Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

two

Ba mẹ cứ thế im lặng mà sống với nhau thêm nhiều năm nữa. Ba tôi vẫn đi biền biệt, cứ đôi hôm dăm bữa lại xách vali lên mà đi. Tôi hiểu ba mẹ kiểu gì cũng khó có thể hàn gắn được như xưa. Mẹ tôi giữ lời với ba, không còn gặp dì Ngôn nữa. Thật ra thì mẹ tôi có muốn cũng không thể gặp lại. Sau đợt cãi nhau to của ba với mẹ, dì Ngôn biệt tăm. Dì chuyển khỏi khu này, hoặc có thể chuyển khỏi thành phố này luôn không chừng. Dì không để lại chút thư từ nhắn gửi gì cho mẹ tôi, cứ như dì nói đi là liền đi trong một đêm. Ngày mẹ tôi nhìn căn nhà trống hoác treo biển rao bán, mắt mẹ bần thần ánh lên tia tuyệt vọng. Tôi hỏi mẹ, có phải vì tôi không ngoan nên dì Ngôn mới bỏ đi hay không. Mẹ bảo, dì bỏ đi là vì mẹ. Vì mẹ làm dì khổ, vì mẹ làm dì buồn. Tôi không biết có phải thật như mẹ nói không, nhưng tôi không hề trách mẹ. Tôi biết, dì Ngôn đi rồi, mẹ cũng chẳng sung sướng hơn là bao. Thậm chí, mẹ còn buồn, còn đau hơn tôi gấp trăm nghìn lần. Mấy hôm đầu dì mới chuyển đi, tối nào mẹ cũng ôm tôi vào lòng mà lặng lẽ rơi nước mắt. Tôi cứ tưởng dì Ngôn chuyển đi làm mẹ mất đi người bạn tốt nên mẹ buồn, giống như lúc Nhiên Nhiên nhà bên theo ba mẹ đến Thượng Hải, tôi cũng đã khóc sướt mướt trong ngày chia tay và cả một tuần sau đó. Tôi giữ lại chiếc gối dì Ngôn từng nằm để dành cho mẹ, vì tôi biết, mẹ yêu hương trà giản dị của dì hơn bất kì mùi hương xa xỉ nào trên thế giới này. Hương trà nhàn nhạt xoa dịu lòng mẹ, len lỏi vào nơi ngực trái mà mơn man, an ủi.

.

.

.

.

Đến lúc tôi mười lăm, mười sáu tuổi tôi mới ngờ ngợ ra được chuyện mập mờ giữa mẹ và dì Ngôn khi tôi tìm thấy xấp thư úa màu nằm nép trong ngăn sách của mẹ. Chỉ cần nhìn qua một lần tôi liền có thể nhận ra nét chữ quen thuộc của mẹ, vì tôi đã đọc nát nhừ mấy tập bản thảo viết tay mẹ soạn. Chữ của mẹ không đẹp, mẹ thường dặn tôi phải chăm luyện chữ, nếu không chữ sẽ khó nhìn giống như mẹ vậy. Nét chữ còn lại ngay ngắn và gọn gàng hơn, tuy không đề rõ họ tên nhưng phía cuối có ghi "Ngôn Ngôn", tôi liền có thể đoán được cái tên "Dụ Ngôn". Ngày tháng trên bức thư đều là vào khoảng những năm bảy mươi mấy, tám mươi, khi mẹ tôi và dì Ngôn còn rất trẻ, chắc cũng chỉ khoảng độ đôi mươi. Tôi không còn đọc rõ chữ viết trên giấy nữa vì chỗ nào cũng nhòe nhòe dính nước. Giấy ố vàng làm mờ đi nét chữ vốn có, tôi cố căng mắt ra cũng chỉ đọc được vài câu ngăn ngắn. Nhưng tóm lại, tôi biết mẹ và dì Ngôn từng là một cặp tình nhân. Tôi không sốc. Dù ở thời đại của tôi, đồng tính vẫn là vấn đề nhạy cảm, nhưng tôi được tiếp cận văn hóa phương Tây thông qua sách truyện và lời dạy của mẹ nhiều hơn bất kỳ thiếu niên nào ở độ tuổi này, tôi cũng dần hình thành cho mình cái nhìn phóng khoáng hơn về con người và xã hội. Tôi hiểu mẹ và dì đã khổ sở như thế nào trong những năm tháng tuổi trẻ. 

Khi tôi lật hết mấy bức thư cũ mèm, tôi không khỏi bật khóc. Không có gì nhiều nhặn, chỉ có mỗi đầu thư mẹ gửi dì đều bắt đầu bằng đôi câu thơ sến súa của thập niên tám mươi, và kết thúc thư là một câu "Chị thương và nhớ em mỗi ngày". Đúng là người viết văn, sến chết đi được. Chẳng hiểu sao tôi vẫn vô thức khóc khi nhìn lại những bức thư tỏ tình lỗi thời này. Nhìn vào một quá khứ tươi đẹp, đem lên bàn cân so sánh với thực tại tàn nhẫn, tôi có thể nào không khóc không. Tôi tự hỏi, ngày mẹ tôi đôi mươi, lúc viết nên những dòng này, mẹ có tưởng tượng ra ngày hôm nay hay không? Khi người bên cạnh mẹ chẳng còn là người trong thư mẹ viết? Khi mẹ và người thương xa nhau gần chục năm, rồi vô tình gặp lại, nhưng một lần nữa vì miệng lưỡi thế gian, mẹ và người ta lại chia đôi đường cách biệt?

Tôi vừa nghĩ ngợi vừa dốc ngược bao giấy, đổ hết giấy tờ vụn vặt còn sót lại. Từ trong bao rơi ra một tấm ảnh, phía sau nắn nót dòng chữ "Gửi người em thương.", bên dưới kí tên "Dụ Ngôn". Là ảnh chụp mẹ và dì ngày tốt nghiệp đại học, đầu đội mũ và khoác áo chùng xanh. Khi nhìn thấy nụ cười rạng rỡ và cái đan tay thật chặt, lòng tôi nhói lên như bị người ta lấy dùi đâm thủng. Có trách là trách đời người cay đắng. Quá khứ luôn là thứ vũ khí sắc nhọn cào nát tim gan những kẻ yếu lòng khi nhìn vào một thời dĩ vãng, và hiện thực chính là cái quật vai thức tỉnh dành cho những kẻ mộng mơ.

Tôi sợ mình sẽ không chịu nổi dằn vặt khủng khiếp từ mấy câu tình xưa cũ, bèn vội vã gom hết thư và ảnh cho vào bao rồi đặt lại ngay ngắn vào kệ sách. Lúc tôi xoay người lại đã thấy mẹ đứng ở ngạch cửa tự bao giờ. Mẹ rưng rưng nhìn tôi, cắn cắn má trong, mẹ chỉ bất giác làm vậy khi lo lắng. Mẹ biết tôi thấy hết rồi.

- Con có ghét mẹ không?

- Con thương mẹ. Thương cả dì Ngôn.

Tôi mỉm cười và nói với mẹ như đang nói về một chân lý hiển nhiên. Tôi còn nhớ cách khóe mắt mẹ nheo lại khi nghe tôi trả lời, cách mẹ đưa tay chặn cho nước mắt không rơi, cách mẹ kéo tôi ập vào lòng mẹ rồi xúc động bật khóc. Trong nhiều năm qua, mẹ tôi đã khóc rất nhiều, nhưng lần này là lần hiếm hoi mẹ khóc vì hạnh phúc, vì vỡ òa vui mừng.

Tôi thương mẹ. Thương cả dì Ngôn. Thương cả mảnh tình dở dang của mẹ và dì.

.

.

.

.

.

Người ta thường nói, những người có duyên dù đi đâu, làm gì thì sẽ có một ngày lại tìm được đường về với nhau. Trước giờ, tôi không quá tin vào chuyện duyên phận, cho tới cái ngày tôi gặp lại dì Ngôn lần đầu tiên.

Phải bắt đầu từ chuyện con bạn thân của tôi tập chạy xe, đèo theo tôi ở phía sau làm lơ xe. Hai đứa vụng về, hậu đậu đu lên cùng một chiếc xe, lạng quạng thế nào mà xúc thẳng vào cột điện, leo lên lề tông sầm vào cửa nhà người ta. Chúng tôi ngã đau thấy mấy ông trời, nhưng may cho tôi chỉ bị trầy xước sơ sơ, còn con bạn thì chúi đầu đập hẳn xuống đất, máu sau đầu túa ra lênh láng. Bác chủ nhà thấy chúng tôi thảm quá, cũng không bắt bẻ gì nhiều, tốt bụng đưa chúng tôi vào viện. May cho bạn tôi, nó chỉ bị thương ngoài da, cũng chưa đến mức tàn phế, băng bó chăm sóc kĩ lưỡng vài tuần thì sẽ khỏi. Tôi được bác sĩ khám xong thì nhận đơn ra quầy mua thuốc. Tôi bị không nặng, vả lại có đem theo ít tiền nên cũng không cần gọi cho mẹ. Lúc đi lấy thuốc, tôi đi ngang qua một phòng bệnh, chỉ là vô tình mắt tôi tò mò lướt lên bảng tên trước phòng, "Dụ Ngôn". Đầu tôi lập tức ong lên một tiếng nổ. Tôi hé mắt nhìn vào cánh cửa khép hờ. Không có ai cả. Tôi đưa mắt dáo dác nhìn quanh tìm kiếm. Chợt có tiếng lộp cộp phía sau lưng vọng đến. Tôi xoay lại, tôi thấy dì. Một bên chân của dì chằng chịt bông băng trắng xóa, một tay chống nạng nặng nề nhích từng bước. Lâu rồi tôi không nhìn thấy dì, có chăng là dì vẫn còn đẹp quá, so với phụ nữ ở lứa tuổi của dì. Tôi chạy lại đỡ một bên tay cho dì. Có vẻ dì cũng nhận ra tôi, dù đã mấy năm rồi kể từ ngày cuối tôi gặp dì. Dì nói, dì bị ngã, gãy một bên chân trái, ở nhà không có người chăm sóc nên cứ nằm viện cho tiện theo dõi. Dì khen tôi lớn lên thật xinh đẹp, thật giống với mẹ. Dì bất giác nhắc đến mẹ tôi rồi tự mình mỉm cười chua xót.

- Không cần kể lại với mẹ đâu.

Tôi ậm ừ gật đầu đồng ý, ngồi lại trò chuyện với dì một chút rồi đưa dì vào phòng nghỉ ngơi. Tôi không thể ngăn mình chạy như bay về phòng, lục lọi lấy điện thoại, mở danh bạ, chọn số của mẹ. Tôi chần chừ mãi, không biết có nên gọi cho mẹ hay không. Đầu ngón tay tôi cứ lưng lửng cách phím gọi vài milimét. Cuối cùng, tôi vẫn ấn gọi mẹ.

- Con gặp lại rồi. Gặp lại dì Ngôn.

Tôi nghe giọng mẹ nghẹn ứ nơi cuống họng. Mẹ cứ ú ớ muốn nói gì đấy rồi lại thôi. Tôi nói mẹ cúp máy đi rồi tôi nhắn địa chỉ cho mẹ. Chưa đầy mười phút sau, mẹ tôi đã đến bệnh viện. Mẹ hớt ha hớt hải chạy ù vào chỗ quầy tiếp tân hỏi số phòng của dì Ngôn, đến khi tôi chạy đến kéo tay thì mẹ mới nhận ra tôi đang đứng bên cạnh. Giọng mẹ gấp gáp, dồn dập hỏi tôi dì Ngôn bị như thế nào mà vào viện. Tôi phải giữ lấy vai mẹ, ấn mẹ xuống ghế, rồi kể mẹ nghe dì Ngôn chỉ bị ngã gãy chân nên mới nhập viện chứ chẳng có gì ghê gớm như mẹ nghĩ đâu. Mẹ tôi nghe nói xong thì cũng không bớt hoảng là bao, tôi đành kéo tay mẹ dẫn đến phòng của dì. Mẹ cứ tần ngần trước cửa phòng mãi mà chẳng chịu vào. Mẹ chỉ len lén nhìn qua khe cửa một chút rồi lại xoay người dợm bỏ đi.

- Tới nhìn như vậy thôi. Đừng phiền dì.

Tôi giận cái tính nhút nhát, hiền lành của mẹ ghê gớm. Tôi gõ cửa phòng, đợi đến khi có người lên tiếng, tôi đẩy cửa, kéo theo mẹ bước vào. Mẹ nhìn thấy dì Ngôn, liền ngại ngùng xoay mặt nhìn chỗ khác. Tôi thúc vào eo mẹ, đẩy đẩy người mẹ lên phía trước, rồi lẳng lặng lui ra ngoài, khép cửa phòng lại, chừa ra một khe nhỏ để tôi hé mắt vào nghe ngóng. Gần nửa tiếng trôi qua, mẹ tôi vẫn đứng như trời trồng trước giường bệnh, cúi mặt xuống đất, tay vân vê vạt áo sơ mi đến nhàu nhĩ. Thì ra mẹ cũng có lúc ngốc nghếch đến như vậy. Dì Ngôn từ trên giường ngồi dậy, đưa tay níu tay áo của mẹ, mẹ liền ngồi sụp xuống bên cạnh dì. Mẹ đưa tay chạm lên má dì. Ngón cái vuốt lấy nơi dưới quầng thâm mệt mỏi, khẽ mơn man trên xương hàm gầy gò, chạm vào phía dưới đôi môi nhợt nhạt. Tay trái của dì để hờ ở cổ tay của mẹ nhưng dì không ngăn tay mẹ vuốt ve khắp khuôn mặt của mình. Dì đưa tay phải chạm lên khóe mắt thoáng hiện vết chân chim của mẹ, rồi lại lần đến chạm vào sau tai vuốt nhẹ mấy cái.

- Sao lại bị thương?

- Ngã xe.

- Điêu. Đi ô tô ngã xe thế nào được.

- Ừ thì không phải đi ô tô. Là em tự ngã. Không nghiêm trọng.

- Không nghiêm trọng mà còn nằm viện à?

- Chị đang lo cho em hở?

- Ừ.

- Chị có giận em không?

- Có.

- Vì em bỏ chị đi?

- Không.

- Vậy ...

- Đừng hỏi nữa. Mau nghỉ ngơi đi.

Mẹ gỡ tay dì khỏi tay mẹ, đỡ dì nằm xuống đệm rồi nhanh chân rời đi trước khi dì kịp hoàn hồn mà níu tay mẹ lại. Tôi ló đầu vào chào dì một tiếng rồi khép cửa, chạy theo mẹ. Suốt đoạn đường về, mẹ chỉ im lặng đi bộ song song với tôi. Mẹ không nói gì nhưng tôi đã đủ lớn để nhìn ra được tia vui mừng âm thầm ánh lên nơi khóe mắt. Miệng mẹ không vẽ rõ nụ cười nhưng khóe môi trái vẫn khẽ nhếch lên cao hơn so với bên phải. Tôi biết mẹ vui vì mẹ gặp lại được dì. Tôi cũng mừng cho mẹ.

.

.

.

.

.

Tôi và mẹ đều đều thăm dì Ngôn suốt một tuần liền. Đương nhiên, chúng tôi giấu ba. Nhưng không biết bằng cách nào mà ba tôi biết được chuyện mẹ lén đi thăm dì Ngôn. Ba lại cãi nhau một trận to với mẹ. Ba đổ lỗi cho mẹ trơ trẽn đi gặp tình cũ ở bên ngoài làm xấu mặt người nhà. Tôi nghe ba nói mà không khỏi phì cười. Tôi biết rõ ba ở bên ngoài có người mới rồi, ba không còn thương mẹ và tôi nữa. Tôi phát hiện ra chuyện này khoảng một năm trước, tôi không dám nói với mẹ vì sợ mẹ buồn. Nhưng hóa ra mẹ còn biết sớm hơn cả tôi. Mẹ nói với ba rằng mẹ biết chuyện ba có người khác ở ngoài từ mấy năm nay rồi. Ba nghe xong liền tát vào má mẹ, nói mẹ bịa chuyện. Tôi chạy đến ôm mẹ, tôi nói, tôi cũng biết chuyện của ba. Ông sững người nhìn tôi, hạ tay xuống. Mẹ nói, mẹ muốn ly hôn. Ba nhìn tôi, rồi lại nhìn mẹ, rồi lại thở dài chán nản. Cuối cùng, ông phủi tay bỏ đi.

Hôm sau, mẹ tôi viết liền đơn ly dị. Ba đòi nuôi tôi, tôi không chịu, tôi chỉ muốn ở với mẹ. Ba cũng đành thôi, chiều theo ý tôi nhưng xem chừng ông cũng hậm hực, không vừa lòng. Mẹ dẫn tôi về nhà ông bà ngoại. Bà ngoại la mẹ nhiều lắm.

- Mày ngu ghê. Ở với nhau cũng mười mấy, hai chục năm chứ ít gì, có gì thì đóng cửa bảo nhau. Mắc gì đòi ly dị.

Thật ra lúc đó, hồi những năm chín mươi, phụ nữ ly hôn vẫn còn là chuyện kinh khủng lắm. Ông bà tôi khó chấp nhận cũng là chuyện thường thôi, nhưng mẹ vẫn nói với tôi

- Mẹ ở với ba gần hai chục năm rồi, nhưng mẹ không có thương ba, ba cũng không còn thương mẹ. Mẹ vì thương con nên mới ở với ba lâu được như vậy. Mẹ cũng hơn bốn mươi rồi. Mẹ muốn đời mẹ bớt khổ đi.

Lúc mẹ nói câu cuối, mẹ bật cười như đang nói giỡn. Tôi nghe mẹ nói mà mắt rưng rưng muốn khóc.

- Hay là mẹ ở với dì đi. Dì ở có một mình. Dì thương mẹ. 

Mẹ cười cười, cốc vào đầu tôi.

- Thôi. Đừng nhắc nữa. Ông bà nghe được là đánh chết đó.

Nghe mẹ nói vậy, tôi cũng đành thôi.

Nhưng lúc đó, lòng tôi chỉ canh cánh một câu hỏi: liệu mẹ có còn thương dì hay không?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro