Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Đề thi thử và đáp án

*Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:

«Lòng tự trọng là một động cơ cực kì quan trọng trong đời sống cá nhân và xã hội.

Đối với cá nhân, vì biết tự trọng, nên ta kìm hãm biết bao thú tính; ta cố sức làm nảy nở các khả năng tinh thần để xứng đáng là loài cao quý nhất trong vạn vật; ta không chịu hãm mình trong vòng ngu dốt, cũng không chịu để cho lương tâm hay đời tình cảm khô khan, nghèo nàn, tối tăm, thô bạo như con người nguyên thủy buổi thái sơ.

Lại cũng vì tự trọng, ta có đủ nghị lực giá ngự được nội tâm, khiến cho thất tình (1) phát ra trúng chỗ không mất thăng bằng; nhờ vậy mà ta sẽ tự luyện để ứng phó với cuộc đời, đi đến chỗ: “giàu sang không đắm đuối say mê, nghèo hèn không biến tiết, đổi lòng, gặp kẻ mạnh, không chịu uốn gối, khom lưng”, tóm lại, đứng trước mọi biến cố ở đời, đều ung dung thích thảng (tự tại).

Đối với mọi người trong xã hội, người tự trọng cẩn thận lời nói, cách cử chỉ, không a dua xiểm nịnh cũng không cậy quyền hống hách, biết giữ lòng trung thực, hòa nhã, kính cẩn; tuy ngạo người khỏe mà không hiếp kẻ yếu, chẳng thà chịu chết còn hơn để mất phẩm giá của mình».

(Theo Nghiêm Toản - Luận văn thị phạm) (1): Thất tình (thất: bảy, tình: tình cảm - bẩy cung bậc tình cảm: vui, giận, buồn, sợ, yêu, ghét, ham muốn).

Câu 1. Xác định các thao tác lập luận trong đoạn trích. (0,5 điểm)
Câu 2. Vấn đề trọng tâm tác giả muốn làm nổi bật là gì? (0,5 điểm)
Câu 3. Xác định và phân tích giá trị nghệ thuật của phép liên kết sử dụng trong đoạn trích. (1,0 điểm)
Câu 4. Trình bày ngắn gọn ý kiến của anh/chị về lòng tự trọng. (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)
Dựa vào những nội dung trong phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về quan điểm: Mỗi công dân có lòng tự trọng thì dân tộc sẽ tự cường.

Câu 2. (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về chi tiết “Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá!” mà nhân vật Chí Phèo cảm nhận được sau đêm gặp Thị Nở (Chí Phèo- Nam Cao, Ngữ văn 11, Tập một) và chi tiết “Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bối hối” mà nhân vật Mị nghe được trong đêm tình mùa xuân (Vợ chồng A Phủ- Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập hai).

Thao tác lập luận phân tích, bình luận. 0,5
2 - Lòng tự trọng là một động cơ cực kì quan trọng trong đời sống cá nhân
và xã hội 0,5
3 - Phép liên kết: phép lặp “tự trọng”, “đối với..”, phép nối “Lại cũng…”
- Tác dụng: nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của lòng tự trọng trong sự hình thành nhân cách, trưởng thành mỗi người và trong quan hệ với cộng đồng, tập trung gây ấn tượng với người đọc để ý thức sự cần thiết phải rèn luyện có lòng tự trọng, tạo sự liên kết chặt chẽ về nội dung và hình thức của văn bản.
1,0
4 - Học sinh nêu được quan điểm bản thân về lòng tự trọng:
+ Lòng coi trọng và giữ gìn phẩm cách của bản thân, là lòng tự quý mình, tự coi mình có giá trị.
+ Tư cách và giá trị của bản thân trong lối sống, trong cách làm việc, trong các quan hệ với mọi người.
+ Là cơ sở để tạo nên các đức tính khác, là phẩm chất, lối sống cần thiết
đối với mỗi người… 1,0

III. Nghị luận xã hội.

1 Yêu cầu về hình thức:
- Viết đúng 01 đoạn văn, khoảng 200 từ.
- Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu…
Yêu cầu về nội dung:
Vấn đề bàn luận: Vai trò, trách nhiệm của việc giữ gìn phẩm cách, đạo đức của mỗi cá nhân trong mối quan hệ với cộng đồng, đất nước.
- Mỗi cá nhân là thành phần của xã hội nên sự ý thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân - lòng tự trọng sẽ tạo thành công và góp phần làm đất nước phát triển, khẳng định vị thế, sánh vai các nước khác ví dụ người tự trọng sẽ sống có lí tưởng, sống tự lập, trong công việc chính trực chí công vô tư, nhiệt tình sáng tạo, đóng góp cho cuộc sống, tôn trọng mọi người và những quy định chung, sẵn sàng hi sinh, thực hiện nghĩa vụ của công dân đối với đất nước…
- Nếu mỗi người không có lòng tự trọng sẽ gian dối, sống phụ thuộc, suy nghĩ và hành động lệch lạc, vị kỉ, bất chấp lợi ích xã hội, thiếu đạo đức, thiếu kỉ luật khiến cộng đồng, đất nước chịu những ảnh hưởng tiêu cực.
- Tự trọng là đức tính cần thiết cho con người thời kì hội nhập. Mỗi cá nhân cần rèn luyện tu dưỡng đạo đức, phù hợp với chuẩn mực xã hội, siêng năng học tập, làm việc trở thành con người có nhân cách, mang lại thành công cho bản thân, cống hiến cho cộng đồng, tạo nền móng cho sự
phát triển “tự cường” của đất nước.

- Học sinh cần đưa những dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu để minh họa, tăng sức thuyết phục cho luận điểm.

IV. Nghị luận văn học.

A. Yêu cầu về kĩ năng:
Biết cách làm bài văn nghị luận văn học dạng so sánh, bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, vận dụng linh hoạt các hình thức lập luận, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

B. Yêu cầu về kiến thức:
Bài viết có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo những nội dung cơ bản sau:

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Nam Cao là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc, nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn. Chí Phèo là kiệt tác về bi kịch tha hóa và bị cự tuyệt quyền làm người của người nông dân nghèo, kết tinh phong cách nghệ thuật độc đáo của nhà văn. Chi tiết “Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá!” là một trong những chi tiết đặc sắc thể hiện giá trị nhân đạo của tác phẩm.
- Tô Hoài là nhà văn lớn có nhiều thành tựu khi viết về đề tài miền núi. Vợ chồng A Phủ thể hiện một cách xúc động cuộc sống tủi nhục của đồng bào miền núi Tây Bắc dưới ách phong kiến, thực dân và tinh thần đấu tranh của họ để tự giải phóng. Tác phẩm có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc với nhiều chi tiết đặc sắc, tiêu biểu như chi tiết “Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi”.

2. Phân tích
a. Chi tiết “Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá!” trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao
- Về nội dung:
+ Chí Phèo là một đứa con rơi, ra đời trong cái lò gạch cũ. Khi lớn lên, làm canh điền cho nhà Bá Kiến, bị Bá Kiến ghen tuông nên Chí bị đi ở tù. Thời gian sau, Chí Phèo trở thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại” tác oai tác quái dân lành.
+ Cuộc gặp gỡ với Thị Nở và trận ốm đã làm cho con quỷ dữ trong Chí Phèo có sự thay đổi cả về tâm lí và sinh lí.
+ Từ khi ở tù về, đây là lần đầu tiên Chí Phèo hết say, hoàn toàn tỉnh táo. Lần đầu tiên Chí Phèo nghe thấy những âm thanh quen thuộc của cuộc sống xung quanh: tiếng chim ríu rít, tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá … tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá, tiếng cười nói, trao đổi bán vải của mấy người đàn bà đi chợ… Những âm thanh như tiếng gọi tha thiết của cuộc sống bằng phẳng, lương thiện.
+ Khi tỉnh táo Chí thức tỉnh những cảm giác người, nhìn lại cuộc đời mình trong quá khứ, hiện tại, tương lai, nhận thức tình trạng bi đát, tuyệt vọng.

- Về nghệ thuật:
+ Là chi tiết quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, khắc họa sâu sắc nét tính cách và bi kịch của nhân vật.
+ Chi tiết tỏa sáng tư tưởng của tác phẩm: phẩm chất người không bao
giờ mất đi ngay cả khi họ bị mất cả nhân hình và nhân tính.
b. Chi tiết “Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi” trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài

- Về nội dung:
+ Mị là người con gái dân tộc H’Mông vì món nợ truyền kiếp của cha để lại đã bị thống lý Pá Tra bắt về làm con dâu gạt nợ. Mị bị chà đạp cả về thể xác lẫn tinh thần. Ở lâu trong cái khổ, dưới ách áp bức nặng nề của thế lực phong kiến và thần quyền miền núi, Mị sống lầm lũi cam phận như con rùa nuôi nơi xó cửa. Mị bị tê liệt về đời sống tinh thần, sống mà như chết, không còn ý niệm thời gian.
+ Mùa xuân về trên miền núi cao Tây Bắc đẹp rực rỡ sắc màu với những chiếc váy hoa, tiếng cười nói của đám trẻ chơi quay đợi Tết… đặc biệt tiếng sáo gọi bạn tình mùa xuân làm thức dậy trong Mị ý thức về tình yêu, hạnh phúc và lòng khát khao cuộc sống tự do.
+ Tiếng sáo khơi dậy trong Mị sức sống tiềm tàng để Mị không chỉ ý thức mà còn hành động: lén lấy hũ rượu uống ực từng bát, xắn mỡ bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng, quấn lại tóc, với tay lấy váy hoa, chuẩn bị đi chơi…

- Về nghệ thuật:
+ Là chi tiết góp phần làm thay đổi trạng thái tâm lý của Mị, diễn tả các cung bậc cảm xúc, giúp người đọc khám phá chiều sâu nội tâm nhân vật.
+ Cảnh sắc thiên nhiên độc đáo với những phong tục tập quán riêng góp phần bộc lộ chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

3. Về nét tương đồng và khác biệt
- Sự tương đồng:
+ Là những âm thanh diệu kì, len lỏi vào tận sâu thẳm tâm hồn tưởng như đã chết của nhân vật để khơi dậy trong họ niềm ham sống và khao khát sống mãnh liệt.
+ Là những chi tiết khẳng định giá trị nhân đạo của hai tác phẩm
+ Khẳng định tài năng miêu tả tâm lí sống động.

- Sự khác biệt:
+ Âm thanh “Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá!” là âm thanh quen thuộc của cuộc sống thường ngày, hôm nay Chí mới được lắng nghe bởi chỉ đến hôm nay Chí hoàn toàn tỉnh táo, cảm nhận người trở lại. Đó là âm thanh của khao khát hòa nhập cuộc sống đời thường, khao khát được làm người lương thiện của một con người không có quyền làm người.
+ Âm thanh “tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi” là tác nhân quan trọng giúp Mị từ một con người tê dại, vô cảm giờ đây sống lại, Mị quên đi thực tại nghiệt ngã đắng cay quay về với những tháng năm êm đềm, hạnh phúc của tuổi trẻ, tình yêu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #onthi