã ngoài 70 tuổi, mà tâu việc rõ ràng. Vua Đường cho là giỏi, lại sai làm Đô hộ Giao Châu. Xương đến, người trong châu đều mừng, loạn bèn yên.

179 Nguyên văn: "Sản thành trung câu địa thành, hợp vi nhất thành" và cước chú: "cậu địa có bản chép là câu trì (ao ngòi)". Như vậy "câu địa thành" có lẽ phải đọc là "câu đìa thành", hiểu là thành có hào rãnh trong ngoài, mà câu đìa là lối ghép một từ Hán và một từ Nôm đồng nghĩa. Trong câu trên có ba chữ thành, thừa chữ thành thứ hai.

Mậu Tý, (808), (Đường Hiến Tông Thuần, Nguyên Hòa năm thứ 3). Trương Chu làm Đô hộ Giao Châu (trước Chu làm Kinh lược phán quan, đến nay thăng làm Đô hộ), đắp thêm thành Đại La, đóng 300 chiếc thuyền mông đồng (loại thuyền ngắn), mỗi thuyền có hai mươi lăm chiến thủ, hai mươi ba tay chèo, thuyền chèo ngược xuôi, nhanh như gió. Lại đắp hai thành ở châu Hoan, châu Ái, vì các thành ấy trước bị Hoàn Vương (vua Chiêm Thành) phá hủy.

Kỷ Hợi, (819), (Đường Nguyên Hòa năm thứ 14). Mùa đông, tháng 10, Đô hộ là Lý Tượng Cổ vì tham bạo hà khắc mất lòng dân chúng. Tướng của Cổ là Dương Thanh đời đời làm tù trưởng Man, khoảng niên hiệu Khai Nguyên (713 - 742) nhà Đường làm Thứ sử Hoan Châu180, [7b] Tượng Cổ vẫn kiêng dè, gọi cho làm nha tướng, đến sai đi đánh người Man ở Hoàng Động. Thanh nhân thấy lòng người oán giận Tượng Cổ, đang đêm trở về đánh úp châu, chiếm được, giết Tượng Cổ (Thanh là người Giao Châu, Tượng Cổ là người tôn thất nhà Đường).

180 Người làm thứ sử Giao Châu nói đây là ước tính theo thời gian, cần hiểu là người đời trước trong gia tộc của Dương Thanh chứ không phải chính Dương Thang.

Vua Đường sai Quế Trọng181 đánh Dương Thanh mà không thắng. Thanh vào trong người Man Lạo làm loạn, cướp phá phủ thành, Đô hộ Lý Nguyên Gia đánh không được, dụ không đến. Do đấy người Man Hoàng Động dẫn Hoàn Vương182 vào cướp.

181 CMTB4, 29b theo Cựu Đường thư, Bản kỷ và Thông giám sửa lại là Quế Trọng Vũ, bấy giờ làm An Nam đô hộ.

182 Hoàn Vương: vua nước Chiêm Thành (khoảng những năm 756 - 808, nước Lâm Ấp được thư tịch Trung Quốc gọi là Hoàn Vương Quốc, từ sau năm 808 mới gọi là Chiêm Thành).

Giáp Thìn, (824), (Đường Mục Tông Hằng, Trường Khánh năm thứ 4). Mùa đông, tháng 11, Lý Nguyên Gia183 thấy trước cửa thành có dòng nước chảy ngược, sợ trong châu nhiều người sinh lòng làm phản, vì thế dời đến đóng ở thành hiện nay.

183 Lý Nguyên Gia: Việt Sử Lược quyển 1 - 10b dựa vào Cựu Đường thư (Bản kỷ 17) chép là Nguyễn (tức Lý) Nguyên Hỷ. Chữ Gia và chữ Hỷ có thể lầm với nhau.

(Bấy giờ Nguyên Gia dời phủ trị184 đến sông Tô Lịch, mới đắp thành nhỏ thôi, có người thầy tướng bảo rằng: Sức ông không đắp nổi thành lớn, sau 50 năm nữa ắt có người họ Cao đến đây đóng đô dựng phủ. Đến đời Hàm Thông (860 - 874), Cao Biền đắp thêm La Thành, đúng như lời người ấy. Lại xét: Phủ thành đô hộ trước đó ở ngoài thành Đông Quan ngày nay, gọi là La Thành, sau Cao Biền đắp thành hiện nay, thành bên ngoài cũng gọi là La Thành).

184 Nguyên bản in nhầm chữ ____ phủ thành chữ _____ phủ.

[8a] Mậu Thân, (828), (Đường Văn Tông Hàm, Thái Hòa năm thứ 2). Đô hộ Hàn Ước đánh Vương Thăng Triều ở Phong Châu, thắng được, sau bị Dương Thanh đuổi, chạy về Quảng Châu.

Tân Dậu, (841), (Đường Vũ Tông Viêm, Hội Xương năm thứ 1). Vua Đường xuống chiếu lấy Vũ Hồn làm Kinh lược sứ thay Hàn Ước.

Quý Hợi, (843), (Đường Hội Xương năm thứ 3). Kinh lược sứ Vũ Hồn bắt tướng sĩ đắp sửa thành phủ, tướng sĩ làm loạn, đốt lầu thành, cướp kho phủ. Hồn chạy về Quảng Châu. Giám quân là Đoàn Sĩ Tắc vỗ yên được quân làm loạn.

Bính Dần, (846), (Đường Hội Xương năm thứ 6). Người Nam Man185 vào cướp. Vua Đường sai Kinh Lược Sứ là Bùi Nguyên Hựu186 đem quân các đạo lân cận đánh dẹp được.

185 Ở đây, Toàn thư chép lè Nam Man. Tân Đường thư quyển 8 Bản Kỷ, khi nói đến sự kiện này, lại chép là Vân Nam Man. Nhưng cũng căn cứ vào Tân Đường thư, quyển 222 Nam Chiếu truyện, thì Vân Nam Man nói ở đây là Nam Chiếu, tên quốc gia của các tộc người vùng Vân Nam, Trung Quốc (chủ yếu là người Thoán), cường thịnh từ khoảng thế kỷ VIII, thường tiến hành những cuộc chiến tranh xâm lược ra xung quanh.

186 Cương mục (TB4, 35a) theo sử liệu của Thông Giám và Tân Đường thư (Bản kỷ) đã sửa lại là Bùi Nguyễn Dụ (hai chữ dụ và hựu dễ viết nhầm)

Đinh Sửu, (857), (Đường Tuyên Tông Thầm, Đại Trung năm thứ 11). Mùa hạ, tháng 4, nhà Đường lấy Hữu thiên ngưu vệ đại tướng quân [8b] là Châu Nhai187 là Kinh lược sứ Giao Châu.

187 Châu Nhai (cũng đọc là Chu Nhai), Toàn thư và cả Cương mục (TB4, 36b) dựa và Thông giám và Cựu Đường thư (Bản Kỷ), nhưng cả hai tài liệu ấy đều chép tên người này là Tống Nhai. Hai chữ Tống và Chu dễ viết nhầm. Toàn thư chuyển tiếp lầm trong Cương mục: nên sửa lại là Tống Nhai.

Mậu Dần, (858), (Đường Đại Trung năm thứ 12). Mùa xuân, tháng giêng, vua Đường lấy Khang Vương phó188 là Vương Thức làm Giao Châu kinh lược đô hộ sứ. Thức là người có tài lược, đến phủ sai trồng cây táo gai189 làm rào, bên ngoài đào hào sâu để thoát nước trong thành, bên ngoài hào trồng tre gai, giặc không thể xâm phạm được, kén chọn dạy bảo quân lính rất tinh nhuệ.

188 Thầy học của Khang Vương.

189 Vốn là "lặc mộc" (cây táo gai), nguyên bản in nhầm thành "điều mộc" (Xem CMTB4, 37).

Không bao lâu, người Nam Man (tức Nam Chiếu) kéo đến đông, đóng ở bến đò Cẩm Điền, cách châu độ nửa ngày đường. Ý tứ của Thức vẫn an nhàn như thường, sai người phiên dịch đến dụ, bày tỏ lợi hại, chỉ một đêm người Man lại kéo đi, sai người đến từ tạ nói: "Chúng tôi chỉ đến bắt bọn người Lạo làm phản, chứ không phải đến cướp".

Lại có Đô hiệu La Hành Cung (Đô hiệu cũng như Đô tướng) chuyên quyền ở phủ đã lâu, quân tinh nhuệ dưới cờ đến hai nghìn người mà ở phủ đô hộ chỉ có vài trăm quân gầy yếu. Thức đến phủ, đánh trượng vào lưng (Hành Cung) rồi đuổi ra nơi biên viễn.

Trước đó, Đô hộ là Lý Trác làm chính sự tham [9a] lam tàn bạo, mua hiếp bò ngựa của người Man, mỗi con chỉ trả cho một đấu muối, lại giết tù trưởng Man là Đỗ Tồn Thành, dân Man oán giận, dẫn đường cho người Nam Chiếu đến lấn cướp biên giới.

Đất Tây Nguyên, Đào Lâm, thuộc Phong Châu, từ xưa vẫn có quân phòng đông190 6.000 người, tù trưởng Man Động Thất Quán bên cạnh là Lý Do Độc, thường giúp đỡ việc đóng giữ và thu tô thuế. Viên Tri Châu Phong Châu (không rõ họ tên) nói với Tác xin bỏ quân đóng thú, chuyên ủy cho Do Độc ngăn phòng. Từ đó Do Độc thế cô, không thể đứng vững được. Thác đông tiết độ của Nam Chiếu (Thác đông: ý nói khai thác cõi đông; Giao Chỉ ở phía đông nước Nam Chiếu, cho nên đặt chức ấy) gửi thư sang dụ Do Độc, đem con gái gả cho con trai của Do Độc, bổ làm Thác đông thác nha191. Do Độc bèn đem dân chúng làm tôi nước Nam Chiếu. Từ đấy Giao Châu mới có mối lo về người Man (Nam Chiếu).

190 Đời Đường, quân phòng thủ ở biên giới thường được gọi là phòng thu và phòng đông.

191 Thác đông thác nha: Thông giám (Mậu Dần, Đại Trung 2) khảo dị với Man thư, đã hiệu chỉnh là Thác đông áp nha; nên sửa theo cách gọi đó.

Tháng 5 năm ấy, người Man (Nam Chiếu) đến cướp, Thức đánh lui được.

Mùa thu, tháng 7, có bọn dân xấu nhiều lần nổi loạn, nói phao rằng: "Nghe đồn Kinh lược sứ Châu Nhai (Châu Nhai ở Quảng [9b] Châu)192 sai quân Hoàng đầu (quân bịt đầu bằng khăn vàng) vượt biển sang đánh úp châu ta". Rồi bọn họ đang đêm kéo nhau đến vây thành, đánh trống reo hò: "Xin đuổi Thức về để chúng tôi đóng ở thành này chống giữ quân Hoàng đầu phía Bắc".

191 Thác đông thác nha: Thông giám (Mậu Dần, Đại Trung 2) khảo dị với Man thư, đã hiệu chỉnh là Thác đông áp nha; nên sửa theo cách gọi đó.

192 Ở đây nói đến viên Kinh Lược Sứ Tống Nhai mà Toàn Thư đã lầm là họ Châu tên Nhai (xem NK5 8b - năm 857), đến đây thấy trùng với tên quận Châu Nhai (ở đảo Hải Nam) nên người chú thích nguyên bản Toàn thư đã chú nhầm.

Lúc ấy Thức đang ăn, có người khuyên nên tránh đi. Thức nói: "Tôi động chân một chút thì thành này vỡ ngay". Rồi cứ thong thả mà ăn, ăn xong, mặc áo giáp dẫn tả hữu lên mặt thành, dựng cờ đại tướng ngồi mà trách mắng. Bọn làm loạn quay đầu bỏ chạy. Ngày hôm sau, Thức sai bắt giết hết.

Bấy giờ đói kém loạn lạc liên tiếp, sáu năm không nộp thượng cung (thượng cung là tiền, lụa nộp sang Kinh sư để cho vua Trung Quốc chi dùng), trong quân không có khao thưởng. Thức bắt đầu sửa sang việc thuế khóa, khao thưởng quân lính. Chiêm Thành, Chân Lạp đều thông sứ trở lại.

Canh Thìn, (860), (Đường Ý Tông Thôi, Hàm Thông năm thứ 1). Mùa xuân, giặc ở Chiết Đông là Cừu Phủ làm loạn. Nhà Đường bàn chọn tướng đi đánh dẹp. Hạ Hầu Tư nói: "Vương Thức tuy là con nhà nho, nhưng trước ở An Nam đã từng uy phục được cả người Hoa và người Di, [10a] cõi xa đều nghe danh tiếng, có thể đảm nhiệm được". Vua Đường bèn gọi Thức về trao cho chức Chiết Đông quan sát sứ.

Mùa đông, tháng 12, ngày Mậu Thân, người thổ man dẫn quân Nam Chiếu hợp lại hơn ba vạn người, nhân khi sơ hở đến đánh chiếm phủ trị của châu ta. Đô hộ Lý Hộ cùng với viên giám quân chạy về Vũ Châu.

Tân Tỵ, (861), (Đường Hàm Thông năm thứ 2). Mùa xuân, tháng giêng vua Đường xuống chiếu phát quân Ung Quản193 và các đạo lân cận sang cứu Lý Hộ, đánh lại Nam di (Nam Chiếu). Mùa hạ, tháng 6, ngày Quý Sửu, vua Đường sai Phòng ngự sứ Diêm Châu là Vương Khoan làm Kinh lược sứ An Nam. Bấy giờ Lý Hộ từ Vũ Châu thu nhặt quân người địa phương (Giao Châu) đánh bọn Man (Nam Chiếu), lấy lại được phủ thành. Vua Đường trách tội thất thủ, biếm làm Tư hộ Đạm Châu, sau đày đi Phong Châu, lấy Vương Khoan làm Đô hộ kinh lược sứ. Hộ khi mới đến giết tù trưởng người Man là Đỗ Trừng194, cho nên họ hàng nhà Trừng xui giục và dẫn đường cho người Man (Nam Chiếu) đánh lấy châu.

193 Tức Ung Châu. Quản là đơn vị hành chính do nhà Đường đặt, tương đương như phủ.

194 CMTB4, 40a theo Thông giám, chép là Đỗ Thủ Trừng.

[10b] Nhâm Ngọ, (862), (Đường Hàm Thông năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 2, Nam Chiếu lại vào cướp phá. Vương Khoan mấy lần sai sứ cáo cấp. Vua Đường sai Hồ Nam quan sát sứ trước là Sái Tập thay thế, đem binh các đạo Hứa, Hoạt, Từ, Biện, Kinh, Tương, Đàm, Ngạc, hợp lại được ba vạn, giao cho Tập để chống cự. Thế quân đã mạnh, quân Man bèn rút lui.

Mùa hạ, tháng 5, Lĩnh Nam tiết độ là Sái Kinh thấy Tập đem quân các đạo đến chống cự với quân Man, sợ Tập lập được công, có ý ghen ghét, nhân đó tâu rằng: "Bọn Nam Man đã trốn xa, biên giới không đáng lo nữa. Kẻ vũ phu cầu công, xin càn quân đóng thú, tổn phí quân lương và chuyên chở, vì góc lánh đường xa khó bề kiểm soát, nên tha hồ làm việc gian trá. Xin bãi quân đóng giữ, cho đạo nào lại về đạo ấy". Vua Đường nghe theo.

Tập nhiều lần tâu rằng: "Bọn người Man rình lúc sơ hở đã lâu, không thể không phòng bị, xin lưu lại năm nghìn thú binh". Vua Đường không nghe, Tập cho là giặc Man (Nam Chiếu) ắt lại đến, mà quân lính và lương thực đều thiếu, trí lực [11a] hai mặt đều quẫn, mới làm tờ sớ "Thập tất tử trạng" (mười tình trạng ắt phải chết) trình lên tòa Trung thư. Nhưng tể tướng thời bấy giờ tin lời Sái Kinh, cuối cùng vẫn không xét đến.

Mùa thu, tháng 7, Sái Kinh ở trị sở, chính lệnh hà khắc thảm độc, cả cõi đều oán, bị quân sĩ đuổi, phải biếm làm Tư hộ Nhai Châu, không chịu đi nhận chức, vua Đường xuống sắc bắt phải tự tử.

Mùa đông, tháng 10, bọn Man Nam Chiếu năm vạn người đến cướp, Tập cáo cấp. Vua Đường sai lấy quân hai đạo Kinh Nam, Hồ Nam hai nghìn người và con em nghĩa chinh ở Quế Quản (vì họ ứng mộ tòng quân nên gọi là nghĩa binh) ba nghìn người đến Ung Châu chịu lệnh tiết chế của Trịnh Ngu để sang cứu Sái Tập. Tháng 12, Tập lại xin thêm quân, vua Đường sắc cho Sơn Nam đông đạo đem một nghìn quân tay nỏ sang cứu. Khi ấy quân Nam Chiếu đã vây phủ, quân cứu viện không thể đến được. Tập chỉ cố thủ xung quanh thành mà thôi.

Quý Mùi, (863), (Đường Hàm Thông năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, ngày Canh Ngọ, quân Nam Chiếu đánh chiếm phủ thành, tả hữu của Tập [11b] đều chết hết. Tập chạy bộ, cố sức đánh, người trúng mười mũi tên, muốn xuống thuyền của giám quân nhưng thuyền đã đi xa bờ, bèn nhảy xuống biển chết, cả nhà bảy mươi người. Liêu thuộc là Phàn Xước đem ấn tín binh phù của Tập sang sông trước, được thoát. Tướng sĩ các châu Kinh Nam, Giang Tây, Ngạc, Nhạc, Tương, hơn bốn trăm người chạy đến phía đông thành giáp sông.

Ngu hầu Kinh Nam là bọn Nguyên Duy Đức bảo quân sĩ rằng: "Bọn ta không có thuyền, xuống nước tất chết, chi bằng lại quay về thành đánh nhau với người Man, một người của ta đổi lấy hai người Man, cũng có lợi". Bèn trở lại thành, vào cửa Đông La (tức là cửa đông La Thành An Nam). Người Man không phòng bị, bọn Duy Đức tung quân đánh, giết quân Man hơn hai nghìn người. Đến đêm, tướng Man là Dương Tư Tấn từ trong tử thành (tức thành nhỏ ở trong thành) đem quân ra cứu, bọn Duy Đức đều chết cả. Nam Chiếu hai lần chiếm Giao Châu, vừa giết vừa bắt gần mười lăm vạn người. Khi rút lui lưu lại hai vạn quân, sai Tư Tấn giữ [12a] thành Giao Châu ta. Người Di Lão ở các khe động không cứ xa gần đều hàng phục cả. Vua Nam Chiếu cho thuộc hạ là Đoàn Tù Thiên làm Tiết độ sứ phủ (Giao Châu) ta. Vua Đường xuống chiếu gọi viện binh các đạo về chia giữ Tây Đạo ở Lĩnh Nam195.

195 Tây Đạo: tức Ung Châu (trị sở ở Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc ngày nay).

Tháng 6, bỏ An Nam đô hộ phủ, đặt chức Hành Giao Châu ở trấn Hải Môn196, cho Hữu giám môn vệ tướng quân là Tống Nhung giữ chức Hành Giao Châu thứ sử, cho Vũ Nghĩa tiết độ sứ197 là Khang Thừa Huấn kiêm lĩnh chức Lĩnh Nam cập chủ quân hành doanh198.

195 Tây Đạo: tức Ung Châu (trị sở ở Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc ngày nay).

196 Trấn Hải Môn: lỵ sở ở huyện Bác Bạch, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc ngày nay.

197 Vũ Nghĩa tiết độ sứ: nên sửa theo Tân Đường thư, Khang Thừa Huấn truyện là Nghĩa Vũ tiết độ sứ.

198 Lĩnh Nam: trong chức vụ kiểm lĩnh của Khang Thừa Huấn nên sửa đúng là An Nam, theo Thông Giám và Tân Đường thư (đã dẫn). CMTB5, 4a cũng dẫn nhầm là Lĩnh Nam.

Mùa thu, tháng 7, lại đặt An Nam đô hộ phủ ở Hành Giao Châu, cho Tống Nhung làm Kinh lược sứ, đem quân Sơn Đông một vạn người đến trấn giữ. Khi ấy quân các đạo của nhà Đường đến cứu viện, đều đóng lại ỡ Lĩnh Nam không tiến, hao phí lương thực, vận chuyển, người Nhuận Châu là Trần Bàn Thạch dâng sớ xin đóng loại thuyền nghìn hộc để chở gạo từ Phúc Kiến đi đường biển, không đầy một tháng thì đến Quảng Châu. Vua Đường nghe theo, lương ăn của quân lính nhờ đó được đầy đủ. Nhưng [12b] bọn quan lại mượn tiếng thuê thuyền để cướp đoạt thuyền của người buôn, vứt hàng hóa của họ lên bờ: khi thuyền ra biển có chiếc nào bị sóng gió làm chìm đắm thì bắt giam cương lại199 và chủ thuyền để bắt đền số gạo bị mất, vì thế người ta rất khổ sở.

199 Cương lại: người giữ việc ghi chép sổ sách vận chuyển lương thực.

Giáp Thân, (864), (Đường Hàm Thông năm thứ 5). Vua Đường cho Tổng quản200 kinh lược sứ là Trương Nhân kiêm coi giữ việc Giao Châu, tăng thêm quân ở trấn Hải Môn cho đủ số hai vạn năm nghìn người, sai Nhân tiến quân lấy lại phủ thành.

200 Tân Đường thư quyển 224 hạ, Cao Biền truyện và Việt Sử Lược quyển 1 đều chép là Dung Quản kinh lược sứ, Dung Quản hay Dung Châu thời Đường, đặt trị sở ở huyện Bắc Lưu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc ngày nay.

Mùa thu, tháng 7, Nhân dùng dằng không dám tiến. Hạ Hầu Tư tiến cử Kiêu vệ tướng quân là Cao Biền thay, bèn cho Biền làm Đô hộ tổng quản kinh lược chiêu thảo sứ, bao nhiêu quân sĩ của Nhân đều trao cho Biền cả.

Biền tiểu tự là Thiên Lý, cháu của Nam Bình Quận Vương (Cao) Sùng Văn, đời đời coi giữ cấm binh. Biền đổi chí vào việc học, thích bàn luận việc xưa nay, người trong quân đều [13a] khen ngợi. Lúc còn ít tuổi, theo giúp Chu Thục Minh. Một hôm có hai con diều sóng đôi bay qua, Biền giương cung nhắm bắn, khấn rằng: "Nếu ta sau này được quý hiển thì phải bắn trúng" rồi bắn một phát tên trúng cả hai con. Mọi người cả kinh, nhân đó gọi là "Lạc điêu thị ngự sử" (quan thị ngự sử bắn rơi chim điêu).

Sau Biền được thăng dần đến chức Hữu thần sách đô ngu hầu. Người Đảng Hạng làm phản, Biền đem hơn một vạn cấm binh đến đóng ở Trường Vũ, nhiều lần lập công, thăng chức Tần Châu phòng ngự sử, lại có công nữa. Bấy giờ Nam Chiếu chiếm đất ta, cho nên sai Biền sang thay (Trương Nhân).

Ất Dậu, (865), (Đường Hàm Thông năm thứ 6). Mùa thu, tháng 7, Cao Biền sửa quân ở trấn Hải Môn chưa tiến. Giám quân là Lý Duy Chu ghét Biền muốn tống đi, nhiều lần giục Biền tiến quân. Biền đem hơn năm nghìn quân vượt biển đi trước, hẹn Duy Chu đem quân ứng viện. Biền đi rồi, Duy Chu cầm quân còn lại không tiến phát. Tháng 9, Biền đến Nam Định201, Phong Châu, quân Man gần năm vạn đương gặt lúa, Biền ập đến [13b] đánh tan, chém được bọn Trương Thuyên, thu lấy số lúa đã gặt dùng để nuôi quân.

201 Nam Định: tên huyện do nhà Đường đặt năm Vũ Đức thứ 4 (621), (Đường thư, Địa lý chí). Lại theo Thái Bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử thời Tống thì ở huyện Nam Định có núi Đông Cứu ở châu Gia Lâm. Như vậy huyện Nam Định thời thuộc Đường ở về phía nam sông Đuống, vào khoảng huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc ngày nay.

Bính Tuất, (866), (Đường Hàm Thông năm thứ 7). Mùa hạ, tháng 4, Nam Chiếu thăng chức cho Đoàn Tù Thiên làm Tiết độ sứ Thiện Xiển (Thiện Xiển là đô khác của Nam Chiếu, ở tây bắc Giao Châu)202, sai Trương Tập203 giúp Tù Thiên đánh Giao Châu, cho Phạm Nật Ta làm Đô thống phủ ta, Triệu Nặc Mi làm Đô thống Phù Da204. Giám trận nhà Đường sai Vi Trọng Tể đem hơn bảy nghìn quân đến Phong Châu. Biền được thêm quân, tiến đánh Nam Chiếu, nhiều lần đánh tan được. Tờ tâu thắng trận gửi đến trấn Hải Môn, Duy Chu đều giấu đi.

202 Thiện Xiển: tức Côn Minh, ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ngày nay.

203 Theo Thông Giám và Tân Đường thư, Nam Chiếu truyện, họ tên người này là Dương Tập Tư, không phải là Trương Tập như Toàn thư đã viết nhầm.

204 Phù Da: tên huyện thuộc châu Vũ Định. Theo Thanh nhất thống chí, châu Vũ Định thời Đường thuộc quyền An Nam đô hộ phủ; nay ở địa phận tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Chữ Phù trong nguyên bản đúng ra phải chép là ____ _____.

Mấy tháng không có tin tức, vua Đường lấy làm lạ mới hỏi Duy Chu. Duy Chu tâu rằng: Biền đóng quân ở Phong Châu, ngồi nhìn giặc không chịu tiến. Vua Đường tức giận, sai Hữu vũ vệ tướng quân là Vương Án Quyền thay Biền, đòi Biền về kinh đô, ý muốn biếm phạt nặng.

Tháng ấy, Biền đánh tan quân Nam Chiếu, giết và bắt sống rất [14a] nhiều. Nam Chiếu thu quân còn sót chạy vào châu thành cố giữ. Mùa đông, tháng 10, Cao Biền vây châu thành hơn mười ngày, người Man rất khốn quẫn. Thành sắp hạ thì vừa lúc Biền nhận được văn thư của Vương Án Quyền cho biết đã cùng với Duy Chu đem đại quân xuất phát từ trấn Hải Môn. Biền liền trao việc quân cho Trọng Tể, rồi cùng với bộ hạ hơn một trăm người về Bắc.

Trước đó, Trọng Tể sai tiểu sứ là Vương Tuệ Tán, Cao Biền sai tiểu hiệu là Tăng Cổn cùng mang thư báo thắng trận về nhà Đường, đến giữa biển, trông thấy cờ quạt kéo sang phía đông, hỏi những thuyền đi trên biển thì họ nói đó là quan Kinh lược sứ và Giám quân mới đến. Hai người bàn nhau rằng: "Duy Chu thế nào cũng cướp lấy tờ biểu và giữ chúng ta lại". Bèn nấp ở hải đảo chờ Duy Chu đi qua rồi mới đi gấp về kinh sư.

Vua Đường được tờ tâu cả mừng, liền thăng cho Biền làm Kiểm hiệu Công bộ thượng thư, sai Biền đi đánh người Man. Biền về đến trấn Hải Môn thì quay lại.

Án Quyền là người ngu hèn, việc gì cũng xin lệnh của Duy Chu. Duy [14b] Chu là người hung bạo tham lam, các tướng không chịu giúp việc, bọn họ bèn mở vòng vây cho người Man trốn đi quá nửa. Biền đến nơi lại đốc thúc khích lệ tướng sĩ, đánh lấy được thành, giết Tù Thiên và Chu Cổ Đạo là người thổ man dẫn đường cho quân Nam Chiếu, chém hơn ba vạn đầu. Quân Nam Chiếu trốn đi, Biền lại phá được hai động thổ man dã theo Nam Chiếu, giết tù trưởng. Người thổ man rủ nhau quy phục đến một vạn bảy nghìn.

Tháng 11, ngày Nhâm Tý, vua Đường xuống chiếu cho các lộ quân Giao Châu, Ung Châu, Tây Châu205 phải giữ bờ cõi, không tiến đánh nữa; đặt Tĩnh Hải quân ở Giao Châu, lấy Biền làm Tiết độ sứ. (Từ đây cho đến đời nhà Tống, An Nam gọi là Tĩnh Hải quân tiết trấn). Từ khi Lý Trác xâm phạm quấy nhiễu, khiến cho người Man (Nam Chiếu) gây họa đến gần mười năm, đến đấy mới yên. Cao Biền giữ phủ xưng vương206, đắp La Thành vòng quanh 1.982 trượng lẻ 5 thước, thân thành cao [15a] 2 trượng 6 thước, chân thành rộng 2 trượng 5 thước, bốn mặt thành đắp các nữ tường nhỏ207 trên bốn mặt thành cao 5 thước 5 tấc208, lầu nhìn giặc 55 sở, cửa ống sáu sở, cừ nước 3 sở, đường bộ 34 sở. Lại đắp con đê vòng quanh dài 2.125 trượng 8 thước; cao 1 trượng 5 thước; chân rộng 2 trượng, cùng làm nhà cửa hơn 40 vạn gian209.

205 Tây Châu, nên sửa là Tây Xuyên, theo Thông Giám.

206 Nguyên văn: "Biền cứ ngã phủ xưng vương". Sử liệu Trung Quốc, kể cả Tân Đường thư quyển 224 hạ; Cao Biền truyện đều không thấy ghi việc Cao Biền xưng vương. Cương Mục cho rằng đó chỉ là do một số "người Giao Châu kinh sợ Biền mà gọi Biền là Cao Vương") (CMTB5, 10b).

207 Nguyên văn: "nữ tường", tức tường nhỏ đắp trên mặt thành có các lỗ để nhắm bắn.

208 Nguyên văn: "Ngũ trượng ngũ thốn", chắc là khắc in lầm, thân thành cao 2 trượng 6 thước thì nữ tường chỉ có thể là 5 thước 5 tấc; Việt Sử Lược (quyển 1) cũng ghi số đó.

209 Việt sử lược (quyển 1) chỉ ghi con số 5.000 gian.

Lê Văn Hưu nói: Một Lý Trác tham bạo mà dẫn đến mười mấy năm bị tai họa người Man, huống chi lại có kẻ bạo ngược hơn cả Lý Trác nữa. Một Cao Biền đốc suất bộ thuộc mà chém được vài vạn quân giặc mạnh, huống chi lại có người giỏi hơn Cao Biền nữa! Cho nên Trác không thể bảo toàn được mình, mà Cao Biền thì giữ thành xưng vương, người khéo trị nước phải nên cẩn thận việc chọn người.

Đinh Hợi, (867), (Đường Hàm Thông năm thứ 8). Mùa xuân, tháng giêng, Cao Biền đi tuần thị đến hai châu Ung, Quảng thấy đường biển có [15b] nhiều đá ngầm làm đắm thuyền, vận chở không thông, bèn sai bọn Nhiếp trưởng sử Lâm Phúng, Hồ Nam tướng quân Dư Tồn Cổ đem quân bản bộ và thủy thủ hơn nghìn người đến đục đá khai đường, bảo rằng: "Đạo trời giúp người thuận, thần linh phù kẻ ngay. Nay khai đường biển để giúp sinh dân, nếu mình không theo lòng riêng thì có gì khó. Các đô hộ thời trước không khao thưởng quân sĩ, giữ phép không vững, làm sai lời hứa, trái ước hẹn, mưu lợi riêng, cho nên mọi người đều trễ biếng. Nay ta không như thế, chỉ cốt làm cho xong việc của nhà vua mà thôi". Biền nói xong, bọn Phúng vâng lệnh đi ra.

Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 5, khởi công khơi đào, trong khoảng hơn 1 tháng, gần được thông suốt, duy ở quãng giữa có hai chỗ đá lớn quanh co chắn ngang đến mấy trượng, đục xuống thì quằn đục, dùng búa thì gãy cán, người làm việc cả ngày nhìn nhau, công việc cơ hồ bỏ dở.

Ngày 26 tháng 5, đương ban ngày bỗng nhiên mây dồn, gió nổi dữ dội, trông vào rừng tối như đêm, [16a] ngửa bàn tay không nhìn thấy, chốc lát hàng trăm tiếng sét nổ vang trời ở chỗ đá lớn, chỉ trong khoảnh khắc trở lại bừng sáng. Người làm việc chạy tới xem thì thấy các khối đá đã bị tan nát cả. Về phía tây lại gặp hai chỗ đá lớn dựng đứng, người làm cũng phải chịu bó tay.

Ngày 21 tháng 6 lại có sét đánh như trước, chỉ trong một lúc đá lớn đều bị tan vụn cả. Kênh bèn đào xong, vì thế gọi là kênh Thiên Uy210.

210 Cương mục đã nhận xét rằng kênh ấy không thuộc địa phận nước ta (CMTB5, 12a). Có thể là ghềnh Bắc Thú, ở huyện Bác Bạch, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc ngày nay.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Việc Cao Biền đào kênh sao mà kỳ dị thế? Đó là việc làm hợp lẽ211, cho nên được trời giúp. Trời là lẽ phải. Đất có chỗ hiểm, chỗ bằng, đó là lẽ thường. Sức người có thể vượt hiểm được, đó cũng là lẽ thường. Nếu hiểm mà không vượt được thì trời phải nhờ đến tay người làm gì? Vua Vũ trị thủy, nếu không hợp lẽ thì trời do đâu mà tác thành được? Đất do đâu mà bằng phẳng được? Công hiệu đến mức rùa sông Lạc hiện điềm lành, thế không phải là trời [16b] giúp ư? Xem như lời của Biền nói: "Nay khai đường biển để giúp sinh dân, nếu không theo lòng riêng thì có gì khó". Lòng thành phát ra từ lời nói, thì lời nói ấy há chẳng là thuận ư? Lòng tinh thành thực cảm thông đến cả vàng đá, huống nữa là trời? Việc gì trời đã giúp sức là thuận. Kinh Dịch nói: "Giữ điều tín mà nghĩ điều thuận, thì trời sẽ giúp cho, đều tốt cả, không có điều gì bất lợi". Thế thì việc sét đánh đá lớn để giúp chẳng có gì là lạ cả.

211 Nguyên bản in: "Cái sở hợp lý...", có lẽ câu văn là "Cái sở hành hợp lý...", mà khắc in sót chữ hành.

Mậu Tý, (868) (Đường Hàm Thông năm thứ 9). Mùa thu, tháng 7, vua Đường lấy Cao Biền làm Hữu kim ngô vệ đại tướng quân (có sách chép là Kiểm hiệu thượng thư bộc xạ), đến đời Đường Hy Tông năm Ất Mùi niên hiệu Càn Phù năm thứ 2 (875) đổi làm Tây Xuyên tiết độ sứ.

Biền thấy cháu gọi bằng ông họ là Cao Tầm trước làm tiên phong, xông pha tên đạn, được quân lính phục theo, bèn dâng biểu tiến cử Tầm thay mình trấn giữ đất ta. Vua Đường nghe theo. Cả Biền và Tầm ở trấn cộng mười ba năm; Biền [17a] từ năm Bính Tuất đến năm Giáp Ngọ niên hiệu Hàm Thông (866 - 874), Tầm từ năm Ất Mùi đến năm Mậu Tuất niên hiệu Càn Phù (875 - 878).

Canh Tý, (880), (Đường Hy Tông Nghiễm, Quảng Minh năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 3, quân ở phủ Đô hộ làm loạn, Tiết độ sứ Tăng Cổn bỏ chạy khỏi thành (Cổn thay Biền, có tiếng là người biết vỗ dân212, người trong châu gọi là Tăng thượng thư; Cổn từng soạn sách Giao Châu ký, một thiên). Các đạo quân nhà Đường đóng giữ Ung Quản thường tự ý bỏ về luôn.

212 Nguyên bản in: "Cổn đại Biền, phủ tự hữu thanh", có thể hiểu là: ... có tiếng về chữ "phủ" (vỗ về dân chúng). Nhưng có khả năng in nhầm: "... phủ dân hữu thanh" (có tiếng biết vỗ về dân chúng).

Ất Sửu, (905), (Đường Ai Đế Chúc, Thiên Hựu năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 2, ngày Mậu Tuất, Chu Toàn Trung nhà Đường thấy Giao Châu tiết độ sứ đồng bình chương sự Chu Toàn Dục là người ngu đần chất phác, không có tài năng gì, tự xin bãi đi. Toàn Dục là anh Toàn Trung.

Trở lên là (kỷ) thuộc Tùy, Đường, từ năm Quý Hợi đến năm Bính Dần, cộng 304 năm (603 - 906).

[17b]

Kỷ Nam Bắc Phân Tranh

Đinh Mão, (907), (Đường Thiên Hựu năm thứ 4; Lương Thái Tổ Chu Toàn Trung, đổi tên là Hoảng, Khai Bình năm thứ 1). Nhà Lương cho Quảng Châu tiết độ sứ là Lưu Ẩn kiêm chức Tĩnh Hải quân tiết độ sứ, tước Nam Bình Vương. Khi ấy, Ẩn chiếm giữ Phiên Ngung, người Giao Châu là Khúc Hạo213 chiếm giữ châu trị, xưng là Tiết độ sứ, có ý mưu đồ lẫn nhau. Năm ấy nhà Đường mất.

213 Khúc Hạo: người làng Cúc Bồ, huyện Ninh Thanh, tỉnh Hải Hưng ngày nay, ở đó hiện còn đình thờ họ Khúc. Cương mục dẫn sách An Nam kỷ yếu, ghi thêm: "Cuối thời Đường, Khúc Hạo làm Tiết độ sứ thay cho Độc Cô Tôn; đổi các hương ở các huyện làm giáp, đặt ở mỗi giáp một viên quản giáp và một phó tri giáp để giữ việc đánh thuế. Hạo giữ chức Tiết độ sứ được hơn bốn năm thì mất" (CMTB5, 15a).

Tân Mùi, (911), (Lương Càn Hóa năm thứ 1). Nam Bình Vương nhà Lương là Lưu Ẩn chết, em là Nham lên thay.

Đinh Sửu, (917), (Lương Mạt Đế Hữu Trinh, đổi tên là Chẩn, Trinh Minh năm thứ 3). Quảng Châu tri lưu hậu nhà Lương là Lưu Nham đặt quốc hiệu là Hán (tức Nam Hán214), niên hiệu Càn Hanh năm thứ 1. Khúc Hạo sai con là Thừa Mỹ làm Hoan hảo sứ sang Quảng Châu để thăm dò tình hình Nam Hán hư thực thế nào. Hạo chết, Khúc Thừa Mỹ lên thay215.

214 Nam Hán: một trong mười nước thời Ngũ Đại ở Trung Quốc bao gồm cả tỉnh Quảng Đông, phần phía nam Quảng Tây, nam Phúc Kiến ngày nay, trước sau 67 năm (905 - 971), gồm năm đời làm vua.

215 Cương mục theo Tư trị thông giám ghi Khúc Thừa Dụ được trao chức Tĩnh Hải quân tiết độ sứ, năm Thiên Hựu thứ 3 (906) được thăng Đồng bình chương sự (CMTB5, 14a).

Kỷ Mão, (919), (Lương Trinh Minh năm thứ 5). Khúc Thừa Mỹ sai sứ sang nhà Lương xin được lĩnh tiết việt, nhà Lương trao cho. Vua Nam Hán cả giận (vua Hán trước tên là Nham, đổi là Thiệp, lại đổi là Cung, vì có điềm rồng trắng hiện, nên đặt tên ấy. Năm Tấn Thiên Phúc thứ 6 (941), tự cho chữ Cung là không lợi, lại đổi [18a] là Nghiễm216).

216 Nghiễm (trên chữ long là rồng, dưới chữ thiên), nguyên bản khắc thiếu một nét thành trên chữ long dưới chữ đại, không có trong tự điển. Còn chữ đã ghi (long + thiên), bản dịch cũ phiên là Yểm, bản dịch Cương mục phiên là Yêm. Thực ra, chữ này có hai âm Hán Việt là Yểm và Nghiễm, nhưng trong trường hợp tên vua Nam Hán ở đây thì đọc là Nghiễm. Ngũ đại sử quyển 65 Nam Hán thế gia chép rằng vua Nam Hán ban đầu tên là Nham, rồi đổi tên là Trắc (chứ không phải Thiệp như Toàn thư chép ở đây), "sau thấy rồng trắng hiện lên, lại đổi tên là Cung, sau có nhà sư người Hồ nói rằng theo sấm thư thì diệt họ Lưu là Cung, bèn lấy nghĩa 'rồng bay lên trời' (phi long tại thiên) trong Chu Dịch, đặt làm chữ âm là Nghiễm, lấy làm tên".

Quý Mùi, (923), (Lương Long Đức năm thứ 3; Đường Trang Tông Lý Tồn Húc, Đồng Quang năm thứ 1). Năm ấy nhà Lương mất.

Mùa thu, tháng 7, vua Hán sai kiêu tướng là Lý Khắc Chính217 đem quân sang đánh Giao Châu218, bắt được Tiết độ sứ là Khúc Thừa Mỹ đem về, (Khắc Chính) lấy bộ tướng của mình là Lý Tiến thay thế. Lý Khắc Chính ở lại giữ Giao Châu, bị tướng của Khúc Hạo là Dương Đình Nghệ219 người Ái Châu đánh đuổi. Vua Hán trao cho Đình Nghệ tước vị, lấy Lý Tiến làm thứ sử Giao Châu, cùng với Lý Khắc Chính giữ thành, bảo tả hữu rằng: "Dân Giao Chỉ hay làm loạn, chỉ có thể ràng buộc (ki mi) mà thôi".

217 Thông giám (Trường Hưng 1), Tân Ngũ đại sử, Nam Hán thế gia chép tên viên tướng nhà Nam Hán này là Lương Khắc Trinh.

218 Việc quân Nam Hán sang đánh Giao Châu (tức nước ta), bắt Khúc Thừa Mỹ, sử liệu Trung Quốc như Thông giám ghi vào tháng 9 năm Trường Hưng thứ 1 (930). Tân Ngũ Đại sử, Nam Hán thế gia ghi vào niên hiệu Đại Hữu thứ 3, cũng tức là năm 930. Chưa rõ vì sao cả Toàn thư và Cương mục (TB5, 17a) đều ghi vào năm Quý Mùi (923).

219 Cương mục ghi Dương Diên Nghê, người Ái Châu, tức Thanh Hóa (CMTB5, 17a). Tài liệu Trung Quốc như Tống Sử (quyển 488), Tư tri thông giám... cũng chép là Dương Diên Nghệ. Ngũ đại sử (quyển 65) chép như Toàn thư (là Đình Nghệ). Có thể nhầm nét chữ vì chữ diên và chữ đình gần giống nhau.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Lưu Nghiễm đương lúc triều đình phương Bắc rối loạn, nhờ nghiệp cũ của anh220 mà dựng nước, đặt niên hiệu, cùng với Khúc Hạo tranh bá, rồi bắt Thừa Mỹ, lấy Giao Châu, hùng [18b] cứ một phương, cùng xuýt xoát với các nước tiếm ngôi ở Bắc triều. Cho nên, Tiền Ngô Vương nổi lên, tuy giết được con, phá được quân của Nghiễm, nhưng không giữ được đất, quốc thống họ Lưu kéo dài không dứt, mãi đến khi Tống (Thái) Tổ dấy lên thì đất ấy mới nhập vào nhà Tống.

220 Chỉ Lưu Ẩn.

Tân Mão, (931), (Đường Minh Tông Tự Nguyên, Trường Hưng năm thứ 2). Mùa đông, tháng 12, Dương Đình Nghệ nuôi ba nghìn con nuôi, mưu đồ việc khôi phục. Lý Tiến biết, sai chạy ngựa báo cho vua Hán. Năm ấy, Đình Nghệ đem quân vây Tiến. Vua Hán sai Thừa chỉ Trần Bảo đem quân sang cứu, chưa đến nơi, thành đã mất. Tiến trốn về nước. Bảo đến vây thành, Đình Nghệ đưa quân ra đánh, Bảo thua chết. Từ đó Đình Nghệ tự xưng là Tiết độ sứ, trông coi việc châu.

Bính Thân, (936), (Đường Phế Đế Tông Kha, Thanh Thái năm thứ 3, Tấn Cao Tổ Thạch Kim Đường, Thiên Phúc năm thứ 1). Năm ấy nhà (Hậu) Đường mất.

[19a] Đinh Dậu, (937), (Tấn Thiên Phúc năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 3, nha tướng của Đình Nghệ là Kiều Công Tiễn (Cương mục Trung Quốc chép Kiểu)221 giết Đình Nghệ để thay chức.

221 Chữ ______ âm Cảo, Kiểu, đồng âm với Kiều.

Mậu Tuất, (938), (Tấn Thiên Phúc năm thứ 3). Mùa đông, tháng 12, nha tướng của Đình Nghệ là Ngô Quyền từ Ái Châu cất quân đánh Công Tiễn. Công Tiễn sai sứ sang đút lót để cầu cứu với nhà Hán.

Vua Hán là Cung muốn nhân khi nước ta có loạn chiếm lấy nước, bèn cho con là Vạn Vương Hoằng Tháo222 làm Tĩnh Hải quân tiết độ sứ, đổi tước phong là Giao Vương, đem quân sang cứu Công Tiễn.

222 Vạn Vương Lưu Hoằng Tháo, nên sửa là Hồng Tháo, theo Tân Ngũ đại sử (quyển 65). Các con của Lưu Cung đều có chữ Hồng.

Vua Hán tự làm tướng, đóng ở Hải Môn để làm thanh viện. Vua Hán hỏi kế ở Sùng văn sứ là Tiêu Ích, Ích nói: "Nay mưa dầm đã mấy tuần, đường biển thì xa xôi nguy hiểm, Ngô Quyền lại là người kiệt hiệt, không thể khinh suất được. Đại quân phải nên thận trọng chắc chắn, dùng nhiều người hướng đạo rồi sau mới nên tiến". Vua Hán không nghe, sai Hoằng Tháo đem chiến thuyền theo sông Bạch Đằng mà vào, muốn đánh [19b] Quyền, nhưng Quyền đã giết Kiều Công Tiễn rồi.

Quyền nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, bảo các tướng tá rằng: "Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt223 đóng ngầm ở trước cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào ra thoát". Định kế rồi, bèn cho đóng cọc ở hai bên cửa biển.

223 Tân Ngũ đại sử (Nam Hán thế gia) chép: thực thiết quyết tức đóng cọc sắt (hiểu là cọc gỗ bịt sắt). Việt sử lược (quyển 1, 14b): thực thiết đầu đại dực tức đóng cọc lớn đầu sắt.

Khi nước triều lên, Quyền sai người đem thuyền nhẹ ra khiêu chiến, giả thua chạy để dụ địch đuổi theo. Hoằng Tháo quả nhiên tiến quân vào. Khi binh thuyền đã vào trong vùng cắm cọc, nước triều rút, cọc nhô lên, Quyền bèn tiếng quân ra đánh, ai nấy đều liều chết chiến đấu. Quân Hoằng Tháo không kịp sửa thuyền mà nước triều rút xuống rất gấp, thuyền đều mắc [20a] vào cọc mà lật úp, rối loạn tan vỡ, quân lính chết đuối quá nữa. Quyền thừa thắng đuổi đánh, bắt được Hoằng Tháo giết đi. Vua Hán thương khóc, thu nhặt quân lính còn sót rút về. Vua Hán cho tên Cung đáng ghét là vì vậy (Lưu Cung tức là Lưu Nghiễm).

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Lưu Cung tham đất đai của người, muốn mở rộng bờ cõi, đất đai chưa lấy được mà đã hại mất đứa con của mình và hại cả nhân dân, tức như Mạnh Tử nói: "Đem cái mình không yêu mà hại cái mình yêu" vậy chăng?

Trở lên là (kỷ) Nam Bắc phân tranh, từ năm Đinh Mão đến năm Mậu Tuất (907 - 938), tất cả ba mươi hai năm.

Kỷ Nhà Ngô

Tiền Ngô Vương

Ở ngôi sáu năm, thọ bốn mươi bảy tuổi (898 - 944).

[20b] Vua mưu tài đánh giỏi, làm nên công tái tạo, đứng đầu các vua.

Họ Ngô, tên húy là Quyền, người Đường Lâm224, đời đời là nhà quý tộc. Cha là Mân làm chức châu mục ở bản châu. Khi vua mới sinh có ánh sáng lạ đầy nhà, trạng mạo khác thường, có ba nốt ruồi ở lưng, thầy tướng cho là lạ, bảo có thể làm chủ một phương, nên mới đặt tên là Quyền.

224 Nay thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây; ở đây có đền thờ và lăng Ngô Quyền.

Đến khi lớn lên, khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi thong thả như hổ, có trí dũng, sức có thể nâng được vạc; làm nha tướng của Dương Đình Nghệ, được Đình Nghệ gả con gái và cho quyền quản Ái Châu. Đến đây giết Kiều Công Tiễn, tự lập làm vương, đóng đô ở Loa Thành.

Kỷ Hợi, năm thứ 1 (939), (Tấn Thiên Phúc năm thứ 4). Mùa xuân, vua bắt đầu xưng vương, lập Dương thị làm hoàng hậu, đặt trăm [21a] quan, chế định triều nghi phẩm phục.

Giáp Thìn, năm thứ 6 (944), (Tấn Tề Vương Trọng Quý, Khai Vận năm thứ 1). Vua mất.

Lê Văn Hưu nói: Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đến, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã nối lại được.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Tiền Ngô (Vương) nổi lên không chỉ có công chiến thắng mà thôi, việc đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục, có thể thấy được quy mô của bậc đế vương. Nhưng hưởng [21b] nước không được lâu, chưa thấy hiệu quả trị bình, đáng tiếc thay!

Dương Tam Kha

Cướp ngôi sáu năm.

Tam Kha là anh (có sách chép là em) của Dương hậu, là gia thần của Tiền Ngô Vương, tiếm xưng là Bình Vương225.

225 Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thì Sĩ ghi Dương Tam Kha người làng Dương xá, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, con của Dương Đình Nghệ.

Ất Tỵ, (945), (Dương Tam Kha năm thứ 1, Tấn Khai Vận năm thứ 2). Lúc trước, Tiền Ngô Vương bệnh nặng, có di chúc giao cho Tam Kha giúp rập cho con. Khi Vương mất, Tam Kha cướp ngôi. Con trưởng của Ngô Vương là Xương Ngập sợ, chạy về Nam Sách Giang226, trú ngụ ở nhà Phạm Lệnh Công ở Trà Hương227. Tam Kha lấy con thứ hai của Ngô Vương là Xương Văn làm con mình. Các con thứ của Ngô Vương là Nam Hưng, Càn Hưng còn bé, đều theo Dương quốc mẫu. Được ít lâu, Tam Kha sai chỉ huy sứ là Dương Cát Lợi, Đỗ Cảnh Thạc đem quân đến nhà Lệnh Công đòi bắt Xương Ngập, [22a] tất cả ba lần đều không thực hiện được mệnh lệnh. Lệnh Công sợ, bèn giấu Xương Ngập trong động núi. Tam Kha biết, lại đòi bắt như trước, rốt cuộc vẫn không bắt được.

226 Nam Sách Giang: theo An Nam Chí Lược là tên lộ thời Lý. Nay là vùng đất thuộc các huyện Chí Linh và Nam Thanh, tỉnh Hải Hưng.

227 Trà Hương: theo CMTB5, 22a, huyện Kim Thành, nay thuộc đất huyện Kim Môn, tỉnh Hải Hưng, xưa có tên gọi là Trà Hương.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Dụng tâm của Phạm Lệnh Công thật là trung. Tam Kha là kẻ gian thần mà đuổi con đích của vua để cướp ngôi, lấy Xương Văn làm con mình, chẳng qua là lời lẽ che đậy giả dối, ai mà biết được? Vả lại, lúc ấy người trong nước ai cũng xem Tam Kha là vua, mà Lệnh Công dám che giấu cho Xương Ngập, muốn cho dòng dõi họ Ngô không tuyệt tự, việc của Trình Anh, Chữ Cửu228 lại thấy ở đây. Ai bảo một nước rộng lớn mà không có trung thần nghĩa sĩ.

228 Trình Anh, Chữ Cửu: người nước Tấn thời Chiến Quốc, bạn của Triệu Sóc (con Triệu Thuẫn, đời Tấn Cảnh Công). Tư khấu nước Tấn là Đồ Ngạn Giả giết Triệu Sóc và xuống lệnh tru di cả họ Triệu, Trình Anh và Chữ Cửu liều chết giấu con của Sóc là Vũ để cho họ Triệu không tuyệt tự.

Đinh Mùi, (947), (Dương Tam Kha năm thứ 3; Hậu Hán, Cao Tổ Lưu Tri Viễn lên ngôi vẫn dùng niên hiệu nhà Tấn, Thiên Phúc năm thứ 12). Năm ấy nhà Tấn mất.

[22b] Canh Tuất, (950), (Dương Tam Kha năm thứ 6; Hán Ẩn Đế Thừa Hựu, vẫn dùng niên hiệu Càn Hựu năm thứ 3). Tam Kha sai Xương Văn và hai chỉ huy sứ họ Dương, họ Đỗ229 đem quân đi đánh hai thôn Đường, Nguyễn ở Thái Bình230. Đến Từ Liêm, Xương Văn ung dung bảo hai sứ rằng: "Đức của Tiên vương ta thấm khắp lòng dân, phàm chính lệnh ban ra không ai không vui lòng nghe theo, không may lìa bỏ quần thần, Bình Vương tự làm việc bất nghĩa, cướp ngôi của anh em ta, tội không gì to bằng. Nay lại sai bọn chúng ta đi đánh ấp không có tội, may mà đánh được thì thôi, nếu họ không phục thì làm thế nào?" Hai sứ đều nói: "Xin theo lệnh của ông". Xương Văn nói: "Ta muốn đem quân quay lại đánh úp Bình Vương để khôi phục cơ nghiệp của Tiên Vương ta, có nên chăng?" Hai sứ đều trả lời là nên lắm. Bèn quay về đánh úp Tam Kha. Mọi người muốn giết đi, Xương Văn nói: "Bình Vương đối với ta có ơn, sao nỡ giết". Bèn giáng làm Chương Dương Công, nhân đó ban cho thực ấp (nay là Chương Dương độ)231. [23a] Năm ấy nhà Hán mất.

229 Tức Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc, đã nói ở trên.

230 Thái Bình: chưa rõ ở đâu. Cương mục dẫn Đường thư, Địa lý chí nói nhà Đường cắt huyện Thái Bình đặt làm huyện Phong Khê, lại nói Phong Khê thuộc Phong Châu, "hai thôn Thái Bình, Đường Nguyễn có lẽ ở đấy" (CMTB4, 11b). Có thể là Đường Lâm và Nam Nguyễn huyện Ba Vì, Hà Tây, thuộc vùng cát cứ Ngô Nhật Khánh, hoặc Đường Lâm thuộc vùng cát cứ của Ngô Nhật Khánh và Nguyễn Gia Loan, huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phú thuộc vùng cát cứ của Nguyễn Khoan.

231 Chương Dương: nay là tên xã thuộc Thường Tín, tỉnh Hà Tây, ở đây có bến đò Chương Dương ở hữu ngạn sông Hồng.

Lê Văn Hưu nói: Đuổi con vua mà tự lên làm vua, là tội công; nuôi con vua làm con mình mà cho thực ấp, là ơn riêng. Đuổi Xương Ngập mà tự lên làm vua, là bề tôi phản nghịch, đối với nghĩa thì hẳn là không dung được tội phải chết. Hậu Ngô Vương không trị tội, lại vì ơn riêng nuôi dưỡng mà không nỡ gia hình, lại ban cho thực ấp, há chẳng lầm to hay sao?

Hậu Ngô Vương

(Phụ: Thiên Sách Vương)

Ở ngôi mười lăm năm (951 - 965).

Vua nối được kỷ cương hoàng gia, khôi phục cơ nghiệp cũ. Tiếc rằng gây việc can qua ở trong nước đến nỗi bị chết.

Vua tên húy là Xương Văn, con thứ của Tiền Ngô Vương.

Tân Hợi, năm thứ 1 (951), (Chu Thái Tổ Quách Uy, Quảng Thuận năm thứ 1). Vua đã truất bỏ Tam Kha, lên ngôi vua, xưng là Nam [23b] Tấn (Vương), sai sứ đi đón anh là Xương Ngập về Kinh sư, cùng trông coi việc nước. Xương Ngập xưng là Thiên Sách Vương.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Nam Tấn đón Xương Ngập về để cùng trông coi chính sự, có thể gọi là người biết kính anh, muốn cho cùng hưởng phú quý. Xương Ngập nên lấy sự mình không có công lao mà nhường ngôi cho em, để cùng hưởng lập, thì đức ấy há chẳng rạng rỡ lớn lao ư? Lại câu nệ về phận đích trưởng, cũng xưng vương, trông coi chính sự, lại chuyên quyền làm oai làm phúc, đến nỗi Nam Tấn Vương không được dự chính sự nữa, thật là mất đạo nghĩa anh em, chí thú rất là ti tiện.

Bấy giờ người động Hoa Lư là Đinh Bộ Lĩnh cậy núi khe hiểm cố, không chịu giữ chức phận làm tôi. Hai vương muốn cất quân đi đánh; Bộ Lĩnh sợ, sai con là Liễn vào triều làm con tin để ngăn chặn việc xuất quân [24a].

Liễn đến, hai vương trách tội (Bộ Lĩnh) không đến chầu, rồi bắt giữ Liễn đem theo đi đánh. Hơn một tháng, không đánh nổi, bèn treo Liễn lên ngọn sào, sai người bảo Bộ Lĩnh, nếu không chịu hàng thì giết Liễn. Bộ Lĩnh tức giận nói: "Đại trượng phu chỉ mong lập được công danh, há lại bắt chước thói đàn bà xót con hay sao?". Liền sai hơn mười tay nỏ nhắm Liễn mà bắn.

Hai vương kinh sợ: "Ta treo con nó lên là muốn để nó đoái tiếc con mà ra hàng cho chóng. Nó tàn nhẫn như thế, còn treo con nó làm gì". Bèn không giết Liễn mà đem quân về.

Bấy giờ Thiên Sách Vương chuyên quyền làm uy, (Nam Tấn) Vương không được dự chính sự nữa. Hai vương do đó hiềm khích với nhau.

Giáp Dần, năm thứ 4 (954), (Chu Thế Tông Sài Vinh, Hiển Đức năm thứ 1) Thiên Sách Vương mất. Vua (Nam Tấn Vương) lại giữ ngôi. Sai sứ sang thỉnh mệnh vua Nam Hán là Lưu Xưởng232. Xưởng cho vua làm Tỉnh Hải quân tiết độ sứ kiêm Đô [24b] hộ.

232 Cương mục sửa là Lưu Thạnh, vì sứ giả của Nam Tấn Vương sang Nam Hán năm Hiển Đức thứ 1 (954), khi ấy Lưu Thạnh còn làm vua. Còn Lưu Xưởng thì bốn năm sau (958) mới lên ngôi (CMTB5, 26a). Ngũ đại sử (Nam Hán thế gia) cũng chép sau khi Xương Ngập chết thì em là Xương Tuấn sang xin tiết việt của Lưu Thạnh.

Canh Thân, năm thứ 10 (960), (Chu Cung Đế Tông Huấn233, năm thứ nhất; Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận, Kiến Long năm thứ 1). Năm ấy nhà Chu mất.

Ất Sửu, năm thứ 15 (965), (Tống Càn Đức năm thứ 3). Vua đem quân đi đánh hai thôn Đường và Nguyễn ở Thái Bình, mới vào đến cõi, đỗ thuyền lên bộ đánh, bị phục binh tay nỏ bắn trúng chết. Đinh Liễn trở về Hoa Lư.

233 Tông Huấn: tức Cung Đế (Quách Tông Huấn) đời Hậu Chu nối ngôi năm 959, qua năm sau nhường ngôi cho nhà Tống, trước sau chưa đầy một năm, không đặt niên hiệu.

Lê Văn Hưu nói: Nam Tấn Vương nhà Ngô trước bị gia thần là Tam Kha giam giữ, sau bị anh là Xương Ngập áp chế, một sớm đắc chí, không biết cẩn thận giữ mình, cho nên hưởng nước ngắn ngủi, không có chính tích gì, đáng tiếc thay! Nhưng, cứ xem việc tha tội cho Bình Vương, há không phải là nhân ư? Chịu nhịn cho Xương Ngập kiêu xấc, há không phải là cung ư? Đã nhân lại cung, cũng có thể thấy vương là người ra sao rồi.

[25a] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Nam Tấn Vương nhà Ngô lấy nghĩa trừ kẻ bạo tàn, khôi phục cơ nghiệp cũ, đủ thỏa được vong linh của tổ tông, hả lòng căm giận của thần và người. Về chính trị, đang có đổi mới. Thế mà vì lòng nhân, thương người kiểu đàn bà trẻ con mà không trị tội Tam Kha cướp ngôi; tham việc can qua, vì hành động đánh dẹp càn rỡ ở hai thôn Đường, Nguyễn, rốt cuộc lại tự giết mình. Đáng tiếc thay!

Ngô Sứ Quân

(Phụ: Các Sứ Quân)

Tất cả 2 năm (966 - 967).

Họ Ngô, tên húy là Xương Xí, khi Thiên Sách Vương lánh nạn, lấy vợ ở Nam Sách Giang234 sinh ra, là cháu gọi Nam Tấn Vương bằng chú.

234 Nam Sách Giang: xem chú ở trang trước.

Bính Dần, năm thứ 16 (966), (Tống Càn Đức năm thứ 4). Nam Tấn (Vương) mất, các hùng trưởng đua nhau nổi dậy chiếm cứ quận ấp để tự giữ: Ngô Xương Xí chiếm Binh Kiều235; Kiểu Công Hãn (xưng là Kiểu Tam Chế) chiếm Phong Châu (nay là huyện Bạch Hạc)236; Nguyễn [25b] Khoan (xưng là Nguyễn Thái Bình) chiếm Tam Đái237; Ngô Nhật Khánh (xưng là Ngô Lãm Công) chiếm Đường Lâm238 (có sách chép là chiếm Giao Thủy239; Đỗ Cảnh Thạc (xưng là Đỗ Cảnh Công) chiếm Đỗ Động Giang240; Lý Khuê (xưng là Lý Lãng Công) chiếm Siêu Loại241; Nguyễn Thủ Tiệp (xưng là Nguyễn Lệnh Công) chiếm Tiên Du, Lữ Đường (xưng là Lữ Tá Công) chiếm Tế Giang242; Nguyễn Siêu (xưng là Nguyễn Hữu Công) chiếm Tây Phù Liệt243; Kiểu Thuận (xưng là Kiểu Lệnh Công) chiếm Hồi Hồ (nay ở xã Trần Xá huyện Hoa Khê vẫn còn nền thành cũ)244; Phạm Bạch Hổ (xưng là Phạm Phòng Át) chiếm Đằng Châu245; Trần Lãm (xưng là Trần Minh Công) chiếm Bố Hải Khẩu246; gọi là mười hai sứ quân.

235 Binh Kiều: nay ở huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

236 Bạch Hạc: nay thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phú.

237 Tam Đái: nay ở vùng huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phú. Nay ở xã Minh Tâm, huyện Vĩnh Lạc có di tích thành cũ, và ở xã Vĩnh Mỹ (cùng huyện) có đền thờ của sứ quân Nguyễn Khoan.

238 Đường Lâm: nay ở huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây.

239 Giao Thủy: nay ở huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Hà.

240 Đỗ Động Giang: Cương Mục chú: "Sông Đỗ Động phát nguyên từ các đầm lớn ở xã Đào Viên thuộc huyện Thanh Oai, chảy qua các xã Sinh Quả, Úc Lý, đi khuất khúc đến xã Thượng Cung, huyện Thượng Phúc thì hợp với sông Nhuệ" (CMTB5, 29b). Ngô Thì Sĩ ghi thêm: "Nay ở làng Bảo Đà, huyện Thanh Oai còn vết cũ của thành sứ quân" (Việt Sử Tiêu Án). Đỗ Động Giang có thể là phần đất vào khoảng huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây ngày nay.

241 SIêu Loại: nay là đất huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc.

242 Tế Giang: nay thuộc đất huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải Hưng.

243 Tây Phù Liệt: nay ở huyện Thanh Trì, Hà Nội.

244 Hồ Hồi, Hoa Khê: Cương mục chú: Cẩm Khê xưa là Hoa Khê, ở xã Trương Xá, huyện Cẩm Khê còn có vết đất cũ của thành sứ quân. Cẩm Khê nay thuộc đất huyện Sông Thao, tỉnh Vĩnh Phú.

245 Đằng Châu: nay là đất huyện Kim Thi, tỉnh Hải Hưng, ở xã Xích Đằng có đền thờ Phạm sứ quân.

246 Bố Hải Khẩu: nay là vùng thị xã Thái Bình. Năm Thiên Thành thứ 3 (1030), Lý Thái Tông đi cày ruộng tịch điền ở Bố Hải Khẩu là nơi này (bấy giờ ở đây còn là cửa biển nên gọi tên như vậy).

Đinh Mão, năm thứ 17 (967), (Tống Càn Đức năm thứ 5). Bấy giờ trong nước không có chủ, mười hai sứ quân tranh nhau làm trưởng, không ai chịu thống thuộc vào ai.

Đinh Bộ Lĩnh nghe tiếng Trần Minh Công là người có đức mà không có con nối, bèn cùng với con là Liễn đến nương tựa. Minh Công thấy Bộ Lĩnh dáng mạo khôi ngô lạ thường, lại có khí lượng, mới nuôi làm con, ơn yêu đãi ngày càng hậu, nhân đó giao cho coi quân, sai đi đánh các hùng trưởng khác, [26a] đều thắng được cả.

Phạm Phòng Át đem quân về hàng (dưới triều nhà Đinh, Phòng Át làm Thân vệ tướng quân). Khi Minh Công mất, gặp lúc bọn con em của Ngô Tiên chúa ở Đỗ Động Giang hơn 500 người đem quân đến đánh, mới vào đến đất Ô Man thì bị người làng ấy là Ngô Phó sứ đánh bại phải trở về. Bộ Lĩnh nghe tin, liền cất quân đi đánh vùng sông và động ấy, không bộ lạc nào không hàng phục. Từ đó lại dân ở kinh phủ đều khâm phục theo về. Nhà Ngô mất.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vận trời đất, bĩ rồi ắt thái, Bắc Nam đều cùng một lẽ ấy. Thời Ngũ đại bên Bắc triều (Trung Quốc) suy loạn rồi Tống Thái Tổ nổi lên. Ở Nam triều (nước ta), mười hai sứ quân phân chia quấy nhiễu, rồi Đinh Tiên Hoàng nổi lên. Không phải là ngẫu nhiên mà do vận trời vậy.

Trở lên là kỷ nhà Ngô gồm ba vua và Dương Tam Kha cướp ngôi, từ năm Kỷ Hợi đến năm Đinh Mão (939 - 967) cộng hai mươi chín năm.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro