3
Nhất Bác chọn sống ở kí túc xá dù thật lòng cậu chẳng nỡ xa ca ca. Nhưng có phải nói đi là đi được ngay, cậu còn hai tuần ở nhà chơi trước khi nhập học nên những cảm xúc khó nói trong lòng đều sẽ gạt qua hết một bên. Ngày đầu tiên, cậu bảo ca ca không phải dậy sớm nữa. Bữa sáng cậu sẽ nấu cho anh, cơm trưa cậu cũng sẽ chuẩn bị, có thể nào để em nhỏ chăm sóc ca ca được không? Anh cười hiền hiền xoa đầu cậu, dịu dàng nói một chữ "Được!".
Trưa hôm đó, Nhất Bác mang cơm đến cho anh. Cậu thong thả đi trên đường, đột nhiên cậu có chút hoài niệm hình như sắp phải xa nó thật rồi. Cậu thấy bóng dáng của đứa nhỏ mười bốn tuổi hớt ha hớt hải chạy qua, thấy em thở hồng hộc, mồ hôi trên trán nhễ nhại. Em đứng bên đường, nhìn vào tiệm bánh cười đến ngọt ngào.
"Thì ra mình đã không đi qua đây một năm rồi."
Đôi mắt cậu cay xè, lạ thật, gần đây ngày nào cũng muốn khóc một trận thật to, nhưng khóc rồi trông thật yếu đuối, yếu đuối sẽ không thể bảo vệ ca ca được nữa. Cậu xốc lại tinh thần, vuốt vuốt vạt áo, lại như cậu nhóc mười bốn tuổi năm đó chạy vội đến tiệm bánh, cái bụng thì réo liên hồi mà lòng thì nhớ ca ca muốn chết.
Nhất Bác đẩy cửa đi vào, vẫn là khung cảnh một năm trước không có gì thay đổi. Ánh đèn vàng ấm áp, những vị khách có vẻ đã đến khá đông, giờ này nghỉ trưa rồi mà nhân viên vẫn còn lau dọn. Còn có những mảnh giấy pháo vương vãi trên sàn, đoán chừng sáng nay có người đã mượn địa điểm tổ chức tiệc ăn mừng gì đó chẳng hạn. Nhưng nghĩ kiểu gì cũng thấy kì lạ, bọn họ ăn mừng buổi sáng ư? Không phải tầm tối mới thích hợp sao? À, tối thì tiệm bánh không mở cửa. Nhất Bác tự cười mình ngốc rồi lễ phép chào hỏi anh nhân viên đang quét dọn. Người đó hình như nhận ra cậu liền cười lớn khen cậu càng ngày càng đẹp trai, còn tốt bụng bảo cậu ngồi đợi một lát, anh Chiến đang ở đằng sau rửa đĩa. Nhất Bác cảm ơn anh ta rồi tiến đến cái bàn mà mấy năm trước hay ngồi ăn cùng ca ca của mình. Không tồi, vẫn còn rất thân thuộc. Cậu đặt hộp cơm xuống, một ý định thoáng qua lôi kéo cậu đi nhìn ca ca làm việc.
Anh Chiến của cậu một thân mặc tạp dề đang đứng rửa bát đĩa. Nhất Bác giật mình, đôi tay của anh đã nhăn lại vì ngâm lâu trong nước, chồng bát đĩa cần rửa vẫn còn rất nhiều. Từ bao giờ thế này, đôi tay anh để cầm cọ vẽ, đôi tay của một nghệ sĩ phải đẹp đẽ thế nào. Ở nhà em xót anh nên luôn tranh rửa bát thay anh, vậy mà anh đi ra ngoài làm việc... Anh cứ như vậy mà ôm hết trong lòng, nếu em không phát hiện anh định giấu em mãi sao?
- Anh nghỉ ngơi chút đi, em làm cho.
Tiêu Chiến nghe giọng nói quen thuộc liền nhanh chóng nhìn sang. Nhất Bác chẳng để anh phản ứng, cầm luôn cái miếng rửa bát trong tay anh rồi đẩy anh sang một bên.
- Em làm cái gì thế này, anh chút xíu là xong rồi, em ra ngoài đợi một lát nhé!
Giọng anh hốt hoảng, qua tai Nhất Bác càng khiến cậu thương ơi là thương.
- Vậy cùng làm đi. Em rửa, anh tráng được chứ?
Cậu thừa biết nếu cậu tranh làm hết kiểu gì anh cũng không cho, sẽ bị nạt đuổi ra ngoài, chẳng bằng mỗi người một nửa.
Tiêu Chiến nhìn Nhất Bác kì kì cọ cọ, một mặt tối thui, chẳng cười chẳng nói đâm ra lo lắng.
- Em... em...
- Anh nói lắp gì chứ. Bao nhiêu bát đĩa thế này mà không chịu đeo găng tay là thế nào?
- Ngày nào cũng làm mà, đầu ngón tay ở găng tay đều bị châm kim hết rồi, nước vào trong khó chịu muốn chết. Với lại anh rửa tay không sẽ cảm nhận được đĩa sạch hay chưa sạch rõ ràng hơn.
Giọng Tiêu Chiến bình thản, chẳng có gì trách móc.
- Anh được lắm, như vậy cũng nói được!
Bọn họ rất nhanh làm xong công việc. Bởi vì sáng nay quá bộn rộn nên buổi chiều ông chủ cho nhân viên nghỉ ngơi. Mọi người ở trông tiệm hay về nhà cũng được, có thể cho tiệm đóng cửa sớm hơn mọi khi cũng không sao. Nhất Bác nghĩ thầm, thôi thì ăn cái đã, ngồi một lúc rồi hẵng về. Anh Chiến vất vả quá rồi.
Mọi người ngồi trong tiệm ăn trưa với nhau, cười nói vui vẻ. Họ khen anh Chiến cần cù siêng năng, lại khen em trai anh quá sức lợi hại, đứng tới top mười toàn thành phố không phải chuyện dễ dàng gì. Ai cũng thân thiện như người trong gia đình vậy, thật sự phải xa nơi này sẽ có biết bao lưu luyến chứ.
Những ngày về sau, đều đều mười một giờ trưa Nhất Bác sẽ xuất hiện trước tiệm bánh. Chỉ là lần này bên cạnh hộp cơm cậu còn cầm theo cả găng tay, mỗi ngày một đôi. Tiêu Chiến buồn cười nhìn em nhỏ, em nhỏ chỉ đáp anh lớn rằng kiểu gì cũng dùng, anh cất đi, sau này nhớ em lôi ra ngắm cũng được. Dần dần, chuyện em phải xa nhà đi học không còn là vấn đề nặng nề nữa, bọn họ đã vui vẻ tiếp nhận, Tiêu Chiến cũng ra sức ủng hộ em nhỏ.
Kể cũng nhanh, thoáng cái đã đến ngày em phải đi thật rồi. Em vẫn đang tuổi lớn, cái hình hài nhỏ nhắn đeo trên vai ba lô to đùng. Quần áo chẳng có là bao mà chỉ toàn sách vở là sách vở. Mấy ngày liền Tiêu Chiến đều lo lắng bất an, ra trạm xe lửa rồi vẫn dặn em nhớ ăn uống đầy đủ, đừng thức khuya nữa, phát sốt rồi anh sẽ không thể xuất hiện mà chăm sóc em được đâu. Sau đó anh ôm em thật chặt, dúi vào tay em chiếc điện thoại mới, bảo em có chuyện gì nhất định phải báo cho anh biết. Em chỉ cười cười, em nói có phải em đi ra chiến trường đâu chứ. Nói xong em leo lên tàu, đến cái vẫy tay tạm biệt cũng không nói.
"Bé con của anh, em lớn thật rồi!"
Ngồi trên tàu, Nhất Bác chẳng biết mình đã vuốt ve chiếc điện thoại ấy bao nhiêu lâu. Anh lén mua từ khi nào sao cậu không biết? Anh bị ngốc rồi, chắc lại lấy hết toàn bộ tiền mà bao lâu nay dành dụm được rồi chứ gì. Đồ ngốc, em biết viết thư mà. Lúc nãy còn đứng chân chân nhìn theo em làm gì chứ, anh có biết chỉ cần anh nói nhiều hơn một câu nữa, ôm em lâu hơn một chút nữa em sẽ khó kìm nén được không? Hai thằng con trai đứng ôm nhau khóc anh thấy có bình thường không? Tạm biệt cái gì, có phải xa nhau thật đâu mà tạm biệt. Em không thích nên sẽ chẳng nhắc đến hai từ đấy với anh đâu. Càng nghĩ cậu lại càng tự cười, nước mắt cứ vậy mà chầm chậm lăn xuống. Được rồi, em thua!
Con người có một khả năng vô hạn chính là thích nghi. Có những chuyện lâu dần sẽ trở thành thói quen, có những thứ theo thời gian sẽ dần phai nhạt. Tựa như nỗi nhớ ấy. Thời gian đầu với Nhất Bác thật khó khăn. Cậu nhận ra mình chỉ ăn được những món ca ca nấu, ăn riết thành quen, giờ thiếu mất mùi vị ấy cậu ăn không được ngon miệng. Mấy tuần đầu còn phải tập quân sự, không được mang điện thoại, không thể gọi điện cho ca ca, bản tính lạ người chậm nhiệt nên mãi cậu chưa thể thân thiết với bạn mới. Cuối cùng sau mấy ngày ăn không ngon ngủ không yên báo hại cậu sụt đi mấy cân.
Nhưng bản tính hiếu thắng của sư tử con đâu dễ dàng bị hạ gục. Cậu động viên mình bằng mục tiêu ngày trước đang hướng tới. Ba năm cấp ba, bốn năm đại học, tất thảy là bảy năm rồi cậu sẽ thay ca ca gánh vác. Ăn không ngon cũng phải ăn, ngủ không được cũng phải cố mà ngủ. Ca ca mà biết nhất định sẽ vô cùng lo lắng, Nhất Bác không muốn ca ca phiền lòng. Cứ vậy một tháng là hình thành thói quen thôi, mọi chuyện qua đi, sóng yên biển lặng chẳng có gì đặc sắc lắm. Tối nào ca ca cũng nhắn cho cậu một đoạn tin nhắn, vẫn là ăn uống đầy đủ, đi ngủ đúng giờ, đừng quá sức. Em chỉ cần đọc thôi, không cần thiết thì không phải trả lời lại làm gì, sẽ tốn tiền điện thoại. Lắm lúc buồn cười cái tính của ca ca quá cậu nhắn lại thật, rốt cuộc ca ca bảo nếu em cứ vậy anh sẽ không thèm quan tâm em nữa. Được rồi, em viết thư, anh nói xem tiền của em ở đâu mà có, là mấy năm anh cho em tiền tiêu vặt đó, nhưng mà em chẳng thèm nói cho anh biết đâu.
Nhất Bác chạy tới chạy lui đến phòng bảo vệ nhờ bác gửi thư giúp rồi đâm ra thành quen mặt. Trong ấn tượng của bác, cậu thiếu niên ấy dáng người gầy gầy, chỉ có đôi mắt trong thật trong, nụ cười rạng rỡ và còn rất lễ phép. Thi thoảng hai người sẽ nói chuyện vài câu, lâu dần bác mới biết cậu là trẻ mồ côi, người anh mà cậu hay gửi thư cũng như vậy. Bác thật lòng tâm sự với cậu, con trai bác qua đời cũng lâu rồi, nó bị bệnh máu trắng, đôi mắt của bác là nó để lại cho. Vợ bác thì mất từ khi mới sinh ra nó, có lẽ cả quãng đời còn lại bác sẽ gắn bó mãi với mái trường này rồi.
Bọn họ, một người khao khát trao yêu thương, một người lại khao khát nhận yêu thương. Rồi toàn bộ tình cảm của người cha, bác dành hết cho cậu thiếu niên ấy. Tỉ như một lần cậu đến nhận thư hay gửi thư đi, bác lại cho cậu một ít đồ ăn vặt, có lần còn mời cậu ở lại cùng ăn trưa. Mùi vị không giống của ca ca nhưng cảm giác của gia đình tự nhiên phảng phất, khác hẳn với cơm ở canteen. Vô cùng ngon, đã lâu rồi không được ăn ngon như vậy. Từ ấy cậu hay lui tới phòng bảo vệ hơn, khi thì là bác nấu, khi thì là cậu nấu ăn. Ai cũng được, đều ngon cả mà.
Nhất Bác chẳng ngờ lần đầu tiên về nhà lại là khi kết thúc học kì một. Mà kết thúc học kì một sẽ phải họp phụ huynh, ca ca lại cất công xin nghỉ một buổi, họp cho bảo bảo nhà mình xong hai người cùng nhau lên đường. Em kể anh nghe chuyện của bác bảo vệ, anh còn đích thân gặp mặt cảm ơn người ta một tiếng. Bảo bảo của anh hiểu chuyện như vậy, gặp hoa hoa nở, gặp người người mến.
Tiếng chạy xình xịch của con tàu, bọn họ ngồi bên nhau trong lòng cảm giác bình yên đến lạ. Chẳng ai nói gì cả, thi thoảng em sẽ gật gà gật gù ngủ gật, đầu đập vào ghế làm em giật mình tỉnh giấc, anh thấy vậy chỉ nhẹ vòng tay sau gáy em để em dựa vào vai mình an ổn ngủ một chút. Giống như ngày còn bé, mỗi lần em khó ngủ anh sẽ ôm em vào lòng. Hai người một lớn một nhỏ bình lặng nương tựa vào nhau.
"Bảo bảo, em lại gầy đi rồi."
Bữa tối hôm ấy còn có cả cha mẹ đỡ đầu. Phải rồi, những thiên thần ban cho họ cuộc sống mới, đã lâu không gặp. Với dáng vẻ này gửi lời chào đến những người cậu yêu thương cũng không tệ đi, chào cả Chiến ca ca của cậu nữa. Mẹ đã mang cậu đến với thế giới này, bọn họ là người hoạ lên những gam màu rực rỡ nhất. Cảm ơn vì đã trao cho cậu yêu thương nhiều như vậy. Cảm ơn Chiến ca mỗi bước cậu đi đều có anh ở bên. Bảy năm nữa, đợi em, lúc ấy em sẽ bảo vệ anh.
- Ca ca, khi nào anh mới bắt đầu cầm cọ vẽ?
- Sẽ sớm thôi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro