Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 29

“Lâm Ngọc Khê có bưu kiện này.” Khi Ngọc Khê đang xử lí con lợn rừng thì nghe thấy bên ngoài có người gọi.

“Vâng, đến đây.” Cậu vội lau tay rồi chạy ra.

“Anh Đại Lâm, lại làm phiền anh đi một chuyến.” Ngọc Khê mở cửa cười  nói với người đối diện.

“Phiền toái gì, đây vốn là chuyện của anh. Em ký đi, có hai bưu kiện. Một kiện đến chiều ngày hôm qua, một kiện đến sáng hôm nay, đưa một thể luôn.”

Ngọc Khê ký xong rồi tiếp nhận hai bao lớn. Nặng thật, “Anh Đại Lâm vào nhà ngồi chơi một lúc.”

“Không được rồi, anh còn hai bưu kiện chưa đưa. Thôi em quay về đi. Anh đi đây.” Người phát thư nói xong quay xe đạp đi.

“Đây là cái gì thế anh.” Tam oa tựa lên khung cửa ngẩng cổ xem trên tay Ngọc Khê cầm cái gì.

Ngọc Khê nhìn nhãn “Đây là bưu kiện cậu và thúc thúc gửi cho. Đi vào nhà rồi xem.”

Một bưu kiện là của Vương đồn trưởng gửi đến, mọi người trong đồn nhận được thổ sản Ngọc Khê gửi cho đều rất thích, nhất là nấm hầu thủ vì trong thành phố bán rất đắt. Biết tình huống ba anh em cậu hiện giờ nên ông và đồng sự đều rất vui mừng, còn nhắc nhở cậu chăm lo cuộc sống cho em trai nhưng đừng buông bỏ học tập. Vương đồn trưởng còn gửi cho cậu một ít trà sữa Mông Cổ và xúc xích đỏ đặc sản của Cáp thị. Mời cậu nếu có thời gian nhớ dẫn các em đến Cáp thị chơi.

Cậu của Ngọc Khê cũng gửi không ít đồ, ba anh em mỗi người một bộ quần áo mùa đông, bảy tám quyển sách đính kèm một cái máy ghi âm, mấy băng đĩa từ vựng tiếng Anh, thứ này để phục vụ cho Ngọc Khê học tiếng Anh. Cậu còn gửi cho cậu một bức thứ dày, trong thư có ghi khi biết Ngọc Khê muốn buôn bán, đầu tiên là mắng cho cậu một trận, ý tứ là: Cháu còn nhỏ đừng nghĩ nhiều, chờ ba đứa cháu đến thủ đô học, cậu mợ chắc chắn sẽ chăm sóc các cháu, học tập và sinh hoạt không cần các cháu quan tâm. Có điều đoạn sau lại nói, nếu cậu muốn sống ở đó lâu dài, tuy sinh hoạt không cần lo nhưng nếu không chậm trễ việc học thì cũng có thể buôn bán nhỏ.

Trong thư cậu cũng phân tích cho cậu một chút, nếu trứng vịt muối thật sự ngon như trong thư cậu viết, như vậy ở thủ đô nhất định có thể bán được. Có lẽ còn có thể phát triển. Cậu nói đồ ăn vặt ở thủ đô rất có tiếng, có rất nhiều cửa tiệm đặc sắc được truyền từ đời này sang đời khác, nguyên nhân vì có bí phương đặc biệt. Chỉ cần xác định Ngọc Khê làm được trứng vịt muối ngon, người khác không làm ra được mùi vị đó thì như vậy đây là ưu thế.

Về phần Ngọc Khê hỏi về ngôi nhà cũ ông bà ngoại lưu lại thì không thích hợp làm cửa tiệm. Hiện giờ thủ đô có rất nhiều quy định đối với việc cải tạo tứ hợp viện, không dễ cải tạo thành cửa hàng. Vị trí nơi đó tuy tốt nhưng không nằm bên đường, chỉ thích hợp sinh sống chứ không thích hợp buôn bán.

Mấy ngày nay cậu của Ngọc Khê có đi xem qua các ngôi nhà, thấy mấy ngôi nhà gần phố vị trí khá được nhưng giá hơi đắt. Nhưng cậu thấy hiện giờ mua có lợi hơn. Nhà cũ của Trương gia năm trước có người muốn mua với giá năm mươi vạn, năm nay đã lên tận trăm vạn, hơn nữa ở thủ đô có một số nơi bắt đầu xây dựng khu chung cư, về sau các đơn vị có thể sẽ không phân nhà nữa, loại chuyện này không ai nói chính xác được. Mặc kệ nói thế nào thì mua nhà sẽ không thiệt. Lời cuối, hi vọng các cháu có thể đến thủ đô ăn tết, lúc đó lại bàn kế hoạch sau.

Bỏ thư xuống, Ngọc Khê suy nghĩ, việc này đúng là không thể qua loa, ngôi nhà cũ của Trương gia hiện tại có thể bán trăm vạn, tin tức này làm cậu khiếp sợ, một trăm vạn đấy, cậu bán bao nhiêu thịt kho mới kiếm được đây. Càng quan trọng hơn là, tốc độ tăng giá thật đáng sợ. Vốn cậu còn thấy trên tay mình có một vạn đồng đã rất nhiều nhưng so ra chả tính là gì. Ngọc Khê thấy tết năm nay nên lên thủ đô một chuyến.

Mới vào tháng 11 thời tiết bắt đầu trở lạnh, thời gian Ngọc Khê ở trong nhà tăng nhiều, không cho tam oa đi ra ngoài nữa, mỗi sáng Ngọc Khê như trước lên núi rèn luyện, lúc về nhặt chút nhánh cây củi khô cho nhị oa mang đến trường để sưởi ấm qua mùa đông. Trường học không có thiết bị sưởi, chỉ có tường che chắn nên mỗi ngày phải không ngừng nhóm lửa.

Mấy ngày hôm trước Ngọc Khê lên núi, để tam thẩm trông tam oa, tiểu gia hỏa bây giờ cực kỳ hoạt bát, chạy trong chạy ngoài, lơ là một tí là không thấy bóng dáng đâu, nghịch ơi là nghịch, may mà ban đêm cậu dùng linh khí cải tạo thân thể hai đứa, thành ra thân thể hai đứa rất khỏe.

Lúc đó Tam thẩm đang muối dưa chua, không chú ý, tam oa chạy ra ngoài chơi. Tam thẩm tìm hồi lâu mà không thấy, khi Ngọc Khê về thằng bé vẫn chưa thấy đâu, mọi người đều cho rằng bé bị sói ngậm đi rồi, Ngọc Khê vội vã muốn vào núi tìm thì nhìn thấy con hổ đông bắc lúc trước cậu cứu đang ngậm cái quần bông của tam oa treo bé lủng lẳng, tiểu gia hỏa cười hì hì ôm bé thỏ trong lòng.

Tuy sự kiện lần này chứng thực hổ đông bắc không đả thương người, nhưng ai cũng hết hồn, vì trước đây tam oa chịu đau khổ nên Ngọc Khê rất cưng chiều bé, thế cho nên tam oa càng ngày càng nghịch ngợm, chuyện lần này cũng cho cậu hồi chuông cảnh tỉnh, sau này không được chiều bé như vậy được nữa. Vì thế ban ngày đọc sách cho bé theo bên người, cho bé chơi khối ghép hình bằng gỗ cậu làm, trên đó có khắc chữ, dạy hai ba lần thế mà bé cũng nhận được.

Trung tuần tháng 12 đột nhiên tuyết rơi nhiều, chỉ trong một đêm mà ngập đến tận cửa sổ, cứ như vậy không ngừng, nhìn trời chắc cũng phải vài ngày, trường học đã cho nhị oa nghỉ phép, khi nào tuyết ngừng rơi mới học tiếp vì đi đường không an toàn.

Trong thôn có một hộ gia đình nửa đêm bị sụp nhà, một nhà ba người bị chôn bên trong, lúc mọi người phát hiện ra thì khi đào lên ba người đã bị đông cứng.

Hộ gia đình đó mới chuyển đến chưa tới vài năm, có chút quan hệ với nhà chồng của bà cô Tây phòng, lúc trước đến đây cũng vì có nhà họ hàng, nhưng vì không có hộ khẩu tại đây, trong nhà không có gì nhiều, người chồng đến các thôn buôn bán hàng hóa kiếm tiền, căn nhà đang ở vốn là nhà cũ của con bà cô, đã được ba mươi năm rồi, có lẽ nhà họ không phải người phương bắc không có hiểu biết với mùa đông ở nơi đây nên không sửa sang lại nhà cửa, kết quả khi tuyết rơi lớn thì sụp. Nếu là người địa phương, quen thuộc với thời tiết nơi này, hàng năm khi mùa đông bắt đầu sẽ tu sửa lại ngôi nhà nên dù tuyết lớn cũng khó bị sụp. Xem tình hình căn nhà đó thì chắc vài năm nay chưa từng sửa chữa.

Tuyết vẫn tiếp tục rơi xuống, lúc này không có cách nào nhập liệm, thôn dân làm mấy cái quan tài, trước hết cứ đặt trong nhà họ chờ tuyết ngừng rồi mới đưa lên núi, hôm nay không khí cũng đông cứng, không thích hợp.

Việc này không liên quan lắm đến cậu, sáng nay tuyết bắt đầu rơi chậm lại nhưng vẫn rất lạnh, cậu phải nhanh thu dọn sân nhà trước, nhà cậu nền cao nhưng tuyết vẫn cao đến cửa. Ổ chó đã chuyển tới hạ ốc, bên trong còn có ba con dê, trong phòng không có thiết bị sưởi ấm nên lạnh buốt, Ngọc Khê quét bớt tuyết rồi trải hai lớp cỏ khô lên.

Cậu dùng xẻng xúc ít tuyết vào nhà rồi rải trên đất, sau đó quét nhà, tro bụi trên đất sẽ bị tuyết dính vào mang đi. Tuyết ở đây rất sạch sẽ, khi nhóm lửa thì trong phòng luôn có bụi, trên quần áo cũng có, dùng tuyết chà xát thì sẽ sạch, vừa không cần giặt còn đỡ phải phơi.

Thu dọn vệ sinh xong, Ngọc Khê ra ngoài ôm hai bó lõi ngô đốt lên. Lõi ngô là nhà tam thúc cho, cậu không thích dùng cái này lắm, đốt thì khói bốc lên mù mịt rất bẩn, nếu dùng để nấu cơm thì khó khống chế độ lửa, xào rau nấu nướng dễ bị cháy.

Đống củi ở ngoại viện phía đông, Ngọc Khê phải ra ngoài sân, một lần ôm lên ba bó đủ dùng hai ngày, lúc quay trở lại đột nhiên nhìn thấy một bóng vàng từ trong rừng nhảy ra. Dừng bước chân nhìn kỹ thì thấy chú hổ đông bắc đang kéo một con mồi hướng đến nhà cậu.

“Không phải đã bảo mày đừng đưa thức ăn đến nhà rồi sao. Sao lại đến.” Hai tay Ngọc Khê ôm bó ngô, dùng chân nhẹ nhàng đá đá hổ béo.

“Ngao ô.” Hổ ta nhả con mồi ra kêu với Ngọc Khê một tiếng, lại ngậm lên tiếp tục nghênh ngang bước vào viện.

Lúc này Ngọc Khê mới chú ý, con mồi mà hổ đang ngậm là một con nai sừng tấm trưởng thành, cả thân hình to lớn đều bị tuyết bao phủ. Ban đầu cậu còn tưởng là lợn rừng cơ.

Cùng vào sân, Ngọc Khê liền nhìn thấy hổ ném con nai sừng tấm vào trong viện, còn nó thì chui vào phòng, “Mày xem mày lại gây phiền toái cho ta nè, con này cũng là động vật quốc gia bảo hộ đó, để người ta thấy thì ta sẽ bị bắt đấy.” Ngọc Khê vào phòng nhắc nhở hổ đông bắc, vốn cũng không trông cậy vào bạn hổ này có thể nghe hiểu, quả nhiên hổ ta ngay cả nhìn cũng không thèm, vểnh mông quay đuôi chui vào đông phòng, Ngọc Khê đã nghe thấy tiếng tam oa hò hét, tiếp là tiếng nhảy uỵch xuống đất, chờ cậu đi vào thì hổ đã ghé vào đầu giường xa xa lò sưởi, tam oa dựa vào người nó vừa xoa nắn vừa cười khúc khích.

Được rồi, đây là sợ lạnh phải không. Còn hơn cả mèo mùa đông.

Cho tới giờ Ngọc Khê mới thấy một con hổ biết báo ân, từ khi cứu nó, nó luôn đưa tới mấy con mồi. Ngày đó tam oa chạy ra ngoài không cẩn thận lạc vào cánh rừng, may có nó ngậm về. Lần nào Ngọc Khê gặp nó đều cho nó chút linh khí, vì thế mà nó có thể nghe hiểu một số lời nói của Ngọc Khê. Cũng biết vào thôn thì phải tránh người. Đây không phải biểu hiện của việc có nhân tính, Ngọc Khê không rõ lắm. Có lẽ bản thân động vật cũng rất thông minh.

Cậu vào trong viện nhìn con nai sừng tấm, do bị kéo đi nên cả người đều bị tuyết bao trùm, Ngọc Khê lau qua, đáng tiếc, đây là một con nai trưởng thành ít nhất sáu năm tuổi, sừng lớn, hẳn là một con nai đực cực kỳ hùng tráng. Ngọc Khê nâng thử chân nai, ừm, ít nhất một ngàn năm trăm cân (1 cân = ½ kg). Năng lực đi săn của hổ đông bắc lại tăng cường. Nghĩ vừa rồi xem hình thể thì hình như lại lớn lên không ít.

Trước kia thợ săn lâu năm trong thôn cũng từng bắt được nai sừng tấm, thậm chí học theo tộc Ngạc Luân Xuân ở phương bắc thử thuần dưỡng, đáng tiếc không có hiệu quả. Hiện giờ những người tộc đó cũng trở thành nhà bảo vệ động vật, có một lần họ đến huyện phát tranh tuyên truyền mọi người không được săn nai sừng tấm. Tuy nhiên pháp luật của con người không áp dụng được với động vật.

“Anh đang làm gì thế?” Nhị oa đeo giày đi ra cửa.

“Xử lí con nai này, em và tam oa rửa mặt trước, cơm nấu rồi mang ra ăn trước đi.” Miệng nói chuyện nhưng tay chân Ngọc Khê không ngừng, dùng dao nhỏ cấp tốc xử lý, nhị oa nhìn hoa cả mắt, không thể thấy rõ anh trai chuyển động dao nhỏ thế nào. Kinh ngạc há hốc miệng “Anh siêu quá. Làm thế nào vậy, anh dạy em đi.” Nhị oa nói xong chạy ra xem.

“Chờ em lớn hơn một chút thì anh sẽ dạy cho em.”

“Lại là lớn, phải lớn bao nhiêu ạ?” Nhị oa hỏi.

“Mười hai tuổi đi.”

“A, lâu quá.” Nhị oa thấy thời gian quá dài.

“Nếu thấy lâu, em tìm Nhị Bàn ca học đao pháp đi, anh ấy không phiền đâu, học càng sớm càng tốt.”

“Không đâu. Em muốn học anh cơ.” Nhị oa nói xong quay đầu bước đi. Bé cực kỳ sùng bái ca ca, ca ca chắc chắn lợi hại hơn Nhị Bàn ca, không phải chỉ chờ vài năm sao? Bé có học sau cũng chắc chắn lợi hại hơn Nhị Bàn ca. Hừ!!!

“Xú tiểu tử này.” Ngọc Khê cười mắng, tay thì không ngừng lột da nai.

Lột da xong thì hổ đông bắc đã ra khỏi phòng, Ngọc Khê đưa nội tạng cho nó. Mấy miếng đã ngoạm xong. Liếm liếm, xem ra không đói lắm.

“Đợi lát nữa thì đi vào.” Ngọc Khê buông dao nhỏ trên tay, xoa thử lông trên cổ hổ đông bắc rồi dẫn nó đi theo đến phía tây, dùng một khối tuyết trắng chà xát cho hổ, theo động tác của cậu, chất bẩn trên cổ hổ bị chà sạch, nhìn càng thêm uy mãnh.

Thịt nai sừng tấm ăn rất ngon, có hơi giống thịt bò nhưng tươi hơn, bỏ một miếng thịt ở bắp chân vào nồi nước thịt kho, phần nước này do Minh Chí ca đưa tới, đã nấu một lần, do Ngọc Khê thường xuyên cho vào đó các món ăn dân dã nên hương vị ngon hơn trong tiệm của Minh Chí.

Nhị Bàn đặc biệt thích ăn thịt kho nhà cậu làm, có khi Đại Trụ từ trong núi mang về một vài món cũng bỏ vào nước dùng nấu lên, đơn giản mà ngon. Sau này hai người họ giúp cậu làm một cái bếp nhỏ bên cạnh bếp cũ ở Tây phòng, là bếp than, đặt nồi trên đó, Minh Chí cho Ngọc Khê một cái nồi dùng để làm thịt kho trong tiệm. Loại nồi cao bằng thép. Cũng không biết anh ấy nghe ai nói là dùng nồi nhôm không tốt nên không cho Ngọc Khê lên phố mua nồi nhôm, trong tiệm chuyên môn dùng loại này, dùng tốt hơn nhiều.

Ngọc Khê thái mấy mấy miếng thịt nai sừng tấm, mang tấm da ra cửa. Ngoài trời tuyết lại rơi lớn, trong khoảng năm thước xung quanh không nhìn rõ ai với ai.

“Tuyết lớn thế này cháu còn ra ngoài làm gì?” Lục thúc vừa mở cửa thì thấy Ngọc Khê đã sắp đông lạnh thành người tuyết rồi.

Ngọc Khê không vào nhà chỉ đứng trước cửa, “Buổi sáng hổ đông bắc ngậm một con nai sừng tấm đến, cháu mang cho thúc thúc chút thịt và tấm da với sừng, cháu làm không tốt nên nhờ thúc làm hộ.”

“Cừ thật, con nai sừng tấm này ít nhất bảy năm rồi, con hổ ấy cũng lợi hại, tuy nói động vật cũng biết báo ân nhưng nó rất có linh tính.” Lục thúc tiếp nhận sừng hươu, nhìn thoáng qua đã biết là lâu năm.

“Sao hai thúc cháu cứ đứng ở cửa thế, Ngọc Khê mau vào nhà cho ấm đi.” Lục thẩm đi ra nói.

“Thôi ạ. Cháu về luôn. Nếu anh Tiểu Cương không có việc gì thì sang nhà cháu chơi luôn.”

“Chờ anh tí, anh đi với em.” Tiểu Cương nghe thấy gọi với ra. Sau đó chạy ra khỏi phòng, quần áo còn chưa mặc xong.

“Mặc quần áo hẳn hoi hãy đi.” Lục thẩm đội mũ cho hắn.

Tiểu Cương mặc xong quần áo, cầm thịt trên tay Ngọc Khê, “Ba mẹ, nếu tuyết lớn quá thì tối con không về đâu.”

Hai người lại đến nhà nhị thúc, hôm nay Nhị Bàn không vào núi. Cuối cùng đến nhà tam thúc, mấy anh em cùng nhau trở lại nhà Ngọc Khê.

“Hai ngày nay chán chết mất, TV ở nhà chẳng có gì hay, dây anten nhà anh bị tuyết rơi làm hỏng rồi. Lần này tuyết lớn quá.” Tiểu Cương phủi tuyết ra khỏi người, vào phòng, “Ai nha má ơi!!!” Tốc độ hắn nhanh nhất vào đông phòng trước, sau đó lại lấy tốc độ cực nhanh nhảy ra. Hiển nhiên vì hổ đông bắc mà tiềm lực của hắn tăng lên.

“Cậu gào cái gì.” Đại Trụ từ sau vỗ cho hắn một cái.

“Hổ kìa ——” Tiểu Cương kêu lên. Đại Trụ ngó vào trong phòng cũng thót tim. Cũng may hắn biết con hổ này hay đưa con mồi đến nhà Ngọc Khê. Trấn tĩnh hơn Tiểu Cương nhiều.

“Từ sáng nó đã tới rồi, trời lạnh nên không chịu đi.” Ngọc Khê giải thích một chút với ba người.

“Sao cậu không nói làm anh sợ quá. Nó có cắn người không đó.” Tiểu Cương ngiêng đầu ngó thử vào trong phòng, kết quả lại nhìn thấy dưới cằm hổ lộ ra một cái đầu, tim lại thót lên, tập trung nhìn kỹ, hóa ra là tam oa đang nhìn hắn.

“Tam oa ra ngoài đi, quần áo lại bẩn rồi.” Ngọc Khê thấy tiểu gia hỏa ngồi trong lòng hổ thì nhắc, quần áo cọ hết trên đất rồi kìa.

“Đại hoàng ấm lắm nha.” Tiểu gia hỏa cười hì hì ôm đầu hổ rồi giẫm chân trèo lên người hổ béo. Không biết có phải nhỏ quá không hiểu chuyện không, tam oa tuyệt không sợ hổ, nhị oa tuy cũng không sợ nhưng không giống bé không hề kiêng kị.

Ngay lúc tam oa đi ra thì một cục bông trắng cũng nhảy ra, một bé thỏ tuyết từ dưới chui lên. Được rồi, con thỏ nhà cậu gan cũng lớn lắm.

Giờ ba chú thỏ tuyết đã trưởng thành, Trịnh thú y thực hiện lời hứa tặng cho cậu một con thỏ tuyết đực. Vì tam oa hay cho ăn linh tinh nên Ngọc Khê sợ bé làm chết, thỉnh thoảng cậu dùng chút linh khí tẩm bổ thân thể cho chúng, giờ đây bộ dạng rất đẹp, lông tuyết trắng, chân của thỏ tuyết vốn dài hơn thỏ hoang bình thường, thế mà bốn con thỏ nhà cậu lại phát triển ngày càng kỳ lạ, chân sau cường kiện hữu lực, lớn bằng bàn tay. Chúng rất thích dùng chân sau nhảy lên, Ngọc Khê thấy chúng nó có hướng phát triển thành chuột túi. Tốc độ thì cực nhanh. Thể trọng vượt qua thỏ tuyết thông thường, thậm chí khi đứng lên cao bằng cả tam oa, điểm không tốt duy nhất là đến giờ bọn nó chưa sinh thỏ con. Không biết có phải do cách nhà cậu nuôi dưỡng không đúng không. Cậu còn định khi nào lên huyện hỏi qua Trịnh thú y chút.

“Mấy con thỏ nhà em nuôi cũng đặc biệt. Vậy mà không sợ hổ.” Tiểu Cương cảm thán.

“Chắc chắn là do tam oa cho ăn thịt.” Đại Trụ cởi dép lên kháng xem mấy con thỏ sắp béo phì.

“Chúng ta chơi bài đi.” Tiểu Cương nói xong lấy trong túi ra một bộ bài.

“Các anh cứ chơi trước đi, em đi rang chút hạt dưa.” Ngọc Khê lấy một bao hạt dưa trong hòm ra.

“Để anh rang cho.” Nhị Bàn nói xong xuống kháng.

“Cứ để nó rang, hạt dưa nó rang thơm nhất.”

Mấy anh em chơi đùa vui vẻ, tối đó Nhị Bàn ở lại giúp làm nhân bánh, mọi người cùng nhau làm mấy trăm cái sủi cảo, ăn không hết thì để làm đông lạnh, thịt băm nhiều nên Ngọc Khê làm sủi cảo khá to, ăn hai ba cái đã no rồi nhưng ngon thật.

Ăn cơm xong thì tuyết ngừng rơi, thế là ba anh em trở về. Ngọc Khê cũng ra ngoài gẩy bớt tuyết, lúc này trời trong, ánh trăng vàng chiếu lên tuyết trắng làm nổi bật khung cảnh quạnh quẽ.

Cộc Cộc cộc!!! Chỗ cửa lớn truyền đến tiếng đập cửa.

“Ai thế?” Ngọc Khê bỏ cào xuống chậm rãi đi đến. Nếu là người trong thôn thì khi đến sẽ gọi trực tiếp vì có khi ở trong phòng không nghe thấy tiếng đập cửa. Còn người trong nhà tới thì chó sẽ sủa báo, có điều hôm nay tuyết lớn quá, chó học mèo chui trong ổ rồi.

“Đồng hương, tôi là người qua đường.”

Qua đường, sao lại đến đây? Gần nhà cậu làm gì có đường, sao lại có người qua đường được nhỉ. Ngọc Khê thấy hơi kỳ quái.

“Đồng hương, tôi mới đi ra từ ngọn núi, mong cậu cho chỗ trú chân để lại sức.” Người ngoài cửa còn nói.

Ngọc Khê không nghĩ ra nhưng không biết vì sao nghe giọng nói lại có chút quen thuộc. Suy nghĩ một chút rồi khẽ hé cửa, nhìn xuyên qua khe, “Là anh?”

“Hửm?” Người ngoài cửa không ngờ người mở cửa sẽ nói như vậy, hình như có quen biết hắn, khẽ nghiêng người, nhờ ánh trắng mới nhìn thấy một cái đầu nhỏ ló qua khe cửa, “Đây là nhà cậu sao?” Sao khéo vậy. Phải trùng hợp lắm mới đến đúng nhà cậu đấy.

Chú thích

Nai sừng tấm: Nai sừng tấm (tên khoa học Alces alces) là loài đang tồn tại lớn nhất thuộc họ hươu nai. Trung bình, một con trưởng thành cao 1.8–2.1 m (6–7 ft) tính tại vai. Con đực có khối lượng 380–720 kg (850–1580 pound) và con cái nặng 270–360 kg (600–800  pound). Phân loài có kích thước lớn nhất phân bố tại Alaska (Nai sừng tấm Alaska- A. a. gigas), cao trên 2.1 m (7 ft) tính tại vai, và nặng trung bình 634.5 kg (1,396 lbs) ở con đực và 478 kg (1,052 lbs) ở con cái. Sau bò rừng bizon, nai sừng tấm châu Âu là loài động vật trên cạn lớn thứ hai ở cả Bắc Mỹ và châu Âu. Vòng đời trung bình của một cá thể từ 15–25 năm.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #đammỹ