Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 25: ĐƠN CỰC VÀ LƯỠNG CỰC

Chương này có nội dung hình ảnh, nếu bạn không thấy, vui lòng kết nối mạng để xem.


Những chu kỳ lặp đi lặp lại của hưng và trầm cảm, biểu hiện đặc trưng của rối loạn lưỡng cực, đã được ghi nhận ở phương Tây từ thế kỷ thứ 6, và tới nay, cái tên trầm cảm hưng phấn (manic depression) vẫn tiếp tục được sử dụng cho căn bệnh này. Giống một con kỳ nhông đổi màu, nó khiến giới nghiên cứu bối rối trong một thời gian dài. Thoạt tiên, DSM đặt nó trong nhóm các bệnh loạn thần (psychosis), sau thì chuyển nó sang nhóm các rối loạn tâm trạng, và tới DSM-5 thì tách nó ra thành một nhóm riêng. Tổ chức Y tế Thế giới, trong hệ thống phân loại mới nhất của mình, ICD-11, thì vẫn để nó trong nhóm rối loạn tâm trạng, cùng với trầm cảm. Rối loạn lưỡng cực rất hay bị nhầm lẫn với trầm cảm, đó cũng là lý do vì sao chúng ta dành cho nó một chương riêng và vì sao chuyện của Dũng mang tên là câu chuyện không số.

Cũng giống như nhiều tâm bệnh khác, nó không phải là một bệnh, mà là một nhóm bệnh, gồm có rối loạn lưỡng cực loại I và loại II, rối loạn lưỡng cực chu kỳ (cyclothymic) và những rối loạn lưỡng cực khác (bao gồm những gì mang tính lưỡng cực nhưng không vừa với định nghĩa của ba bệnh kia). Trong chương này, chúng ta sẽ chỉ tập trung vào hai bệnh chính của nhóm là rối loạn lưỡng cực loại I và loại II.

Sự khác nhau của hai loại là sự dữ dội của hưng cảm (mania). Ở loại I, nó ở mức cao, ở loại II, hưng cảm chỉ ở mức nhẹ, được gọi là hypomania (hypo có nghĩa là ở dưới). Hypomania ít hủy hoại cuộc sống hơn và thường không khiến người bệnh phải nhập viện. Mặt khác, các giai đoạn trầm cảm loại có thể nặng nhẹ khác nhau, nhưng ở loại II thì chúng chỉ ở mức nặng mà thôi. Có thể tóm tắt thế này:

Rối loạn lưỡng cực loại I= Hưng cảm nặng+ Trầm cảm nặng hoặc nhẹ

Rối loạn lưỡng cực loại II = Hưng cảm nhẹ + Trầm cảm nặng

Rối loạn lưỡng cực cũng có xu hướng trở đi trở lại; không thể dự đoán được một cá nhân trong đời mình sẽ chỉ trải qua vài ba hay là tới cả mấy chục giai đoạn bệnh của cả hai cực. Các pha bệnh có thể cách nhau nhiều năm, thậm chí vài thập kỷ, tuy nhiên, nếu không được trị liệu, chúng sẽ xuất hiện ngày càng mau. Ngoài ra, nhiều người có thể từ cực này ngay lập tức chuyển sang cực kia mà không có một khoảng nghỉ. Những trường hợp này được coi là thách thức hơn cho trị liệu.

Biểu đồ tâm trạng của rốiloạn lưỡng cực loại I

(Theo Francis Mark Mondiniore trong Bipolar Disorder: A Guide for Patients and Families, John Hopkins University Press, 2014)

Biểuđồ tâm trạng của rối loạn lưỡng cực loại II

(Theo Francis Mark Mondiniore trong Bipolar Disorder: A Guide for Patients and Families, John Hopkins University Press, 2014)

Một pha hưng cảm thường bắt đầu từ từ, gần như không nhận biết được. Người ta cảm thấy dễ chịu, hứng khởi, năng lượng dồi dào. Thảo ngồi ngược sau xe máy, muốn hét lên và ném điện thoại đi vì phấn khích. Cô đăng ký làm vô số dự án, nửa đêm còn lôi đống quần áo ra giặt tay mà năm giờ sáng đã cập nhật Instagram. Rồi dần dần nó trở nên mang tính bệnh lý rõ ràng. Ở đỉnh điểm, người ta có thể thấy mình vô cùng ưu tú, tài giỏi. "Máu trở thành những dòng chảy của lửa" Kay Jamison, trong cuốn Đêm xuống nhanh, trích dẫn một bệnh nhân. "Những ý nghĩ chảy như thác, những ý tưởng nhảy từ chủ đề này sang chủ đề khác. Suy nghĩ lỏng như nước, và đi kèm với cảm giác quyến rũ và loạn thần là mọi thứ trong vũ trụ đều kết nối với nhau." Người hưng cảm bùng nổ và không cần ngủ. Cảm giác hưng phấn, tự tin quá mức và sự tràn trề năng lượng dẫn tới những hành vi đặc trưng như hoạt động tình dục cao, sử dụng nhiều đồ có cồn hay tiêu xài vô độ. Có những giai đoạn Dũng liên tục mua quần áo mới chứ không giặt để mặc lại. Trong nhà anh treo một bức ảnh nghệ thuật lớn, giá mấy trăm đô la, không ăn nhập gì với các đồ đạc xung quanh, được mua trong một giai đoạn hưng cảm.

Những ý nghĩ chạy vùn vụt trong đầu khiến người hưng cảm phải tăng tốc độ nói để đuổi kịp chúng. Số lượng âm tiết của họ có thể lên tới tận hai trăm mỗi phút, so với mức trung bình từ một trăm hai mươi tới một trăm năm mươi. Nếu như nội dung biểu đạt ở người bình thường có cấu trúc giống một cái cây thân gỗ, mỗi cành lớn là một ý chính, các cành nhỏ bổ trợ cho ý chính đó, thì ngôn ngữ nói của người hưng cảm giống như một bụi sả. Ngồi trước Dũng khi anh hưng cảm, có thể nhận thấy anh bị các suy nghĩ của mình kéo đi lung tung. Anh nghe thấy câu hỏi của người tiếp chuyện, "Bạn và người yêu đã chia tay như thế nào?" nó nằm trước anh, anh nhìn thấy nó, vẫn nhớ nó, muốn trả lời nó, nhưng anh bị lôi sang một chủ đề khác, chìm vào các tiểu tiết của nó, rồi lại một chủ đề khác nữa.

Tâm trạng hoành tráng, thấy mình xuất chúng, không phải lúc nào cũng xảy ra. Trong nhiều trường hợp, sự tức giận thống trị. Chúng ta nhớ lại những cơn giận dữ của Dũng trong quán bia hay tiệm karaoke, khiến bố anh phải lặng lẽ đi theo để xin lỗi. Thường những cơn thịnh nộ này là điều khiến người bệnh cho rằng mình cần phải tới bác sĩ.

Hưng cảm ở loại II, hypomania, ít dữ dội hơn. Người ta không lộn xộn trong suy nghĩ và lời nói, không ở trong trạng thái kích động, cuồng loạn hay giận dữ bạo lực, nhưng họ có thể trong một tích tắc bỏ việc để theo đuổi một dự án "hết sức tiềm năng", ném tiền bạc vào những kênh đầu tư rủi ro, hay nhanh chóng lao vào những quan hệ mới. Những giai đoạn này thường đem lại cảm giác rất tuyệt vời, tới độ nhiều người không muốn mất chúng, dù chúng đem lại nhiều tổn hại. Nhiều người chỉ tìm tới nhà chuyên môn để than phiền về các pha trầm cảm của mình. Có thể cho rằng loại II dễ chịu hơn loại I, nhưng các giai đoạn bệnh của loại này, đặc biệt là các pha trầm cảm, lại dài hơn và mau hơn. Đó là một lý do khác khiến họ hay bị chẩn đoán nhầm là có trầm cảm.

Khi một cá nhân chỉ có những pha hưng cảm mà chưa từng có pha trầm cảm nào, người ta mặc định là nó sẽ tới trong tương lai. Cũng có ý kiến cho rằng biết đâu tồn tại một loại rối loạn hưng cảm đơn cực, chỉ có hưng cảm mà không có trầm cảm, như một đối cực của trầm cảm thuần túy, đơn cực mà chúng ta vẫn nói tới. Tuy nhiên, đa số cho rằng nhiều khả năng đây là những trường hợp mà các biểu hiện trầm cảm ở mức nhẹ nên không được chú ý và gọi tên.

Người ta cũng nói tới hiện tượng quay vòng nhanh (rapid cycling), khi có nhiều hơn bốn pha hưng cảm và trầm cảm đổi nhau trong một năm, và cho rằng nó có thể xảy ra khi người mắc lưỡng cực dùng thuốc chống trầm cảm và do đó bị đẩy vào pha hưng cảm. Các biểu hiện của hưng và trầm cảm cũng có thể xảy ra cùng một lúc, pha trộn vào nhau. Một cá nhân có thể đi ngủ trong u uất và tỉnh dậy đầy năng lượng, hào hứng lao vào công việc, chỉ để mấy tiếng sau lại chìm trong khóc lóc. Vốn được cho là không phổ biến, các nghiên cứu gần đây cho thấy có tới hơn một phần tư người bệnh trải qua các giai đoạn hỗn hợp này. Nếu như pha hưng cảm đầu tiên là một pha hỗn hợp chứ không phải một pha "thuần túy" thì tiên lượng bệnh lâu dài sẽ xấu hơn. Trạng thái hỗn hợp khá nguy hiểm, bởi năng lượng dồi dào, sự căng thẳng, bồn chồn kết hợp với tâm trạng u ám, tuyệt vọng, có thể đẩy người ta tới hành vi cực đoan. Trong các tâm bệnh liên quan tới cảm xúc, rối loạn lưỡng cực có tỷ lệ tự sát cao nhất, gấp hai mươi lần mức trung bình. Một phần ba tới một nửa người rối loạn lưỡng cực có ít nhất một hành vi tự sát trong đời. Một phần tư trong số đó dẫn tới tử vong.

Cũng như với đa số tâm bệnh, rối loạn lưỡng cực có cả nguyên nhân sinh học lẫn lý do môi trường. Gene được cho là chịu trách nhiệm tới tám mươi, chín mươi phần trăm cho rủi ro để bệnh xuất hiện, cao hơn mức ở tất cả các tâm bệnh khác, kể cả tâm thần phân liệt. Ngoài ra, nếu như ở trầm cảm các chất dẫn truyền tín hiệu thần kinh norepinephrine hay serotonin được cho là bị thiếu hụt thì ở hưng cảm, người ta đoán chúng bị thừa. Tuy nhiên, bức tranh không đơn giản. Theo một số nghiên cứu, các pha hưng cảm đúng là có đi kèm với mức norepinephrine cao hơn, nhưng mức của serotonin thì dường như lại thấp, kể cả lúc trầm lẫn lúc hưng cảm. Những nghiên cứu hiện đang tập trung vào vai trò của dopamine và mối liên quan giữa nó với các trạng thái vĩ cuồng, tăng động và hưng phấn.

Lithium, thuốc chủ đạo cho hưng cảm, có tác động giảm thiểu hoạt động sản sinh ra dopamine.

Mặc dù các yếu tố sinh học quan trọng, các yếu tố môi trường cũng có vai trò của chúng, từ chuyện bà mẹ bị cúm hay hút thuốc khi mang thai, hay tuổi của cha mẹ ở thời điểm thụ thai cao, tới các rủi ro kinh điển như các sự kiện bất lợi trong tuổi thơ.

Trong một khảo sát ở Mỹ đầu thập kỷ 1990, một phần ba số người có rối loạn lưỡng cực không được trị liệu mười năm sau khi có biểu hiện. Hai phần ba nhận được ít nhất một chẩn đoán sai trước khi được chẩn đoán chính xác, thường là nhiều năm sau. Trung bình, mỗi người đã phải gặp hơn ba bác sĩ trước khi được chẩn đoán đúng. Sau nhiều lần bị cho là trầm cảm thì Uyên mới được chẩn đoán đúng là rối loạn lưỡng cực (cùng với PTSD). Trước khi các pha trầm cảm của mình xuất hiện, Dũng bị bác sĩ cho là giả vờ, "tối nào cũng lên sàn nhảy và uống rượu như vậy thì không thể có bệnh được". Ngoài việc bị chẩn đoán nhầm là trầm cảm, người có rối loạn lưỡng cực còn hay bị nhầm là có rối loạn nhân cách; hai loại rối loạn này cũng có nhiều biểu hiện giống nhau.

Hiện nay, thuốc vẫn được coi là phương pháp ưu tiên để điều trị rối loạn lưỡng cực, tuy cả số loại thuốc lẫn tác dụng của chúng vẫn còn khá hạn chế. Lithium, một kim loại nhẹ có sẵn trong tự nhiên, đang là thuốc chính để ổn định tâm trạng, nó được dùng cho cả các pha hưng và trầm cảm và đem lại hiệu quả nhất định ở tầm ba phần tư các trường hợp. Cơ chế tác động của lithium lên bệnh vẫn là điều bí ẩn, tác dụng trị liệu của nó được phát hiện ra một cách ngẫu nhiên. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, John Cade, một nhà tâm thần học Úc, tình cờ quan sát thấy sau khi được tiêm một hợp chất chứa lithium, các con lợn trong phòng thí nghiệm của ông tỏ ra thư thái hơn.

Lithium cũng được dùng với mục đích phòng ngừa, nhưng cũng chỉ khoảng một phần ba các trường hợp là tránh được bệnh tái phát trong khoảng thời gian năm năm, tuy nếu không dùng thuốc thì tình hình còn tệ hơn. Mặt tối của lithium là nó có nhiều tác dụng phụ khó chịu, liên quan tới thể chất như khát nước, tăng cân, rối loạn tiêu hóa, run người, kiệt sức, hay tới đầu óc như nhận thức kém nhanh nhạy, trì trệ, phối hợp chuyển động suy giảm. Dùng lithium trong một thời gian dài cũng sẽ tác động tiêu cực lên thận. Cần cẩn trọng theo dõi nồng độ lithium trong máu, quá liều có thể dẫn tới thần kinh bị hủy hoại hay thậm chí tử vong.

Những năm gần đây, một số thuốc chống co giật cũng được dùng cho những người không đáp ứng với lithium hoặc không chịu được tác dụng phụ của nó, tuy nhiên một số nghiên cứu chỉ ra rằng rủi ro tự sát ở những thuốc này cao gấp hai tới ba lần ở lithium.

Sau nhiều thập kỷ, những tranh cãi nảy lửa về vai trò của thuốc trầm cảm truyền thống, vẫn được dùng cho trầm cảm đơn cực, trong điều trị trầm cảm ở rối loạn lưỡng cực vẫn chưa có hồi kết. Nhiều chuyên gia cho rằng trong trường hợp này chúng không những không hiệu quả mà còn gây hại vì chúng kích hoạt hưng cảm. Quan điểm chung hiện nay mà mọi người thống nhất được là nếu có dùng thuốc trầm cảm thì cần thận trọng và theo dõi sát sao.

Nhìn chung, khả năng người có rối loạn lưỡng cực hồi phục hoàn toàn là khá thấp. Trung bình, người bệnh sống một phần năm cuộc đời mình trong các giai đoạn bệnh khác nhau, và chúng có thể phá hủy các quan hệ liên cá nhân, công việc, nghề nghiệp, chỗ đứng xã hội của họ trong bốn phần năm thời gian còn lại. Do đó, trị liệu tâm lý đóng vai trò hỗ trợ quan trọng, cung cấp kiến thức để người bệnh tự theo dõi các dấu hiệu bệnh, giúp họ tạo ra và giữ một nhịp sinh hoạt lành mạnh, cải thiện các mối quan hệ liên cá nhân, và đi theo liệu pháp dược mà không bỏ cuộc, vốn là một vấn đề lớn. Một môi trường xung quanh có kiến thức về bệnh, cảm thông và hỗ trợ, như Dũng may mắn có được, là vô cùng quan trọng để không khiến các triệu chứng nặng lên và không làm tệ hại hơn chất lượng cuộc sống vốn đã gặp nhiều thách thức của người bệnh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro