P17:HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG _ Ngày tàn của Lê-Trịnh
Hoàng đế Quang Trung khi còn lẹt đẹt ở chức Long Nhương tướng quân vẫn ngày ngày bị cái "chí lớn" to bằng hạt vừng của vua anh Nguyễn Nhạc kìm hãm. Số là Nguyễn Nhạc sau khi làm chủ Nam hà, lập ra nhà Tây Sơn thì đã rung đùi hài lòng, cảm thấy cái thành Hoàng Đế (kinh đô của Tây Sơn ở Quy Nhơn) khang trang rộng rãi hơn cái nhà lá thần thánh 3 anh em từng chui ra chui vào gấp tỉ lần.
Nhưng Nguyễn Huệ lại không thấy thế. Chí làm trai tung tăng từ bắc vào nam, sớm biết thế nào là giang sơn gấm vóc rộng lớn, cò bay xệ cánh, sùi bọt mép. Lại nhìn cái đống hẩu lốn Lê - Trịnh ở Bắc hà thấy cực kỳ lộn mắt, quân không ra quân, thần chẳng ra thần.
Năm 1786, Nguyễn Huệ phụng mệnh vua anh dẫn quân đi đánh chiếm Phú Xuân. Nguyễn Nhạc dự định vét nốt cái thành Phú Xuân thôi, "chí lớn" đến đây là đã phình to hết sức có thể. Trước khi em giai đi còn dặn tới dặn lui, dặn phát lộn ruột: "Mày rỉa Phú Xuân xong về ngay với anh nghen, chớ có bén mảng ra Bắc hà nghe hơm."
Nguyễn Huệ đang nổi máu bừng bừng, nghe tai trái để trôi cái tuột qua tai phải. Sau khi chiếm được Phú Xuân dễ hơn húp cháo, Nguyễn Huệ ngồi trong thành lại cứ thấy ngưa ngứa mà không biết do đâu. Nguyễn Hữu Chỉnh bèn tỉ tê xui Nguyễn Huệ nhân đà đánh thẳng ra Bắc hà, vét nốt Đông Kinh cho đủ bộ. Nguyễn Hữu Chỉnh gãi trúng phóc chỗ ngứa của chủ tướng. Nguyễn Huệ phấn khởi thở phào nhẹ nhõm, té ra không phải mình ở bẩn mà là đang canh cánh trong lòng chuyện bắc tiến.
Cuối tháng 6 năm 1786, Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ đã thây kệ cái viễn cảnh giận hờn vô cớ của vua anh Nguyễn Nhạc mà kéo cả tập đoàn chiến hữu rồng rắn ra Bắc hà. Cái khẩu hiệu "Phù Lê, diệt Trịnh" treo cả ngày trên mồm tướng, sĩ. Đến nỗi dân thủ đô ban đầu còn tưởng Tây Sơn bị thiểu năng ngôn ngữ, chẳng nói được gì khác ngoài 4 cái từ thần thánh ấy.
Quân Trịnh vừa bị Tây Sơn cướp trắng Phú Xuân, nay nghe phong phanh Tây Sơn kéo đến tận nhà đòi diệt mình thì sợ xanh lè mắt mũi, tim đập chân run, bỏ chạy không kịp gửi vợ con cho thằng hàng xóm.
Chúa Trịnh Khải ráng phát huy tinh thần thượng võ mấy trăm năm của họ Trịnh, cưỡi nguyên con voi ra đón đầu Tây Sơn. Nhưng vừa ra đến cổng thì hóa đá đến tận chân tơ kẽ tóc. Thớt voi Tây Sơn cả mấy chục con, con nào con nấy hùng hổ như sư tử chiến, Nguyễn Huệ cũng cưỡi một con oai phong lẫm liệt. Bùi ngùi nhìn lại voi nhà mình, không hiểu nuôi kiểu gì mà béo núc ních như lợn, lại còn thong thả cuộn cỏ ăn. Quay đầu nhìn đám binh lính còn rơi vãi lại thì chả thấy sĩ khí đâu, ông nào ông nấy trợn mắt ngó quân Tây Sơn, khiếp vía hỏi thế quái nào mà nó đông như kiến cỏ vậy.
Sau mấy lời hô hào trong tuyệt vọng những mong xốc lên được chút tinh thần cho quân mình, Trịnh Khải kinh hoàng nhận ra sĩ khí càng kéo càng tụt một cách thảm hại. Thế là thây kệ tinh thần thượng võ cái khỉ gì đó, Trịnh Khải thúc quân đánh cùn rồi nhân cơ hội chạy một mạch lên Sơn Tây. Quân Tây Sơn phấn khởi tiến vào Đông Kinh, gần như chỉ đứng làm duyên làm dáng mà đuổi được Trịnh Khải chạy vắt giò lên cổ.
Trịnh Khải sau gần tháng ròng phiêu bạt thì bị tên phản bội Lê Trang bắt đem nộp cho Tây Sơn. Anh giai này lại một lần nữa dốc sức cứu vãn mặt mũi nam nhi, thà chết chứ không chịu để bị Nguyễn Huệ làm nhục. Khi đoàn áp giải dừng chân tại một quán nước ven đường, Trịnh Khải đã vơ lấy con dao gọt hoa quả mà cắt cổ tự sát. Lê Trang vội vã ngăn lại. Nhưng máu liều của anh Khải đã chảy tràn lan, không còn dao, anh liền thọc hai ngón tay vào kéo rộng vết thương. Cuối cùng Trịnh Khải cũng toại nguyện, có được một cái chết hoành tráng đúng kiểu thanh niên của năm.
Về phần nhà Lê, suốt hơn 200 năm nay đã quen run lập cập trước uy quyền chúa Trịnh. Nay Trịnh bị đuổi đi nhưng lại lập tức có một ông Tây Sơn thế chỗ, mà nghe thiên hạ đồn thổi ông này còn hổ báo gấp vạn lần.
Nguyễn Huệ tất nhiên muốn dẹp phứt nhà Lê, sung Bắc hà vào khối tài sản đồ sộ của Tây Sơn. Nhưng lúc kéo quân ra lỡ mạnh miệng hô hào "phù Lê, diệt Trịnh", giờ lập tức trở mặt thì còn ra thể thống gì nữa, dân thủ đô họ sẽ bĩu môi không phục. Đằng nào thì nhà Lê cũng đã dặt dẹo cả cơ bắp lẫn não bộ, ông đây chống mắt lên coi nó còn thoi thóp được bao lâu. Đến lúc nó ngáp ngáp ông đi hốt về cũng chưa muộn.
Nguyễn Huệ vào yết kiến vua Lê Hiển Tông, được phong làm Nguyên súy dực chính phù vận Uy quốc công, đóng quân ở phủ chúa Trịnh cũ. Tuy bề nổi là trao trả quyền bính cho vua Lê, nhưng mặt chìm lại là nắm trong tay gần như toàn bộ uy quyền, trở thành bản sao hổ báo của chúa Trịnh.
Nguyễn Hữu Chỉnh vốn là quan cũ của triều Lê, nay đầu quân cho Tây Sơn. Một hôm tung tẩy vào gặp vua Lê Hiển Tông, nói Uy quốc công Nguyễn Huệ tự dưng nổi hứng thích lấy vợ, bảo vua có đồng ý gả con gái cho Nguyễn Huệ thì tui làm mai dùm. Vua Hiển Tông mấy ngày nay như đặt mông trên chảo lửa, nơm nớp lo sợ Tây Sơn có thể lật mặt bất cứ lúc nào. Nay thấy có cơ hội kết thông gia thì mừng rớt nước mắt, ít ra thì con rể chắc cũng không lỡ lòng nào đi gõ đầu ba vợ.
Nguyễn Huệ năm ấy 33 tuổi, đã qua lâu rồi cái thời thanh niên choai choai dở ông dở thằng, đạt đỉnh cao phong độ, lại cực kỳ thành đạt. Đem bảng chiến tích trăm trận trăm thắng ra phất phơ chơi cũng đủ làm người ta lác mắt.
Nhưng khổ nỗi công chúa Ngọc Hân thì mới vừa tròn 16, độ tuổi mà ngó đâu cũng thấy toàn màu hồng. Còn chưa kịp sắm mảnh tình vắt vai thì đùng một cái đã bị gả cho cái ông mà tuổi chia đôi có lẻ ra tuổi mình, bảo sao không hốt hoảng. Nghe danh chiến thần bất bại thì lại chỉ mường tượng ra một đồng chí võ biền cục mịch, quanh năm tay đấm chân đá, cưới về khéo lại thành bịch cát cho chàng luyện võ.
Rồi còn bao nhiêu tin tức lề trái lề phải tới tấp bay đến không thương tiếc như mưa bom bão đạn. Nào là Nguyễn Huệ thân hình vạm vỡ, da ngăm đen. Nào là tóc quăn như mì vằn thắn, mặt vuông tựa bánh chưng xanh, trứng cá chen chúc không còn chỗ đứng. Nào là giọng nói sang sảng như chuông, mắt lóe chớp nhìn được trong đêm tối. Nói chung là nhan sắc Nguyễn Huệ theo lời đồn thổi thì tương đối không hợp gu với tâm hồn mơ mộng của đại đa số thiếu nữ. Chưa kể thiếu nữ này còn là công chúa lá ngọc cành vàng, đẹp đến chim bay cá lội.
Nhưng cái lệ cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy nào cho phép Ngọc Hân nhõng nhẽo phản đối. Hôn lễ được chuẩn bị gấp rút trong vòng 3 ngày nhưng lại cực kì hoành tráng. Những ông già râu tóc bạc phơ đang hấp hối cũng phải bật dậy kêu: "Từ hồi tao ở truồng chạy nhong nhong đến giờ cũng chưa từng có đám cưới nào phô trương thấy khiếp như vậy."
Nguyễn Huệ lấy vợ được vài ngày thì ba vợ lăn ra chết vì hết date (thọ 70 tuổi). Sau khoảnh khắc ngậm ngùi thương xót, đám quần thần ít ỏi còn rơi vãi lại của triều Lê bỗng giật mình thảng thốt nhận ra ngai vàng đang trống huếch trống hoác, mà Uy quốc công Nguyễn Huệ thì lại đang "vô tư" sống ngay bên cạnh.
Công chúa Ngọc Hân đầu gối tay ấp tỉ tê với chồng, rằng Hoàng thái tôn Lê Duy Kỳ là người bất tài não ngắn, đồng thời khen nức khen nở anh trai là Sùng Nhượng công Lê Duy Cận. Nguyễn Huệ nghe thế bèn vào triều chỉ trỏ bảo chúng mày rước ngay Duy Cận lên ngôi cho tau.
Quần thần nhìn nhau nghi ngại, ông to liếc trộm ông nhỏ, đánh hơi thấy có mùi nguy hiểm gì ở đây. Não trái liền chỉ huy não phải nhảy lên đong đỏng, kêu gào không được nghe lời Nguyễn Huệ, bảo gì cũng nhất định phải làm ngược lại. (Bảo đi nhà cầu thì thế nào cũng phải cắn răng nhịn cho bằng được T.T)
Quần thần cũng biết khôn không đụng thẳng vào Nguyễn Huệ mà lái hướng tấn công sang bà vợ. Một buổi sáng đẹp trời, hai vợ chồng Nguyễn Huệ còn đang ngáp sái quai hàm thì một tờ biểu vèo cái bay đến, trên đó có chữ ký của tất cả quan viên, yêu cầu gạch tên công chúa Ngọc Hân ra khỏi hoàng thất vì cái tội phát ngôn bừa bãi.
Chiến thuật bầy đàn không thằng nào chết lẻ có tác dụng tức thì. Công chúa Ngọc Hân chịu không nổi nhục nhã, khóc nức nở bảo đức lang quân thôi thì nhượng bộ cũng được. Nguyễn Huệ ngoài mặt chảy dài đồng ý thì chẳng còn biết làm gì khác với cô vợ trẻ.
Tháng 8 năm 1786, Hoàng thái tôn Lê Duy Kỳ lên ngôi, lấy hiệu Lê Chiêu Thống, bắt đầu chập chững những bước đầu tiên trên con đường trở thành vị vua bán nước buôn chè, dẫn hơn 20 vạn quân Thanh sang giày xéo mồ mả tổ tiên.
Lại nói về ông vua anh "chí lớn" Nguyễn Nhạc, khi hay tin Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc hà thì lập tức bốc hỏa. Lửa chưa kịp dập lại nghe tin thằng em rách giời rơi xuống tự ý lấy nguyên một cô công chúa triều Lê mà không thèm ngó qua mặt anh nó một cái.
Giữa tháng 8 năm 1786, vua Thái Đức Nguyễn Nhạc thây kệ thể thống hoàng thất, mặt mũi nhét hết xuống đệm ngồi, tự mình thân hành ra Bắc hà kêu em giai ông ta về. Nguyễn Huệ tuy thích ở Đông Kinh chết đi được, nhưng cũng không thể không nể mặt Nguyễn Nhạc, đành nuốt ấm ức mà nhổ neo.
Toàn bộ quân Tây Sơn rút khỏi Bắc hà, chỉ để một mình Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại với tẹo quân để trấn giữ Nghệ An. Mà thực ra là vì Nguyễn Huệ ngứa mắt Hữu Chỉnh gian manh hai lòng nên cố tình để ổng bơ vơ trên đất bắc cho quan quân triều Lê xử lý (ông này xưa phản Lê theo Tây Sơn).
Lần tiến quân ra bắc năm 1786 của vua Quang Trung đã lật đổ chính quyền họ Trịnh hơn 200 năm làm mưa làm gió, thao túng triều chính. Nhưng sau khi Tây Sơn rút về nam, tàn dư họ Trịnh cùng Nguyễn Hữu Chỉnh lại được dịp quậy tưng bừng, khiến Lê Chiêu Thống tối tăm mặt mũi. Sau này Nguyễn Huệ phải mất công đi lại vài ba lần thì cục diện mới tạm ổn định.
Và mọi rắc rối chỉ hoàn toàn chấm dứt vào tết Kỷ Dậu 1789, khi vua Quang Trung đánh lui hơn 20 vạn quân Thanh do Lê Chiêu Thống vất vả thỉnh về. Lê Chiêu Thống trở thành kẻ lưu vong, cuối cùng chết trên đất người. Hậu Lê - triều đại có thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử Việt Nam (362 năm) đã tự đeo cho mình cái kết không thể "đẹp mặt" hơn.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro