Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Đà Lạt - Leigh biên soạn

Đà Lạt

Là một thành phố trực thuộc tỉnh và tỉnh lị tỉnh Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên Lâm Viên, ở độ cao 1.500 m so với mặt nước biển và diện tích tự nhiên: 393,29 km². Đà Lạt được Thủ tướng chính phủ Việt Nam công nhận là đô thị loại 1 vào ngày 24 tháng 3 năm 2009. Đây là một trong 3 đô thị loại 1 thuộc tỉnh cùng với Huế và Vinh

Với nhiều cảnh quan đẹp, Đà Lạt là một trong những thành phố du lịch nổi tiếng nhất của Việt Nam. Trong thời Pháp thuộc, tên tiếng Latin Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem có nghĩa là "cho những người này niềm vui, cho những người khác sự mát mẻ"[2]. Đà Lạt được mệnh danh là : thành phố hoa, thành phố tình yêu, thành phố mùa xuân, thành phố sương mù, đặc biệt nhất là biệt danh : thành phố ma.

Vị trí

Thành phố Đà Lạt nằm trong cao nguyên Lang Biang, phía Bắc tỉnh Lâm Đồng, Về phía Bắc, Đà Lạt giáp với huyện Lạc Dương, về phía Đông và Đông Nam giáp với huyện Đơn Dương, về phía Tây và Tây Nam giáp với hai huyện Lâm Hà và Đức Trọng.

Hàng trăm năm trước đây, Đà Lạt là địa bàn cư trú của người Lạch, vốn là cư dân của toàn bộ cao nguyên Lang Biang. Đà Lạt có diện tích hơn 400 km², bao bọc bởi các đỉnh núi cao và dãy núi liên tiếp:

Phía Bắc và Tây Bắc giới hạn bởi dãy Chorơmui, Yộ Đa Myut (1.816 m), Tây Bắc dựa vào chân dãy núi Chư Yang Kae (1.921 m), thuộc quần sơn Lang Biang mà đỉnh cao nhất là Chư Yang Sinh (1.408 m).

Phía Đông là chân dãy núi Bi Doup (2.278 m) dốc xuống cao nguyên Dran.

Phía Đông Nam chắn bởi dãy Cho Proline (1.629 m).

Phía Nam và Tây Nam có dãy núi Voi (1.754 m) và Yàng Sơreng bao bọc.

Hành chính

Thành phố Đà Lạt có 12 phường (được đánh số từ 1 đến 12) và 4 xã: Tà Nung, Xuân Trường, Xuân Thọ, Trạm Hành.

Địa hình

Cao trung bình so với mặt biển là 1.500 m. Nơi cao nhất trong trung tâm thành phố là Nhà Bảo Tàng (1.532 m), nơi thấp nhất là thung lũng Nguyễn Tri Phương (1.398,2 m).

Bên trong cao nguyên, địa hình Đà Lạt phân thành hai bậc rõ rệt:

Bậc địa hình thấp là vùng trung tâm có dạng như một lòng chảo bao gồm các dãy đồi đỉnh tròn, dốc thoải có độ cao tương đối 25-100 m, lượn sóng nhấp nhô, độ phân cắt yếu, độ cao trung bình khoảng 1.500 m.

Bao quanh khu vực lòng chảo này là các đỉnh núi với độ cao khoảng 1.700 m tạo thành vành đai che chắn gió cho vùng trung tâm. Phía Đông Bắc có hai núi thấp: hòn Ông (Láp Bê Bắc 1.738 m) và hòn Bộ (Láp Bê Nam 1.709 m). Ở phía Bắc, ngự trị cao nguyên Lang Biang là dãy núi Bà (Lang Biang) hùng vĩ, cao 2.169 m, kéo dài theo trục Đông Bắc - Tây Nam từ suối Đa Sar (đổ vào Đa Nhim) đến Đa Me (đổ vào Đạ Đờng). Phía Đông án ngữ bởi dãy núi đỉnh Gió Hú (1.644 m). Về phía Tây Nam, các dãy núi hướng vào Tà Nung giữa dãy Yàng Sơreng mà các đỉnh cao tiêu biểu là Pin Hatt (1.691 m) và You Lou Rouet (1.632 m).

Bên ngoài cao nguyên là các dốc núi từ hơn 1.700 m đột ngột đổ xuống các cao nguyên bên dưới có độ cao từ 700 m đến 900 m.

[sửa]Khí hậu

Do ảnh hưởng của độ cao và rừng thông bao bọc, Đà Lạt mang nhiều đặc tính của miền ôn đới. Nhiệt độ trung bình 18-21°C, nhiệt độ cao nhất chưa bao giờ quá 30°C và thấp nhất không dưới 5°C.

Chính thông Đà Lạt giúp cho Đà Lạt thêm phần mát mẻ

Đà Lạt có hai mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa nắng từ tháng 11 đến tháng 4. Mùa hè thường có mưa vào buổi chiều, đôi khi có mưa đá.

Lượng mưa trung bình năm là 1562 mm và độ ẩm 82%.

Đà Lạt không bao giờ có bão, chỉ có gió lớn do ảnh hưởng bão từ biển thổi vào vì sườn đông không có núi che chắn.

Lịch sử

Cao nguyên Lang Biang trước năm 1893 là địa bàn cư trú của các tộc người Thượng. Người Việt đầu tiên có ý định khám phá vùng rừng núi Nam Trung Bộ là Nguyễn Thông, nhưng do nhiều lí do nên cho tới cuối đời ông vẫn không thực hiện được ý định của mình. Vào hai năm 1880 và 1881, bác sĩ hải quân Paul Néis và trung úy Albert Septans có những chuyến thám hiểm đầu tiên vào vùng người Thượng ở Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ, và họ được coi là hai nhà thám hiểm đầu tiên đã tìm ra cao nguyên Lang Biang. Hành trình của Paul Néis và Albert Septans mở đường cho nhiều chuyến đi khác như A. Gautier (năm 1882), L. Nouet (1882), thiếu tá Humann (1884).

Ngày 3 tháng 8 năm 1891, bác sĩ Alexandre Yersin thực hiện chuyến thám hiểm đầu tiên với ý định tìm đường núi từ Nha Trang vào Sài Gòn, nhưng chuyến đi này bất thành. Từ 28 tháng 3 đến 9 tháng 6 năm 1892, Yersin thực hiện một cuộc thám hiểm từ Nha Trang, băng qua vùng cao nguyên Đắk Lắk để đến Stung Treng, nằm bên bờ sông Mê Công (thuộc địa phận Campuchia).

Tháng 1 1893, Yersin nhận nhiệm vụ từ toàn quyền Jean Marie Antoine de Lanessan, khảo sát một tuyến đường bộ từ Sài Gòn xuyên sâu vào vùng người Thượng và kết thúc ở một địa điểm thuận lợi trên bờ biển Trung Kỳ. Yersin còn phải tìm hiểu về tài nguyên trong vùng: lâm sản, khoáng sản, khả năng chăn nuôi... Từ ngày 8 tháng 4 đến ngày 26 tháng 6 năm 1893, Yersin đã thực hiện ba chuyến đi quan trọng. Và 15h30 ngày 21 tháng 6, Yersin đã phát hiện ra cao nguyên Lang Biang, trong nhật ký hành trình, ông ghi vắn tắt "3h30: grand plateau dénudé mamelonné" (3h30: cao nguyên lớn trơ trụi, gò đồi nhấp nhô).

Với nhu cầu tìm một vùng đất có khí hậu ôn hòa, gần giống với châu Âu để xây dựng khu nghỉ mát, trạm điều dưỡng, toàn quyền Paul Doumer viết một bức thư hỏi ý kiến của Yersin, và Yersin đã trả lời là cao nguyên Lang Biang. Tháng 3 năm 1899, Yersin cùng toàn quyền Doumer thực hiện một chuyến đi lên cao nguyên Lang Biang và chuyến đi này có ý nghĩa quyết định về việc thành lập một trạm điều dưỡng ở đây.

Ngày 1 tháng 11 năm 1899, Doumer ký nghị định thành lập ở Trung Kỳ tỉnh Đồng Nai Thượng (Haut-Donnai) và hai trạm hành chính được thiết lập tại Tánh Linh và trên cao nguyên Lang Biang. Đó có thể được xem là văn kiện chính thức thành lập trạm điều dưỡng trên cao nguyên Lang Biang - tiền thân của thành phố Đà Lạt sau này.

Ngày 20 tháng 4 năm 1916, vua Duy Tân đã ra đạo dụ thành lập thị tứ, tức thị xã (centre urbain) Đà Lạt, tỉnh lị tỉnh Lâm Viên. Đạo dụ này được Khâm sứ J.E. Charles chuẩn y ngày 30 tháng 5 năm 1916.

Trong hai thập niên 1900 và 1910, người Pháp đã xây dựng hai tuyến đường từ Sài Gòn và từ Phan Thiết lên Đà Lạt. Hệ thống giao thôngthuận lợi giúp Đà Lạt phát triển nhanh chóng. Vào năm 1893, vùng Đà Lạt ngày nay hầu như hoang vắng. Đến đầu năm 1916, Đà Lạt vẫn còn là một khu thị tứ nhỏ với độ 8 căn nhà gỗ tập trung hai bên bờ dòng Cam Ly, chỉ có 9 phòng khách sạn phục vụ du khách, đến cuối năm này mới nâng lên được 26 phòng. Cuối năm 1923, đồ án thiết kế đầu tiên hoàn thành, Đà Lạt đã có 1.500 dân.

Ngày 31 tháng 10 năm 1920, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuẩn y đạo dụ ngày 11 tháng 10 cùng năm của vua Khải Định về việc thành lập thành phố (commune- thành phố loại 2) Đà Lạt cùng với việc tỉnh Đồng Nai Thượng được tái lập. Nhằm biến Đà Lạt thành một trung tâm nghỉ mát ở Đông Dương, Nha giám đốc các sở nghỉ mát Lâm Viên và du lịch Nam Trung Kỳ được thành lập. Đứng đầu thành phố là một viên Đốc lý, đại diện của Toàn quyền Đông Dương. Năm 1928 chuyển tỉnh lỵ tỉnh Đồng Nai Thượng về Đà Lạt. Năm 1936 một Hội đồng thành phố được bầu ra. Năm 1941, Đà Lạt trở thành tỉnh lỵ tỉnh Lâm Viên (Lang Bian) mới tái lập. Thị trưởng Đà Lạt kiêm chức Tỉnh trưởng tỉnh Lâm Viên.

Trong thời gian Thế chiến thứ hai, những người Pháp không thể về chính quốc nên họ tập trung lên nghỉ ở Đà Lạt. Nhiều nhu cầu rau ăn, hoa quả của người Pháp cũng được Đà Lạt cung cấp.

Ngày 10 tháng 11 năm 1950, Bảo Đại ký Dụ số 4-QT/TD ấn định địa giới thị xã Đà Lạt.

Theo Địa phương chí Đà Lạt (Monographie de Dalat), năm 1953, thị xã Đà Lạt là thủ phủ của Hoàng triều Cương thổ, có diện tích là 67 km², dân số: 25.041 người.

Sau Hiệp định Genève năm 1954, dân số Đà Lạt tăng nhanh bởi lượng người di cư từ Bắc vào Nam. Dưới chính quyền miền Nam, Đà Lạt được phát triển như một trung tâm giáo dục và khoa học.

Năm 1957, Đà Lạt trở thành tỉnh lỵ tỉnh Tuyên Đức. Thị xã Đà Lạt có 10 khu phố.

Nhiều trường học và trung tâm nghiên cứu được thành lập: Viện Đại học Đà Lạt (1957), Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt (1959), Thư viện Đà Lạt (1960), trường Đại học Chiến tranh Chính trị (1966), trường Chỉ huy và Tham mưu (1967)... Các công trình phục vụ du lịch được tiếp tục xây dựng và sửa chữa, hàng loạt biệt thự do các quan chức Sài Gòn, nhiều chùa chiền, nhà thờ, tu viện được xây dựng... Đà Lạt cũng là một điểm hấp dẫn với giới văn nghệ sĩ.

Sau 1975, với sự rút đi của quân đội và bộ máy chính quyền miền Nam, nhưng được bổ sung bởi lượng cán bộ và quận đội miền Bắc, dân số Đà Lạt ổn định ở con số khoảng 86 ngàn người. Du lịch Đà Lạt hầu như bị lãng quên. Những năm cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, hàng loạt khách sạn, nhà hàng được sửa chữa, nhiều biệt thự được đưa vào phục vụ du lịch... Đà Lạt trở thành một thành phố du lịch quan trọng của Việt Nam với nhiều lễ hội được tổ chức.

Cuối năm 1975 Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định Đà Lạt sẽ trở thành 1 trong 4 thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng ngay sau đó đã điều chỉnh lại. Tháng 2 năm 1976 Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Nghị định hợp nhất tỉnh Tuyên Đức, tỉnh Lâm Đồng và thị xã Đà Lạt thành tỉnh Lâm Đồng. Thị xã Đà Lạt trở thành thành phố tỉnh lỵ tỉnh Lâm Đồng.

Dân cư

Phát triển dân số

Dân số 188.467 người (2004), mật độ 469 người/km² [2]

Trước Thế chiến thứ hai, dân số Đà Lạt rất ít, ngoài dân cư bản địa chỉ có một số ít người châu Âu làm công tác. Số người Kinh định cư đầu tiên ở Đà Lạt là những tù nhân, thay vì phải lưu đày ở Côn Đảo thì bị đưa lên Đà Lạt để khai phá đất hoang, xây dựng nhà cửa. Trong khoảng thời gian từ năm 1933 đến 1938 nhiều công trình giao thông được hoàn thành. Bắt đầu từ thời gian này dân số Đà Lạt bắt đầu tăng nhanh từ 1.500 người (1923) lên đến 9.000 người năm 1928 rồi 11.500 người vào năm 1936. Và đến cuối năm 1942, Đà Lạt đã đạt con số hai vạn dân.

Khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, các viên chức Pháp không có khả năng trở về quê hương nên đổ xô lên Đà Lạt nghỉ mát. Dân số tăng nhanh trong thời kỳ này: 13.000 người năm 1940, 20.000 người (1942) và lên đến 25.000 người năm 1944. Trong thời gian kháng chiến 9 năm (1945-1954) dân số Đà Lạt chựng lại ở vào khoảng 25.000 người. Vào cuối năm 1954 dân số tăng lên đến 52.000 người và giữa năm 1955 là 53.390 người do người dân miền Bắc di cư vào Nam. Từ đấy dân số Đà Lạt tăng 73.290 người vào năm 1965, 89.656 người (1970) và đến năm 1982 dân số Đà Lạt đã vượt qua con số 100.000 người. Năm 1999, dân số Đà Lạt là 129.400 người.

Thành phần dân tộc

STT Dân số Số người

01 Kinh

112.476

02 Tày

91

03 Thái

102

04 Hoa

1.779

05 Khmer

14

06 Mường

6

07 Nùng

88

08 Gia-Rai

1

09 Ê-Đê

4

10 Kơ Ho

1.407

11 Chàm

7

12 Hrê

1

13 M'Nông

20

14 Thổ

5

15 Mạ

12

16 Châu-ro

7

17 Chu-ru

8

18 Người nước ngoài 4

Dân số toàn thành phố 116.052

(Theo tài liệu Tổng điều tra dân số lần thứ II, ngày 1 tháng 4 năm 1989 của Ban chỉ đạo điều tra dân số TP. Đà Lạt)

Kinh tế

Kinh tế Đà Lạt có thế mạnh về du lịch, trồng hoa và rau. Phần lớn diện tích trồng hoa chuyên nghiệp của tỉnh Lâm Đồng tập trung tại Đà Lạt. Tổng cộng diện tích canh tác nông nghiệp của Đà Lạt vào khoảng 9.978 ha. Sản lượng rau hằng năm vào khoảng 170.000 tấn, trong đó có 35.000 tấn được xuất khẩu sang các nước Đông Bắc châu Á và ASEAN. Sản lượng hoa Đà Lạt hằng năm vào khoảng 540 triệu cành, trong đó xuất khẩu vào khoảng 33,3 triệu cành hoa.[3]

[sửa]Kiến trúc

"Tòa nhà" đầu tiên ở Đà Lạt là một đồn binh lợp lá vào năm 1898, tiếp theo đó là nhà bằng gỗ lợp tôn của viên công sứ Pháp năm 1900.Hotel du Lac mở cửa vào năm 1907. Năm 1916 người Pháp cho xây dựng thêm Hotel du Langbian Palace. . Đà Lạt thật sự trở thành thành phố khi người Pháp xây dựng thành phố theo đồ án thiết kế tổng thể của kiến trúc sư Ernest Hébrard. Năm 1933 kiến trúc sư Pineau trình bày một công trình nghiên cứu chỉnh trang và mở rộng Đà Lạt. Đến năm 1940 kiến trúc sư Mondet thiết lập một đồ án mới, quay về với ý tưởng của Hébrard là bố trí các khu vực hành chánh và dân cư quanh hồ. Thế nhưng dự án này không được duyệt.

Đà Lạt có nhiều công trình xây dựng đặc sắc, phần nhiều mang đặc trưng của kiến trúc kiểu Pháp. Trong thời gian vừa qua toàn cảnh kiến trúc đô thị của thành phố Đà Lạt đã bị phá vỡ vì xây dựng thiếu quy hoạch đồng bộ, lấn chiếm làm nhà ở và cơi nới, xây cất vô lối ngay trong biệt thự. Nếu so với nhiều thành phố khác trong cả nước, Đà Lạt vẫn là một thành phố trẻ, nhưng đó lại là một thành phố có đồ án thiết kế theo kiểu cách phương Tây. Đà Lạt trước kia là một thành phố do người Pháp xây dựng cho người Pháp, và các đồ án thiết kế đều phải do Phủ toàn quyền quyết định, các kỹ sư, kiến trúc sư, các đoàn lên Đà Lạt nghiên cứu về việc chỉnh trang, xây dựng đều được tuyển chọn kỹ lưỡng và nhất thiết phải có trình độ chuyên môn giỏi.

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (trước kia là trường Grand Lycée Yersin)

Là kiến trúc được Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỷ 20. Trường được người Pháp thành lập năm 1927, do kiến trúc sư Moncet thiết kế và chỉ đạo xây dựng, dành cho con em người Pháp và một số gia đình người Việt giàu có. Năm 1932 trường Petit Lycée Dalat được đổi tên thành Grand Lycée de Dalat và đến năm 1935 trường có tên làLycée Yersin để tưởng niệm bác sĩ Alexandre Yersin. Dãy lớp học được xây hình vòng cung, gạch xây trường là gạch trần đỏ được chở từ châu Âu sang, mái được lợp bằng ngói làm từ nước Pháp. Hiện nay các tấm ngói lợp đã được thay thế do các tấm ngói cũ đã không còn sử dụng được nữa. Điểm nhấn của dãy nhà hình vòng cung là tháp chuông. Phía bên ngoài tháp chuông trước đây có 1 đồng hồ nhưng có lẽ đã bị tháo dỡ, du khách chỉ có thể thấy vết tích của chiếc đồng hồ lớn còn in lại trên nền gạch. Bên trên tháp chuông cũng không còn chuông do có lẽ đã bị tháo dỡ trong thời chế độ cũ.

Chợ Đà Lạt

Ngôi chợ đầu tiên của Đà Lạt được xây vào năm 1929. Chợ được xây bằng cây, lợp mái tôn, vì thế mà còn được gọi là "Chợ Cây". Năm1931 "Chợ Cây" bị cháy rụi, đến năm 1937 Công ty SIDEC xây dựng một ngôi chợ mới thay thế "Chợ Cây" (nay là rạp 3/4. Ngoài bưu điện Đà Lạt, rạp 3/4 cũng được xem là 1 tâm điểm của thành phố).

Chợ Đà Lạt ngày nay (trước đây gọi là chợ mới) được khởi công xây dựng vào năm 1958 trên 1 thung lũng sình lầy ngay dưới chân đồi của chợ cũ, do kiến trúc sư Nguyễn Duy Đức thiết kế. Sau khi ở nước ngoài về, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ có tham gia chỉnh trang về quy hoạch và kiến trúc. Chợ được hoàn thành vào năm 1960, là một trong những ngôi chợ lầu đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1993, nhân dịp kỷ niệm 100 nam tìm ra Đà Lạt, chợ đã được khởi công cải tạo nâng cấp.

GA ĐÀ LẠT

Ga Đà Lạt cho đến nay là ga duy nhất của Việt Nam được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Nhà ga được kiến trúc sư người Pháp Moncet cùng với đồng nghiệp là Revenron thiết kế và lãnh đạo thi công. Công trình khởi công năm 1932 đến năm 1936thì hoàn thành. Các kiến trúc sư đã thể hiện hình tượng dãy núi Langbian qua 3 vòm mái của nhà ga. Tuyến đường sắt từ Đà Lạt đi Tháp Chàm (Phan Rang) đã là tuyến đường sắt răng cưa duy nhất của Việt Nam từ trước đến nay. Rất tiếc là hệ thống răng cưa này đã bị tháo dỡ bán sắt vụn gần hết sau năm 1975. Cây cầu sắt dành cho tuyến tàu hỏa bắt qua sông Đa Nhim tại địa phận thị xã Dran cũng đã được chính quyền địa phương quyết định tháo dỡ vào năm 2004. Ga Đà Lạt hiện nay chỉ còn một chiếc đầu máy xe hỏa hơi nước chạy bằng than củi, 2 chiếc khác đã được Bảo tàng Xe lửa Thụy Sĩ mua lại. Ga Đà Lạt hiện nay là điểm tham quan du lịch, hằng ngày có các chuyến tàu chở du khách đi từ ga đến Trại Mát.

Thiền viện và chùa

Thiền viện Trúc Lâm là thiền viện lớn nhất Việt Nam, khánh thành năm 1994, là một trong những công trình xây dựng Phật giáo lớn nhất sau năm 1975. Chùa tọa lạc bên cạnh hồ Tuyền Lâm trên một khu đất rộng 25 ha. Thiền viện Trúc Lâm hiện nay được nối với Trung tâm thành phố Đà Lạt (đồi Robin) bằng hệ thống cáp treo, chuyên chở khách đến Thiền viện và quay về.Hồ Tuyền Lâm năm 2005 được chính quyền tỉnh Lâm Đồng xây dựng thành một khu du lịch lớn, thu hút khoảng khoảng 30 nhà đầu tư.

Chùa Linh Phước còn được gọi là Chùa Ve Chai vì trong sân có con rồng dài 49 m được làm bằng 12.000 vỏ chai, sành sứ. Chùa là một kiến trúc khảm sành độc đáo của Đà Lạt. Chùa tọa lạc tại Trại Mát, cách trung tâm thành phố 10 km về phía Đông.

Chùa Linh Sơn được xây dựng từ năm 1938 đến năm 1940 do sự đóng góp của các Phật tử, nhất là ông Nguyễn Văn Tiến và Võ Đình Dung, người đã nhận thầu hầu hết các công trình kiến trúc thời bấy giờ.

Chùa Thiên Vương Cổ Sát được khởi xây năm 1958, cách trung tâm Đà Lạt vào khoảng 5 km, nằm trên một đồi thông. Chính điện chùa có 3 tượng Phật cao 4 m thỉnh từ Hồng Kông, phía sau chùa, trên đồi thông là tượng Thích Ca Phật Đài cao 20 m. Chùa còn được gọi là Chùa Tàu, theo hệ phái Phật giáo Huê Nghiêm của Trung Quốc.

Chùa Linh Phong tọa lạc tại đường Hoàng Hoa Thám, được xây dựng năm 1944. Trong chùa chỉ có sư nữ tu nên chùa còn được gọi là Chùa Sư Nữ.

Chùa Linh Quang, ngôi tổ đình đầu tiên của Đà Lạt, tọa lạc trên đường Hai Bà Trưng do hòa thượng Thích Nhân Thứ tạo lập năm1931.

Nhà thờ

Khuôn viên bên trong của nhà thờ Domain de Marie

Nhà thờ chánh tòa Đà Lạt thường được gọi là Nhà thờ Con gà vì có hình con gà trên nóc, biểu tượng cho thánh Phê-rô. Nhà thờ được khởi công xây dựng từ năm 1931, đến năm 1942 thì hoàn thành. Nhà thờ là một trong những kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa của Đà Lạt.

Ngoài ra Đà Lạt còn có nhiều nhà thờ khác như Nhà thờ Domaine de Marie với kiến trúc kiểu Pháp rất đẹp, trong nhà thờ còn có một vườn hoa tuyệt đẹp với 2 cây Tùng trên 75 năm tuổi, nhà thờ Du Sinh có kiến trúc cổ truyền Việt Nam với mái cong và rồng. Nhà thờ Cam Ly được xây dựng từ năm1960 đến 1968 theo kiểu nhà rông Tây Nguyên.

Dinh thự

Đà Lạt có nhiều dinh thự và biệt thự đẹp như:

Dinh I: đã từng là văn phòng quốc trưởng của Bảo Đại, nay được Công ty K'Gim - Hàn Quốc đầu tư thành khu khách sạn,giải trí cao cấp.

Dinh II: từng là biệt thự nghỉ mát của toàn quyền Decoux, rồi sau đó là của Ngô Đình Diệm vàNguyễn Cao Kỳ. Sau năm 1975 là nhà khách UBND tỉnh Lâm Đồng.

Dinh III: còn gọi là dinh Bảo Đại, xây dựng từ năm 1933, nằm ở đường Triệu Việt Vương, gần Viện vacxin và các chế phẩm sinh học Đà Lạt. Từ năm 1949, Đà Lạt là thủ phủ của Hoàng triều cương thổ, vua Bảo Đại sống với gia đình và làm việc tại đây. Hiện nay còn lưu giữ lại nguyên trạng 25 phòng và một số hiện vật của ông vua cuối cùng triều Nguyễn, hoàng hậu Nam Phương, các hoàng tử và công chúa. Vườn hoa trước biệt điện được chăm sóc công phu.

Biệt thự Long Mỹ Quận Công Nguyễn Hữu Hào (cha của Nam Phương Hoàng Hậu Nguyễn Hữu Thị Lan - vợ vua Bảo Đại).

Biệt thự Thống đốc Nam kỳ, nay là trụ sở UBND tỉnh Lâm Đồng.

Biệt thự Hằng Nga.

Ngoài ra còn hàng trăm biệt thự cổ khác nằm rải rác, nhiều căn bị bỏ hoang lâu ngày.

Du lịch

Được ví như một Tiểu Paris, Đà Lạt từng mộng mơ và nên thơ nhờ cái lạnh cao nguyên ban đêm, sương mù buổi sớm và những dải rừng thông bao quanh thành phố. Không gian này tuy vậy đã phần nào bị mất đi cái chất Pháp trong các kiến trúc biệt thự thiếu chăm sóc hay bị sửa đổi không phù hợp.

Du lịch tuy là một thế mạnh song cũng là yếu tố làm thay đổi Đà Lạt theo hướng đô thị hóa.

Đồi Cù

Đồi Cù nằm giữa trung tâm thành phố Đà Lạt nằm kế bên là Hồ Xuân Hương do vậy thường được nhắc đến như một địa danh dính liền nhau - nhiều người cho rằng Đà Lạt sẽ kém phần mỹ lệ nếu thiếu Đồi Cù và hồ Xuân Hương. Năm 1942, khi thiết kế đồ án quy hoạch thành phố Đà Lạt, kiến trúc sư Lagisquet đã khoanh vùng Đồi Cù như một khu vực bất khả xâm phạm nhằm tạo một tầm nhìn thoáng đãng cho Đà Lạt. Về sau, một kiến trúc sư người Anh đã thiết kế biến Đồi Cù thành sân golf 9 lỗ khá nổi tiếng của vùng Đông Nam Á và hiện nay Đồi Cù đã được nâng cấp thành sân golf 18 lỗ. Tên Đồi Cù không rõ có từ bao giờ, và vì sao gọi là "Đồi Cù" lại có hai hướng lý giải, có người cho rằng những quả đồi thoai thoải nơi đây khi nhìn từ xa giống như tấm lưng trần của những con cù khổng lồ nên đã ví von gọi là "Đồi Cù"; cũng có người giải thích sở dĩ có tên "Đồi Cù" vì nơi đây là một địa điểm chơi golf hay còn gọi là đánh cù.

Hồ Xuân Hương

Hồ Xuân Hương nằm ngay trung tâm thành phố Đà Lạt và bên cạnh Đồi Cù. Hồ thực chất là hồ nhân tạo được xây dựng vào năm 1919 do sáng kiến của Cunhac. Để tạo thành hồ, người ta đắp một cái đập chắn dòng suối chảy qua thung lũng, hồ có diện tích mặt nước rộng 25 ha, chu vi dài 5,1 km. Xung quanh hồ nhiều kiến trúc độc đáo có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cao được xây dựng như khách sạn Palace, thao trường Lâm Viên, nhà nghỉ Công Đoàn, Nhà hàng Thanh Thủy, Thủy Tạ... Trước kia hồ có tên gọi Grand Lac (hồ lớn). Vào buổi sáng sớm sương mù hiện lên rất đẹp và thơ mộng.

Hồ Suối Vàng

Hồ Suối Vàng là hồ nước ngọt lớn nhất tại Đà Lạt, cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố qua đập tràn của công ty cấp nước Đà Lạt. Thung lũng Suối Vàng còn là điểm đến du lịch nổi tiếng với vườn hoa và rừng thông.

Công viên hoa Đà Lạt

Công viên hoa Đà Lạt

Công viên hoa Đà Lạt nằm quanh trên bờ phía Bắc của hồ Xuân Hương, trên thung lũng của Đồi Cù. Trước đây công viên hoa Đà Lạt có tên là Bích Câu, hiện nay diện tích của công viên hoa được mở rộng tới 7000 m², với cách bố trí thoáng đãng, tạo ấn tượng cho người chợt ghé. Các loại hoa và cây cảnh nổi tiếng của Đà Lạt được trồng tỉa chăm sóc chu đáo, cảnh sắc tươi mát, phong phú bốn mùa. Hàng năm thường tổ chức lễ hội hoa và là thông điệp nhằm mời gọi, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài phát triển Đà Lạt và các vùng phụ cận trở thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu hoa của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Hồ Than Thở

Hồ Than Thở là một hồ nước tự nhiên thuộc thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) và cũng là một địa điểm du lịch của thành phố này.

Tạp chí Indochine (Đông Dương) số 28 ra ngày 13 tháng 3 năm 1941 chọn ảnh hồ Than Thở làm ảnh bìa.

Trước đây vùng hồ Than Thở có một cái ao gọi là Tơnô Pang Đòng. Vào năm 1917,người Pháp đắp đập xây dựng hồ chứa nước cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt.

Người Pháp đặt tên hồ là Lac des Soupirs với nghĩa thứ hai (tiếng rì rào), nhưng khi dịch sang tiếng Việt lại dịch theo nghĩa thứ nhất: hồ Than Thở.

Vào lúc bình minh, sương mù bao phủ mặt hồ, tạo nên một bức tranh thủy mạc tuyệt đẹp, nên sau năm 1975 hồ Than Thở còn mang tên hồ Sương Mai.

Thác Cam Ly

Cam Ly là thác nước ở gần trung tâm thành phố Đà Lạt, chỉ cách khu Hòa Bình 2,3 km về phía đông - nam.

Thác không đẹp và thường ít nước vào mùa khô nhưng nhờ vị trí gần trung tâm thành phố nên du khách thường ghé thăm.

Dưới chân thác là một vườn hoa nhỏ. Phong cảnh chung quanh thác không còn hoang vu như ngày xưa.

Người Lạch gọi thác Cam Ly là Liêng Tô Sra, về sau đổi thành thác Cam Ly mang tên đoạn suối chảy từ Liêng Tô Sra đến sông Đạ Đờng.

Thác Prenn

Là một thác nước đẹp thuộc tỉnh Lâm Đồng. Thác mang một vẻ êm dịu, duyên dáng như một màn nước đổ nhè nhẹ từ độ cao 10 m xuống một hồ nước nhỏ, xung quanh đầy hoa lá và một đồi thông vi vu.

Thác Prenn nằm ở chân đèo Prenn cách trung tâm Đà Lạt khoảng 10 km, nằm ven quốc lộ 20.

Cái tên Prenn gợi nhớ đến một thời xa xăm vào khoảng thế kỷ XV - XVII, khi vùng núi rừng nơi đây còn là ranh giới chiến trường của các cuộc chiến tranh xâm lăng và bảo vệ lãnh thổ. Prenn gốc tiếng Chăm có nghĩa là "vùng xâm chiếm", còn các tộc dân bản địa như Lat, Chil, Sré lại gọi kẻ xâm lăng là "người Prenn".

Để vào thác, du khách phải qua một chiếc cầu ngắn bắc ngang dòng suối đã được kè chắn bằng bêtông nhằm tránh bị xói lở. Con đường xuống thác thật đẹp với những bậc đá ôm theo sườn đồi được bố trí một cách hợp lý; Du khách sẽ nhìn thấy một bức màn nước buông mình từ độ cao gần 10m xuống thung lũng nhỏ đã được chỉnh sửa thành vườn hoa mà từ đây có nhiều lối đẹp đưa chân lên các đồi thông thoáng đãng chung quanh.

Du khách có thể men theo các con đường dẫn đến vườn thú, vườn lan hay thư thả dạo gót hoa viên ngắm nhìn những bông hoa khoe sắc, những căn chòi xinh xinh trên ngọn cây hoặc đung đưa cùng cầu treo bắc ngang dòng suối nhỏ. Ở một góc độ khác, vườn đá Thái Dương với sự sắp xếp đầy ngẫu hứng tạo được một bất ngờ thú vị. Đặc biệt với hệ thống cáp treo, du khách có thể ngang qua dòng thác trong cảm giác phiêu bồng, tưởng như đang đi vào cõi thần tiên...

Thung lũng Tình Yêu

Thung lũng Tình Yêu là một trong những thắng cảnh thơ mộng nhất tại Đà Lạt, cách trung tâm thành phố khoảng 6 km về hướng Đông Bắc. Đó là nơi đập Đa Thiện (xây năm 1972) quy tụ những dòng suối nhỏ chảy từ đồi núi cao, thành một hồ nước (hồ Đa Thiện) trong vắt uốn quanh thung lũng rợp bóng thông xanh. Ban đầu, người Pháp gọi nơi đây là Vallée d'Amour (Thung lũng tình yêu) sau nó được đổi tên thành Thung lũng Hòa Bình, và năm 1953 trở lại là Thung lũng Tình yêu.

Thung lũng Tình Yêu đẹp và cuốn hút bởi lũng sâu và đồi thông. Năm 1972, một đập ngăn nước được xây dựng vắt ngang qua thung lũng tạo thành hồ Đa Thiện, làm tăng thêm sức quyến rũ cho cảnh quan chung, đồng thời xuất hiện thêm hai tên gọi khác bên cạnh Thung lũng Tình Yêu là đập 3 và hồ Đa Thiện 3.

Du khách có thể men theo những lối mòn hoặc leo cả trăm bậc, đi qua những cổng hoa với màu sắc rực rỡ để lên đồi Vọng Cảnh. Từ đây, Thung lũng Tình Yêu hiện ra trong tầm mắt đẹp tựa một bức tranh sinh động.

Theo Hà Nội Mới, những con đường đất đỏ uốn lượn vòng vèo đưa khách lên đồi hoặc dẫn đến tận đỉnh núi Langbian thấp thoáng trong mây. Du khách cũng có thể vượt qua chiếc cầu nhỏ để khám phá đồi Địa Đàng, một địa điểm lý tưởng nhờ được bao quanh bởi hồ nước.

Thung lũng Tình Yêu là một địa danh du lịch sinh thái lý tưởng và hấp dẫn đã trở nên quen thuộc với du khách gần xa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #leigh