Điểm Cộng
VIỆC ĐIỂM CỘNG
[Thi đại học – Cộng hay không cộng và vì sao chúng ta cãi nhau]
Tôi đã quan sát kết quả thi đại học bốn năm trở lại đây. Năm nào cũng cãi nhau nhưng chưa năm nào gắt như năm nay.
Vì hơn 4000 điểm mười là con số không nhỏ.
Vì có lẽ 30 điểm vẫn trượt đại học là việc chưa từng có trong tiền lệ.
Và có lẽ chúng ta chưa thực sự hiểu nhau, cũng như hiểu về bản chất vấn đề này, phạm vi của nó vượt xa hơn việc chúng ta là người dân tộc nào, được sinh ra và lớn lên ở đâu. Tôi viết bài này, mong các bạn thực sự bình tĩnh, và để năm sau, vấn đề điểm cộng (nếu còn) sẽ không còn là thứ để chúng ta bận tâm nữa.
Vậy vấn đề ở đâu?
Hiện nay, mọi người đã cầm điểm trong tay rồi. Và như mọi năm, có những bạn không được vào ngôi trường mình mơ ước. Với những bạn đã được cộng điểm rồi thì không có gì để nói, nhưng những ai thi đại học với điểm thuần (không được cộng tí gì), hẳn sẽ có phần bức xúc. Hai năm trước tôi thi, sau khi nhận kết quả và so với thống kê, xếp hạng điểm của tôi là khoảng 4000, tức là cả nước có khoảng 4000 bạn điểm trên tôi. Với số điểm như vậy, sau khi chia đều số người cho các trường, tôi tự tin là sẽ đỗ vào trường mình muốn. Nhưng tôi đã quên mất một điều: điểm cộng. Sau khi cộng trừ nhân chia các kiểu, công thêm thông tin công khai từ các trường, thứ hạng của tôi đã tụt xuống hơn 18 000. Và, tôi lập tức rút hồ sơ, chuyển sang trường có biểu điểm thấp hơn (bạn nào tuổi hổ chắc sẽ rõ), và năm ấy, tôi mém trượt.
Tôi không bực, vì tôi không quan trọng trường, chỉ quan trọng ngành học. Nhưng rõ ràng việc cộng điểm đã tạo nên một sự thay đổi lớn về kết quả. Với đề thi phân hóa không rõ ràng như năm nay, việc chênh nhau về 0,25 điểm đã là con số cực kì lớn.
Lại xét về vấn đề điểm cộng. Điểm cộng xuất phát từ mục đích khuyến học và thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, các dân tộc. Mục đích như thế là tốt. Nhưng giả sử nó hợp lí, vậy tại sao chúng ta cãi nhau?
Thứ nhất, qua thời gian, vai trò của điểm cộng không còn khớp với tác động tích cực của nó nữa. Tôi từng nghe những bạn dân tộc kể, trường học của bạn ở rất xa, năm lớp sáu mới bắt đầu được học tin với tiếng Anh, nhà nghèo nên bạn phải vừa phụ việc nhà vừa học, và bạn được cộng điểm. Tôi cũng biết những bạn là người dân tộc khác không phải dân tộc Kinh, từ bé bạn đã sống ở thành phố, chẳng thiếu thứ gì, bạn cũng được cộng điểm. Tôi chơi với những bạn sinh ra ở thành phố, nhưng nhà nghèo, tiền học thêm còn không có, và bạn không được cộng. Có những bạn nhà ở khu vực hai, nhưng kinh tế và việc học đều thuận lợi, bạn vẫn được cộng điểm như một điều nghiễm nhiên.
Vấn đề ở đây, là thay vì cộng điểm cho những người có hoàn cảnh khó khăn, không được tiếp cận những điều kiện học cần thiết, chính sách lại cộng điểm cho người dân tộc và khu vực 1 và 2. Và vì hai tập trên KHÔNG GIAO NHAU HOÀN TOÀN, nên mới tạo ra bức xúc ở những người lọt thỏm ở giữa.
Chúng ta đều biết rằng không phải người nào ở khu vực 3 cũng có điều kiện học tập tốt, bạn ngoan thầy giỏi, cơm đút tận mồm, cả ngày chỉ học. Không phải bạn nào ở khu vực 1, 2 cũng được tiếp cận với điều kiện học tốt lên (đi kèm với sự phát triển của kinh tế). Việc lấy những dẫn chứng riêng lẻ không có thống kê tạo nên một góc nhìn hoàn toàn phiến diện, nhưng chúng ta vẫn dùng những lí lẽ đó để cãi nhau.
Thứ hai, chúng ta cãi nhau, vì mọi người đều đặt ưu tiên của mình lên trên. Trong cuộc tranh luận ấy, những bạn khu vực 3 thì muốn bỏ việc cộng điểm vì nó ảnh hưởng đến lợi ích của mình, những bạn người dân tộc ở khu vực 1, 2 không muốn bỏ vì nó ảnh hưởng đến lợi ích của họ. Cái đa phần mọi người không tính đến, là LỢI ÍCH CHUNG cho cả hai bên. Chúng ta đều là những người trẻ, đều bỏ công sức, vất vả vì kì thi đại học. Khi nói đến thi đại học thì đừng nói ai sướng! Nếu đã không mệt mỏi về tiền bạc, vật chất, thì cũng bị stress, áp lực về tinh thần. Vậy mà đến khi có kết quả, chúng ta chia rẽ lẫn nhau chỉ vì MỘT CÁI CHÍNH SÁCH ƯU TIÊN. Chúng ta hướng mũi giáo vào lẫn nhau, dùng ngôn từ để công kích, tất cả để làm gì khi năm sau những thế hệ em của chúng ta, lại tiếp tục chịu những sự vô lí như vậy.
Rồi thế hệ trẻ chúng ta, bất kể là người con của dân tộc nào, sinh ra và lớn lên ở đâu, chúng ta vẫn chỉ là những quân cờ của bộ giáo dục, ở một bàn cờ đã vỡ trận từ lâu.
Sau bài viết này, tôi hi vọng các bạn sẽ nhìn lại một chút, và thông cảm cho cả hai bên. Kì thi đã kết thúc và kết quả không thể thay đổi. Tôi chỉ mong các bạn, những ai vừa trải qua kì thi vừa rồi, hãy bình tĩnh, và thực sự bình tĩnh. Để mọi thứ tốt lên trong dài hạn, chúng ta cần bỏ qua những hiềm khích, thấu hiểu lẫn nhau và nhìn mọi thứ sâu hơn vẻ ngoài của nó. Để đến khi trưởng thành, chúng ta mới có thể cùng nhau, chấm dứt sự điên rồ này, sự điên rồ cứ kéo đến mỗi năm khi kì thi đại học kết thúc.
Mọi việc đều có thể trở nên tốt hơn, miễn là chúng ta ngưng ghét bỏ lẫn nhau. Đừng nghĩ về những người xung quanh như những kẻ đang lăm lăm cướp lấy cơ hội chúng ta vào đại học. Vì tất cả học sinh, dù thành phố hay ở quê, dù ở dân tộc nào, dưới áp lực thi cử này, đều đáng thương như nhau.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro