Phần II : Đi làm thuê
Tôm làm việc ở Đi-tơ-roi ít lâu rồi chuyển sang làm điện báo ở Xi-tơ-rát pho (Ca-na-đa) gần tỉnh Bay-e-phin. Cậu đã đạt được mơ ước thuở nhỏ: thu, phát tin bằng moóc-xơ. Nhưng chỉ ít lâu sau, Tôm đã phải nhận rằng công việc đó không thú lắm. Nơi Tôm làm việc là một công ty rất lớn, công ty "Gơ-răng Tơ-rung". Việc cậu nhận thật quan trọng và vất vả. Cậu phải làm việc hằng ngày từ bảy giờ chiều đến bảy giờ sáng hôm sau mà vẫn chỉ có hai mươi lăm đô-la một tháng.
Chủ công ty là một người nghiệt ngã. Không muốn cho nhân viên ngủ trong giờ làm việc ban đêm, hắn buộc cứ nửa giờ lại phải điện cho bộ phận theo dõi điện báo một tín hiệu là số 6. Đây là một cực hình đối với các nhân viên làm ca đêm ở công ty này và đối với Tôm việc làm này thật buồn chán đến bực bội. Đang bận suy nghĩ mà phải ngắt quãng vì cái luật lệ đó thật là khó chịu. Một bạn đồng nghiệp của Tôm kêu lên:
– Tôi sẽ đi khỏi đây! Thật quá quắt! Không sao ngủ được lấy một giờ có khổ không cơ chứ!
Một người khác kêu lên:
– Mai tôi sẽ xin thôi việc ngay!
Một người nào đó đưa ra ý kiến:
– Này, làm cách nào để lừa được tụi nó nhỉ? Thí dụ ta cứ thay nhau mỗi đêm một người thức, người đó sẽ thay tất cả mà báo con số 6 cho chủ...
Ý kiến đó Tôm chẳng ưng lắm. Tôm bảo:
– Thế này, các bạn ạ, tôi đã nghĩ ra rồi... Từ ngày mai, các bạn cứ việc ngủ ngon mà vẫn làm đầy đủ nhiệm vụ.
Đúng như Tôm nói, chủ vẫn nhận được đều đặn cứ nửa giờ một tín hiệu số 6, mà trong khi ấy các nhân viên phòng điện báo vẫn cứ việc ngủ say. Thế là thế nào? Tôm đã làm ra hệ thống phát, báo rất tài tình, bằng cách nối liền máy điện báo với một cái đồng hồ quả lắc... Cứ nửa giờ một, khi đồng hồ báo chuông thì lập tức nó cũng phát đi một tín hiệu số 6 cho bộ phận theo dõi điện báo. Nhờ vậy mà giấc ngủ của anh em điện báo viên không còn bị ngắt quãng như trước nữa.
Nhưng chỉ ít lâu sau, mẹo ấy bị phát giác. Chủ công ty theo dõi thấy việc báo giờ hết sức chính xác nên vô cùng ngạc nhiên. Hắn suy nghĩ không biết vì sao. Để giải mối băn khoăn, một hôm hắn thân hành xuống tận phòng điện báo thì thấy tất cả nhân viên điện báo đang ngủ say như chết và hắn đã tìm ra nguyên nhân của điều chính xác kỳ lạ ấy: đồng hồ quả lắc được nối liền với máy điện báo!Hắn nghiêm khắc hỏi mấy nhân viên điện báo khi ấy vừa mới tỉnh giấc đang hoảng hốt vì cuộc "đến thăm" bất ngờ này:
– Ai đã bày ra cái trò này?
Một vài người hèn nhát, sợ vạ lây vội vàng trả lời:
– Tôm Ê-đi-xơn đấy ạ!
– À, ra thế! – hắn quay lại phía Tôm – Chính cậu là chủ nhân của cái trò lừa dối này đấy? Vậy thì thưa "ông", tôi xin báo để "ông" biết hai việc như sau: Một là, nếu chúng tôi mà còn bắt được "ông" làm một loại gì na ná như thế này nữa, "ông" sẽ bị tống ra khỏi cửa; hai là, chúng tôi đề nghị ông phải bán cho chúng tôi cái sáng kiến này.
Tôm sững người vì ngạc nhiên. Cậu cứ tưởng sẽ bị lão ta tống cổ ra ngay, thế mà không, lại còn được trả cho một ít tiền nữa. Dù sao thì cái trò ấy cũng có ích đấy chứ.
Tôm bỏ trốn
Công ty "Gơ-răng Tơ-rung" đã trả cho Tôm một số tiền chẳng xứng đáng với công: năm mươi đô-la. Dù sao thì Tôm cũng vui vẻ nhận vì cậu cũng chẳng biết rằng cái sáng kiến đó đã đem lại cho công ty này một số tiền lời gấp ngàn lần số công ty đã trả cho cậu. Tôm nhớ không quên lời dặn của lão chủ: nếu còn tái phạm sẽ bị đuổi. Nhưng một việc không may dã xảy ra và Tôm tự mình bỏ đi chẳng chờ bị đuổi. Cậu chuyện như sau:
Một buổi tối, Tôm nhận được điện khẩn báo rằng phải ngừng ngay chuyến tàu hàng số 12 lại, kẻo nó sẽ húc phải một chuyến tàu khác đã lên đường trên cùng tuyến đường nhưng ngược chiều với nó. Tôm chạy vội ra ga để báo, nhưng giữa đường, vì trời quá tối, cậu ngã xuống một cái hố, đầu va mạnh vào đá, ngất đi. Tàu 12 vì thế vẫn chuyển bánh lao thẳng về phía con tàu kia. May sao, từ xa hai người lái hai chuyến tàu đó nhận thấy hiểm nguy và hãm tàu lại. Tuy thế, Tôm vẫn bị gọi ra Tô-rôn-tô, phòng Quản trị Hành chính Trung ương Đường sắt. Ông tổng giám đốc, Xpen-xe, cho gọi Tôm vào bàn giấy. Vừa thấy bóng người điện báo viên trẻ tuổi ở cửa phòng, ông ta đã giận dữ hét tướng lên:
– Đồ vô lại! Tôi sẽ bỏ tù anh năm năm! Anh định gây lôi thôi cho công ty chúng tôi về cái thói vô trách nhiệm của anh phải không?
Vừa đúng lúc ấy, có hai người Anh bước vào phòng. Hai người khách thẳng đuỗn, trịnh trọng bước như lên sân khấu. Ông giám đốc đứng bật dậy, bước vội ra đón họ và xun xoe chào hỏi:
– Xin mời hai ngài vào! Mời hai ngài ngồi chơi! Vâng, vâng...
Tôm chỉ chờ có thế. Thấy chủ bận khách, cậu vội vàng lẻn thẳng ra ga. Chuyến tàu thứ nhất vừa đến, Tôm nhảy lên ngay. Cậu không có ý định ở lại để vào tù trong khi đầu cậu đang rối lên biết bao con tính, bao ý định chưa thực hiện. Tầu đỗ lại ở ga nhỏ phía đông nam bang Mi-si-gân, ga A-đơ-ri-an. Tôm xuống ga, không một đồng xu dính túi, nhưng trong lòng tràn đầy suy nghĩ. Làm gì đây? Chịu bó tay chờ một công việc rơi từ trên trời xuống chăng? Lại bắt đầu đi tièm việc. Nhưng lần này, Tôm gặp may. Hôm ấy, đường dây điện nối từ công ty Mi-si-gân với ga A-đơ-ri-an bị đứt. Không tìm được người nối dây đứt vì đang là giữa trưa. Thấy thế, Tôm Ê-đi-xơn liền xin chữa. Viên giám đốc tỏ vẻ nghi ngờ bảo cậu:
– Này, cậu thanh niên, cậu mà làm hỏng thêm thì đừng trách tôi đấy nhé!
Ê-đi-xơn im lặng mỉm cười. Viên giám đốc còn chưa kịp lo lắng thêm thì cậu đã làm xong. Ông ta cười hể hả:
– Hoan hô, khá lắm. Tôi đồng ý mượn cậu đấy. Tám mươi đô-la một tháng, nhận chứ?Việc của Tôm lại là điện báo ca đêm. Cậu nhận ngay chẳng mặc cả vì cái dạ dày lép kẹp chẳng cho phép cậu kén chọn nữa. Được vài tuần, một việc không may xảy ra và Ê-đi-xơn lại mất việc. Cũng vẫn ông giám đốc đó giao cho Ê-đi-xơn điện tới ga sau một tin khẩn. Đường dây lúc đó đương bận. Cậu gọi điện hỏi ông giám đốc:
– Đường dây bận. Tôi cắt được không?
Ông giám đốc trả lời:
– Được!
Tôm liền cắt và điện đi bức điện của ông ta. Nhưng Tôm đã cắt mà không xin ý kiến của tổng giám đốc vì chỉ có tổng giám đốc mới có quyền cho cắt hoặc không, Khi tổng giám đốc biết tin bèn làm ầm ĩ lên:
– Gọi ngay Ê-đi-xơn lên đây. Hắn không còn coi ai ra gì nữa, dám tự ý cắt đường dây để đánh điện của mình!
Tôm Ê-đi-xơn đến.
– Anh Ê-đi-xơn, tôi báo để anh biết: kể từ hôm nay anh không còn là nhân viên ở đây nữa. Chắc anh biết vì sao chứ?
– Thưa ông, không.
– Thôi anh đừng vờ! Cái việc cắt đường dây...
Tôm ngạc nhiên:
– Nhưng, thưa ông...
Tổng giám đốc thét lên:
– Không nói nữa! Chúng tôi không cần những nhân viên vô kỷ luật như anh! Anh có thể ra được rồi.
Tôm Ê-đi-xơn đứng sững người không biết mình có lỗi gì. Tôm ngước nhìn viên giám đốc trực tiếp của mình. Cặp mắt cậu như hỏi: "Vì sao ông không bênh tôi? Chính tôi làm theo lệnh của ông cơ mà?" Nhưng viên giám đốc lờ đi, vờ chăm chú đọc mấy tờ báo trên bàn. Tôm buồn bã hiểu ra. Cậu không nói một lời nào với viên giám đốc. Tâm hồn quá đại lượng của cậu tha thứ cho cả sự hèn hạ của viên giám đốc đó. Cậu lại ra đi, không ai biết, lòng khinh bỉ thể hiện trong ánh mắt.
Ra đến đường, cậu đứng lại. Thế là ta lại mất việc! Đúng, đây không phải lần đầu tiên và chắc cũng không phải là lần cuối cùng.
Tôm nhẹ buông một tiếng thở dài. Nhóm lên trong lòng một tia hy vọng mới, người thanh niên đó lại bước lên tàu và xuống ga Pho Ue-nơ, một tỉnh lỵ nghèo nàn lúc nào cũng mang vẻ ảm đạm, nặng nề. Người ở đây trông ai cũng có vẻ cau có, mệt mỏi. Chàng thanh niên mười tám tuổi đời ấy lại vào làm điện báo ca ngày ở ga. Công việc buồn tẻ, mọi người lạnh nhạt, viên trưởng trạm luôn cáu gắt. Ở Pho Uê-nơ, Tôm đã sống hai tháng tròn trong buồn chán. Sau đó, anh rời bỏ tỉnh ly thờ ơ ấy để đến In-đi-a-nô-pơ-lít, một trung tâm công nghiệp nằm bên bờ sông Trắng, thủ phủ bang In-đi-a-na. Anh vào làm ở công ty điện báo "Miền Tây". Người ta giao cho anh việc thu tin cho báo chí. Hồi ấy, các máy moóc-xơ ghi tín hiệu liên tiếp trên những băng giấy dài. Cuộn băng quay rất nhanh trước mắt người điện báo viên. Người này vừa phải đọc vừa viết thật nhanh nội dung bức điện cho kịp trước khi băng giấy đi quá tầm mắt. Thật là một công việc mỏi mệt, phải rất quen, mà Tôm thì chưa thể quen ngay được. Tuy là một điện báo viên cừ, anh cũng rất khó kếp hợp mắt và tay để vừa nhận vừa ghi tín hiệu moóc-xơ trên băng quay nhanh đó. Vậy làm thế nào đây? Thiên tài của anh lần này lại cứu anh. Tôm sáng chế ra một máy phụ ghép vào bên cạnh làm cho băng giấy quay chậm lại và anh đã vừa nhận, vừa ghi rất đầy đủ không bỏ sót một dấu. Ngoài ra, anh lại còn viết rõ ràng và rất đẹp nữa. Tài năng ấy cũng làm cho quanh anh có những kẻ ghen ghét, thậm chí thù hằn. Chán ngán về sự xấu xa, tồi tệ của con người ở đây, Tôm Ê-đi-xơn cố nén lòng khinh bỉ và phẫn nộ, anh lại đi, hy vọng sẽ tìm được những con người tốt đẹp hơn.Ngày mười một tháng hai năm 1865, chàng thanh niên ấy lại lên tàu đi Xin-xi-nát-ti.
A-đam
Tôm xuống ga, trong túi không một đồng xu nhỏ. Có đồng nào anh đã phải ăn tiêu dọc đường hết cả rồi, mà tương lai thì mù mịt. Lại những ngày ăn cầm chừng. Với chuyện đó, anh quen rồi, đâu có sợ. Nhưng còn công việc? Làm sao kiếm ra việc bây giờ, nhất thời thôi cũng được, miễn sao sống được qua ngày? Lúc ấy trời chưa sáng rõ, Tôm cứ đi vì anh đã đến thành phố này bao giờ đâu. Vừa đi qua vừa nhìn xung quanh. Đằng sau anh, một thanh niên trạc tuổi anh cũng đang rảo bước. Tôm định qua đường. Một chiếc xe tải từ phía sau ầm ầm lao tới. Vốn bị điếc một bên tai vì cái tát của lão Nen-xơn, anh không nghe thấy tiếng xe cứ thản nhiên bước. Người thanh niên đi sau Tôm vội túm lấy anh kéo giật lại, mạnh đến nỗi cả hai cùng ngã lăn xuống hè đường. Tôm tưởng bị cướp giật nhưng khi chiếc ô tô ầm ầm lao qua anh mới biết "tên cướp" ấy lại là ân nhân của mình.
– Anh không thấy ô tô đến hay sao mà cứ cắm đầu đi như thế?
Tôm mỉm cười:
– Không, anh ạ, tôi không nghe rõ. May quá, có anh; nếu không thì...
Người vừa cứu anh mỉm cười:
– Vâng, anh định nói là tôi đã cứu anh chứ gì, miễn là cái cuộc đời được cứu ấy sẽ có ích cho anh và anh không coi đó là một gánh nặng.
– Còn trẻ, ai mà chẳng muốn sống. Có thể sau này có lúc tôi sẽ mang lại ý nghĩa cho cuộc đời đấy. Này, thế anh cũng đang lang thang như tôi đấy à?
– Có lẽ thế đấy. Tôi sống nay chẳng biết mai, như chim trời vậy... tự do lang thang... Tên tôi là Min-tơn A-đam. Còn anh?
– Tôi là Tô-ma An-va Ê-đi-xơn.
– Ê-đi-xơn à? Hình như tôi có nghe thấy tên anh rồi thì phải... Có phải anh là người điện báo...
– Đúng, đúng đấy...
– Rất hân hạnh được biết anh. Tôi làm báo...
– Thế nào? Báo à... Hay quá! Ngày trước, đã có lúc tôi cũng làm báo đấy. Anh làm ở báo nào?
– Báo "Khoa học Mỹ", tám mươi đô-la một tháng. Anh có muốn vào làm ở đấy không? Họ đang cần điện báo viên giỏi đấy.
Tôm mừng quá, reo lên:
– Tuyệt quá, chính đó là điều tôi đang tìm kiếm. Thật không biết cảm ơn anh thế nào.
Người bạn mới mỉm cười, thân mật:
– Sao lại cảm ơn mình, cậu cảm ơn cái may mắn ấy chứ. Trông cậu có vẻ người đứng đắn, mình rất mến.
– Thực ra mình là một người rủi ro có một không hai đấy...
– Này Tôm ạ, nếu mình đoán không nhầm thì dạ dày cậu cũng đang lép kẹp đấy. Chúng mình vào chỗ nào đó tìm gì ăn tạm đi?
Tôm cười vui vẻ:
– Cậu còn hỏi mình nữa ư? Cậu biết không, cái may mắn được ăn này đã làm tăng thêm hạnh phúc cho mình đấy.
Hai người bạn khoác tay nhau đi. Họ vào một hàng bánh mì gặp đầu tiên. Sau khi ăn xong, A-đam đưa Ê-đi-xơn về căn phòng nghèo nàn, một thân một mình của anh. Hai người bàn tính với nhau về chuyện làm ăn. Chắc chắn toà báo sẽ nhận Ê-đi-xơn. Điều đó thật đáng mừng. A-đam cho biết thêm là ở đó đang tìm cách làm sao một lúc nhận được nhiều tin. Nhận từng tin một như bây giờ chậm quá. Thêm nữa các tin ấy lại chậm và ngắn ngủi. Nếu ta có phương tiện tốt hơn, sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.
Ê-đi-xơn trả lời:
– Lâu nay mình vẫn đang nghĩ đến điều ấy đấy. Mình muốn chế tạo một cái máy một lúc có thể phát đi nhiều tin. Nhưng mình chưa có điều kiện làm thí nghiệm. Đó mới chỉ là đồ án trong óc mình thôi.
A-đam khuyến khích:
– Biết đâu đấy, chắc là cậu sẽ sáng chế ra cái máy đó và toà báo sẽ mua của cậu cái phát minh ấy...
Tôm Ê-đi-xơn im lặng suy nghĩ. Anh không thích bàn quá nhiều về cái anh chỉ mới đang có ý định làm.
Đúng như A-đam nói, toà báo nhận ngay Ê-đi-xơn vào làm. Chỉ trong một thời gian ngắn, các ông chủ tỏ ra hài lòng về công việc của anh và rất quý anh. Đồ án về một cái máy mới cũng đang hình thành dần trong óc Tôm. Càng ngày càng thêm rõ ràng từng chi tiết. Ê-đi-xơn liền làm chiếc máy điện tải hai. Với chiếc máy mới này, người ta có thể cùng một lúc phát đi hai tin. Chỉ ít lâu sau, chiếc máy đó lại được Ê-đi-xơn cải tiến thành tải ba, tải tư rồi đa tải. Chủ báo tìm cách sử dụng sáng chế của Ê-đi-xơn mà anh không được hưởng chút gì. Biết chúng như thế nên Ê-đi-xơn cũng sẽ chơi lại cho bọn chúng một vố. Anh đặt trong toàn soạn một cái máy điện báo chỉ nhận được từ hai mươi đến ba mươi chữ một phút, nhưng anh đặt cho riêng anh và A-đam một máy khác nhận được từ bốn mươi đến năm mươi chữ một phút. Bằng cách đó, bao giờ tin của Ê-đi-xơn và A-đam chuyển đi cũng nhiều nhất và trên cơ sở tính toán cứ một phút nhận từ hai mươi đến ba mươi chữ mà toà báo trả tiền. Như vậy là họ kiếm được nhiều tiền hơn.
Ê-đi-xơn bảo bạn:
– Cho đáng đời cái quân chỉ chuyên ăn chặn!
– Nhưng nếu chúng phát hiện ra thì sao?
– Thì chúng sẽ hiểu rằng chúng ta chẳng phải là những thằng ngu để mặc chúng hớt tay trên của ta như chúng vẫn tưởng.
Cuối cùng, việc ấy bị lộ. Giám đốc gọi Ê-đi-xơn lên văn phòng bảo anh:
– Chúng tôi không ngờ là anh có thể tệ như thế đấy.
– Vâng, ngay cả tôi cũng không ngờ là các ông có thể cứ sử dụng phát minh của tôi mà chẳng trả cho tôi một đồng nào cả. Ở nơi khác, chắc chắn là tôi sẽ được coi trọng hơn. – Tôm trả lời rắn rỏi như vậy.
– Ở nơi khác, anh không được trả lương cao như ở đây đâu.
– Trái lại, tôi nghĩ rằng ở nơi khác tôi sẽ được đối xử xứng đáng hơn với những cái mà tôi đã làm.
Tôm ngắt lời viên giám đốc và bỏ ra khỏi văn phòng. Từ hôm ấy, Tôm không đến toà báo nữa. Mọi người đều thấy thiếu Tôm vì chẳng ai biết sử dụng cái máy mới cả.
Chờ A-đam về, Tôm bảo bạn:
– Mình đành phải bỏ cậu thôi, A-đam ạ. Mình sẽ đi Lu-i-vin. Mình chán ngấy Xin-xi-nát-ti rồi.
Nghĩ đến việc phải xa rời một người bạn tốt như Tôm, lòng A-đam thấy buồn vô hạn. Anh tìm cách giữ bạn ở lại:
– Tôm ạ, có lẽ kỳ này thì cậu chưa nên đi vội đâu. Ở đây sắp có bầu cử rồi đấy. Tàu sẽ đầy ắp người. Mà cậu chắc cũng không tưởng tượng nổi kỳ bầu cử này hay như thế nào đâu.
– Chịu, mình không biết thật. Nhưng khi nào thì bầu?
– Khoảng ba ngày nữa thôi.
– Cậu cho rằng sẽ vui lắm à?
– Sẽ rất vui. Nhất là cái trò gian lận phiếu.
A-đam cất cao giọng và cười lớn. Tôm gật đầu, cay đắng bảo bạn:
– Gian lận phiếu à? Thật bẩn thỉu! Bất cứ nơi nào ngó đến, người ta cũng đều thấy có cái gì gian lận ở đấy. Ở quán cà phê thì bài bạc gian, ở cuộc bầu cử thì là phiếu lậu. À này, mình chợt nảy ra một ý nghĩ!
– Ý nghĩ gì?
– Hay ta làm một cái máy đếm phiếu? Bằng cách này, chúng mình sẽ chấm dứt cái trò gian lận của họ. Cậu thấy thế nào?
A-đam reo lên:
– Hay đấy! Nhưng mình thấy khó lắm.
– "Ông" bạn ạ, đối với mình mỗi một ý nghĩ tốt là đều có thể thực hiện được. Với lòng kiên nhẫn và quyết tâm, người ta đều có thể thực hiện bất cứ gì. Cậu bảo còn ba ngày nữa phải không?
– Ừ, ba ngày.
– Thế cũng đủ nếu tính cả thì giờ ban đêm nữa...
Thế là từ lúc ấy, A-đam thấy bạn hết sức bận rộn, thậm chỉ quên cả ăn và ngủ. A-đam hiểu rằng bạn đang để hết tâm trí vào cái máy đó, vì thế cậu lo hết mọi việc vặt khác cho Tôm. Đến bữa ăn, A-đam mang cơm cho bạn và nửa đêm vào nhắc Tôm ngủ để lấy sức.
Đúng ngày bầu cử, chiếc máy hoàn thành. Chỉ còn phải đem đi trình, lấy giấy chứng nhận nữa thôi.
A-đam đưa ý kiến:
– Chúng mình đem đến ông chủ tịch hội đồng đi. Ông ta không thể nào không vui mừng đón nhận cái phát minh tuyệt diệu này của cậu được!
Ê-đi-xơn mỉm cười pha chút mỉa mai. Anh yêu A-đam vì lòng nhiệt thành của A-đam đối với bạn bè đã đành mà còn quý vì tấm lòng rất nhân hậu của A-đam nữa. Nhưng Tôm biết rõ người đời hơn A-đam:
– Cậu tin là họ sẽ nhận cái máy của ta à?
A-đam tin tưởng nói như reo:
– Sao lạikhông nhận cơ chứ! Không những nhận mà họ sẽ còn trả cho cậu cả một gia tài nữa ấy chứ, vì họ sẽ thấy rằng chiếc máy này vô cùng ưu việt. Nó sẽ không cho người ta có thể gian lận phiếu được mà còn tiết kiệm bao nhiêu thì giờ ngồi đếm phiếu nữa.
Tôm phân vân, nửa tin, nửa lo:
– Được, chúng ta cứ thử xem...
Ngay hôm ấy, đôi bạn mang cái máy đến trình ông chủ tịch hội đồng bầu cử. Ông ta xem xét cái máy rất kỹ, nghe cẩn thận những lời giải thích của Tôm nói về sáng chế của mình. Sau đó, ông cố hết sức bình tĩnh bảo Ê-đi-xơn:
– Cậu thanh niên ạ, nếu như trên đời này có một cái máy nào đó mà chúng tôi không cần đến thì chính là cái máy này đấy. Với cái máy của cậu thì không thể nào gian lận phiếu được, mà như thế thì, cậu hiểu chứ, thật là một tai hoạ. Nếu như cậu hao tâm tổn trí về một cái gì khác thì chắc là sẽ có lợi cho cậu nhiều hơn.
A-đam ngạc nhiên, còn Ê-đi-xơn thì cười. Thế đấy! Anh sẽ còn cười bất kể lúc nào mà sự ngu dốt và vô liêm sỉ của con người còn cản bước anh đi...
– Chiều nay, mình đi Lu-i-vin. – Tôm quyết định. – Ở đây, mình có cảm giác ngạt thở.
– Cả mình nữa, Tôm ạ. Ta cùng đi.Một cuộc hành trình mới được chuẩn bị, nhưng lần này là hai người cùng đi.-Vĩnh biệt Xin-xi-nát-ti.
*
* *
Có lẽ ở một bang khác, ở Ten-nét-xi chẳng hạn, đôi bạn trẻ ấy sẽ tìm được một tình người trung hậu hơn chăng? Có lẽ ở một nơi nào khác, tài năng của họ sẽ được trọng dụng hơn chăng? Nơi ấy là đâu? Họ chưa biết. Họ xuống ga Na-sơ-vin, một thành phố công nghiệp ồn ào đầy sức sống. Nếu Tôm, với nghề điện báo của mình chỗ nào anh cũng kiếm được việc làm, thì trái lại, A-đam với nghề phóng viên chỗ nào anh cũng bị chối từ. Họ quá thừa phóng viên và không cần cả nhân viên văn phòng nữa. A-đam buồn rầu bảo bạn:
– Làm thế nào bây giờ, Tôm? Hay cậu ở lại đây nhé, mình sẽ đi nơi khác kiếm việc làm!
– Không, bạn ạ, chúng ta lại cùng nhau đi xa hơn nữa.
Cả hai lại đi Mem-phít. Nhưng họ ở lại đó cũng chẳng lâu. A-đam vào làm phóng viên phụ cho một tờ báo địa phương. Suốt ngày anh ở ngoài đường đi nhặt tin mà đồng lương thật rẻ mạt. Ê-đi-xơn kiếm được chân điện báo viên ở một công sở nọ và lại chuyên làm đêm. Đêm làm việc, còn ban ngày Tôm đọc sách và là thí nghiệm. Anh không ngừng học, học tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha, tham khảo sách ở thư viện, lục lọi ở các hàng sách cũ. Anh đọc không ngừng mọi loại sách, sách khoa học, sách lịch sử, triết học, tiểu sử các danh nhân. Trong các sách đọc thời kỳ này, anh thích nhất cuốn "Cuộc đời Tô-ma Giép-phéc-xơn", tác giả "Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ"; các truyện khoa học viễn tưởng của Giuy-lơ Véc-nơ, những cuộc phiêu lưu của "Ba chàng ngự lâm pháo thủ" của Đuy-ma cha, "Những người khốn khổ" của Vích-to Huy-gô, những học thuyết triết học của Đề-các, Bê-cơn, Hum-bôn. Anh cũng rất thích Sếch-xpia. Anh vui sướng bảo bạn:-Mê thật! Thật tuyệt diệu! Thật là những ý nghĩ sâu sắc! Thật vĩ đại! Những hư cấu thật tuyệt vời! Sếch-xpia thấu hiểu tận cùng tâm hồn con người, nắm chắc được và sờ mó được vào tận mọi ngóc ngách của tâm hồn con người. Nếu Sếch-xpia không là một nhà văn vĩ đại thì chắc chắn ông ta, với cái thiên tài ấy, sẽ trở thành một nhà phát minh khoa học vĩ đại!Nhưng ở Mem-phít – một thành phố lớn bên bờ sông Mít-xi-xi-pi – đôi bạn cũng chẳng dừng lại lâu. Hợp đồng của A-đam chỉ kéo dài được năm tuần lễ. Lại ra đi. Nhằm thẳng hướng miền Ken-tu-ki, họ lên đường...
Chuyện xảy ra ở Lu-i-vinỞ Lu-i-vin, đôi bạn gặp bao nhiêu trở ngại trước khi được nhận vào làm ở "Công ty điện báo". Họ có một ít tiền nhưng đã tiêu gần hết, nhất là vì A-đam gần đây lại còn hay uống rượu. Tôm Ê-đi-xơn thì không, anh rất ghét rượu. Tiền kiếm được anh chỉ tiêu vào việc thật cần như ăn, thuê nhà, mua sách. Khi túi đã nhẵn sạch, đôi bạn bàn nhau mỗi người đi về một phía thành phố để tìm việc làm. Ai tìm được trước sẽ báo tin cho bạn. Nhưng báo như thế nào? Tôm Ê-đi-xơn bàn mua mấy quả pháo sáng. Ở giữa thành phố, có một cái gác chuông bỏ hoang, vậy ai tìm được việc rồi thì lên đấy đốt pháo sáng báo cho người kia và người đó sẽ tìm đến gác chuông để gặp. Bàn xong, đôi bạn chia tay nhau ở một ngã tư. Cả A-đam và Ê-đi-xơn đều không quen thuộc thành phố này. Lang thang đến tận chiều mà chưa ai tìm được việc làm, thỉnh thoảng họ lại nhìn lên trời xem có thấy hiệu pháo sáng của bạn không. Nhất là A-đam, mệt mỏi vì đói và bị từ chối ở khắp nơi. Đang cạn mọi hy vọng, bỗng anh nhìn thấy trên trời một quả pháo sáng. A-đam sướng điên lên, anh chỉ muốn ôm mọi người anh gặp. Một khách qua đường hỏi:
– Cái gì thế? Anh nhìn gì thế?
– Ồ, thằng quỷ Tôm của tôi nó đã kiếm được việc làm rồi, ông bạn có biết không?
– Cái gì thế kia? Sao chổi à?
– Không, ngài ạ, đó là pháo hiệu của Tôm Ê-đi-xơn đấy! Một thiên tài trẻ tuổi của chúng ta đấy!
A-đam vui sướng lắc tay người khách bộ hành. Người này ngạc nhiên, giơ tay làm dấu thánh:
– Anh ta điên hay sao ấy. Tội nghiệp!
Họ gặp nhau ở gác chuông, đôi bạn ôm ghì lấy nhau vui sướng.
– Ở đâu, hở Tôm?
– Công ty điện báo Mỹ. Họ đang rất cần điện báo viên giỏi. Mình đã được thử tay nghề rồi. Ngày mai đến lượt cậu. Phải thi tay nghề rồi họ mới chọn. Mình chắc cậu sẽ đạt thôi, cứ yên trí!
A-đam lo ngại, gãi đầu:
– Thế thì dở, Tôm ạ, mình có giỏi như cậu đâu cơ chứ.
– Dù sao thì một mình mình có việc thế cũng tạm đủ. Sau rồi cậu cũng sẽ tìm được việc thôi. Bây giờ thì chúng ta phải đi thuê phòng ở đã. Mình mệt chết được và sáng sớm mai chúng mình đã phải có mặt ở chỗ làm việc rồi.
Sáng hôm sau, cả hai đến sở. A-đam vào thử nghề và trượt ngay vì dầu sao anh ta cũng không được khéo tay lắm. Còn Tôm thì được nhận. Tôm an ủi bạn:
– Đừng buồn, A-đam ạ. Có thể là sau họ cũng phải cần thêm điện báo viên và họ sẽ phải nhận cậu.
A-đam buồn bã cúi đầu:
– Mình chẳng có chút hy vọng nào cả, Tôm ạ.
– Dù sao thì cậu cũng không được bỏ mình. Cậu cứ ở đây với mình cho đến khi nào tìm được việc đã.
A-đam im lặng. Anh quay ra cửa lòng buồn ảo não. Tôm gọi theo:
– Chiều nay, mình chờ cậu nhé. Cậu đến Sở đón mình được không?
– Được. Mình sẽ đến.
Nói xong A-đam rẽ nhanh ra đầu phố. Chiều hôm đó, Tôm phải làm việc thông tầm đến tận sáng hôm sau. Anh nóng lòng chờ bạn đến. Ở phòng làm việc, chỉ có một mình anh và một người cùng làm khác. Đợi mãi, anh vẫn vẫn không thấy A-đam đâu. Vào khoảng nửa đêm, cửa phòng đột nhiên bật mở, một người lảo đảo bước vào. Ê-đi-xơn nhận ngay ra bạn. A-đam say.
– Vào đi, A-đam...
– Này, Tôm này... tớ chẳng chịu nổi nữa đâu, nghe không? Này, tớ là cái gì...
Tôm đỡ bạn:
– A-đam, cậu nằm xuống đây. Cậu mệt đấy!
– Tớ mệt ấy à. Không, Tôm ạ, tớ là thằng điện báo viên tồi... trượt vỏ chuối ngay từ lúc thử tay nghề... Đấy, tớ là thế đấy!...
– Này, A-đam, cậu mà không chịu nằm xuống nghỉ thì mình sẽ bắt cậu nằm đấy! Đừng trẻ con nữa!
– Bắt à? Hả...ả...ả? Cậu bắt tớ nằ...m...m nghỉ à...à? Không, không được!
Nói rồi A-đam lảo đảo giơ một chân lên cạnh bàn máy đạp mạnh. Mấy cái máy điện báo đổ nhào xuống đất; cái thì đứt dây, cái thì gẫy cần, cái thì vỡ. Thấy vậy, Tôm chỉ còn biết túm lấy tóc mình mà giật. Thật là khó xử. Đầu tiên Tôm vội vàng ôm ngang lưng bạn đặt lên giường. Vừa nằm xuống, A-đam đã ngáy ngay. Không chút bực dọc, Tôm vội nhặt nhạnh các thứ và bắt tay vào chữa máy. Đã quá nửa đêm. Đến sáu giờ sáng, phải chữa xong chỗ máy này, nếu không sẽ mất việc. Suốt đêm ấy, Tôm không nghỉ lấy một giây. Khi A-đam tỉnh dậy thì mặt trời đã lên, các máy cũng đã chữa xong hoàn toàn. A-đam chẳng biết gì về những việc đã xảy ra đêm qua. Lúc đó anh say khướt, và bây giờ thì anh chẳng còn nhớ mảy may.
– Cậu làm sao thế Tôm, sao trông cậu mệt thế?
– À, mình bận việc suốt đêm nên mệt đấy. – Tôm mệt nhọc trả lời, trên môi nở nụ cười dịu dàng.
– Một công việc khốn nạn, Tôm thân yêu ạ. Đêm qua mình "hơi quá chén", cậu không giận mình chứ?
– Không, A-đam ạ. Chắc cậu rất buồn phải không...
– Đúng đấy, Tôm ạ... rất khổ tâm, thất vọng nữa. Mọi thứ đều ngược lại mong ước của mình... Nhưng cậu không giận mình thật chứ...
– Không, mình không giận cậu đâu. Mà tại sao lại giận cậu cơ chứ. Cậu đã ngủ ngon, còn mình khi đó chuyển những bức điện đi, thế thôi...
*
* *
Ít lâu sau, A-đam kiếm được việc ở một toà báo địa phương. Cả hai ở lại Lu-i-vin khá lâu.Một đêm, một việc không lành xảy ra với Ê-đi-xơn, nhưng may sao anh đã thoát nạn. Lúc ấy, đêm đã về khuya, từ toà báo trở về nhà anh cắp một tập dày toàn báo chí. Viên cảnh sát nọ thấy dáng anh có vẻ khả nghi, đi vội vã đêm hôm khuya khắt, ăn mặc lôi thôi, lếch thếch, liền ngờ anh là lưu manh. Hắn gọi giật giọng:
– Này, ông bạn đứng lại! Nhưng Tôm không hề nghe tiếng.
– Này, thằng ma-cà-bông kia, lại đây, điếc hả? Đứng lại... Mày có đứng lại không? Tôm Ê-đi-xơn vẫn tiếp tục đi nhanh như trước vì nào anh có nghe thấy! Viên cảnh sát càng tin rằng đó là một tên lưu manh. Hắn vội rút súng ra, và... "đoàng!"... "đoàng!" hai phát đạn choáng tai! May sao, viên cảnh sát là một tay súng xoàng: cả hai phát đều không trúng! Ôi! Nếu không thì biết đến bao giờ nhân loại mới có được đèn điện thắp sáng, có máy hát để nghe, có tàu điện để đi và quên bớt mọi nỗi ưu phiền khi ngồi xem chiếu bóng! Lúc ấy, Tôm mới quay lại, ngơ ngác vì tiếng nổ. Anh hỏi viên cảnh sát khi đó rượt tới bên anh:
– Gì thế ông? Tôi nghe có tiếng súng nổ.. ai bắn thế nhỉ?
Viên cảnh sát trố mắt nhìn anh rồi bảo:
– Ông điếc à? Tôi gọi ông đến hai lần, sao ông không quay lại? Ông muốn đùa với tính mạng chắc?
Tôm Ê-đi-xơn chợt hiểu. Anh rùng mình. Chà, mình vừa hút chết. Tuy nhiên anh vẫn giảng giải cho viên cảnh sát hiểu vì sao anh không nghe thấy:
– Vâng, tôi bị điếc mất một bên tai. Vả lại, khi ấy tôi đang mải suy nghĩ về cái máy điện báo. Tôi muốn làm sao cùng một lúc mà có thể phát tin đi nhiều nơi. Ông hiểu không? Cái đó khó, rất khó, đúng thế không ông?
– Cái đó tôi không biết? Xin ông cho xem thẻ đã!
– Vâng, đây, thưa ông. Thế ông đã nghĩ gì về tôi?
– Ông là người như thế nào à? Ở đây, có đủ mọi hạng người qua lại... Hừ! Giấy tờ của ông hợp lệ... Cám ơn! Ông đi được rồi. May cho ông là tôi đã không bắn trúng đấy.
– Vâng, may cho tôi và cũng may cả cho ông! Nhưng cái may đó là cái may chung cho cả nhân loại nữa!!!
Về tới nhà, khi A-đam nghe bạn kể lại câu chuyện, anh rùng mình bảo:
– Cậu thấy không, đời người bấp bênh như treo trên sợi tóc ấy.
– Thôi, tốt nhất là nên quên chuyện đó... Mình đói quá. Từ trưa tới giờ, bụng mình chẳng có gì cả!
– Cả mình nữa, Tôm ạ. Kiến bò bụng dữ quá!
Cả hai kéo nhau ra quán ăn. Đang đi, bỗng nhiên Tôm rảo chân đi như chạy, A-đam vội chạy theo gọi:
– Tôm, sao lại đi nhanh thế? Cậu làm sao đấy?
– Đời người ngắn ngủi lắm, A-đam ạ. Mình nhiều việc quá, không đủ thời gian đâu, phải đi nhanh lên thôi cậu ạ –
Nói rồi, Tôm vẫn cắm cúi bước nhanh.A-đam đập tay lên trán, than thở:
– Kỳ quái thật! Thế mà mình và bao người khác lại bỏ phí thời gian cơ chứ. Này, Tôm, cậu có thể làm cái máy tiết kiệm thời gian được không?
– Cái đó chắc chắn là không bao giờ làm được.
– Tiếc thật. Mình có bao nhiêu là thời gian rỗi, giá mình có thể cho cậu được, cho không thôi. Nếu được như vậy thì vinh dự cho mình quá.
Công việc của Tôm làm khá tốt. Các ông chủ và các bạn đồng nghiệp của Tôm đều quý Tôm vì anh là một người chăm chỉ, khiêm tốn và chân thật. Anh không hề uống rượu bao giờ, vì vậy đồng nghiệp bầu anh làm "thủ quỹ" giữ tiền cho họ với nhiệm vụ là chỉ đưa tiền cho họ uống rượu theo mức tự họ đã quy định hàng tuần: uống một lần và uống rất ít. Anh làm tốt nhiệm vụ ấy, một nhiệm vụ mà nhiều lần anh đã gặp khá nhiều rắc rối. Một hôm, một đồng nghiệp lén xin anh đưa tiền cho anh ta đi uống rượu quá số tiền quy định. Tôm dịu dàng bảo bạn:
– Tôi rất tiếc không thể đưa cho anh được. Tôi mà đưa anh sẽ uống say đấy. Anh uống say thì sẽ làm hỏng việc, chủ sẽ thải anh. Tôi không muốn anh bị mất việc đâu. Nghe tôi, anh đừng nên nghĩ đến chuyện uống rượu làm gì.
– Này, Tôm, đừng lên mặt dạy nhau nhé mà tớ cho một trận nhớ đời. Nào, có đưa tiền hay không thì bảo?
– Pê-te ạ. Anh phải hiểu chứ, đừng có kỳ kèo phí thì giờ vô ích.
– Cậu lên giọng dạy tớ không xong đâu... Tớ không phải là trẻ con khiến cậu phải dạy! Đấy là tiền của tớ! Nào, đưa đây!
– Tôi bảo anh rồi: không là không!
– Thôi đừng rắc rối nữa... Đưa tiền đây kẻo ông cho mấy cái bạt tai bây giờ.-Pê-te, anh cứ thử làm xem?
– À, mày muốn hả? Pe-te giơ thẳng tay tát vào mặt Tôm.
*
* *
Tôm nhìn thẳng vào mặt bạn đồng nghiệp, ngạc nhiên hơn là tức giận. Sao Pê-te lại đánh mình? Anh lắc đầu, nhún vai, cay đắng. Anh không muốn báo thù Pê-te. Vả lại, đâu có phải là lần đầu người ta đánh anh. Nen-xơn đã đánh anh, Đin-gơ-tê đã đánh anh và còn nhiều kẻ khác nữa. Ngay cả cha anh cũng đã bao lần đánh anh rồi. Dù sao thì thằng Pê-te ngu xuẩn cũng phải trả giá đắt về việc làm của nó. Lúc ấy, một bạn đồng nghiệp khác tên là Uy-liêm, đang đứng ở phòng bên; qua cửa sổ anh ta đã nhìn thấy cảnh ấy. Anh ta đem kể lại tất cả cho mọi người biết. Họ phẫn nộ kêu lên:
– Sao, thằng Pê-te dám đánh thằng Tôm cơ à?
– Ừ, vì Tôm không chịu đưa tiền cho nó đi nốc rượu.
Khi Pê-te vừa trở về phòng, một trận đòn của toàn thể hội đồng đã giáng xuống đầu hắn. Hắn phải nghỉ mất ba ngày, mắt sưng húp. Nhưng những câu chuyện không may cứ đeo lấy cuộc đời Tôm không dứt. Ở đây, Tôm cũng có một phòng thí nghiệm nhỏ ngay trong phòng làm việc như trước đây ở trên tàu số 7. Những lúc rảnh việc, anh say sưa làm đủ các thí nghiệm. Một lần, vô ý Tôm đánh đổ một lọ axit sunfuric. Axit lọt qua kẽ hở ván sàn chảy xuống bàn giấy viên xếp. Trong nháy mắt, mọi hồ sơ, giấy tờ trên bàn bị axit phá huỷ. Một giọt rơi đúng vào cái đầu hói của ông ta làm ông ta nhảy bật lên vì bỏng:
– Gì thế này? – Ông ta lấy tay sờ đầu, hét ầm ĩ, mắt hoảng hốt nhìn đống giấy tờ trên bàn đang biến thành mùn giấy.
– Lại một trò của thằng trời đánh Ê-đi-xơn rồi! Chỉ có nó mới hay loay hoay với cái thứ nước giết người này thôi. Không đuổi cổ nó ra thì thế nào cũng có ngày nó làm nổ tung cả cái sở này lên mất. Mời ngay ông Ê-đi-xơn đến cho tôi!Một ngày sau, Tôm Ê-đi-xơn bị đuổi ra khỏi cửa với mọi đồ lề như lần đánh đổ chất sunfur trên tàu số 7. Đau đớn, Tôm nói với A-đam:
– Cái chuyện ấy lại lặp lại, buồn quá!
– Và chính cậu lại phải chịu tất cả. Nhưng không sao, Tôm ạ, chúng ta tính lại vậy. Làm gì bây giờ đây?
– Làm gì à? Mình đi Boston. – Tôm nói ngắn gọn như một bức điện báo.
– Sao? Chúng ta chia tay nhau ngay bây giờ à?
– Rồi ta sẽ gặp lại nhau, A-đam ạ. Cuộc đời là thế, mình đi nhé!
Biết bạn đã quyết ra đi, A-đam ngậm ngùi nắm tay bạn, dặn dò:
– Thôi chào Tôm, cậu đi mạnh khoẻ nhé! Và đừng có quên mình. Viết thư luôn cho mình. Mình sẽ viết cho cậu.Ê-đi-xơn xiết chặt tay bạn, anh giữ tay bạn trong tay mình hồi lâu. A-đam mắt nhoà lệ, giọng run run:
– Liệu có ngày nào mình còn được nắm lại bàn tay cậu không?
Ê-đi-xơn an ủi bạn:
– Mình hy vọng sẽ có. Lúc ấy mình mong rằng chúng ta vẫn nắm tay nhau như hai người bạn nhưng ở một vị trí khác chứ không phải là hai điện báo viên tầm thường nữa.
Hai người bạn thân thiết chia tay nhau. Sau này, rất nhiều năm nữa số phận mới cho họ gặp lại nhau. Và khi ấy, Tôm đã giữ được lời ước hẹn: đã trở thành nhà phát minh nổi tiếng. Lên tàu rồi, những suy nghĩ lại chiếm toàn bộ tâm trí Tôm. Tôm nghĩ lần này có lẽ ta phải đi thật xa, thật xa, sang Mếch-xích vượt biển chẳng hạn để thử xem sao. Bạn đường của Tôm là hai thanh niên tình cờ gặp gỡ trên chuyến tàu và cùng mang theo một ý định ra đi. Thế là cả ba lên đường. Hoàn toàn tin vào bản thân và bồng bột, họ hăng hái ra đi, không đếm xỉa đến chông gai trên con đường dự định. Đến Mếch-xích, ở Vê-ra Cơ-ru-xơ, họ ra cảng và bị lạc đường. Lang thang mãi, họ vẫn chưa tìm được cơ hội gặp một người thuỷ thủ tốt bụng nào đó cho vượt biển. Cuối cùng họ gặp một thuỷ thủ từng trải người Tây Ban Nha. Có thế nói đó là một con sói biển đã đứng tuổi. Bác ta đã trải qua một cuộc đời đầy sóng gió và bao phiêu lưu, thử thách. Trong con người đó tích luỹ biết bao kinh nghiệm cay đắng của cuộc đời. Tôm phiên dịch cho cả ba người. Người thuỷ thủ già ấy kể lại cho ba thanh niên những quãng đời nổi chìm của bác. Chân tình, bác bảo cho họ biết rằng ở Mếch-xích hay ở Nam Mĩ cũng vậy, chẳng nơi nào dễ dàng tìm được sự giầu sang và hạnh phúc mà chỉ có vô vàn cực nhục, đắng cay và thất bại. Bác khuyên họ đừng ảo tưởng đi tìm một mảnh đất chỉ cần với tay ra là vơ được hạnh phúc, hãy sớm bỏ cuộc chạy trốn cay đắng và vô ích này đi.Ê-đi-xơ, dù lòng vẫn chưa nguôi ảo tưởng, nhưng với chút kinh nghiệm sống vừa qua, anh đã nghe ra và bỏ cuộc. Ngay chiều hôm đó, từ biệt người thuỷ thủ già và hai người bạn đường, anh lên tàu quay về Po-Hu-rôn.Lâu rồi anh không gặp lại mẹ, cha, chỉ nghe nói ông, bà gặp nhiều khó khăn, ưu phiền. Tới nhà, Tôm thấy mẹ, cha già đi và nghèo. Căn nhà cũ và mảnh vườn đã bị quân đội chiếm và phải chuyển ra một nơi khác. Thế là không còn nữa, khu vườn cây hàng năm thường thu được một số hoa lợi. Bực bội về cách đối xử tàn tệ ấy và luyến tiếc ngôi nhà đầy kỉ niệm, bà Ê-đi-xơn ốm liệt giường. Tôm làm gì để giúp cha mẹ bây giờ?Ở lại ư? Như thế nghĩa là lại thêm một miệng ăn, thêm một gánh nặng cho gia đình. Phải ra đi thôi! Cuộc chia tay thật đau đớn. Nước mắt trên mi, trong lòng mang hình ảnh mẹ nằm trên giường bệnh, Tôm Ê-đi-xơn đi Bốt-xtơn.Đó là mùa đông năm 1868 khi chàng thanh niên ấy vừa tròn hai mươi mốt tuổi.
Ở Bốt-xtơnCuộc hành trình thật là dài và vất vả. Gió lốc đưa tuyết lên đầy tàu và phủ kín đường ray. Con tàu hồng hộc gạt từng đống tuyết lớn sang hai bên dò dẫm tiến. Mười ngày mà tàu chỉ đi được một ngàn kilômét. Tới Bốt-xtơn, chàng thanh niên ấy lại lang thang, anh chỉ mang trên mình một chiếc áo bằng vải bạt nát nhàu và bẩn thỉu thay cho áo khoác. Bên trong, anh mặc một chiếc áo sơ-mi kiểu nông dân, cũ và đã lâu chưa giặt. Một chiếc quần bằng vải dày, một sợi dây buộc túm ống quần. Đôi giày cao cổ đã thủng. Trên đầu Tôm, một chiếc mũ đã tàng, mớ tóc rối bù, lâu không chải thò ra ngoài. Ai đi qua cũng phải nhìn Tôm vì dáng điệu ngây ngô, ngờ nghệch của anh. Còn anh, lòng đã quyết đương đầu với số phận, anh nhìn thẳng tiến bước.Anh hỏi thăm đường đến Ban Giám đốc "Công ty liên hiệp Miền Tây". Ông giám đốc vui mừng nhận anh vào làm ngay vì biết anh là Tôm Ê-đi-xơn. Nhưng ngay từ đầu, anh đã gặp trở ngại. Các điện báo viên vốn biết tiếng về anh là điện báo viên giỏi nhất nước Mỹ nên dẫu chưa cùng làm việc mà buổi đầu họ đã không ưa anh. Những kẻ ghen tài và nhỏ nhen ấy đã âm mưu tìm cách hạ uy tín của anh. Họ bàn với một điện báo viên khác, giỏi và giàu kinh nghiệm ở nơi khác chuyển cho Ê-đi-xơn một bức điện dài, chuyển thật nhanh cốt cho anh phải cuống lên và như thế tránh sao cho khỏi lầm lẫn.Cái ngày cạm bẫy đó đã tới. Một người trong bọn họ bảo anh:
– Ông Ê-đi-xơn, có điện khẩn đấy, mời ông ra nhận.
Tôm vội ngồi vào bàn máy. Sau lưng anh, bọn họ tụm lại một chỗ để theo dõi xem anh sẽ xử trí ra sao. Bức điện phát tới rất nhanh. Bọn họ mỉm cười ranh mãnh:-Nào, cu cậu có vắt chân lên cổ cũng chẳng kịp.Tôm biết ngay là bọn họ xỏ mình. Anh bình tĩnh nhận tin, cũng rất nhanh như người phát và không lầm lẫn một dấu nào. Bọn họ rỉ tai nhau:
– Ghê chưa! Xem kìa, cừ quá!
– Suỵt... chưa hết đâu, chớ vội khen! Hắn sẽ còn nhận được mấy câu thật rắc rối nữa cơ rồi mới thấy rõ. Thế nào hắn cũng bị rối mù lên và nhầm lẫn cho mà xem. Có người nào đó xen lời. Ê-đi-xơn chẳng nghe thấy họ nói gì vì anh điếc cũng có, nhưng cũng có phần vì anh quá tập trung vào việc bẻ gãy cái trò xấu xa, đê tiện của những kẻ cùng phòng, tỏ rõ cho họ biết về con người anh. Bỗng nhiên những câu moóc-xơ thỉnh thỏang lại thiếu chữ, thiếu dấu, thâm chí câu bị đảo, bị đổi lung tung. Ê-đi-xơn vẫn nhận đều và điền đủ vào chỗ thiếu, chỗ sai mà người phát tin cố ý làm ra như thế. Cả phòng ngạc nhiên đến mức tức bực trước tài năng xuất chúng của anh. Nhận xong bức điện, anh phát lại cho đối phương một câu phê bình nhẹ:
– Ông bạn ạ, hình như tay ông ngắn hay sao ấy nên ông phát có vẻ lúng túng quá đấy!
