Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng) Võ Nguyên Giáp, một sự nghiệp ...
(Đại tướng) Võ Nguyên Giáp, một sự nghiệp ...
Ngày 30-4-1975, dư luận thế giới bàng hoàng trước sự thất thủ của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà. Hoa Kỳ đã bỏ rơi một đồng minh sau nhiều năm tận lực bảo vệ nhằm ngăn chặn làn sóng đỏ phủ xuống Đông Nam Á, với rất nhiều tốn kém về tiền bạc và tổn thất về nhân mạng. Quân đội cộng sản đã tràn vào Sài Gòn và chiếm đóng toàn bộ miền Nam Việt Nam.
Càng ngạc nhiên hơn nữa khi tên tuổi những người lãnh đạo cộng sản bước vào Dinh Độc Lập để chính thức hoá sự chiến thắng ngày 1-5-1975 được nêu lên: Lê Duẩn, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Văn Linh, Lê Chí Công, Võ Văn Kiệt, Đỗ Mười... Nhân vật được dư luận miền Nam và thế giới nhắc tới nhiều nhất trong cuộc chiến 1956-1975, Võ Nguyên Giáp, lúc đó đang là tổng tư lệnh quân đội kiêm bộ trưởng quốc phòng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, không hề được nhắc tới, hoặc nếu có chỉ một cách qua loa, lấy lệ.
Dư luận thế giới không ngừng thắc mắc, như vậy ai là tác giả của chiến thắng này ? Vài ngày sau chính quyền cộng sản chính thức công bố tên người lãnh đạo cuộc "đại thắng mùa xuân" là đại tướng Văn Tiến Dũng, một người hoàn toàn vô danh trong suốt cuộc chiến đối với dư luận miền Nam và thế giới.
(...)
Võ Nguyên Giáp có lẽ là vị tướng có tuổi thọ cao nhất tại Việt Nam. Các tài liệu chính thức cho biết ông sinh năm 1911, hoặc 1912, tại làng Ân Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lộc Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Theo một số người thân cận ông, những bạn học cũ, cho biết năm sinh thật sự của Võ Nguyên Giáp là 1908, tức năm nay đúng 100 tuổi.
Xuất thân từ một gia đình Nho giáo truyền thống, ông được đào tạo và huấn luyện để trở thành một quan lại. (...) Năm 14 tuổi (1925) sau khi tốt nghiệp tiểu học ở Đồng Hới, ông trúng tuyển vào trường Quốc Học Huế. Học được hai năm ông bị đuổi học vì tham gia tổ chức một cuộc bãi khoá, từ đó cuộc đời của một nho sinh bắt đầu thay đổi. Ông tham gia sinh hoạt chính trị với đảng Tân Việt Cách Mạng, làm việc trong ngành xuất bản và báo chí: Quan hải tùng thư và Tiếng Dân. Bị bắt năm 1930, vì viết bài bênh vực cuộc nổi dậy của nông dân Xô Viết Nghệ Tĩnh, và được trả tự do cuối năm 1931. Theo các tài liệu chính thức, khi ra khỏi tù ông ra Hà Nội học tiếp tại trường Albert Sarraut và đậu tú tài (không rõ năm nào), tốt nghiệp Đại học Luật và Kinh tế Chính trị năm 1937 và dạy môn sử ở trường tư thục Thăng Long năm 1939. (...)
Năm 1940, ông lên Cao Bằng sang Trung Quốc gặp Hồ Chí Minh và gia nhập Đảng Cộng Sản Đông Dương, lúc đó chỉ có vài người và ông trở thành một trong những nhân vật lãnh đạo đầu tiên của đảng cộng sản. Cũng nên biết lúc này quân đội Nhật đã làm chủ toàn bộ Đông Dương và chính quyền thực dân Pháp đã phải hợp tác với Nhật để được tồn tại. Cái may của Hồ Chí Minh và những người thân cận ông là được cơ quan OSS của Mỹ tiếp xúc và đề nghị giúp đỡ để trước hết giúp Mỹ cứu trợ những phi công Mỹ khi máy bay bị bắn rơi trên không phận miền Bắc, kế là được huấn luyện quân sự và cung cấp vũ khí để chống quân Nhật trên bán đảo Đông Dương. Vì thiếu người nói thông thạo tiếng Pháp, Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh cử làm liên lạc viên chính thức và từ đó trở thành huấn luyện viên quân sự cho những thanh niên vừa mới gia nhập vào lực lượng kháng chiến.
Là người có học thức cao hơn những thành viên khác, với biệt danh "Anh Văn", Võ Nguyên Giáp trở thành chiến lược gia của phong trào và hoạt động trong vùng rừng núi trong tỉnh Cao Bằng. Vì thiếu trang bị và thiếu người, với kiến thức quân sự do tổ chức OSS truyền thụ, Võ Nguyên Giáp chủ trương du kích chiến, một chiến thuật tác chiến thích hợp nhất trong giai đoạn này.
Chính trong giai đoạn này, Võ Nguyên Giáp là một trong những người khai sinh phong trào Việt Minh (Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội) ngày 19-5-1941 và trở thành người thành lập và huấn luyện quân sự cho phong trào. Thật ra trong giai đoạn từ 1941 đến 1945, lực lượng quân sự của Võ Nguyên Giáp chỉ làm công tác tuyên truyền và tuyển mộ binh sĩ. Cho đến cuối năm 1944, lực lượng này vẫn còn mang tên Đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân, gồm 34 người với 34 khẩu súng thô sơ. Chiến công đầu tiên của đội quân này là chiếm hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần ngày 25-12-1944, sau khi quân trấn đóng Pháp rút về Hà Nội để bảo vệ các cơ sở hành chánh trước áp lực của quân Nhật.
Ngày 9-3-1945, sau cú đảo chánh quân sự của Nhật, quân đội Pháp hoàn toàn bị tan rã, phe Việt Minh tràn vào các đồn bót thu nhặt vũ khí và quân trang quân dụng do quân Pháp bỏ lại. Với số lượng vũ khí này, lực lượng Việt Minh bắt đầu phát triển mạnh và củng cố lực lượng, chủ yếu trên vùng Việt Bắc. Giữa tháng 4-1945, lực lượng quân sự của Võ Nguyên Giáp kết hợp với đội dân quân du kích của Chu Văn Tấn (người Nùng, bí danh Tân Hồng), với tên gọi Cứu Quốc Quân, thành lực lượng Giải Phóng Quân với khoảng 450 người.
Cũng nên lưu ý là trong giai đoạn này tranh chấp quyền lực giữa Võ Nguyên Giáp và một số chỉ huy quân sự khác đã bắt đầu manh nha: những người trực tiếp chiến đấu phê bình Võ Nguyên Giáp chỉ là một cấp chỉ huy văn phòng chứ không trên chiến địa. Ngay trong đội Tuyên Truyền Giải Phóng Quân, Võ Nguyên Giáp là cấp chỉ huy quân sự tổng quát, nhưng Hoàng Sâm và Dương Mạc Thạch (Xích Thắng) mới là các cấp chỉ huy trực tiếp trên thực địa. Với thời gian những người lính chỉ phục tùng các cấp chỉ huy quân sự trực tiếp của họ trên chiến trường, như các ông Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Thái, v.v... Chính vì thế trong Chính Phủ Liên Hiệp Lâm Thời (từ ngày 28-8 đến tháng 12-1945), Chu Văn Tấn được cử làm bộ trưởng quốc phòng. Trong Chính Phủ Liên Hiệp Kháng Chiến, Phan Anh được cử làm bộ trưởng quốc phòng, Võ Nguyên Giáp chỉ được cử làm bộ trưởng nội vụ kiêm phó bộ trưởng quốc phòng. Nhờ sự can thiệp của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp được giao chức bộ trưởng quốc phòng từ tháng 11-1946 đến tháng 8-1947 trong chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, sau đó phải nhường cho Tạ Quang Bửu, tốt nghiệp đại học ở Pháp, từ tháng 8-1947 đến tháng 8-1948, vì yêu cầu chính trị.
Sự khôn ngoan và kiên nhẫn của Võ Nguyên Giáp trong suốt giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp là, ngoài Hồ Chí Minh, ông biết tự lu mờ trước những ngôi sao đang lên như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Lê Duẩn, Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Thái, Văn Tiến Dũng, v.v., là những cấp chỉ huy dám xông pha vào lửa đạn. Với thời gian, những cấp chỉ huy này đã để lộ sự giới hạn về chiến lược trên các chiến trường, với những tổn thất nhân mạng cao, chức bộ trưởng quốc phòng mới được giao lại cho Võ Nguyên Giáp từ tháng 8-1948 đến 1976.
Là người có học thức cao hơn những cấp chỉ huy khác trong đảng, Võ Nguyên Giáp có đủ tư cách để bàn thảo chiến lược và chiến thuật với các tướng lãnh Trung Quốc, lúc đó đang còn tranh chấp với Tưởng Giới Thạch.
Để được danh chính ngôn thuận trong chức vụ lãnh đạo quân đội và bộ quốc phòng, với một quân số trên 50.000 người, và cũng để dễ thảo luận với đảng cộng sản Trung Quốc, ngày 25-1-1948 Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh chính thức phong quân hàm đại tướng (sắc lệnh 110/SL ngày 20-1-1948) cùng với các cấp chỉ huy quân sự khác với các quân hàm trung tướng (Nguyễn Bình), thiếu tướng (Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình).
Cũng nên biết những tướng lãnh này không tốt nghiệp bất cứ từ một trường sĩ quan hay võ bị nào, mà chỉ giản dị là do kinh nghiệm chỉ huy trực tiếp tại chiến trường. Với quân hàm đại tướng, Võ Nguyên Giáp được sự kính trọng của tất cả các cấp sĩ quan trong quân đội, ông được cất nhấc vào các chức vụ cao nhất trong đảng cộng sản: uỷ viên ban thường vụ trung ương đảng cộng sản Đông Dương (tháng 5-1945), uỷ viên hội đồng quốc phòng tối cao (tháng 8-1948), uỷ viên bộ chính trị đảng Lao Đông (1951). Tuy nhiên với kiến thức quân sự thô sơ của một nhà giáo, khả năng của ông chỉ giới hạn trong chiến thuật chiến tranh du kích, khả năng vận động chiến với các lực lượng chính quy phải nhờ vào các cố vấn quân sự Trung Quốc. Vai trò chỉ huy quân đội của Võ Nguyên Giáp càng được củng cố sau khi Mao Trạch Đông chiếm lĩnh trọn vẹn Hoa lục ngày 1-10-1949.
Từ sau tháng 10-1949 trở đi, với sự tiếp tế súng đạn và cố vấn quân sự của Trung Quốc, lực lượng du kích Việt Minh chuyển thành lực lượng chính quy, với những cấp trung đoàn, sư đoàn, đại đoàn được trang bị đầy đủ có thể chống trả hoặc tấn công quân đội Pháp được trang bị đầy đủ hơn. Với sự giúp sức của lực lượng quân sự Trung Quốc, đặc biệt là pháo binh, phe Việt Minh làm chủ cả một vùng Trung Du rộng lớn phía Đông Bắc Hà Nội. Quân đội Pháp bị đẩy lùi khỏi khu vực Cao Bằng, Lạng Sơn, nơi vận chuyển người và vũ khí từ Trung Quốc vào Việt Nam. Trong suốt giai đoạn từ 1950 đến 1954, Võ Nguyên Giáp đã giữ tất cả các chức vụ cao nhất trong quân đội : tổng chỉ huy và tổng chính uỷ (theo cách gọi Trung Quốc), hay tổng tư lệnh quân đội kiêm tổng quân uỷ (theo cách gọi Việt Nam).
Trong cuốn Những Chặng Đường Lịch Sử, xuất bản tại Hà Nội năm 2001, ông Võ Nguyên Giáp đã không ngần ngại xác nhận vai trò áp đảo của các cố vấn Trung Quốc trong các quyết định quân sự của phong trào Việt Minh, như các ông La Quý Ba (uỷ viên trung ương đảng cộng sản Trung Quốc), Vị Quốc Thanh (trưởng đoàn cố vấn quân sự), Mai Gia Sinh (cố vấn tham mưu), Mã Tày Phu (cố vấn hậu cần), Trần Canh (uỷ viên trung ương đảng cộng sản, cố vấn quân sự). Với sự giúp đỡ hùng hậu về quân sự của Trung Quốc, lực lượng Việt Minh bắt đầu đảm nhiệm vai trò chủ động trong các chiến dịch : biên giới (đường số 4, 1950), trung du Bắc phần (1950), đồng bằng sông Hồng (1951), đông-bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn, 1951), Hoà Bình (phía tây Hà Nội, 1951), tây-bắc (Tuyên Quang, Lào Kai, 1952), thượng Lào (1953), Điện Biên Phủ (1954).
Trong trận Điện Biên Phủ (từ 13-3 đến 8-5-1954), phe Việt Minh đã đánh bại quân đội Pháp, dẫn đến hội nghi Genève chia đôi đất nước tháng 7-1954. Dư luận thế giới, nhất là Pháp, đã rất ngạc nhiên trước sự huy động sức người của Việt Minh trong việc vận chuyển vũ khí và đạn dược lên các đỉnh núi bao bọc khu lòng chảo Điện Biên Phủ. Hình ảnh từng đoàn người vận chuyển những cơ phận đại bác tháo rời, vũ khí, đạn dược và lương thực trên những chiếc xe đạp ọp ẹp lên các đỉnh núi bao bọc khu vực Điện Biên, hay trên những đôi vai gầy của những đoàn quân nông dân ngụy trang với cây lá rừng ngày đêm tiến đến chiến trường Điện Biên... đã tạo sự thán phục của mọi người. Các cấp lao động quân sự Pháp càng ngạc nhiên hơn trước lối đánh tiếp cận bằng địa hào của binh lính Việt Minh, đây là sở trường của quân đội Pháp trong suốt hai cuộc đại thế chiến. Cho đến một ngày gần đây người ta mới biết lối đánh này do các cố vấn Trung Quốc trực tiếp hướng dẫn (rút kinh nghiệm từ chiến trường Triều Tiên năm 1953 với chiến thuật biển người sau khi tiến tới sát quân địch bằng địa đạo).
Sau chiến thắng này uy tín của Võ Nguyên Giáp vang lừng thế giới, báo chí quốc tế kể cả địch thủ của ông, tướng Raoul Salan, đã hết lời ca tụng thiên tài quân sự của Võ Nguyên Giáp. Ngược lại, uy tín của ông trong nội bộ đảng cộng sản và dư luận trong nước (miền Bắc) không những đã không tăng mà còn suy giảm. Các cấp chỉ huy quân sự tham gia trực tiếp trận Điện Biên Phủ phê bình Võ Nguyên Giáp chỉ là vị tướng chỉ huy từ xa, nghĩa là một tướng văn phòng, không liều lĩnh xông pha hiểm nguy trên các chiến trường như họ.
Trong giai đoạn từ 1954 đến 1956, những thành phần tiểu tư sản theo Việt Minh như ông Võ Nguyên Giáp đều bị thất sủng, có người còn bị kết án tử hình trong các chiến dịch cải cách ruộng đất và trăm hoa đua nở. Nhờ được Hồ Chí Minh tận tình che chở, ông Võ Nguyên Giáp đã không những không bị truy tố mà còn được được giữ nguyên các chức vụ cao nhất trong đảng cộng sản như uỷ viên bộ chính trị, bí thư quân uỷ trung ương, tổng tư lệnh quân đội, bộ trưởng bộ quốc phòng, phó thủ tướng... nhưng ông không còn nắm giữ thực quyền như trước. Trong quân uỷ trung ương, những đối thủ chính trị của ông, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, đã gài thêm bốn nhân vật thân tín để hạn chế quyền lực của ông. Đó là các tướng Văn Tiến Dũng, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn. Những quyết định quân sự quan trọng đều do 5 người này quyết định, trong đó Võ Nguyên Giáp chỉ có một tiếng nói, nghĩa là thiểu số.
Trong giai đoạn kế tiếp, từ 1958 đến 1975, bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam chủ trương tiến chiếm miền Nam bằng vũ lực. Mặc dù vẫn còn giữ chức vụ bộ trưởng bộ quốc phòng kiêm tổng tư lệnh quân đội, tất cả mọi quyết định quan trọng đều do hai ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ thao túng.
Trái với lầm tưởng của mọi người, trong trận tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968, làm thiệt mạng hơn một trăm ngàn người, Võ Nguyên Giáp mặc dù là bộ trưởng bộ quốc phòng kiêm tổng tư lệnh quân đội đã không có vai trò chủ động. Theo một nguồn sử liệu gần đây cho biết (nhà nghiên cứu quân sử Merle Pribbenow, cựu chuyên viên ngôn ngữ học thuộc cơ quan tình báo CIA của Mỹ), tác giả cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân 1968 là các ông Lê Duẩn và Văn Tiến Dũng, trong khi Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đều bị vô hiệu hoá vì không ủng hộ giải pháp táo bạo này.
Tất cả chỉ vì ganh tị với tài ba và danh tiếng của Võ Nguyên Giáp. Ông Lê Duẩn là đối thủ chính trị của ông Võ Nguyên Giáp trong nội bộ đảng cộng sản. Hai nhân vật này đã xung khắc với nhau từ năm 1956 khi tướng Giáp được toàn đảng ủng hộ giữ chức tổng bí thư sau khi Trường Chinh từ nhiệm, sau cùng nhờ sự giúp đỡ của Lê Đức Thọ và những dàn xếp nội bộ, Lê Duẩn được giữ chức vụ tổng bí thư năm 1957. Còn ông Văn Tiến Dũng, thuộc cấp của Võ Nguyên Giáp, muốn thay thế ông trong chức vụ cao nhất trong quân đội.
Khi cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân bắt đầu, dư luận trên thế giới đều cho rằng Võ Nguyên Giáp muốn dằn mặt quân đội Hoa Kỳ lúc đó đang hiện diện đông đảo tại miền Nam, trên 500.000 người. Dư luận quốc tế khi đó cho rằng Võ Nguyên Giáp đã phạm một sai lầm chiến lược khi muốn đi tắt đến chiến thắng trong chiến tranh, hơn 125.000 quân tinh nhuệ của phe cộng sản đã bị tiêu diệt trong ba cuộc tổng tấn công tháng 1, tháng 5 và tháng 8-1968. Phải đợi đến ba năm sau, năm 1971, phe cộng sản mới xây dựng lại được lực lượng.
Sau ngày 30-4-1975, phe Lê Duẩn-Lê Đức Thọ hoàn toàn thắng thế, Văn Tiến Dũng trở thành người hùng của cuộc "đại thắng mùa xuân", nhưng dư luận và báo chí quốc tế chỉ nhắc đến Võ Nguyên Giáp và coi ông là nạn nhân của cuộc đấu đá trong nội bộ đảng cộng sản. Sự ganh tức trước uy tín của Võ Nguyên Giáp trong nội bộ đảng cộng sản nói chung và phe Lê Duẩn-Lê Đức Thọ nói riêng ngày càng gia tăng để cuối cùng vào năm 1980, Võ Nguyên Giáp bị tước hết mọi quyền lực: thôi làm bộ trưởng bộ quốc phòng mặc dù vẫn còn giữ chức vụ uỷ viên bộ chính trị (đến năm 1982) và phó thủ tướng đặc trách khoa học kỹ thuật. Đối thủ của ông là Văn Tiến Dũng được cử làm bộ trưởng quốc phòng kiêm tổng tham mưu trưởng quân đội từ tháng 2-1980 đến tháng 2-1987.
Năm 1983 ông Võ Nguyên Giáp nhận lãnh một chức vụ không liên quan gì đến quân đội: chủ tịch Uỷ ban Sinh đẻ có kế hoạch. Đối với dư luận trong và ngoài nước đây là một thái độ nhục mạ đối với một vị tướng đã làm rạng danh đảng cộng sản nhưng không hiểu tại sao ông Võ Nguyên Giáp lại chấp nhận. Dư luận cho rằng ông Võ Nguyên Giáp muốn giữ uy tín cho đảng cộng sản để tránh tiếng có tranh chấp nội bộ và trả thù cá nhân. Có người ta cho rằng Võ Nguyên Giáp muốn giữ những đặc quyền đặc lợi mà đảng cộng sản đã dành cho ông và gia đình. Cũng nên biết ông Trương Gia Bình, nguyên là con rể của Võ Nguyên Giáp, chủ tịch công ty FPT, là người giàu có nhất Việt Nam. Tuy vậy, ông Võ Nguyên Giáp vẫn tiếp tục giữ các chức vụ uỷ viên trung ương đảng kiêm phó thủ tướng đến năm 1991 để về hưu vào tuổi 80.
...
Trong đợt cải cách ruộng đất, Nhân Văn Giai Phẩm và vụ âm mưu chống đảng từ 1954-1956, ông đã im lặng để sóng gió qua đi (...). Khi tranh chấp trong nội bộ đảng cộng sản bùng nổ giữa ông và Lê Duẩn năm 1956, ông chấp nhận thua thiệt để tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo quân đội. (...)
Võ Nguyên Giáp dưới mắt người phương Tây
Đối với người phương Tây, Võ Nguyên Giáp có lẽ là một hiện tượng đặc biệt trong quân sự thế giới. Ông là vị tướng châu Á được các sử gia và nhà bình luận quân sự phương Tây nhắc đến nhiều nhất từ sau Thế chiến II. Người ta nhắc đến ông không phải vì ông là đồng minh của các lực lượng quân sự phương Tây mà là người đã đánh bại hai thế lực quân sự hùng cường nhất thế giới vào thời điểm ông là người đứng đầu lực lượng quân sự : bộ trưởng quốc phòng và tổng tham mưu trưởng quân đội. Một vinh hạnh không kém là ông được sự quí trọng của hai vị tướng tài ba của quân đội Pháp và Mỹ, đối thủ của ông, đó là Raoul Salan (người chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương thời điểm 1951-1953) và William Westmoreland (người chỉ quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam thời điểm 1968-1972).
(...)
Các sử gia và dư luận phương Tây nể trọng tướng Võ Nguyên Giáp vì ông là vị tướng "không tốt nghiệp một trường võ bị nào và không bắt đầu sự nghiệp quân sự bằng một chức vụ sĩ quan" đã đánh bại quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ (1954) và gây khó khăn cho quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam trong suốt thời kỳ 1964-1972, tức thời điểm quân đội Hoa Kỳ có mặt đông đảo nhất tại miền Nam Việt Nam.
Trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất, các sử gia Pháp thường xuyên nhắc nhở đến Võ Nguyên Giáp trong giai đoạn 1946, khi quân Pháp vừa trở lại Việt Nam và đã có những cuộc gặp gỡ với ban tham mưu của Hồ Chí Minh. Tất cả đều lấy làm tiếc cuộc thương lượng với phe Việt Minh, do đảng cộng sản Việt Nam chỉ đạo, khiến đã xảy ra cuộc chiến khốc liệt tại Đông Dương từ 1946 đến 1954. Thật ra lúc đó chính quyền thuộc địa Pháp không đánh giá cao khả năng quân sự của phe Việt Minh và sự giúp đỡ quân sự của lực lượng kháng chiến quân cộng sản trong lục địa Trung Hoa.
Dự luận phương Tây thường nhắc tới thời điểm 1946, khi lực lượng quân sự của phe Việt Minh do Võ Nguyên Giáp chỉ huy chỉ có khoảng 40 chi đội với trên dưới 50.000 dân quân du kích, thiếu trang bị và huấn luyện đã dám đương đầu với quân đội viễn chinh Pháp. Phải chờ đến 1949, phe Việt Minh mới có được bốn đại đội bộ binh được trang bị súng máy và súng cối. Lực lượng quân sự của Võ Nguyên Giáp chỉ được trang bị dồi dào từ sau 1950, khi Mao Trạch Đông lãnh đạo đánh bại phe Quốc Dân Đảng và chiếm Hoa lục.
Kể từ sau 1949, khi phe Việt Minh bắt đầu gây nhiều thiệt hại cho quân đội viễn chinh Pháp trên Đường số 4 và khu Việt Bắc, tên tuổi Võ Nguyên Giáp mới được nhắc nhở đến nhiều. Những vị tướng tài ba của Pháp như Revers, Navarre với những lực lượng quân sự chuyên nghiệp được trang bị đầy đủ như Lực lượng Viễn chinh, Lê Dương, Nhảy Dù... (Corps Expéditionnaire, Légion Étrangère, Bataillons Étrangers Parachutistes) đã không ngăn chặn được sự bành trướng của những người lính nông dân do Võ Nguyên Giáp cầm đầu.
Sau này giới quân sự Pháp thường nhắc nhở tới những mưu chước của quân đội Pháp dụ dỗ quân đội của Võ Nguyên Giáp vào bẫy để tiêu diệt như tại Đông Khê, Đường số 4, nhưng không được. Ngược lại, chính quân đội Pháp chịu nhiều thiệt hại và đã phải rút lui khỏi các địa điểm chiến lược trên vùng trung du.
Trước sự lớn mạnh của phe Việt Minh, giới quân sự Pháp quyết định mở ra một địa bàn chiến lược khác tại khu lòng chảo Điện Biên Phủ để dụ quân Việt Minh vào tròng để tiêu diệt. Ý đồ này đã được các chiến lược gia và tướng lãnh Pháp nghiên cứu tỉ mỉ. Cũng nên biết vào thời điểm này phe Việt Minh đã chiếm gần như toàn bộ khu vực Trung và Nam Lào, nếu ngăn chặn được đường tiếp tế của phe Việt Minh tại Điện Biên Phủ thì Pháp sẽ triệt hạ dễ dàng lực lượng Việt Minh tại Lào. Với nhận định giản lược như thế, bộ chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương dồn nỗ lực củng cố địa bàn Điện Biên Phủ. Tại đây, với hoả lực sẵn có quân Pháp có thể làm chủ được trên không và tiếp tế bằng đường bộ. Cũng nên biết khu lòng chảo Điện Biên Phủ nằm sát biên giới Lào với nhiều đồi núi thấp, do đó dễ quan sát một vùng rộng lớn chung quanh. Quân đội Pháp đã xây dựng tại đây một hệ thống địa hào chằng chịt và kiên cố có thể cầm cự với quân Việt Minh trong một thời gian dài khi bị bao vây. Nói chung, giới quân sự Pháp rất tin tưởng vào sự phòng thủ chiến lược của Điện Biên Phủ, họ hy vọng có thể tiêu diệt quân Việt Minh dễ dàng khi bị tấn công.
Nhưng ước muốn là một chuyện, thực hiện được hay không là chuyện khác. Sau này giới quân sự và chiến lược gia Pháp đã viết rất nhiều sách và tài liệu nghiên cứu sự thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ, tên của Võ Nguyên Giáp cũng được nhắc tới như một đối thủ nguy hiểm, cần triệt hạ. Tác giả những bài viết này đều không ngờ khả năng điều động lực lượng dân công của Việt Minh trong trận Điện Biên Phủ. Các chiến lược gia Pháp không ngờ phe Việt Minh đã có sáng kiến tháo gỡ từng bộ phận rời của những khẩu đại bác và súng ống hạng nặng và sử dụng một lực lượng dân công hùng hậu để vận chuyển bằng các phương tiện thô sơ như xe thồ (xe đạp), xe bò, gồng gánh các loại vũ khí và đạn dược, ngày đêm băng rừng, băng suối, băng núi để mang lên các đỉnh đồi chung quanh Điện Biên Phủ, lắp ráp và tấn công quân Pháp. Điều này vượt ngoài tưởng tượng của những chiến lược gia quân sự Pháp, và họ đã tốn rất nhiều giấy mực để diễn tả sự kinh ngạc này, với tất cả sự thán phục.
Cuộc bao vây đã chỉ kéo dài trong ba tháng, từ 13-3 đến 7-5-1954. Quân đội Pháp cùng với bộ chỉ huy tiền phương tại Điện Biên Phủ, do đại tá de Castries cầm đầu, đã đầu hàng vô điều kiện. Võ Nguyên Giáp được dư luận Pháp nhìn nhận như người đã đánh bại quân đội Pháp tại Đông Dương.
Điều không ngờ là người Pháp chấp nhận sự thất trận này một cách vui vẻ, họ không thù oán gì quân đội Việt Minh mà chỉ trách móc các cấp lãnh đạo chính trị và quân sự của họ đã không sáng suốt. Riêng các tướng Salan, de Castries và rất nhiều tướng tá khác đều hết lời ca ngợi và kính phục Võ Nguyên Giáp. Đây là một trường hợp hi hữu trong lịch sử quân sự của Pháp nói riêng và của cả châu Âu nói chung. Hầu như các cấp lãnh đạo quân sự của châu Âu đều có cùng nhận định như các đồng nghiệp Pháp. Họ kính nể sự quyết tâm và khả năng huy động sức người trong trận Điện Biên Phủ của Võ Nguyên Giáp trong suốt cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất. Nếu Võ Nguyên Giáp là một người sinh trưởng tại các quốc gia phương Tây thì ông đã đón nhận tất cả những vinh quang của một vị anh hùng, một vị tướng tài ba. (...)
Sau sự thất trận này, dư luận Pháp đã không thù oán gì Việt Nam mà ngược lại vẫn còn giữ rất nhiều cảm tình với dân tộc Việt Nam và đất nước Việt Nam, lý do là vì con người và đất nước Việt Nam rất hiếu khách và không oán thù người đô hộ sau khi chiến tranh chấm dứt.
Người Pháp có lý do để đề cao yếu tố này, vì trong suốt thời gian chiến tranh, từ 1946 đến tháng 7-1954, không một phụ nữ hay trẻ em người Pháp nào bị bắt làm con tin hay bị sát hại để trả thù báo oán. Đây chính là điều mà dư luận Pháp nói riêng và phương Tây nói chung quí mến dân tộc Việt Nam. Trong chiến tranh thì chém giết nhau không nương tay, nhưng chỉ với những người trực tiếp cầm súng, khi hết chiến tranh thì có thể trở thành bạn bè một cách dễ dàng. Dư luận Pháp vẫn còn giữ nhiều kỷ niệm đẹp với Việt Nam, trong khi người Việt Nam, đặc biệt là những người theo Tây học vẫn còn dành cho "đế quốc" Pháp những cảm tình đặc biệt.
Khi cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ hai bắt đầu, năm 1956, giới quân sự Mỹ đã nghiên cứu khá tỉ mỉ khả năng điều động quân sự của Võ Nguyên Giáp, và bộ tham mưu của ông. Với lý luận đơn giản của người phương Tây, người Mỹ không tin rằng Võ Nguyên Giáp và bộ tham mưu của ông dám tiến hành một cuộc xâm chiếm miền Nam với những tổn thật về nhân mạng nặng nề như cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1953, dù có sự giúp đỡ trực tiếp về quân sự của Trung Quốc. Cái mà bộ tham mưu quân sự và giới chiến lược Hoa Kỳ không hề nghĩ tới là quyết tâm của Đảng Cộng Sản Việt Nam. (...)
Cũng may là cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc ngày 30-4-1975. Không biết hậu quả sẽ như thế nào khi Hoa Kỳ vẫn tiếp tục giúp đỡ miền Nam, hay đơn phương đánh phá miền Bắc. Cho đến hết ngày 30-4-1975, sự thiệt hại về nhân mạng của phe cộng sản miền Bắc và phe mặt trận giải phóng miền Nam đã trên ba triệu người. Chiến thắng của phe cộng sản ngày 30-4-1975 có xứng đáng với sự thiệt hại về nhân mạng và tài sản đó không?
(...)
Nguyễn Văn Huy
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro