Hồi thứ mười một: LẠC VU
Lại nói chuyện cả ba người Quyết, Ngọc và Đàn bị kẹt dưới hang sâu trong lòng đất trong hang do chiếc quan tài tạo ra. Không biết bao lâu sau, Quyết chợt tỉnh dậy, hắn nghe từ xa vọng lại tiếng rì rầm, như thể tiếng nói chuyện. Hắn nghe thấy loáng thoáng có giọng nói:
– Kỳ lạ!
Một giọng thứ hai hỏi lại:
– Sao lại kỳ lạ?
Giọng nói này, so với giọng nói trước thì trong hơn giọng nói trước một chút, rõ ràng là của một người trẻ hơn.
Giọng già đáp:
– Ngươi xem, cái cách quấn bọc thế này, hai lớp vải lót đan chéo nhau, quấn lấy toàn bộ thi thể, lớp nọ chồng lên lớp kia đúng một phần ba chiều rộng của băng cuốn rồi mới đến áo quan. Mặc dù dường như thiếu vải cuốn nên việc cuốn không được trọn vẹn nhưng cách khâm liệm thế này làm ta nhớ đến một người.
Giọng trẻ nói:
– Phải chăng ông muốn nói đến ngài?
Giọng già đáp:
– Chính phải.
Giọng kia lại nói:
Ta nghe mọi người nói, ngài gần đây gặp phải sự không hay, đã bỏ mạng mất rồi, chỉ còn lại thiếu chủ nhưng từ khi có trận đói tháng sáu thì không còn tin tức gì nữa. Cái xác này mới chôn được có vài ngày, làm sao có thể do nhà họ Phạm khâm liệm được?
Một lúc sau, chợt có tiếng la khẽ:
– Đâu mất hai bàn tay rồi?
Rồi có tiếng lục đục, dường như cả hai người đang tìm kiếm gì đó, được độ nửa tuần hương, lại có giọng nói cất lên:
– Mất rồi, mất rồi! Lần này biết làm thế nào?
– Lẽ nào do bọn trộm mộ làm?
– Ta đã làm rất kín đáo, không ai biết được chỗ chôn cất thật sự cả.
Bấy giờ Quyết hiểu ra, rằng ba người đã ở rất gần đoạn cuối của cái hang kia. Chắc hẳn những tiếng nói kia là của những người có liên quan đến việc chiếc quan tài tự chui vào lòng đất, xuyên qua cả sông Nhị Hà để đến đây. Không rõ ý đồ của bọn chúng ra sao, nhưng những kẻ làm việc khuất tất với người đã mất như thế, hiển nhiên không thể là người tốt được. Lại nghe thấy chúng nhắc đến nhà mình, điều này chứng tỏ bọn chúng rất có hiểu biết trong chuyện này, vì hắn được bố dạy rằng riêng trong giai đoạn bó xác thì phải đuổi hết tất cả thân nhân ra, quây màn kín mà hành sự, bởi phần việc này có thể được coi như bí mật gia truyền nhà hắn. Tối hôm trước, ngay lúc quấn xác, hắn cũng bắt Đàn và Ngọc quay đi, không cho xem.
Bấy giờ cơ thể hắn rất mệt mỏi, cơ hồ không thể động đậy được tay chân, mỗi lẫn thử cố gắng đều thấy đau nhức khắp nơi, tình hình như thế không cách nào thoát ra được. Nếu hắn kêu lên thì ắt những người ngoài kia sẽ biết hắn ở đó, nhưng không biết có cứu hay là đem thủ tiêu luôn.
Đang nghĩ ngợi như thế, đột nhiên hắn thấy có tiếng kêu từ sâu trong hang:
– Cứu, cứu!
Thì ra lúc này, Đàn đã tỉnh dậy, thấy có tiếng người nói chuyện như thế, lại không nghe rõ câu chuyện đầu đuôi thế nào, liền mở miệng kêu cứu. Quyết cả kinh, không biết có nên chặn Đàn lại hay không. Mà thực ra, có chặn lại cũng không được nữa, tên to béo này, miệng hắn cũng to không kém thân thể, mở mồm kêu cứu, hiển nhiên vận hết sức lực, lại đang trong hang sâu, thanh âm vọng ra hết sức rõ ràng, không lẫn đi đâu được.
Đàn kêu cứu được một lúc thì Quyết nghe thấy có tiếng lạo xạo, dường như có người đang bò vào hang tối. Rồi hắn thấy một bàn tay lớn chụp lấy bả vai mình, lôi ra. Bấy giờ hắn toàn thân không thể tự chủ được, đành để cho người ta muốn làm gì thì làm.
Bàn tay kia lôi hắn một lúc thì Quyết thấy thân thể mình như rơi trong không khí, rồi chạm vào một mặt sàn nghe “bịch” một tiếng, hắn vốn đã đau đớn sẵn, chịu thêm cú rơi này, hồn phách lên mây, lập tức ngất đi.
***
Không biết bao lâu sau, Quyết tỉnh dậy. Hắn thấy chân tay không tài nào cử động được. Đầu tiên hắn thấy việc mở mắt thật khó khăn, phải cố gắng lắm hắn mới có thể mở to mắt, nhất thời cũng chưa nhận biết được ngay, phải một hồi lâu hắn mới nhận ra hắn đang nằm trong không gian tối tăm, chỉ có ánh sáng vàng vọt có lẽ phát ra từ ngọn đèn dầu nào đó. Nhìn xung quanh thì thấy có hai bóng đen nằm trên đất, đó chính là Ngọc và Đàn. Cả ba người đã bị trói nghiến lại, bây giờ đang nằm trên nền đất lạnh.
Lúc này cả Ngọc và Đàn đã tỉnh dậy, nhưng miệng cả ba bị nhét giẻ, thành ra không thể nói chuyện được với nhau.
Đột nhiên có tiếng bước chân người xa xa, đây rõ ràng là của nhiều người, họ đang nói chuyện với nhau. Một người nói:
– Thưa cụ, việc cụ dặn chúng tôi e là đã làm hỏng mất rồi. Không hiểu ở đâu ra mấy tên trộm đào trộm mộ người ta, cắt lấy đi đôi bàn tay. Cái xác đưa về còn dẫn theo ba tên không rõ lai lịch thế nào, có lẽ là lũ trộm kia đang hành sự thì bị kéo theo. Chúng tôi tạm trói lại, đang giam ở phòng bên. Chúng tôi xin cụ thứ lỗi cho, không biết liệu có thời gian nữa không, để chúng tôi thử cố gắng lại.
Lại có tiếng đáp lại:
– Việc này cũng cần nhưng thời gian không quá gấp, nhanh được ngày nào thì hay ngày đấy mà thôi. Có điều các vị có nói đến việc cách khâm liệm giống nhà họ Phạm là sao?
Có một tiếng nói khác đáp:
– Quả đúng như vậy, nếu cứ nhìn vào cách bó xác thì đó chính là của nhà họ Phạm, có điều làm hơi cẩu thả.
Giọng nói kia nói:
– Nhà họ Phạm có liên quan rất hệ trọng đến “trấn quốc hội”, chuyện này ta cũng vừa mới biết, nhưng khẳng định là nhà họ Phạm chưa hề bị tuyệt diệt, cách đây mấy ngày ta còn có hân hạnh được diện kiến một người.
Bấy giờ Quyết giật mình nghĩ:
“Nghe chuyện người này nói thì không phải là nhà mình rồi, chẳng lẽ có một nhà họ Phạm nào nữa cũng làm nghề khâm liệm hay sao? Chẳng nhẽ nhà mình làm nghề này bấy nhiêu năm mà không biết điều đó”.
Đang nghĩ đến đấy, chợt có tiếng động, Quyết thấy cánh cửa lớn cách hắn không xa mở ra. Trước mắt hắn bấy giờ có ba người, một người cao lớn, vạm vỡ, tay cầm đèn dầu, một người khác chắc đã khá già vì mái tóc hoa râm mà râu cũng bạc một phần rồi. Người còn lại, là một cụ già râu tóc bạc trắng, nhưng ánh mắt đen lay láy như người còn thanh niên, da dẻ người này căng mà mịn màng, nếu không có bộ râu bạc trắng thì không ai nghĩ người này đã lớn tuổi. Người này, chính là cụ Tả Ao.
Người thanh niên vạm vỡ quay qua cụ Tả Ao nói:
– Thưa cụ, đây là mấy tên chúng tôi tìm được trong hầm, còn quan tài ở đằng kia, mời cụ qua xem.
Quyết bấy giờ nhìn kỹ đúng là cụ Tả Ao bèn lên:
– Cụ Tả Ao!
Người thanh niên vạm vỡ nhìn thấy hắn gọi cụ Tả Ao như thế, xông đến đạp vào ngực hắn một cái, đau đến ngưng thở, làm hắn phải ho mạnh một hồi. Gã vạm vỡ nói:
– Mày dám vô lễ gọi tên cụ thế à?
Cụ Tả Ao thấy thế kéo gã thanh niên vạm vỡ sang một bên rồi hướng về phía Quyết mà hỏi:
– Khoan đã, sao người biết ta?
Quyết đáp:
– Cháu đây, cháu đây, cụ không nhận ra cháu à? Cháu là Quyết đây.
Cụ Tả Ao giật mình, giơ đèn soi cho rõ, rồi sai gã vạm vỡ lấy lại một xô nước lớn. Gã vạm vỡ đối với cụ Tả Ao thái độ rất cung kính, lập tức lật đật đi lấy ngay. Một lúc sau, hắn đã chạy về, mang theo một xô lớn đầy nước. Cụ Tả Ao bèn hắt một ít nước lên mặt Quyết để nhìn hắn cho rõ. Thì ra vì cả ba người trôi trong hang lâu như vậy, lại qua vùng đất đầy bùn nên bấy giờ đã không còn nhận ra mặt mũi nữa rồi, cả ba người thân đều phủ đầy bùn đất, đến khi bị bắt trói, cũng không ai quan tâm đến, thành ra không thể nhận rõ mặt, chỉ đến khi dội nước vào mới thẩy rõ mặt mà thôi.
Cụ Tả Ao thấy rõ đấy là Quyết thì giật mình, kêu gã vạm vỡ lập tức cởi trói cho cả ba người. Nắm lấy tay cậu mà nói:
– Làm sao mà cậu lại ở đây? Mà khoan, khoan hẵng kể, mau thay quần áo tắm rửa, ăn cơm đã. Ta xem cậu mệt mỏi lắm rồi.
Nói đoạn, gã thanh niên vạm vỡ hiểu ý cụ Tả Ao, lập tức đưa ba người đi ngay. Tắm rửa xong xuôi, cả ba được ăn một bữa no nê. Lúc này Quyết lòng rất nhiều câu hỏi, hoài nghi, thành ra ăn không được ngon, nhưng hắn vẫn theo thói quen, được ăn là phải ăn cho no rồi mới tính đến những chuyện khác.
Ăn xong gã vạm vỡ đưa ba người đến ba căn phòng khác nhau. Quyết nói với gã:
– Tôi chưa muốn ngủ, tôi muốn gặp cụ Tả Ao.
Lần này gã vạm vỡ không đánh hắn nữa, mà thái độ rất cung kính nói:
– Được, để tôi dẫn cậu đi.
Ngọc và Đàn thấy thế cũng muốn đi theo, nhưng gã vạm vỡ gạt đi, chỉ đưa Quyết theo, khiến hai người đành hậm hực quay về phòng.
Gã vạm vỡ đưa Quyết qua một hành lang dài rồi mới đến phòng cụ Tả Ao. Bấy giờ, khi Quyết bước vào thì thấy cụ đang ngồi viết gì đó, Quyết vốn cũng biết chữ, thấy trên bàn có một cuốn sách gọi là “Tả Ao chân truyền tập”. Hiển nhiên cụ đang viết sách.
Cụ Tả Ao thấy hắn thì mừng lắm, vì trong lòng cũng chưa hết hoài nghi vì sao hắn lại ở trong hang của cỗ quan tài. Cụ nói:
– Đây rồi, cậu bé, lại đây, lại đây.
Giọng điệu cụ Tả Ao thực nhẹ nhàng, khiến Quyết cảm thấy rất gần gũi, thân thuộc. Hắn mặc dù vẫn nghĩ những người liên quan đến chuyện cỗ quan tài biết đào đất kia đều không thể là người tốt được, có điều cụ Tả Ao đích thực là có liên quan đến chúng, nhưng cũng đích thực cụ là người tốt, thành ra nhất thời không hiểu rõ mọi chuyện thế nào.
– Cụ ơi, cụ kể cho cháu nghe vì sao có chuyện cỗ quan tài kia.
Cụ Tả Ao nói:
– Ta cũng đang rất muốn biết chuyện về cháu đây. Có điều ta muốn cháu kể cho ta nghe trước được không?
Quyết trong lòng rất kính phục và tin tưởng cụ Tả Ao, thành ra nghĩ rằng nghi vấn trong lòng mình chẳng sớm thì muộn cũng được cụ giải tỏa. Nghĩ thế, hắn bèn đem mọi chuyện từ tối qua đến giờ kể cho cụ nghe một lượt, không sót chi tiết nào.
Cụ Tả Ao ngồi lắng nghe rất cẩn thận, chỗ nào chưa rõ cụ lại hỏi lại cho cặn kẽ, thành ra Quyết phải kể đến ba tuần hương mới xong. Bấy giờ cụ nói:
– Tên Cao Tiến này, thực là nguy hiểm. Cháu muốn biết chuyện cỗ quan tài phải không? Được, ta sẽ kể cho cháu nghe, có điều ta muốn cháu biết còn nhiều hơn thế, nên chuyện sẽ hơi dài dòng đấy.
Quyết đáp:
– Vâng, thưa cụ, cháu xin nghe.
Cụ Tả Ao nói:
– Cháu có biết ai là thủy tổ của dân tộc Việt không?
Quyết đáp:
– Thưa cụ, là Kinh Dương Vương ạ.
Cụ Tả Ao nói[1]:
– Hay lắm, hay lắm, Kinh Dương Vương, ngài húy là Lộc Tục, làm vua cả một vùng đất rộng lớn, phía bắc tới sông Dương Tử đến cả vùng hồ Động Đình, phía nam tới nước Hồ Tôn, phía đông là Đông Hải, phía tây là Ba Thục. Kinh Dương Vương ngài sinh hạ được một người con, đó chính là Lạc Long Quân. Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, sinh ra bọc trăm trứng, nở ra trăm người con, năm mươi người theo cha lên núi, năm mươi người theo mẹ xuống biển. Lạc Long Quân xưng là Hùng Hiền Vương, nối ngôi cha, cai trị vùng đất đai đó. Sau trải qua mười tám đời, lấy Phong Châu làm trọng yếu của nước nhà, hùng cứ một phương rộng lớn, gọi tên nước là Văn Lang.
Quyết tuy không biết rằng Lộc Tục chính là Kinh Dương Vương, nhưng hắn biết chuyện về Lạc Long Quân và Âu Cơ, bởi truyền thuyết đó quá nổi tiểng, đến đứa trẻ bốn năm tuổi cũng được nghe mẹ hoặc bà kể lại. Có điều hắn chưa hiểu vì sao lại liên quan đến cỗ quan tài kia.
Nhìn sắc mặt của hắn, cụ Tả Ao hiểu ý mà cười lớn, nói:
– Chuyện cỗ quan tài hãy cứ từ từ, chúng ta nói chuyện này cái đã.
Rồi cụ nói tiếp:
– Thời kỳ đó gọi là thời kỳ Hồng Bàng. Lúc đó, nước Văn Lang của chúng ta là một quốc gia hùng mạnh, vốn dân Việt ta lấy nghề sông nước làm gốc, nên việc đánh cá, đi thuyền, đi biển đều giỏi giang cả. Chẳng những thế mà văn hóa cũng phát triển, chúng ta có chữ viết gọi là “Văn Lang tự”, việc có chữ viết như thế rất quan trọng vì ta có thể tự ghi chép lại lịch sử nước nhà, có thể lưu lại những kinh nghiệm về sản xuất, chiến đấu…
Về triết học chúng ta có “vạn vật thuyết”, thuyết này dựa trên tấm đồ hình gọi là “vạn vật đồ” mà người Tàu khi lấy mang về nước thêu dệt nên thành Hà Đồ và Lạc Thư.
Chẳng những thế mà quân đội của nước Văn Lang là quân đội mạnh nhất trong số các nước xung quanh thời bấy giờ. Quân đội chúng ta tuy không đông nhưng thiện chiến, lại được trang bị vũ khí tốt làm từ đồng. Chẳng những thế, chúng ta chế được loại nỏ liên hoàn có thể bắn được nhiều phát một lúc, tạo nên mối kinh hoàng cho giặc phương bắc mỗi khi xâm lấn. Về sau, nước Tần hùng mạnh cũng không thể tiêu diệt được nước Văn Lang chúng ta, mà chỉ cho đến khi Thục Phán An Dương Vương dùng mưu cướp được ngôi của Hùng thứ mười tám, mới chiếm được nước ta mà thôi.
Cụ Tả Ao dừng một lúc, uống một hớp trà, rồi chẹp một tiếng thật to như thể muốn thưởng cho hết cái đậm đà của chén trà mạn rồi mới tiếp:
– Chuyện xa xưa, đại loại là như vậy. Cậu bé có biết, sử Tàu ghi thế nào về việc nước ta hình thành hay không?
Quyết biết cụ hỏi vậy chỉ để nói tiếp nhưng vẫn trả lời:
– Cháu không biết ạ.
Cụ Tả Ao gật gật đầu rồi nói:
– Sử Tàu chép nguyên văn là: “ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang”. Cậu bé có biết “dùng ảo thuật” có nghĩa là gì không?
Quyết lắc đầu. Cụ Tả Ao bèn đáp:
– Đó chính là huyền thuật. Dù sử Tàu chỉ nói đến các vua Hùng nhưng thực ra, từ đời Kinh Dương Vương, nước ta đã có trình độ huyền thuật cực kỳ cao siêu.
Tổ tiên ta, khai thiên lập địa trên vùng đất địa linh, nhưng đất linh cũng sản sinh ra lắm yêu ma quỷ quái, lại thêm nhiều cuộc chiến tranh giữa các bộ lạc, hoặc các tộc người phương Bắc, hoặc người Ai Lao, người chết nhiều không kể xiết. Ma quỷ vốn nhiều, sông ngòi lại cuồn cuộn, thành ra thiên nhiên khắc nghiệt. May mắn thay, đất địa linh sinh nhân kiệt, chẳng những dân tộc ta có nhiều tướng tài, mà có những người sinh ra đã có khả năng áp chế ma quỷ, phép thuật dời núi lấp sông. Những vu nhân, tức là các thầy phù thủy theo cách gọi xưa, nước ta từ thời đó đã có pháp thuật cao thâm khó lường, thủa ấy ta đã biết dùng phép luyện âm binh, những chuyện đi mây về gió, điều thủy khiển sơn, hô mưa gọi gió, chế bùa luyện ngải đều có thể làm được.
Chuyện này về sau được truyền lại trong rất nhiều truyền thuyết như chuyện Kinh Dương Vương đánh đuổi thần Xương Cuồng[2], Lạc Long Quân bản thân cũng là một thầy phù thủy đệ nhất phẩm, thậm chí có thể điều khiển, sai khiến được quỷ Dạ Xoa, sai Dạ Xoa ở Thủy Phủ cấm hải thần nổi sóng, nhờ đó mà tiêu diệt được Ngư tinh tại Biển Đông[3].
Vào thời ấy, trong triều đình có các quan văn là Lạc Hầu, có các võ tướng là Lạc Tướng, ngoài ra còn có Lạc Vu, chính là những phù thủy cao tay ấn được Hùng Vương thu nạp, cùng nhau dùng pháp thuật để bảo vệ đất nước. Những Lạc Vu này rất quan trọng trong việc vệ quốc, bởi thời bấy giờ, sự chiến tranh, nếu chỉ có binh hùng tướng mạnh mà không có người vu nhân hỗ trợ thì khó lòng mà đánh bại được kẻ thù. Số lượng vu nhân dưới thời Hùng Vương có đến vài trăm người. Thế nhưng, các Lạc vu hoạt động cực kỳ bí mật, bởi vậy nên dù đắc lực trợ giúp vua, nhưng tên tuôi của họ không bao giờ được ghi vào sử sách, âu đó cũng là những thiệt thòi của các Lạc Vu vậy.
Pháp thuật của những Lạc Vu nước ta bấy giờ cao hơn hẳn pháp thuật của cá thầy phù thủy bên Tàu, vì thế mà người Hán người đông thế mạnh, nhưng mỗi khi có ý muốn đánh chiếm Văn Lang thì bộ tướng của Hùng Vương đều được hậu giúp của các Lạc Vu mà chiến đấu, họ điều khiển được lửa, nước, muôn thú, thậm chí hô mưa hoán vũ đều có thể làm được, thành ra phần bất lợi nghiêng về người Hán, cuối cùng họ cũng không thể vượt qua Sông Dương Tử mà chiếm được Văn Lang cũng như các nước Bách Việt khác.
Quyết hỏi:
– Tại sao những người Lạc Vu nước ta lại giỏi đến như thế ạ?
Cụ Tả Ao nói:
– Vốn dĩ tố chất là một phần quan trọng của huyền thuật. Nhiều người sinh ra đã là một phù thủy cao tay rồi, thứ tự này, từ khi sinh ra, mười phần đã định được tám, hai phần còn lại, là do phấn đấu tu luyện mà thành. Như cháu cũng vậy thôi, cháu sinh ra đã là phù thủy, phẩm hạng cao hơn hẳn ta rồi, thành ra không cần luyện tập hay hiểu biết gì cũng có thể làm ma quỷ không dám lại gần, cũng không dám ám hại, nếu không, sau bao nhiêu việc cháu thấy như thế, liệu cái mạng cháu có còn được hay không?
Cụ Tả Ao nói tiếp:
– Lại nói, tố chất này, tùy vào thời điểm nơi mình sinh ra tức là “thiên”, sinh khí trong đất tức là “địa” và dòng dõi nhà người đó, tức là “nhân” mà có được. Vùng đất của dân tộc Việt chính nằm ngay trong địa thế “Long vĩ” cực thịnh. Từ đỉnh Hy Mã Lạp Sơn, nơi hội tụ linh khí từ trời xuống, xuất ra đường đường long mạch giống hình con Rồng lớn, đi từ cao nguyên Tây Tạng dọc theo biên giới Ấn Độ, đến cao nguyên Vân Nam. Sau đó, đường long mạch này chạy đến dãy Hoàng Liên Sơn rồi toả ra trên Đồng bằng Bắc Bộ nước ta và hạ thủy ở Vịnh Hạ Long.
Khu vực đồng bằng này chính là thế núi chầu sông tụ[4], bao gồm tám dãy núi vòng cung xoáy theo hình rẻ quạt đi lần lượt từ dãy Đông Triều, Bắc Sơn, Ngân Sơn, Sông Gâm theo hướng Đông Bắc Tây Nam, đến dãy Sông Đà và Ninh Bình từ phía Tây Nam hất ngược lên, cuối cùng là dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Tam Đảo đi từ chính Bắc xuống. Kèm theo hướng núi là hướng các con sông cũng đồng quy về trung tâm đông bằng, đúng là:
“Thiên sơn vạn Thuỷ triều lai
Can Chi bát quái trong ngoài tôn nghinh”[5]
Vùng đất sinh sống của dân Đại Nam ta bây giờ và Văn lang hồi xưa chính là nằm ở phần đuôi của long mạch này. Huyệt kết nhiều nơi, lại toàn là loại huyệt trân quý, thành ra sản sinh ra nhiều người tài năng, có khả năng bình thiên hạ.
Sinh trưởng trong hình thế phong thủy đẹp như thế, người Đại Việt ta chẳng những có thể xây dựng đất nước phồn thịnh mà tài năng uy chấn thiên hạ. Khả năng huyền thuật của chúng ta thuộc hạng thượng thừa. Cái từ “dùng ảo thuật” trong sử Tàu kia chẳng qua là do e sợ nên phải nói tránh đi mà thôi.
Người Việt cổ vốn có chữ viết, vì thế đã ghi lại lịch sử từ rất sớm, bộ sử đó gọi là “Văn Lang sử ký”, tiếc thay khi Mã Viện đánh nước ta, chẳng những đã tịch thu hết sản vật, đồi mồi, chim trĩ, bào ngư, tổ yến, ngoài ra hắn còn vơ vét trống đồng mà đem về nước đúc tượng dâng vua, học được cách đóng tàu của người Việt ta, mà tất cả những sử sách của ta đều bị đốt cả, sau đó lại cấm không cho dùng “Văn Lang tự”, khiến cho chúng ta cũng mất luôn loại chữ viết này, có chăng chỉ còn lưu lại trên con bài tổ tôm là chúng không thể xóa được mà thôi.
Quyết lại hỏi:
– Chúng ta giỏi giang như thế, tại sao lại mất nước hả cụ?
Cụ Tả Ao nghiêm sắc mặt lại, nói:
– Chúng ta mất nước có mấy nguyên nhân, thứ nhất là chúng ta trúng kế phản gián của Thục Phán, chúa Tây Vu[6], thứ hai chúng ta bị phản bội bởi một người, con người này sử sách chưa bao giờ nói tới, thứ ba là hồi ấy, học thuật của chúng ta về phong thủy chưa đầy đủ, vậy nên kinh đô đặt ở Phong Châu, phải như chúng ta biết được, đặt đô ở Thăng Long bây giờ thì chính là đã đặt đúng được đại huyệt, đời đời bền vững cơ nghiệp.
Người phản bội này, cực kỳ quan trọng đối với Văn Lang. Nguyên là người thống lãnh các Lạc Vu, gọi là “đại Vu nhân”. Là người đứng đầu, quyền phép đương nhiên vượt trội so với các Lạc Vu khác. Thời kỳ ban đầu, người ta thi tuyển “đại Vu nhân”, tuyển chọn từ hàng ngàn người trong nước mới chọn ra được một người tài phép nhất. Vị “đại Vu nhân” này giống như vị nguyên soái, chỉ huy các Lạc Vu tại các châu, huyện trong cả nước, hỗ trợ nhau lập tuyến phòng thủ nghiêm ngặt, chống lại kẻ thù một khi có xâm lược. Ngoài ra, khi có mất mùa hạn hán hay thiên tai lụt lội thì chính là người chủ lễ, lập đàn tế trời đất, cầu mưa, chế lụt.
Đến thời Hùng Duệ Vương, đại Vu nhân là Đào Lạp, người này và một Lạc Vu khác là Phạm Tôn đều xin Hùng Vương gả con gái cho. Bấy giờ Đào Lạp đã sáu mươi tuổi, mà Mỵ Châu mới mười sáu. Phạm Tôn là một vu nhân trẻ nhất trong nước được phong Lạc Vu, người này chẳng những pháp thuật cao cường mà văn tài võ lược đều xuất chúng, tương lai thực là sáng lạn, nếu so với công chúa Mỵ Châu thì thực là trai tài gái sắc.
Cuối cùng, vua Hùng chọn Phạm Tôn làm rể. Đào Lạp nghe tin ấy bèn tức giận liền cậy mình phép thuật cao cường nên làm phản, vậy là Phạm Tôn phải đấu một trận sống mái với Đào lạp, mà rốt cục là Phạm Tôn chiến thắng. Đào Lạp trước khi bị áp chế, giải vào ngục còn lập một lời nguyền, rằng “Nam nhân bất thọ bán ngàn niên, Việt tộc phi trị nhất dòng thủy”, nghĩa là người nước Việt từ giờ về sau, nếu không có ai sống được năm trăm năm, các pháp thuật trị thủy không còn linh nghiệm nữa.
Đây là lời nguyền cực kỳ độc địa bởi thuật trị thủy là một thuật pháp cực kỳ quan trọng đến sự tồn vong của nước nhà. Thành ra từ bấy về sau, trên lãnh thổ nước ta, đê điều phải được đắp thủ công khắp nơi, mỗi năm tiêu tốn bao nhiêu tiền bạc, sức người mà lũ lụt vẫn còn là vấn nạn thực lớn lao. Sau này, trong truyền thuyết, Đào Lạp được gọi là Thủy Tinh, còn Phạm Tôn là Sơn Tinh, chính là câu chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh mà ai cũng biết đó.
Quyết kinh hãi:
– Thì ra chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh là có thật!
Cụ Tả Ao nói:
– Truyền thuyết, chính là sử đó con à…
Rồi cụ lại từ tốn nói:
– Lại nói đến Hùng Vương Duệ Vương là người hiền lành, thật thà, thấy Đào Lạp đã thua rồi, chỉ bắt giam lại mà thôi, rồi phong cho Phạm Tôn làm “đại Vu nhân”. Nào ngờ An Dương Vương nước Ba Thục biết được chuyện này, bèn mua chuộc người, lén thả Đào Lạp ra. Vốn Đào Lạp làm đại Vu nhân được mấy chục năm, trong lòng từ lâu đã có ý cướp ngôi Hùng Vương, vậy nên thường xuyên dùng tiền bạc mua chuộc các Lạc Vu, Lạc Hầu, Lạc Tướng, nên thế lực của hắn vốn rất hùng mạnh, chỉ là chưa thấy cơ hội nên chưa tạo phản mà thôi. Khi Đào Lạp thoát ra liền liên lạc với các thuộc hạ cũ, dùng mưu, giết hại Phạm Tôn.
Phạm Tôn chết đi rồi, Thục Phán bấy giờ mới ngoài thì cùng với tù trưởng Nam Cương, Mường Một, Na Hang, Đại Man, Bản Ti[7] hội binh, trong thì Đào Lạp cùng một số lạc tướng, lạc hầu, lạc vu làm phản, khống chế được hơn nửa số Lạc Vu, trong ngoài hô ứng, chỉ trong chốc lát đã chiếm được Phong Châu.
Thục Phán chiếm được Văn Lang rồi, lấy hiệu là An Dương Vương, bèn đem các Lạc Vu theo Phạm Tôn chém cả, chỉ có một số ít người trốn được ra ngoài mà thôi. Những người này sợ bị trả thù bèn giấu kín thân phận Lạc Vu của mình, mai danh ẩn tích, sống như những người bình dị.
Lại nói An Dương Vương nhờ vào huyền thuật Văn Lang, chống lại được nước Tần hùng mạnh. Mãi đến nửa thế kỷ sau, cho đến khi Triệu Đà dùng mưu chiếm được Âu Lạc mới dứt thời đại của An Dương Vương. Triệu Đà đem giết tất cả những người Lạc Vu theo An Dương Vương, chấm dứt một thời đại huy hoàng của các Lạc Vu như là những người vệ quốc. Sau đó đất nước ta bị đặt dưới ách đô hộ của người phương Bắc.
Từ bấy trở đi, các vu nhân trốn được từ thời Phạm Tôn vẫn âm thầm tồn tại, những người này họp nhau lại, lập nên “trấn quốc hội”.
Muốn biết mọi chuyện diễn biến ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ.
[1] Cổ sử Việt Nam có nhiều điều chưa được rõ ràng, dưới đây chỉ xin nêu những điều đọc được, từ đó bịa đặt, thêu dệt nhằm mua vui, xin chớ xem đó là tài liệu tham khảo.
[2] Xin xem Lĩnh Nam chích quái – truyện mộc tinh
[3] Sách đã dẫn
[4] Xin trích ý nhà nghiên cứu phong thuỷ Ngô Nguyên Phi, ngoài ra có sửa đổi đôi chút – nguồn: Internet
[5] Thơ cụ Tả Ao
[6]Vùng Hà Bắc, Đông Anh ngày nay, theo “Cột đá thề” của Vũ Kim Biên.
[7]Các vùng thuộc Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, theo sđd.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro