Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

1

Vấn đề thứ 4

Những đặc điểm của văn minh phương Đông

Văn minh phương Đông rất rộng lớn về quy mô, lãnh thổ, rất đa dạng về màu sắc và có sự tồn tại rất lâu dài về mặt lịch sử. Khái quát cho đúng, cho hết những đặc điểm của văn minh phương Đông quả là một công việc không hề đơn giản, nếu không nói là hết sức khó khăn. Đây là vấn đề phức tạp và còn phải nghiên cứu nhiều. Ở đây chúng tôi mới chỉ tập hợp và nêu lên một số nhận xét bước đầu.

1. Văn minh phương Đông mang đậm tính chất văn minh nông nghiệp, văn minh sông nước.

Tính chất nông nghiệp, sông nước là đặc điểm nổi bật nhất, là bản sắc dễ thấy nhất của văn minh phương Đông. Đặc điểm này thuộc về loại hình văn minh: Văn minh phương Đông chủ yếu là văn minh gốc nông nghiệp, trong khi văn minh phương Tây chủ yếu thuộc loại hình gốc du mục và thương nghiệp. Tất nhiên nói như thế không có nghĩa là trong văn minh phương Đông không có các yếu tố du mục và thương nghiệp nhưng nhìn một cách tổng thể thì tính chất nông nghiệp, tính sông nước là nét chủ đạo.

a) Điều kiện địa lí tự nhiên của các quốc gia phương Đông nói chung đều thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp. Biểu hiện rõ nhất của các điều kiện này là sự có mặt của những con sông lớn: Sông Nile ở Bắc Phi; sông Tigrơ, sông Ơphơrat ở Tây Á; sông Ấn (Hindus), sông Hằng (Gangga) ở Ấn Độ; sông Hoàng Hà, sông Dương Tử (Trường Giang) ở Trung Quốc; sông Mekong ở bán đảo Trung - Ấn, sông Menam ở Thái Lan, sông Hồng ở Trung Quốc, Việt Nam, v.v. Lưu vực các con sông này tạo ra những đồng bằng rộng lớn, vựa lúa của phương Đông và thế giới. Và cũng chính từ các dòng sông ấy đã xuất hiện các nhà nước cổ đại – các nền văn minh phương Đông. Rõ ràng không phải ngẫu nhiên mà người ta lại đưa ra các cụm từ như “văn minh sông Nile”, “văn minh sông Hoàng Hà, Trường Giang”, “văn minh sông Ấn-sông Hằng”, v.v. Có thể nói, ngay từ đầu, văn minh phương Đông đã là văn minh nông nghiệp. Và đặc điểm này “đeo đuổi” văn minh phương Đông cho đến tận ngày nay.

Như vậy rõ ràng là sản xuất nông nghiệp gắn chặt với các quốc gia phương Đông, và đó là cơ sở tạo ra tính chất nông nghiệp- sông nước của văn minh phương Đông.

b) Tính chất nông nghiệp – sông nước được thể hiện ở rất nhiều bình diện văn minh và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình phát triển của các nền văn minh phương Đông.

Những biểu hiện của tính chất nông nghiệp-sông nước của văn minh phương Đông rất đa dạng. Có thể nêu ra ở đây một vài ví dụ.

Trước hết xin nói về văn hoá vật chất liên quan đến những nhu cầu thiết yếu nhất của con người, đó là ăn, mặc, ở, đi lại.

Nguồn lương thực chính của người phương Đông chủ yếu là lúa gạo và các loại ngũ cốc do nền sản xuất nông nghiệp tạo ra. Người phương Đông thường ăn cơm với các loại thực phẩm mang tính tự cung tự cấp như rau, cá và một số loại thịt gia cầm. Các loại gia vị, hương liệu như ớt, tiêu, rau thơm, cari, v.v. vốn là sản phẩm của sản xuất nông nghiệp cũng được dùng phổ biến ở nhiều nơi.

Cách ăn mặc của cư dân phương Đông cũng phù hợp với công việc sản xuất nông nghiệp: Nói chung mặc ấm về mùa lạnh (hoặc ở xứ lạnh) và mát mẻ về mùa nóng (hoặc ở xứ nóng); mặc gọn gàng, tiện lợi (khố, váy, v.v.).

Nói chung, trừ một số khu vực dân cư theo loại hình kinh tế du mục nên ở lều di động, đa số cư dân còn lại sống trong một ngôi nhà cố định. Đó có thể là nhà “nửa nổi nửa chìm”, tức là đào sâu xuống lòng đất một chút, hoặc là ngôi nhà sàn tiện lợi về mọi mặt.

Trong số các phương tiện đi lại thì thuyền phổ biến ở nhiều nơi, và hình thức di chuyển này ở phương Đông rõ ràng trước hết gắn với sông nước, sau đó mới đến yếu tố thương mại.

Tính chất nông nghiệp của văn minh phương Đông còn được biểu hiện ở các tín ngưỡng và sinh hoạt văn hoá dân gian rất độc đáo của cư dân phương Đông.

Có thể nói bao trùm lên đời sống cư dân nông nghiệp phương Đông là niềm tin tín ngưỡng và các sinh hoạt văn hoá dân gian như lễ hội... Tín ngưỡng là cội nguồn của lễ hội. Lễ hội vừa là dịp tiến hành các nghi lễ có tính ma thuật để cầu xin thần linh giúp đỡ, xua đuổi tà ma, vừa là dịp để người dân vui chơi giải trí.

Trong số các loại tín ngưỡng tồn tại ở phương Đông, phổ biến nhất là tín ngưỡng sùng bái tự nhiên. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ở thời kì sơ khai khi khoa học kĩ thuật chưa phát triển, gần như tất cả đều phụ thuộc vào thiên nhiên, vào ý Trời. Vì vậy, ở khắp nơi, từ Đông Bắc Phi-Tây Á đến lưu vực sông Hoàng Hà rộng lớn v.v. đâu đâu người ta cũng thờ cúng các vị Thần liên quan đến sản xuất nông nghiệp như Thần Mặt trời, Thần Đất, Thần Nước, Thần Lúa, Thần Gió, Thần Sông...

Gắn liền với tín ngưỡng sùng bái tự nhiên là hàng loạt các lễ hội nông nghiệp như lễ hội té nước, lễ hội cầu mưa, cầu nắng, hội đua thuyền, lễ tịch điền, lễ hội mừng được mùa...

Nông nghiệp gắn liền với nông thôn. Tính chất nông nghiệp của phương Đông được nảy sinh, nuôi dưỡng và phát triển trong một mô hình xã hội đặc biệt: mô hình làng xã. Các công xã nông thôn, theo cách nói của K. Marx, có ảnh hưởng rất sâu đậm đến đời sống của cư dân nông nghiệp phương Đông.

2. Văn minh phương Đông nặng về tính cộng đồng

Trong sản xuất nông nghiệp, các gia đình nông dân cùng canh tác trên một cánh đồng, ruộng đất nhà này tiếp giáp ruộng đất nhà kia. Để có được năng suất, những người nông dân trong làng không thể không liên kết với nhau. Chỉ có đoàn kết con người mới chống được thiên tai. Muốn chống hạn, diệt sâu bọ,... cũng cần sức mạnh của cả làng. Môi trường canh tác mang tính tập thể như thế chính là cơ sở để nảy sinh tính cộng đồng.

Đặc trưng này của văn minh phương Đông khiến mỗi người khi hành động luôn luôn phải nghĩ đến cộng đồng, đến tập thể, xã hội. Trong làng, người dân thường tránh những việc làm phương hại đến tập thể. Từ đây nảy sinh quan điểm sống vì tập thể. Vì tập thể, người ta sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân. Cũng vì thế mà người phương Đông thường đề cao nghĩa vụ, trách nhiệm (trong khi phương Tây thì coi trọng quyền lợi). Quả thực, trong việc chống chọi với thiên tai, địch hoạ, nếu không có tinh thần trách nhiệm được đề lên thành nghĩa vụ thì không thể có được chiến thắng.

Từ tính cộng đồng, từ sự đùm bọc làng xã, sau này truyền thống tốt đẹp ấy phát triển thành tinh thần dân tộc và chủ nghĩa yêu nước phương Đông.

Nếu so sánh với văn hoá phương Tây thì cũng thấy một sự khác biệt nhất định. Có thể nói, trong quan hệ ứng xử, phương Tây thiên về cá thể, trọng lí. Điều này có điểm mạnh là phát huy cao độ sức sáng tạo cá nhân, tránh được sự dựa dẫm, ỷ lại.

Cũng có người cho rằng, ở phương Đông, tâm thức duy cộng đồng luôn luôn chiếm ưu thế đối với tâm thức duy cá nhân.

3. Hoà đồng, thuận tự nhiên

Đặc điểm hoà đồng, thuận tự nhiên của văn minh phương Đông thường được đặt trong sự so sánh với đặc điểm chinh phục tự nhiên của văn hoá phương Tây. Văn hoá phương Tây thiên về giải thích, cải tạo thế giới. Tất nhiên nói như trên không có nghĩa là đối lập tuyệt đối giữa văn minh phương Đông và văn minh phương Tây trong vấn đề đối xử với môi trường tự nhiên.

Thái độ hoà đồng với tự nhiên của văn minh phương Đông đã được hình thành từ rất lâu và định hình trên cơ sở của những quan niệm về con người trong các học thuyết phương Đông. Theo nhiều tác giả, con người trong quan niệm của tất cả các tôn giáo phương Đông và trong hầu hết các học thuyết triết học phương Đông truyền thống đều không đối lập với giới tự nhiên. Nó luôn luôn được coi là một thành tố, một bộ phận của giới tự nhiên.

Có thể cắt nghĩa đặc điểm hoà đồng, thuận tự nhiên bằng cơ sở kinh tế – xã hộicủa phương Đông.

Trước hết có thể giải thích bằng nền sản xuất nông nghiệp. Như đã nói ở trên, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Bởi vậy từ trong tâm khảm của người dân, tự nhiên là đấng tối cao. Sản xuất nông nghiệp chỉ có thể đạt hiệu quả khi thuận theo tự nhiên. Một trong những biểu hiện của sự thuận theo ấy là tính thời vụ. Có thể nói, kinh nghiệm sống, nói cụ thể hơn là kinh nghiệm sản xuất, đã khiến cư dân nông nghiệp phương Đông phải hành động thuận theo tự nhiên. Trái ý tự nhiên, trái ý Trời sẽ bị trả giá. Không còn cách nào khác, Nhật Bản vẫn phải “sống chung với động đất”, Indonesia phải “sống chung với núi lửa”, Philippines phải “sống chung với bão” còn đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam thì phải chấp nhận “sống chung với lũ” như là một lẽ tự nhiên.

Một lí do khác nữa cắt nghĩa cho đặc điểm hoà đồng, thuận tự nhiên là ở tổ chức của xã hội truyền thống phương Đông, đó là xã hội nông nghiệp với chế độ công xã nông thôn. Chế độ này, như đã nói, mang lại cho mỗi đơn vị nhỏ bé (làng xã) một cuộc sống cô lập, tách biệt. Công xã tổ chức theo lối gia đình tự cấp, tự túc. Con người bị trói buộc bởi những quy tắc truyền thống, do đó hạn chế sự phát triển của lí trí, từ đó rất dễ trở thành nô lệ của những điều mê tín dị đoan. Những công xã nông thôn phương Đông, do vậy, hạn chế con người ở việc chủ yếu phục tùng những hoàn cảnh bên ngoài, phục tùng tự nhiên chứ không có ý thức và năng lực làm chủ hoàn cảnh, chinh phục tự nhiên. Đây cũng chính là lí do để chế độ chuyên chế phương Đông tồn tại và phát triển.

4. Văn minh phương Đông hướng nội và khép kín

Cuộc sống nông nghiệp luôn luôn cần một sự ổn định. Người dân thường rất sợ những điều xảy ra bất thường. Lối sống hài hoà với tự nhiên, tình cảm với mọi người, suy cho cùng, cũng là nhằm đạt tới sự ổn định. Từ đây xuất hiện phương thức sống hướng nội và khép kín.

Sống trong các công xã nông thôn cô lập, tách biệt, xét ở một góc độ nào đó, tính tự trị đồng nghĩa với hướng nội và khép kín. Trong xã hội phong kiến, mô hình làng xã “kín cổng cao tường” cùng với những thiết chế xã hội ngặt nghèo của nó càng làm cho “tầm nhìn” của cư dân nông nghiệp không vượt khỏi “lũy tre làng”.

Nền nông nghiệp tự cấp tự túc chỉ tạo ra được những sản phẩm vừa đủ để lưu thông trong phạm vi “chợ làng”, không trở thành hàng hoá thương nghiệp của nền kinh tế thị trường kiểu phương Tây. Đó cũng là hướng nội, khép kín.

Lối sống hướng nội và khép kín không thể tạo ra sự phát triển đột biến. Có lẽ đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân làm cho chế độ phong kiến phương Đông kéo dài sự trì trệ nhiều thế kỉ.

Trái với phương Đông, phương Tây hướng ngoại và cởi mở. Điều này cũng dễ hiểu. Ở đó nền kinh tế thương mại và du mục buộc người ta phải năng động, phải đi tìm thị trường ở bên ngoài và mở rộng quan hệ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: