cum cong nghiep lang nghe
. Cụm công nghiệp làng nghề ở vùng Đồng bằng sông Hồng
Khái niệm về cụm công nghiệp và cụm công nghiệp làng nghề
Khái niệm cụm công nghiệp “district industriel” xuất hiện vào cuối thế kỷ 19 bởi Marshall[i]xuất phát từ việc nghiên cứu của ông về sự tập trung sản xuất công nghiệp ở miền bắc nước Anh. Sau đó, khái niệm này được phát triển theo 2 trường phái tiếp cận công nghiệp khác nhau. Các nhà nghiên cứu theo trường phái Pháp như Courlet et Pecqueur, Colletis,… gọi là các hệ thống sản xuất địa phương SPL “Systèmes productifs localisés”, đó là hệ thống sản xuất đề cập nhiều đến khía cạnh lãnh thổ. Các nhà nghiên cứu theo trường phái Anh - Mỹ gọi là cụm công nghiệp “cluster” hay “district industriel” với các tiếp cận của G. Becattini; M. Porter; Nadvi et Schmitz,… Qua việc nghiên cứu về chuyển đổi cơ cấu kinh tế và công nghiệp hóa nông thôn ở vùng ĐBSH, chúng tôi thấy có sự xuất hiện các CCNLN giống như các cụm công nghiệp ở Italia từ những năm 1970[ii]. Vì vậy, trong nghiên cứu này chúng tôi sẽ vận dụng khái niệm cụm công nghiệp (cluster) và phương pháp tiếp cận của G. Becattini; M. Porter; Nadvi et Schmitz và tham khảo các công trình nghiên cứu của họ đã thực hiện tại Italia, Mỹ và các nước đang phát triển như Brasil và Inđônêxia. Vậy cụm công nghiệp là gì?
Cụm công nghiệp theo G. Becattini, là một thực thể xã hội – lãnh thổ đặc trưng bởi sự có mặt hoạt động của một cộng đồng người và quần thể doanh nghiệp trong một không gian địa lý và lịch sử nhất định[iii].
Cụm công nghiệp theo M. Porter, là sự tập trung về địa lý của các doanh nghiệp, của các nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp hóa, của những người được hưởng dịch vụ, của các ngành công nghiệp và các tổ chức có liên quan[iv].
Thực tế, có nhiều định nghĩa khác nhau về cụm công nghiệp. Nhưng trong các định nghĩa đều chưa đề cập đến sự tập trung theo địa lý của các doanh nghiệp gắn kết với sự đổi mới và có sự phát triển năng động do tính hiệp đồng thừa hưởng từ “Tính hiệu quả tập thể’’ thông qua các tác động kinh tế từ bên ngoài, từ mạng lưới các nhà cung cấp, mạng lưới khách hàng và các lợi ích của các hoạt động tập thể[v]. Trong cụm công nghiệp, vấn đề mấu chốt là có sự hiệp đồng, sản xuất với qui mô lớn, có sự tác động qua lại, có sự tương trợ, có sự ganh đua và có khả năng phản ứng nhanh với những thay đổi của thị trường để mang lại hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh.
Ở Việt Nam, Cụm công nghiệp làng nghề là một hệ thống sản xuất địa phương, được đặc trưng bởi sự tập trung theo địa lý các doanh nghiệp[vi]sản xuất, kinh doanh và dịch vụ có sự chuyên môn hóa trong cùng một hoạt động hoặc một nhóm các hoạt động bổ trợ cho nhau. Sự tập trung theo địa lý của các doanh nghiệp đã tạo ra các thể chế thúc đẩy sự hình thành và phát triển các mối quan hệ, sự hợp tác và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong cùng lãnh thổ, đồng thời tạo ra mạng lưới các nhà cung cấp, mạng lưới khách hàng và tạo ra sự đổi mới, các lợi ích chung cho các thành viên trong cùng lãnh thổ.
Các kiểu cụm công nghiệp làng nghề ở vùng ĐBSH
Trên cơ sở số liệu điều tra và thông tin thu thập được trong 90 CCNLN ở Hà Tây và Bắc Ninh, chúng tôi đã phân loại được 3 loại CCNLN, cụ thể như sau:
A)- Cụm công nghiệp làng nghề đã công nghiệp hóa và chuyên môn hóa cao (chiếm 30% trong tổng số CCNLN được điều tra), đây là CCNLN năng động với các đặc trưng của loại cụm này như sau:
- Mật độ dân số cao (2500người/km2), đấtnông nghiệp/người rất ít (260m2/người).
- Tỷ lệ hộ làm nghề cao (có 53% số hộ ở địa phương làm ngành nghề và số lượng doanh nghiệp chính thức trong cụm nhiều (30doanh nghiệp/cụm)
- Thu nhập từ ngành nghề cao (bình quân 1 triệu đồng/người/tháng). Tổng thu nhập từ ngành nghề chiếm 75% tổng thu nhập của cụm.
- Vốn đầu tư cho sản xuất rất cao (trung bình mỗi hộ sản xuất đầu tư trên 100 triệu đồng, mỗi doanh nghiệp đầu tư vốn trên 1 tỷ đồng).
- Có khả năng HĐH cao, đã đầu tư công nghệ và máy móc hiện đại (nhiều cụm có dây truyền sản xuất tự động). Có nhiều sự đổi mới về trang thiết bị và cơ khí hóa trong sản xuất.
- Qui mô của cụm lớn và sử dụng nhiều lao động (bình quân là 4500 lao động/cụm và đòi hỏi nhiều lao động có chuyên môn, đã được đào tạo nghề (lao động có trình độ chiếm trên 60%).
- Thiếu lao động và phải thuê nhiều lao động đến từ nơi khác (lao động thuê từ địa phương khác đến là trên 1000 lao động/cụm, chiếm 24% tổng số lao động trong toàn cụm).
- Có nhiều mối quan hệ, trao đổi giữa các làng nghề với nhau về lao động, vật tư và tiêu thụ sản phẩm. Thị trường phát triển mạnh ở cả trong nước và nước ngoài.
- Có sự cạnh tranh cao về mặt bằng sản xuất, lao động và nguyên liệu trong cụm.
- Các CCNLN loại này phần lớn tập trung các ngành hàng đồ gỗ, dệt vải, luyện kim và chế biến thực phẩm.
B)- Cụm công nghiệp làng nghề đang công nghiệp hóa có sự kết hợp làm nông nghiệp và ngành nghề (chiếm 36% trong tổng số 90 cụm được điều tra), đây là loại cụm năng động vừa với các đặc trưng của loại là:
- Mật độ dân số tương đối cao (1500 người/km2); Đất nông nghiệp/người thấp (bình quân là 500m2/người)
- Tỷ lệ hộ làm nghề cao (chiếm 67% tổng số hộ trong CCNLN) và số doanh nghiệp chính thức trong cụm ít (bình quân 4 doanh nghiệp/1cụm)
- Thu nhập của người lao động làm ngành nghề không cao (bình quân 550 nghìn đồng/người/tháng). Tổng thu nhập từ ngành nghề bình quân chỉ chiếm 48% tổng thu nhập, tổng thu nhập từ nông nghiệp chiếm 31% tổng thu nhập của cụm.
- Vốn đầu tư cho sản xuất ở mức cao (trung bình mỗi hộ sản xuất đầu tư trên 50 triệu đồng, mỗi doanh nghiệp đầu tư vốn trên 500 triệu đồng).
- Có khả năng HĐH trang thiết bị sản xuất nhưng vẫn chủ yếu sử dụng công nghệ truyền thống có cải tiến, ít đầu tư công nghệ và máy móc hiện đại.
- Qui mô cụm trung bình và sử dụng nhiều lao động (lao động làm việc thường xuyên là 2700 lao động/cụm) và ít đòi hỏi các lao động đã được đào tạo nghề (lao động có trình độ chiếm dưới 50%).
- Không thiếu lao động làm nghề, ít phải thuê lao động đến từ nơi khác (lao động thuê từ địa phương khác là 100 lao động/1cụm, chiếm 5% tổng số lao động trong cụm).
- Có nhiều mối quan hệ giữa các làng nghề với nhau và với thị trường các tỉnh thành trong nước và có 1 số cụm có quan hệ với nước ngoài.
- Ít có sự cạnh tranh về mặt bằng sản xuất, lao động và nguyên liệu trong các CCNLN này.
- Các CCNLN loại này phần lớn tập trung các ngành hàng mây tre đan, dệt vải và chế biến thực phẩm và chủ yếu được phát triển lên từ các làng nghề mới, có khả năng tìm kiếm được thị trường và đa dạng hóa các loại sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường.
C)- Cụm công nghiệp làng nghề bắt đầu công nghiệp hóa và làm nông nghiệp là chủ yếu kết hợp với ngành nghề (chiếm 34% tổng số cụm), đây là loại CCNLN có sự năng động thấp và có các đặc trưng sau:
- Mật độ dân số cao (bình quân 1400người/km2); Đất nông nghiệp/người thấp (bình quân là 520m2/người) so với diện tích đất nông nghiệp bình quân trong vùng ĐBSH là 700m2/người.
- Tỷ lệ hộ làm nghề không cao (có 41% số hộ ở địa phương làm ngành nghề) và số doanh nghiệp chính thức trong cụm rất ít (bình quân 2 doanh nghiệp/1cụm).
- Thu nhập của người lao động làm ngành nghề không cao (bình quân 600 nghìn đồng/người/tháng). Tổng thu nhập từ ngành nghề của cụm chỉ chiếm 31% tổng thu nhập của cụm, thấp hơn tổng thu nhập từ nông nghiệp (36%). Việc tái đầu tư cho sản xuất thấp.
- Nhu cầu và thực vốn đầu tư cho ngành nghề thấp (trung bình mỗi hộ sản xuất đầu tư trên 10 triệu đồng, mỗi doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 300 triệu đồng).
- Khả năng HĐH sản xuất thấp, trong cụm ít đầu tư công nghệ và máy móc hiện đại trong sản xuất, sử dụng công cụ truyền thống được cải tiến với lao động chân tay là chính (nhiều cụm có phương tiện sản xuất rất thô sơ như cụm CCNLN thêu ren, mây tre đan).
- Sử dụng nhiều lao động nhưng không đòi hỏi các lao động có chuyên môn cao (khoảng 1700 lao động/1cụm). Phần lớn các thợ thủ công trong các CCNLN này thường làm nông nghiệp kết hợp với làm nghề.
- Trong các CCNLN này không thiếu lao động làm nghề và rất ít phải thuê lao động làm nghề đến từ nơi khác (bình quân lao động làm thuê từ nơi khác đến là 50 lao động/1cụm).
- Trong cụm thường có ít mối quan hệ giữa các làng nghề với nhau và ít có mạng lưới buôn bán và giao lưu trực tiếp với bên ngoài. Phần lớn việc mua vật tư và tiêu thụ trong các CCNLN này thường qua các tác nhân trung gian.
- Không có sự cạnh tranh về mặt bằng sản xuất, lao động và nguyên liệu trong cụm này.
- Các CCNLN lọai này phần lớn tập trung các ngành hàng thêu ren, đan cói và nón lá, mây tre đan và chế biến thực phẩm.
Như vậy, trong vùng ĐBSH đang có nhiều loại CCNLN khác nhau. Nhưng mỗi CCNLN đã phát triển theo hướng khai thác thế mạnh của mỗi vùng và tuỳ theo các kênh (niche) hàng hóa và dịch vụ mà CCNLN đó có khả năng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ở đây chúng tôi xin trình bày một số CCNLN tiêu biểu trong vùng ĐBSH.
Thực trạng một số cụm công nghiệp làng nghề tiêu biểu
A)- Cụm công nghiệp làng nghề giấy ở Phong Khê
CCNLN nghề Phong Khê có 4 làng (Dương Ổ, Đào Xá, Ngô Khê, Châm Khê) thuộc xã Phong Khê, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Mật độ dân số trong cụm này là 1500 người/km2, đất nông nghiệp bình quân 370m2/người. Nghề làm giấy ở Phong Khê đã có từ thế kỷ 16. Trải qua một thời gian dài phát triển sản xuất giấy thủ công, sau đó có sự đổi mới về công nghệ và trang thiết bị sản xuất, đến nay trong cụm CCNLN giấy Phong Khê đã có khả năng sản xuất được hầu hết các loại giấy cao cấp trên thị trường như giấy vệ sinh, giấy khăn ăn, giấy văn phòng, giấy vở học sinh, giấy in lịch, giấy bao gói, giấy kraf,… Hiện nay, nghề làm giấy ở CCNLN Phong Khê đã thu hút sự tham gia của 174 doanh nghiệp và khoảng 200 hộ trong xã sản xuất giấy thủ công. Hoạt động làm giấy trong cụm đã tạo việc làm cho 7000 lao động, trong đó có khoảng 3000 lao động ngoài địa phương. Tổng doanh thu từ nghề làm giấy trong cụm là 455 tỷ đồng/năm (chiếm 91% tổng doanh thu trong toàn cụm). Trong CCNLN này đã xây dựng khu tiểu thủ công nghiệp làng nghề trên diện tích 13ha để giải quyết vấn đề mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp trong cụm. Các doanh nghiệp đã luôn luôn đổi mới công nghệ, thiết bị để tạo ra nhiều loại sản phẩm có chất lượng tốt hơn nhằm đáp nhu cầu tiêu dùng trong nước và cạnh tranh với hàng nhập ngoại.
B)- Cụm công nghiệp làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Quang
CCNLN đồ gỗ Đồng Quang gồm 3 làng (Đồng Kỵ, Tráng Liệt và Bính Hạ) thuộc xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Mật độ dân số trong CCNLN này là 3100 người/km2. Bình quân diện tích đất nông nghiệp là 190m2/người. Nghề làm đồ gỗ mỹ nghệ ở Đồng Quang bắt đầu từ những năm 1960 với các sản phẩm chủ yếu là sập gụ, tủ chè, giường nằm, bàn ghế kiểu cổ, hoành phi, câu đối, tam sơn, ngũ nhạc, ngai thờ, án thư, kiệu rước, tượng thờ, tượng mỹ nghệ,… Trải qua nhiều năm học nghề và phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ, đến nay trong CCNLN này đã có 2260 hộ (chiếm 65% tổng số hộ gia đình trong cụm) và 226 doanh nghiệp làm nghề đồ gỗ mỹ nghệ (trong đó 76 doanh nghiệp tư nhân, 91 công ty TNHH và 59 HTX). Ngoài ra, trong CCNLN này còn có trên 100 cửa hàng chuyên bán gỗ nguyên liệu và 170 hộ làm dịch vụ. Nghề làm đồ gỗ trong CCNLN này đã giải quyết việc làm cho hơn 12000 lao động, trong đó có 49% là lao động nữ và có 42% số lao động từ các địa phương khác đến. Mức thu nhập bình quân của người lao động là 800 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/người/tháng. Tổng thu trong CCNLN này khoảng 210 tỷ đồng/năm (chiếm khoảng 80% tổng thu nhập của cụm). Vốn đầu tư cho sản xuất thường biến động từ hàng trăm triệu đồng/1hộ đến vài tỷ đồng/1doanh nghiệp tùy theo quy mô doanh nghiệp và chủng loại sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn CCNLN Đồng Quang đã quy hoạch chuyển đổi 53 ha đất nông nghiệp sang đất công nghiệp để giải quyết nhu cầu về mặt bằng sản xuất và kinh doanh. Từ nhiều năm nay, CCNLN Đồng Quang đã trở thành một thị trường đồ gỗ lớn nhất ở Việt Nam và đã tạo ra uy tín, danh tiếng về chất lượng sản phẩm ở trong nước và quốc tế.
C)- Cụm công nghiệp làng nghề dệt may La Phù
CCNLN La Phù gồm 16 xóm thuộc xã La Phù, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây. Mật độ dân số trong cụm khoảng 2600 người/km2. Đất nông nghiệp bình quân là 230m2/người. Sản phẩm của CCNLN này chủ yếu là hàng dệt kim như áo len, áo sợi, bít tất, khăn len,... Nghề dệt kim được du nhập và phát triển ở La Phù từ trước năm 1945. Trong thời kỳ kinh tế kế hoạch tập trung, nghề dệt bị quản lý bởi HTX thủ công của xã. Sau khi các HTX thủ công giải thể, nghề dệt may ở La Phù phát triển mạnh trong các hộ gia đình. Đến nay, nghề dệt kim trong cụm đã thu hút sự tham gia của 1760 hộ gia đình làm nghề (chiếm 86% trong tổng số hộ của cụm), 30 công ty TNHH, 100 doanh nghiệp tư nhân, 20 hộ chuyên kinh doanh nguyên liệu, 10 hộ chuyên kinh doanh vận tải và có 100 hộ chuyên thu gom hàng dệt cho các công ty ở địa phương và các đại lý bán buôn ở các địa phương khác trong cả nước. Sản xuất và kim doanh hàng dệt kim tại La Phù đã thu hút khoảng 12.000 lao động, trong đó có khoảng 5.000 lao động là người địa phương (chiếm 63% trong tổng số lao động của xã) và 7.000 lao động đến từ các xã lân cận. Ngoài ra có khoảng 1000 hộ nhận gia công sản phẩm cho các công ty, các hộ này ở các xã lân cận có bán kính khoảng 20-30km xung quanh CCNLN La Phù. Hiện nay, tổng thu nhập từ nghề dệt kim của La Phù khoảng 320 tỷ đồng/năm (chiếm 78% tổng thu nhập của cụm). Đến nay, trong CCNLN dệt kim La Phù cũng đã xây dựng 1 khu tiểu thủ công nghiệp làng nghề có diện tích 40 ha để cho 300 doanh nghiệp thuê đất xây dựng nhà xưởng.
D)- Cụm công nghiệp làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa
CCNLN mây tre đan Phú Nghĩa gồm 7 làng nghề thuộc xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây. Mật độ dân số trong CCNLN này là 1180 người/km2. Bình quân diện tích đất nông nghiệp là 470 m2/người. Nghề mây tre đan ở Phú Nghĩa có từ thế kỷ 17 và là nơi sinh ra nghề mây tre đan ở vùng ĐBSH. Sản phẩm của CCNLN này rất phong phú, đa dạng từ các vật dụng phục vụ cho sinh hoạt trong gia đình đến những đồ trang trí nội thất như bàn ghế, giường, tủ, salon, bàn trang điểm, túi sách, tranh, lồng đèn,… Đến năm 2007, trong CCNLN mây tre đan Phú Nghĩa có 1.780 hộ tham gia làm hàng mây tre đan (chiếm 87% tổng số hộ trong cụm) và 27 công ty và doanh nghiệp chuyên kinh doanh hàng thủ công mây tre đan. Hoạt động sản xuất và kinh doanh hàng mây tre đan đã giải quyết việc làm cho 5700 lao động (chiếm 82% tổng số lao động trong toàn xã) với mức thu nhập từ 700 nghìn đến 1 triệu đồng/người/tháng. Tổng thu nhập từ nghề mây tre đan trong CCNLN Phú Nghĩa khoảng 38 tỷ đồng/năm (chiếm 53% tổng thu nhập của toàn cụm). Trong CCNLN Phú Nghĩa cũng đã quy hoạch và xây dựng khu công nghiệp trên diện tích 138ha.
Ngoài ra, ở các địa phương trong vùng ĐBSH đã có rất nhiều làng nghề HĐH sản xuất và đã hình thành lên các CCNLN. Vậy chúng ta rút ra được điều gì từ sự xuất hiện và sự thành công của các CCNLN này ?
2.3. Các yếu tố chính quyết định sự thành công của các CCNLN
Nghiên cứu và phát triển của thị trường
Ngày nay, thị trường là một yếu tố rất quan trọng, nó có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại và phát triển đối với mỗi làng nghề, đặc biệt là thị trường tiêu thụ các sản phẩm[vii]. Vậy việc nghiên cứu và phát triển thị trường của các CCNLN ở ĐBSH như thế nào ?
A)- Thị trường cung ứng nguyên vật liệu
Đặc điểm của thị trường đầu vào của các CCNLN nói chung là không ổn định, giá nguyên vật liệu biến động thường xuyên. Trước đây, thị trường nguyên liệu chủ yếu mua bán tại chỗ, nhất là nguyên liệu cho nghề chế biến lương thực, thực phẩm và sản xuất đồ tiêu dùng như đan lát, dệt vải, gốm sứ,... Sau một thời gian nguồn nguyên liệu này đã cạn kiệt dần, do đó nó được bổ sung bằng các nguồn từ nơi khác, thậm chí nhập khẩu. Vì vậy, trong các CCNLN phát triển đã xuất hiện các tổ chức, cá nhân chuyên đi tìm kiếm, khai thác và cung cấp nguyên vật liệu cho các hộ và cơ sở làm nghề. Hiện nay, phần lớn các địa phương đã hình thành thị trường mua bán nguyên vật liệu ngay tại các CCNLN với nhiều cửa hàng buôn bán và bán lẻ nguyên vật liệu.
Trong cụm CCNLN làm giấy Phong Khê thị trường nguyên liệu đã luôn có sự thay đổi lớn. Lúc đầu người thợ dùng nguyên liêu là vỏ cây dó, sau đó tận dụng một số sách báo cũ đem ngâm và vò nát tạo lên một phần nguyên liệu. Tiếp đó người thợ làm giấy đã phát hiện loại giấy vỏ bao xi măng có thể thay thế nguyên liệu từ cây dó. Sau đó, người thợ làm giấy đã biết dùng cây nứa để làm nguyên liệu. Về sau thì nguyên liệu sử dụng chủ yếu là cây dướng, cây dậy và cây mận thay thế cho việc sử dụng vỏ cây dó ban đầu, rồi dùng giấy loại và cây nứa làm nguyên liệu. Lúc đầu, các thị trường cung cấp nguyên liệu cho CCNLN làm giấy là Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Lạng Sơn. Thời gian sau này, thị trường nguyên liệu phát triển ra các địa phương khác như Hoà Bình, Quảng Ninh, Yên Bái,... Đồng thời một số doanh nghiệp đã nhập khẩu bột giấy từ Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất các loại sản phẩm giấy cao cấp.
Còn ở CCNLN đồ gỗ Đồng Quang, các doanh nghiệp và hộ sản xuất luôn coi trọng việc nghiên cứu và phát triển thị trường nguyên liệu gỗ. Trước năm 1980, nguyên liệu gỗ thường được mua từ Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Trị, Thanh Hoá, Nghệ An,... Từ năm 1980, các doanh nghiệp đã mở rộng thị trường mua nguyên liệu ra các tỉnh phía Nam như Gia Lai, Đắc Lắc, Bình Thuận, Ninh Thuận,... đồng thời nhập khẩu một số loại gỗ quí hiếm (gỗ trắc, gỗ hương, sến,...) từ Campuchia để phục vụ sản xuất. Đến năm 1996, bắt đầu nhập gỗ từ Lào và tiếp đó là nhập gỗ từ Indônixia, Malaixia, châu Phi,... Đến nay, ở Đồng Quang có khoảng trên 100 cửa hàng buôn bán gỗ, trong đó có những chủ lớn thường nhập gỗ với số lượng lớn giá trị từ 3 đến 5tỷ đồng/1lần tương đương với 200 đến 250m3. Hiện nay Đồng Kỵ đã trở thành thị trường gỗ quý hiếm lớn nhất miền Bắc và cả nước.
Trong CCNLN mây tre đan Phú Nghĩa, các thị trường nguyên liệu luôn được khai thác và phát triển để đáp ứng nhu cầu cho sản xuất. Trước đây nguyên liệu của các làng nghề mây tre đan ở đây chủ yếu được cung cấp từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Hiện nay, có hai nguồn cung cấp chủ yếu: Thứ nhất là nguồn cung cấp song, mây được khai thác từ các tỉnh miền Trung của Việt Nam (chiếm 80% lượng nguyên liệu của CCNLN) như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đắc Lắc và Bình Thuận. Hoặc nguyên liệu được nhập khẩu từ Lào và Campuchia, sau đó sơ chế tại các tỉnh miền Trung, rồi vận chuyển về các làng nghề có sử dụng mây tre đan ở Hà Tây và Phú Nghĩa. Thứ hai là nguồn nguyên liệu cung cấp khoảng gần 20% lượng nguyên liệu cung cấp cho CCNLN này. Vùng cung cấp mây, song chủ yếu từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Cạn, Thái Nguyên, các tỉnh Tây Bắc và các vùng lân cận Phú Nghĩa như Sơn Tây, Hoà Bình,…
Đối với CCNLN dệt La Phù, trước đây nguồn nguyên liệu mua chủ yếu từ Hà Nội qua một số công ty hoặc tư thương. Đến nay, nguyên liệu của CCNLN nay đến từ hai nguồn chính là nguyên liệu trong nước chiếm 40%, chủ yếu được cung cấp bởi các công ty lớn như công ty Dệt 8-3; Công ty sợi Nha Trang, Công ty sợi Biên Hoà, Công ty dệt len Mùa Đông, Công ty len Hà Đông và Công ty len Hải Phòng. Nguyên liệu nhập khẩu chiếm 60%, chủ yếu đến từ Trung Quốc. Việc mở rộng thị trường nguyên liệu được phát triển mạnh mẽ thông qua chính sách cởi mở của nhà nước và sự năng động của các doanh nghiệp dệt kim ở La Phù.
B)- Thị trường tiêu thụ sản phẩm
Trong những năm vừa qua, các doanh nghiệp trong các CCNLN năng động đã thường xuyên nghiên cứu và mở rộng các thị trường tiêu thụ sản phẩm ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Cụ thể như sản phẩm giấy của CCNLN Phong Khê truớc đây chủ yếu bán cho làng nghề làm tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh), làng nghề pháo Bình Đà (Hà Tây) và làng nghề làm vàng mã ở làng Cót - Từ Liêm - Hà Nội. Sau đó các sản phẩm của làng nghề Phong Khê đã được đa dạng hóa nên sản phẩm đã mở rộng thị trường tiêu thụ ở các tỉnh thành phía Bắc với các sản phẩm chính như giấy vệ sinh, giấy làm bao bì, giấy viết,... Hiện nay, trong CCNLN đã sản xuất được hầu hết các loại giấy cao cấp trên thị trường nên thị trường tiêu thụ giấy của cụm đã mở rộng ra phạm vi toàn quốc và đã có các sản phẩm giấy thủ công xuất khẩu sang một số nước như Singapore, Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan, Lào, Campuchia,…
Còn ở CCNLN Đồng Quang, thời kỳ đầu chỉ có một số hộ làm đồ gỗ giả cổ nên chỉ tiêu thụ trong làng xã và địa phương lân cận với số lượng rất ít. Sau đó thị trường tiêu thụ được mở rộng ra các địa phương khác như Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh thành khác ở miền Bắc. Sau năm 1975, sản phẩm đồ gỗ của Đồng Kỵ đã được mang vào Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ, sau đó thị trường mở rộng sang Campuchia vào năm 1980, vào thị trường Lào năm 1985 và bắt đầu thâm nhập vào thị trường Trung Quốc năm 1994. Hiện nay, khoảng 55% sản phẩm của Đồng Kỵ tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc. Còn 40% sản phẩm của Đồng Kỵ tiêu thụ ở thị trường nội địa và khoảng 5% sản phẩm tiêu thụ ở các thị trường khác như Lào, Châu Âu, Mỹ, Nga, Singapo, Malayxia,... Các cơ sở sản xuất kinh doanh ở trong cụm CCNLN đồ gỗ Đồng Kỵ đã chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Họ đi đến hầu hết mọi miền đất nước để tham gia hội chợ, đặt các đại lý, văn phòng, giao dịch. Không dừng lại ở đó, nhiều doanh nghiệp còn tổ chức nhiều chuyến đi tìm hiểu thị trường tại các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Mỹ, Liên Bang Nga, Châu Âu, Châu Phi,...
Trong CCNLN dệt kim La Phù, thời kỳ sản phẩm dệt kim chủ yếu được bán ở thị trường thành thị ở khu vực phía Bắc. Từ năm 1993, chính sách cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Việt Nam được dỡ bỏ nên thị trường hàng dệt may của La Phù đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Nga, Ucraina. Đến năm 1999, thị trường xuất khẩu được mở rộng sang các nước khác như Tiệp Khắc, Ba Lan, Pháp và các nước Đông Âu khác. Đặc biệt năm 2003 sau hiệp định không áp định hạn ngạch, hàng dệt may của La Phù đã bắt đầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đến nay, sản phẩm của CCNLN La Phù có khoảng 60% số lượng hàng phục vụ cho xuất khẩu còn 40% được tiêu thụ ở khắp các tỉnh thành trong cả nước thông qua các đại lý bán buôn, bán lẻ ở các địa phương trong nước.
Trong CCNLN mây tre đan Phú Nghĩa, do sản phẩm đẹp, chất lượng tốt nên vào đầu thế kỷ 18 sản phẩm của Phú Nghĩa đã được bán rộng rãi ở nhiều tỉnh thành thuộc miền Bắc của Việt Nam. Đến thời kỳ kinh tế kế hoạch tập trung, sản phẩm của các làng nghề ở Phú Nghĩa chủ yếu xuất khẩu cho Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Đến cuối năm 1990 do khủng hoảng chính trị nên khách hàng ở các nước Đông Âu không nhập hàng nữa. Năm 1991, một số cơ sở sản xuất trong làng nghề đã ký hợp đồng và làm hàng mây tre đan cho Đài Loan. Tiếp theo đó, đến năm 1993, các tổ hợp tác sản xuất ở Phú Nghĩa đã ký được hợp đồng sản xuất hàng mây tre đan cho Nhật Bản. Sau đó thị trường được mở rộng ra Pháp, Tây Ban Nha, Đức. Hiện nay, các sản phẩm của CCNLN mây tre đan này tiêu thụ khoảng 35% tổng số lượng sản phẩm ở thị trường địa phương và các tỉnh thành phố trong phạm vi toàn quốc. Còn 65% sản phẩm còn lại phục vụ cho việc xuất khẩu đến các thị trường truyền thống của làng nghề này như Nga, các nước Đông Âu và Đài Loan với yêu cầu về chất lượng không cao nhưng coi trọng mẫu mã, màu sắc của sản phẩm. Đồng thời xuất khẩu hàng đến các thị trường mới như thị trường Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Tây Ban Nha, Đức,…
Có thể nói rằng, hiện nay thị trường trong nước với hơn 80 triệu dân đang có mức thu nhập tăng dần. Đồng thời trong thời gian tới ở Việt Nam sẽ phát triển mạnh ngành du lịch. Do vậy, nếu biết khai thác thị trường hàng hóa phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân và ngành du lịch thì nhóm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sẽ được ưu chuộng và phát triển mạnh. Mặt khác, hiện nay có một số lượng lớn người tiêu dùng ở các nước châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Á đang hướng đến những sản phẩm mang tính dân tộc, tính truyền thống, tính chất dân gian và những sản phẩm thủ công, đó là các sản phẩm có thể sản xuất với số lượng lớn trong các CCNLN ở vùng ĐBSH.
Đổi mới công nghệ và cơ giới hóa các công đoạn sản xuất
Trong các CCNLN, những người thợ đã luôn tìm cách để đổi mới công nghệ và chuyên môn hóa, hiện đại hóa sản xuất. Họ đã phối hợp một cách linh hoạt trong việc sử dụng các công nghệ truyền thống, công nghệ cải tiến và công nghệ hiện đại. Trước những năm 1990, hầu hết các máy móc công cụ trong các làng nghề chủ yếu là các công cụ thủ công, hoặc bán cơ khí theo công nghệ cổ truyền, một số máy móc tự chế hoặc được thanh lý từ các doanh nghiệp nhà nước[viii]. Ngày nay, dưới sự tác động mạnh của khoa học kỹ thuật và hội nhập quốc tế, các cơ sở sản xuất trong nhiều CCNLN đã HĐH các trang thiết bị và công nghệ thủ công truyền thống, thay thế công nghệ thủ công, lạc hậu bằng công nghệ cải tiến, hiện đại để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Cụ thể như ở CCNLN giấy Phong Khê, sau 1986, trong làng nghề đã có sự đổi mới quan trọng về công nghệ và trang thiết bị sản xuất. Đó là việc máy chạy bột giấy được đưa vào sử dụng với công suất chạy được 100kg giấy xi măng/1 giờ, trong khi đạp lề phải mất 3 ngày (năng suất sử dụng máy chạy bột lúc đầu gấp 72 lần so với việc sử dụng chân tay). Sau đó, năm 1989, chiếc máy seo đầu tiên được mua về làng nghề có công suất là 600kg/ngày trong khi seo tay được 10kg/ngày/người. Do thấy năng suất và hiệu quả của việc sử dụng máy móc nên nhiều cơ sở sản xuất đã bắt đầu “cơ khí hoá” nghề giấy với sự tăng thêm 5 máy seo. Tiếp đó, năm 1992, 1 dây chuyền sản xuất giấy công nghiệp đầu tiên được mua về làng nghề. Đến năm 2004, trong làng nghề đã có các dây chuyền sản xuất giấy tự động, trị giá hàng triệu USD. Hiện nay, trong CCNLN Phong Khê đã có trên 200 dây chuyền sản xuất giấy công nghiệp và có 4 dây truyền hiện đại sản xuất được giấy viết (giấy học sinh, tương đương chất lượng giấy của công ty giấy Bãi Bằng). Phần lớn các doanh nghiệp trong CCNLN này đã sử dụng máy móc thay thế hoàn toàn lao động tay chân. Nhiều lao động thủ công trước đây làm việc cho gia đình đã phải tham gia các lớp đào tạo nghề để có kiến thức sử dụng các loại máy móc, thiết bị mới trong các doanh nghiệp của CCNLN này.
Trong CCNLN đồ gỗ Đồng Quang để nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, các cơ sở sản xuất trong CCNLN đã đi sâu vào khâu chuyên môn hóa sản xuất (chuyên pha gỗ, chuyên đục, chuyên chạm, khảm, đánh bóng, hoàn thiện sản phẩm,...). Sử dụng nhiều loại máy móc để cơ giới hóa trong sản xuất như cưa, dọc gỗ, tiện, bào, khoan, đánh bóng và dùng cưa tranh để cắt các họa tiết của loại mặt hàng sản xuất với số lượng lớn. Áp dụng công nghệ xử lý gỗ, chạm khắc bán tự động, dùng máy phun sơn để hoàn thiện sản phẩm nên đã tạo ra các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ có độ đồng nhất cao, chất lượng tốt. Đến nay, trong cụm CCNLN đồ gỗ Đông Quang đã có khoảng 30 chiếc cưa CD, 3 máy sấy gỗ công nghiệp. Có 50% doanh nghiệp và 10% hộ làm nghề có máy lộng lỗ. Ngoài ra còn có máy lấy nền (trung bình 2 chiếc/1 doanh nghiệp, 1 chiếc/hộ); máy đánh bóng (trung bình 6-7chiếc/1doanh nghiệp và 2chiếc/1hộ sản xuất), máy bào, máy phun sơn,.... Việc đổi mới một số công nghệ và chuyên môn hóa sản xuất đã đem đến năng suất lao động cao hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn và có khả năng thực hiện được những hợp đồng lớn trong thời gian ngắn,... Đây chính là điều mà nhiều làng nghề khác nếu sản xuất theo phương pháp thủ công không làm được.
Trong CCNLN dệt kim La Phù, các doanh nghiệp dệt kim đã thay thế toàn bộ các máy móc cũ có từ thời kỳ kinh tế kế hoạch tập trung để đầu tư các trang thiết bị và công nghệ mới nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao và tiết kiệm nguyên liệu. Hiện nay, trong CCNLN này có khoảng 2000 cái máy dệt, 4000 máy khâu, 700 máy vắt sổ, 4000 máy vào cổ áo, 100 máy là hơi, 300 máy dệt tất, máy thêu vi tính 20 cái,... Các loại máy móc này đều được sản xuất từ các nước Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc do các công ty tư nhân hoặc hộ sản xuất mua về. Do là CCNLN chuyên làm hàng xuất khẩu nên các cơ sở làm hàng dệt kim thường xuyên nâng cấp và đổi mới công nghệ, có mối quan hệ mật thiết với các doanh nghiệp chuyên kinh doanh máy móc thiết bị để nắm bắt được các công nghệ mới có trên thị trường. Đối với những thiết bị hiện đại và khó sử dụng thì có các doanh nghiệp bán thiết bị và chuyển giao công nghệ hướng dẫn công nhân cách thức vận hành, sử dụng.
Trong CCNLN mây tre đan Phú Vinh, năm từ năm 1999 đã có máy chẻ mây và máy đánh bóng sản phẩm đưa vào sản xuất. Đến năm 2000, bắt đầu sử dụng máy chẻ song và năm 2001 đã sử dụng máy tuốt mây. Các loại máy này đều có năng xuất cao gấp 20 – 25 lần lao động bằng tay. Hiện nay, trong việc sản xuất và hoàn thiện sản phẩm của CCNLN này đã sử dụng nhiều loại máy móc như máy phun sơn (có 10 chiếc), máy bắn đinh (10 máy), các loại máy sấy, đánh bóng sản phẩm,... Việc đưa máy móc vào sản xuất đã làm tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, đặc biệt là công đoạn phun màu sản phẩm, tạo cho sản phẩm bền và đẹp.
Khai thác có hiệu quả các nguồn lực tự có của địa phương
A)- Yếu tố vốn xã hội và vốn con người
Theo Putnam, vốn xã hội là các thể chế, các quan hệ và tiêu chuẩn quyết định số lượng và chất lượng của các tương tác xã hội và nhân tố quyết định sự năng động của các vùng[ix]. Thực tế, các CCNLN ở ĐBSH đã kế thừa và phát triển tốt các mối quan hệ truyền thống và hình thành các mạng lưới xã hội mới. Các doanh nghiệp trong cụm cũng đã biết khai thác các giá trị truyền thống và danh tiếng về sản phẩm của làng nghề.
Như CCNLN giấy Phong Khê đã kế thừa và phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương để phát triển từ làng nghề sản xuất giấy thủ công sang sản xuất các loại giấy có chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Khai thác và phát triển các kiến thức nghề nghiệp và các mối quan hệ của làng nghề làm giấy dó trước đây với các làng nghề khác để mở rộng các mối quan hệ và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong quá trình thương mại hóa sản phẩm của CCNLN này, nhiều đại lý cung cấp nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm lúc đầu tìm đến CCNLN này từ việc biết đến danh tiếng đã có của làng nghề làm giấy Dương Ổ (thuộc xã Phong Khê) trước đây.
Còn tại CCNLN đồ gỗ Đồng Quang, người dân đã kế thừa và phát triển các mối quan hệ từ hoạt động buôn trâu bò (trước năm 1960) và đi xẻ gỗ thuê (trước những năm 1980) của làng Đồng Kỵ để phát triển mạng lưới thu mua gỗ ở hầu khắp các tỉnh, thành phố có nguồn nguyên liệu gỗ ở các tỉnh phía Bắc, sau đó mở rộng mạng lưới đó ra cả nước và nước ngoài. Chính các mạng lưới quan hệ trước đây đã tạo nên nguồn lực chung của cộng đồng trong CCNLN này. Đó cũng chính là nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển thị trường, phát triển sản xuất của CCNLN đồ gỗ ở Đồng Quang[x].
Trong cụm làng nghề dệt La Phù, đã kế thừa và phát huy rất hiệu quả các mối quan hệ có từ thời kỳ kinh tế kế hoạch tập trung thông qua các đầu mối cung cấp nguyên liệu và xuất khẩu hàng dệt kim của các HTX thủ công trước đây. Hiện nay, các mối quan hệ đó vẫn tồn tại và phát triển, đồng thời tăng cường hơn mối liên hệ giữa những hộ gia đình làm nghề và các công ty qua sự làm hàng gia công. Giữa các hộ làm gia công và các công ty luôn có mối quan hệ chặt chẽ và ràng buộc lẫn nhau trong việc thực hiện các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở cùng có trách nhiệm và hai bên cùng có lợi. Trong CCNLN này, các doanh nghiệp thường hợp tác với nhau trong việc trao đổi vật tư, mua nguyên liệu, tổ chức sản xuất và chia sẻ thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Còn trong CCNLN mây tre đan Phú Vinh, người dân đã gìn giữ và phát triển nghề truyền thống. Đồng thời thông qua các mối quan hệ truyền nghề, đào tạo nghề cho các địa phương trước đây họ đã hình thành những mạng lưới cung cấp vật tư, nguyên liệu và hệ thống làm hàng gia công với các làng nghề khác trong huyện Chương Mỹ, trong tỉnh Hà Tây và nhiều tỉnh khác như Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên và mở rộng đến các tỉnh trung du miền núi phía Bắc như Phú Thọ, Tuyên Quang, Sơn La,... Do vậy, khi có hợp đồng mua hàng với số lượng lớn, các doanh nghiệp ở Phú Nghĩa có thể tìm đến tất cả các làng nghề mây tre đan trong vùng để đặt làm hàng gia công và thu mua sản phẩm. Bên cạnh đó các doanh nghiệp còn có mối quan hệ với các làng nghề làm nón lá, sơn mài,...
Về vốn con người: Người dân trong các làng nghề ở vùng ĐBSH từ xưa đã phát triển nghề thủ công nghiệp, buôn bán và gần đây đã cơ giới hoá một số công đoạn trong sản xuất nông nghiệp và hoạt động thủ công. Cho nên đời sống công nghiệp đã thâm nhập vào các gia đình khá sớm và "chuyên nghiệp hóa" người lao động trong các làng nghề. Bên cạnh đó, người dân trong làng nghề luôn học tập và tiếp thu nghề truyền thống của gia đình và quê hương. Chính vì vậy, trong các làng nghề truyền thống luôn có một bộ phận thợ thủ công có chuyên môn, kiến thức và tay nghề cao. Đặc biệt, có nhiều nghệ nhân giỏi nghề, yêu nghề, có đạo đức và luôn tìm ra những mẫu mã sản phẩm mới. Bên cạnh đó cũng có những doanh nhân chuyên đi nghiên cứu và phát triển thị trường cho làng nghề. Chính yếu tố vốn xã hội và vốn con người cũng là những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển của các làng nghề và hình thành nên các CCNLN ở vùng ĐBSH.
B)- Khai thác tốt sự gần kề về địa lý và tổ chức
Sự xuất hiện các cụm công nghiệp làng nghề gắn liền với sự gần kề về địa lý và tổ chức. Các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trong các CCNLN đã khai thác sự gần kề về địa lý với thủ đô Hà Nội, nơi được xem như là một thị trường rộng lớn để tiêu thụ các sản phẩm và cung cấp nguyên liệu, các dịch vụ về khoa học và công nghệ,.... Hơn nữa sự gần kề về địa lý giữa các làng nghề với nhau cũng tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí trong việc vận chuyển vật tư, tiêu thụ sản phẩm và đào tạo lao động của các CCNLN. Thực tế cho thấy trong những năm gần đây luôn có 1 lực lượng lao động ở những xã, làng thuần nông sang làm thuê cho các cơ sở sản xuất ở những CCNLN. Những lao động này từ chỗ học nghề, sau đó làm thuê cho các cơ sở dạy nghề và dần dần tách ra khỏi cơ sở làm thuê để đầu tư xây dựng một cơ sở sản xuất độc lập. Đó chính là cách lan rộng của các mạng lưới làm hàng gia công và mở rộng không gian của các CCNLN trong vùng ĐBSH.
Bên cạnh đó trong các CCNLN còn có sự gần kề về hình thức tổ chức sản xuất và kinh doanh giữa các doanh nghiệp, hộ sản xuất. Chính vì vậy, trong các CCNLN dễ dàng hình thành mạng lưới làm hàng gia công. Đồng thời, việc ứng dụng, chuyển giao và nhân rộng các tiến bộ kỹ thuật trong CCNLN cũng diễn ra nhanh chóng và đạt kết quả cao dựa trên cách bắt chước hoặc học lỏm của những người thợ, của các doanh nghiệp trong CCNLN. Mặt khác, do có sự gần kề về địa lý và tổ chức nên việc thuê tuyển dụng lao động trong CCNLN là rất dễ dàng và đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của nhà tuyển dụng về số lượng và chất lượng của lao động. Ví dụ trong CCNLN đồ gỗ Đồng KỵQuang, lúc đầu các lao động đến từ các làng nghề truyền thống gần kề như làng Phù Khê, Hương Mạc, Tam Sơn, Vân Hà (Hà Nội),... Trong số các lao động từ nơi khác đến Đồng Kỵ làm thuê, có một số lao động đã có tay nghề do ở quê hương của họ có các nghề tương tự như ở CCNLN Đồng Quang, ví dụ như thợ Khảm trai ở Chuyên Mỹ (Hà Tây), thợ đục chạm ở Đông Giao (Hưng Yên); thợ mộc ở Bắc Giang, Nam Định,...
Với việc khai thác tốt sự gần kề về địa lý và tổ chức, trong các CCNLN thường giảm được nhiều chi phí giao dịch, vận chuyển và đào tạo, đồng thời có khả năng phát triển nhanh số lao động và hộ làm nghề trong thời gian ngắn. Đó cũng là trường hợp phát triển nhanh về số lượng hộ sản xuất và không gian của CCNLN đồ gỗ Đồng Quang.
C)- Các yếu tố cơ sở hạ tầng và nguồn lực chung
Thực tế là các CCNLN của vùng ĐBSH đều nằm trong hành lang các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy khá phát triển, gần sân bay quốc tế Nội Bài và cảng Hải Phòng, mạng lưới điện, hệ thống thông tin liên lạc khá phát triển và hoàn chỉnh. Trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các tỉnh và thành phố cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ về đất, về vốn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu tiểu thủ công nghiệp làng nghề trong các CCNLN. Mặt khác, trong các CCNLN thường là nơi đã hình thành các thị trường về nguyên liệu, lao động, công nghệ, vốn và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tại những CCNLN này thường có nguồn lao động có kiến thức và trình độ tay nghề cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong CCNLN còn được thừa hưởng kiến thức và kỹ năng làm nghề tại gia đình hoặc tại các cơ sở sản xuất khác của làng nghề. Chính vì vậy, các hộ sản xuất và doanh nghiệp trong các CCNLN này đã được thừa hưởng và khai thác được các điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng và các nguồn lực chung để phát triển sản xuất.
D)- Có các thể chế điều tiết và các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất
Trước đây, trong hầu hết các làng nghề thủ công lâu đời, nổi tiếng ở Việt Nam đều có quy chế về nghề thủ công, hoặc thành văn bản riêng hoặc trong một số điều của hương ước, lệ làng,... Trong chừng mực nào đó, chúng trở thành thứ “pháp quy” của từng làng, xã. Những quy chế này được truyền từ đời này sang đời khác, bắt buộc các thành viên trong gia tộc, trong phường hội nhất nhất tuân theo, thực hiện một cách nghiêm ngặt trong việc gìn giữ và phát triển nghề. Ngày nay, trong các CCNLN thường có các thể chế điều phối các hoạt động của các tác nhân tham gia để giúp cho sự phát triển nghề nghiệp bền vững, phát huy được các giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, các giá trị đạo đức, lòng tin và lương tâm người thợ thể hiện ở chất lượng sản phẩm làm ra. Đó là các mối quan hệ chặt chẽ, ràng buộc lẫn nhau giữa các cá nhân trên cơ sở các mạng lưới xã hội như gia đình, dòng họ, bạn bè, nghề nghiệp và thương mại để tổ chức và điều phối các hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Bên cạnh đó, môi trường thể chế còn thể hiện ở sự thay đổi và ban hành kịp thời những chính sách của nhà nước nhằm khuyến khích phát triển ngành nghề, xây dựng các cụm tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn. Ví dụ như Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg ngày 24/1/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn. Sau đó, các địa phương đã cụ thể hóa các chính sách của Nhà nước và ban hành bổ sung các chính sách của địa phương để thúc đẩy sự phát triển các làng nghề ở nông thôn. Cụ thể như tỉnh Bắc Ninh, đã ban hành Nghị Quyết 04-NQ/TU ngày 25/5/98 của Ban chấp hàng Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh về phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp; rồi Quyết Định 60/2001/QĐ-UB ngày 26/6/2001 về việc ban hành quy định ưu đãi khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh,...
Tại Hà Tây, từ năm 1999 Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã có quyết định trích tiền từ nguồn ngân sách của tỉnh để hỗ trợ khuyến công như hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, nhân cấy nghề, đưa nghề mới về làng,... Tiếp đó, ngày 22/02/2001, UBND tỉnh ra quyết định số 208/2001/QĐ-UB về việc lập quy hoạch đất phát triển làng nghề. Đến ngày 06/01/2003, UBND tỉnh ra quyết định số 08/QĐ-UB ban hành 14 cơ chế hỗ trợ và cho vay đẩy mạnh đầu tư cho xây dựng phát triển ngành nghề, làng nghề ở nông thôn. Ngày 13/07/2005 UBND tỉnh có Quyết định số 872/2005/QĐ- UB về việc ban hành quy định về xây dựng và quản lý các khu tiểu thủ công nghiệp làng nghề trên địa bàn tỉnh Hà Tây.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thấy rằng chính quyền địa phương đóng vai trò rất lớn trong việc tổ chức, chỉ đạo và định hướng phát triển ngành nghề ở địa phương. Chính ở những nơi có CCNLN phát triển mạnh là nơi có những người có chức, có quyền (như chủ tịch xã, bí thư đảng ủy xã) ở địa phương đã cùng tham gia làm nghề. Chính họ là người có thông tin và biết được các khó khăn trong sản xuất và kinh doanh để có những kiến nghị kịp thời với các cấp chính quyền và các cơ quan chuyên môn nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho sản xuất phát triển sản xuất kinh doanh trong CCNLN.
3. Kết luận
Hiện nay ở khu vực nông thôn đang hình thành các CCNLN, đây là mô hình tổ chức sản xuất năng động, có khả năng đổi mới, hiện đại hóa sản xuất và tham gia tích cực vào quá trình CNH và HĐH nông nghiệp và nông thôn. Sự hình thành, phát triển của các CCNLN này đã và đang tạo ra động lực thúc đẩy việc mở rộng qui mô sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động ở địa phương, giảm áp lực của việc di cư của lao động từ nông thôn về thành phố tìm việc làm.
Chính vì vậy, mô hình CCNLN cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và cần có các chính sách hỗ trợ việc quy hoạch và phát triển các CCNLN này thành các hệ thống sáng tạo ở các vùng nông thôn, thành nơi nuôi dưỡng và phát triển sự chuyển đổi từ các hộ sản xuất phi hinh thức thành các doanh nghiệp hình thức, góp phần đẩy nhanh sự CNH và HĐH trong nông nghiệp và nông thôn ở Việt Nam.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro