
I.
"Hồng trần chưa trọn thiết tha
Một thân hai nợ nước – nhà nặng vai
Tạ từ, ai chuốc men cay?
Bờ lau chẳng sóng mà say rũ lòng."
Khi thiền sư Tiêu Dao hái thuốc trở về, tinh xá Phúc Đường đã bị quân triều đình vây bốn mặt.
Tinh xá nằm cuối con đường mòn len giữa rừng trúc, sân cổng thâm u, vì chủ nhân ưa cảnh thanh vắng mà tuy cách không xa Thăng Long nhưng thường ngày chẳng mấy người lui tới. Nếu không phải vì con tạo khéo xoay vần, e rằng cuộc cả đời tu hành an tĩnh của thiền sư cũng không có mấy dịp được nhiều người làm phiền đến thế.
- Bên trong có người bệnh đang đợi thuốc, xin được nhường lối. – Thiền sư bước đến trước mặt viên chỉ huy tay đang lăm lăm thanh đao, đĩnh đạc nói.
Viên chỉ huy xuống ngựa, cúi thấp đầu chào. Dẫu gì, trên mảnh đất này, những kẻ khoác thanh y xưa nay vẫn luôn được người ta kính trọng. Hắn toan mở cổng, song thiền sư Tiêu Dao đã ngăn lại, bước nhanh đến trước cánh cửa gỗ im ỉm, nói to như có người đang đợi phía trong:
- Vương tử, xin mở cửa cho!
Cánh cửa vừa to vừa nặng nhanh chóng hé mở, chỉ đủ một người vào. Viên chỉ huy nhanh chân bước theo chân thiền sư, liền thấy một thanh gươm chưa tuốt vỏ chĩa thẳng vào cuống họng.
- Tướng quân lại mất kiên nhẫn rồi. – Một giọng nói ngang ngang không để lộ chút cảm xúc nào cất lên.
Kẻ cầm gươm là một đứa trẻ mới lên sáu, chỉ cao đến thắt lưng viên chỉ huy, song không phải thân phận cháu trai ruột của hoàng đế mà chính ánh mắt bình thản trong vắt của nó khiến ngài phải dừng bước. Liếc nhanh vào bên trong, ngài thấy trước thềm tinh thất đang đóng kín cửa có một đứa trẻ khác trạc tuổi nó tay chống hông, tay kia cầm ngang thanh đao nhỏ, mắt sáng quắc, mũi thẳng tắp bướng bỉnh, bóng đổ dài trên nền đất.
Lần cuối cùng viên chỉ huy gặp hai đứa trẻ là Tết của một năm trước đây ở hoàng cung, khi phụ vương của chúng vẫn còn được gọi là Hiển hoàng, là người anh trai ruột được hoàng đế hết mực tin yêu, chúng còn vui vẻ đòi so kiếm với ngài. Cả thiên hạ đều biết, khi họ Trần vẫn chưa trị vì thiên hạ, anh em của hoàng đế thân thiết như bóng với hình, ngày ngày cùng nhau ruổi ngựa rong chơi khắp các vùng xung quanh Tức Mặc. Anh săn được con thỏ rừng cũng mang về cho em, em được quà bánh ngon cũng đợi anh về cùng nhấm nháp. Mỗi lần gây chuyện đánh nhau với bọn trẻ con nhà khác, hai anh em ấy cũng kẻ hô người ứng hệt như hai đứa trẻ đang đứng trong sân tinh xá bây giờ.
Rồi họ Lý suy tàn, hai anh em họ Trần lấy hai người con gái của vị vua vong quốc. Cô công chúa nhỏ tuổi hơn được lập làm nữ đế, và bằng một cách nào đó, người em được vợ truyền ngôi cho, trở thành hoàng đế muôn người xưng tụng lúc tuổi mới lên tám. Người anh vốn là trưởng nam họ Trần, lấy được trưởng nữ họ Lý thế mà chỉ có thể an phận làm một vị vương gia. Không có ai thắc mắc vì ai nấy đều hiểu rằng quyền quyết định mỗi bước tiến lùi của ván cờ ấy vốn không thuộc về ai trong số bốn người bọn họ. Mà, trẻ nhỏ thường ít phản kháng và không nhiều toan tính.
Mặt trời vừa gác núi, tiếng chuông từ hậu viện vang lên, từ khoan đến nhặt, thể như đây chỉ là một buổi chiều yên bình như bao nhiêu chiều khác. Ánh hoàng hôn chiếu nghiêng nghiêng trên mặt hai đứa trẻ, một thoát trần, một oai dũng, không khí thanh sạch mùi cây cỏ, bảng lảng khói hương và tiếng chuông hùng hậu, thâm trầm lan đi trong se sắt sương chiều khiến viên chỉ huy và toàn thể binh lính mơ hồ cảm thấy tinh xá này là thánh địa của bọn chúng, kẻ nào cả gan xâm phạm nhất định phải nhận hậu quả khó lường.
"Tướng quân cũng rõ hoàng đế coi trọng phụ vương ta đến mực nào, nếu nhân lúc hoàng đế lánh lên Yên Tử mà ngài theo lệnh thái sư làm tổn hại đến bọn ta, khi hoàng đế trở về ngài sẽ khó ăn khó nói. Chi bằng chúng ta cùng đợi ở đây, nếu đến cùng, hoàng đế thực sự muốn trị tội cả nhà ta, bọn ta vẫn ở nơi này trong vòng vây của tướng quân, đâu có chạy đi đâu được." Sáng nay, sau khi cậu em Trần Quốc Tuấn cho đội binh lính của ngài thưởng thức mấy món bột gỗ để làm hương cay xè mắt và loạt cung tiễn rát da, cậu anh tên Trần Tung đã đưa ra lời đề nghị thấu tình đạt lý đến vậy, cầm chân hơn một trăm binh sĩ tinh nhuệ của ngài suốt một ngày trời. Kỳ thực, lúc đến đây họ đã nhận lệnh của quốc mẫu, chỉ được bắt sống, không được làm hại đến những người trong tinh xá, song những hành động và lời nói không khoan nhượng của hai đứa trẻ trói gà còn chưa chặt kia khiến cho mỗi người lính họ Trần vừa thấy tự hào, vừa không khỏi xót xa.
Hơn mười năm sau khi họ Trần có được giang sơn, thái sư vẫn không vừa mắt trước cảnh anh em thuận hòa của hoàng đế. Thái sư là chú, vốn không chen vào được giữa hai kẻ nọ, không ngăn được việc hoàng đế phong cho anh trai cái tước vị vốn chỉ có vua dùng để tự xưng, bèn dựng nên một vở tuồng khiến người đời sợ hãi. Nữ đế triều Lý năm xưa cũng là hoàng hậu của bây giờ mãi mà không sinh được con sau khi đứa trẻ đầu tiên yểu mệnh, bị giáng xuống làm công chúa. Trưởng nữ họ Lý đang làm vương phi của người anh bị buộc trở thành hoàng hậu trong lúc đang bụng mang dạ chửa. Lần thứ nhất bị cướp đi ngôi vị vốn nên thuộc về mình, lần thứ hai bị cướp đi người đàn bà và đứa trẻ đang thuộc về mình, người anh của hoàng đế dẫu rộng lượng đến đâu cũng khó có thể nuốt trôi nỗi nhục này nên chỉ vài ngày trước, người đã dẫn binh dấy loạn ở sông Cái, để lại người vợ thứ hai là Thiện Đạo phu nhân dắt díu mấy đứa trẻ đến lánh ở nơi đây.
Nếu không phải thân đang mang hoàng mệnh, viên chỉ huy thực không rõ mình phải đồng cảm với ai.
Mãi đến khi màn đêm đã buông một nửa, bên trong tinh thất vẳng ra tiếng đọc kinh trầm trầm và tiếng mõ đều đặn. Thanh đao vẫn giơ ngang đến bấy giờ mới được hạ xuống, mũi chống trên nền đất. Cậu bé đứng trước tinh thất thoáng ngập ngừng rồi toan bước vào, đoạn dừng chân, mái đầu vừa cúi thấp lại ngẩng cao. Trong đêm tối, không ai hiểu được trên gương mặt cậu đang thể hiện cảm xúc gì.
Cậu bé còn lại vẫn đứng ở cổng, hai bàn tay chống lên chuôi kiếm, sống lưng thẳng tắp không hề lay chuyển. Từ hậu viện, một cậu con trai khác ngần ngừ mãi mới bước đến khẽ thưa:
- Vương tử...
Cậu bé được gọi là vương tử kia đưa tay cắt ngang lời cậu, hỏi lại một câu chẳng chút liên quan:
- Tên cậu là gì?
- Bẩm, Nguyễn Văn Thân.
- Hồi chuông ban nãy cậu đánh rất hay. – Vương tử nói, không ngoảnh đầu lại. – Thiền sư vẫn ở trong tịnh thất à?
- Thưa phải, sư đang niệm kinh siêu độ.
Đôi mắt của vương tử thoáng mở to, đoạn trở lại vẻ bình thản rất nhanh. Đôi tay bé nhỏ của cậu siết chặt chuôi kiếm, cậu nói với viên chỉ huy:
- Phía sau bếp đã chuẩn bị cơm chay, tướng quân đợi một khắc nữa rồi để mọi người vào.
Viên chỉ huy điềm đạm gật đầu. Vương tử đi vào phía tịnh thất, cậu bé tên Thân nhìn nhìn đám lính rồi cũng nhanh chóng bước theo. Khi họ đến bậc thềm, thiền sư Tiêu Dao đã mở cửa bước ra ngoài. Thiền sư nhìn hai cậu bé có thân phận cao quý, đoạn khẽ chắp tay:
- A di đà Phật!
Cậu bé đứng phía trong đặt thanh đao xuống, sải bước vào trong. Vương tử ngước nhìn thiền sư, hỏi:
- Mấy hôm trước, người đã nói với ta rằng tụng kinh hay niệm chú chỉ là hình thức cho những kẻ còn mê, kỳ thực vốn không có niết bàn, không có luân hồi, sao vừa nãy lại...
Thiền sư ôn tồn bảo:
- Hồi kinh ấy là để vị phu nhân kia được an lòng rằng con mình không phải vào vòng luân hồi súc sinh, ngạ quỷ. Người chết là hết nhưng người sống vẫn cần phải sống.
Vương tử nghe những lời này, vẻ như suy nghĩ rất lung, đoạn chắp tay, khẽ cúi đầu rồi cũng bước vào bên trong tịnh thất.
Vị vương tử tên Trần Tung nọ là con trai trưởng của Phụng Càn vương và công chúa Thuận Thiên, người vừa mới được lập làm hoàng hậu. Cậu em Trần Quốc Tuấn là con trai thứ hai của vương. Mẹ Quốc Tuấn chính là vị phu nhân vừa mất con kia, đứa trẻ mới qua đời vì bạo bệnh là em gái cậu. Bên trong tịnh thất còn một đứa trẻ đang ôm chặt gối phu nhân, cố ngăn tiếng khóc. Đó là Trần Doãn, em ruột của Trần Tung.
Thái ấp của Phụng Càn vương Trần Liễu ở A Sào vốn rất đông đúc, nhưng phần lớn những người trung thành đã theo vương làm phản, số ít còn lại sợ liên lụy nên đã tháo chạy. Chỉ còn một người phụ nữ dẫn theo bốn đứa trẻ cùng vài người gia nô tuổi đã cao chạy đến nương nhờ cửa Phật. Mấy hôm trước, trong lúc loay hoay xếp đặt mấy cái bẫy đặt khắp tinh xá, Trần Quốc Tuấn từng thở dài, lần dấy binh này của phụ vương dẫu là hợp ý trời, thuận lòng người, lực lượng lớn mạnh hơn cũng e khó thành công vì không có sự chuẩn bị. Lỡ như... lỡ như triều đình bắt được vợ con của ông rồi mang họ ra ép ông phải quy hàng, ông sẽ thế nào?
Mà nói như thế, nghĩa là từ lúc bắt đầu, phe của Phụng Càn vương đã định là sẽ bại. Thứ người ta chờ đợi bây giờ chỉ là thất bại ấy cụ thể ra sao: xử tử cả nhà, lưu đày biệt xứ hay còn những cực hình thảm khốc chi khác. Trần Tung cùng em trai không nghĩ đến tương lai u ám đó, đằng nào nó cũng đến, chẳng chóng thì chầy. Vương tử chỉ nhớ lại những ngày tháng vui vẻ xưa kia. Thời gian chẳng cách bao lâu, những ký ức ấy đã thuộc về một miền trời xa thăm thẳm. Khi ấy, cậu có hai người mẹ rất dịu dàng, một người cha nghiêm khắc, hai cậu em trai, một cô em gái và một người em nữa sắp chào đời. Mỗi ngày đến như một ngọn gió mát lành đưa theo tiếng đàn của mẹ cậu, giọng cười giòn tan của anh em cậu và âm thanh rộn rã của binh khí khi thái ấp cùng nhau luyện tập kiếm cung.
Sau một đêm, phụ vương cậu can tội cưỡng gian một cung nữ họ Lý, bị giáng từ Hiển hoàng xuống làm Phụng Càn vương. Lại một đêm khác, mẹ cậu biến thành vợ của chú cậu, cha cậu trở thành nghịch thần, anh em cậu hóa con của tội đồ bị người ta vây bắt, phải dùng tấc lưỡi mà giữ mạng. Quanh cậu chỉ còn tiếng đọc kinh, tiếng mõ và hương trầm vấn vít. Nếu ở nơi xa kia, phụ vương cậu bị xử tội chết, cậu sẽ trở thành người đàn ông trưởng thành nhất của gia đình này, gánh vác những phận người này. Thứ duy nhất cậu còn giữ được của quá khứ rực rỡ kia chỉ là chiếc khăn tay thêu đóa mộc lan dang dở mà mẹ cậu để lại lúc nhập cung.
Những binh sĩ đang trệu trạo nhai từng hạt cơm trong chái bếp của tinh xá ngỡ ngàng nghe thấy tiếng sáo vẳng lên giữa đêm sương. Trần Tung thổi một khúc đồng dao mà thường ngày, cô em yểu mệnh của cậu vừa nghe đã cười khúc khích. Đêm nay, khúc nhạc ấy lại làm cho những kẻ họ Trần phải cắn môi đến bật máu để ngăn tiếng khóc. Trần Tung không khóc, không đau buồn, cậu chỉ mơ hồ cảm nhận được một cái gì đó đang từ từ trôi tuột đi, cậu thấy mình đang tiễn đưa em gái, đồng thời tiễn luôn cả một đoạn đời mình, bình tĩnh chờ đoạn đời sắp đến. Hoặc một hồi cáo chung sắp đến.
Bên ngoài tinh xá có tiếng vó ngựa sầm sập tới. Binh lính đang ăn cơm liền dừng đũa, ái ngại nhìn về phía tinh thất mà lo lắng thay cho mấy đứa trẻ kia. Nếu thực sự phải xuống tay, họ quả thật không đành.
- Vương tử! – Cậu bé tên Nguyễn Văn Thân đang ngồi trên bậu cửa bỗng đứng phắt dậy, gọi lớn. – Cho phép tôi theo ngài!
- Nếu ta còn mạng quay lại nơi này, ta sẽ đưa cậu theo. – Trần Tung cười hiền.
- Tôi cùng ngài trở về, cùng sống cùng chết! – Cậu Thân quả quyết.
- Đừng lãng phí mạnh sống của mình như thế, ta sẽ không giữ những kẻ ngốc bên mình. – Vương tử giấu vẻ xúc động trong ánh mắt. – Ta sẽ trở lại, ta còn nhiều điều muốn thỉnh giáo thiền sư. – Cậu nhìn về phía tịnh thất, khẽ gật đầu.
Cơ hội để cậu bé tên Thân cùng sống cùng chết với vị chủ nhân mới của cậu không đến. Kẻ mang chiếu chỉ vào truyền báo: hoàng đế đã trở về cung, lệnh tha cho cả nhà Phụng Càn vương, ban cho thái ấp mới ở Yên Sinh, từ đây gọi là Yên Sinh vương, con trai thứ Trần Quốc Tuấn được giao cho công chúa Thụy Bà nuôi dưỡng ở Thăng Long. Kẻ nào còn dám nhắc đến sự việc hôm nay sẽ bị nghiêm trị. Tất thảy người có mặt không giấu được tiếng thở phào.
- Những người còn lại, mất cả rồi sao? – Trần Tung bình tĩnh hỏi viên chỉ huy.
- Có thể tha cho gia quyến của vương, hoàng đế đã nhân đức lắm rồi. – Viên chỉ huy đáp lời cậu bé.
Vương tử khẽ gật đầu. Người thầy đã dạy cho anh em cậu những thế võ đầu tiên, bác thợ rèn hay đặc biệt thiết kế những món vũ khí vui vui vừa tay cậu, người phu chăn ngựa hứa sẽ tặng cậu con ngựa chiến đẹp nhất lứa sau, những người lính cậu quen gặp mỗi ngày từ lúc chào đời... đều sẽ không bao giờ về nữa. Họ đã phản lại triều đình, phản lại đất nước này, họ chỉ trung thành với gia đình cậu. Giờ họ phải nằm lại bên dòng sông Cái để gia đình cậu còn được sống. Hóa ra không chỉ cái chết, mà từng hơi thở cũng có lúc nặng nghìn cân.
Khi vương tử ngẩng đầu nhìn lên trời, trăng đã lên cao. Em trai cậu đã đến bên cạnh từ lâu. Họ lẳng lặng nhìn nhau rồi lại nhìn trời. Vầng trăng hôm nay vẫn là vầng trăng của một tháng trước, của nhiều tháng trước, của hàng trăm năm trước. Chỉ có người đứng bên họ dưới ánh trăng hôm nay sẽ không bao giờ còn là những người của hôm qua nữa.
Giữa một đứa trẻ chạy đến chốn tu hành tìm đường sống và một vị hoàng đế vì chán ngán hồng trần mà lên đỉnh non thiêng, ai mới là kẻ nhìn thấu Phật của mình?
Cửa tịnh thất xịch mở Thiện Đạo phu nhân cũng chậm chạp dắt tay Trần Doãn bước ra. Hai anh em sải bước đến đỡ lấy người thiếu phụ đang loạng choạng sau nỗi đau quá lớn. Nhác thấy bóng thiền sư Tiêu Dao, Trần Tung bỗng nhiên nở một nụ cười buồn, khẽ nói với kẻ vừa mất con kia:
- Có lẽ cô nhóc ấy đã gặp được Phật. Vừa nãy phu nhân có nghe không, cả nhà ta được bình an ắt là nhờ em ấy độ trì.
- Anh cả nói phải. – Trần Quốc Tuấn biết ý, liền nói tiếp. – Em con vẫn dõi theo chúng ta, vẫn ở cạnh chúng ta, mẹ đừng quá đau buồn.
Những giọt lệ bị kiềm nén mãi trên gương mặt người đàn bà khốn khổ bắt đầu rơi xuống. Nàng là người lớn duy nhất ở nơi này, sau lưng nàng còn có bọn trẻ, trước mặt nàng còn có giáo gươm, nên nàng đã tự dặn mình phải kiên cường mãi đến giờ. Trần Doãn thấy thế cũng khóc òa lên. Cả nhà bốn người ôm chặt lấy nhau. Trần Tung nghe như những giọt nước mắt của người mẹ kế và đứa em trai kia đang đốt cháy tâm can mình, nóng buốt.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro