trans: Mai Vũ
r/nosleep
u/gretelcat (16.1k points - x1 gold)
Một học trò của tôi đã nộp bài tập "Nhân chứng lịch sử sống" đầy rợn người.
[Bài này có bạn dịch rồi, nhưng mà hay quá nên mình muốn dịch lại cho những bạn chưa đọc nè.]
Một trong những điều tệ hại nhất với cái nghề giáo viên Lịch Sử cấp hai là cái bài "Nhân chứng lịch sử sống" vớ vẩn cứ cuối mỗi kỳ. Đám học sinh phải ngồi nói chuyện với ông bà chúng và quay, ghi âm, hoặc viết lại những ký ức xưa cũ nhất để giữ lại chút ít gì đó của một thời đã qua (và để nâng điểm trung bình nữa).
Tôi đã làm trò này 17 năm rồi, và khi ngồi lướt qua những bài nộp lần này, tôi đã nghĩ nội dung của chúng cũng nhàm, mà có khi còn nhàm hơn bình thường nữa. Dù sao lứa này cũng không hẳn sáng dạ gì.
Nên tôi về nhà, rót một ly rượu vang, và chuẩn bị tinh thần cho một đêm dài đầy những "Hồi tao bằng mày tao chỉ có 2 cặp quần thôi", những "Anh tao lấy báo tét đít tao vì tao lỡ tung quả bóng chày vào sân hàng xóm". Và tất nhiên, những bài này không thể thiếu những bình luận già nua mà trong sáng, siêu phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính tới nỗi tôi chỉ có thể lắc đầu cười trừ.
Thế này, trong lớp tôi có một cô học sinh tên là Olivia. Em có chút mũm mĩm, trầm tính, điểm luôn giữ vững ở mức B. Tôi đã nghĩ bài làm của em cũng nhạt nhòa như em thôi, và có lẽ đó cũng là lý do vì sao tối hôm đó tôi lại rợn lòng tới vậy.
Vì một lý do nào đó, Olivia đã nộp hẳn 2 đĩa, nên tôi mở đĩa có ghi chữ "phỏng vấn" đầu tiên. Màn hình TV giật 2 cái trước khi khung cảnh một phòng khách mờ mờ hiện lên. Nơi đó không khác gì địa ngục của một kẻ tích trữ đồ. Olivia đang ngồi co rúm trên chiếc ghế tựa, tay cầm chặt quyển vở, như một con thú nhỏ đáng thương. Đối diện với em là một người đàn ông với vẻ ngoài sầu muộn, tay cầm điếu thuốc, nhìn em đầy vẻ mong đợi.
"Bắt đầu đi," một giọng nữ thỏ thẻ từ phía sau ống kính. Đôi mắt bi ve của Olivia lướt tới màn hình, rồi lại quay về với người đàn ông.
"Tôi đang ở đây với cụ Stephen," em mở lời, gần như là thì thầm. "Cụ sẽ nói cho chúng ta về ký ức xa xưa nhất, từ khi cụ còn trong quân đội."
Cụ Stephen nhìn như cụ thà đập đầu vào gối mà chết còn hơn là ngồi ở đó, nhưng cụ vẫn ngồi kiên nhẫn đợi cô cháu gái mình hỏi.
Không có gì ngạc nhiên, Olivia đọc y nguyên văn những câu hỏi trong tờ gợi ý của tôi. Cụ trả lời từng câu một, cộc lốc. Vài lần tôi còn nghe thấy mẹ em thì thào "Nói to lên nào, Olivia" từ phía sau. Mấy thứ nhàm chán thông thường thôi.
Nên tôi đã ngạc nhiên biết mấy lúc Olivia đặt cuốn sổ xuống và hỏi, "Cụ có thích làm bộ đội không ạ?"
Một câu hỏi hoàn toàn không chuẩn bị trước. Cụ Stephen nhả ra một chùm khói trắng. "Không. Nhưng được đi đây đi đó cũng tốt."
"Cụ đi đâu ạ?"
"Balkans."
"Uh-huh," em nói. Tôi không nghĩ em biết Balkans là nơi khỉ gió nào, và đúng thật, em cất tiếng hỏi, "Baukiss khác ở đây nhiều lắm đúng không ạ?"
"Ừ."
Mẹ em ho nhẹ từ phía sau, có lẽ đang động viên cụ Stephen nói rõ hơn.
Nhưng trông Olivia có vẻ thật sự quan tâm đến chủ đề này. "Cụ Stephen," em hỏi, "Ký ức tồi tệ nhất trong quân đội của cụ là gì ạ?"
Ông cụ dí đầu điếu thuốc vào khay tro rồi chầm chậm đứng lên. "Đợi ta tí," cụ lầm bầm. Màn hình tối đen.
Khi TV sáng trở lại, mọi thứ vẫn y nguyên trừ việc giờ cụ Stephen đã có vài tờ giấy đựng trong túi nhựa đặt lên hàng mấy chục mấy thứ linh tinh trên chiếc bàn uống nước. Trên tay cụ là một tờ.
"Ta vẫn chỉ là một đứa bé khi ta đi đăng ký," cụ nói, nhìn Olivia. "Tầm tuổi anh cháu," cụ tiếp tục. Olivia gật đầu. "Ta chưa từng tận mắt thấy cuộc chiến nào. Cả hai lần được cử đi làm nhiệm vụ, ta đều đến những thành phố Đông Âu đã bị những cuộc nội chiến phá hủy tới tan hoang. Cái gì cũng lộn xộn hết cả lên. Ta thấy ta đéo khác gì một gã lao công."
"Ahem!" mẹ em ho lớn.
Cụ Stephen thở dài, mắt vẫn nhìn tờ giấy trên tay. "Binh đoàn của ta được cử đến một ngôi trường đã lụi tàn từ những cuộc tấn công. Cửa sổ vỡ sạch, phòng thì sập xệ - và vì một lý do nào đó, điều khiến ta lạnh gáy nhất là ngôi trường vẫn như thế này tới vài năm rồi, trước khi bọn ta đến đó. Chẳng ai thèm động tay động chân để sửa sang gì. Tôi thấy lũ trẻ đi qua, trong lúc đang ăn xin hoặc làm cái cứt đái gì-"
Ống máy quay chĩa xuông sàn nhà và tôi nghe thấy tiếng thì thào gắt gỏng của mẹ em với cụ Stephen. Tôi không nghe rõ được gì, nhưng cũng không khó để đoán ra.
"Thế có muốn nghe chuyện không hả?" tôi nghe thấy tiếng cụ đáp. "Thế thì để tôi kể nốt theo cách tôi muốn."
"Mẹ," Olivia nói chêm vào. "Đừng ngắt lời cụ nữa."
"Cái bài này có phải thuyết trình trên lớp không?"
"Không ạ, chỉ cần nộp cho giáo viên thôi."
"Ta chắc gã đó có nghe từ cứt đái rồi," cụ Stephen thốt lên một câu cũng giúp ích lắm. Tôi không phải là 'gã', nhưng dù sao thì cụ cũng nói đúng.
Máy quay lại được dựng lên và sau vài lần chỉnh focus, cảnh quay lại y như lúc trước.
"Ahh ta lại nói nhiều quá rồi," cụ rền rĩ. Cụ nhấc tờ giấy trong tay lên, đưa tới sát mặt. "Trong căn hầm đó, ta tìm thấy lá thư này. Ta không đọc được nhưng một cậu bạn đã dịch lại cho ta. Nên giờ ta sẽ đọc cho cháu nghe. Và ta sẽ nói cho cháu điều ta thấy ở dưới căn hầm ấy."
Sống lưng tôi lạnh toát. Mẹ em phóng to vào cụ Stephen và cả lá thư của cụ. Đôi bàn tay gân guốc của cụ khẽ run khi cụ giơ tờ giấy lên. Đây là những gì cụ đọc:
Thưa ngài,
Tôi chưa từng một lần yêu đất nước này. Đã có quá nhiều các cuộc đụng độ lấy danh nghĩa yêu nước, một thứ quyền lực giờ chỉ còn thoi thói giữa những mảnh vỡ của một vùng đất đã từng hùng mạnh, nhưng tôi không quan tâm tên quốc gia mình trên bản đồ là gì. Cuộc chiến này thật vô nghĩa và tôi cố tránh đi, càng xa càng tốt.
Vợ con tôi chết không phải là vì những cuộc tấn công hay những bạo loạn này. Họ chết vì nhiễm bệnh. May sao, con tôi đã không phải chịu đựng nhiều. Nhưng Nadja thì không. Tôi cứ đứng lặng trong đau đớn, biết rằng mình chẳng thể làm gì để giúp họ. Niềm an ủi duy nhất là tôi biết tôi sẽ đồng hành với họ, trên mọi chặng đường. Một ngày nọ, tôi không đi làm nữa, và cũng chẳng ai bắt tôi đến. Có lẽ họ còn không nhận ra sự vắng mặt của tôi. Vì ngôi trường chỉ cách nhà tôi một cánh đồng, thậm chí đứng từ trong nhìn ra có thể thấy toàn cảnh ngôi trường ấy, sẽ chẳng khó gì khi chỉ cần đi làm vài tiếng rồi về nhà chăm lo cho vợ con tôi. Nhưng để làm gì chứ? Tôi chỉ biết lau nhà thôi. Trong thế giới này tôi cũng vô dụng như với vợ con tôi vậy,
Tôi đã cố đưa Nadja tới viện, nhưng chặng đường ấy mới dài và gian nan làm sao. Tôi đưa em về nhà, và em qua đời tối hôm ấy.
Sau khi Nadja cùng con tôi từ giã cuộc đời...well, tôi cũng không nhớ nhiều. Tôi cứ luẩn quẩn trong đống đổ nát mà tôi gọi là nhà, chẳng ăn cũng chẳng ngủ, và cứ lởn vởn cái ý nghĩ muốn tự sát trong đầu. Dù nghe có hấp dẫn tới thế nào, tôi bị chính sự vô vọng của bản thân làm tê liệt.
Thứ duy nhất giữ cho tôi tỉnh táo là chiếc radio nhỏ của mình. Tôi chưa từng tắt nó đi. Dù tôi không nghe những câu chữ phát ra từ nó - thật ra, kênh duy nhất tôi có thể nghe rõ là một kênh tiếng Anh (hình như vậy), một ngôn ngữ tôi không biết. Nhưng những giọng nói ấy, những giai điệu ấy, và cả việc sự sống vẫn đơm hoa kết trái bên ngoài thành phố chết chóc này đã giữ cho tôi tồn tại.
Không biết đã trôi qua bao lâu, cho tới khi ánh mặt trời lại le lói vào khe cửa nhà tôi. Cơn đói khiến tôi chóng mặt, nên tôi lập tức đi tìm đồ ăn. Đương nhiên, tôi cũng mang chiếc radio đi cùng. Từ lúc tôi trèo ra được khỏi cái vực sâu do chính trí óc tôi đào, nó vẫn luôn kề sát bên tôi. Lúc tôi ngủ, nó cũng nói với tôi; lúc tôi thức, nó cũng thì thầm những lời vô nghĩa với tôi. Tôi không hiểu những điều nó nói, nhưng tôi biết không có nó, tôi đã đoàn tụ cùng Nadja và bé con của tôi từ lâu rồi.
Một khi tôi đã có chút lương thực cùng nước, tôi nhận ra điều duy nhất còn sót lại là đi làm. Nên tôi đã làm vậy. Buổi sáng hôm sau, tôi cứ thế mà quay lại ngôi trường kia, hoàn thành nhiệm vụ của một gã lao công.
Chẳng ai trách cứ gì tôi. Như tôi nói, Nadja đã lâm bệnh rất lâu, và tất cả mọi nhân viên trong trường đều biết. Tôi mừng lắm, khi chẳng ai bắt tôi đến làm trong những tháng ngày gian khổ nhất đời mình. Các giáo viên bình thường cũng chẳng nói gì nhiều với tôi, nhưng chúng tôi luôn mỉm cười mỗi khi gặp nhau ở hành lang và có lẽ cái sự tôn trọng đôi bên ấy cũng là lý do tôi quay lại.
Nơi này đã gần như hóa hoang tàn từ lúc tôi nghỉ việc, nên tôi cứ thế mà lấy chiếc chổi cùng tấm khăn từ tủ đồ và bắt tay vào lau dọn. Ai cũng mừng vì tôi đã trở lại, tôi biết mà. Và tuyệt nhất là chẳng ai thấy chiếc radio của tôi phiền cả. Tôi mang nó để khắp nơi, vặn nhỏ âm lượng để đám trẻ có thể tập trung học. Chẳng ai than phiền gì cả. Mà thật ra, tôi nghĩ là họ cũng thích nó đó.
Ngôi trường không rộng lắm, nhưng lại cần bảo trì thường xuyên. Sàn nhà luôn nhớp nháp và dính vết, nên tôi dành hầu hết thời gian lau nhà. Trẻ con thì hay bừa bộn mà - chắc vì thế mà tôi vẫn giữ được việc. Đôi khi tôi phải dịch chuyển đồ đạc để sàn nhà được sạch sẽ tuyệt đối, nhưng tôi tự hào lắm.
Và còn cả vụ sửa chữa bảo hành nữa chứ! Đồ trong trường thì hay cần chỉnh sửa, và tôi vẫn sẵn sàng giúp đỡ thôi. Có lúc thì tôi ngồi sửa lại cái bàn, miệng huýt điệu sáo theo đoạn nhạc trong chiếc radio, khi khác tôi lại xử lí những vấn đề phức tạp hơn chút. Những lúc ấy, tôi thật sự thấy mình có ích, như một mắt xích quan trọng trong cả một hệ thống lớn. Làm sao mà ngôi trường này có thể tồn tại mà không có tôi được? Phải mất rất lâu, nhưng một lần nữa, cuộc đời tôi lại có ý nghĩa.
Có một nhà kho lớn phía sau ngôi trường chất đầy những thức ăn khô. Tôi được thỏa sức lấy đồ trong đó thay cho lương, và tôi không phàn nàn gì - có tiền để làm gì chứ? Tôi thường mang đồ ăn về ngôi nhà chỉ cách đó một cánh đồng, nhưng khi tôi bắt đầu ngủ dưới căn hầm, cũng chẳng ai để ý. Ngôi trường này quá quan trọng với tôi, và tôi phải canh gác cẩn thận nó.
Cứ mỗi khi tôi mơ màng trong chuỗi ký ức về người vợ hiền cùng đứa con xinh, tôi lại vặn to tiếng chiếc radio lên, một nỗ lực để nhấn chìm những suy nghĩ chết người kia. Và lần nào, tâm hồn tôi cũng lại thanh thản.
Cho tới sáng hôm nay.
Vì sáng hôm nay, khi tôi tỉnh dậy, xung quanh im lặng như tờ.
Tôi hốt hoảng kiểm tra chiếc radio. Thật sự thì tôi còn chẳng nhớ mình đã mang chiếc radio cùng từ bao giờ rồi. Phải chăng nó đã đi tới giới hạn và cứ thế mà hỏng thôi? Tôi đã dành cả ngày ngồi sửa rồi, gương mặt đầm đìa nước mắt. Không có nó tôi sẽ điên mất.
Khi hoàng hôn buông cũng sẽ là lúc tôi chấm dứt mọi thứ. Nếu tới lúc đó tôi vẫn không sửa được, tôi sẽ kết liễu đời mình. Tôi viết những dòng này vì những tia sáng cuối cùng đã le lói phía chân trời xa kia, và số phận của tôi đã định.
Tôi đã nghĩ tới việc đi quanh những hàng lang ngôi trường này một lần sau cuối, nói lời tạm biệt với giáo viên và học sinh. Tôi biết họ sẽ nhớ tới tôi. Nhưng tôi không thể rời khỏi căn hầm này. Tôi không thể đi tới bất kì đâu, khi chiếc radio vẫn nằm không sức sống trong đây.
Tôi đã cạn nước mắt rồi. Mỗi hơi thở hắt đau đớn tưởng chừng như là hơi thở cuối cùng. Tôi nôn ra chút ít thức ăn còn lại trong dạ dày, và tôi lại chóng mặt rồi, như khi Nadja chết vậy. Tôi đã chẳng còn vương vấn cõi trần nữa.
Nhưng trước khi tôi ra đi, tôi đã đóng chặt cửa phòng và lấy một chiếc ghế ra chặn. Đây là căn phòng duy nhất dưới hầm, có gắn một khung cửa sổ be bé vừa đủ để tôi nhìn rõ. Nếu có ai có chút lòng thành mà đi tìm tôi, thì xin trời đừng để họ nhìn thấy cảnh tượng ghê rợn này. Có lẽ họ sẽ thấy được cánh cửa đóng chặt, ngửi được thân xác thối rữa này đây, và cứ thế mà quên đi sự tồn tại của tôi.
Nhưng tôi đã để chiếc radio cùng tờ giấy này phía ngoài. Thưa ngài, nếu ngài đang đọc những dòng này, tôi có một thỉnh cầu nhỏ: xin hãy sửa nó. Hãy cứu chiếc radio của tôi đi. Nó chẳng tội gì mà phải chết trong giấc ngủ không an lành, và thật hổ thẹn làm sao khi tôi chẳng thể làm nó sống lại.
Giờ thì tôi đã sẵn sàng đoàn tụ với Nadja và bé Ludmilla trên thiên đàng rồi. Tôi mong ngôi trường sẽ tìm được một người lao công khác, một người sẽ yêu thương và chăm sóc cho nó như tôi đã từng làm.
Thời khắc đã đến rồi. Xin đừng quên chiếc radio của tôi.
Stanislav
Khi chiếc máy quay thu dần ra, Olivia đã rưng rưng nước mắt. "Cảm ơn cụ vì đã chia sẻ," mẹ em nói, giọng nghẹn lại. "Con nghĩ là đủ rồi đó."
"Khoan đã!" Olivia kêu lên. "Cụ nói vẫn còn mà. Cụ tìm thấy gì vậy ạ?"
Trước khi cụ Stephen kịp mở miệng, màn hình tắt phụt. Tôi há hốc mồm. Thế thôi sao? Cụ Stephen thấy gì vậy?
Rồi tôi nhớ tới cái đĩa thứ hai. Một chiếc CD không ghi chú, nhưng tôi mong phần còn lại của cuộc phỏng vấn sẽ nằm trong này.
"Con chào cô Gerrity. Con xin lỗi vì mẹ con nha, nhưng mẹ con không cho con ghi âm lại phần cuối của câu chuyện cụ Stephen. Nhưng con đã xin cụ kể tiếp, và đã bí mật ghi âm lại bằng điện thoại. Con nhớ hồi đầu năm, cô đã nói rằng lịch sử được những kẻ thắng ghi lại." Em hít sâu một hơi, muốn ngăn lại những giọt nước mắt chực trào. "Nhưng lịch sử của ai cũng quan trọng cả, dù cho họ có là những kẻ buồn bã, đáng thương và dù cho họ chưa từng chiến thắng tới một lần. Con vẫn luôn trằn trọc từ cái đêm mà con làm xong bài tập này, nhưng cô cần phải nghe tiếp câu chuyện của cụ con."
Mắt tôi cũng đã ngấn nước. Cái chân thật trong từng câu chữ của em thật đẹp làm sao. Tôi cũng tự hào lắm vì em vẫn nhớ mấy câu nói mà tôi quăng bừa ra chỉ vì giáo viên Lịch Sử hồi trước của tôi cũng nói.
Trước khi tôi kịp vui trở lại, tiếng nói lại phát lên từ màn hình.
"Được rồi," giọng mẹ Olivia thốt lên đầy bực dọc. "Con muốn nghe nốt thì cứ nghe đi, nhưng cái này không phù hợp với bài tập của con đâu."
"Để tôi kể nốt," cụ Stephen gắt lên. "Nếu cô thấy sợ thì đi vào trong bếp mà gặm cái gì đi. Nhưng Olivia muốn biết chuyện xảy ra."
Tôi nghe thấy tiếng mẹ em lầm bầm gì đó và đi khỏi. Trong phòng chỉ còn độc Olivia cùng cụ. Tôi tưởng tượng ánh mắt mong chờ của em, nhìn ông cụ chằm chằm.
"Vậy cụ có tìm thấy chiếc radio không ạ? Hay lúc ngôi trường bị đánh bom thì nó cũng hỏng rồi ạ?"
Cụ ho nhẹ một tiếng, lấy chiếc bật lửa ra. "Lá thư kia," cụ chầm chậm nói, "có ghi ngày tháng."
"Ngày gì đó ạ?" cô bé nhanh nhẩu hỏi.
"Là hai tuần trước khi chúng ta bắt đầu xây lại ngôi trường đó."
"Nhưng cụ bảo là ngôi trường này sập từ hai năm trước rồi mà?"
"Ừ," cụ đáp. "Đúng vậy đó."
Giữa khoảng im lặng chết chóc, từng sợi lông tơ trên tay tôi dựng ngược. Những hình ảnh xuất hiện trong tôi đầu dường như quá đỗi kinh khủng để nói thành lời, nhưng cụ Stephen diễn giải trôi chảy tới ngạc nhiên. Có lẽ cụ đã dành cả cuộc đời nghĩ về nó rồi.
"Người đàn ông này, Stanislav này, đã tới một ngôi trường hoang tàn sập xệ và lau dọn máu thịt cùng phế thải như lau nhà quét bụi bình thường. Ông ta cười với những xác người trên hành lang và tin rằng họ cũng cười lại với mình vì họ thích chiếc radio đó. Ông di chuyển các xác chết để có thể quét phần đất nơi họ nằm. Phần mái đã thủng tới một nửa rồi, nên cứ mỗi khi trời mưa, chắc ông cũng ướt sũng cả người nhưng ông đã hoang tưởng tới độ không còn cảm nhận được gì nữa." Tiếng Olivia khóc cứ văng vẳng bên tai tôi. "Ta cũng tìm thấy cái nhà kho mà ông ấy viết trong bức thư. Toàn những đồ hộp và đồ muối mà ta chắc vị cũng tởm đéo chịu được. Hầu hết đống đồ đều mốc meo hết cả rồi."
"Cụ-cụ có thấy xác ông ấy không ạ?"
"Có. Ông ấy treo lửng lơ trên trần nhà nhưng vẫn... sống động tới kì lạ. Cơ thể ông vẫn chưa thối rữa. Ông chỉ mới chết thôi mà."
"Trông ông ấy có thanh thản không ạ?" em hỏi, câu hỏi chất chứa biết bao niềm tuyệt vọng.
"Không biết được. Mùi kinh tởm lắm, mặt ông ấy xanh lè còn mắt thì lòi hết cả ra. Như này này." Tôi tưởng tượng ông cụ diễn tả lại.
"Còn chiếc radio thì sao ạ?" Olivia nấc lên.
Tôi nghe thấy tiếng cụ Stephen rít một hơi thuốc dài. "Nó vẫn ở đó thôi. Và nó vẫn bật."
____________________
Link Reddit: https://redd.it/72gvtc
____________________
Xem thêm bài dịch của mình tại: https://redditvn.com/user/100004275186635
Dịch bởi mikeymoo | https://redditvn.com/write
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro