Câu chuyện số 12: HÔM NAY LÀ MỘT NGÀY NẮNG ĐẸP TUYỆT VỜI (Phần 2)
PHẦN 2
Ngày 3 tháng Mười một 2018
Đau người, chóng mặt, buồn nôn. Đau tới mức chỉ muốn nằm xuống, tới độ không tập trung để nghe nhạc nổi. Mãi mình cũng mở được cái email ra, nhưng chỉ nhìn nó chằm chằm, không đủ sức làm gì thêm cả.
Mình biết mình cần phải uống nước. Mình ngồi trên giường, cách bình nước một gang tay, và nhìn chằm chằm vào nó. Tất cả những gì mình phải làm là nhấc cái bình lên, rót nước và uống. "Cầm lên đi! Cầm lên đi!" mình tự nhủ, nhưng tay mình như đã hóa đá.
Ngày 5 tháng Mười một 2018
Cuối cùng mình cũng viết xong cái email. Một kỳ tích.
Ngày 16 tháng Mười một 2018
Nản. Sao mình cứ mệt hoài? Nóng người, choáng váng, buồn ngủ rũ rượi, mặc dù đã ngủ cả buổi chiều. Khó chịu quá. Mình chỉ muốn làm bất cứ điều gì để kết thúc được trạng thái này.
Dưới sàn lăn lóc mấy cuốn sách, lâu rồi mình chẳng buồn ngó tới dù mình vốn mê sách. Ai đó nói rằng trầm cảm không có nghĩa là thế giới của bạn bị phủ lên một lớp voan màu xám. Nó có nghĩa là bạn nghĩ rằng lớp voan hạnh phúc đã bị lấy đi, để lộ ra thế giới thực xám xịt. Người trầm cảm tin rằng họ đang nhìn thấy thực tại như nó là.
Tuần trước, mình lại phải gọi cho đường dây nóng hỗ trợ tâm lý. 15 12 17, cái số điện thoại quen thuộc. Ấm áp và bình tĩnh, bà trực điện thoại hỏi mình có ý định tự sát không, mình đang ở đâu, có ai bên cạnh không, mình vừa trải qua những gì. Phần lớn thời gian, bà ấy lắng nghe và không đưa ra những lời khuyên. Bà ấy không bảo là mình phải cố gắng lên, phải nghĩ tới bố mẹ, đừng có ích kỷ mà tự tử, hay cuộc đời đẹp lắm, có gì mà phải buồn.
Mình khóc rất nhiều và dịu xuống.
Hôm nay, mình xem lại cái kế hoạch an toàn mà mình và cô chuyên gia tâm lý đã làm với nhau năm ngoái.
<Kế hoạch an toàn>
<Tôi cần làm gì để giảm thiểu rủi ro là tôi sẽ hành động theo các ý nghĩ tự sát của mình?>
Tôi sẽ tự nhủ là những suy nghĩ đó rồi sẽ qua đi, tôi sẽ gọi điện cho bạn thân, và không ra khỏi nhà.
<Những điều gì có thể kích động và khiến tôi bị mất kiểm soát?>
Mắc lỗi.
Giao tiếp với người khác. Suy nghĩ là mình vô giá trị.
<Điều gì quan trọng nhất với tôi và khiến tôi muốn sống vì nó?>
Em gái tôi.
<Khi tôi bị xâm chiếm bởi ý nghĩ muốn tự sát, những gì có thể làm tôi dịu lại?>
Tôi sẽ khóc, khóc sẽ khiến tôi thấy dễ chịu hơn.
Tôi sẽ tự nhủ là kể cả khi không có ai bên cạnh, tôi vẫn có chính mình.
<Lúc đó, tôi có thể nói gì với bản thân?>
Sự tồn tại của tôi có ý nghĩa với em tôi, với bạn tôi.
Tôi đã không ở đây nếu sự tồn tại của tôi là vô nghĩa.
<Nếu suy nghĩ tự sát vẫn tiếp tục, tôi sẽ gọi cho:>
Liên (qua facetime).
Nếu không gặp được người đó, tôi sẽ gọi đường dây nóng.
<Nếu sau đó mong muốn tự sát vẫn choáng ngợp, tôi sẽ tới Khoa Cấp cứu của bệnh viện gần nhất. Bệnh viện gần tôi nhất là:>
Royal Hospital.
<Tôi, Thuy Duong, cam kết là sẽ tuân thủ kế hoạch an toàn này mỗi khi tôi có suy nghĩ muốn tự sát.>
Mình đang cam kết với ai đây nhỉ, với cô tham vấn, với chính mình? Mình cũng không biết nữa, nhưng tờ giấy A4 nhàu nát này khiến mình dịu lại chút ít.
Ngày 21 tháng Mười một 2018
I just want the pain to stop. Please.
Ngày 30 tháng Mười một 2018
"Mày vô giá trị."
"Mày không xứng đáng để sống."
"Mày là gánh nặng cho gia đình và bạn bè. Cái chết của mày sẽ làm họ nhẹ gánh, nên là mày chết đi thì hơn."
Những ý nghĩ đó vang lên trong đầu mình, rõ ràng và mạch lạc. Ngày đêm chúng đeo bám mình. Giống những dementor, lũ quái vật đen tối trong Harry Porter có khả năng hút cạn hạnh phúc của con người và tạo ra những không gian lạnh lẽo, tăm tối, khốn khổ và tuyệt vọng, những ý nghĩ này bóp méo cái nhìn của mình về thế giới và bản thân, rút kiệt niềm vui trong cuộc sống và chỉ để lại những ký ức của rùng rợn, mất mát và cô đơn. Trong truyện, dementor là những kẻ cai ngục tại nhà tù Azkaban, và chúng có khả năng khiến các tù nhân không thể có ý chí để vượt ngục. Mình đọc được là tác giả tạo ra hình ảnh những quái vật này từ những trải nghiệm trầm cảm của mình. Với bà, trầm cảm có nghĩa là "Không thể hình dung ra được là một lúc nào đó mình lại cảm nhận lại được niềm vui. Sự vắng mặt của hy vọng. Một cảm giác chết chóc nhưng rất khác với sự buồn bã."
Mình không muốn chết đâu, mình muốn sống hạnh phúc và đủ đầy. Nhưng mình cũng muốn thoát khỏi cái đống cảm xúc và suy nghĩ này, chúng đang giày vò mình tới cùng cực.
Ngày 15 tháng Mười hai 2018
Mình nghĩ về cái chết của mình, từ chuyện lớn như là làm sao để thuyết phục bố mẹ cho mình hiến tạng, tới chuyện nhỏ như mình sẽ mặc gì khi mình chết.
Có một điều mình biết chắc, mình không muốn người ta nhìn mình và nói, "Nó đã tự tử." Mình muốn người ta hiểu rằng, cuối cùng thì trầm cảm đã lấy đi mạng sống của mình, giống như ung thư hay các bệnh khác vậy. Mình không muốn cái chết của mình khiến những người đang đau khổ giống mình ngoài kia bị kỳ thị và dán nhãn thêm.
Và khi người ta nhìn mình, mình hy vọng họ hiểu được là mình đã dũng cảm, đã vật lộn kiên cường như thế nào. Đã sống với hy vọng và lòng trắc ẩn ra sao. Trong đêm đen dài hai mươi hai năm, mình đã trở thành ánh sáng cho chính mình như thế nào, bởi vì không ai, không một ai, có thể hiểu được những gì mình đã phải trải qua.
Ngày 24 tháng Một 2019
Mình đã ra khỏi trung tâm phục hồi của Royal Hospital sau gần hai tuần. Mình được gửi vào đó khi nguy cơ tự sát đã cao tới mức ở nhà không an toàn với mình nữa. Những tuần trước đó, mình đã phạm sai lầm là ép bản thân học quá nhiều, cho tới khi mình nghĩ tới việc tìm một nơi để nhảy xuống, dù trong bản kế hoạch an toàn, mình đã cam kết là "sẽ không ra khỏi nhà" khi có ý định tự sát.
Trung tâm đó có một phòng khách lớn, nơi mọi người có thể đọc sách, tô màu, chơi đàn guitar hay viết lời mong ước của mình rồi dán lên Cây Hy vọng ở trên tường. Phòng của mình có một cửa sổ lớn nhìn ra cái vườn rau, nơi có mấy con gà và một con mèo tha thẩn. Như ở một trại an dưỡng, mình nấu ăn, tưới cây, gặp chuyên gia tâm lý, cùng nhân viên đi dạo vào rừng hay tới cửa hàng tạp hóa mua kẹo. Mình vẫn được dùng máy tính, nhưng tám giờ tối thì phải nộp cho y tá. Ai cũng nhẹ nhàng, dễ chịu, ghi nhận nỗi đau của mình. Việc được tách ra khỏi môi trường cũ của mình và có người lắng nghe mình khiến mình thấy khá hơn.
Mình đang khóc, không ngừng được.
Mình luôn khóc như thế này khi biết ai đó chết vì trầm cảm. Không phải là tự tử - họ đâu có chọn cái chết vì họ thích chết. Họ bị bệnh ép tới chết.
Mình không nghe nhạc Linkin Park nhiều, cũng mới chỉ xem một phim của Robin William, nhưng mình cảm thấy nỗi đau của họ, mình thấy đau cho họ, tới mức mình phải bật khóc. Chẳng có sự giày vò thể xác nào có thể so sánh được với cái đau của trầm cảm. Và đau đớn thay, cái chết của người trầm cảm luôn là cái chết cô đơn. Ngoài kia là một cuộc sống tươi đẹp, nhưng họ đâu có thể chạm tới được. Ngoài kia có bao nhiêu người họ yêu quý, nhưng tình yêu đó bị nghiền nát bởi căn bệnh.
Ngày 23 tháng Hai 2019
Mình đã sống sót được qua năm vừa rồi như thế nào nhỉ? Nhiều hôm, chỉ nghĩ tới việc lên lớp thôi đã đủ khiến mình run rẩy. Nỗi sợ giao tiếp khiến mình đóng băng, chân tay hoá đá, miệng há ra mà không phát ra tiếng. Qua ánh mắt người đối diện, mình biết họ đang nghĩ rằng mình đần độn.
Mỗi ngày mình chỉ có thể làm việc được hai, ba tiếng, với điều kiện mọi thứ phải được sắp xếp ngăn nắp, tuân thủ nghiêm ngặt giờ ăn, giờ ngủ, giờ nghỉ, năng lượng phải được tiết kiệm tối đa. Giờ đây mình là một người khuyết tật rồi, trên bàn mình là cả tệp giấy cô tham vấn tâm lý gửi cho trường để xin cho mình được lùi hạn nộp bài.
Sáng mai mình sẽ dậy sớm đi xem cá voi ngoài biển, mình hy vọng mình làm được. Nhìn những đứa khác sống nhẹ nhàng, nhiều khi mình chạnh lòng ghen tị. Nhiều lần bạn bè hẹn đi chơi, mình háo hức lên kế hoạch, mua đồ này thức ăn kia, nhưng tới hôm đấy thì lại không thể ra được khỏi nhà. Nhiều đứa nghĩ rằng mình bày trò.
Ngày 26 tháng Ba 2019
Não mình như một cái míc quá nhạy, chỉ một xung động nhỏ cũng khiến cái loa rú rít lên rồi. Hôm nay mình bị panic attack ba lần, khi đang học bài, lúc đi chợ, khi nghe điện thoại. Đến lần cuối thì mình gục hẳn, phải nằm ra đất, tim đập thình thịch, chân tay run rẩy, đầu choáng váng. Mình thở gấp nhưng nông, thiếu ô xy, cơ thể lại càng cuống cuồng.
Cơn hoảng loạn thường được khởi đầu bởi suy nghĩ là mình vô dụng. Suy nghĩ này xâm chiếm tới mức mình tê liệt và không làm được gì nữa. Mình bắt đầu sỉ vả bản thân, và điều đó khiến cảm giác bản thân vô dụng kia lại càng bùng lên. Cuối cùng, mình bị nhấn chìm bởi đống rối ren trong đầu.
Thực lòng, ở tận sâu đáy lòng mình, mình vẫn còn thèm khát thành tích lắm. Mình vẫn còn muốn chứng tỏ với người khác và với cả bản thân lắm. Vẫn kín đáo so sánh điểm số, vẫn lo lắng người khác nghĩ gì về mình. Qua bao nhiêu năm rồi, mình bị lập trình như vậy. Bố mẹ đã luôn tiêm vào đầu mình rằng con phải là thứ nhất, không thì cũng là thứ nhì, nên mình bị ám ảnh lúc nào không hay. Hồi lớp mười một, ngày nào mình cũng chỉ ngủ vài tiếng, cày như một con trâu, tung hứng hết bài tập này tới bài tập khác. Sao hồi đó không ai nhận ra mình đang kiệt sức và tím tái như một con zombie nhỉ? Hồi ở Mỹ thì ngồi trong lớp mà mình cứ canh cánh trong lòng, đứa bên cạnh đã nói được bao nhiêu câu, mình đã nói được cái gì có giá trị chưa. Hôm nào mà không có ý kiến gì hay ho thì sẽ cảm thấy bản thân là cặn bã của xã hội.
Thùy Dương ơi, đừng có tham nữa, đừng có cố nữa, chấp nhận giới hạn của mày đi, lắng nghe cơ thể của mày đi. Từ bỏ sự sốt ruột muốn có một cuộc sống giống chúng nó đi! Ngừng ghen tị đi. Thôi tức giận và tiếc nuối về những năm tháng đã mất vì bệnh tật đi.
Ngày 19 tháng Tư 2019
Mình cứ lẩn tránh việc gọi điện cho chỗ vật lý trị liệu mãi, mình sợ. Đêm qua, chỉ hình dung ra sáng nay nhấn số điện thoại là tim mình đã đập thình thịch, người bật dậy, mắt mở thao láo, trong đầu đầy các hình ảnh họ chửi mắng vào mặt mình.
Nhìn lại bảng so sánh mức độ khuyết tật của một số bệnh tâm thần và một số bệnh khác của trường Đại học Eramus, Hà Lan, mình vẫn không khỏi ngạc nhiên.
Trầm cảm nhẹ - tương đương với viêm khớp hông hay đầu gối.
Rối loạn lo âu nhẹ nhẹ tới vừa - tương đương với nứt đốt sống.
HIV.
Trầm cảm vừa - tương đương với hen suyễn nặng, viêm gan B, bệnh điếc, đa xơ cứng (rối loạn não bộ và tủy sống).
Rối loạn căng thẳng hậu sang chấn mức nặng - tương đương với liệt chi dưới, viêm phế quản kinh niên nặng, tổn thương thành phế nang phổi.
Trầm cảm nặng - tương đương với tổn thương não vĩnh viễn, ung thư vú đã di căn.
Thật khôi hài khi người ta khuyên những người trầm cảm là, "Vui lên đi, vẫn còn lành lặn tay chân là sướng lắm rồi." Họ không hiểu gì cả.
Mình nghĩ là cũng như người bị tai nạn mất tay mất chân, mình vẫn đang phải trải qua quá trình chấp nhận thực tại mới mà không trở nên cay đắng.
Ngày 23 tháng Tư 2019
Tỉnh dậy sau giấc ngủ trưa, cả người mình nóng bừng như đang sốt, mồ hôi chảy thành dòng. Từ lúc bị bệnh, cơ thể của mình gần như không điều hòa được nhiệt độ nữa. Thấy đã muộn, mình vội đứng dậy nhưng ngã ngay xuống đất và phải nằm đó một lúc lâu. Mình nhìn trần nhà, ngay cả việc thở cũng đau, như là có ai đang siết chặt lồng ngực của mình, không cho nó nở ra để không khí đi vào.
Thật khó hình dung là đã có lúc mình đi lại nhanh nhẹn, đứng lên ngồi xuống nhẹ nhàng như không. Thật là kỳ quặc, tại sao một người đang sống bình thường lại có thể bị một cái bệnh hoàn toàn vô hình làm cho ngã xuống sàn mà không đứng dậy nổi? Mình vẫn không hiểu được.
Liệu mình có nên dùng xe lăn?
Bà trị liệu vật lý khuyên là đợt này mình cứ đi bộ tối đa mười phút thì lại phải nghỉ năm phút. Nhưng mình phải đi học, đi chợ, tới chuyên gia tâm lý. Mà trong trường, giữa các tòa nhà cũng xa ơi là xa rồi.
Tuần trước, bác sĩ đã chính thức cho bệnh đau của mình một cái tên: fibromalgia. Kiệt sức, đau toàn thân, cứng cơ, mất ngủ, sương mù fibro (đầu óc mụ mị, khó hồi tưởng và tập trung), đó là những gì Google nói với mình về bệnh này. Trong trường hợp này, quá trình xử lý các tín hiệu đau của hệ thần kinh trung tâm bị trục trặc. Người ta nói bệnh này có gốc rễ từ các sự kiện chấn thương tâm lý và từ gene, có trời mà biết được ở mình thì yếu tố nào là chính, nhưng biết thì cũng có để làm gì đâu? Mình chỉ muốn ngừng sự tra tấn này lại. Giật điện, cắt chân cắt tay, gì cũng được, nhưng cho mình một cuộc sống bình thường, có được không? Ăn thấy ngon, đọc sách thấy vào, tối ngủ được, sáng có thể ra khỏi nhà, thế thôi mà. Nhiều khi mình kinh ngạc quan sát những người khác, họ vui vẻ nói về thèm ăn món gì, mừng quá vì Grab có mã giảm giá, cuối tuần này đi chơi đâu.
Mình còn phải như thế này bao lâu nữa?
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro