Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Đắc Nhân Tâm PHẦN II Chương ba

Suy ngẫm, Làm Người

Đắc Nhân Tâm

PHẦN II Sáu cách gây thiện cảm

Chương ba

Không theo quy tắc sau này tức là tự rước lấy thất bại

Năm 1898, Joe Farley chết một cách bất ngờ, để lại vợ góa và ba con côi với vài trăm đồng bạc vốn.

Đứa lớn nhất tên Jim, mười tuổi, phải giúp việc trong một lò gạch: đẩy xe cát, đổ cát vào khuôn, phơi gạch. Không có thì giờ học, nhưng có một thiên tài trời cho riêng dân ái Nhĩ Lan là bẩm sinh đã biết nghệ thuật làm cho người khác thương mình. Lớn lên, ông làm chính trị, tập nhớ tên họ và vẻ mặt của người khác, mà lần lần trí nhớ đó trở nên kỳ diệu.

Không hề tòng học một trường đại học nào hết, mà chưa đầy bốn mươi sáu tuổi, có tới bốn trường đại học cấp bằng danh dự cho ông, lại làm Hội trưởng ủy ban dân chủ quốc gia, và Tổng giám đốc sở Bưu điện.

Một lần được ông tiếp, tôi hỏi ông bí quyết của sự thành công đó. Ông đáp: "Nai lưng ra mà làm việc". Tôi cãi: "Đừng nói chơi mà!".

Ông hỏi lại tôi: "Vậy theo ông, bí quyết đó ở đâu?" Tôi đáp: "Người ta nói rằng ông có thể gọi tên được mười ngàn người".

Ông cãi:

- Xin lỗi ông, ông lầm. Tôi có thể gọi tên năm chục ngàn người.

Nhờ trí nhớ kinh dị đó mà Jim Farley đi cổ động đắc lực cho ông Franklin D.Roosevelt được quốc dân bầu làm tổng thống.

Phương pháp ông giản dị lắm. Mỗi lần ông mới làm quen với ai, ông hỏi tên họ người đó và cách viết ra sao. Ông tìm cách biết rõ về gia đình, nghề nghiệp, màu sắc chính trị người đó, ghi nhớ lấy rồi, lần sau gặp lại, - dù là cách một năm đi nữa - ông cũng có thể vỗ vai người đó mà hỏi thăm về vợ, con, cả đến những cây trồng trong vườn người đó nữa!

Vậy thì tới đâu ông cũng có bạn thân, có gì là lạ?

Mấy tháng trước cuộc bầu cư Tổng thống Roosevelt, Jim Farley viết mỗi ngày cả trăm bức thư cho dân miền Bắc và miền Tây. Rồi ông đi trong mười chín ngày, khắp hai chục xứ, trên ba chục ngàn cây số. Đi xe lửa, xe ngựa, xe hơi, tàu thủy. Tới mỗi tỉnh, ông đãi các cử tri một bữa cơm trưa hay cơm tối, đem hết tâm can mà bày tỏ thiệt hơn với họ, đoạn chạy biến qua tỉnh khác.

Trở về nhà, ông viết ngay thư cho một người ông quen nhất trong đám cử tri ông mới đãi tiệc và xin cho biết tên những người đã có mặt hôm ông đãi tiệc cổ động.

Thành thử ông có một cuốn sổ ghi hàng ngàn tên những người ấy. Rồi mỗi cử tri đó đều ngạc nhiên nhận được của ông một bức thư đề: "Bạn Bill thân mến". "Bạn Joe thân mến..." và ký tên: "Jim".

Jim Farley hiểu rằng hạng trung nhân đều thấy tên mình êm ái hơn hết thảy những tên khác. Nhớ được tên đó, đọc nó được một cách dễ dàng, tức là khen người đó một cách kín đáo và khôn khéo. Còn nếu quên hoặc viết sai tên đó tức là làm cho người ta khó chịu. Riêng tôi, tôi cho rằng người ta vô lễ với tôi, nếu trên bao thư gởi cho tôi người ta đã biên sai tên tôi.

Những kỹ thuật gia giúp việc ông Andrew Carnegie biết rõ giả kim thuật hơn ông nhiều. Vậy tại sao ông vua thép đó thành công? Là vì ông biết dẫn đạo người. Ngay từ hồi ít tuổi, ông đã có tài tổ chức, thấu tâm lý và chỉ huy. Mới mười tuổi ông thấy rằng ai cũng cho tên họ của mình là vô cùng quan trọng. Một hôm, ông bắt được một con thỏ cái mới sanh được một bầy thỏ con. Mà không có chi nuôi chúng hết. Ông bèn dụ tụi bạn trẻ như vầy: "Nếu chúng bây chịu kiếm lá cây nuôi bầy thỏ thì ta sẽ lấy tên mỗi đứa đặt tên cho một con thỏ". Kết quả thần diệu. Và ông không bao giờ quên chuyện đó hết.

Nhiều năm sau, ông lại dùng thuật đó. Ông lấy tên của hội trưởng một công ty xe lửa để đặt tên cho một xưởng lớn của ông và nhờ vậy mà công ty xe lửa đó thành khách hàng mua đường rầy của ông!

Khi George Pullman và Carnegie tranh nhau độc quyền chế tạo những toa xe lửa có giường ngủ cho một công ty hỏa xa nọ, hai bên chỉ trích lẫn nhau, đua nhau hạ giá, thành thử đều không lời. Nhưng Carnegie nhớ ngay bài học con thỏ. Một hôm gặp Pullman, ông chào: "Chào ông Pullman, ông có tin rằng hai đứa mình đều điên hết không?".

Ông kia hỏi lại: - Ông muốn nói chi?

Carnegie bèn đề xướng với Pullman hợp hai công ty lại làm một, dùng những lời quyến rũ vạch rõ những lợi chung của sự kết liên đó. Pullman chú ý nghe, nhưng chưa tin hẳn. Sau cùng, ông hỏi: "Công ty mới đó sẽ đặt tên chi?". Carnegie tức khắc trả lời: "Thì đặt là Công ty Pullman tất nhiên rồi".

Hiệu quả tức thì. Nét mặt ông Pullman tươi hẳn lên, rồi ông mời: "Ông vô phòng tôi. Chúng ta sẽ bàn thêm...".

Cuộc thương lượng đó đưa tới một khế ước, nó thay đổi cục diện kỹ nghệ thiết lộ ở Mỹ.

Cái tài nhớ được và kính trọng tên bạn, và tên những người cộng sự của ông, là một trong những bí quyết đã làm cho ông nổi danh; ông tự phụ rằng nhớ được tên họ một số đông thợ của ông, và khoe rằng ông còn đích thân chỉ huy xí nghiệp của ông ngày nào, thì không có những vụ làm reo khuấy rối sự yên ổn và cần mẫn trong các xưởng ông ngày đó.

Còn ông Paderewsky, một nhạc sĩ dương cầm nổi danh, rất được lòng người bếp da đen hầu ông trong toa xe lửa riêng của ông. Mỗi lần ông đi biểu diễn tài nghệ về, người bếp đó luôn luôn đích thân dâng ông một món ăn đêm mà ý nấu riêng để ông dùng. Tại sao y quý ông như vậy? Tại ông theo lễ phép châu Âu, với một giọng trịnh trọng gọi người đó bằng: "Ông Copper", chớ không kêu xách mé theo kiểu Mỹ. Và "ông Copper" thích được gọi như vậy lắm.

Loài người cho tên mình là vinh dự lắm - Cho nên tìm đủ cách truyền nó lại đời sau.

Như ông Barnum là người keo bẩn có tiếng, chỉ vì không con nối dõi, mà dám bỏ ra hai muôn rưỡi mỹ kim cho thằng cháu ngoại để y chịu theo họ ông.

Hai trăm năm trước, những người giàu có thường biếu tiền cho các văn sĩ để được thấy tên mình trên chỗ đề tặng của tác giả.

Những thư viện, viện bảo tàng sở dĩ sưu tập được nhiều sách, đồ quý là nhờ những phú gia biếu đồ hoặc quyên tiền và lưu danh lại sau này. Nhà thờ, đền chùa cũng vậy: những người bỏ những số tiền lớn ra đục tượng, tô chuông là những ai?

Sở dĩ chúng ta quên tên người, phần nhiều là vì chúng ta không chịu mất công, mất thì giờ chép lại, lặp lại cho nó in vào trong đầu óc chúng ta. Chúng ta tự bào chữa rằng như vậy lâu quá, mà công việc ta bề bộn quá.

Nhưng chắc không có ai bận việc bằng Tổng thống Franklin D.Roosevelt. Vậy mà ông có cách nhớ được cả tên, những người thợ máy ông đã gặp.

Hãng Chrysler đóng một chiếc xe hơi riêng cho Tổng thống F.D.Roosevelt, rồi cho kỹ sư W.F.Chamberlain với một người thợ máy lại Bạch Cung giao xe cho Tổng thống.

Ông Chamberlain tới, được Tổng thống tiếp đãi niềm nở vui vẻ lắm, gọi tên và chào hỏi, tỏ rằng được ông Chamberlain tới chỉ những bộ phận xe cho ông, ông hoan hỉ vô cùng. Ông ngắm nghía từng bộ phận nhỏ một, từ nệm ngồi cho tới cái khóa cửa, tới thùng xe, nhất là những chi tiết nào do ông Chamberlain sáng tạo cho tiện lợi, thì ông cứ muốn ghi nhớ lấy và chỉ cho bà Tổng thống, cho nữ Bộ trưởng lao động Perkins và cô thư ký riêng của ông. Rồi ông khen không ngớt miệng: "Thiệt tuyệt; chỉ cần ấn cái nút là xe chạy, chẳng khó nhọc chút chi hết. Đẹp quá... tôi muốn có thì giờ tháo bộ máy ra xem xét nó chạy ra sao".

Khi ông Chamberlain chỉ cho ông xong rồi, Tổng thống quay lại nói: "Ông Chamberlain, Hội đồng Ngân hàng liên bang đang đợi tôi từ nửa giờ rồi; xin kiếu ông, tôi phải đi mới được...".

Lúc ông Chamberlain tới, có giới thiệu cho Tổng thống người thợ máy đi theo ông. Anh này nhút nhát, đứng xa xa, không nói nửa lời, mà tên của anh trước sau chỉ nhắc tới có một lần, vậy mà trước khi từ giã, Tổng thống đưa mắt kiếm anh ta, bắt tay anh ta, gọi tên anh ta và cám ơn đã mất công tới. Những lời đó không phải thốt ra như cái máy đâu, mà trái lại, có một giọng yêu mến thật thà.

ít ngày sau, ông Chamberlain nhận được tấm hình với chữ ký của Tổng thống gởi biếu và mấy lời cám ơn một lần nữa. Thiệt không sao hiểu được ông kiếm đâu đủ thì giờ để làm công việc gây cảm tình đó.

Franklin D.Roosevelt biết rằng một trong những cách chắc chắn dễ dàng và công hiệu nhất để làm cho một người vui lòng và nhớ tên họ người ấy và tỏ cho họ thấy rằng họ quan trọng. Tổng thống Roosevelt còn làm như vậy, còn phần đông chúng ta, ra sao? Chúng ta khi được giới thiệu với một người lạ nói chuyện với họ một lát, rồi khi từ biệt không nhớ tên người ta để mà chào nữa.

Một nhà chính trị trước nhất phải nhớ tên những cử tri. Như vậy mới có danh và có quyền được. Nếu không thì bị thiên hạ bỏ quên. Trong thương mãi và xã giao, sự nhớ tên người cũng quan hệ không kém gì trong chính trị.

Hoàng đế Nã Phá Luân đệ tam khoe rằng dù việc nước bề bộn mà ông vẫn có thể nhớ tên mỗi người ông đã gặp. Phương pháp ông giản dị lắm. Khi ông nghe không rõ một tên nào, ông nói: "Xin lỗi, tôi chưa nghe rõ". Nếu tên hơi lạ, ông bảo người ta đánh vần cho ông nhớ. Rồi trong khi nói chuyện với người đó, ông tìm cách nói tên người đó vài ba lần và ráng ghi trong trí nhớ hình dáng, vẻ mặt người đó để khi thấy người thì liên tưởng ngay tới tên được.

Nếu là một nhân vật rất quan trọng, ông viết ngay tên nhân vật đó trên một miếng giấy, ngó kỹ nó, tập trung tư tưởng vào nó, cho nó khắc sâu trong óc. Như vậy, ông vừa dùng tai và mắt để nhớ. Tất cả những cái đó mất thì giờ lắm. Nhưng, Emerson nói, "lễ phép tức là phải chịu nhiều hy sinh nhỏ".

Vậy, muốn gây thiện cảm, xin bạn để ý tới quy tắc thứ ba này:

"Phải nhớ rằng tên một người đối với người đó là một âm thanh quan trọng và êm tai hơn hết thảy những âm thanh khác".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: