Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 2: Nữ tử sinh con như bước qua Quỷ môn quan

Ngày trước Tiên đế có tổng cộng bảy người con trai, lần lượt là Thận vương, Tĩnh vương, Huy quận vương, Kình vương, Bố quận vương, Tiêu Dao vương và thập nhất hoàng tử sau này được tấn phong thành An quận vương. Thận vương và Tiêu Dao vương là con của Hoàng hậu. Tĩnh vương là con của Nguyệt phi. Huy quận vương, Bố quận vương lần lượt là con của Hòa quý tần và Lê chiêu nghi. Kình vương và thập nhất hoàng tử có xuất thân thấp kém nhất, là con của cung nữ trong cung. Nhưng mẫu thân Kình vương là Yến tuyển thị không may mất sớm, người may mắn được Nam Cung phi nhận làm con.

Ngày đó, Thận vương và Tĩnh vương đối đầu gay gắt vì chiếc ghế Thái tử. Bọn họ rất giống nhau, bề ngoài đều tỏ ra liêm chính ngay thẳng nhưng thật ra bên trong lại làm không ít chuyện xấu. Có điều Thận vương may nhờ có Hoàng hậu và thân tín nhắc nhở nên hành xử thận trọng hơn đôi chút. Tĩnh vương tác phong mau lẹ nhưng lại nóng tính, nhiều lần giận quá mất khôn. Cơ ngơi ngày ấy hắn có được cũng nhờ phía nhà ngoại tức Nguyệt phi giúp đỡ. Nhớ năm ấy Hoàng thượng ban cho hắn chữ "Tĩnh" cũng là vì mong hắn sau này điềm tĩnh hơn. Huy quận vương có xuất thân không tốt bằng Bố quận vương nhưng lại làm việc ổn thỏa, được Hoàng thượng chú ý hơn. Có điều, chung quy lại bọn họ cũng không có khả năng tranh lại Thận vương và Tĩnh vương. Tiêu Dao vương là con út của Hoàng hậu nên đương nhiên được mẫu thân cưng chiều hơn đôi chút. Tính hắn không thích gò bó, suốt ngày chỉ muốn ra ngoài ngao du thiên hạ, thấy nơi nào phong cảnh hữu tình thì dừng chân ở lại dăm ba hôm rồi lại đi. Hoàng hậu cưng chiều hắn, lại có Thận vương tranh cử chiếc ghế Thái tử rồi nên hắn mới được thảnh thơi làm theo ý thích. Vì thế nên Hoàng thượng mới phong hắn làm Tiêu Dao vương, cả đời tiêu dao khoan khoái. Mẹ đẻ Kình vương mất sớm, Nam Cung phi yếu đuối, gia tộc Nam Cung tuy là danh gia vọng tộc nhưng nội bộ mất đoàn kết, sớm đã mục rữa từ bên trong nên cũng chẳng có ai chống lưng được cho Kình vương. Kình vương cũng giống Tiêu Dao vương, thích chu du thiên hạ nên chẳng mấy khi nán lại kinh thành. Hắn ngoài mặt thì ủng hộ Thận vương nhưng thật ra lại nghe lệnh Hoàng thượng đi làm những nhiệm vụ tuyệt mật mà ngay cả Thận vương và Tĩnh vương cũng không biết. Cuối cùng là thập nhất hoàng tử An quận vương. Lúc Tiên đế còn sống, thập nhất hoàng tử còn nhỏ nên chưa được tấn phong. Sau này Tân đế đăng cơ mới phong hắn thành An quận vương. Năm ấy hắn cũng chỉ mới hơn mười tuổi.

Lại nói về cuộc chiến tranh giành vị trí trữ quân năm ấy. Ban đầu mọi người đều cược xem là Thận vương hay Tĩnh vương thắng nhưng vào thời khắc quan trọng, Tĩnh vương nôn nóng muốn đi đánh thổ phỉ vùng biên giới để lập công mà chẳng may bỏ mạng. Thiên hạ đều đồn đoán rằng Thận vương là người đứng sau cái chết bất ngờ của Tĩnh vương. Sau đó, đại tiểu thư nhà Song Thái úy đến tuổi cập kê, các hoàng tử vì muốn nâng cao thế lực mà không ngừng cầu thân, ngay cả Huy quận vương và Bố quận vương vốn không có khả năng cho vị trí Thái tử cũng phái bà mối tới.

Song gia vốn là khai quốc công thần, đời đời sống trong quân doanh, quản lí hơn một nửa số quân binh triều đình. Song đại tiểu thư Song Trình Khán Nhiên có cha là Thái úy, đại ca là Xa Kỵ tướng quân, nhị ca là tướng quân trấn thủ biên cương, tam ca là quân sư đứng đầu triều đình. Các thứ huynh thứ muội con của di nương cũng đều là bậc anh tài kiệt xuất. Phóng tầm mắt ra khắp thiên hạ, thử hỏi có danh gia vọng tộc nào tôn quý bằng Song gia? Trừ bỏ thế lực hùng hậu của Song gia, Song đại tiểu thư còn nổi tiếng là đại mỹ nữ đứng đầu kinh thành. Cho dù không có Song gia phía sau, chỉ dựa vào gương mặt này của nàng cũng đủ khiến cho công tử các phủ rối rít chạy đến cầu thân.

Cô nương trong lễ cập kê được nam nhân tặng trâm cài tóc tức là người nọ muốn cầu thân. Qua ngày hôm sau, cô nương đó cài trâm của công tử nhà nào nghĩa là đồng ý với mối hôn sự của nhà đó. Còn nếu không cài trâm của quý phủ nào thì tức là chưa chọn được ai. Năm đó trong lễ cập kê, trâm cài các phủ gửi đến cho Song gia nhiều không sao kể xiết, ngay cả các hoàng tử trong cung cũng phái người đem lễ vật đến. Các hoàng tử có thực quyền đều nhắm vào Khán Nhiên, hay nói đúng hơn là thế lực phía sau lưng nàng. Ngày hôm đó, cho dù nàng có chọn ai trong số bọn họ cũng sẽ tạo nên một đợt sóng gió rất lớn mà thế chân vạc tưởng như rất bền vững lại thực ra mỏng manh hơn gì hết kia rất nhanh sẽ bị xé lấy.

Cuối cùng, dưới sự tò mò của hàng vạn người trong ngoài kinh thành, đại tiểu thư Khán Nhiên cài chiếc trâm gỗ ngọc am cũ kỹ xuất hiện trước mặt mọi người. Đó là báu vật gia truyền của Yến gia – nhà mẹ ruột của Kình vương. Chiếc trâm hẵng là có từ rất lâu rồi, thậm chí mấy chỗ hoa văn điêu khắc thủ công không tròn trịa còn bị phủ lên lớp tuyết gỗ1 màu trắng lấp lánh như pha lê. Có người cho rằng Song gia ngu ngốc, bỏ qua miếng bánh béo bở này. Cũng có người cho rằng Song gia thông minh, chọn người không có khả năng nhất để tránh bị cuốn vào tranh đấu hoàng quyền. Lại có người cho rằng đại tiểu thư cảm động vì Kình vương dám đưa cả kỷ vật duy nhất của mẫu thân mình cho nàng. Nói tóm lại là đủ loại tin đồn bát quái xuất hiện.

Trong lúc người khắp thiên hạ bàn tán về nàng, mà nàng – Song Trình Khán Nhiên lại vô ưu nhàn nhã ngồi trong sương đình, vừa ăn bánh vừa uống trà trò chuyện cùng tỷ muội khuê mật của mình.

- Muội còn có tâm trạng ngồi đây ăn bánh thưởng trà à? – Lưu Nhị Kiều chống cằm thở dài hỏi.

Nhị Kiều là tam tiểu thư phủ An Định hầu. Cách đây vài năm nàng ta được gả cho Thận vương, bây giờ phải gọi nàng là Thận trắc phi rồi.

- Mùa xuân hoa nở, phong cảnh hữu tình. Không ăn bánh thưởng trà thì còn làm gì nữa? – Khán Nhiên bật cười trêu chọc.

Nhị Kiều híp mắt, nhìn nàng một cách nguy hiểm:

- Đại tiểu thư nhà ngươi nói cho bản cung nghe xem, rốt cục ngươi chọn Kình vương là vì coi trọng hắn hay là không coi trọng hắn?

Khán Nhiên lấy tay chống cằm, ánh mắt nhìn xa xăm:

- Tỷ chờ xem, thời gian sẽ giải đáp thắc mắc của mọi người!

Quả thật, thời gian chính là phương tiện chứng minh hiệu quả nhất. Kình vương sau cơn loạn chiến, giành được vị trí trữ quân, xoay mình trở thành Thái tử, bước lên đỉnh cao danh vọng. Thận vương cấu kết với ngoại quốc tạo phản bất thành, bị phế truất ngôi vị, biếm thành thứ dân. Hoàng thượng nể mặt Hoàng hậu không ban chết cho y, cả gia quyến bị giam lỏng trong phủ Thận vương, cả đời không được bước chân ra ngoài. Huy quận vương có công, được phong làm Huy vương, ban thưởng đồn điền thái ấp cùng vàng bạc châu báu. Bố quận vương nhu nhược, không dám xuất binh bị Hoàng thượng nổi giận phạt nửa năm bổng lộc, thu hồi hết binh lính dưới trướng, hổ phù giao lại cho Huy vương. Tiêu Dao vương lúc đó đang chu du ở bên ngoài, may mắn thoát được một kiếp nạn. Lúc nghe tin huynh trưởng gặp chuyện, y lập tức ngày đêm quay lại kinh thành để cầu xin Hoàng thượng. Cũng vì thế mà y bị Hoàng thượng phạt ra vùng biên cương phục hồi lại làng mạc sau trận chiến.

Khán Nhiên nhắm mắt, cắn chặt răng để không phát ra tiếng hét. Chuyện cũ ào ào tựa như thác nước lũ lượt chảy xuống. Người ta thường nói vào thời khắc cận kề cái chết, con người ta thường sẽ nhớ lại tất cả những chuyện trọng đại đã xảy ra trong cuộc đời mình như là cách để họ từ giã tất thảy mà yên lòng đi qua thế giới bên kia.

Lúc này đây, Khán Nhiên vừa đau đớn vừa nhớ lại chuyện xưa, nước mắt và mồ hôi thi nhau tuôn ra như tắm. Năm đó phủ Thận vương có biến, mẫu tử Nhị Kiều tất nhiên cũng chẳng được bình an. Mấy năm nay nếu không nhờ nàng và phủ An Định hầu âm thầm chú ý tới, e rằng mẫu tử nàng ấy sớm không sống được tới ngày hôm nay.

- Nương nương, người ráng cố thêm một chút nữa. Đã thấy đầu đứa bé rồi! – Bà mụ la lên kéo thần trí nàng quay lại.

Khán Nhiên cắn chặt miếng vải trong miệng, dùng sức, máu ở dưới hạ thân vẫn không ngừng tuôn ra. Bên ngoài có tiếng bước chân người đi đi lại lại cùng tiếng quát tháo của nam nhân. Không cần đoán nàng cũng biết đó là Hoàng thượng.

Chẳng biết qua bao lâu, đứa bé cũng thuận lợi chào đời. Khán Nhiên mệt lả người, chỉ kịp thấy nhũ mẫu đang tắm rửa quấn khăn cho đứa bé rồi ngất lịm đi.

Lúc nàng tỉnh lại, bầu trời bên ngoài đã tối đen như mực. Nàng yếu ớt kêu:

- Văn...Thiền.

Văn Thiền, Văn Uyên đứng hầu ở bên ngoài nghe thấy động tĩnh lập tức đi vào. Văn Thiền cẩn thận đỡ nàng ngồi dậy, Văn Uyên rót nước cho nàng uống.

- Nương nương từ từ thôi. Người ngủ suốt một ngày một đêm rồi đấy!

Khán Nhiên giật mình, không ngờ mình lại ngủ lâu đến thế. Phụ nữ sinh con đúng thật là giống như đi dạo xuống Quỷ môn quan.

- Con ta đâu?

Văn Thiền vừa lấy khăn lau miệng cho nàng vừa đáp:

- Tiểu hoàng tử được nhũ mẫu ru ngủ rồi. Để nô tỳ kêu nhũ mẫu ôm tiểu hoàng tử ra cho nương nương gặp mặt nhé?

Nàng gật đầu. Văn Uyên lập tức đi ra hậu viện gọi nhũ mẫu tới.

Đứa bé nhỏ xíu như con mèo con, được quấn trong chăn gấm màu đỏ thêu họa tiết chữ Thọ. Khán Nhiên đón lấy nó từ tay nhũ mẫu, âu yếm nhìn ngắm gương mặt đỏ hỏn của con.

- Hoàng thượng đã đặt tên cho nhị hoàng tử chưa?

Văn Thiền lắc đầu:

- Vẫn chưa, thưa nương nương. Ngài nói là phải cân nhắc chọn lựa một cái tên thật ý nghĩa cho tiểu hoàng tử.

Nó vừa dứt lời, bên ngoài đã có tiếng nam nhân vọng vào:

- Tỉnh Niên. Lão nhị sinh vào năm đầu tiên của niên đại Thịnh Trị nên trẫm cho hắn chữ "Niên" để làm cột mốc.

Khán Nhiên giao đứa bé cho nhũ mẫu, vội vàng muốn đứng dậy hành lễ lại chẳng may dùng sức hơi mạnh nên động vào vết thương, đau đến mức thở mạnh.

Hoàng thượng đỡ nàng, giọng điệu trách cứ:

- Đã bảo nàng không cần đa lễ rồi mà sao lại bất cẩn như vậy? Đụng phải chỗ nào rồi đúng không? Có cần trẫm triệu thái y đến không?

Nàng cười trừ:

- Lễ tiết sao có thể bỏ qua được. Thần thiếp không sao đâu.

Hoàng thượng lại hỏi nàng:

- Thế nào? Nàng thấy cái tên Tỉnh Niên này được không?

Nàng dựa vào người hắn, nhỏ giọng:

- Thần thiếp nghe theo ý Hoàng thượng.

...

Nhũ mẫu của tiểu hoàng tử là người mà phủ Thái úy bí mật đưa vào, gọi là Trình nương. Mẫu thân nàng nói hậu cung thâm sâu khó lường cho nên người hầu cận phải là người của mình thì mới yên tâm được. Mọi chuyện ăn uống sinh hoạt hằng ngày của Tỉnh Niên đều được Khán Nhiên và Hoàng thượng chăm lo chu đáo. Mấy ngày nay, người ở các cung đổ về chúc mừng ra vào nhộn nhịp đông như trẩy hội.

Khán Nhiên nhìn đống châu báu gấm lụa được người ta đem tới, bỗng nhớ tới mẫu tử Nhị Kiều ở phủ Thận vương. Con trai nàng mới sinh ra đã được hưởng vinh hoa phú quý bậc này còn đứa nhỏ Nguyên An lại phải theo mẹ chịu khổ trong cái lồng giam phủ Thận vương. Nguyên An là một đứa bé hiếu động. Nhớ ngày trước con bé thích nhất là chạy nhảy trong sương đình bên cạnh hồ, vừa hái hoa vừa cho cá chép ăn. Một đứa trẻ tinh nghịch như thế lại bị giam trong bốn bức tường lãnh lẽo, chỉ cần nghĩ thôi cũng đã thấy thật đáng thương.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro