dai ly thuong mai
Tình huống liên quan đến đại lý thương mại trong Luật thương mại
by Thu phương on Fri May 28, 2010 8:30 pm
Trong nền kinh tế sản xuất hàng hoá, hoạt động trao đổi hàng hoá, dịch vụ giữa các thương nhân với nhau thông qua mua bán là điều kiện quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của xã hội. Khi mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ trên thị trường, tuỳ thuộc vào đối tượng giao dịch, thị trường cũng như tính chất, thời cơ của từng thương vụ, thương nhân có thể lựa chọn các phương thức giao dịch cho phù hợp. Một trong những phương thức giao dịch được các thương nhân sử dụng phổ biến nhất hiện nay là hình thức giao dịch qua trung gian trong hoạt động thương mại (trung gian thương mại).
Giao dịch qua trung gian trong hoạt động thương mại là phương thức giao dịch trong đó mọi việc thiết lập quan hệ giữa người mua và người bán hàng hoá (người cung ứng dịch vụ và người sử dụng dịch vụ) và việc xác định giao dịch phải thông qua một người trung gian.(1)
Có rất nhiều hình thức trung gian thương mại khác nhau như: đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại, uỷ thác mua bán hàng hoá, đại lí thương mại… Trong phạm vi bài viết này, nhóm chúng tôi xin đi vào phân tích một trong các hình thức trung gian thương mại phổ biến nhất, đó là đại lí thương mại.
I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ ĐẠI LÍ THƯƠNG MẠI
1. Khái niệm.
Theo quy đinh tại điều 166 Luật thương mại năm 2005, đại lí thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lí và bên đại lí thoả thuận việc bên đại lí nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lí hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lí cho khách hàng để hưởng thù lao.
Như vậy, so với Luật thương mại năm 1997, Luật thương mại hiện hành đã mở rộng phạm vi hoạt động cho các đại lí thương mại sang lĩnh vực cung ứng dịch vụ. Điều này là hoàn toàn phù hợp với xu thế hội nhập và toàn cầu hoá hiện nay khi các loại hình dịch vụ đang dần hình thành và phát triển mạnh mẽ, chiếm ưu thế trên thị trường.
2. Đặc điểm.
Cũng là hoạt động thương mại nhưng đại lí thương mại có những đặc điểm khác biệt so với các loại hình ttrung gian thương mại khác. Cụ thể:
Chủ thể của quan hệ đại lí thương mại là bên giao đại lí và bên đại lí, cả hai đều phải là thương nhân. Bên giao đại lí thì giao hàng hoá cho đại lí bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lí mua hoặc uỷ quyền thực hiện dịch vụ cho đại lí cung ứng dịch vụ. Bên đại lí nhận hàng hoá để làm đại lí bán, nhận tiền mua hàng để làm đại lí mua hoặc là bên nhận uỷ quyền cung ứng dịch vụ.
(1): Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật thương mại, tập 2, NXB.CAND, Hà Nội, 2006, tr76.
Nội dung của hợp đồng đại lí bao gồm việc giao kết thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ giữa bên đại lí với bên thứ ba theo yêu cầu của bên giao đại lí. Khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ với bên thứ ba, bên đại lí nhân danh chính mình để giao kết, thực hiện hợp đồng và chịu sự ràng buộc về nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đó. Một điểm đặc biệt là trong đại lí mua bán hàng hoá, bên giao đại lí là chủ sở hữu đối với hàng hoá hoặc tiền giao cho bên đại lí, quyền sở hữu đối với hàng hoá sẽ được chuyển giao từ bên giao đại lí sang khách hàng chứ không phải là từ bên đại lí sang khách hàng. Đây là một đặc điểm để phân biệt hợp đồng đại lí với hợp đồng mua bán hàng hoá.
Quan hệ đại lí thương mại được xác lập bằng hợp đồng. Hợp đồng đại lí phải được giao kết bằng văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lí tương đương. Trước đây, Luật thương mại 1997 có quy định các nội dung chủ yếu trong hợp đồng đại lí nhưng đến Luật thương mại 2005 thì đã loại bỏ quy định này để mở rộng thêm quyền tự do thoả thuận của các bên. Trên thực tế thì hợp đồng đại lí có các nội dung như: hàng hoá hoặc dịch vụ đại lí; hình thức đại lí; thù lao đại lí; thời hạn của hợp đồng đại lí; quyền và nghĩa vụ của các bên…
Để hiểu rõ các vấn đề pháp lý và thực tiễn liên quan đến vấn đề đại lí thương mại, nhóm chúng tôi xin đi vào phân tích một tình huống cụ thể liên quan đến đại lí thương mại, cụ thể là đại lí bán hàng.
II. TÌNH HUỐNG VÀ GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG.
Để cho các bạn tiện theo dõi, kèm theo từng nội dung của tình huống chúng tôi sẽ tiến hành giải quyết, phân tích và đánh giá trực tiếp các vấn đề.
Tình huống:
2.1. Hợp đồng đại lý mua bán hàng hoá số 15/VK ngày 15/11/2007 giữa công ty TNHH A (bên A – bên giao đại lý) với DNTN B (bên B – bên đại lý), theo đó có một số điều khoản đáng lưu ý sau: (nhận xét về các thoả thuận trong hợp đồng đại lí ký kết giữa CTTNHH A và DNTN B).
• Bên B làm đại lí không độc quyền cho bên A, được nhân danh chính mình để giao kết các hợp đồng mua bán hàng hoá; bên B chỉ bán các sản phẩm mà bên A cung cấp, không bán các sản phẩm cạnh tranh hoặc bên A cho là cạnh tranh nếu không được bên A đồng ý bằng văn bản.
Theo thoả thuận này thì bên B không phải là đại lí độc quyền của A. Điều này có nghĩa là trên phạm vi địa bàn kinh doanh của B, A hoàn toàn có quyền ký kết các hợp đồng đại lí mua bán hàng hoá với các đại lí khác. Hệ quả của việc này là B rất có khả năng sẽ có các đối thủ cạnh tranh kinh doanh các mặt hàng tương tự do bên A cung cấp và thị trường khách hàng của B sẽ bị giảm đi một phần, khoản thù lao thu được sẽ bớt đi.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý ở đây là hai bên thoả thuận bên B có quyền nhân danh mình để giao kết các hợp đồng mua bán hàng hoá nhưng quyền này lại bị hạn chế về đối tượng giao kết. Hợp đồng quy định, bên B chỉ bán các sản phẩm mà bên A cung cấp, không bán các sản phẩm cạnh tranh hoặc bên A cho là cạnh tranh nếu không được bên A đồng ý bằng văn bản. Đây là một thoả thuận gây bất lợi cho B. Thường các đại lí là nơi có các loại mặt hàng của nhiều hãng khác nhau để cho người tiêu dùng có thể lựa chọn và cũng đáp ứng được nhiều đối tượng khác nhau, nếu không thì đại lí đó cũng phải có các mặt hàng mang tính đặc trưng mà các đại lí khác không có được để tạo nguồn thu. Trong khi ở đây, B không phải là đại lí độc quyền lại bị hạn chế về các sản phẩm. Thêm nữa, trong hợp đồng lại đưa ra một điểm là bên B không được bán các sản phẩm mà bên A cho là cạnh tranh nếu không được bên A đồng ý bằng văn bản. Đây là điều khoản mập mờ, không rõ ràng. Bởi, hiểu như thế nào là sản phẩm cạnh tranh? Quan điểm của A về mặt hàng cạnh tranh là như thế nào? Ở đây, B dường như mất đi tính tự quyết đối với hoạt động kinh doanh của mình. Với quy đinh như vậy thì bên B để đảm bảo an toàn, không bị coi là vi phạm hợp đông thì trước khi có ý định bán một sản phẩm của đối tác nào đó thì sẽ hỏi ý kiến của bên A, nếu được bên A đồng ý bằng văn bản thì mới ký kết với các đối tác khác để bán các sản phẩm đó.
Như vậy, với điều khoản trên B dường như bị phụ thuộc khá nhiều vào A và luôn giữ thế bị động trong quan hệ này và cả trong hoạt động kinh doanh của B.
• Hàng hoá được giao tại kho của bên B; quyền sở hữu hàng hoá được chuyển giao cho bên B kể từ thời điểm giao hàng.
Điều khoản này về hình thức là rõ ràng và có lợi hơn cho B. Cụ thể là hàng hoá được bên A vận chuyển đến tại kho của bên B. Tuy nhiên vấn đề cần bàn ở đây là hợp đồng quy định quyền sở hữu hàng hoá được chuyển giao cho bên B kể từ thời điểm giao hàng. Hợp đồng số 15/VK là hợp đồng đại lí bán hàng, bản chất của hợp đồng này là bên đại lí bán hàng cho bên giao đại lí để hưởng thù lao. Hơn nữa theo điều 170 Luật thương mại thì bên giao đại lí là chủ sở hữu đối với hàng hoá chứ không phải là bên đại lí – đây là quy đinh mang tính bắt buộc, nghĩa là các bên trong hợp đồng đại lí không được thoả thuận khác đi. Quy định này là hoàn toàn hợp lí. Bởi, nếu như quyền sở hữu hàng hoá chuyển giao hoàn toàn cho bên đại lí thì đây lại không còn là hợp dồng đại lí nữa mà là hợp đồng mua bán hàng hoá. Như vậy, trong trường hợp này, điều khoản về chuyển quyền sở hữu là bất hợp pháp, khi có tranh chấp và được giải quyết tại cơ quan tài phán thì điều khoản này sẽ bị tuyên vô hiệu hoặc hợp đồng sẽ bị vô hiệu toàn bộ.
Như vậy, điểm cần lưu ý đối với hợp đồng đại lí là các bên phải xác định chính xác một điểm rằng quyền sở hữu hàng hoá trước khi chuyển giao hàng hoá cho khách hàng thì luôn thuộc về bên giao đại lí. Vì vậy khi thoả thuận các điều khoản trong hợp đồng liên quan đến vấn đề này thì các bên không được thoả thuận khác đi, nếu không hợp đồng sẽ bị vô hiệu và thiệt hại sẽ xảy ra đối với cả hai bên.
• Bên B bán các sản phẩm theo giá mà bên A ấn định.
Luật thương mại hoàn toàn cho phép bên giao đại lí có quyền ấn định giá bán của bên đại lí và ở đây thì bên A cũng ấn định giá bán cho bên b, theo đó bên B sẽ phải bán hàng theo giá mà bên A ấn định. Như vậy, bên B sẽ được hưởng thù lao theo phần trăm giá trị hàng hoá bán được đã được bên A định trước tỷ lệ phần trăm. Quy định này cho thấy bên B phụ thuộc tương đối nhiều vào bên A và dường như là rất bất lợi. Bởi, nếu xét sự tương quan với các điều khoản ở trên thì bên B đã phải chịu sự giới hạn về các mặt hàng lại không được quyền tự quyết định giá bán. Đặt ra tình huống bên B kinh doanh một mặt hàng chủ yếu như: bánh kẹo mà với các điều khoản này thì B sẽ khó lòng cạnh tranh với các đại lí khác. Bởi, khi các đại lí có quyền ấn định giá bán cho khách hàng thì họ có thể chủ động tăng giảm giá để vừa có thể thu lợi cho mình lại vừa có thể cạnh tranh với các đại lí khác. Trong khi ở đây, B hoàn toàn không có quyền năng này, do đó khả năng cạnh tranh của B sẽ bị hạn chế đi.
• Bên B sẽ thanh toán tiền hàng theo từng đợt giao hàng sau 15 ngày kể từ ngày giao hàng.
Theo quy đinh tại điều 176 Luật thương mại thì trong trường hợp các bên không có thoả thuận khác thì tiền hàng sẽ được thanh toán theo từng đợt sau khi bên đại lí hoàn thành việc bán một khối lượng hàng hoá nhất định. Điều này có nghĩa là khi bên đại lí bán hết một khối lượng hàng hoá nhất định thì bên đại lí sẽ thanh toán tiền hàng cho bên giao đại lí và nhập lượng hàng mới nếu hợp đồng vẫn còn hiệu lực. Quy đinh này là hợp lí vì bản chất của đại lí bán là bán hộ và hưởng thù lao từ việc bán đó. Vì vậy chỉ khi hàng hoá bán được một lượng đáng kể đảm bảo có khả năng hàng sẽ được bán hết thì bên đại lí mới có thể giao tiền và hàng cho bên giao đại lí và hưởng thù lao đại lí.
Tuy nhiên hợp đồng đã thoả thuận rõ thời hạn thanh toán tiền hàng thì các bên sẽ thực hiện theo đúng thoả thuận. Mặc dù vậy, nó cũng có một số điểm chưa rõ ràng, cụ thể: việc thanh toán sẽ được thực hiện theo phương thức nào, trả trực tiếp hay trả qua tài khoản? Trả bằng tiền Việt hay ngoại tệ chuyển đổi? Trả một lần hay nhiều lần? Nếu không thoả thuận rõ ràng thì khi thực hiện sẽ rất dễ phát sinh tranh chấp.
• Hợp đồng có thời hạn 2 năm kể từ ngày ký.
Pháp luật cho phép các bên được thoả thuận về thời hạn hợp đồng và không hạn chế quyền này. Vì vậy hai bên hoàn toàn có thể thoả thuận về thời hạn chấm dứt hợp đồng. Ở đây các bên đã thoả thuận thời hạn chấm dứt là hai năm kể từ ngày ký. Thoả thuận này khá rõ ràng. Tuy nhiên đặt ra vấn đề là khi hợp đồng chấm dứt thì việc thanh lí hợp đồng sẽ như thế nào? Trường hợp hợp đồng chấm dứt thì hàng hoá sẽ xử lý ra sao, trả lại cho bên giao đại lí hay bên đại lí vẫn bán tiếp? Trong trường hợp có các sự kiện khác xảy ra thì hợp đồng có đương nhiên chấm dứt không?
Vần đề nữa là các đại lí thường hoạt động lâu dài và uy tín thương hiệu của họ được xây dựng dựa trên hàng hoá mà họ bán và quan hệ đại lí thường mang tính chất ổn định, lâu dài và các điều khoản về thời hạn hợp đồng thường là không xác định hoặc dựa trên các yếu tố mang tính khách quan hơn là quy định một thời gian nhất định. Điều này sẽ gây khó dễ cho cả phía bên giao đại lí và bên đại lí.
b. Ngày 1/3/2008, A giao đợt hàng mới cho B. Bên B mới bán được 1/3 lô hàng thì ngày 11/3/2008 do sự cố chập điện tại địa điểm có kho hàng của B (sự cố này được xác định là sự kiện bất khả kháng) nên kho chứa hàng của B bị cháy làm toàn bộ số hàng hoá trong kho bị hư hỏng. Vì vậy, B không thanh toán được tiền hàng theo thoả thuận trong hợp đồng và cho rằng mình chỉ là đại lí nên không có nghĩa vụ chịu rủi ro đối với số hàng đã bị cháy.
DNTN B có phải thanh toán tiền hàng cho CTTNHH A không? Ai sẽ là người chịu rủi ro đối với số hàng hoá bị cháy vào ngày 11/3/2008?
Nếu như xét tình huống này trong sự tương quan giữa các điều khoản trong hợp đồng thì khi hàng hoá đã vận chuyển đến kho của B thì quyền sơ hữu hàng hoá đã được chuyển giao cho B không phụ thuộc vào việc bên B đã thanh toán hay chưa. Theo lý luận thì rủi ro sẽ thuộc về chủ sở hữu hàng hoá trừ trường hợp rủi ro đó là do lỗi của bên kia. Như vậy, bên B sẽ phải chịu rủi ro về hàng hoá đối với trường hợp này mặc dù chưa đến hạn thanh toán tiền hàng của bên B.
Nếu xét trong các hợp đồng đại lí bình thường mà hai bên không thoả thuận các điều khoản về trách nhiệm của hai bên khi có rủi ro xảy ra thì nếu rủi ro xảy ra là do sự kiên bất khả kháng thì chủ sở hữu hàng hoá phải chịu trách nhiệm, cụ thể là bên giao đại lí như phân tích ở trên. Nhưng với hợp đồng này thì lại khác, đây là hợp đồng có điều khoản trái pháp luật và điều khoản trái pháp luật này lại có liên quan đến trách nhiệm của các bên khi có rủi ro xảy ra. Đó là điều khoản về quyền sở hữu hàng hoá.
Như vậy, có thể đưa ra cách giải quyết trong tình huống này như sau:
Nếu bên B vẫn chấp nhận hợp đồng và thực hiện không có ý kiến gì thì DNTN B sẽ vẫn phải thanh toán tiền hàng cho CTTNHH A đồng thời phải chịu trách nhiệm về rủi ro đó.
Nếu hai bên có tranh chấp và đưa ra cơ quan tài phán giải quyết thì hợp đồng sẽ bị tuyên vô hiệu một phần hoặc toàn bộ. Và dù hợp đồng bị tuyên vô hiệu theo hình thức nào thì các bên cũng phải khắc phục hậu quả của việc hợp đồng bị tuyên vô hiệu là quyền sở hữu sẽ phải chuyển giao cho A chứ không được chuyển sang cho B theo như quy đinh tại điều 170 Luật thương mại. Và như vậy, DNTN B sẽ không phải thanh toán tiền hàng cho CTTNHH A và không phải chịu trách nhiệm về rủi ro do nguyên nhân bất khả kháng mà không phải là lỗi của B.
2.2. Giả sử, anh An và ba người bạn của anh An mua bánh trung thu ở của hàng đại lí do bên B bán và khi ăn bánh họ đã bị ngộ độc phải nằm viện 3 ngày do chất lượng bánh trung thu không đảm bảo. B đã ứng trước tiền viện phí, thuốc men…cho họ; sau đó, B yêu cầu A phải thanh toán lại số tiền mà B đã ứng trước. A lập luận rằng mình cũng chỉ là đại lí cho DNTN Long Phụng chuyên sản xuất các loại bánh kẹo nên DNTN Long Phụng phải là người chịu trách nhiệm về chất lượng bánh trung thu và bồi thường thiệt hại cho anh An và các bạn của anh. Theo anh, chị ai là người phải bồi thường thiệt hại cho các khách hàng nói trên?
Chất lượng hàng hoá là một trong những tiêu chí quan trọng để làm nên thương hiệu của nhà sản xuất và cả của đại lí, việc một hàng hoá bị coi là có chất lượng không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của họ sau này. Để một hàng hoá, đặc biệt là các hàng hoá là thực phẩm đến tay khách hàng đảm bảo chất lượng tốt không chỉ phụ thuộc vào yếu tố sản xuất mà còn phụ thuộc cả vào yếu tố vận chuyển, bảo quản. Có thể khi sản xuất ra, hàng hoá đó đảm bảo chất lượng tốt nhưng khi bảo quản lại không hợp lý thì cũng làm cho chất lượng hàng hoá bị giảm sút và nhiều khi là có hại. Do đó khi khách hàng phát hiện ra hàng hoá đó không đảm bảo chất lượng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho khâu sản xuất và khi đó thì trách nhiệm về chất lượng của hàng hoá cũng sẽ không phải luôn do bên sản xuất chịu toàn bộ.
Theo quy định tại khoản 2 điều 173 Luật thương mại, trong trường hợp các bên không có thoả thuận khác thì bên giao đại lí có nghĩa vụ chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hoá của đại lí bán hàng. Tuy nhiên, khoản 3 điều 175 cũng quy định, trong trường hợp hai bên không có thoả thuận khác thì bên đại lý có nghĩa vụ bảo quản hàng hoá sau khi nhận và phải liên đới chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hoá trong trường hợp có lỗi do mình gây ra. Như vậy ở đây đặt ra vấn đề lỗi, cụ thể: trong trường hợp chất lượng hàng hoá không đảm bảo một phần là do lỗi của bên đại lí như bảo quản không đúng theo chỉ dẫn của bên đại lí là một trong những nguyên nhân đẫn đến hàng hoá không đảm bảo chất lượng thì bên đại lí cũng phải liên đới chịu trách nhiệm với bên giao đại lí. Còn trong trường hợp, chất lượng hàng hoá không đảm bảo không phải do lỗi của bên đại lí thì bên giao đại lí sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Tuy nhiên, trong tình huống này, bên giao đại lí lại chỉ là một đại lí cho một bên giao đại lí khác. Trong khi Luật chỉ quy định mối quan hệ giữa một hợp đồng đại lí mà không quy định trường hợp có hợp đồng đại lí tiếp nối. Như vậy thì trong tình huống này trách nhiệm giữa các bên sẽ giải quyết như thế nào?
Trong tình huống này, mặc dù luật không có quy đinh cụ thể nhưng chúng ta cũng có thể áp dụng một số quy đinh khác để giải quyết. Theo điều 14 Luật thương mại quy định về nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng thì thương nhân thực hiện hoạt động thương mại phải chịu trách nhiệm về chất lượng của hàng hoá mà mình kinh doanh. Như vậy, mặc dù DNTN Long Phụng giao hàng cho bên A làm đại lí bán, sau đó bên A lại giao hàng cho bên B đê làm đại lí bán cho mình và sự việc liên quan đến chất lượng hàng hoá không đảm bảo lại xảy ra ở của hàng đại lí cảu bên B thì trong trường hợp này nếu chúng minh được rằng chất lượng của hàng hoá không đảm bảo là do một phần hoặc toàn bộ lỗi thuộc về khâu sản xuất thì DNTN Long Phụng cũng vẫn phải chịu trách nhiệm.
Đối chiếu trường hợp này với lập luận trên đây thì tình huống này sẽ xảy ra các trường hợp tương ứng với các cách giải quyết cụ thể sau:
Trường hợp cả bên A và bên B chứng minh đều không có lỗi trong việc làm cho chất lượng hàng hoá không đảm bảo thì DNTN Long Phụng sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho anh An và các bạn của anh.
Trong trường hợp bên B hoặc A hoặc cả B và A có lỗi trong việc làm cho chất lượng hàng hoá không đảm bảo thì bên B hoặc bên A hoặc cả A và B sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại với DNTN Long Phụng và nếu bên B đã thực hiện nghĩa vụ cho anh An và các bạn của anh thì DNTN Long Phụng và bên A (nếu phải bồi thường) sẽ phải bồi hoàn cho bên B khoản tiền tương ứng với phần lỗi của mình.
2.3. Trong quá trình thực hiện hợp đồng đại lí mua bán hàng hoá số 15/VK, bên A đã không tiếp tục giao hàng và gửi thông báo bằng văn bản chấm dứt hợp đồng cho bên B. Hãy cho biết ý kiến của mình về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của bên A?
Trong hợp đồng 15/VK, hai bên đã thoả thuận hợp đồng có thời hạn 2 năm kể từ ngày ký. Thông thường thì hai bên sẽ phải thực hiện hợp đồng cho đến hết thời hạn này. Nhưng vì một lý do nào đó mà bên giao đại lý lại đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thoả thuận. Câu hỏi đặt ra là bên giao đại lý có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng không? Và chấm dứt như thế nào là hợp lý? Hậu quả của việc chấm dứt là gì?
Điều 177 Luật thương mại có quy đinh về thời hạn đại lí và việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lí trong trường hợp hai bên không thoả thuận về thời hạn trong hợp đồng mà không quy đinh việc đơn phương chấm dứt hợp đồng trong hợp đồng có quy đinh thời hạn.
Tuy nhiên, hợp đồng đại lí cũng là một loại hợp đồng dịch vụ mà theo quy định tại điều 525 Bộ Luật dân sự có quy định về việc đơn phương chấm dưt hợp đồng dịch vụ, cụ thể “trong trường hợp việc tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên thuê dịch vụ thì bên thuê dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải thông báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời gian hợp lí; bên thuê dịch vụ phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ dã thực hiện và bồi thường thiệt hại.” Theo đó, bên giao đại lí trong trường hợp nhận thấy việc tiếp tục hợp đồng là không có lợi cho mình thì cũng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên đại lí biết trước một thời gian hợp lý.
Như vậy, trong trường hợp này hợp đồng đại lí là hợp đồng có thời hạn nên không thể áp dụng điều 177 Luật thương mại mà phải áp dụng theo điều 525 Bộ luật dân sự, cụ thể: nếu bên A không tiếp tục giao hàng và chứng minh được rằng nếu như bên A tiếp tục giao hàng thì sẽ không có lợi cho mình như: giá nguyên liệu tăng mà bán theo giá cũ thì sẽ bị lỗ hoặc biểu thuế mới áp dụng cho mặt hàng này tăng mà nếu vẫn giao với giá như hợp đồng sẽ không có lãi…trong trường hợp này việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của A là có căn cứ. Tuy nhiên, điều 525 quy định trước khi chấm dứt hợp đông thì bên A phải thông báo bằng văn bản cho bên B biết trong một thời gian hợp lý. Trường hợp bên A không đưa ra được các lý do nêu trên thì việc chấm dứt hợp đồng của A là bất hợp pháp và A phải chịu các chế tài như: buộc thực hiện đúng hợp đồng, phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại cho B.
Tóm lại trong trường hợp này, việc A không tiếp tục giao hàng và gửi thông báo bằng văn bản chấm dứt hợp đồng cho bên B là không hợp lý. Bởi chưa cần xác định là vì lý do gì mà A chấm dứt hợp đồng nhưng thủ tục tiên quyết là A phải thông báo bằng văn bản về việc chấm dứt hợp đồng cho B trước một thời gian hợp lý. Tuy nhiên trong tình huống này A đã có hành vi chấm dứt hợp đồng trước khi thông báo bằng văn bản cho B là không đúng pháp luật. Theo nhóm tôi trong trường hợp này, nếu như A đã không tiếp tục giao hàng cho B như đã thoả thuận và gửi văn bản chấm dứt hợp đồng mà việc này đã gây thiệt hại cho B thì A phải bồi thường thiệt hại cho B và tiếp tục giao hàng như thoả thuận. Sau đó, nếu vẫn còn ý định chấm dứt hợp đồng thì gửi bằng văn bản khác cho B, nếu B đồng ý hoặc B không đồng ý nhưng lý do đưa ra là họp lý thì B phải sắp xếp lại hoạt động kinh doanh và chấm dứt hợp đồng, trong trường hợp này A sẽ phải bồi thường cho B một khoản tiền và có thể bị phạt vi phạm và ngược lại B vẫn phải thanh toán cho A tiền hàng của đợt hàng mới nhận. Theo điều 177 Luật thương mại thì khoản bồi thường sẽ bằng “một tháng thù lao đại lí trung bình trong thời gian nhận đại lí cho mỗi năm mà bên đại lí làm đại lí cho bên giao đại lí. Trong trường hợp thời gian đại lí dưới một năm thì khoản bồi thường được tính làm một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lí”. Nếu B không đồng ý chấm dứt và lý do A đưa ra không hợp lý thì A vẫn phải tiếp tục thực hiện hợp đồng cho đến khi hết thời hạn.
III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ.
Trong quá trình nghiên cứu và giải quyết tình huống, nhóm chúng tôi nhận thấy có một vài điểm chưa hợp lý cả về vấn đề thực tiễn và vấn đề pháp lý. Vì vậy, chúng tôi xin đưa ra ở đây và có kèm theo một số kiến nghị mà chúng tôi cho là phù hợp.
Thứ nhất, trong hợp đồng đại lí thương mại có hai bên của hợp đồng là bên giao đại lí và bên đại lí. Luật thương mại cho phép các bên có phạm vi quyền rất lớn, vì vậy khi thoả thuận các bên phải hạn chế đến mức tối đa rủi ro, bất lợi về phía mình. Bên đại lí thì phải thoả thuận là sao cho mình không bị phụ thuộc quá nhiều vào bên giao đại lí mà vẫn có thể giữ được mối quan hệ kinh doanh. Bên giao đại lí phải làm sao để cho trách nhiệm của mình đối với hàng hoá được giảm nhẹ đi. Như vậy là lợi ích của hai bên trong hợp đồng phải có sự cân đối, hài hoà với nhau
Thứ hai, để tránh việc hợp đồng bị tuyên là vô hiệu các bên phải tuân theo các quy định mang tính chất bắt buộc của luật, đặc biệt là vấn đề sở hữu để tránh gây thiệt hại cho cả hai bên. Cần nhấn mạnh lại một điều rằng, trong đại lí thương mại quyền sở hữu hàng hoá luôn thuộc về bên giao đại lí, và nó được chuyển giao trực tiếp từ bên giao đại lí sang khách hàng chứ không phải là từ bên đại lí sang khách hàng. Điển hình như đối với loại hình đại lí bao tiêu, bên đại lí mua, bán trọn vẹn một khối lượng hàng hoá và thanh toán gần như là toàn bộ tiền hàng nhưng quyền sở hữu vẫn thuộc về bên giao đại lí chứ không chuyển sang cho bên đại lí.
Thứ ba, mặc dù Luật thương mại không quy định về trách nhiệm chịu rủi ro khi hàng hoá ở kho của bên đại lí, nhưng cần lưu ý rằng: về nguyên tắc thì ai là chủ sở hữu của hàng hoá thì người đó sẽ phải chịu rủi ro về nó, trừ trường hợp rủi ro xảy ra là do lỗi của bên kia. Và như vậy thì vô hình chung, bên giao đại lí sẽ phải chịu trách nhiệm đối với hàng hoá cho đến khi nó được giao đến tay khách hàng đảm bảo.
Thứ tư, về việc chấm dứt hợp đồng thì Luật thương mại chỉ quy đinh một số trường hợp nên khi áp dụng cần phải quay trở lại luật gốc, cụ thể là Bộ luật dân sự để áp dụng. Tuy nhiên theo chúng tôi, đại lí mua bán hàng hoá có những đặc trưng riêng nên việc quy định cụ thể về các trường hợp chấm dứt hợp đồng là cần thiết, nhất là trong điều kiện hiện nay khi mà hình thức đại lí đang ngày càng được mở rộng phạm vi cũng như lĩnh vực hoạt động.
Tóm lại, đại lí thương mại là một hoạt động đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Đây là kênh phân phối tương đối lớn để đưa hàng hoá, dịch vụ của người sản xuất, người cung ứng đến với người tiêu dùng, người sử dụng. Vì vậy, Luật thương mại cần có các quy định chặt chẽ và cụ thể hơn để các chủ thể tham gia có cơ chế pháp lý hoạt động tránh những tranh chấp không đáng có, bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể trong quan hệ.
Thu phương
Posts: 2
Join date: 21/05/2010
Age: 22
Đến từ: Thái Nguyên
So với pháp luật của nhiều nước trong việc xác định các hình thức hoạt động TGTM, pháp luật Việt Nam có quy định khác với nhiều nước trên thế giới ở một điểm nổi bật là bên cạnh ba hình thức hoạt động TGTM giống các nước như đã trình bày ở trên, LTM 2005 của Việt Nam còn quy định thêm một hình thức là đại lý thương mại. Điều 166 LTM 2005 quy định: Đại lý thương mại là loại hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao. Như vậy, theo LTM 2005 của Việt Nam, hoạt động đại lý thương mại và hoạt động uỷ thác mua bán hàng hoá có điểm giống nhau là: bên trung gian trong hai hoạt động này (bên đại lý, bên nhận uỷ thác) đều nhân danh chính mình để thực hiện việc mua bán hàng hoá cho bên uỷ quyền, do đó họ trực tiếp quan hệ với bên thứ ba và phải chịu trách nhiệm đối với bên thứ ba về các hoạt động của mình. Tuy nhiên, hoạt động uỷ thác mua bán hàng hoá có một số điểm khác với hoạt động đại lý thương mại: (i) quan hệ uỷ thác thường phát sinh trong từng vụ việc cụ thể, thời gian tồn tại không dài và bên uỷ thác sẽ có ít quyền kiểm soát hoạt động của bên nhận uỷ thác hơn so với bên giao đại lý trong quan hệ đại lý thương mại; (ii) theo LTM Việt Nam, hoạt động uỷ thác chỉ được thực hiện trong lĩnh vực mua bán hàng hoá còn đại lý thương mại được thực hiện trong mọi lĩnh vực của hoạt động thương mại.
Việc phân chia các hoạt động TGTM thành ba loại như nhiều nước trên thế giới hay chia làm bốn loại như pháp luật Việt Nam thì không có gì đáng bàn, nhưng một điểm đáng lưu ý là đại lý thương mại của Việt Nam khi dịch ra tiếng Anh cũng là commercial agency. Nhưng bản chất của hoạt động đại lý thương mại của Việt Nam thì lại hoàn toàn khác với hoạt động commercial agency (phần trên đã lý giải hoạt động này nên dịch ra tiếng Việt là ĐDTM) ở nhiều nước trên thế giới. Cụ thể là, trong hoạt động đại lý ở Việt Nam, bên đại lý nhân danh chính mình để quan hệ với bên thứ ba theo yêu cầu của bên giao đại lý, trong khi đó như đã trình bày, theo pháp luật của nhiều nước (như Pháp, Đức, Anh), trong hoạt động ĐDTM thì bên đại diện lại nhân danh bên giao đại diện để quan hệ với bên thứ ba trong phạm vi uỷ quyền. Đây là một vấn đề mà các thương nhân Việt Nam cần đặc biệt chú ý khi xác lập các hoạt động thương mại qua trung gian với thương nhân nước ngoài.
Tóm lại, mỗi hình thức hoạt động TGTM có những đặc điểm riêng, với những ưu điểm và những hạn chế nhất định. Bởi vậy, khi sử dụng các dịch vụ TGTM, các thương nhân Việt Nam phải nắm chắc các đặc điểm pháp lý của từng loại hoạt động TGTM để quyết định lựa chọn sử dụng cho phù hợp với nhu cầu của mình. Mặt khác, trong xu thế hội nhập quốc tế, thương nhân Việt Nam cũng nên biết sự tương đồng và khác biệt trong các hình thức hoạt động TGTM chủ yếu trên thế giới so với Việt Nam để tránh những hiểu lầm đáng tiếc dẫn đến thua thiệt lớn trong hoạt động kinh doanh./.
Điều 166. Đại lý thương mại
Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.
Điều 167. Bên giao đại lý, bên đại lý
1. Bên giao đại lý là thương nhân giao hàng hoá cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua hoặc là thương nhân uỷ quyền thực hiện dịch vụ cho đại lý cung ứng dịch vụ.
2. Bên đại lý là thương nhân nhận hàng hoá để làm đại lý bán, nhận tiền mua hàng để làm đại lý mua hoặc là bên nhận uỷ quyền cung ứng dịch vụ.
Điều 168. Hợp đồng đại lý
Hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Điều 169. Các hình thức đại lý
1. Đại lý bao tiêu là hình thức đại lý mà bên đại lý thực hiện việc mua, bán trọn vẹn một khối lượng hàng hoá hoặc cung ứng đầy đủ một dịch vụ cho bên giao đại lý.
2. Đại lý độc quyền là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định.
3. Tổng đại lý mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ là hình thức đại lý mà bên đại lý tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý.
Tổng đại lý đại diện cho hệ thống đại lý trực thuộc. Các đại lý trực thuộc hoạt động dưới sự quản lý của tổng đại lý và với danh nghĩa của tổng đại lý.
4. Các hình thức đại lý khác mà các bên thỏa thuận.
Điều 170. Quyền sở hữu trong đại lý thương mại
Bên giao đại lý là chủ sở hữu đối với hàng hoá hoặc tiền giao cho bên đại lý.
Điều 171. Thù lao đại lý
1. Trừ trường hợp có thoả thuận khác, thù lao đại lý được trả cho bên đại lý dưới hình thức hoa hồng hoặc chênh lệch giá .
2. Trường hợp bên giao đại lý ấn định giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng thì bên đại lý được hưởng hoa hồng tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ.
3. Trường hợp bên giao đại lý không ấn định giá mua, giá bán hàng hoá hoặc giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng mà chỉ ấn định giá giao đại lý cho bên đại lý thì bên đại lý được hưởng chênh lệch giá. Mức chênh lệch giá được xác định là mức chênh lệch giữa giá mua, giá bán, giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng so với giá do bên giao đại lý ấn định cho bên đại lý.
4. Trường hợp các bên không có thoả thuận về mức thù lao đại lý thì mức thù lao được tính như sau:
a) Mức thù lao thực tế mà các bên đã được trả trước đó;
b) Trường hợp không áp dụng được điểm a khoản này thì mức thù lao đại lý là mức thù lao trung bình được áp dụng cho cùng loại hàng hoá, dịch vụ mà bên giao đại lý đã trả cho các đại lý khác;
c) Trường hợp không áp dụng được điểm a và điểm b khoản này thì mức thù lao đại lý là mức thù lao thông thường được áp dụng cho cùng loại hàng hoá, dịch vụ trên thị trường.
Điều 172. Quyền của bên giao đại lý
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên giao đại lý có các quyền sau đây:
1. Ấn định giá mua, giá bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ đại lý cho khách hàng;
2. Ấn định giá giao đại lý;
3. Yêu cầu bên đại lý thực hiện biện pháp bảo đảm theo quy định của pháp luật;
4. Yêu cầu bên đại lý thanh toán tiền hoặc giao hàng theo hợp đồng đại lý;
5. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của bên đại lý.
Điều 173. Nghĩa vụ của bên giao đại lý
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên giao đại lý có các nghĩa vụ sau đây:
1. Hướng dẫn, cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho bên đại lý thực hiện hợp đồng đại lý;
2. Chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa của đại lý mua bán hàng hóa, chất lượng dịch vụ của đại lý cung ứng dịch vụ;
3. Trả thù lao và các chi phí hợp lý khác cho bên đại lý;
4. Hoàn trả cho bên đại lý tài sản của bên đại lý dùng để bảo đảm (nếu có) khi kết thúc hợp đồng đại lý;
5. Liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của bên đại lý, nếu nguyên nhân của hành vi vi phạm pháp luật đó có một phần do lỗi của mình gây ra.
Điều 174. Quyền của bên đại lý
Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, bên đại lý có các quyền sau đây:
1. Giao kết hợp đồng đại lý với một hoặc nhiều bên giao đại lý, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 175 của Luật này;
2. Yêu cầu bên giao đại lý giao hàng hoặc tiền theo hợp đồng đại lý; nhận lại tài sản dùng để bảo đảm (nếu có) khi kết thúc hợp đồng đại lý;
3. Yêu cầu bên giao đại lý hướng dẫn, cung cấp thông tin và các điều kiện khác có liên quan để thực hiện hợp đồng đại lý;
4. Quyết định giá bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng đối với đại lý bao tiêu;
5. Hưởng thù lao, các quyền và lợi ích hợp pháp khác do hoạt động đại lý mang lại.
Điều 175. Nghĩa vụ của bên đại lý
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên đại lý có các nghĩa vụ sau đây:
1. Mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng theo giá hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ do bên giao đại lý ấn định;
2. Thực hiện đúng các thỏa thuận về giao nhận tiền, hàng với bên giao đại lý;
3. Thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật;
4. Thanh toán cho bên giao đại lý tiền bán hàng đối với đại lý bán; giao hàng mua đối với đại lý mua; tiền cung ứng dịch vụ đối với đại lý cung ứng dịch vụ;
5. Bảo quản hàng hoá sau khi nhận đối với đại lý bán hoặc trước khi giao đối với đại lý mua; liên đới chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa của đại lý mua bán hàng hóa, chất lượng dịch vụ của đại lý cung ứng dịch vụ trong trường hợp có lỗi do mình gây ra;
6. Chịu sự kiểm tra, giám sát của bên giao đại lý và báo cáo tình hình hoạt động đại lý với bên giao đại lý;
7. Trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về việc bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng đại lý với một bên giao đại lý đối với một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định thì phải tuân thủ quy định của pháp luật đó.
Điều 176. Thanh toán trong đại lý
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, việc thanh toán tiền hàng, tiền cung ứng dịch vụ và thù lao đại lý được thực hiện theo từng đợt sau khi bên đại lý hoàn thành việc mua, bán một khối lượng hàng hoá hoặc cung ứng một khối lượng dịch vụ nhất định.
Điều 177. Thời hạn đại lý
1. Trừ trường hợp có thoả thuận khác, thời hạn đại lý chỉ chấm dứt sau một thời gian hợp lý nhưng không sớm hơn sáu mươi ngày, kể từ ngày một trong hai bên thông báo bằng văn bản cho bên kia về việc chấm dứt hợp đồng đại lý.
2. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu bên giao đại lý thông báo chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này thì bên đại lý có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường một khoản tiền cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý đó.
Giá trị của khoản bồi thường là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý cho mỗi năm mà bên đại lý làm đại lý cho bên giao đại lý. Trong trường hợp thời gian đại lý dưới một năm thì khoản bồi thường được tính là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý.
3. Trường hợp hợp đồng đại lý được chấm dứt trên cơ sở yêu cầu của bên đại lý thì bên đại lý không có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro