Vàng Và Tỷ Giá
Mối Quan Hệ Giữa Giá Vàng Và Tỷ Giá
Quan điểm và những phân tích về vàng LeoX đã viết khá nhiều trong 2019-2020 và gần như không thay đổi gì về view dài hạn. Các câu hỏi các bạn hay hỏi nhất LeoX đã trả lời khá nhiều rồi. Mọi người có thể tìm đọc lại các bài đó trong mục Kiến thức > Vàng ở thanh menu của website leox.vn
Chủ đề vàng, LeoX sẽ phát triển tiếp các nội dung mang tính kiến thức cần nắm được. Ví dụ trong series này, LeoX sẽ giúp các bạn hình dung các mối quan hệ giữa giá vàng với các cặp tỷ giá chính, với lãi suất, giá dầu, thị trường chứng khoán, bitcoin …. Để khi bạn đọc 1 tin tức bạn hiểu được nó là thiên về tích cực hay tiêu cực hoặc không khó để trả lời cho những câu hỏi khá trực quan như mua vàng hay mua USD? Trước hết, bắt đầu với mối quan hệ giữa vàng và tỷ giá nhé. Có 3 tỷ giá chính có mối quan hệ khá chặt chẽ với vàng là USD, AUD và CHF.
Vàng và USD thường có mối quan hệ ngược chiều, có nghĩa là khi USD mạnh lên so với các đồng tiền khác, vàng sẽ có xu hướng giảm, khi USD yếu đi so với các đồng tiền khác, vàng có xu hướng tăng.
Hình dưới đây là tương quan mối quan hệ giữa USD index và giá vàng. Giai đoạn đáy của USD index năm 2012 cũng là giai đoạn đỉnh của giá vàng. Từ sau 2012 giá vàng giảm mạnh khi USD index vào chu kỳ tăng.
Tuy nhiên mối quan hệ này không phải luôn ngược chiều vào mọi thời điểm. Có những tình huống khiến chúng di chuyển cùng 1 hướng trong ngắn hạn ví dụ như nguy cơ chiến tranh hay dịch bệnh khiến dòng tiền dịch chuyển về tài sản an toàn. Trong khi cả vàng và USD đều được hiểu là tài sản an toàn. Tuy nhiên, vàng là thước đo giá trị của USD, và do đó cả những Fiat Currency khác, nên trong dài hạn mối quan hệ nghịch đảo vẫn sẽ được duy trì.
Đối chiếu về thực tế hiện tại
Hiện nay có 1 xu hướng nổi lên khá rõ là USD đang có xu hướng mất giá so với Nhân dận tệ (CNY) và các đồng tiền khác. Trước đến nay USD được mệnh danh là đồng tiền dự trữ của thế giới – đồng tiền duy nhất có sức mạnh xuất khẩu lạm phát ra cả thế giới. Tại sao ? Vì thứ nhất là các nước đều coi USD là đồng tiền dự trữ thay cho vàng để đảm bảo cho sức mạnh đồng tiền của nước mình (vai trò này từng là của vàng trước thời kỳ xóa bỏ bản vị vàng). Thứ 2 là khi Mỹ bơm tiền, các nước cũng phải bơm tiền theo để đồng tiền của mình không bị tăng giá bởi tăng giá sẽ không có lợi cho xuất khẩu.
Tuy nhiên một điểm rất đáng lưu ý gần đây là Trung Quốc đã đứng ngoài vòng xoáy này. Cung tiền của Trung Quốc chỉ tăng có 3.5%, trong khi Mỹ tăng 77.7%, Nhật tăng 50% còn Canada tăng tới 300%. Trung Quốc đang không chạy theo đàn cừu, thậm chí phát tín hiệu về việc thắt chặt tiền tệ ngay khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch. Điều này có lẽ đã phần nào thể hiện tham vọng của Trung Quốc khi cố gắng nâng cao vai trò của đồng nhân dân tệ trên trường quốc tế, giống như học thuyết Kipling từng nêu: “nếu một quốc gia kiểm soát tốt cung tiền của mình trong khi các nước khác không thể thì đồng nội tệ của quốc gia này một ngày nào đó sẽ trở thành đồng tiền dự trữ”. Có thể lắm!
Xu hướng giá trị đồng USD sẽ là 1 tâm điểm cần theo dõi trong thời gian tới, và nó liên quan mật thiết đến việc đầu tư vàng.
Ngoài ra các cặp tỷ giá sau cũng là mối quan hệ mà mọi người nên nắm được.
AUD/USD – Cặp tỷ giá này có mối quan hệ thuận chiều với giá vàng lên đến trên 80% sở dĩ vì 3 lý do chính:
Úc là nước sản xuất vàng chính, lên đến 9.4% sản lượng khai thác của thế giới
Lượng dự trữ vàng của Úc lên tới 18% dự trữ vàng trên thế giới
Mối quan hệ nghịch đảo giữa vàng và USD
Như đồ thị trên cho thấy AUD tăng giá từ khoảng tháng 3/2020 tương ứng với 1 chặng tăng của vàng, và chững lại vào tháng 9 cũng vào khoảng thời gian vàng đạt đỉnh ngắn hạn. Từ tháng 11 AUD lại đang quay trở lại xu hướng tăng.
USD – CHF cũng là 1 cặp tiền tệ hay được nhắc đến trong mối liên hệ với giá vàng, bởi lẽ 25% đồng CHF được đảm bảo bằng vàng. Thụy sỹ cũng được coi là 1 hub giao dịch vàng của thế giới và ngân hàng kho bạc Thụy Sỹ thì được nhìn nhận như nơi an toàn nhất để giữ tài sản.
USD:CHF có mối quan hệ nghịch đảo với giá vàng, Khi vàng tăng thì USD/CFH giảm và ngược lại. Hình dưới thể hiện giá trị của CHF từ đầu năm 2020. Chặng tăng mạnh ngắn hạn của CHF hồi đầu năm có lẽ do nhu cầu đột biến về tài sản an toàn trong tâm dịch hồi tháng 3 , tháng 4.
Các quan hệ này có thể có những thời điểm không đúng trong ngắn hạn nhưng đúng ở phần lớn thời gian. Chúng không hoàn toàn là mỗi quan hệ cause – effect (nguyên nhân - hệ quả) , nên có những lúc trễ hơn, có lúc đi trước, có lúc đồng thời, không mang tính chỉ báo để mua/ bán theo một cách đơn giản thuần túy nhưng là các mối quan hệ cần hiểu khi đầu tư để có thể hiểu được những thứ khác. Đầu tư mà cứ nhìn được cái này tăng thì mua cái kia, chẳng phải sẽ dễ quá và ko đáng tin hay sao? :D
____________________
🤔Thứ 2 là khi Mỹ bơm tiền, các nước cũng phải bơm tiền theo để đồng tiền của mình không bị tăng giá bởi tăng giá sẽ không có lợi cho xuất khẩu" , chị giải thích thêm giúp em là sao đồng tiền bị tăng giá vậy ạ.
😁Mỹ với vai trò là đồng tiền dự trữ của thế giới nên Ngân hàng Trung Ương các nước đều dự trữ USD và mua nợ của chính phru Mỹ thông qua việc nắm giữ trái phiếu nước này. Trước đến nay vị thế này khiến Mỹ có 1 vị trí độc tôn và đc xếp hạng AAA. Mỹ bơm tiền, tài sản không riêng của Mỹ giảm, Mỹ bơm tiền các nước cũng bơm tiền theo nếu không muốn đồng nội tệ của mình tăng giá so với USD, đặc biệt là các nước xuất khẩu. Do đó nói 1 cách nào đó, Mỹ có cái quyền "xuất khẩu lạm phát" ra khắp thế giới. Vị thế này đang trong trạng thái rất dễ tổn thương, vai trò của Mỹ cũng như đồng USD đang đứng trước 1 bước ngoặt lịch sử. Các đồng tiền dự trữ trên thế giới đều có thời thịnh và thời suy , giống như các đồng tiền đã từng là đồng tiền dự trữ khác trong lịch sử.
🤔Chị LeoX ơi, quy lại thì trong mqh giữa giá vàng và tỷ giá, đồng USD phản ánh rõ nhất giá vàng đúng k chị? giá vàng xu hướng tăng khi USD mất giá, giảm khi USD tăng giá. Còn các tỷ giá AUDUSD USDCHF hay USDCNY chỉ là cần theo dõi để thấy dc USD đang tăng hay giảm (bên cạnh các vấn đề cung tiền, lãi suất....) phải k ạ?
😁Đúng rồi em ạ, vì giá trị của các đồng khác được đối chiếu với đồng USD. Lý do USD được so sánh mật thiết quan hệ với vàng vì yếu tố lịch sử là sau chiến tranh TG , Mỹ nắm phần lớn vàng trên thế giới nhờ bán vũ khí cho các bạn khác đánh nhau. Các nước khác không còn vàng dự trữ để backed cho đồng tiền nước mình thì phải dùng USD làm dự trữ, vì lúc đó Mỹ đặt ra quy định 35 USD/ ounce vàng cố định nên USD đc coi tương đương với vàng. Tuy nhiên sau này, như e thấy đấy, Mỹ ko thể từ bỏ việc in tiền, nên h giá 1 ounce vàng tương đương gần 2000 USD. Đó là xét về mặt cơ bản. Tuy nhiên, vđ là USD mất giá nhưng là mất giá so với đồng tiền nào sẽ có mối tương quan mật thiết nhất với giá vàng, thì đó là cặp tỷ giá AUD:USD và USD: CHF vì các lý do c đã nêu trên bài.
🤔Các chỉ báo về tỷ giá không đưa ra thông điệp cụ thể gợi ý cho đà tăng/hay giảm của giá vàng trong tương lai, mà là một mảnh ghép của một bức tranh rộng lớn hơn. Em hiểu thế không biết có đúng không ạ
😁Em hiểu đúng, nó cho ta thấy cái bánh răng cưa đang chuyển động khớp nhau và mình hiểu được cái logic đằng sau đó, nó giúp mình confirm các suy luận và phán đoán của mình.
🤔Như vậy theo em hiểu thì cả đồng AUD và đồng CHF đều có mối quan hệ thuận chiều với vàng đúng không chị?
😁Đúng rồi e. Nhưng thông lệ trên thế giới cặp tỷ giá là USD:AUD và USD:CHF (quote ngược), nên nhìn diễn biến trên chart nó sẽ nghịch nhau)
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro