Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Tiêu đề phần

Một trong những thảm cảnh lớn nhất trong lịch sử nhân loại đó là Chiến tranh thế giới thứ II. Ước tính gần 100 triệu người trên thế giới đã bị giết trong nhiều tình cảnh khác nhau trong vòng 6 năm mà nhân loại đã chiến đấu với nhau một cách đẫm máu nhất. Tuy nhiên khi nhìn lại lịch sử loài người, có một thảm cảnh đã xảy ra trong thời bình trong vòng chỉ 4 năm nhưng đã giết chết 30-40 triệu người một cách đau đớn nhất, chết đói. Đó chính là giai đoạn Đại nhảy vọt từ năm 1958-1962 trong lịch sử Trung Quốc. Đây chính là một phần của các câu chuyện về Đảng hoạ ở Trung Quốc đã được tôi khái quát qua các phần như: Tại sao Mao thắng Tưởng và Trăm hoa đua nở trước kia. Phần này buồn và đau đớn cho dân tộc Trung Hoa hơn rất nhiều trong rất nhiều sự đau đơn mà họ đã trải qua.

Có nhiều ước tính tranh cãi xung quanh số người chết trong cuộc Đại nhảy vọt này. Theo Viện nghiên cứu khoa học Trung Quốc, số người chết là 15 triệu người do bị suy dinh dưỡng và chết đói (Hong Zhuankai, 2020). Theo ông Yang Jisheng, một phóng viên lão thành của Tân Hoa Xã, 36 triệu người đã chết đói và 40 triệu trẻ em đã vĩnh viễn không thể ra đời do dịch bệnh, một con số khổng lồ dưới bất cứ một định nghĩa nào. Theo Yu Xiguang, con số lên đến 55 triệu người chết đói, tác giả là một giảng viên cũ của trường Đảng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Cho dù bất cứ số liệu nào là chính xác thì nạn đói năm 1958-1962 chính là nạn đói do con người gây ra lớn nhất trong lịch sử loài người. Nó chứng nhận cho một thất bại không thể chối cãi của cnxh theo cái cách gần đúng nhất theo Mác-Lê.

Vào năm 1958, sau khi đã đập tan các trí thức "phản động hữu khuynh" sau cuộc Trăm Hoa Đua Nở, Mao Trạch Đông phát động chương trình Đại nhảy vọt dựa trên Kế hoạch năm năm lần thứ hai dựa trên hai cột trụ: xây dựng thép tối đa công suất và Công xã nhân dân. Theo dự tính của Mao Trạch Đông, nền công nghiệp của Trung Quốc dưới sự chỉ đạo của ông ta sẽ vượt qua Anh Quốc trong vòng 15 năm (hay thậm chí ít hơn) và sẽ tiến nhanh từ chủ nghĩa xã hội đến chủ nghĩa cộng sản trong thời gian này. Mao cũng muốn cho Khruschev ở Liên Xô phải bẽ mặt vì mô hình Trung Quốc ưu việt hơn mô hình Liên Xô, do đó ông ta sẽ là lãnh đạo của thế giới cộng sản.

Đại Nhảy Vọt được dựa trên ý tưởng sẽ tăng vọt sản xuất ở cả công nghiệp lẫn nông nghiệp cùng một lúc bằng việc sử dụng nhân công giá rẻ ở nông thôn và tránh việc phải nhập các máy móc đắt tiền từ nước ngoài. Mao coi việc sản xuất thép và ngũ cốc như là chìa khoá để phát triển kinh tế Trung Quốc ngang bằng các quốc gia phương Tây. Bằng sức người và ý chí ta có thể vượt qua tất cả! Mao Trạch Đông đã thực sự nghĩ như vậy.

NẤU THÉP NHÂN DÂN

Công nghiệp thép là một ngành đòi hỏi kỹ thuật rất cao với rất nhiều máy móc phức tạp và nhiều kỹ năng từ công nhân. Việc sản xuất thép cần cả nguyên liệu và lò nung chất lượng cao mới cho ra những mẻ thép bền bỉ. Với ý chí chính trị và không có bất cứ một hiểu biết nào về việc nấu thép, Mao cho rằng những nồi nung là đã đủ cho việc nấu thép, mỗi sân nhà là một nồi nung nấu thép, chẳng mấy chốc Trung Quốc sẽ sản xuất đủ thép chất lượng cao vượt cả nước Anh.

Mô hình này lần đầu tiên được giới thiệu tại tỉnh An Huy vào năm 1958, khi Mao được bí thư thứ Nhất của tỉnh An Huy, Zeng Xisheng cho xem hàng loạt các lò nung thép nhỏ gọn ở tỉnh đã sản xuất ra hàng loạt các mẫu thép chất lượng cao. Không biết rằng đây là một sự sắp đặt với các mẫu thép đã được đặt mua ở Liên Xô từ trước, Mao lập tức ấn tượng với chương trình này và cho nhân rộng nó ra toàn Trung Quốc.

Theo lệnh của Mao và chính quyền địa phương, tất cả các huyện nay đều phải sản xuất thép bằng lò nung nhỏ. Để sản xuất thép, các nhà sản xuất thép nghiệp dư đã dùng tất cả những nhiên liệu mà họ tìm thấy để chạy lò nung, từ gỗ rừng cho đến than đá và thậm chí các vật dụng gia đình như cửa gỗ, tủ gỗ. Nguyên liệu thậm chí còn khó tìm hơn. Với những nơi không có quặng sắt, người dân nung toàn bộ những gì họ có như xe đạp, cửa sắt và...nông cụ.

Tất cả những nỗ lực nấu thép duy ý chí đều vô dụng khi tất cả những mẻ sắt nấu được chỉ là những mẩu gang nhỏ, giòn và không sử dụng được. Tất cả những mẫu gang này đều không thể xuất khẩu và cũng bỏ phế đi ngay lập tức. Quan trọng hơn là do nấu thép vô tổ chức nên nhiều nông dân đã không thể canh tác, nông cụ bị chảy thành gang nên việc thiếu nông cụ trở nên nghiêm trọng. Điều này trực tiếp dẫn đến nạn đói nghiêm trọng sắp xảy ra.

Không phải là Mao không biết đến điều này, ông ta đã nhận ra từ tháng 1.1959 khi đi thăm mô hình này ở Mãn Châu. Nhưng để không làm giảm nhiệt tâm của cách mạng nhân dân, Mao quyết tâm nhân rộng công cuộc nấu thép nhân dân này thêm nữa.

CÔNG XÃ NHÂN DÂN

Theo Tưởng Giới Thạch, đối thủ suốt đời của Mao thì Công xã nhân dân là "sự ra đời của chế độ nô lệ chưa từng có trong lịch sử loài người. Dưới hệ thống này, không chỉ tất cả tài sản riêng của người dân bị tịch thu, mà cuộc sống gia đình và các quan niệm đạo đức cũng bị phá hủy... Thực tế, bản thân nó chính là địa ngục trần gian" (trích báo Taiwan's today). Trên thực tế, Tưởng nói không xa với sự thật, Công xã nhân dân được lập ra để nhốt gần 90% dân số Trung Hoa trong các Hợp tác xã khổng lồ, trong đó gia đình, tài sản của nhân dân, ruộng đất mới được ban phát cho họ trong cuộc Cải cách ruộng đất hồi năm 1950-1952 đều bị gộp chung với nhau để hình thành các Công xã nhân dân.

Công xã nhân dân được Mao giới thiệu vào năm 1958, thực tế là một Hợp tác xã khổng lồ chứa gần 4000-5000 hộ gia đình trong đó, cá biệt có Công xã có 20000 hộ trong đó. Với mô hình này, người dân sẽ được nông cụ, khẩu phần, tiền bạc sẽ được xoá bỏ, mọi người sống chung với nhau trong một cộng đồng khổng lồ. Ở một số nơi, gia đình còn bị xoá bỏ để cha mẹ, vợ con bị chia cắt theo các đơn vị lao động, trường học. Tư hữu bị cấm dưới mọi hình thức, nếu người dân bị phát hiện sở hữu bất cứ thứ gì trong người, anh ta sẽ được dán nhãn tiểu tư sản và sẽ bị tử hình ngay lập tức.

Việc sản xuất nông nghiệp ở Công xã nhân dân nhằm tối đa hoá sản phẩm nông nghiệp cho thành thị, công nhân, trường học và dùng để xuất khẩu. Các nông dân sống trong công xã thường lao động từ 14-17 tiếng một ngày mà không được trả công. Việc ăn uống dựa hoàn toàn vào bếp ăn công xã, suất ăn của thành viên sẽ được chấm công dựa trên sự lao động của họ trên đồng ruộng, "không làm thì không được ăn". Ước tính mỗi công nhân có 3 suất ăn mỗi ngày, cộng thêm lương 2.55 USD/ tháng. Việc trốn thoát gần như không thể do việc huấn luyện toàn dân thành mật vụ của nhau và chế độ hộ khẩu đã có từ thời Thương Ưởng vào năm 338 TCN.

Công xã nhân dân, trái với ý muốn của Mao đã trở nên phản tác dụng khi thu hoạch từ các công xã này rất thấp, một phần do các kỹ thuật canh tác sai được áp dụng máy móc từ Xô Viết. Các kỹ thuật truyền thống của Trung Hoa bị bỏ qua. Về văn hoá thì các Công xã nhân dân này làm cho văn hoá truyền thống của Trung Hoa trở nên nghèo nàn đến lạ thường. Tất cả các dạng văn hoá truyền thống của nhân dân nay bị coi là phong kiến hủ lậu và bị cấm lưu hành trong Công xã nhân dân. Các công xã này chỉ cho lưu hành văn hoá liên quan đến Đảng Cộng Sản Trung Hoa.

Tất cả nông dân nằm trong Công xã nhân dân có một chút biểu hiện chống đối sẽ nhận lấy hình phạt thảm khốc. Sỉ nhục công khai, tra tấn, đánh chết tại chỗ, bị lột trần truồng trong giá lạnh mùa đông, bị dí nước sôi và nói chung là tất cả những hình phạt thảm khốc của thời Trung Cổ. Những hình phạt này, gộp chung đã giết khoảng 4-5 triệu người trong thời đại này.

CHIẾN DỊCH DIỆT CHIM SẺ

Chim sẻ, theo ý của Mao, là loài vật đáng ghét. Nó ăn hầu hết các hạt giống ngũ cốc và trái cây nên Mao phát động chiến dịch diệt chim sẻ bằng cách tuyên bố :"Chim sẻ là loài vật của chủ nghĩa tư bản". Ông ta ra lệnh cho toàn dân Hoa lục phải tìm và diệt cho bằng được bốn loài vật đáng ghét và kẻ thù số 1 là chim sẻ. Người dân Trung Quốc đã thực thi tuyệt đối mệnh lệnh này bằng cách phá huỷ tổ chim, bắn chim bằng ná hoặc súng săn, lấy chày đập chim và lấy chảo đập ầm ĩ cho chim không có cơ hội đậu trên cây. Chính quyền địa phương phát động cuộc thi diệt chim sẻ và phần thưởng là một suất ăn thêm. Một ví dụ hài hước là đại sứ quán Ba Lan ở Bắc Kinh khi từ chối cho người vào diệt chim sẻ đã phải hứng chịu một đợt trống đến 2 ngày để diệt chim. Kết quả là sân vườn của họ đầy xác chim và phải dùng xẻng để đào hố chôn xác chim sẻ. Loài chim này gần như tuyệt chủng trong thời điểm năm 1959. Điều mà Mao và dân Trung Quốc đã quên đó là chim sẻ ăn côn trùng, nhất là châu chấu. Hàng đàn châu chấu đã bay vào đồng ruộng vốn đã tiêu điều vì canh tác kém và ăn sạch những gì còn sót lại. Côn trùng chính là thứ đã được Mao mang trực tiếp làm món quà cho người dân Trung Quốc. Năm 1960, Mao chấm dứt chương trình ngu xuẩn này, nhưng đã quá muộn.

NẠN ĐÓI LỚN NHẤT LỊCH SỬ

Công cuộc công nghiệp hoá của Mao đã tăng số lượng công nhân gấp đôi trong vòng 3 năm (1957-1960) mà chỉ toàn là những công nhân có trình độ thấp xuất phát từ nông thôn. Việc tăng lượng công nhân đã làm giảm nhân công ở nông thôn và tăng áp lực khổng lồ lên việc cung cấp thực phẩm. Cho dù đã tăng gấp đôi lượng công nhân, sản xuất công nghiệp dậm chân tại chỗ, số lượng thép sản xuất được kém xa trước kia và còn lâu mới vượt được Anh Quốc. Việc tăng quá mức số lượng công nhân cũng làm tăng quỹ lương và làm tiền đề cho nạn đói lớn.

Để giảm thâm hụt quỹ lương, chính quyền đã tăng mức truy thu vào các Công xã nhân dân ở nông thôn, ở cả sản lượng thép và sản lượng nông nghiệp. Trên thực tế, sản lượng nông nghiệp của năm 1960 đã giảm 30% so với năm 1958 nhưng mức truy thu đã tăng lên đáng kể. Theo cuốn niên giám Trung Hoa 1984, sản xuất lương thực giảm mạnh khoảng 60 triệu tấn do tác động của các mặt trên cộng với lũ lụt và hạn hán đan xen.

Một nhà văn Trung Quốc sống ở Hà Nam đã viết :"Vào nửa cuối năm 1959, tôi đi xe buýt đường dài từ Tín Dương đến Lư Sơn và Cố Thuỷ. Qua cửa sổ, tôi thấy hết xác này đến xác nọ nằm dưới mương. Trên xe buýt, không ai dám nhắc đến người chết. Tại một quận, Quảng Sơn, một phần ba số người đã chết. Mặc dù có người chết ở khắp mọi nơi, nhưng các lãnh đạo địa phương vẫn thưởng thức những bữa ăn ngon và rượu hảo hạng. ... Tôi đã thấy những người đã nói sự thật bị tiêu diệt. Làm sao tôi dám nói về nó?".

Người dân chết đói đã lan tràn khắp nông thôn Trung Quốc. Ở các làng quê, người dân không còn gì để ăn, đã tổ chức nấu xác người tập thể để ăn. Có những làng chết đói toàn bộ dân làng và chó chính là những sinh vật cuối cùng gặm nhấm xác chủ của mình. Trộm cắp lan tràn và bị trừng phạt bằng các hình phạt nặng nhất. Một người cha đã phải chôn sống con mình vào một cái hố được đào bởi chính quyền địa phương vì cậu bé ăn cắp hai bó bắp cải. Người cha tự sát sau đó vài ngày vì quá đau buồn.

Báo cáo từ các lãnh đạo địa phương vẫn rất tươi sáng. Ở Tứ Xuyên, thiên phủ của Trung Quốc vì đất màu mỡ, người dân đã phải ăn thịt lẫn nhau để kiếm sống nhưng chính quyền vẫn báo cáo số liệu cực đẹp để làm an lòng chính quyền trung ương. Kho lương thực ở Bắc Kinh chỉ có chừng 25% tổng số lương thực mà nó được báo cáo. Chính việc báo cáo láo này đã làm cho lãnh đạo Bắc Kinh ảo tưởng về khả năng sản xuất và vẫn đưa ra đường hướng sai lệch như sản xuất các cây công nghiệp như mía đường hay cotton thay vì sản xuất lúa mì. Đồng thời Mao cũng bỏ qua nạn đói trong nước mà cho xuất khẩu hết tốc lực ngũ cốc để đổi lấy nguyên liệu sản xuất công nghiệp trong nước. Cũng giống như Holodomor, chính quyền Trung Quốc xuất khẩu một lượng lớn lương thực mà không cứu trợ dân của họ!

Nạn đói xảy ra trầm trọng nhất ở các nơi tuân thủ tuyệt đối mệnh lệnh của Mao. Tứ Xuyên, Hà Nam, những nơi nổi tiếng giàu có và trù phú ở thời phong kiến là những nơi chết nhiều người nhất. Bác sĩ bị cấm liệt kê "chết đói" vào mục lý do cái chết. Công xã nhân dân được khuyến khích mở rộng do việc báo cáo láo của chính quyền địa phương, nhưng càng khuyến khích, dân lại chết đói càng nhiều. Những quan chức muốn chống lại Đại nhảy vọt thì chỉ cần nhớ lại Trăm Hoa Đua Nở cách đó 2 năm là rùng mình và im lặng. Cả Trung Quốc chìm trong bóng tối của sự chết chóc.
KẾT LUẬN
Sự vĩ cuồng của Mao và sự im lặng trong xã hội Trung Hoa là tiền đề của nạn đói vô tiền khoáng hậu này. Trí thức Trung Quốc biết rõ về các kỹ năng nấu thép điên rồ, sự kém cỏi của Công xã nhân dân và bệnh hoạn của chiến dịch diệt chim sẻ nhưng họ sợ phải bị xử tử chỉ vì lên tiếng nên đã im lặng suốt thời gian này. Sau cuộc Đại nhảy vọt, xã hội Trung Quốc đảo lộn nghiêm trọng, nhân dân lầm than bậc nhất trong thời đại của mình. Những gì xây dựng được sau Kế hoạch Năm năm lần thứ nhất bị đảo lộn chỉ sau 4 năm này. Tất cả đã tố cáo cái gọi là "Bảy công ba tội" của Mao thực sự chỉ là huyền thoại, thực tế ông này có đến Mười phần tội với nhân dân Trung Quốc. Sau vụ Đại nhảy vọt, Mao lui về hậu trường làm một "tổ tiên khuất núi" vì uy tín bị sụt giảm quá mạnh. Ông ta tức giận vì uy tín chính trị xuống thấp và sẽ phát động Đại Cách Mạng Văn Hoá Vô Sản vào 4 năm sau.
Nguồn tham khảo:
https://www.washingtonpost.com/news/volokh-conspiracy/wp/2016/08/03/giving-historys-greatest-mass-murderer-his-due/?outputType=amp
https://taiwantoday.tw/news.php?unit=4&post=7574
https://chineseposters.net/themes/great-leap-forward
https://www.britannica.com/event/Great-Leap-Forward
https://www.google.com.vn/amp/s/amp.theguardian.com/world/2013/jan/01/china-great-famine-book-tombstone
Mao, Unknown Story: Jung Chang, Jon Halliday (2005)

Nồi nung thép ở Công Xã nhân dân

Bếp ăn công xã

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: