Hồi thứ mười ba: Trấn Quốc Hội
Tần Thủy hoàng đế sau khi thôn tính Hàn, Ngụy, Sở, Tề, Triệu, Yên và các nước chư hầu khác, đã huy động năm mươi vạn tinh binh chinh phạt Bách Việt. Có điều, sau khi chiếm được đất Âu Việt, tiến vào đất Lạc Việt thì quân Tần vì phải đi xa mệt mỏi, đánh lâu lương thiếu, lại gặp quân dân dũng mãnh của hai tộc Âu Việt và Lạc Việt hợp sức cho nên chẳng mấy chốc đã bị đánh tan.
Từ lần viễn chinh ấy về sau, đất Đại Việt trở thành niềm khao khát của các hoàng đế Trung Hoa. Đầu đuôi là do trong đoàn quân nhà Tần do Đồ Thư cầm đầu, có một phù thủy tên Quách Lâm. Người này là một cao nhân trong giới phong thủy.
Phong thủy sư thuộc phái hình thế thường nhờ vào học hỏi mà nắm vững quy luật vận chuyển của sinh khí từ bố cục của thế đất, bổ túc kinh nghiệm về sự hình thành, hội tụ của huyệt kết. Từ ấy, họ có thể táng mộ phần một người để con cháu người ấy được hưởng lợi.
Nói về phong thủy hình thế, mặc dù có thể tóm gọn trong vài câu để biết đại khái, nhưng thế đất mỗi nơi một khác, luồng sinh khí lại bị chi phối bởi nhiều yếu tố, cho nên ẩn chứa bên trong việc tầm long điểm huyệt là muôn vàn biến hóa. Các cụ xưa có câu "ba năm tầm long, mười năm điểm huyệt" chính là để chỉ cái biến hóa muôn vàn của phong thủy. Tỷ như việc nắm bắt được đường đi của sinh khí mà tổ sơn hấp thụ từ trời thế nào, biến chuyển của nó khi qua các địa hình đồi núi ra sao. Khi xuống đồng bằng thì nó chuyển mình thế nào, dòng sinh khí đi nông hay sâu dưới lòng đất, táng mộ phần của người có tứ trụ như thế vào huyệt ấy liệu có hợp không... Hay như việc huyệt kết tụ tại đâu, quy luật kết huyệt ra sao, ảnh hưởng của địa hình xung quanh và tốc độ dòng chảy của nước thế nào, táng mộ nông hay sâu làm sao cho vừa đủ... cũng là những yếu tố cần kể tới. Khi bàn về hình dáng tổ sơn thì tổ sơn lại được chia làm nhiều loại, bàn về huyệt kết lại phân ra vô số cách cục, các hình dáng... Cách cục này nhiều khi na ná giống như nhau nhưng về bản chất lại có điểm khác biệt. Chẳng những thế, tổng hợp những sự đa dạng này cuối cùng đưa ra không biết bao nhiêu khả năng của địa điểm táng và phương thức táng huyệt. Phong thủy sư nếu như không tinh thông từng cách cục thế đất, am tường về tính chất luân chuyển của từng dòng sinh khí thì khó có thể tìm được đất táng hợp lý.
Trên đây mới chỉ nêu ra những điều trong sách vở nói đến, còn nhiều điều phải dựa trên thực tiễn hiện trường mới có cảm quan cụ thể được. Ví như khi xét dòng nước, nếu sách có ghi "nước chảy nhanh" thì thật khó lòng định lượng được thế nào là nhanh, thế nào là chậm. Bởi vậy nên ước đoán thế nào còn phụ thuộc vào chủ quan của mỗi phong thủy sư. Cái nghề người ta học cả đời không thể nào tả trong vài câu vài chữ.
Trở lại chuyện Tần Thủy Hoàng sau khi hợp nhất chư hầu thành một đế quốc, ngày đêm lo lắng giữ cho ngôi báu được trường tồn. Điều mấu chốt nhất chính là làm sao sống được mãi mãi. Vậy nên Tần Thủy Hoàng cử rất nhiều thuộc hạ đi khắp nơi tìm thuật trường sinh bất lão. Thuật trường sinh có rất nhiều dị thuật tu luyện khác nhau, tùy thuộc vào niềm tin của mỗi người. Có người dùng thủy ngân chế đan dược, có người nhờ vào bùa ngải mà luyện thành.
Trong số đó, một số người tin vào Vu giáo lại dùng linh vật để luyện phép trường sinh. Linh vật ấy phải thấm nhuần sinh khí của trời đất. Quách Lâm chính là người đề xuất tư tưởng này với Tần Thủy Hoàng. Theo hắn, khả năng của con người có hạn, việc tu luyện trường sinh bất tử không thể không dựa vào sinh khí của trời đất mà duy trì, nếu không chọn được linh vật qua ngàn năm hấp thụ được sinh khí ấy thì khó có thể tu tập viên mãn được. Quách Lâm mô tả linh vật ấy là "thu được sinh khí từ đất trời trong nhiều năm, từ ấy đủ để kéo dài cuộc sống của kẻ tu tập".
Bản thân Quách Lâm đi khắp Trung Nguyên vẫn không tìm ra vật ấy. Hắn cho rằng chưa tìm được vật nào có sinh khí đủ mạnh, bởi luồng sinh khí từ đỉnh Côn Luân không mạnh bằng từ dãy Hy Mã Lạp Sơn, mà dãy ấy kéo dài tới đất Nam rồi chìm xuống biển. Cho nên hắn tham gia vào lần viễn chinh này chính là để thăm dò mảnh đất phương Nam.
Các phong thủy sư cao thâm cần nhất là phần tố chất trời ban gọi là tính cảm ứng, tức khả năng cảm nhận được nguồn sinh khí giống như cảm nhận nóng lạnh vậy. Những người này khi ở gần huyệt kết có thể cảm ứng theo nhiều cách khác nhau, một số nổi da gà toàn thân, một số sây sẩm mặt mày, số khác lại ngửi thấy mùi thơm dịu nhẹ, có người nếm đất thấy có vị ngọt... Quách Lâm vốn xuất thân là phong thủy sư phái hình thế. Người này được trời phú cho tính cảm ứng ấy.
Lại nói khi Tần quân tiến vào đất Lạc Việt, Quách Lâm bỗng mắt mũi trợn ngược, mặt chuyển sắc hồng, đỉnh đầu bốc lên một làn sương trắng, miệng lẩm bẩm đứt quãng:
- Nơi này, nơi này...
Sau khi Quách Lâm lắp bắp câu ấy thì lập tức ngưng bặt, thổ huyết mà chết. Trong quân từ ấy có lời đồn rằng mảnh đất Âu Lạc có sinh khí quá mạnh khiến Quách Lâm chịu không nổi.
Lại có người nói sinh khí ấy ắt sản sinh ra thánh vật tu tiên. Có người lại nói mảnh đất này tử khí u ám bao trùm, Quách Lâm nhạy cảm với luồng khí ấy nên không chịu nổi, lục phủ ngũ tạng vỡ nát. Về sau quân Tần thua về nước, tin đồn ấy cũng theo đó mà về phương Bắc.
Có điều, càng về sau, người phương Bắc càng nhận ra mảnh đất bé như vạt áo của họ không phải là vật trong túi, có thể dễ dàng đến lấy như ban đầu họ tưởng. Trải đến gần nghìn năm đô hộ, người Hán vẫn không thể làm chủ được vùng đất này. Dân tộc Việt trong một nghìn năm ấy vẫn không ngừng nổi dậy kháng chiến, những phong tục tập quán vẫn còn được truyền từ đời này sang đời khác. Nhìn một người Hán và một người Việt, người ta vẫn thấy sự khác biệt điển hình. Người Hán dần tin rằng, nhờ vào thế đất đẹp mà con người nơi đây có khí phách hào hùng, tinh thần linh mẫn, thể chất nhanh nhẹn cho nên rất khó kiểm soát.
Cho đến thời Đường, có người tên chữ là Cao Thiên Lý đất U Châu, tục gọi là Cao Biền, được giữ chức "An Nam đô hộ kinh lược chiếu thảo sứ", mang quân đánh Nam Chiếu khi ấy đang cướp phá An Nam.
Trước khi đi, Biền tâu với vua Đường chuyện xưa về Quách Lâm. Hắn cho rằng chưa rõ đất Nam có linh vật tu tiên hay không, nhưng vượng khí quá nhiều, cho nên sản sinh ra nhiều anh tài tuấn kiệt. Đất ấy không khi nào yên là do nhân tài như nấm sau mưa, nếu không hãm yểm, tìm cách làm suy yếu vùng đất này thì khác nào muốn thuần hóa cọp dữ làm ngựa để cưỡi?
Vua Đường khen phải, sai Biền tìm yếu huyệt An Nam mà trấn yểm. Biền vâng theo, lại xin vua một vật. Vua nghe xong tái mặt nhưng cuối cùng cũng thuận theo.
Cao Biền sau khi đánh đuổi quân Nam Chiếu, ổn định đất Nam, liền thực hiện phép yểm "lưỡng quách bát quái trận". Phép yểm ấy có hai vòng bát quái, một vòng lớn, một vòng nhỏ. Vòng nhỏ ở trong được bố trí ngay thành Đại La, ở chính giữa có trấn một vật là ngón tay út của Đông cung thái tử nhà Đường.
Đây chính là vật Cao Biền xin vua trước khi ra đi. Vua nghe đến chuyện tiền xin ngón tay út của thái tử thì kinh hãi lắm, suy đi tính lại mãi mới chuẩn cho.
Phần thân thể vốn thuộc về vương thất Bắc quốc, đại diện cho dòng máu hoàng tộc nhà Đường, dùng để làm vật chủ cho phép yểm lưỡng quách bát quái trận nên pháp lực vô cùng hiểm ác.
Vòng ngoài phép yểm ấy có chu vi đến bốn mươi dặm, vòng trong chính là thành Đại La. Cả hai vòng yểm đều lấy ngón tay thái tử làm trọng tâm. Ngón tay ấy được đặt ngay trong cấm thành, tượng trưng cho vị vua ở trung tâm điều khiển lưỡng trận bát quái, ngụ ý là đất này thuộc về vua ấy. Trận yểm này biến hóa khôn lường, lại biết tùy theo cửu vận mà trong ngoài hỗ trợ nhau ngăn cản dòng sinh khí tụ lại ở Thăng Long.
Thế nhưng, khi khai mở đến đại huyệt thứ tám ở vòng trong, tức là huyệt cuối cùng, thì đêm ấy Cao Biền nằm mơ thấy một vị thần đội mũ hoa mặc áo tía uy nghi cưỡi trên lưng rồng vàng, tự xưng là Long Đỗ Vương Khí Quân. Vị thần nói: "Tinh anh linh khí của đất này, người làm sao trấn yểm?" Sáng hôm sau, Cao Biền đi xem lại những huyệt đã trấn yểm thì thấy đều tan nát hết cả. Cao Biền vì chuyện này mà sợ đến mất ăn mất ngủ. May sao lúc ấy lại có chiếu triệu hắn về Trường An giữ chức Hữu Kim Ngô Đại tướng quân. Gã về triều thuật lại chuyện thần Long Đỗ hiển linh phá thế yểm, vua tôi nhìn nhau, lòng đều e sợ đất linh An Nam.
Khi ấy, vua Đường hỏi Cao Biền:
- Đất ấy dữ thế, làm thế nào mà bình được? Biền đáp:
- Trước sau đều phải yểm đất ấy, không thể nào khác. Bây giờ nó chỉ là sói con, chẳng nhẽ đợi cho sói lớn quay lại cắn mình? Chi bằng "tiên hạ thủ vi cường" đánh trước thì được lợi.
Vua lại hỏi:
- Ngươi tài phép thế còn không làm được, việc này sao có thể thành?
Biền trả lời:
- Thần tài hèn chỉ biết chút ít huyền thuật, xin tiến cử một người khác.
Vua hỏi:
- Là ai vậy? Biền đáp:
- Người này tên là Trương Duy, dòng dõi danh tướng Trương Lương đời Hán. Lại là cháu mười bảy đời của Trương Chân Nhân, Trương Đạo Lăng.
Vua hỏi:
- Có phải Trương Đạo Lăng là Trương Phụ Hán, Tam Thiên Pháp Sư Chính Nhất Chân Nhân hay không?
Cao Biền đáp:
- Dạ thưa phải. Trường Đạo Lăng vốn là vị cao nhân khai lập Ngũ Đấu Mễ Đạo.
Ngũ Đấu Mễ Đạo hay là "đạo Năm Đấu Gạo", vốn dĩ có cái tên ấy là vì khi khai giáo, tổ sư Trương Đạo Lăng định lệ hễ ai nhập đạo thì phải đóng năm đấu gạo. Đạo này là một phân nhánh của Đạo giáo, còn có khi được gọi là Đạo giáo phù thủy, chủ về sử dụng kinh kệ, phương thuật, bùa chú.
Trong giáo ấy phân biệt trên dưới rất nghiêm ngặt, thấp nhất có "quỷ tốt", cao hơn có "tế tửu", trên nữa có "trị đầu đại tế tửu", cao nhất là "quân sư". Về sau, giáo phái này phát triển rất mạnh mẽ, lại có rất nhiều phân nhánh khác nhau.
Trong số rất nhiều phân nhánh ấy, có một giáo phái tự xưng là "Hàng Long Giáo". Nguyên là trong số những cao nhân của Ngũ Đấu Mễ Đạo thời Đường, có một người là Trương Duy vốn thuộc dòng danh gia, là cháu của Trương Đạo Lăng. Có điều bản chất người này ngu dốt mà lại lười biếng, cho nên dù là huyết thống của Trương Đạo Lăng, nhưng pháp thuật của y lại thuộc loại tầm thường.
Vợ Trương Duy là một giáo chúng Ngũ Đấu Mễ Đạo. Thị có tâm địa độc ác, lại thích tu tập theo con đường tà đạo. Thị xúi chồng cùng tu luyện với mình, Trương Duy vốn lười nhác lại nóng lòng muốn đạt hỏa hầu, nên y nghe theo vợ mà vào con đường tối ấy.
Một lần, Trương Duy và vợ lén lút bắt cóc thai phụ, mang về mổ bụng để chế ra món canh bào thai người. Chuyện vỡ lở, hai vợ chồng bị bắt giam vào ngục chờ ngày xử tội. Vợ chồng Trương Duy nhân đêm tối đào ngục trốn thoát.
Người trong giáo hay tin liền ráo riết đuổi bắt hai vợ chồng Trương Duy. Khi ấy vợ chồng y cưỡi con cọp trắng của vợ Trương Duy, bị người trong giáo đuổi theo rất sát.
Dẫn đầu đám người đi bắt Trương Duy là Hàng Kỷ. Hàng Kỷ vừa giỏi huyền thuật vừa giỏi võ nghệ, vũ khí của y là xương đùi của một con voi đen xương trắng, y dùng nó như một thanh giản. Vì thứ vũ khí này, cho nên y có ngoại hiệu là Bạch Cốt Tiên Nhân. Hàng Kỷ rất thích ngoại hiệu này, lại đem bốn chữ "Bạch Cốt Tiên Nhân" chạm nổi trên vũ khí.
Lại nói chuyện Hàng Kỷ đuổi theo Trương Duy, khi ấy vợ Trương Duy ôm chồng ngồi phía sau, bị Hàng Kỷ dùng sức quật mạnh thanh giản vào người thị. Vợ Trương Duy trúng phải đòn này, ngã xuống chết ngay. Con hổ trắng Trương Duy cưỡi không phải mang hai người một lúc nên phóng nhanh hơn, nhờ đó Trương Duy mới trốn được.
Về sau vợ Trương Duy chết đi, không được chôn cất, qua vài năm chỉ còn trơ lại bộ xương trắng. Có người đi qua nhìn thấy nắm xương ấy, động lòng thương cảm, bèn đem chôn. Khi xem kỹ mới thấy chữ "Bạch Cốt" ngược hằn trên xương cánh tay. Hai chữ này chính là hai trong số bốn chữ "Bạch Cốt Tiên Nhân" trên thanh giản của Hàng Kỷ còn hằn lại.
Người kia thấy trên bộ xương vẫn còn trang sức vàng bạc đoán là của nữ nhân, cho nên khắc thêm hai chữ "Phu Nhân" trên bia mộ. Thành ra bia mộ của vợ Trương Duy có bốn chữ "Bạch Cốt Phu Nhân".
Vợ Trương Duy vốn là một phù thủy luyện tà thuật giống như chồng, khi chết đi, vong của thị dùng các yếu quyết đã học được từ khi còn sống để tu tập. Lại đặt tên cho ngọn núi mình ngụ là núi Bạch Hổ để nhớ đến con vật nuôi năm xưa.
Người trong vùng ấy bị thị hại chết rất nhiều, những người còn sống hết sức oán hận, gọi thị là Bạch Cốt Tinh. Có một truyền thuyết rằng Bạch Cốt Tinh của Hàng Long Giáo với Bạch Cốt Tinh trong pho Tây du ký là một. Đường Huyền Trang sau này thỉnh kinh ngang qua vùng ấy bị thị ba lần giả dạng hòng hãm hại, may nhờ có đại đệ tử là Tôn Ngộ Không xả thân cứu mạng mới được an toàn. Việc này thật giả ra sao cũng không ai nắm chắc.
Lại nói, Trương Duy sau khi lập ra Hàng Long Giáo thì ngày đêm thương nhớ vợ. Sau khi thế lực dần lớn mạnh, y mới dám quay trở lại nơi cũ mong tìm xác vợ về. Tìm mãi mới được mộ phần, trên mộ lại khắc mấy chữ Bạch Cốt Phu Nhân cho nên kể từ ấy, Hàng Long Giáo có tục thờ Bạch Cốt Phu Nhân - Bạch Cốt Tinh.
Hàng Long Giáo vốn chủ về tà thuật, còn được gọi với mỹ hiệu là "Bá chủ huyền thuật". Thông thường, tà thuật dựa trên cái gọi là "ác hành lộ". Ác hành ở đây chính là "làm việc ác". Tỷ như bùa hài nhi cũng là một phép luyện có nguồn gốc từ Hàng Long Giáo. Pháp lực của các pháp sư trong Hàng Long Giáo đạt được hoàn toàn là nhờ vào việc làm điều ác nghiệt.
Việc tu luyện của những người thuộc Hàng Long Giáo vốn rất gần với giống yêu ma, lấy máu người làm sinh khí, hút tinh lực người khác để dùng cho mình. Người luyện pháp bất kể đến luân thường đạo lý để đạt được mục đích. Giết trẻ con, hiếp phụ nữ, đào mồ quật mả, ăn thịt người sống, nấu cao người chết... đều là những việc làm phổ biến của giáo phái này.
Trong Hàng Long Giáo vốn dĩ không có tình nghĩa thầy trò, trên dưới, thứ tự cao thấp được định đoạt bằng tà thuật. Vốn dĩ, càng làm nhiều việc ác thì trình độ càng cao, cho nên những người cầm đầu Hàng Long Giáo là những kẻ cực kỳ ác độc. Trong giới huyền thuật, nghe thấy tên Hàng Long Giáo thì ai ai cũng muốn lảng tránh.
Hàng Long Giáo pháp lực cao cường, lại chủ trương kiếm lợi trên pháp lực nên hễ ai thuê làm gì, miễn là có tiền thì đều làm ngay, không hề e ngại.
Thời ấy, yêu quái nhiều như nấm mọc sau mưa, được phản ánh lại qua rất nhiều tư liệu, trong đó có thể thấy dấu vết đậm nét qua Tây Du Ký, một trong tứ đại kỳ thư của Trung Quốc. Hàng Long Giáo cũng tha hồ thừa nước đục thả câu. Ban đầu chúng phải người đi khắp nơi, tìm những chốn có yêu quái hoành hành, thương lượng với dân cư vùng ấy, điểm này ngã giá cho việc diệt yêu. Dân trong vùng bị yêu quái đe dọa thường hoảng sợ, cho nên Hàng Long Giáo ngã giá bao nhiêu cũng đành phải thuận theo. Sau khi thành sự, số tiền đã định sẽ thuộc về Hàng Long Giáo. Món tiền này thường rất lớn, cho nên mỗi khi yêu quái bị tiêu diệt thì thường dân cũng gần như trắng tay, có chăng chỉ là giữ được cái mạng.
Về sau, Hàng Long Giáo ngày càng lớn mạnh, khiến yêu quái nơi nơi nể sợ, lại thêm việc nhiều tiền lắm của khiến Hàng Long Giáo có thể thực hiện những mưu mô mới.
Thứ nhất, chúng đi khắp nơi, tìm mua những phụ nữ khỏe mạnh nhưng gia đình nghèo túng. Những phụ nữ này bị buộc phải sinh con đẻ cái trong một trang ấp bí mật có mỹ danh là Cát Tường Trang.
Tiền càng nhiều, Hàng Long Giáo càng nuôi nhiều phụ nữ. Thời kỳ cực thịnh, Cát Tường Trang có đến năm nghìn sản phụ. Những đứa trẻ này trong thời gian ở trong bụng mẹ cũng như khi ra đời đều phải chịu những bùa phép đủ loại tùy theo mục đích định trước của Hàng Long Giáo.
Thứ hai, Hàng Long Giáo liên kết với những yêu quái có yêu pháp cao. Những yêu quái này, một là muốn làm thân với Hàng Long Giáo để tránh thiệt thân, hai là sau khi thành sự, chúng sẽ nhận được những trẻ sơ sinh mà Hàng Long Giáo đã nuôi dưỡng. Đa phần những trẻ sơ sinh trước khi đem đổi cho yêu quái đều được Hàng Long Giáo luyện phép bỏ bùa để khi yêu quái ăn thịt thì yêu pháp của chúng được nâng cao. Tùy trường hợp khác nhau, yêu quái nhận được những hài nhi có giá trị khác nhau. Thông thường khi ăn thịt những đứa trẻ này, pháp lực của yêu quái tăng thêm một vài trăm năm tu luyện. Vậy nên đám yêu quái rất hân hoan phối hợp với Hàng Long Giáo, sùng kính giáo phái này như cha mẹ.
Thủ đoạn của Hàng Long Giáo rất đơn giản, những con yêu quái sau khi hoành hành một thời gian thì người của Hàng Long giáo đến vùng ấy để "trừ yêu". Trên thực tế đôi bên không đấu trận nào cả. Những con quái kia đơn giản là dời đi nơi khác, còn Hàng Long Giáo chỉ việc thu tiền của dân chúng. Đổi lại, đám yêu quái nhận được một số lượng nhất định trẻ sơ sinh như đã hẹn trước.
Sau này, khi Hàng Long Giáo có liên hệ mật thiết với mấy ngàn yêu quái trên khắp đất Tàu, bọn chúng chuyển sang một thủ đoạn khác, đó là ngầm tẩm độc vào cơ thể những hài nhi.
Thuật tu luyện của yêu quái về cơ bản rất giống nhau, đó là ăn thịt hoặc hút sinh khí con người. Hàng Long Giáo lợi dụng đặc điểm này mà đưa chất độc vào cơ thể yêu quái. Khi trúng độc ấy, yêu quái có ăn thịt bao nhiêu người cũng trở nên vô dụng, chúng không thể tiếp nhận được nguồn sinh khí nữa. Yêu quái không được tiếp sinh khí, ngày càng hao mòn công lực, dần dần dẫn đến vong mạng. Người trong Hàng Long Giáo gọi việc này là chiến dịch Hàng Long.
Thứ độc dược nằm trong mình trẻ sơ sinh nên được Hàng Long Giáo gọi là "Hài Nhi Đơn", không có thuốc giải thực sự, chỉ có một thứ thuốc giúp cắt cơn độc tạm thời, được gọi là "Bách Hoa Dược". Những yêu quái trúng phải Hài Nhi Đơn từ ấy phải chịu sự sai khiến của Hàng Long Giáo để tháng tháng có được Bách Hoa Dược.
Thủ đoạn của Hàng Long Giáo khiến người người trong giới huyền thuật kinh sợ, mới nghe thấy đã muốn nôn mửa. Có điều, lúc này Hàng Long Giáo đã có thế lực hùng mạnh, thủ đoạn lại vô cùng dã man cho nên các giáo hội bang phái huyền thuật khác đều e ngại.
Lại nói vua Đường biết đến những điều xấu xa tệ hại của giáo phái này thì lộ vẻ lo lắng. Cao Biền đoán được ý vua bèn nói:
- Bệ hạ thứ cho thần nói thẳng, chúng ta sang đất An Nam trấn yểm, vốn dĩ đã là việc làm tà đạo rồi. Chi bằng ta lấy độc trị độc. Nhược bằng bệ hạ không muốn quyết, thì thần về sau tuyệt không dám nhắc tới nữa.
Bấy giờ nhà Đường đang phải đối mặt với loạn ở Từ Châu do Từ Huân làm phản, lại thêm áp lực từ quân Nam Chiếu đánh vào vùng Tứ Xuyên. Đường Ý Tông e sợ nếu có thêm An Nam "tạo phản" thì khó bề trụ vững. Bởi thế, vua bèn ưng thuận.
Về phía Hàng Long Giáo, giáo phái này vốn lấy cái lợi tiền tài làm lẽ tồn vong, cho nên nghe nói được thưởng nhiều vàng bạc thì thuận ngay. Khi chúng nghe đến việc xuống phương Nam tìm cách trấn yểm và tìm bảo vật tu tiên thì lại càng hứng khởi. Nguyên là người trong Hàng Long Giáo thường dựa vào "ác hành lộ" tu luyện, cho nên oán khí chất như núi. Theo lẽ tự nhiên, những người sống thất đức trong lòng luôn tiềm tàng một nỗi lo sợ, rằng khi chết đi không được đầu thai siêu thoát, bị đày xuống địa ngục. Hàng Long Giáo vốn có gốc gác từ Đạo giáo, ý niệm về thiên đình, hạ giới và địa ngục lại càng hằn sâu, cho nên bọn chúng trong lòng đều nơm nớp lo sợ.
Sau đó, Hàng Long Giáo lĩnh bốn mươi vạn lượng vàng từ triều đình rồi cử người xuống phương Nam thăm dò sông núi địa hình đất ấy. Chuyến này, trong Hàng Long Giáo có bảy người ra đi. Bảy ma đầu ấy được tôn xưng là "Thất ngọc trấn Nam". Nhiệm vụ của chúng là đi khắp An Nam, thăm dò và ghi chép lại địa hình địa vật nơi đó, cuối cùng vẽ nên tấm địa đồ An Nam. Lại thêm việc dò tìm tung tích thành vật tu tiên, trước sau Thất ngọc trấn Nam mất năm năm ròng rã.
Sau năm năm, Thất ngọc trấn Nam trở về, tâu lên vua rằng thế đất ấy quá vượng nên trước đây Cao Biền chỉ cố gắng yểm Đại La thì không đủ hãm lại luồng sinh khí. Vua nghe xong lo sợ lắm.
Hàng Long Giáo lại tấu lên vua rằng cần yểm tới một trăm linh tám đại huyệt trên toàn bộ vùng An Nam. Việc này nếu tới thực địa mà làm thì rất khó khăn. Vua hỏi phải làm sao thì Thất ngọc trấn Nam tâu rằng cần đắp một sa bàn An Nam trên một miếng đồng đen lớn, lại dùng chính đồng đen mà yểm lên các yếu huyệt, như thế vừa nhanh chóng mà việc trấn yểm cũng dễ kiểm soát. Vua khen là cao kiến bàn chuẩn cho làm theo.
Về sau nhà Đường liên tiếp gặp phải biến động như cuộc nổi dậy của Hoàng Sào, loạn hoạn quan, tiếp đến lại là họa "cường thần, nhược đế", chính quyền rơi vào tay Chu Toàn Trung. Cuối cùng nhà Đường bị diệt vong. Trải bao biến động, chuyện về Hàng Long Giáo cùng với cuộc Nam du của Thất ngọc trấn Nam cũng dần dần bị quên lãng. Thêm vào đó, Hàng Long Giáo bị các giáo phái huyền thuật khác liên kết lại công kích và ngăn chặn gắt gao lối hành xử bạo tàn, phải lo đấu đá lại mà dần thất thế, cho nên cũng không thấy ai nhắc lại chuyện thánh vật tu tiên hay trấn yểm An Nam nữa.
Thực hư chuyện nhà Đường xây sa bàn trấn yểm An Nam không biết đến đâu, nhưng về sau tới thời nhà Tống, nước Việt có hai thiền sư là Nguyễn Minh Không và Từ Đạo Hạnh sang đất ấy trị được tà bệnh cho thái hậu. Sau khi việc trị tà viên mãn, hoàng đế nhà Tống mừng lắm, phong hai vị làm thánh tăng và ngỏ ý ban thưởng hậu hĩ.
Khi được hỏi muốn hậu tạ thứ gì, hai ngài chỉ xin chút đồng đen về đúc chuông. Vua Tống thấy hai người không có tùy tùng theo hầu, thầm nghĩ sức người có hạn, không thể mang nhiều đồng đi được, bèn sai quan coi kho đưa hai vị vào kho, cho tùy ý lấy bao nhiêu mặc sức.
Hai ngài vừa vào kho thì giật mình thấy sa bàn đất Đại Việt được xây dựng rất tỉ mỉ. Từ con sông quả núi đến gò đất ao hồ đều có ghi chú rõ ràng rành mạch. Trên sa bàn còn có vô số các dải lụa đỏ thắm chạy chằng chịt. Thì ra, các tấm vải ấy tượng trưng cho các long mạch lớn. Lại có nhiều sợi chỉ nhỏ hơn tượng trưng cho từng phân nhánh của long mạch ấy. Các huyệt lớn được đánh dấu bằng những đồng xu, trên mỗi đồng xu đều được đặt một miếng đồng đen nhỏ, lại có vô số các miếng đồng khác chặn đè lên những dải lụa và sợi chỉ. Đồng đen vốn là mẹ của vàng, là một pháp khí rất mạnh, dùng để yểm trấn đất thì dù cho xa xôi ngàn dặm vẫn có công hiệu.
Lại nói, ngoài đồng đen, xung quanh sa bàn ấy còn có vô số hình hổ báo rắn rết, đầu lâu xương sọ trợ lực cho việc yểm ấy. Nghe nói sa bàn này chiếm mất ba gian nhà lớn, đủ thấy việc tạo dựng kỳ công thế nào.
Hai vị thánh tăng chỉ mang theo hai túi nhỏ, nhưng sức chứa lại vô hạn. Họ lặng lẽ mang hết số đồng đen này, kể cả phiến đồng đen lớn làm nền móng cho sa bàn, bỏ vào túi thần.
Số đồng đen ấy được mang về nước, hai vị thánh tăng cho đúc thành "Nam thiên tứ đại linh khí" dùng cho việc trấn đất. Chỗ còn thừa thì đem yểm ở các cửa sông lớn cùng với đầu lâu tướng sĩ phương Bắc để ngăn chặn giặc phương Bắc tiến vào.
Sau sự việc này, người Đại Việt mới rõ người phương Bắc có ý đồ hiểm ác, từ ấy thêm phần đề phòng cảnh giác.
Lại nói đến hậu duệ của Phạm Tôn, truyền nhân phái huyền thuật Tản Viên, người đã chiến thắng Đào Lạp trước kia. Sau khi ngài bị Đào Lạp hãm hại, dòng họ Phạm này phải ẩn dật, song vẫn ngầm nối nhau giữ lấy những ngón bí truyền của vu thuật đất Tản Viên. Qua không biết bao nhiêu đời vừa gìn giữ vừa phát huy, họ đã có trong tay những bí quyết luyện pháp cực kỳ tinh thâm.
Lúc này trưởng tộc họ Phạm tên là Phạm Thần. Nghe được chuyện hai vị thánh tăng dỡ yểm trở về, ngài e rằng chẳng những người Hán trấn yểm trên sa bàn mà trên thực địa đất Việt cũng đã bị trấn yểm. Bèn tụ tập những vu nhân trong họ tộc, bủa đi khắp nơi thăm dò, kiểm tra những trọng huyệt của nước nhà.
Không ngờ, tại những vị trí trọng huyệt ấy đều đụng độ người của Hàng Long Giáo. Nguyên là, người của Hàng Long Giáo không còn liên hệ với triều đình nhưng vẫn nuôi giấc mộng đoạt được bảo vật tu tiên. Hằng năm, những cao thủ của Hàng Long Giáo không ngừng Nam du tìm kiếm. Qua nhiều năm, số lượng phù thủy này ngày càng nhiều, tự nhiên hình thành một phân hội của Hàng Long Giáo trên đất Đại Việt.
Gia tộc họ Phạm vốn không ngờ tới sự có mặt của kẻ thù đông đúc và vững mạnh như vậy, nên trong vòng một thời gian ngắn, họ Phạm bị Hàng Long Giáo ra tay tru diệt rất thảm khốc.
Vốn dĩ, tộc họ Phạm đất Tản Viên được tôn là đại thụ trong giới huyền thuật Đại Việt, xét về thực lực không phải tầm thường. Tuy nhiên, Hàng Long Giáo lại có nhân lực áp đảo, bởi vì tại thời điểm bấy giờ, người họ Phạm đi khắp nơi trên đất Đại Việt để tìm kiếm vị trí bị trấn yểm. Đầu đuôi khó tiếp ứng cho nhau, nước xa không cứu được lửa gần, dần dần họ Phạm rơi vào thế hạ phong.
Giới vu nhân trong nước biết được biến cố này, lập tức liên kết lại với nhau, hình thành một lực lượng đối kháng với Hàng Long Giáo, tôn Nguyễn Thần làm Đại Lạc Vu, tạo lập một tổ chức có tên là "Trấn Quốc Hội".
Những người trong hội ấy gọi nhau là Lạc Vu để tưởng nhớ thời kỳ huy hoàng dưới triều Hùng Vương. Lời hiệu triệu vừa mới phát ra, lập tức vu nhân ẩn dật trong dân gian hưởng ứng kéo tới gia nhập rất đông. Chỉ trong vòng một tháng, Trấn Quốc Hội đã quy tụ được đa số những vu nhân pháp thuật cao cường nhất.
Nhờ vào tổ chức mới được thành lập này, thế trận giữa Hàng Long Giáo và gia tộc họ Phạm lập tức đảo ngược. Trấn Quốc Hội nhanh chóng chiếm thế thượng phong, đồng thời phân hội của Hàng Long Giáo chẳng mấy chốc cũng tan rã, gia tộc họ Phạm được bảo toàn. Sự kiện này về sau được người trong hội truyền tai nhau với tên gọi "Phạm Gia biến".
Sau khi tiêu diệt được phân hội của Hàng Long Giáo, việc đầu tiên Trấn Quốc Hội tính đến là bảo vệ đại huyệt tại Thăng Long, bởi kinh sư vốn dĩ là nơi trọng yếu của nước nhà. Đại huyệt ấy chính là hồ Dâm Đàm, từng được thánh tăng Vạn Hạnh xem xét rồi thận trọng phong yểm khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, những mong có thể gia tăng sức mạnh của dân tộc và bảo vệ được yếu huyệt này.
Có điều, khi xảy ra Phạm Gia biến, các Lạc Vu nhận ra tại Thăng Long tập trung rất đông người của Hàng Long Giáo. Cứ địa của Hàng Long Giáo ở nơi này cũng được bảo vệ rất nghiêm mật, bởi đây chính là thành lũy cuối cùng của chúng trên đất Đại Việt. Từ đó đủ thấy Hàng Long Giáo đã tìm ra yếu huyệt tại hồ Dâm Đàm, chỉ là chưa tìm được thánh vật tu tiên trên huyệt này hoặc chưa yểm được huyệt này mà thôi.
Người trong hội lo rằng về sau vật đổi sao dời, khó lường trước được nên đã bàn nhau đắp một ngọn núi nhỏ khiến luồng sinh khí bị dịch chuyển đôi chút, từ đó dời được đại huyệt ấy lệch ra khỏi vị trí cũ, lại thay nhau phòng thủ chặt chẽ nơi này. Trấn Quốc Hội còn lập hẳn một đội quân âm binh hùng hậu lấy tên là "Kinh sư hộ binh" để phòng thủ thành Thăng Long.
Suốt mấy trăm năm sau đó, Trấn Quốc Hội phát triển mạnh mẽ, trải khắp đất nước, hội viên có lúc lên tới ba ngàn người.
Các nước lân cận như Miên, Xiêm, Chiêm Thành, Phù Nam, cũng đều có những bang hội tương tự như thế, chỉ là mạnh yếu mỗi nước khác nhau. Sở trường của mỗi nước cũng rất rõ ràng, ví như nước Miên thì chuyên về bùa, nước Xiêm rất mạnh về ngải, riêng nước Tàu và ta đều có khả năng điều khiển, sai khiến âm binh rất cao. Một số phù thủy cao cường thậm chí có thể sai khiến cả quỷ, ví như Kinh Dương Vương thuở xưa, nhưng những người như thế, mấy trăm năm mới có được một.
Trong những lần động binh đao giữa các nước, thường có những cuộc đấu pháp lực giữa các phù thủy mỗi bên. Đại Việt ta thường do Trấn Quốc Hội đảm nhiệm những trận "huyền chiến" như thế.
Đấu tranh giữa Hàng Long Giáo và Trấn Quốc Hội diễn ra liên miên. Trong quá trình tồn tại, tính đến thời kỳ Lê Trung Hưng, Trấn Quốc Hội ghi nhận hàng chục chiến dịch lớn, hàng trăm chiến dịch nhỏ giữa hai hội. Mỗi lần chạm trán giữa hai bên thường bắt đầu khi Hàng Long Giáo đưa lực lượng sang, toan tái lập cơ sở trên đất Đại Việt. Tiêu biểu trong những lần chạm trán này là các chiến dịch "Ấu nhi yểm", "Sát điểu đoạt ngọc", "Trầm long" thời Lý, Trần.
Thời nhà Minh đô hộ nước ta, các chiến dịch của Hàng Long Giáo cũng nhờ thế mà có phần lấn lướt, tiêu biểu là chiến dịch "Tầm ngọc trấn quan" hay "Đại long cưỡng quy" hoặc "Triệt thảo". Trong thời gian này, Trấn Quốc Hội ở vào thế hạ phong.
Chỉ đến sau khi Lê Lợi phục quốc, Trấn Quốc Hội mới lấy lại ưu thế trên đất tổ. Một loạt các chiến dịch tiêu diệt tàn dư của Hàng Long Giáo được tiến hành, có thể kể ra như chiến dịch "Phục hận", "Nguyệt thực" hay "Lý ngư hóa long". Nếu kể đến những lần chạm trán nhỏ giữa hai bên thì nhiều không kể xiết.
Trấn Quốc Hội tiếng là mới thành lập từ thời nhà Lý, nhưng đã có truyền thống từ xa xưa, lại trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc, đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm, khiến cho phép thuật Đại Việt lừng lẫy trong vùng. Mỗi khi phù thủy các nước nhắc tới đều phải kính nể, phong tặng hai chữ "thần nhân".
Quy củ trong giới vu nhân cũng rất nghiêm ngặt, người của Trấn Quốc Hội tuyệt đối chỉ có thể hộ binh trong các cuộc chiến đấu. Hai chữ "hộ binh" ở đây có nghĩa là bảo vệ cho quân đội nước nhà tránh khỏi những thứ tà pháp hắc đạo do ngoại bang gây ra. Trấn Quốc Hội phân định rất rạch ròi, chỉ có thể dùng huyền thuật trị huyền thuật, tức là vu nhân đánh phù thủy, tuyệt không được dụng pháp với người ngoại đạo. Có thể coi đó như đạo đức trong nghiệp huyền thuật của các Lạc Vu vậy.
Tôn chỉ của Trấn Quốc Hội là không được lạm dụng pháp thuật, tránh dùng pháp thuật làm ảnh hưởng đến dương thế. Vì có quy định này nên mới có phép tắc trong chiến trận như đã nêu ở trên.
Lệ đặt ra là thế, nhưng trong lịch sử đã có nhiều trường hợp các phù thủy muốn lạm dụng pháp năng của mình để chiếm đoạt vương quyền, ví như hoạn quan Đỗ Thích thời Đinh đã mưu sát Đinh Tiên Hoàng. Thử suy xét, một hoạn quan nhỏ nhoi, đến hậu duệ của mình cũng không có thì tranh ngôi vua làm sao được? Ấy là bởi vì Đỗ Thích không phải hoạn quan, mà chính là một vu nhân bên cạnh vua Đinh. Từ trước đến nay, theo lệ, các sử gia thường không kể rõ ràng những gì liên quan đến tà thuật mà chỉ nói tránh đi hoặc không nói hết nhẽ, thành ra mới có những hoài nghi như chuyện của Đỗ Thích.
Lại nói, bởi quan niệm huyền thuật là phép âm, cho nên việc sử dụng pháp thuật với người thường bị hạn chế rất nghiêm ngặt. Trấn Quốc Hội lấy tấm gương Đào Lạp và Đỗ Thích để tự răn đe, cùng nhau lập một lời nguyền, đại khái là nếu vu nhân nào muốn tạo phản làm vua thì lập tức bị quả báo, tan xương nát thịt, chết không toàn thây, đời đời không siêu thoát. Nên nhớ lời nguyền hiệu nghiệm nhiều hay ít phụ thuộc vào công lực của phù thủy, nên những lời nguyền của cả một hội nhóm lập ra thì sức mạnh cực kỳ to lớn.
Đặc điểm thời bấy giờ là thứ bậc của hội được quy định chặt chẽ, đứng đầu vẫn là các Đại Lạc Vu. Hiển nhiên người này có thân phận, vai trò cực kỳ quan trọng trong hội, nên việc tuyển chọn Đại Lạc Vu rất khắt khe.
Bên dưới Đại Lạc Vu có Tả Đại Lạc Vu và Hữu Đại Lạc Vu trợ giúp. Các vu nhân đứng đầu mỗi trấn gọi là các Lạc Vu, dưới người này có các vu nhân hỗ trợ là các Tả Lạc Vu và Hữu Lạc Vu. Dưới ba người này còn có các vu nhân đứng đầu các địa phương gọi là Trấn Lộ Vu, chuyên trách các địa phương đó. Riêng Lạc Vu thủ lĩnh kinh thành được đặt là Kinh Sư Lạc Vu.
Mạng lưới vu nhân được tổ chức như vậy, một là để mỗi khi có biến thì tất cả mọi nơi đều có người của Trấn Quốc Hội, có thể kịp thời xử lý. Nếu việc nghiêm trọng thì có thể phát tín hiệu gọi trợ giúp. Thứ hai là với mạng lưới tới từng vùng miền như thế có thể thu nạp được thêm các vu nhân có tố chất sẵn có tại địa phương.
Ngoài lực lượng nói trên, còn có rất nhiều các nhóm vu nhân khác, ví như những vu nhân chuyên di chuyển tuần tra, gọi là "di vu", là những người giám sát hoạt động của các vị nhân khác, nếu thấy có gì không thỏa đáng thì có thể trừng trị ngay hoặc báo về cho tổng hội. Hoặc như Lạc Vu Điện Súy lại là chức vụ giữ quyền kiểm soát Kinh sư hộ binh. Lại có những người không phải là vu nhân, nhưng do có khả năng xem địa lý, am hiểu phong thủy nên được gia nhập hội. Những người này vẫn phải học về pháp thuật, phải tu luyện để đạt đến trình độ "nhập hội pháp thư" của Trấn Quốc Hội, họ được gọi là "phong thủy vu" chuyên nghề phong thủy. Ngoài ra còn có các "y vu" chuyên nghề trị tà, "bốc vu" chuyên nghề bói toán...
Trong thời Lý-Trần, pháp thuật được các vu nhân sử dụng không còn tự phát, mang tính bí truyền tùy từng cá nhân và dòng họ như trước nữa, các thủ lĩnh Trấn Quốc Hội từ cấp Trấn Lộ Vu trở lên đã họp bàn với nhau, thống nhất thảo ra bộ Việt quốc pháp thuật. Pho sách này chia làm ba cuốn, lần lượt là "Nhập hội pháp thư", "Lạc Vu thủ lĩnh pháp" và "Đại Lạc Vu truyền nhân chi bản".
Cuốn "Nhập hội pháp thư" là các pháp thuật cần thiết để gia nhập Trấn Quốc Hội. Cuốn "Lạc Vu thủ lĩnh pháp" đề cập đến các pháp thuật cần thiết để trở thành các Trấn Lộ Vu. Cuối cùng, cuốn "Đại Lạc Vu truyền nhân chi bản" là cuốn sách bí truyền chỉ dành cho các Đại Lạc Vu.
Có thể nói đến thời Lý-Trần, Trấn Quốc Hội đã đạt đến thời kỳ đỉnh cao, từ những việc an dân như chống hạn, khai hoang, đến trấn áp ma quỷ ở các vùng sơn cước... chỉ trừ có phép trị thủy, tất thảy đều được Trấn Quốc Hội đảm nhiệm.
Trong các đời Đại Lạc Vu thì Phạm Thần được tôn kính nhất bởi pháp thuật cao cường, khó có nhân vật đương thời nào có thể vượt qua. Chính ngài cũng là người chủ biên hoàn thiện bộ Việt quốc pháp thuật được nêu ở trên. Trong cuốn "Đại Lạc Vu truyền nhân chi bản", Phạm Thần có công bổ sung rất nhiều các pháp thuật cao cường như "xuyên sơn hành" "hàng quỷ chúa", "vạn quân thâu"... Đóng góp của Phạm Thần cho Trấn Quốc Hội thực sự lớn lao, về cơ bản đã thúc đẩy phát triển mặt bằng chung về pháp năng của toàn thể hội. Tuy thế, ngài cũng là người vô tình gây nên những sóng gió trong giai đoạn tiếp theo.
Nguyên là, trong số các pháp thuật được bổ sung trong cuốn "Đại Lạc Vu truyền nhân chi bản", có một đỉnh cao của pháp thuật gọi là "trường sinh tu pháp". Trường sinh tu pháp chính là thuật luyện trường sinh bất tử mà Hàng Long Giáo cũng như các hoàng đế Trung Hoa đời đời tìm kiếm. Ấy vậy mà trong cuốn "Đại Lạc Vu truyền nhân chi bản", phép trường sinh được ghi rõ ràng ra như thế, thực khác nào cừu non trơ trọi giữa thảo nguyên cho bầy sói đói nhòm ngó?
Theo lệ, từ trước tới nay, chỉ có Đại Lạc Vu được sử dụng "Đại Lạc Vu truyền nhân chi bản". Lại thêm, Đại Lạc Vu sẽ giữ chức vụ đến khi từ trần, trong hội không có lệ thay thế Đại Lạc Vu khi người đương nhiệm vẫn còn sống. Điều đó có nghĩa là khi có trường sinh tu pháp trong tay, hiển nhiên sẽ chỉ có một Lạc Vu đời đời giữ chức Đại Lạc Vu, vị trí danh giá bậc nhất trong Trấn Quốc Hội. Vậy nên trong suốt một thời gian dài, không có ai biết được bí mật về trường sinh tu pháp.
Phạm Thần vốn hưởng dương bảy mươi hai tuổi, cho nên chắc chắn ngài không luyện trường sinh tu pháp. Nguyên nhân vì sao Phạm Thần không luyện theo phép ấy thì chưa rõ, chỉ biết người đầu tiên luyện trường sinh tu pháp là một Đại Lạc Vu tên là Trần Kình.
Ban đầu không một ai trong hội biết Trần Kình luyện thuật trường sinh, chỉ biết người này hành tung cực kỳ bí ẩn, ẩn cư trên núi, buông rèm giải quyết mọi chuyện của hội. Hội hằng năm đều phải cắt cử người canh giữ nơi này rất cẩn mật, cạm bẫy giăng khắp nơi để tránh trường hợp Hàng Long Giáo bất ngờ cho người đến ám toán.
Trong suốt gần trăm năm, hầu như không ai được thấy mặt Đại Lạc Vu. Chỉ duy nhất có một người nhìn thấy Trần Kình thì khi trở ra đầu óc điên loạn, hỏi gì cũng không nói, chỉ ngẩn ngẩn ngơ ngơ cả ngày.
Vốn dĩ, những cao nhân có biểu hiện kỳ quái, bế quan luyện thuật như thế cũng không phải là hiếm. Bởi vậy nên chuyện Đại Lạc Vu buông rèm tự tách mình khỏi thế gian, không ai lấy làm lạ. Chỉ đến khi trải qua bao nhiêu năm, vu nhân trong hội lớp cũ chết đi, lớp mới thay vào, mà vị Đại Lạc Vu kia vẫn minh mẫn, tỉnh táo, giải quyết mọi chuyện trong hội đâu ra đấy, không để xảy ra sự cố nào thì mọi người mới sinh lòng hoài nghi.
Đến khi họ Trần thay họ Lý làm vua, nhiều người trong hội nghi ngờ Trần Kình lợi dụng Trấn Quốc Hội để giúp Trần Thủ Độ cướp ngôi nhà Lý. Nhiều vu nhân cho rằng Trần Kình có họ hàng mật thiết với Trần Thủ Độ, bằng chứng là cái tên "Kình" chính là để chỉ một loại cá.
Thế nhưng, một là Trần Kình có pháp lực cao siêu vượt trội, hai là ông làm được rất nhiều việc không những cho hội mà còn cho cả đất nước cho nên câu chuyện về trường sinh tu pháp cũng chỉ là chuyện phiếm khi trà dư tửu hậu.
Lại nói, Trần Kình một mặt sắp xếp, tổ chức chặt chẽ hơn mạng lưới vu nhân dưới quyền, nâng cao số lượng vu nhân, truyền dạy những pháp thuật cơ bản của hội, tạo nên một mạng lưới vu nhân có kiến thức pháp thuật rất bài bản và gắn kết. Mặt khác, ở thời suy tàn của nhà Lý, không phải chỉ có họ Trần mới hùng mạnh mà còn có họ Đoàn và họ Nguyễn, tình hình hết sức rối ren mà triều đình nhà Lý đã khí tàn lực kiệt, không cách gì chấn hưng được.
Bởi vậy, tuy Trần Kình bị nghi ngờ là đã can dự việc triều chính, phạm vào lệ hội, nhưng do tình hình đất nước nhờ ông mà nhanh chóng ổn định, thành ra cũng ít người lên tiếng phản đối. Đến khi giặc Nguyên Mông xâm lấn nước ta, Trần Kình lại chỉ đạo cho người của hội đánh những trận long trời lở đất với các phù thủy giặc Thát, khiến cho ai ai cũng khâm phục.
Cho đến những năm cuối đời Trần, có một vu nhân tên là Hồ Nguyên Tấn được giữ chức Tả Đại Lạc Vu. Người này khi mới lọt lòng, trên trán đã có ấn phù, một khi cất tiếng khóc thì gió lặng, cây im. Năm tuổi y đã dám đêm hôm một mình ra nghĩa địa quát nạt ma quỷ, đến năm mười tuổi đã thâu được trên trăm âm binh tự theo hầu. Năm mười lăm tuổi, Hồ Nguyên Tấn được thu nạp vào Trấn Quốc Hội. Đến năm mười tám tuổi thì hô mưa gọi gió, điều khiển muông thú dễ dàng như lấy vật trong túi. Người này có thể coi là kỳ tài mới xuất hiện trong hội lúc bấy giờ. Tài năng của y tăng tiến theo thời gian nhanh không lường được. Đến năm hai mươi ba tuổi, vị trí Tả Đại Lạc Vu đã về tay y.
Hồ Nguyên Tấn tại chức được năm năm thì toan tính giành chức Đại Lạc Vu với Trần Kình. Y mất bảy ngày bảy đêm, vượt qua thiên la địa võng, cuối cùng cũng vào được tận nơi Đại Lạc Vu Trần Kình ẩn mình.
Theo lẽ thường, Trần Kình vừa là cao thủ tuyệt luân, vừa tu luyện mấy trăm năm, không thể nào bại dưới tay Hồ Nguyên Tấn. Thế nhưng không hiểu diễn biến thế nào, chỉ biết cuối cùng Hồ Nguyên Tấn lãnh nhận chức hội trưởng Trấn Quốc Hội.
Về sau, Hồ Quý Ly làm phản, cướp ngôi nhà Trần. Trong hội lại có tin rằng, Hồ Nguyên Tấn nguyên là con Hồ Quý Ly với một người hầu. Sự việc này làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ trong Trấn Quốc Hội. Trong số các vu nhân rất nhiều người bất mãn với Hồ Quý Ly, vậy nên họ bàn nhau phá lệ, lập Hữu Đại Lạc Vu lúc bấy giờ là Phạm Hữu Long thành Đại Lạc Vu. Mặc dù tố chất của Phạm Hữu Long không bằng Hồ Nguyên Tấn, nhưng bây giờ Long tuổi đã ngũ tuần, pháp năng tu luyện cả đời cũng cao cường ít ai bì kịp.
Trong hội chia làm hai phe, một ủng hộ Hồ Nguyên Tấn, một ủng hộ Phạm Hữu Long. Hai phe này đấu với nhau mấy năm trời, thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Bấy giờ Hàng Long Giáo phương Bắc chỉ tọa sơn quan hổ đấu. Đến khi chúng áng chừng thực lực hai bên suy yếu lắm rồi, mới tấu lên vua Minh. Vua nhà Minh biết tin ấy mừng lắm, sẵn ý đồ muốn thôn tính Đại Ngu liền đem quân sang đánh nước ta.
Biết tin giặc tới, cả hai phe trong Trấn Quốc Hội bấy giờ mới ngừng chiến, bàn nhau tìm cách cự lại Hàng Long Giáo. Nhưng đã quá muộn, lực lượng Trấn Quốc Hội khi ấy quá mỏng. Hàng Long Giáo dựa vào thực lực còn nguyên vẹn của mình mà ra sức truy sát người của Trấn Quốc Hội, Hồ Nguyên Tấn cuối cùng chết trong một đợt truy kích của Hàng Long Giáo.
Một năm sau, nhà Minh đặt được ách đô hộ lên Đại Ngu, gọi nước ta là Giao Chỉ. Bấy giờ nhà Minh ráo riết truy lùng những người của Trấn Quốc Hội. Hoạt động của hội vì thế phải che giấu cực kỳ cẩn thận, nhân số cũng bị phân tán khắp nơi.
Trong số ấy, có một số vu nhân tiếp tục giúp nhà hậu Trần kháng chiến chống Minh nhưng vì lực lượng yếu, mỏng nên cuối cùng tất cả đều tử tiết theo vua tôi nhà Trần. Kết quả là trong nhiều năm trời, Trấn Quốc Hội gần như lụi tàn. Về sau, may nhờ khởi nghĩa của Lê Lợi toàn thắng, các Lạc Vu lại dần dần tụ họp dưới trướng của Phạm Hữu Long tái lập Trấn Quốc Hội.
Bấy giờ việc Phạm Hữu Long sống được mấy trăm năm cũng khiến nhiều người hoài nghi, nhưng trong thời kỳ tái lập ấy, chuyện ổn định tình hình mới là cấp bách, cho nên mối hoài nghi kia cũng bị xem nhẹ.
Trải qua gần trăm năm, đến biến cố nhà Mạc nổi lên chiếm ngôi, rồi họ Nguyễn và họ Trịnh tranh giành giang sơn, nhà Lê trở thành bù nhìn. Bấy giờ trong Trấn Quốc Hội nổi lên nhiều Lạc Vu tài năng xuất chúng khác, tiêu biểu nhất là Hoàng Tấn Hùng và Chử Cao Sơn. Đây vốn là hai Tả Hữu Đại Lạc Vu.
Hai người này trong lòng không phục Phạm Hữu Long suốt mấy trăm năm vẫn tại vị Đại Lạc Vu. Chẳng những thế, khi biến loạn xảy ra, mỗi người lại theo thờ một chủ, Hoàng Tấn Hùng theo họ Nguyễn khai hoang phương Nam, Chử Cao Sơn phò họ Trịnh phương Bắc, riêng Phạm Hữu Long vẫn theo nếp cũ, thờ nhà Lê.
Trong Trấn Quốc Hội cũng vì thế mà chia phe lập phái rất gay gắt. Về cơ bản có đến ba thế lực lớn. Vì họ Trịnh nắm quyền nên thế lực của Chử Cao Sơn là hùng mạnh nhất. Thế lực của Hoàng Tấn Hùng thì theo chúa Nguyễn vào Nam, bấy giờ là thời kỳ khai hoang lập quốc nên cũng ít quan hệ với Đàng Ngoài. Về phe của Phạm Hữu Long, lực lượng cũng suy yếu đi nhiều. Rất nhiều vu nhân tự rút lui khỏi hội, chán nản bỏ về ở ẩn, sống cuộc sống bình thường.
Thời bấy giờ, các phù thủy nổi lên ở khắp nơi, trấn, huyện, xã nào cũng có những phù thủy tự lập điện thờ, thâu nạp âm binh, luyện bùa chế ngải... Thực ra thì người tài cũng có, nhưng phần nhiều chỉ là trò lừa gạt, trục lợi, thậm chí là dọa ma nhát quỷ để lấy tiền thiên hạ mà thôi. Bởi vậy nên dân gian, nhờ thì vẫn nhờ, cậy thì vẫn cậy, nhưng trong thâm tâm họ không những không có cảm tình, mà lại có phần nể sợ, xa lánh.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro