Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Những trận đánh mở đầu

Tây Nguyên đã bước vào mùa mưa. Buổi sáng và trưa trời vẫn nắng nóng, nhưng thường hay mưa vào buổi chiều "Nắng ba trưa, mưa ba chiều" có nghĩa là buổi trưa nắng nóng, càng gay gắt thì buổi chiều mưa càng to. Sau mấy ngày có mưa, trời lại tiếp tục nắng nóng. Khí hậu ở đây thường trở mặt đột ngột: từ nắng chuyển sang mưa, nhưng ban đêm và buổi sáng lại lạnh, rét. Trong một ngày đêm, có khí hậu của bốn mùa. Thời tiết thay đổi đột ngột đã ảnh hưởng đến sức khỏe của bộ đội. Nhất là đối với những đơn vị từ đồng bằng lên, hoặc những ai chưa trải qua chiến trường Tây Nguyên.

Các tỉnh của Campuchia tiếp giáp với Tây Nguyên, có khí hậu đều giống nhau. Tỉnh Ratanakiri-là địa bàn hoạt động của sư đoàn bộ binh 309 nói riêng và của các đơn vị thuộc Quân khu 5 nói chung. Phía Bắc tỉnh này có con sông Xêxan và Xêrêpốc. Tỉnh có một phần giáp Lào tạo thành khu "ngã ba biên giới" (Lào-Campuchia-Việt Nam).

Con đường quốc lộ 19 từ Việt Nam chạy thẳng và xuyên qua hầu như chính giữa và chia đôi tỉnh Ratanakiri thành phía Bắc và phía Nam.

Từ đồn biên phòng 23, đi sâu vào đất Campuchia khoảng 10 km phải đi qua 2-3 con suối, trong đó có ngầm Ô Gia Đao. Phía Bắc đường 19 là điểm cao 312-mục tiêu mà sau này đã diễn ra trận đánh quyết liệt nhằm giải toả trục đường 19, đã bị địch chia cắt các đơn vị của ta ở phía trước với phía sau. Đoạn đường 19 từ đồn biên phòng 23 về Đức Cơ, lại càng xấu hơn. Mùa khô đất bột lội đến mắt cá chân. Mùa mưa từ lớp đất bột này trở thành một lớp bùn nhão nhoét, xe cộ không tài nào cơ động được. Lợi dụng vào con đường huyết mạch hậu cần duy nhất, địch tăng cường đánh phá, kể cả mùa khô và mùa mưa. Vì vậy công tác vận chuyển tiếp tế từ hậu phương ra phía trước vô cùng khó khăn.

Dọc theo tuyến biên giới chạy thẳng vào phía Nam, đối diện với tỉnh Đắc Lắc là tỉnh Munđunkiri (Campuchia). Trên phạm vi 30-40 km tiếp giáp giữa 2 nước chưa có đường ô tô, chủ yếu là đường đi bộ. Nhưng càng đi vào phía Nam thì đường quốc lộ 14 của ta càng gần biên giới. Có nơi đường 14 chạy sát đường biên. Ở những nơi này, địch hay lợi dụng để xâm nhập vào lãnh thổ nước ta phục kích, gài mìn...

Nhìn chung, toàn bộ địa hình khu vực Đông Bắc Campuchia thuộc địa hình rừng núi. Rừng già nguyên sinh, xen kẽ với rừng tái sinh và nương rẫy do con người tạo nên. Đặc biệt là hai bên trục đường 19 kéo dài, phần nhêìu là bằng phẳng với cây gai ô rô ken dày, gây rất nhiều khó khăn cho ta khi vận động; ngược lại, rấ thuận tiện cho sở trường đánh du kích của đối phương. Rõ ràng, chúng tôi bước vào chiến đấu trên chiến trường Đông Bắc này đã gặp hai bất lợi trong yếu tố là " thiên thời, địa lợi, nhân hoà".

Để chuẩn bị cho những trận đánh sắp tới, sau khi trung đoàn bộ binh 31 cơ động từ Quảng Nam-Đà Nẵng lên đứng chân tại xã EaKhanh (Đắc Lắc); chúng tôi bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị bộ đội và sau khi đi khảo sát tình hình trên tuyến biên giới, chúng tôi đã hình dung được những việc phải làm đồng thời trong một thời gian. Đó là nhanh chóng ổn định mọi mặt ở vị trí mới và bắt tay vào huấn luyện, sao cho, gần sát với thực tế chiến đấu trên địa hình và đối tiượng tác chiến.

Sở chỉ huy trung đoàn nhộn nhịp hẳn lên. Cơ quan trinh sát và tác chiến lên kế hoạch và tác nghiệp lên bản đồ về hình thái địch-mà chúng tôi đã có dịp copy được ở trung đoàn bộ binh 95 và tiền phương Quân khu 5.

Một vấn đề rất khó khăn cho công tác tham mưu là bản đồ khu vực tác chiến không có. Đối với những người chỉ huy chiến đấu mà không có bản đồ thì cũng như người mù. Theo yêu cầu chiến đấu, khi nhận nhiệm vụ, ít nhất mỗi chỉ huy đại đội phải có một mảnh bản đồ. Như vậy, mỗi tiểu đoàn, ít nhất phải có 5-6 mảnh. Đối với mỗi trung đoàn bộ binh thì phải nhân bốn số trên; chưa tính đến các cơ quan chỉ huy trung đoàn nhất thiết phải có: như tác chiến, trinh sát, pháo binh, v.v... Hiện tại toàn bộ trung đoàn mới chỉ có một tấm bản đồ tỷ lệ 1/100.000 mà tôi vừa mới "xin" được ở trung đoàn bộ binh 95.

Vì vậy, trong khi chờ được cấp bản đồ, chúng tôi đã cho anh em đồ bản sao chép, phóng to từng khu vực, cấp cho các đơn vị và treo tại Sở chỉ huy để phục vụ cho các cuộc giao ban hàng ngày.

Thông tin liên lạc là một vấn đề gay cấn. Sau năm 1975, phương tiện thông tin liên lạc của trung đoàn hầu như bị xếp xó, hoặc chủ yếu để phục vụ cho huấn luyện. Việc chỉ đạo hàng ngày chủ yếu là dùng mạng thông tin hữu tuyến. Cả trung đoàn bộ binh chỉ có trên 10 máy vô tuyến PRC25 của Mỹ, nhưng nguồn pin lại rất hiếm. Con người ta có ăn thì mới sống và làm việc đuợc; còn cái máy cũng phải có nguồn pin mới phát huy được tác dụng. Thông tin hữu tuyến thì chưa được chục km dây. So với yêu cầu nhiệm vụ sắp đến, thì số lượng phương tiện thông tin liên lạc chưa được 1/3 theo yêu cầu. Đó là chưa nói đến chất lượng phương tiện và trình độ sử dụng của lớp chiến sĩ trẻ.

Toàn bộ cơ sở vật chất, tuy còn khó khăn, nhưng không đáng lo. Với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ ngành Hậu cần-Kỹ thuật, lương thực, thực phẩm, đạn dược, quân trang, quân dụng đã đảm bảo đạt mức yêu cầu tối thiểu và đã được đưa vào kho ở vị trí mới và đang tiếp tục vận chuyển để đáp ứng yêu cầu cơ bản trước mùa mưa. Như vậy có thể nói là tương đối yên tâm về công tác bảo đảm hậu cần-kỹ thuật cho nhiệm vụ sắp tới. Chỉ còn chờ lệnh để trang bị cho từng người. Những công việc mà cơ quan tham mưu tiếp tục phải làm là kiểm tra công tác huấn luyện bộ đội, chuẩn bị mẫu biểu và các văn kiện chiến đấu, tổ chức tiếp nhận phương tiện thông tin bổ sung và sửa chữa những phương tiện hư hỏng, quan hệ với cơ quan cấp trên để nhận bản đồ, địa bàn. Những công việc trên tuy nhiều và phải triển khai một lúc, nhưng cơ quan tham mưu của chúng tôi đã trải qua trong cuộc chiến đấu nên đã hoàn thành công việc một cách tốt đẹp. Đứng đầu là tham mưu trưởng Trương Đình Xướng, trưởng ban tác chiến Nguyễn Hồng Vân, chủ nhiệm trinh sát Dương Minh Thi, chủ nhiệm thông tin liên lạc Chu Huy Nhân, chủ nhiệm công binh... và nhiều đồng chí khác. Sau cuộc chiến tranh vừa qua đã để lại cho chúng ta một đỗi ngũ cán bộ quý giá. Tiếc rằng đã có không ít người từng trải qua phải sống lang bạt kỳ hồ trên các nẻo đường đất nước trong cuộc mưu sinh này.

Về công tác Đảng-công tác chính trị, chúng tôi đã bàn bạc, trao đổi với nhau những nội dụng cần tập trung lãnh đạo để hoàn thành nhiệm vụ trước mắt. Đó là công tác chuẩn bị thật tốt bộ đội. Đồng chí Nguyễn Thanh Mai-chính uỷ trung đoàn, Bí thư Đảng uỷ là một người trông bề ngoài có vẻ chậm chạp, không phù hợp với dáng người cao 1m70, nhưng đồng chí nắm rất chắc về công tác Đảng-công tác chính trị và chất lượng của đội ngũ cán bộ lúc bấy giờ. Chúng tôi (trung đoàn trưởng, chính uỷ, tham mưu trưởng) vừa là người chỉ huy vừa là những uỷ viên thường vụ Đảng uỷ trung đoàn, đã luôn bàn bạc thống nhất với nhau trước khi triệu tập cuộc họp Đảng uỷ bất thường.

Vào ngày 20-6-1978, chúng tôi đã hoàn thành mọi công tác chuẩn bị và điện báo cáo về tiền phương Quân khu 5.

Lúc này, trên tuyến biên giới, địch gia tăng hoạt động. Số vụ xâm nhập biên giới từ 5 lần một ngày đã tăng lên 7-8 lần một ngày, trên một chiều dài chưa đầy 20 km. Số lần tập kích bằng hoả lực vào đồn biên phòng 23 và các điểm chốt khác của ta cũng tăng lên.

Quân khu quyết định đánh đòn phủ đầu, vừa là để cảnh cáo, vừa để tạo thế cho các hoạt động sau vào đất đối phương sau này.

Mục tiêu được chọn đầu tiên là hai căn cứ (mật danh là XA và XB), nằm sâu vào đất Campuchia khoảng 10-15 km, về phía Nam trục đường 19 kéo dài thuộc tỉnh Ratanakiri.

Đây là hai mục tiêu, là căn cứ của hai tiểu đoàn thuộc trung đoàn bộ binh 81 sư đoàn bộ binh 801 Pôn Pốt, Quân khu 109.

Từ những căn cứ này, chúng tung lực lượng ra áp sát các mục tiêu của ta trên tuyến biên giới, dùng các loại hoả lực như ĐKZ, cối 120 ly, súng 12 ly 7, thường xuyên tập kích vào các vị trí của ta; cho lực lượng luồn vào phía sau hậu phương của ta phục kích, cài mìn trên các trục đường vận chuyển và xung quanh các chốt biên giới. Thậm chí chúng vào sát các doanh trại của trung đoàn bộ binh 95 và một số khu dân cư để gài mìn sát thương. Hồi đó, các đơn vị trong Quân khu thường gọi đó là chiến thuật "ruồi bu" hoặc "đầu nhọn đuôi dài" của địch, có nghĩa là chúng lợi dụng địa hình phức tạp của vùng đồi núi Đông Bắc Campuchia một cách rất linh hoạt; khi phát hiện được mục tiêu, chỉ cần 2-3 tiếng đồng hồ sau là các toán lính đặc công của địch áp sát xung quanh như đàn ruồi bu vào miếng mồi. Do đó, đồng chí phó tư lệnh Quân khu mới có câu đánh giá tình tình nơi đây là "ta biết địch mà không thấy địch, địch thấy ta và thấy rõ về ta" là vậy. CÒn "đầu nhọn đuôi dài" cũng là một thủ đoạn xuyên suốt từ đầu đến cuối cuộc chiến. Đây là những sở trường của một kẻ yếu mà mãi về sau này, chúng ta còn phải trả giá.

Lực lượng địch trực tiếp chạm trán với ta xem ra thì rất ít. Có khi chỉ từng tổ 2-3 tên, trang bị tiểu liên AK và một khẩu B40. Hoặc là khi bác bám xung quanh các chốt điểm của ta cũng chỉ 2-3 tổ hoặc toán, những chúng áp sát trên nhiều hướng. Còn phía sau lực lượng này là cả một đội hình gần như hàng dọc kéo dài vào nội địa và trung tâm chỉ huy của chúng. Vì vậy mà mỗi động thái ở phía trước như thế nào, thì phía trong nội địa, địch đều biết hết.

Thủ đoạn thứ hai mà địch rất coi trọng và áp dụng trong mọi địa hình, thời tiết là tích cực luồn sâu, đánh vu hồi bên sườn và luồn sâu vào sau lưng đối phương để phục kích, gài mìn, cắt đường tiếp tế vận chuyển, hoặc cơ động lực lượng.

Việc sử dụng các loại mìn với nhiều cách bố trí nham hiểm là đặc trưng trên chiến trường biên giới Tây Nam. Đây là một thủ đoạn chiến đấu nhằm tiêu hao lực lượng ta, không những trước mắt loại khỏi vòng chiến đấu bộ đội ta mà còn gây nên hậu quả nặng nề cho xã hội, có khi phải mất nhiều thập niên mới khắc phục được. Tổng hợp tình hình thương vong của bộ đội ta trên chiến trường cho thấy:

-Số hy sinh vì mìn địch 987 đồng chí, chiếm 33%.

-Số bị thương loại khỏi vòng chiến đấu vì mìn 1036 đồng chí, chiếm 18,7%.

Tôi không xác định cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam được tính từ ngày tháng năm nào, nhưng chúng tôi được tham gia trận đánh đầu tiên cùng với trung đoàn bộ binh 95 tại hai căn cứ địch ở XA-XB như đã nói ở trên là vào đêm ngày 23-6-1978.

Trong trận này, Quân khu chỉ sử dụng hai trung đoàn và một số đơn vị pháo binh, cao xạ, công binh để phục vụ và chi viện cho trận đánh.

Trung đoàn bộ binh 95 được tăng cường tiểu đoàn 9 của trung đoàn bộ binh 31 chúng tôi, dưới sự chi viện của trận địa pháo binh Quân khu (lúc này chưa tổ chức cụm pháo binh) và các hoả lực cối 120 mm-ĐKZ75 trực tiếp đánh chiếm căn cứ.

Còn trung đoàn bộ binh 31 (thiếu tiểu đoàn 9) thì có nhiệm vụ luồn sâu vào phía sau hai căn cứ này để diệt địch tháo chạy và đánh phản kích, nếu địch từ trong nội địa bung ra.

Mặc dù tôi xuất thân từ một chiến sĩ trinh sát, có nghĩa là chỉ cần một tấm bản đồ và một địa bàn là có thể đi đến bất cứ địa điểm nào, nhưng dù sao tôi vẫn cảm thấy lo lo. Tối đến, tôi cùng với tham mưu trưởng và chủ nhiệm trinh sát trải tấm bản đồ ra để xác định lại điểm xuất phát từ biên giới ta đến khu vực triển khai chiến đấu nằm sâu trong hậu phương địch 10-15 km. Bàn tính cụ thể lực lượng, trang bị và cả các công tác đảm bảo khác cho tổ trinh sát luồn sâu đi trước, nhất là vấn đề thông tin liên lạc. Đâu có phải như bây giờ máy móc hiện đại, chỉ cần móc trong túi quần ra một máy điện thoại có thể liên lạc được với toàn thế giới. Còn lúc đó chỉ có PRC25 hoặc K63 vừa nặng vừa cồng kềnh, lại vướng cả cái cần ăngten làm sao mà chui, mà luồn qua một địa hình toàn là gai Ôrô và dây leo chẳng chịt. Đây quả là một bài toán khó. Chúng tôi vẫn biết rằng: Đánh giặc là khó, bởi vậy mà nguời ta thường nói "nhất đánh giặc, nhì chặt tre, thứ ba mới đến ve gái". Với đánh địch trên đất ta đã là khó. Nhưng đánh địch trên đất đối phương, lại nằm sâu vào nội địa của chúng nhưng 15 km quả là không đơn giản một chút nào.

Đồng chí chủ nhiệm thông tin là một người điềm tĩnh, ít nói. Nhìn vào đồng chí, ta có cảm tưởng anh là một người chỉ biết thưa hành nhiệm vụ một cách thụ động. Phần nhiều anh em quê Nghệ An-Hà Tĩnh là như vậy. Nhưng với kinh nghiệm của một cán bộ đã kinhqua chiến đấu, đồng chí hạ quyết tâm bảo đảm liên lạc thông suốt, không những với lực lượng trinh sát luồn sâu, đi trước đội hình, mà còn bảo đảm cho Sở chỉ huy trung đoàn, chỉ huy các đơn vị tại vị trí mới.

Tôi chưa yên tâm, hỏi lại:

-Đồng chí hãy trình bày ý định của mình đi!

-Thưa thủ trưởng, theo kinh nghiệm và theo chỉ lệnh đảo bảm thông tin liên lạc của cấp trên là ta phải tuyệt đối bí mật thông tin liên lạc trước giờ nổ súng. Có nghĩa là mạng thông tin vô tuyến điện không sử dụng hoặc chỉ có "thu" chứ không "phát" đối với các đài lẻ. Cần phát huy tối đa mạng thông tin hữu tuyến. Tôi sẽ cho kéo theo đường dây thông tin đi theo toán trinh sát đi đầu. Đường dây này vừa là đường trục để bộ đội lần theo ban đêm khỏi lạc. Và, trên từng đoạn tôi sẽ cho móc máy điện thoại vào đó để nắm tình hình phía trước, phía sau. Còn mạng vô tuyến điện sẽ trở thành dự bị trong giai đoạn hành quân chiếm lĩnh.

Tôi thở phào một cách nhẹ nhõm như trút bớt được nối lo âu.

Đã có lần trên chiến trường đường 19 tại đèo An Khê trong chiến tranh chống Mỹ, chúng tôi đã kéo đường dây điện thoại từ phía Bắc đường chui qua cổng Hang Dơi sang phía Nam đường hàng chục km, qua hệ thống đồn bót của lính Pak Chun Hee dầy đặc. Ở đây tôi rất vui mừng và yên tâm trước trách nhiệm công việc của các cán bộ đầu ngành thuộc cơ quan tham mưu nói chung và của đồng chí chủ nhiệm thông tin nói riêng. Trí tuệ tập thể được làm nên từ trí tuệ của mỗi người cán bộ, đảng viên, chiến sĩ chúng ta. Khi đã xác định được nhiệm vụ, với tinh thần trách nhiệm cao, với một tập thể như thế, và nhất là với những cán bộ như thế, thì không có khó khăn nào mà không khắc phục được.

Chúng tôi nhanh chóng làm công tác tổ chức chiến đấu, họp Đảng uỷ, mở rộng và báo cáo quyết tâm lần cuối lên Sở chỉ huy tiền phương Quân khu. Thời gian này bộ đội đã có mặt tại vị trí tập kếy (Đức Cơ-Gia Lai).

Trong hiệp đồng chiến đấu giữa trung đoàn bộ binh 95 và trung đoàn bộ binh 31, chúng tôi xác định mọi ưu tiên đều dành cho trung đoàn bộ binh 95. Nhưng yêu cầu trung đoàn bộ binh 31 thì lại rất cao và không kém phần khó khăn. Bởi vì trung đoàn bộ binh 31 chúng tôi là cánh vu hồi phía sau mục tiêu tiến công của trung đoàn bộ binh 95. Nghĩa là chúng tôi phải đến vị trí chiến đấu trước khi trung đoàn bộ binh 95 nổ súng tiến công. Và, một yêu cầu không kém phần quan trọng là phải bảo đảm được yếu tố bí mật bất ngờ. Nếu cánh vu hồi của chúng tôi mà bị lộ thì không những chúng tôi bị ngăn chặn trên đường tiếp cận, bị đánh thọc hai bên sườn, mà bọn địch ở mục tiêu của trung đoàn bộ binh 95 công kích, sẽ bí mật rút ra khỏi địa bàn căn cứ, trung đoàn bộ binh 95 sẽ đánh vào căn cứ không người.

Đồng chí Ma Văn Toàn (Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Trung tướng Tư lệnh Quân khu 2), trung đoàn trưởng trung đoàn bộ binh 95 cũng lo lắng không kém gì tôi. Nhưng trung đoàn bộ binh 95 vẫn có nhiều thuận lợi hơn. Trước hết là bộ đội của đồng chí đã trải qua một thời gian hoạt động ở vùng này, nắm chắc được đối tượng tác chiến, địa hình thông thạo và nhất là qua công tác trinh sát, mục tiêu của đồng chí tương đối ổn định. Đồng chí là một chỉ huy đã dày dạn kinh nghiệm tác chiến ở vùng rừng núi Tây Nguyên. Trong chiến tranh chống Mỹ, trung đoàn bộ binh 95 đã trụ bám trên trục đường 10 đoạn đèo Mang Giang nhiều năm. Hồi đó tôi ở trung đoàn bác 12 sư đoàn bộ binh 3 Sao Vàng, đảm nhiệm đoạn đèo An Khê, nơi tiếp giáp giữa hai tỉnh Gia Lai và Bình Định. Cứ mỗi khi ta mở chiến dịch Tây Nguyên (B3) thì hai chúng tôi thường quan hệ hiệp đồng chặt chẽ với nhau trong nhiệm vụ cắt đứt đường 19. Lần này, chúng tôi lại gặp nhau trong trận đánh mở đầu và sau này, còn phối hợp chiến đấu với nhau một thời gian, cho đến ngày ta mở chiến dịch tổng tiến công giải phóng Campuchia.

Trước khi xuất phát, đồng chí Ma Văn Toàn còn nhắc đi nhắc lại là phải giữ bí mật thật tốt; có bí mật mới tạo nên sự bất ngờ cho cả hai đơn vị.

Chiều tối ngày 22 tháng 6, chúng tôi bắt đầu vượt qua biên giới và âm thầm lặng lẽ luồn sâu vào đất địch. Trời mưa lâm râm, rừng cây rậm rạp, cây leo chằng chịt rất khó đi. Thỉnh thoảng đội hình phải dừng lại lấy góc phương vị rồi mới tiếp tục tiếp cận. Phải nói rằng, phân đội trinh sát của chúng tôi gồm những cán bộ, chiến sĩ thật tuyệt vời. Căn cứ trên bản đồ thì đội hình chúng tôi chỉ còn cách vị trí triển khai khoảng 5 km nữa. Đồng chí tham mưu trưởng Trương Đình Xướng đi trong đội hình cơ quan tham mưu, nắm chắc thông tin liên lạc. Tôi đi sau toán trinh sát đi đầu. Trời tối đen như mực, không khí im lặng, thỉnh thoảng nghe tiếng lắc rắc do bộ đội ta giẫm đạp lên những cành cây khô. Tôi nắm vào một cành cây bỗng đau nhói ở mu bàn tay trái, lập tức cánh tay tôi tê dại. Tay phải tôi cầm chiếc đèn pin có khoét một lỗ bằng hạt bắp, chiếu vào cành cây. Một con rắn lục xanh lè đang cuộn trong trên trạc ba. Tôi đã bị rắn lục cắn. Đồng chí y tá lấy băng cột chặt vào cổ tay tôi, lau sạch máu chỗ rắn cắn. Chẳng mấy chốc tay tôi sưng vù, nặng trĩu phải treo lên trước ngực và tiếp tục hành quân.

Lúc này đã là 3 giờ sáng ngày 23 tháng 6.

Xa xa ở hướng Đông Bắc, tiếng đạn cố, tiếng đạn ĐKZ nổ dồn dập. Từng loạt súng máy có đạn vạch đường xé tan màn đêm, chạm vào gốc cây, tảng đá rồi bay vút lên không trung như những chùm pháo hoa ngày tết.

Trung đoàn bộ binh 95 nổ súng rồi chăng? Không phải! Mục tiêu của trung đoàn bộ binh 95 nằm chính hướng Đông so với chúng tôi. Có thể đấy là đồn biên phòng 23. Chắc là địch đang quấy rối ở đó. Chúng tôi tiếp tục hành tiến.

Đúng 5 giờ, chúng tôi đã đến được đường Công hương (đường làng). Con đường đất đỏ này bắt nguồn từ đường 19 chạy thẳng về hướng Đông Nam, rồi rẽ vào căn cứ XA-XB. Con suối trong căn cứ địch chảy cắt ngang qua con đường Công hương này. Từ đây ra đến ngã ba đường 19, còn gọi là ngã ba đường Công hương khoảng gầm 1 km.

Đang triển khai đội hình đón lõng, thì trung đoàn bộ binh 95 nổ súng.

Do giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ và với cách đánh táo bạo, hoả lực chi viện chính xác, nhất là hoả lực đi cùng và do địch chủ quan, công sự, vật cản sơ sài, nên sau 30 phút chiến đấu, chúng chịu không nổi, phải tháo chạy, bỏ lại nhiều xác chết và tất cả những gì có trong căn cứ.

Phần lớn địch tháo chạy theo trục đường đất đỏ, gặp lực lượng đón lõng của trung đoàn bộ binh 31 trên đường Công hương tiến công quyết liệt. Hàng chục tên bỏ xác tại trận. Số còn lại chạy băng qua đường 19 về hướng Bắc. Tiếc thay chúng tôi không vòng lên được trên đó.

Trung đoàn bộ binh 95 làm chủ hoàn toàn hai căn cứ XA-XB. Thu toàn bộ đạn dược, một ít vũ khí và lương thực của chúng.

Đây là thắng lợi bước đầu có ý nghĩa quan trọng trên một hướng chiến dịch trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam. Là một đòn cảnh cáo của Quân đội nhân dân Việt Nam đối với bè lũ phản động Phnôm Pênh gây chiến.

Trận đánh thắng lợi mở ra một khu vực rộng lớn với chính diện 20 km, chiều sâu từ 10-15 km sâu và đất đối phương. Từ đây sẽ là bàn đạp để Quân khu 5 phối hợp với các Quân khu 7, 9 mở chiến dịch tổng tiến công giải phóng hoàn toàn Campuchia trên hướng chiến lược này.

Trận đánh mở đầu đã cho chúng tôi rút ra được nhêìu kinh nghiệm bổ ích. Trước hết là việc đánh giá về địch, về khả năng chống đỡ những đòn tiến công của quân ta và các âm mưu thủ đoạn của chúng.

Trong cuộc hội nghị rút kinh nghiệm do Quân khu 5 tổ chức tai Pleiku đã đánh giá tình hình một cách toàn diện từ khi địch gây hấn với ta trên tuyến biên giới cho đến sau thắng lợi của trận đánh này. Từ đó, rút ra những kết luận sau đây:

-Địch chủ yếu tung lực lượng ra áp sát các vị trí của ta trên tuyến biên giới, dùng các thủ đoạn đánh du kích, tiêu hao lực lượng ta, gây cho ta nhiều khó khăn. Khi bị đánh trả, chúng tháo chạy để bảo toàn lực lượng, nhưng khi ta dừng lại, chúng bắt đầu quay lại bu bám quấy rối. Chúng đã áp dụng triệt để phương châm "địch tiến ta lùi, địch lùi ta tiến, địch dừng ta quấy" (Nguyên văn: "Địch tiến ta lùi; Địch dừng ta quấy; Địch mệt ta đánh; Địch rút ta truy") xuyên suốt trong qua trình chiến tranh.

Chúng coi trọng việc đánh tạt sườn và phía sau đối phương. Còn ở trong nội địa thì bộc lộ nhiều sơ hở. Về phía ta, trước hết là phải vận dụng một cách sáng tạo trong cách đánh, sao cho phù hợp với từng điều kiện cụ thể về địa hình, về tính chất mục tiêu tiến công. Khi tiến công vào căn cứ (nhất là những căn cứ sâu vào hậu phương địch, công sự sơ sài, vật cản giản đơn) cần phải tạo yếu tố bất ngờ, sử dụng lực lượng đột kích chính diện vừa phải, cần tăng cường lực lượng vu hồi, tiến công vào bên sườn và sau lưng chúng. Cần thiết có thể tạo thế bao vây vòng trong, vòng ngoài (có khi dùng cả mìn để tạo thế bao vây) không cho chúng chạy thoát. Vì vậy phải quán triệt tư tưởng tiến công cho mọi lực lượng. Ngay trong chiến đấu phòng ngự cũng phải thể hiện tư tưởng tiến công bằng những hành động cụ thể như: Công sự trận địa vững chắc, bố trí vật cản và hệ thống hoả lực chặt chẽ, nhất là phải có lực lượng cơ động thoát ra bên ngoài tiến công bên sườn và phía sau đội hình địch.

Tôi hiểu ý này-Quân khu muốn quán triệt cho chúng tôi trong giai đoạn sắp đến: giai đoạn chiến đấu giữ vững bàn đạp trên khu vực mà ta vừa mới đánh chiếm. Trên khu vực này rồi đây sẽ rất khó khăn và quyết liệt.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #hổi#ký