Ít lâu sau, một sự việc khác xảy ra khiến không những chủ công ty mà ngay cả các vị trong chính quyền nhà nước cũng phải chú ý đến anh. Nguyên tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là An-đơ-riu Giôn-xơn định gửi một bản hiệu triệu cho tòan quốc. Bản hiệu triệu cần điện gấp cho tất cả các báo chí để kịp đăng ngay. Đó là một văn kiện rất quan trọng, cần thiết phải công bố ngay cho dân chúng biết. Ông giám đốc công ty vội họp tất cả các điện báo viên ngay trong phòng làm việc của ông và hỏi mọi người:
– Ai trong các ông dám nhận trọng trách phát đi bản hiệu triệu ấy không sai một lỗi? Mọi người đều im lặng nhìn nhau. Nhận điện đi bản hiệu triệu ấy có nghĩa là nhận cáng đáng một công việc nặng nề: phát tin liên tục trong khỏang mười lăm đến hai mươi giờ, sẽ phải hết sức tập trung tư tưởng không chút nghỉ ngơi mà như vậy thì chắc gì sẽ không để sai sót lỗi nào... Dại gì! Chỉ có một mình Tôm bước ra trước ông giám độc, anh can đảm một cách giản dị:
– Thưa ông giám đốc, tôi xin nhận.
Ông giám đốc vui mừng:
– Tốt quá, ông Ê-đi-xơn, tôi rất vui mừng! Về phần Tôm, anh đương cần một số tiền để dùng vào việc thí nghiệm, mà công việc anh nhận này nếu thành công chắc chắn sẽ mang lại cho anh một số tiền khá lớn.
Có người rỉ tai Ê-đi-xơn:
– Này, thù lao cao đấy. Nhưng nếu chỉ sai một ly thôi thì không phải chỉ mất việc thôi đâu, có khi còn được vào "nhà đá" nữa cơ đấy...
– Được, các bạn đừng lo!
Anh tự biết sức mình và cũng nắm được khả năng của mình. Nào có phải chưa bao giờ anh làm việc căng thẳng từ nười lăm đến hai mươi tiếng đồng hồ ở bên máy điện báo đâu! Có chăng anh chỉ ngại cái xấu xa của một số bạn đồng nghiệp mà thôi. Chắc gì họ không nhân dịp này ngáng chân anh? Có thể lắm chứ! Ra khỏi phòng giám đốc, anh bắt tay vào chuẩn bị ngay.
Tất cả mọi điện báo viên đều lẩn tránh anh như lẩn tránh mặt con người nguy hiểm. Họ đoán việc này sẽ làm cho họ càng thấp đi so với Tôm. Tất nhiên họ cũng muốn có thể làm được cái việc mà Tôm sắp làm, nhưng còn trách nhiệm, không... cái đó thì họ không muốn khoác vào cổ họ! Mười bảy tiếng đồng hồ liền, Ê-đi-xơn đã ngồi gõ ma-níp. Trên trán anh, những giọt mồ hôi lớn vã ra thong thả lăn xuống... giọt nọ nối tiếp giọt kia. Mặt anh nhợt nhạt như nặn bằng sap. Thỉnh thỏang anh tranh thủ nhét vào miệng một mẩu bánh phết bơ đã để sẵn bên cạnh cho đỡ đói. Các đồng nghiệp lúc đầu lặng im, mặc anh chăm chỉ làm công việc của mình, nhưng sau chính họ lại mất bình tĩnh, sốt ruột thay cho anh. Họ bắt đầu rầy la anh:
– Ê-đi-xơn, cậu sẽ hóa đá mất! Hãy kệ thây công việc đấy!
– Này, các ngài ơi, nhìn anh ta xem... như một cái xác không hồn!
– Ê-đi-xơn, chầm chậm thôi cũng được, căng thế thì cậu nguy mất đấy!
Nhưng Ê-đi-xơn chẳng nghe thấy gì và cũng chẳng muốn nghe. Anh tiếp tục gõ na-níp, rất nhanh, rất đều đặn. Khi đứng lên rời khỏi máy, trời ơi! Sao mà anh chóng mặt!... Chân anh như mượn của ai vậy. Lảo đảo, anh đi như người say rượu. Riêng cặp mắt anh vẫn sáng, ánh sáng của thiên tài và chiến thắng. Một lần nào đó, có một người bạn bảo anh: "Thiên tài nghĩa là một phần trăm tài năng cộng với chính mươi chín phần trăm mồ hôi!" Đúng thật, anh đã toát mồ hôi hòan toàn. Ông giám đốc, thậm chí tất cả các bạn đồng nghiệp của anh nữa đều chúc mừng thành công của anh. Tất cả đều nhìn anh kính phục! Giữa những dằn vặt, ghen ghét, ti tiện, bực bội ấy, thiên tài sáng tạo của anh cứ mạnh dạn tiến lên không ngừng. Có đồng tiền nào, anh dùng cả vào các thí nghiệm của mình. Mặc áo quần cứ tồi tạn, mặc căn phòng nghèo dẫn và rồi cuối cùng đành phải biến nó thành một phòng thí nghiệm, anh vẫn không nản chí. Không chút mệt mỏi, lòng tràn ngập nhiệt tình, lúc nào anh cũng hăng say lao động.Đài điện báo của "Công ty liên hiệp Miền Tây" đặt ở tầng dưới một tòa nhà cũ, trước kia là quán ăn. Căn nhà ẩm ướt, mốc meo đó là nơi ẩn nấp của rất nhiều những con bọ giống như những con ruồi. Chúng náu mình sau những tấm ván mọt, mục rỗng lát tường và trần nhà. Đêm đêm, khỏang mười hai giờ khuya có một ông lão nghèo mang hòm bánh mì cùng với vài thứ thức ăn lặt vặt đến bán cho những người làm ca đêm. Mua xong, đem vào phòng, khi họ vừa mở gói đồ ăn ra chưa kịp đưa lên miệng thì, ôi thôi, cả đám bọ đó đã lăn xả vào bâu kín. Chúng bám bừa lên những mẩu thức ăn mà phát tởm, chẳng ai dám ăn nữa. Một người nửa đùa nửa thật, bảo:
– Ê-đi-xơn, cậu cứu anh em với, hay đẩy lùi cái đám giặc này đi hộ với!
– Được, mình thử xem!- Ê-đi-xơn trả lời. Anh kiếm hai chiếc đĩa sắt gắn lên tường, mỗi chiếc đều nối với một đầu dây điện ở bàn máy của anh. Sau đó, anh bôi thức ăn lên mặt đĩa rồi cho dòng điện chạy. Lũ bọ đánh hơi thấy thức ăn bay ngay lên đĩa: dòng điện đã giật chết lũ bọ! Anh em bắt đầu cảm mến Ê-đi-xơn. Họ ca ngợi anh về việc này. Nhưng người trưởng ca lấy làm khó chịu vô cùng. Hắn nghĩ: "Tay Ê-đi-xơn này ngày càng khó chịu tợn, mọi người đều quý hắn, nể hắn hơn ta. Đuổi hắn đi thì không được vì hắn giỏi, có kỷ luật... Nhưng ta sẽ bắt hắn bỏ cái "sáng kiến" kia đi... "Nói sao làm vậy, hắn ra lệnh phải bỏ ngay cái việc "độc ác" của Ê-đi-xơn là "giết hại côn trùng vô tội bằng điện"!Cũng thời gian này, Ê-đi-xơn còn say mê nghiên cứu cả về các thành tựu khoa học của hai nhà bác học vật lý Am-pe (*) và Pha-ra-đây (**) nữa.
Một buổi thuyết trìnhMột lần, Ê-đi-xơn nhận lời mời của một trường nữ trung học là sẽ đến thuyết trình về điện học vào sáu giờ chiều một ngày thứ bảy. Hôm đó, các nữ sinh diện đẹp như đi dự dạ hội. Vốn đã từng nghe nhiều lời đồn đại tốt đẹp về Tôm Ê-đi-xơn nên các cô đều nóng lòng muốn biết con người mới nghe danh mà chưa thấy mặt ấy. Họ tụ tập ở giảng đường của trường. Một nữ sinh nói:
– Mình thấy anh mình bảo Tôm Ê-đi-xơn là một điện báo viên giỏi nhất nước Mỹ đấy!
Một cô khác tiếp lời:
– Anh ta còn là một nhà phát minh nữa, nghe nói anh ấy đã sáng chế ra nhiều thứ lắm.
Một nữ sinh bâng khuâng:
– Không biết anh ta có đẹp trai không nhỉ?
– Chao ôi! Anh ta trẻ và nổi tiếng, cái đó theo mình giá trị hơn tất cả mọi thứ sắc đẹp trên đời!
– Mình thì mình cho rằng anh ta phải là người ăn mặc rất lịch sự. Các nhà phát minh thì tất nhiên họ phải giàu có rồi, mà đã giàu thì tất nhiên ăn mặc phải sang!
Ngây thơ và trong trắng, các nữ sinh bàn tán, hồn nhiên đùa cợt về mọi chuyện, mọi ước mơ. Thời gian trôi qua nhưng vẫn chưa thấy tăm hơi Ê-đi-xơn đâu cả... Ban giám hiệu và các nữ sinh bắt đầu nóng ruột. Quá sáu giờ rồi còn gì! Các cô bảo nhau:
– Quái nhỉ, sao mãi mà thuyết trình viên chẳng thấy? "Ngài" định bắt chúng mình chờ đến bao giờ thế này!
Trong khi đó, Tôm Ê-đi-xơn hòan tòan không nhớ gì đến buổi thuyết trình cả. Mải làm thí nghiệm, anh quên khuấy mất! Lúc ấy nhem nhuốc trong bộ quần áo lao động đầy vết a-xít và các hóa chất khác, anh đang ngồi trên... mái nhà nối sợi dây điện bị đứt. Một người bạn gọi to:
– Tôm ơi, cậu quên à, hôm nay là ngày cậu phải đến nói chuyện ở trường nữ trung học cơ mà? Cậu có định đi không đấy?
– Chết! – Tôm kêu lên – Mình quên mất, may mà cậu nhắc mình. Mấy giờ rồi?
– Sáu giờ mười lắm!
– Hỏng rồi, làm thế nào bây giờ? Lại còn phải thay quần áo nữa!
– Thôi xuống ngay đi, rồi ba chân bốn cẳng vào... Không đến không được đâu. Ai lại thế bao giờ?
– Thế còn áo quần?
– Kệ nó! Chẳng tiểu thư nào ở đó chọn cậu làm chồng đâu mà lo. Nhanh lên!
– Đúng, cậu nói có lý đấy!
Ê-đi-xơn nhảy vội xuống, phủi qua loa áo quần rồi cứ thế một mạch chạy bộ tới trường.Khi thấy thuyết trình viên hớt hải đến với bộ áo quần tồi hơn cả một người phu khuân vác, các nữ sinh đều ngạc nhiên kêu lên:
– Ồ... ồ...Ê-đi-xơn luống cuống vì thấy ai cũng ăn mặc chỉnh tề như đi dự hội mà anh thì nhếch nhác. Sau giây phút lúng túng, anh thóang bực mình: "Họ đi nghe nói chuyện chứ có đi nhà thờ đâu mà diện thế? Mặc họ!" Anh mạnh dạn bước lên bục giảng. Không một ai vỗ tay chào đón. Họ nhìn anh vẻ ngao ngán. Thấy mọi người đón tiếp mình lạnh nhạt, Ê-đi-xơn lại thấy mình như có thêm can đảm. Anh mở đầu buổi nói chuyện bằng một câu phê phán các cô gái nhẹ nhàng nhưng vụng về: "Thưa các ngài, thưa các bạn, tục ngữ ta có câu: "Cái áo làm chẳng nên người..." Tất cả phá lên cười chế giễu. Thật bực mình, khó chịu làm sao khi phải nói chuyện ở một trường nữ trung học mà tất cả các nữ sinh đều ăn mặc như các công nương. Đành mặc họ thôi, anh cứ nói. Một lát sau, những nụ cười nhạo báng tắt dần trên môi mọi người. Người ta "suỵt... suyt..." dập hết những tiếng cười và tiếng xì xào còn vang lên đây đó. Nhiều người bắt đầu mở sổ tay ghi chép. Những cặp mắt dần dần trở lại bình thường rồi chăm chú mở to. Chỉ còn nghe thấy tiếng tất cả đều lắng nghe. Im lặng. Ngay cả Tôm, anh cũng quên cả bổ quần áo nhàu bẩn của mình và nói một cách sôi nổi. Vấn đề thu hút anh, thu hút các nữ sinh cũng như thu hút tất cả mọi người thời bây giờ là: điện khí. Đó là một đề tài rất "thịnh", rất "mốt". Thỉnh thỏang anh lại giở cuốn "Những khảo sát thí nghiệm về điện" của Pha-ra-đây trích đọc một đoạn. Khi Tôm vừa kết thúc buổi nói chuyện thì tiếng vỗ tay vang lên như sấm dậy. Mọi người hoan hỉ chúc mừng anh. Mấy nữ sinh mang hoa lên tặng. Tôm thấy rất sung sướng, sung sướng và hạnh phúc thực sự. Suốt đời, anh chẳng bao giờ quên nhưng phút giây thành công ấy. Sau này, khi đã đạt đến đỉnh cao của sự vinh quang và thành công, anh vẫn luôn luôn trìu mến nhớ lại kỷ niệm sâu sắc mà êm dịu của buổi nói chuyện đầu tiên ấy của anh cùng với những bông hoa đã nhận.
Ở Niu I-oócNhưng ước mơ của Tôm đâu có phải suốt đời làm một điện báo viên, cho dù loại điện báo viên ưu tú chăng nữa. Trong đầu anh, biết bao nhiêu dự định, suy nghĩ đòi hỏi phải hoàn thành, phải thực hiện. Mọi phát minh của anh cho đến nay mới chỉ là những cái nhỏ, lặt vặt xoay quanh chiếc máy điện báo. Anh không thỏa mãn chút nào về những phát minh ấy. Anh muốn biến thành hiện thực tất cả mọi điều anh nghĩ, anh thấy trong óc, qua những cuộc thí nghiệm liên tục và đầy khó khăn. Nhưng muốn thế, anh phải có thời gian, phải có tiền chi phí. Mà chân điện báo viên làm sao có thể cho anh tiền bạc và thời gian để thực hiện ước mơ! Anh quyết định đi Niu I-oóc. Anh hy vọng thành phố lớn ấy có thể tạo cho anh một con đường thoát ra khỏi mọi khó khăn, bế tắc hiện nay. Bước xuống ga, anh ngợp trong cái vĩ đại của thành phố. Niu I-oóc với toàn những dãy nhà chọc trời, những đường phố dài vô tận. Anh lạc trên phố U-ôn và những đại lộ khác. Cái "bệnh kinh niên" lại giày vò anh: phải tìm việc làm ngay! Đi đâu bây giờ? Gõ cửa nào đây? Anh chẳng quen biết ai mà thành phố lại mênh mông quá, xa lạ quá. Sau vài ngày mệt bã người kiếm không ra việc, anh càng thấy mình cô độc và nghèo khó hơn bao giờ hết. Biết tính sao đây? Vừa gò lưng đeo cái bao nặng đồ đạc trên vai, anh vừa nhìn những cửa kính sáng loáng, những nóc nhà mất hút trong mây... và ao ước một ngụm trà nóng. Bỗng nhiên anh nhớ tới Ri-sa Hút-kin-xơn, người điện báo đã phát đi bức điện "thử thách" mà anh đã phải nhận khi vừa đến Bốt-xtơn. Ri-sa làm ở trung tâm điện báo "Công ty liên hiệp Miền Tây" đóng tại Niu I-oóc. Đánh liều, anh tới gõ cửa nhà Ri-sa nhờ anh ta giúp đỡ. Ri-sa tuy thế nhưng là người hiểu biết. Thấy Tôm đương gặp khó khăn, Ri-sa nhiệt tình giúp đỡ:
– Tôi sẽ giúp anh, Ê-đi-xơn ạ. Anh cứ yên tâm, tôi rất coi trọng tài năng và khả năng lao động của anh. Dù Ri-sa hết lòng nói hộ nhưng Tôm vẫn chưa được nhận vào làm ngay vì ở đó chưa có chỗ trống. Nhưng cái đói và những nhu cầu cần thiết khác không cho phép Tôm chờ đợi.
– Thật khó khăn quá, anh Tôm ạ! Không thể làm thế nào hơn được. Anh chịu khó chờ hai, ba ngày nữa, tôi sẽ cố chạy thêm cho anh xem sao!
Hai ngày, rồi ba ngày... qua đi. Những ngày chờ đợi thật quá nặng nề. Anh đã bắt đầu phải nhịn đói. Hằng ngày, anh nhẫn nhục lang thang trên các phố phường mỹ lệ kia. Đêm xuống, anh ngả mình dưới mái hiên các nhà kho bỏ vắng.Vài ngày sau, Ri-sa bảo anh:
– Tôi đã nói chuyện về anh với một người bạn tôi là Phơ-răng-kơ-lanh Pốp. Anh ấy hứa sẽ giúp anh. Vậy bây giờ anh tới chỗ anh ấy nhé. Chao ôi! Thật may mắn! Anh vội vã đến chỗ Phơ-răng-kơ-lanh. Nhưng... ở nơi Phơ-răng-kơ-lanh cũng lại không có chỗ. Cái dạ dày lép kẹp không cho phép Tôm chọn lựa nữa. Tôm bảo:
– Anh ạ, làm gì cũng được, miễn là có việc thì thôi...
Phơ-răng-kơ-lanh là người hiểu biết, anh ta liền giúp Ê-đi-xơn bằng cách tạm cho Ê-đi-xơn ăn nhờ, bảo đảm cho Ê-đi-xơn được ở tạm trong một xó nhà kho của lâu đài "Công ty Gôn Ri-pốt-tinh" cho đến khi có việc làm. "Gôn Ri-pốt-tinh" là một công ty theo dõi giá vàng trên trên thị trường. Để có thể làm được việc đó, công ty này có những tổng đài điện báo khổng lồ, khó vận chuyển vào khó bảo quản. Những máy đó có những đường dây nối trực tiếp với các văn phòng, các trụ sở của họ ở khắp mọi nơi trong nước. Mỗi lần máy hỏng là công ty thiệt hại đến hàng triệu đô-la.Như tất cả những người thất nghiệp khác, thường nhàn rỗi và buồn chán. Một buổi chiều, Ê-đi-xơn đang ngồi chơi trên một chiếc ghế đá trong vườn hoa của công ty, mặc cho mọi ý nghĩ vò xé trong lòng, bỗng anh thấy hàng chục công nhân hốt hoảng chạy vào văn phòng kêu lên:-Máy hỏng, thưa ngài, máy hỏng rồi!Giám đốc công ty chạy bổ ra, mặt tái đi la lớn:-Đi gọi kỹ sư, mau!Mọi người tất tả chạy vào buồng máy. Tôm Ê-đi-xơn cũng chạy theo họ. Hàng giờ qua... các công nhân kỹ thuật không sao tìm ra chỗ hỏng. Lúc đó, kỹ sư "Lao-xơ", người phát minh ra cái máy đó, cũng tới. Ông ta kiểm tra máy rất kỹ lưỡng nhưng cũng chịu, chưa phát hiện ra được chỗ hỏng. Ông ta cáu kỉnh gắt ầm lên:
– Máy móc hay ma quỷ không biết!
Lúc đó, một giọng nói chợt vang lên khiến mọi người ngạc nhiên:
– Để tôi thử tìm xem, may ra có thấy chăng?
Mọi người lạ lùng nhìn chàng thanh niên lạ mặt. Hắn ở đâu ra mà trông tồi tàn thế kia? Chẳng ai tin anh ta có thể làm được. Nhưng ở hoàn cảnh bó tay như thế này thì cứ để hắn thử "cầu may" xem sao. Và họ cho phép anh lại gần cỗ máy. Một bác thợ già bảo:
– Khéo không hắn lại làm hỏng thêm máy mất thôi!
– Không, không lo, An-tô-ni ạ.
Các anh có hàng bao nhiêu chuyên gia ở đây mà còn chịu bó tay thì cứ để mặc anh ta thử xem sao. Có thể anh ta thành công đấy. Nếu không... ta sẽ có cách với hắn.Tôm Ê-đi-xơn – người thanh niên lạ mặt – không hề bối rối sợ sệt. Thành công hay thất bại trong việc này sẽ quyết định việc anh có ở lại Niu I-oóc hay không. Anh rất bình tĩnh bắt tay ngay vào công việc. Mọi người nín thở đưa mắt dõi theo đôi bàn tay anh đang dò dẫm lần tìm chỗ hỏng. Mười lăm phút trôi qua...Trán đẫm mồ hôi, Ê-đi-xơn bỗng ngẩng đầu, nhẹ nhàng nói:
– Tôi đã tìm thấy rồi!
Hàng trăm bộ ngực thở phào nhẹ nhõm. Mặt ông giám đốc bừng sáng lên vui sướng. Còn ông kỹ sư thì mặt tái nhợt như người chết đuối. Tôm giải thích:
– Một cái đinh ốc bị gãy, nhưng mảnh của nó lúc rơi ra lại mắc vào giữa hai bánh xe răng cưa. Cho tôi mượn ít dụng cụ để chữa.Chừng hai giờ sau, Tôm chữa xong. Anh vui vẻ báo tin:
– Thưa ông, tôi đã chữa xong!
Các thợ máy mở cho máy chạy. Thấy cỗ máy lại hoạt động bình thường như cũ, ai cũng lạ lùng. Giám đốc chạy đến ôm chầm lấy Tôm chúc mừng:
– Xin anh nhận lời chúc mừng của tôi. Anh cừ thật, anh bạn trẻ ạ. Anh thông minh lắm. Anh có muốn vào làm ở chỗ chúng tôi không? Tôm mừng rỡ. Anh chỉ mong có thế:
– Thưa ông, có chứ.
– Vậy từ hôm nay, anh được nhận vào làm chân kiểm tra máy móc. Anh có yêu cầu gì không?
– Dạ, ông trả bao nhiêu cũng được.
– Một nghìn rưởi đô-la một tháng. Anh bằng lòng chứ?
– Ôi, thật quá hậu...Tôm ngạc nhiên, mỗi tháng lương ấy là cả một gia tài nhỏ đối với anh. Cả đời, Tôm chưa bao giờ có được ngần ấy tiền cả. Ít lâu sau, anh mới rõ rằng đó là một việc làm rất khó nhọc: phải làm liên tục hai mươi giờ mỗi ngày. Hằng ngày, anh chỉ còn bốn giờ để nghỉ ngơi. Một công việc như vậy sẽ hút kiệt sức anh rất nhanh. Vả lại, lương cao mà làm gì nếu như anh chẳng còn một chút thời gian nào để nghĩ đến những phát minh và thực hiện chúng! Cho đến nay, anh đã đem những năm thanh xuân đẹp đẽ nhất của đời anh để làm giầu cho các ông chủ rồi... Anh không sao chịu đựng nổi một cuộc sống đầy ti tiện và chèn ép như ở đây nữa. Giữa cái xã hội, cái thế kỷ của các nhà tư bản đang phát triển mạnh ấy, anh thấy nghẹt thở... Cái vũ khúc quái đản của đồng tiền, cái nhẫn tâm của các chủ nhà băng phố U-ôn, sự bóc lột tàn tệ sức lao động, những cơn sốt của giá hối đoái chi phối sự bấp bênh của giá vàng, chi phối sự phỉ báng của đạo lý... đã làm đau đớn tâm hồn và trí óc của chàng thanh niên ấy.
Cuộc chiến tranh khủng khiếp 1861-1865 đã làm kiệt quệ nền tài chính Hoa Kỳ. Để có thể phần nào kéo lại cái thua thiệt khổng lồ trong các chi phí chiến tranh, chính phủ Hoa Kỳ cho phát hành một số lượng lớn giấy bạc mầu xanh, không có vàng đảm bảo, nhưng vẫn được nhà nước "đảm bảo". Kết quả tiền vàng bị phá giá. Hàng triệu giấy bạc bị mất giá đã trở thành gánh nặng vô ích mà cả chính phủ lẫn dân Mỹ đều muốn trút bỏ. Khi tiền vàng bị thu hồi dần về kho thì các nhà băng cũng như Bộ Tài chính cũng bắt đầu ngừng tung ra những đồng tiền vàng. Và tiếp đó là một hiện tượng rất tự nhiên: giá vàng bắt đầu tăng vọt. Việc buôn vàng lậu bắt đầu phát triển mạnh. Ngân hàng hối đoái ở phố U-ôn cũng hoạt động mạnh.Chính trong thời kỳ đầy biến động và lo âu này của nền kinh tế Mỹ, Lao-xơ đã nghĩ ra một hệ thống ghi giá vàng bằng cách sử dụng một tổng đài điện báo. Thời gian đâfu sau chiến tranh, trong ba năm liền việc đó xem chừn được khá lãi. Gần ba năm ngân hàng và văn phòng hối đoái ở Niu I-oóc đã nối vào tổng đài của Lao-xơ để nhận tin tức về nhịp lên xuống của giá vàng được chuyển qua máy phát trung tâm của Lao-xơ.Lòng tham vô đáy của các chủ tờ-rớt đã làm cho các ngân hàng nhỏ và các văn phòng hối đoái tư nhân bị khánh kiệt. Tất nhiên kẻ bị khánh kiệt ghê gớm nhất là các viên chức, những người buôn bán nhỏ và các công nhân. Trong cuộc cạnh tranh đó, các ông chủ chẳng từ một thủ đoạn tàn bạo nào mà không đem dùng. Cuộc chạy đua về giá vàng trên thị trường nước Mỹ tất nhiên sẽ đưa đến việc hình thành một "hội vàng".Đó là thời kỳ khốn khổ nhất nước Mỹ, thời kỳ đã làm cho nước Mỹ bị lung lay đến tận nền móng. Vua đường sắt là Giây Giun-đơ, một tên tư sản tham lam, một tên đầu tư vô liêm sỉ đã hối hả vét vàng khắp nơi và đã nâng giá vàng lên một cách giả tạo, đến mức tối đa. Chính phủ Hoa Kỳ đành phải đưa một số vàng dự trữ ra sử dụng để chấm dứt nạn buôn vàng lậu. Nhưng Giun-đơ đã thu về hàng triệu đô-la tiền lãi, đã phá tan sản nghiệp của nhiều nhà tư sản nhỏ và đã làm cho nhiều người tự tử vì lâm vào cảnh phá sản.Cả Lao-xơ cũng bị phá sản. Ông đành phải bán cổ phần của mình cho chủ mới là tướng Lép-phe. Là người theo sát máy hằng ngày, Ê-đi-xơn ghê tởm cái trò chơi khủng khiếp của các ngân hàng hối đoái vàng và những cuộc săn đuổi vàng của họ. Anh chán ngán hết sức về những việc xảy ra xung quanh anh, về mối quan hệ tàn nhẫn giữa con người với con người, đồng thời anh cũng thấy rõ tài năng của anh đã bị bóc lột ra sao và bị sử dụng vào những công việc xấu xa thế nào. Tại sao anh không làm gì để chấm dứt cái trò lừa đảo ấy đi? Tại sao anh không làm việc gì đó có ích cho con người? Hàng chục thiết kế, đồ án đã hoàn thành trong óc anh chỉ còn cần thực hiện thôi! Giá như anh cũng mở một văn phòng trong một khu công nghiệp nào đó nhỉ? Anh cần một người cộng tác, vả lại... tiền anh cũng có quá ít. Sao anh không mời người bạn tốt Phơ-răng-kơ-lanh Pốp nhỉ. Nghĩ thế, anh liền đến nhà bạn:
– Ông Pốp này, ông có muốn cộng tác với tôi không? Chúng ta sẽ mở chung một văn phòng nhỏ về kỹ thuật, một việc "buôn bán" chỉ có hai ta là người chủ trương...
Anh phấn khởi nói rõ ý định cho Pốp nghe. Pốp đồng ý ngay, vì chính anh cũng là người bị chủ bóc lột như Ê-đi-xơn. Kết quả là ngày mồng một tháng Mười năm 1869, trên tờ báo "Người điện báo" ở Niu I-oóc xuất hiện mấy dòng quảng cáo như sau: "Công ty Pốp, Ê-đi-xơn. Kỹ sư điện và tổng quản lý điện báo. Trụ sở giao dịch đặt tại Bơ-rốt-uây, số 78-80, phòng số 48".Phơ-răng-kơ-lanh chỉ đạo về hành chính còn Ê-đi-xơn chỉ đạo kỹ thuật. Công việc tạm ổn và khá chạy. Một hôm, Ê-đi-xơn bảo bạn:
– Pốp ạ, có lẽ chúng ta cần có thêm cộng tác viên nữa mới đủ, thí dụ, cộng tác với một tờ báo chẳng hạn, vì ta cũng cần quảng cáo cho công việc của ta chứ! Họ chẳng phải tìm lâu, chính bản thân chủ báo "Người điện báo" đã cộng tác với họ. Tên ông là Ác-sơ-li. Khi nghe Ê-đi-xơn ngỏ ý muốn cộng tác, ông vui vẻ vỗ vai Ê-đi-xơn nói:-Được thôi. Bao giờ tôi cũng thích làm việc, thích ủng hộ thanh niên có lý tưởng, rất thực tế và ham học như các ông."Công ty" của họ được mọi người tín nhiệm. Tôm Ê-đi-xơn rất sung sướng thấy mình được chủ động trong công việc. Anh thật sự hạnh phúc thấy mình giúp ích cho mọi người một cách thiết thực. Năm ấy, Ê-đi-xơn hai mươi hai tuổi.Công trình đầu tiên mà Ê-đi-xơn hoàn thành là việc hoàn chỉnh hệ thống điện báo nhận các tin tức hối đoái ngân hàng. Đó là chiếc máy "Tích-cơ" do Lao-xơ phát minh năm 1867, Phơ-ranh-kơ-lanh Pốp đã cải tiến một vài bộ phận nhỏ, sau đó năm 1869, Ê-đi-xơn đã nhận cải tiến thêm cho thật hoàn chỉnh. Đó là loại máy điện báo duy nhất hồi đó nhận nhanh các tin tức ngân hàng hối đoái mà ngày nay các nước tư bản phương tây vẫn còn sử dụng. Tin đồn về việc hoàn chỉnh máy "Tích-cơ" đã lan đi rất nhanh trong các giới liên quan đến ngân hàng. Lép-phe, một tên tư bản lúc bấy giờ, kẻ đã thu nạp cổ phần của Lao-xơ quyết định mua lại của Ê-đi-xơn chiếc máy ấy cùng với tất cả hồ sơ lý lịch của máy. Lép-phe mời Ê-đi-xơn đến văn phòng mình và điều đình với anh:-Tôi muốn mua của ông chiếc máy ấy cùng tất cả hồ sơ lý lịch của máy, vậy ông đòi bao nhiêu? Ê-đi-xơn suy nghĩ: ba nghìn chăng, hay năm nghìn đô-la? Năm nghìn thì nhiều quá mà ba nghìn thì ít đấy! Anh lưỡng lự rồi trả lời:-Tôi đã tính rồi, nhưng ông cứ thử cho tôi một cái giá xem ông đánh giá chiếc máy ấy ra sao?-Bốn chục nghìn đô-la có được không? Ê-đi-xơn hoảng quá, anh thấy chân mình như nhũn ra. Thật trong mơ anh cũng không dám nghĩ đến một số tiền lớn như vậy. Cố lấy vẻ thản nhiên, anh đáp:
– Thôi cũng được. Cũng gần với con số mà tôi tính toán.
Thế là hợp đồng được ký kết và Lép-phe giao cho anh tấm ngân phiếu. Tôm rút ra một kinh nghiệm: Không nên nói giá phát minh của mình trước mà để người mua tự trả giá lấy. Tay cầm ngân phiếu, Ê-đi-xơn đi một mạch ra ngân hàng lĩnh tiền. Một cảm giác lâng lâng tràn ngập lòng anh. Tới cửa lĩnh tiền, anh hơi run vì xúc động. Anh sắp có bao nhiêu là tiền. Một gia tài cơ đấy.Người thủ quỹ cầm ngân phiếu xem xét kỹ càng rồi đưa lại anh:
– Phiếu này không có chữ ký, không giao tiền được ông ạ.
Vốn điếc một bên tai nên nghe không rõ, Tôm tưởng là ngân phiếu không có giá trị. Trố mắt vì ngạc nhiên và vì tức giận, Ê-đi-xơn nghĩ: "Trời! Tay Lep-phe hắn lừa mình. Mà sao mình quá ngây thơ, quá ngốc nghếch đến thế!" Anh cầm tấm ngân phiếu về trả cho Lép-phe, bảo:
– Thưa ông, tờ ngân phiếu này không có giá trị! Lép-phe ngạc nhiên, xem lại rồi bỗng phá lên cười:
– Ồ, xin lỗi ông, tôi quên mất chưa ký, ông Ê-đi-xơn ạ! Ông tha lỗi cho tôi nhé. Đây này, tôi xin ký thật rõ ràng. Bây giờ phiếu lại có giá trị rồi.
Ê-đi-xơn quay lại ngân hàng, thấy vẻ thật thà của anh, viên thủ quỹ đùa xỏ anh bằng cách trao cho anh toàn loại tiền nhỏ. Ê-đi-xơn ra khỏi ngân hàng với mọi túi áo, túi quần, trong ngực áo căng đầy những tiền. Anh hơi lo, nhỡ cảnh sát lại ngờ anh là một tên trộm tiền của ngân hàng thì nguy. Anh vội về nhà và suốt đêm chẳng chợp mắt được. Sáng hôm sau, chính Lép-phe lại giúp anh gửi tiền vào ngân hàng và mở một tài khoản riêng.
Cái chết của mẹ
Khi đầu, "Công ty Pốp – Ê-đi-xơn" chuyên hướng dẫn về điện, xây lắp, bảo quản và sửa chữa đường dây điện báo, đường dây cáp, nguồn điện v.v... Sau đó, họ mượn thêm năm mươi công nhân nữa cùng làm. Ê-đi-xơn cùng làmm việc chung với họ. Biết bao nhiêu sáng kiến đã nảy ra trong óc anh vào thời kỳ này. Anh say mê làm việc thậm chí đến khuya, một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu là anh bắt tay tay làm việc ngay, quên ngủ, quên ăn. Lòng say mê làm việc, trí thông minh tuyệt vời đã nâng Ê-đi-xơn vượt lên trên tầm các nhà phát minh thời bấy giờ. Với Ê-đi-xơn, lao động tự do, lao động sáng tạo là một điều thần thánh, làm cho con người trở nên cao quý. Đã bao lần, anh khao khát thoát khỏi cảnh "lao động cưỡng bức" dưới quyền các ông chủ. Điều đó anh đã thực hiện được. Chỉ còn một điều khác nữa, đó là thành lập một xưởng nhỏ do chính anh trông nom, điều khiển. Với số tiền bán máy "Tích-cơ", Ê-đi-xơn đã thực hiện được cả giấc mộng này.Anh mở một xưởng riêng ở gần Niu I-oóc, chuyên nhận làm theo hợp đồng. Chỉ ít lâu sau, xưởng của anh lên tới một trăm năm mươi công nhân. Bây giờ anh vừa là chủ xưởng, vừa là kỹ sư trưởng và cũng vừa là công nhân. Xưởng của anh nhận không hết việc và nhịp điệu lao động lúc này cũng thoải mái, khẩn trương, cần cù như một tổ ong. Vốn không phải là một kẻ tham tiền, nên Ê-đi-xơn được anh em thợ rất quý mến coi như người thầy, người bạn. Anh kiếm ra khá nhiều tiền và anh em công nhân cũng vậy. Từ một xưởng, dần dần anh phải mở tới ba xưởng mới đủ cho mọi người làm việc. Có những công ty điện báo ký hợp đồng vĩnh viễn với anh về việc trông nom, sửa chữa máy cho họ. Tiền kiếm được anh tiêu phần lớn vào những thí nghiệm nhưng anh cũng không quên gửi về giúp đỡ gia đình. Mẹ anh thường xuyên nhận được tiền và những bức thư đầy lòng kính yêu của anh.Xưởng của Ê-đi-xơn trở thành xưởng sửa chữa được tín nhiệm nhất. Không những các chủ ngân hàng, các chủ nhà máy lớn, các giám đốc, chủ các liên đoàn luôn nhắc đến tên anh, mà cả những người dân thường cũng thích thú theo dõi mọi hoạt động của anh qua báo chí. Một hôm, tổng giám đốc xí nghiệp "Điện báo tự động" mời anh đến ký một hợp đồng:
– Ông Ê-đi-xơn ạ, tôi muốn đề nghị với ông hãy cố hoàn chỉnh hệ thộng điện báo tự động của một người. Anh tên là Gioóc Lin-tơn. Hệ thống này có cái bất tiện là chỉ liên lạc được trong một khoảng thời gian ngắn thôi. Nếu ông làm được, tôi xin trả ông hai mươi nhăm nghìn đô-la.
Ê-đi-xơn nhận lời. Sau ba tháng nghiên cứu khẩn trương, Ê-đi-xơn đã giải quyết xong yêu cầu đó. Từ chỗ chỉ thu phát được trong một khoảng cách ngắn, nay anh làm cho máy ấy liên lạc được cả với những khoảng cách rất xa. Cùng thời gian ấy, Tôm còn cải tiến cả giấy ghi moóc-xơ. Giấy này trước đó không bền, hay rách. Qua nhiều thí nghiệm thất bại, cuối cùng Tôm đã tìm ra cách dùng giấy tráng pa-ra-phin để thay giấy thường. Máy điện báo trước kia chỉ nhận được bốn mươi tiếng một phút, nay Tôm sáng chế ra chiếc máy có thể phát được hai trăm chữ trong một phút với khoảng cách liên lạc là hai trăm dặm. Ít lâu sau, Tôm lại cải tiến và máy đã tăng nhận lên đến ba nghìn tiếng trong một phút.Một lần, Tôm ký hợp đồng làm một số máy điện báo đặc biệt. Khi các máy đã làm xong thì không biết vì sao tất cả đều không chạy. Thời hạn hợp đồng chỉ còn bốn ngày nữa. Đúng hạn mà không giao được máy thì coi như anh đã tự hủy hợp đồng và ngần ấy máy anh sẽ phải tự giải quyết lấy. Tôm gọi tất cả các công nhân đến xưởng rồi bảo:-Chúng ta sẽ sửa xong tất cả những cái máy này rồi mới về. Tất cả bằng lòng chứ? Không một ai phản đối. Tất cả xưởng đã thay nhau làm liên tục trong sáu mươi giờ. Riêng Tôm không chợp mắt một tí nào.Sau sự kiện đó ít lâu, Tôm nhận được tin mẹ chết. Lâu nay công việc quá bận rộn, Tôm chưa rảnh lúc nào để về thăm mẹ. Trong lòng anh như có một cái gì quý giá vừa tan vỡ. Anh vội vã thu xếp công việc, lên tàu đi Po Hu-rôn.Thành phố quê hương của anh đổi thay nhiều quá! Chị Ta-ni-a lấy chồng rồi và đã có một con. Hai vợ chồng chị làm ở một đài điện báo. Còn trường tiểu học trong thời thơ ấu của anh, nơi anh có biết bao kỷ niệm, bây giờ đã là một tòa nhà to lớn, đẹp đẽ.Cùng với đám tang người mẹ hiền yêu dấu, Tôm cũng chôn theo cả tuổi thơ ấu của mình. Nỗi đau đớn đã làm Tôm, con người xưa nay chỉ biết có công viêccj và máy móc, bị mất cân bằng. Anh thảng thốt một thời gian vì cái chết của mẹ. Lúc nào anh cũng mường tượng thấy khuôn mặt và cặp mắt dịu hiền của mẹ. Ôn lại cả quãng đời anh, anh thấy rất rõ những ảnh hưởng tốt đẹp của mẹ. Chính tâm hồn cao quý ấy đã giúp anh đứng vững trước mọi sóng gió cuộc đời như thế nào.
Gia đình riêng1872, Ê-đi-xơn hai mươi bốn tuổi. Anh đã là chủ một xí nghiệp được nhiều người biết tiếng, công việc của xí nghiệp rất chạy. Cuộc sống của anh đã ổn định. Tuy nhiên, một cái gì đấy vẫn còn thiếu. Một hôm, vợ chồng Ta-ni-a đến thăm em. Thấy Tôm đùa nghịch không chán với cháu, chị Ta-ni-a bảo:
– Mọi thứ đều đã xong, đã tốt rồi. Em thì trẻ, khỏe, siêng năng và được mọi người yêu mến, sao em không lấy vợ đi!
– Vâng, đúng đấy chị ạ, việc đó thì em quên thật...
– Có gia đình, em sẽ thấy mọi việc được đầy đủ hơn. Vả lại chị thấy em rất yêu quý trẻ.
– Vâng, vâng, em rất thích chơi với chúng. Chị Ta-ni-a về rồi, ý nghĩ về chuyện vợ con đôi lúc trở lại trong Tôm, anh mỉm cười vơ vẩn nghĩ...Một hôm, trên đường từ phòng thí nghiệm đến một công ty nọ, trời mưa thu lành lạnh... Ê-đi-xơn vừa mở chiếc ô ra thì chợt nhìn thấy ở cửa xưởng của mình có hai người thiếu nữ đang đứng nép mình sát hàng hiên, cố tránh những giọt mưa làm ướt áo. Anh mời hai cô này đi và hứa sẽ đưa họ về tới tận nhà. Hai người thiếu nữ bẽn lẽn:
– Cám ơn, xin cám ơn ông...
Anh tự giới thiệu:
– Tên tôi là To-ma An-va Ê-đi-xơn.
– Còn chúng tôi là hai chị em: Ma-ri và A-li-xơ Xtiu-oen.
Trong khi đưa hai chị em về, Tôm chú ý đến Ma-ri. Thật là một cô gái đáng yêu, thanh mảnh, không lỗng lẫy nhưng duyên dáng, dịu dàng. Tôm vẫn hình dung ra người bạn đời của mình như vậy. Sau đó ít lâu, một hôm, như thường lệ, Tôm đến văn phòng làm việc. Vừa vào chỗ, anh ngạc nhiên nhận ra Ma-ri đang ngồi đánh máy. Thật lạ lùng, sao từ trước đến nay anh chưa hề trông thấy cô bao giờ? Ê-đi-xơn đứng sững giữa phòng như bị thôi miên. Anh nhìn chằm chằm vào Ma-ri khiến cô đâm lúng túng, ngừng tay gõ máy. Tôm khẽ nói:
– Xin lỗi cô, vì tôi mà cô...
– Dạ, không dám ạ...
Tôm mỉm cười mạnh dạn:
– Vâng, vâng, hôm nọ chúng ta đã làm quen với nhau "trong mưa", thế mà tôi lại không hề biết cô làm ở đây. Ồ, sao chẳng bao giờ tôi nhìn thấy cô nhỉ? Cô tha lỗi cho tôi nhé!
Bỗng nhiên một quyết định đến với anh: ta còn chờ đợi gì nữa? Thời cơ đã có rồi, đừng bỏ lỡ dịp tốt đẹp này.
– Thưa cô, tôi không muốn mất thì giờ nói những câu vô ích. Tôi xin hỏi cô một câu rất ngắn gọn và rõ ràng: Cô có ưng làm vợ tôi không?
Cô gái hỏang hốt nhìn anh... anh ấy nói điều gì vậy? Biết trả lời anh thế nào đây?... Những tờ giấy đánh máy bay tung trên sàn. Những bức tường quanh cô chao đảo, cặp mắt cô mờ đi.
– Thưa ông Ê-đi-xơn, xin ông đừng đùa...
– Không, tôi không đùa. Ngược lại tôi nói rất nghiêm chỉnh.
– Vâng, nhưng thưa ông một điều như vậy mà ông... chỉ trong một giây thôi ư...
– Những quyết định lớn đều như vậy: trong một giây thôi. Và cuộc đời ngắn ngủi quá đến nỗi ta phải cân nhắc nó đến bằng gam nữa... Ý cô thế nào? Cô nhận lời tôi nhé? Tôi xin cô hãy suy nghĩ trong năm phút.
Ma-ri ngạc nhiên nhìn anh:
– Năm phút cơ à? Thế thì lâu quá! Em chẳng muốn ông phải chờ lâu đến thế...
– Vậy câu trả lời của cô thế nào? – Tôm cố gặng hỏi. Mai-ri đỏ mặt vì sung sướng, cô đáp khẽ:
-Vâng... em nhận lời.
Tôm vui sướng cầm tay cô khẽ hôn và nói:
– Hôm nay là thứ mấy nhỉ? Thứ hai à... Tốt! Chủ nhật này chúng ta sẽ làm lễ cưới nhé!
– Thế thì hơi quá sớm. Chủ nhật sau được không ạ?
– Thế cũng được. Nhưng, thưa cô đánh máy, tôi hy vọng rằng sau lễ cưới tôi vẫn là người chỉ huy chứ?
– Dạ, vâng, chỉ huy đánh máy chữ thôi ạ.
– Hay lắm! Tôi thích câu trả lời ấy...Cả hai cùng cười vui vẻ.
Sau đó vài ngày, Ma-ri vẫn tin đấy chỉ là trò đùa, một hôm cô hỏi Tôm:
– Ông Ê-đi-xơn, hôm nọ ông hứa với em một điều. Ông có còn nhớ không?
– Tất nhiên là phải nhớ chứ em.
– Đó là điều em phải hỏi cho rõ vì...Tôm lộ vẻ buồn bực:
– Thế em cho là tôi đùa với em sao? Em cho rằng tôi có thể bỏ phí thì giờ vào những chuyện ngu ngốc đó hay sao?
– Không, nhưng em sợ rằng có khi đó chỉ là phút giây bồng bột của ông thôi.
– Sao lại bồng bột?
– Vì rằng chưa bao giờ em thấy ông tỏ ra có thiện cảm với em cả. Tất cả mọi điều xảy ra như sét đánh thật lạ lùng...Tôm phật ý:
– Lạ thật! Sao em chẳng hiểu tôi không có thì giờ. Ở tôi, thì giờ được cân nhắc kỹ càng. Em xem đấy, tôi còn có lúc nào rảnh mà đi tán tỉnh em được nữa, vả lại tôi không biết tán phụ nữ, em ạ... Tôi chẳng bao giờ thấy chuyện làm cho một người con gái phải chờ đợi, đau đớn, khổ sở vì mình là niềm vui. Tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện hỏi đùa ai làm vợ cả. Những chuyện đó thật xa lạ với tôi quá... em hiểu không?
Buổi tối hôm cưới đã xảy ra một chuyện khá tức cười. Đám cưới đang vui vẻ, bỗng nhiên chú rể biến đi đâu mất. Khách dự đám cưới phải đi tìm chú rể khắp nơi mà không thấy. Chẳng ai biết chú rể đã trốn đâu để họ tìm mãi mà không sao thấy. Chỉ có cô dâu là bình tĩnh. Cô đóan biết Tôm ở đâu rồi, nhưng cô không nói vội để mọi người cùng tìm cho vui. Nhưng lâu quá vẫn chẳng thấy Tôm lên. Niềm vui có chiều biến thành lo ngại, cô dâu vội bảo anh trai cô:
– Anh xuống phòng thí nghiệm mà tìm. Em chắc anh ấy chỉ ở đấy thôi.
– Sao, ở phòng thí nghiệm vào lúc này ư?
– Anh ấy chắc lại nghiên cứu tiếp về cái máy của anh ấy đấy...Người anh vội vàng xuống tìm. Quả nhiên, Tôm đang lúi húi ở đấy thật.
– Làm gì đó chú rể?
– Anh xem, tôi đang bận việc!
– Làm việc à, được thôi! Nhưng hôm nay là ngày chú cưới vợ. Chú để khách khứa chờ chú ở trên nhà như thế ư? Tôm vỗ trán rồi "à" lên một tiếng. Anh đã quên bẵng hôm nay là ngày cưới của anh.
– Chết thật! Tôi đãng trí quá. Cảm ơn anh đã xuống gọi. Chắc Ma-ri giận tôi lắm đấy.
– Không đâu chú ạ, vì chú có cố ý thế đâu.
– Mấy giờ rồi anh?
– Nửa đêm rồi...
– Chao ôi, thì giờ đi nhanh quá, nửa đêm rồi ư? Thôi ta lên đi kẻo chậm.Trở thành vợ nhà phát minh thiên tài, Ma-ri đã tỏ ra xứng đáng. Ngay sau khi cưới, Ma-ri không đánh máy nữa mà giúp chồng làm thí nghiệm. Ma-ri là người vợ hết lòng vì chồng, người mà chị rất mực thương yêu và kính phục, vì chị hiểu rõ mục đích công việc của chồng mình. Nhưng hạnh phúc ấy chẳng được bao lâu, sau mười ba năm chung sống, Ma-ri bị bệnh nặng. Chị mất đi để lại cho Ê-đi-xơn ba đứa con: hai trai và một gái.
Hoạt động tiếp tục
Cả nước Mỹ đang chú ý đến những công trình của Tôm. Danh tiếng của anh vang xa tới châu Âu. Khắp nơi trên thế giới nhiều công sở gửi giấy mời anh tới nhưng anh đều từ chối. Cuối cùng, nể sự mời mọc quá nhiều của Tổng công ty bưu điện toàn nước Anh, anh nhận lời mời của họ. Anh đáp tàu sang Anh năm 1873. Trong chuyến đi này, anh đã thí nghiệm thành công việc lắp máy liên lạc giữa Luân Đôn và Li-véc-pun. Nhưng khi thử thí nghiệm đường điện báo tự động bằng cáp thả chìm dưới biển thì anh bị thất bại. Lần ấy những kẻ bất tài, hay ganh ghét đã mừng rơn. Chúng cố ý làm rùm beng và thổi phồng thất bại lên hòng làm giảm uy tín của Ê-đi-xơn nhưng không nổi. Tuy nhiên trong chuyến Ê-đi-xơn sang nước Anh đó, bọn chủ cũng kiếm được khá nhiều lợi lộc. Cũng như những ông chủ trước kia đã từng ăn không của anh, những sáng kiến của anh đem lại cho chúng hàng triệu bạc. Những tên tư sản nước Anh này cũng lợi dụng tính vô tư, lòng say mê khoa học không hề vụ lợi của anh mà lừa dối chiếm lấy kết quả lao động khoa học của anh.Sau những việc đó, Ê-đi-xơn vội vàng từ châu Âu về Mỹ. Dẫu thất vọng vì sự tráo trở của lòng người, bực bội vì sự vô liêm sỉ của những kẻ chỉ biết có đồng tiền, lòng say mê khoa học của anh chẳng vì thế mà giảm sút. Trở lại phòng thí nghiệm, anh lại say sưa vào những tìm tòi, phát minh mới. Kết quả là chỉ từ năm 1873 đến năm 1876 anh đã đệ trình tới bốn mươi lăm phát minh lên cơ quan "Tổng quản lý các phát minh và sáng kiến" Mỹ để đề nghị được cấp bằng. Anh đã hòan thành việc cải tiến đến mức tối đa máy chữ Sôn (Sholes) rồi bán máy này cho anh em Rơ-minh-tơn (Romington). Anh cũng nghĩ ra máy điện báo truyền chữ và một loại máy có gắn một ngòi bút điện để ghi những bản sao rồi từ đó tự động chép lại thành nhiều bản.Ngoài những phát minh lớn ấy, Ê-đi-xơn còn nhiều sáng kiến nhỏ.Chẳng hạn một hôm, khi người giúp việc vui vẻ đưa cho anh một mảnh giấy trắng đục và bảo:
– Thưa ông, đây là giấy tráng pa-ra-phin. Thật là một phát minh có ích. Chất lượng giấy bảo đảm như ý muốn của ông. Thưa ông, thế là tất cả đều đã như ông mong muốn. Còn bây giờ ông đang nghĩ gì vậy?
Ê-đi-xơn trả lời:
– Tôi đang nghĩ đến một việc nhỏ là sao ta không gói bánh kẹo bằng giấy này nhỉ? Bánh kẹo là niềm vui của trẻ nhỏ, cũng cần lắm chứ!
Từ đấy bắt đầu gói kẹo bánh bằng giấy tráng pa-ra-phin. Gói bằng giấy ấy, kẹo bánh vừa sạch sẽ vừa chống ẩm. Mùa hè năm 1875, Tôm Ê-đi-xơn viết thư mời cha về ở cùng. Biết cha là người rất tự trọng, ham làm việc nên anh viết thêm: "Ở đây cha chẳng thiếu gì đâu, nhưng nếu cha thích làm việc thì sẽ có rất nhiều việc. Cha sẽ giúp con trông nom các máy móc của phòng thí nghiệm, cha ạ".Ông Xa-mu-en khi ấy đã ngoài bảy mươi tuổi. Nhận được thư con, ông đi ngay. Tuy già nhưng ông rất khỏe. Công việc của Tôm ngày càng phát triển.Mấy xưởng máy không còn chỗ đặt máy và chỗ làm ngày càng chật, số công nhân ngày càng tăng. Một hôm, anh nói với cha:
– Cha ạ, con muốn tìm một miếng đất khác để có thể mở rộng hơn xưởng máy của con.
Ông già bèn lên xe ngựa đi ngay. Ông rong xe đi khắp miền để tìm đất đặt xưởng cho con. Sau ít ngày, ông tìm được một khu đất rộng, đẹp, thuận tiện, cách Niu I-óoc hai mươi lăm dặm. Đó là Men-lô Pác, một làng nhỏ và khá đẹp.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro