Cong Tu Bac KLieu
Chương 1
Từ Paris cậu Ba điện sẽ về tháng tới
Xứ Bạc Liêu - Ông Hội đồng đổi mới cửa nhà
Mấy ngày nay, Nhà Lớn thật là rộn rịp. Nhà Lớn là tên thiện hạ đặt cho toà nhà nguy nga nằm dọc bờ sông Bạc Liêu, cách cầu Quay vài trăm thước. Đây là biệt thự lầu, kiến trúc tối tân, cất theo kiểu nhà Tây trên Sài Gòn. Ai đi ngang qua cũng phải ngắm nhìn và trầm trồ khen đẹp. Tòa nhà này làm cho các tham biện chủ tỉnh Tây cũng phải ganh tỵ so với dinh chủ tỉnh, nó chỉ thua về diện tích, nhưng ăn đứt hình dáng bên ngoài và trang trí nội thất bên trong. Đây là nhà của ông Hội đồng Trạch, đại điền chủ số một trong tỉnh Bạc Liêu. Mấy tiếng "đại điền chủ số một trong tỉnh Bạc Liêu" chưa giúp các bạn hình dung được cơ nghiệp của ông Hội đồng, cần giở sổ bộ điền đất để có vài con số cụ thể.
Mười lăm đại điền chủ đứng đầu trong tỉnh Bạc Liêu là vài người Việt Nam bên cạnh đa số là người Tàu và tám người Pháp. Hội đồng Trạch - Trần Trinh Trạch - chiếm số một với 110000 mẫu ruộng và nhiều sở ruộng muối nữa. Đứng số 2 là Vưu Tung với 75000 mẫu ruộng, Châu Oai đứng hạng ba với 40000 mẫu, Cao Triều Phát, lãnh tụ Cao Đài đứng hạng tư trước Hùynh Hữu Phước, kế tới Quách Ngọc Đống. Tám chủ điền Tây xếp hành ở sau với những tên Humelin, Grégoira, Gressier, Éméry...
Nhà Lớn rộn rịp về bức điện Cậu Ba từ Paris đánh về. Cậu Ba cho biết cậu đã "thành tài" và đang đáp tàu về nước. Chiếc Aramis sẽ cập bến Nhà Rồng vào tuần tới đây. Ông Hội đồng giở lịch xem ngày: còn đúng một tuần nữa thằng con cưng của ông sẽ về. Phải sửa soạn lên Sài Gòn rước nó. Rồi phải làm tiệc tùng trước cúng kiếng ông bà đã phù hộ nó đi tới nơi về tới chốn, học hành đỗ đạt làm rạng rỡ ông bà cha mẹ, sau đãi đằng bà con và các vị tai mắt trong tỉnh để họ biết dòng họ Trần Trinh Trạch xứng đáng là danh gia vọng tộc.
Hội đồng Trạch có ba người con trai nhưng chỉ cưng nhất nhà là cậu Ba. Tại sao? Cậu Hai - Trần Trinh Đinh gọi là cậu Hai Đinh. Cậu Ba tên Trần Trinh Qui, gọi là Ba Qui. Ông Trạch khoái đặt tên con theo giống thủy tộc vì ông là Trạch, con ông phải là cua đinh, rùa (qui). Đứa con trai út cũng mang tên một loài sống dưới nước nhưng lại được gọi là cậu Tám Bò vì thói quen bò xuống lầu để đi la cà tán gái trong đêm. Cậu Hai Đinh học hành cũng khá, đậu Đíp lôm rồi học ban tú tài nhưng ông hội đông gọi về trông coi điền đất giúp ông. Theo ông thì "dân cậu" chỉ cần học tới đó thôi, miễn đủ sức nói tiếng Tây giòn rụm như bẻ củi cho mấy thằng Tây trọng nể là được rồi. Học nhiều, dẫu kỹ sư, bác sỹ cũng kiếm tiền không nhiều bằng mấy ông chủ điền. Cậu Hai Đinh nghe lời ông Hội đồng bỏ học về trông coi điền đất, Cậu sớm thấy làm chủ điền không nhàn như thiên hạ nghĩ, bởi vì đến mùa, phải đấu trí ác liệt với đám "chủ chành". Chủ chành là những người Tàu chuyên mua lúa gạo các tỉnh miền Tây, chở ghe chài lên Chợ Lớn bán, Mua rẻ bán mắc là nghề của chủ chàn. Bán hớ một chút là mất bạc ngàn bạc muôn. Cho nên phải cho người thân tín dòm ngó đám "chệt chành" lân la vô đất điền gạ tá điền bán lúa non. Đó là thủ đoạn cho vay tiền để nhà nông mua lúa giống, mua phân, tới mùa phải bán lúa rẻ cho chúng. Do cạnh tranh ráo riết từng ngày từng giờ với "chệt chành" mà cậu Hai Đinh quyết định nhờ tới nàng tiên nâu. Làm vài điếu thuốc phiện là tâm trí minh mẫn lạ thường, tình hình rối ren cách mấy cũng có cách giải quyết thần tình. Cậu Hai sắm bàn đèn, nằm nhà hút chớ không tới các tiệm hút ngoài chợ. Các tiệm này có bộ mặt đặt biệt là cánh cửa gió gắn kính đầy màu lục để lọc ánh sáng bên ngoài. Bước vô trong là lạc vào một thế giới khác hẳn, một thế giới mờ mờ, thơm tho. Các đi-văng gõ mát rượi với những chiếc gối sành cùng màu lục dịu mắt như mời mọc bạn nằm xuống, kéo vài hơi cho tỉnh người sau một ngày vật lộn với đời. Trước cửa tiện có gắn hai chữ RO tức Régie Opium, với nghĩa là công quản thuốc phiện. Hai chữ này đối lập với RA (Régie Alcool: công quản rượu trắng) gắn ở các tiệm bán rượu công xi.
Nhờ hút đầy đủ mà cậu Hai Đinh mập tốt, dáng người bệ vệ, mặt vuông chữ điền, Cậu thích mặc xà rông, chỉ khi nào có khách mới xỏ bộ pyjama vô cho phải phép. Mợ Hai lớn ở riêng. Nhà ở gần Cầu số 3 đường đi Vĩnh Châu. Cậu Hai ở với mợ Hai nhỏ, một thiếu phụ có đời chồng trước là người Miên làm tài xế cho ông hoàng Sihanouk bên Nam Vang. Ngoài ra cậu Hai còn có một cô vợ bé ngưới Cù Lao Giêng xinh đẹp như phần lớn các cô gái miệt vườn.
Nhà cậu Hai cũng rất bề thế ở xóm làng, kế bên có nhà máy xay lớn nhất tỉnh. Cậu Hai đã "an bài" nên ông HỘi đồng dồn hết tâm trí cho cậu Ba Qui.Cậu Ba đậu Đíp lôm rồi, một hai đòi đi Tây. Ông Hội đồng nói:
- Muốn lấy bằng cấp tú tài thì lên Sài Gòn học. Tao xin cho mầy vô trường Tây dễ dàng, Đi qua Tây làm chi cho xa xôi, tốm kém. Cậu Ba cự nự:
- Nhà mình bạc chứa cả kho mà ba hà tiện làm chi ba? Để cho con một bụng chữ còn hơn là để mấy chục ngàn mẫu ruộng. Học Chasseloup trên Sài Gòn thì thường quá! Có gì đáng hãnh diện đâu ba? Nếu ba cho con qua Tây học thì thiên hạ khắp nơi trong xứ Nam Kỳ lục tỉnh nầy ai cũng kính nể ba. Chừng con học thành tài, con kéo về một cô vợ đầm thì dòng họ Trần Trinh mình vang danh bốn biển!
Ông Hội đồng giẩy nẩy:
- Chớ có làm xằng! Muốn đi Tây thì tao cho đi Tây, mà cấm ngặt mầy không được cưới vợ đầm, Tao với má mầy chữ nghĩa không đầy lá mít, làm sao nói chuyện với con dâu "đầm hái nho" được?
Cậu Ba muốn gì được nấy, vui vẻ nói:
- Ba chịu cho con đi Tây rồi phải không? Còn chuyện lấy đàm làm vợ thì ba yên chí lớn đi! Con không dại như mấy cha trạng sư, bác vật võng về mấy bà vợ "đầm hái nho" đâu! Ba biết tại sao họ cưới vợ đầm mà xấu như ma lem không? Có gì khó hiểu đâu! Các cha đó vốn là học trò khó, kiếm tiền đóng học phí, trả tiền nhà trọ là cạn túi. Đâu có dư tiền để đi chơi bời ở các nhà hàng. Cho nên sẵn mấy cô bồi phòng, tha hồ ma chọc ghẹo, mà trai gái. Mấy con bồi phòng này là dân nhà quê lên Kinh thành Ánh Sáng để kiếm việc là, vừa nhẹ nhàng, vừa văn minh, vớ được các ông cử nhân tấn sĩ An Nam, dễ dầu gì các nàng buông tha. Vậy là các trạng sư bác vật "dính chấu"...
Ông Hội đồng cười hả hê. Ông hài lòng có thằng con thông minh hơn người. Nó biết nói như vậy thì ông yên chí lớn.
Thấm thoắt mà đã ba năm. Cậu Ba đã "thành tài" và sắp trở về "vinh quy bái tổ". Chỉ còn một tuần nữa thôi. Một mặt ông Hội đồng cho sửa soạn nhà cửa cho trang hoàng đẹp đẽ, một mặt ông sẽ sắm một chiếc xe hơi mới thay chiếc xe cũ nhân dịp lên Sài Gòn đón rước Cậu Ba.
Chiếc xe Ford đang dùng còn tốt, nhưng trong dịp đặc biệt này, cần sắm xe mới cho khách khứa biết mặt dòng họ Trần Trinh đúng là danh gia vọng tộc. Một ngày trước khi tàu Aramis cập bến Nhà Rồng, ông Hội đồng lên Sài Gòn mướn khách sạn Nam Kỳ trước bồn binh chợ Bến Thành. Ông cùng sốp-phơ tới hãng bán xe hơi ngay ngã tư Charner-Bonard (Nguyễn Huệ - Lê Lợi) chọn xe.
Mấy thằng Tây trong hãng nhìn ông khách có vẻ nhà quê mặc bà ba lục soạn trắng ngã màu phèn, đi giày hàm ếch, ôm cái mo cau căng phồng như là một quái vật hiếm thấy. Bất chấp vẻ khinh khỉnh của mấy thằng Tây, Ông Hội đồng bảo sốp-phơ xem kỹ chiếc xe tốt nhất, ra lịnh cho Tây mở cửa xe cho ông lên ngồi, chạy một vòng cho ông xem máy nổ có êm không. Chừng vừa ý, ông mở mo cau ra đếm tiền. Bọn Tây trố mắt nhìn, cả cọc giấy bộ lư (một trăm đồng). Bấy giờ chúng mới biết ông lão có vẻ nhà quê đó chính là đại điền chủ số một Nam Kỳ lục tỉnh.
Mua xe mới rồi, ông Hội đồng đắc chí bảo sốp-phơ:
- Có thằng con đi học bên Tây nay đã thành tài về nước, phải đi đón nó với chiếc xe nầy mới đúng điệu. Phải không mậy?
Văn phòng hãng tàu Messaferies Maritimes thông báo ngày giờ chiếc Aramis cập bến Sài Gòn. Đúng giờ nầy, bến cảng Nhà Rồng đông nghẹt. Thiên hạ tới đón thân nhân từ Pháp về, Gia đình ông Hội đồng đi hai chiếc xe hơi. Vào quán rượu nhâm nhi trong khi chờ đợi. Trong số những gia đình đi đón người thân trên tàu chạy tuyến đường Marseille - Sài Gòn, cánh ông Hội đồng là xôm trò hơn hết. Thiên hạ kéo tới trầm trồ chiếc xe Huê Kỳ mới xuất xưởng. Mấy hồi còi dài vang lên trên sông Sài Gòn. Chiếc Aramis từ từ rẽ sóng, dáng vóc uy nghi của con tàu vượt đại dương. Sông Sài Gòn, tuy là sông lớn nhưng so với chiếc Aramis thì lại không bao la như đối với các chiếc tàu chạy lục tỉnh.
Tàu cập bến. Thủy thủ buộc đõi, hạ cầu thang. Lần lượt hành khách bước xuống cầu thang bên bến cảng. Từ trên boong, cậu Ba tươi cười đưa tay vẫy chào ông bà Hội đồng, vợ chồng cậu Hai Đinh và các em đang đứng chờ cậu. Mọi người đều thấy rõ là cậu Ba ăn mặc thật sang trọng, đúng thời trang, như họ thấy trên màn bạc trong rạp chiếu bóng. Chừng Cậu Ba xuống bến, mọi người chạy lại bắt tay ôm hun kiểu Tây Đầm. Ông Hội đồng cười tươi rói:
- Mày mập ra, coi oai như Tây. Có cõng về một cô "đầm hái nho" không đó?
Cậu Ba cười khanh khách:
- Con về mình "ên". Ba không thấy sao mà còn hỏi!
Vậy là ông Hội đồng yên chí lớn. Thằng con cưng của ông khôn "cãi trời".
Chương 2
Bá hộ Bì kén rể thầy thông
Thầy ký Trạch trở thành rể quý.
Chưa bao giờ Nhà Lớn trải qua những ngày tưng bừng nhộn nhịp như mấy ngày ông Hội đồng làm lễ - trước lễ sau tiệc - mừng ngày Cậu Ba ăn học thành tài, từ Kinh thành Ánh Sáng trở về Bạc Liêu. Lúc này đã là "Tân trào" - Nam Kỳ được Pháp tách ra làm thuộc địa, từ lâu không còn ràng buộc với hai miền Trung và Bắc mà Tây đặt dưới chế độ bảo hộ. Tâm lý dân chúng vẫn còn theo xưa: người ta gọi lễ - tiệc mừng Cậu Ba du học Pháp quốc trở về là lễ-tiệc "vinh quy bái tổ". Dân Bạc Liêu cho rằng tiệc nầy còn linh đình hơn lễ tân gia ăn mừng Nhà Lớn. Họ nhận xét rất đúng vì lễ tân gia chỉ là ăn mừng nhà mới của một đại điền chủ giàu có số một trong tỉnh, ý nghĩa của nó chỉ có vậy thôi, làm sao sách kịp với lễ "vinh quy bái tổ" của Cậu Ba ngày nay. Lễ này nói lớn lên cho mọi người biết là ông Hội đồng đã khéo nuôi dạy con, cậu nào trong dòng họ Trần Trinh cũng đậu Đíp-lôm là thấp nhất. Cậu Hai sắp thi tú tài thì bỏ học về phụ ông Hội đồng trông coi điền đất. Cậu Tám Bò tên thật là Trần Trinh Khương cùng tốt nghiệp Thành chung (Đíp-lôm). Lẽ ra thì phải lên Sài Gòn học tiếp ban tú tài nhưng vì tánh cậu Tám lãng mạn hơn người nên ông bà Hội đồng phải "cưới vợ cầm chân" để chậm những bước "bay nhảy" của cậu. Còn cậu Ba đúng là niềm tự hào của ông bà Hội đồng. Ông chưa kịp hỏi Cậu Ba theo học ngành nào, chưa biết là bác vật (kỹ sư) hay thầy kiện (luật sư) - chuyện đó để hỏi sau - nhưng ông rất hài lòng có con đi học bên Tây về. Mấy tiếng "đi học bên Tây về" cũng là một bằng cấp cao quý không phải bất cứ đại điền chủ nào cũng có con học giỏi đậu cao như Cậu Ba. Điều ông Hội đồng khoái chí trước tiên là ngay ngày đầu, khi về tới Sài Gòn, Cậu Ba đã đẩy sốp-phơ sang một bên, tự lái chiếc xe Huê Kỳ hiệu Chevrolet của ông Hội đồng mới kéo từ trong hãng Tây ở góc Charner-Bonard. Trên con đường "thiên lý" Sài Gòn - Bạc Liêu dài hơn ba trăm cây số, qua hai chiếc bắc (phà) Mỹ Thuận và Cần Thơ, Cậu Ba lái "boong boong" qua mặt tất cả các xe đò chạy đường lục tỉnh. Ở những khúc đường vắng từ Trung Lương tới An Hữu, Cậu Ba phóng như bay, kim tốc độ chỉ các con số 80.90. Xe vọt qua các xe Ứng Ký, Đại Đồng nổi tiếng anh chị không bao giờ để cho xe nào qua mặt. Có lúc ông Hội đồng lên ruột khi Cậu Ba nhận còi đòi qua mặt xe Ứng Ký. Tài xế Ba Thẹo nghe còi phía sau nhưng nhất định không lách vô nhường đường, Cậu Ba cười gằn: "Kỳ khôi hả? Được! Tao cứ thúc đít mầy hoài, coi mầy chịu được bao lâu!" Hai xe cứ co kè với nhau cả chục cây số.
Ông Hội đồng ngồi băng sau cứ nhấp nha nhấp nhổm, chồm tới khều vai Cậu Ba:
- Nhịn nó đi con! Ăn thua làm gì với mấy thằng xe đò!
Nhưng Cậu Ba lắc đầu:
- Không! Nhịn sao được! Xe mình mới xuất xưởng, máy móc tối tân, ăn trùm mấy chiếc xe đò thổ tả đó. Tai sao mình phải chạy sau để hứng bụi?
Và đúng như Cậu Ba nghĩ, trong trận đấu cân não nầy, Ba Thẹo chịu thua vì khi chiếc xe đò năm tấn chở đầy năm chục hanh khách lao nhanh với tốc độ 80 cây số/giờ, mấy bà già giã trầu hoảng quá vì gió quất vào mặt vào mũi khiến mấy bả ngộp. Cây cối hai bên đường chạy thụt lùi với tốc độ chóng mặt. Tự nhiên hai bàn tay mấy bả toát mồ hôi lạnh. Thế rồi từ phía các băng sau có tiếng la ó vang rân, dù vị gió đàn cũng thấu tới tai Ba Thẹo:
- Thằng Ba Thẹo bị con gì chích mà nó đạp lút ga xăng vậy nè? Về tới Cà Mau phải méc chủ hãng xe mới được! Để thằng Ba Thẹo lái xe, thế nào cũng lật xe hay gây tai nạn chết người!
- Không đi xe Ứng Ký nữa! Xe đò gì mà coi mạng hành khách rẻ như trấu!
Nghe đầy lỗ tai, Ba Thẹo lắc đầu lầm bầm: "Thằng nào mà lái xe cừ quá vậy cà? Thôi, tao chịu thua mầy! Vì sanh mạng của hành khách!" Hắn khoát tay làm hiệu cho xe sau vọt qua. Dù nhân nhượng nhường đường, hắn vẫn không giản tốc độ, cố ý thử tài tên sốp-phơ hắn chưa biết mặt.
Chừng chiếc xe Chevrolet mới toanh phóng qua như ánh chớp, ba Thẹo càng kinh ngạc:"Tài xế nào đây mà ăn mặc như dân cậu, cà vạt, áo lớn, kính mát gọng vàng, đầu đội Mossant giá một cái bằng tiền lương thầy ký cả tháng! Ai vậy cà? Nhớ số xe để sau này rà thì biết." Qua được xe đò Ứng Ký do sốp-phơ Ba Thẹo lái, ông Hội đồng thở phào nhẹ nhõm, chồm tới khều vai Cậu Ba:
- Thằng Ba mầy học lái xe hồi nào mà lái còn hơn sốp-phơ xe đò? Hồi học ở Sài Gòn con chưa cầm vô lăng mà?
Cậu Ba vẫn giữ tốc độ 80 cây số/giờ:
- Học bên Tây chứ đâu ba. Dễ lắm! học vài buổi là lấy permis.
- Không có xe nào phía trước. Chạy chậm lại đi. Lúc mầy qua mặt xe đò, tao hồi hộp muốn đứng tim.
Cậu Ba cười:
- Ở bên Tây, đường rộng, tha hồ chạy nhanh. Quen tật rồi, hễ lên xe là đạp lút ga, Bây giờ biểu chạy chậm thì khó...
Ông Hội đồng:
- Chay mau mới khó, còn chạy chậm khó nỗi gì? Mầy nói nghe lạ quá!
- Tại ba ở nơi "khỉ ho cò gáy" nên không biết. Bây giờ bên Tây có một chứng bịnh mà đám thanh niên tụi con mắc phải, đó là bịnh "say tốc độ" Tây gọi là "ivre de vitess". Ba biếg không, lái xe 100 cây số/giờ, con còn chê chậm. Con đã học lái máy bay...
- Trời đất! Mầy biết lái máy bay? Thiệt không?
- Sao không! Để về nhà con đưa permis lái máy bay cho ba coi. Bên mình nhà quê quá chớ bên Tây, mấy ông chủ điền lớn đi thăm ruộng bằng máy bay, loại hai cánh giống như con chuồn chuồn đó ba.
- Vậy he! Ông Hội đồng thích nghe Cậu Ba kể chuyện bên Tây, Chuyện nào ông cũng thấy hay, như chuyện lái xe hơi như bay, như chuyện lái máy bay đi thăm ruộng. Ông hãnh diện Cậu ba có bắng cấp lái cả hai. Ông định tới mùa lúa sẽ mua một chiếc máy bay đi thăm ruộng. Dân Bạc Liêu sẽ "lé" khi biết chuyện cha con ông Hội đồng Trạch đi tăm ruông bằng máy bay! Đây là chuyện chưa hề có tại Nam Kỳ lục tỉnh, mà có lẽ cũng là chuyện hi hữu trong cã ba xứ Việt Nam. Để thủng thỉnh rồi dọ xem mấy bay bao nhiêu một chiếc. Mà Tây cho người mình sắm máy bay không đây? Để hưỡn hưỡn, biểu thằng Ba nó hỏi dò coi, mà chắc được, vì người đứng tên mua máy bay là Trần Trinh Quy, người đã từng du học bên "chánh quốc" ba năm, có bằng lái hẳn hòi.
Với sự hưng phấn đó, ông Hội đồng càng thêm hãnh diện về cậu Ba. Tới Cần Thơ hai xe chạy vô Châu Thành dùng cơm trưa. Ông Hội đồng tính vô tiệm ăn Quảng Đông sang trọng nhất Châu Thành, nhưng Cậu Ba dừng xe tại Bungalow là nhà hàng của Tây ở sát bờ sông:
- Trưa nóng nực, mình ghé lại đây hứng gió sông cho mát!
Ông Hội đồng đồng ý ngay, song ông lo Tây không cho người mình vô nhà hàng Tây. Nhưng ông đã lo sợ hão. Thằng Tây quản lý Bungalow ngay từ giây phút đầu đã bị Cậu Ba chinh phục. Với phong cách của một người sống nhiều năm bên Pháp, Cậu Ba nói chuyện với viên quản lý thật tự nhiên, cử chỉ rất tự tin! Hai yếu tố đập mạnh vào tâm lý hắn ta: khách tới với hai chiếc xe hơi sang trọng, trong đó có chiếc Chevrolet đời mới. Thứ hai trưởng đòan là một thanh niên bảnh trai, ăn mặc đúng mode Paris, nói tiếng Tây như Tây chánh quốc chứ không phải tiếng Tây xứ Ấn Độ như bọn Chà ở đường Ohier trên Sài Gòn.
Trong lúc dùng bữa, ông Hội đồng đã tính trước các nước cờ mà Cậu Ba sẽ là một quân cờ quan trọng. Con cái các đại điền chủ khác, dù là công tử Bạc Liêu có ăn học ở các trường trung học tư thục Nam Hưng hay Bassac, hoặc học giỏi thi đậu vô Collège Cận Thơ, ông Hội đồng cũng coi thường. Đám đó chỉ là "cò ke lục chốt". Thỉnh thoảng cũng có vài con "chốt sang sông" đi Tây đi Tàu. Tàu ở đây là Hồng Kông - nhưng khi về nước thì không tạo được một tên tuổi nào đáng kể. Khác hẳn cậu Ba Qui của ông.
Nước cờ của ông HỘi đồng là ngay từ giờ phút đầu trong tiệc mừng con đi Tây về, ông sẽ quảng cáo rầm rộ cho cậu Ba Qui. Cách hay nhất là mời tất cả công chức cao cấp trong tỉnh, từ thông ngôn ký lục tới còm-mí, chủ quận đếm tham biện chủ tỉnh. Không bỏ sót một người Pháp nào, hạng thấp như tào cáo chuyên đi bắt những người nấu rượu lậu cũng mời. Càng đông càng vui. Ngoài ra còn mời các đại điền chủ để họ "ngán" dòng họ Trần Trinh mà chịu xuống nước làm đàn em.
Tất nhiên không bỏ qua bà con thân thuộc, Nhưng đãi riêng từng giới. Trong gia tộc trước hết là Bá hộ Bì là ông già vợ của ông Hội đồng, là ông ngoại của Cậu Ba. Xin giới thiệu vắn tắt về ông Bá hộ: Tên Cúng cơm của ông là Phan Văn Bì, Người có đất ruông nhiều nhất trong tỉnh Bạc Liêu, Người ta tặng cho ông Bá hộ là "Vua lúa gạo Nam Kỳ". Ông Bá hộ chọn rể cho cô con gái thứ Tư trong trường hợp đặc biệt. Hằng năm ông tới Tòa Bố (tòa Hành chánh) tỉnh đóng thuế điền địa. Trong nhiều năm ông chấm viên thư ký điền địa tên Trần Trinh Trạch là người đứng đắn đàng hoàng. Ông hỏi thăm gia thế thì biết thầy ký Trạch chưa vợ. Ông mời về nhà chơi, tạo thuận lợi cho thầy ký Trạch trông thấy cô con gái thứ tư của ông. Nhiều lần tới lui, hai bên "mến tay mến chân". Ông Bá hộ thấy hai đứa nhỏ "tình trong như đã mặt ngoài còn e" liền làm lễ cưới. Ông cho con gái và rễ một sở đất để ra riêng. Thầy ký Trạch xin nghỉ làm công chức điền địa để làm chủ điền. Với trình độ văn hóa tương đối khá, lại có ông già vợ cho đất, giúp vốn nên không bao lâu thầy kỳ Trạch phất lên. Với huê lợi hàng năm, ông sắm thêm đất điền. Có điều ông Bá hộ không thích là đất ông tách bộ cho các con của ông lần lượt chạy về tay chàng rể thứ tư. Nguyên do là các con ông mê cờ bạc nên đem đất điền cầm cố nơi anh rể. Cầm cố lâu năm không chuộc kể như mất luôn. Ông Bá hộ chỉ tự an ủi là "lọt sàng xuống nia", các sở đất đó không rơi vào người ngoài, thương con gái thì phải thương rể...
Chương 3
Mở tiệc lớn để thêm vi cánh
Ông Hội đồng vui vẻ mở hầu bao
Rước Cậu Ba về tới nhà ông Hội đồng bàn ngay cuộc lễ tiệc, trước cúng ông bà, sau đãi thân bằng quyến thuộc. Ông giao việc này cho bà Hội đồng với mấy cô con gái, Còn ông và ba cậu con trai bàn về cuộc tiệc đãi quan khách. Hai tiếng quan khách dùng ở đây rất chính xác vì khách được mời đều là quan. Tất cả viên chức người Pháp trong tỉnh từ trên xuống duới đều được mời. Trên là chánh tham biện chủ tỉnh, dưới là "tào -cáo" -một loại cảnh sát thương nghiệp chuyên khám xét những nhà nấu rượu lậu để bảo đảm độc quyền sản xuất rượu của nhà máy rượu Bình Tây. Việc mời quan khách Tây trở nên sôi nổi khi ông Hội đồng tính mời đàn ông thôi, còn đàn bà thì không mời. Cậu Ba nói ngay:
- Đâu được ba! Người mình thì quen thói trọng nam khinh nữ theo kiểu "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" (sanh một đứa con trai kể như có vốn, còn để mười đứa con gái cũng kể như bù). Như vậy là hủ lậu. Bên Tây con thấy đâu đâu người ta cũng trọng phụ nữ. Đúng là nam nữ bình quyền. Ra đường trai gái nắm tay nhau đi dạo phố, lúc cao hứng ôm nhau hun giữa đường. Người mình thấy chướng lắm, nhưng bên Tây coi đó là chuyện bình thường.
Nghe Cậu Ba kể chuyện bên Tây, hai ông bà Hội đồng nhăn mặt. Bà Hội đồng kêu lên: "Hun giữa đường? Trời đất! Vậy thì còn gì là công dung ngôn hạnh?" Cậu Ba liền giải thích cho mẹ:
- Người ta nói đi một ngày đường, học một sàng khôn. Chuyện trai gái hun nhau giữa đường bên Tây chỉ là một, còn nhiều chuyện khác nữa. Trong mấy năm ở bên Tây con nghiệm một việc trớ trêu thật là buồn cười. Mình với Tây khác xa một trời một vực. Tây thì hun nhau giữa đường, còn đái thì đái trong phóng vệ sinh là nơi kín đáo. Dân mình thì làm trái ngược lại. Hun thì lén lút như ăn trộm, còn đái thì công khai ngoài lộ. Ba má thấy có kỳ không? Hun nhau là biểu lộ tình cảm, tôi thích ai thì tôi hun. Có gì xấu xa đâu? Còn ỉa đái là chuyện dơ bẩn, không thể phóng uế bừa bãi được. Phải vậy không?
Ông Hội đồng gật gù:
- Đây là lần đầu tiên tao mới nghe chuyện này. Mấy nói cũng có lý. Hun giữa đường, đái trong kín, Tây đầm làm vậy. Còn mình hun lén lút, đái công khai. Thật là tréo ngoe! Bà Hội đồng ngừng têm trầu nối lời chồng:
- Đái ỉa phải có nơi kín đáo thì tôi thầy đúng, còn đái ỉa giữa đường là túng quá phải làm càn. Nhưng hun nhau nơi chợ búa thì chướng mắt, không chịu được!
Cậu Ba cười:
- Má chịu hay không chịu, điều đó chẳng cản trở gì nếp sống văn minh của người Pháp. Trở lại chuyện mời mấy thằng Tây ở đây thì phải mời đủ bộ cả ông lẫn bà. Ba hãy giở thiệp mời của Tây ra mà xem, bao giờ cũng "monsieur et madame" (ông và bà). Torng các cuộc hội họp quan trọng, diễn giả khởi đầu bài diễn văn đều phải đưa nữ giới lên trên rồi mới tới nam giới...
- Phải vậy không đó mậy? Ông Hội đồng có vẻ không tin.
- Đó là sự thật, Con không hề thêm bớt, Các bài diễn văn đều bắt đầu như thế này: "Mesdames, messieurs, mesdemoiselles" (thưa các bà, các ông, các tiễu thư).
Ông Hội đồng gật gù:
- Vậy là phải mời cả vợ lẫn chồng, lại còn thêm các cô cậu. Vậy là đông dữ đa!
Bà Hội đồng vốn tánh "kim chỉ" nói:
- Mời vợ chồng thôi, không mời con cái...
Cậu Ba vỗ vai mẹ:
- Mình đã chịu chi thì không nên cắt xén, Con nói cho ba má biết là người Pháp coi gia đình rất trọng. Nhất là những người Pháp ở thuộc địa. Họ đã bỏ tất cả để qua xứ "khỉ ho cò gáy" này, gia đình vợ con là điều quý nhất đời họ. Trong ngày ai cũng có công việc riêng, chồng ở sở, vợ lo nội trợ, con đi học. Hai bữa ăn là hai bữa vợ chồng con cái gặp nhau để kể cho nhau nghe những chuyện nghe thấy trong ngày, Điều đó đã thành thông lệ. Mà đã thông lệ thì không nên phá vỡ. Mình mời hai vợ chồng, không lẽ người ta bỏ con cái lại nhà?
Ông Hội đồng gật gù:
- Thằng Ba mày nói đúng. Theo phép lịch sự thì quan khách đi hai vợ chồng. Nếu họ đưa theo con cái thì chứng tỏ họ rất mết gia chủ. Mình mời họ là để kết thân với họ cho dễ làm ăn.
Nãy giờ Cậu Hai chỉ ngồi nghe, Đến lúc này mới nói:
- Nên mời cả gia đính các quan khách, Nếu bọn "xầy lồ cố" quá đông thì mình dọn cho chúng một hai cỗ bàn riêng. Còn một vấn đề này nữa, tôi biết thế nào chú Ba cũng sẽ nêu ra, nhưng tôi nói trước để còn... Cậu cười vì ai cũng biết là sắp tới cữ hút của cậu. Sau màn ăn uống phải có màn nhảy đầm. Mình đã chuẩn bị đủ mọi thứ cho cái màn đó chưa? Cậu Ba gật lia:
- Anh Hai khỏi cần nhắc. Đãi tiệc Tây mà thiếu khiêu vũ là kể như mới đãi một nửa. Chính tôi đứng ra lo vụ đó. Cái gì chớ nhảy đầm thì các maitre-danseur (thầy dạy nhảy) ở Paris đều nể mặt công tử Bạc Liêu này. Anh Hai biết không, tôi la cà trong giới một thời gian, biết rõ từng ngón sở trường của các lò dạy vũ. Tôi liền tới từng thầy, học hết các ngón hay của họ. Chẳng hạn như lò A, giỏi tango, mình tới học tango, lò B giỏi valse mình tới học valse, lò C giỏi foxtrot mình tới học foxtrot... Nhờ chơi điếm như vậy mà mình giựt nhiều giải, đoạt nhiều cúp vàng về khiêu vũ ở Paris. nếu ai cắc cớ hỏi mình đi Tây về đoạt được bằng cấp gì thì mình sẽ đưa ra cái permis lái xe hơi, permis lái máy bay và mấy cái bằng khen nhảy đầm nơi Kinh thành ánh sáng..
Cậu Hai cau mày:
- Chú đi Tây học tưởng vế với bằng bác sĩ, kỹ sư nào dè chú chỉ clo ăn chơi, lái xe hơi, lái máy bay với nhảy đầm...
Cậu Ba cười "giả lả":
- Sẵn dịp tôi nói rõ cho ba má và anh Hai biết về chuyến đi Tây của tôi. Cố nhiên là tôi suy nghĩ rất nhiều về nghề nghiệp tương lai của mình, để từ đó chọn trường để học. Theo tôi thì gia đình mình theo nghề của ông ngoại, mà cũng là nghề của đa số dân ta tức là "dĩ nông vi bổn" (lấy nghiệp nông làm gốc). Nhờ làm ruộng mà ông ngoại lên tới chức bá họ, còn ba thỉ lên tới chức Hội đồng. bnây giờ tôi làm bác sỹ, kỹ sư thì đâu có khó khăn gì, nhưng tôi muốn giữ lấy nghiệp nhà. Cho nên thay vì ghi tên vô các Đại học Ponts et Chaussées (cầu đường) hay Faculté de Médicine (Đại học Y Khoa) tôi để tâm nghiên cứu về nghề nông. bên Pháp có một hạng người giống hệt như gia đình mình. Họ làm chủ đồn điền, có đồn điền trồng nho để nấu rượu, có đồn điền trồng lúa mì. Lúa mì cũng là lúa nhưng, nhánh và gié to hơn, hột cũng to hơn luá bên mình. Người ta gọi những ông chủ đồn điền này là "gentleman-farmer". Đây là tiếng Ănglê, tiếng tương đương của Pháp là "fernier-gentilhomme". Tôi có tới chơi và làm quen các ông chủ đồn điền này. Họ rất hiếu khách. Khi biết tôi thuộc gia đình đại điền chủ Nam Kỳ, họ tó mò muốn biết cuộc sống của gia đình ra sao. Nhờ lui tới các nơi này mình học được cách làm ruộng làm vườn của họ. Cái gì cũng làm bằng máy, cày xới có mày cày. Muốn cày sâu cày cạn đều được. Gặt đập cũng có máy gặt đập. Năm nào có nạn sâu rầy phá lúa, họ xịt thuôc sát trùng bằng máy bay. Đây là loại máy bay nhỏ, chỉ chở được hai ngưới, tôi xin ngồi phía sau phi công. Thấy lái máy bay không có gì khó. Sau đó về Paris tôi ghi tên học lái máy bay. Học một khoá ngắn ngày là bảo đảm an tòan. Có nhiều người quở công tử Bạc Liêu chơi ngông. Tại họ không hiểu ý nguyện của tôi. Nhà mình có trên trăm ngàn mẫu ruộng. Làm ăn suông sẽ không nói làm gì, rủi gặp thiên tai như sâu rầy, cào cào, châu chấu thì sao? Đọc sách báo nhà nông, tôi thấy nạn cào cào châu chấu ở nhiều nước thật là dễ sợ. Chúng kép tới đâu thì y như một đám mây. Đám mây đó đáp xuống đâu thì trong nháy mắt đồng lúa trụi lủi. Cho nên chỉ có máy bay xịt thuốc sát trùng mới nghinh chiến kịp thời,. Mình phải học hỏi và áp dụng những phát minh sáng chế của người ta mà canh tân nghề nông nước nhà, Tôi đã dọ giá một chiếc may bay xịt thuốc sát trùng. Chỉ hơn chiếc xe Huê Kỳ Chervrolet ba vừa kéo về chút đỉnh thôi. Lái nó cũng không khó. Nếu như ba chịu thì con viết thư qua Pháp đặt mua một chiếc để xài.
Cậu Ba say mê kể chuyện bên Tây, Cả gia đình chăm chú lắng nghe. Trước đây ông Hội đồng có nghe tiếng đồn Ba Qui qua Tây chỉ lo nhảy đầm với đua xe hơi, ông buồn lắm. Chừng nghe cậu con cưng giải bày đầu óc tân tiến của nó ông rất hài lòng. Thì ra không phải ai đi Tây cũng lo trở thành kỹ sư, bác sỹ, cũng có người biết theo con đường riêng của mình là học hỏi những gì ngành nông của mình đang cần. Ngay lúc này, ông Hội đồng đã nảy ra ý nghĩ mạnh dạn giao việc cho Cậu Ba để sau này yên tâm giao gia sản cho con cái. Hai đứa con đầu sẽ là hai cánh tay của ông. Câu Hai thâm trầm, chững chạc chính là đầu não, đấu đá với bọn chệt chành trong việc mua bán lúa gạo. Còn Cậu Ba với tánh hào hoa phong nhã và nhất là với cái bằng cấp đi Tây sẽ là nhà ngoại giao của kiến họ Trần Trinh. "Nhất thân nhì thế" là bí quyết của thành công. Về chữa :thân thì gia đình Trần Trinh đã đứng đầu trong tỉnh về đất điền. Còn về chữ "thế" thì sau ba năm du học bên Tây, Cậu Ba chính là cái thế của dòng họ. Cái thế "thượng phong" này sẽ được nhân ra ngay ngày trở về, Cậu Ba sẽ thay mặy ông bà Hội đồng tiếp đón các quan chức Tây đầm trong tỉnh. Ông gật lia:
- Ba thấy rất cần có một máy bay để xịt thuốc sát trùng, trị rầy nâu, cào cào, châu chấu. Nếu mua thì thằng Ba mày phải lái chớ ở nhà có ai biết lái đâu.
Cậu Ba bắt qua đêm khiêu vũ:
- Cái máy hát của nhà mình xưa rồi. Con có mua một cái máy mới hiệu La vòix de son maitre. Trên Sài Gòn chưa có. Hôm mới về Sài Gòn, con có đi dạo chợ Bến Thành. Tiệm lớn nhất ở đường Vienot (Phan Bội Châu) là Chiêu Nam Viên chỉ chưng bán máy cũ 27 đồng một cái. Cái máy Con Chó thổi kèn này hát nghe rõ và lớn tiếng, đêm thanh vắng , cách xa cả trăm thước cũng nghe được. Đó là về cái máy hát. Còn dĩa hát thì con mua mấy chồng. Tất cả những bản nhạc nổi tiếng ở Pháp, Ý, Áo đều có đủ. Mở đầu các bal de famille (đêm vũ gia đình) bằng bản valse. Tôi có mua mấy dĩa Flots du Danube, rồi Danube bleu (Dòng sông xanh). Đây là hai bản nhạc tuyệt trần. Không cần lời ca, chỉ nhắm mắt nghe nhạc cũng thấy hiện lên trong trí cảnh nước vỗ vào bờ sông nghe lách tách. Còn tới màn tango thì có dĩa La Comparsita được thiên hạ tặng danh hiệu "lle roi des tangos" (vua điệu tango)... còn rumba thì có dĩa Tabou, xuất xứ từ nhạc rừng âm u của dân nô lệ da đen châu Phi, nghe vô cùng lâm li ảo não...
Cậu Ba đang say sưa thả hồn theo các điệu hát thì cậu Hai kéo trở lại thực tại:
- Dĩa hát và máy hát đã có rồi. Cần gì dài dòng. Cái quan trọng là có đủ đào cho quan khách hay không. Cái thú vị của nhảy đầm là bắt bồ với vợ kẻ khác. Có ai lại khoái nhảy với vợ mình! Đa số viên chức Pháp trong tỉnh sống độc thân. Phải có đào cho họ.
- Chuyện đó anh Hai cứ để tôi, Tôi viết thư cho "cai gà" vũ trường Tabarin, biểu chọn nửa chục em cave trể đẹp thơm như múi mít đưa xuống đây. Mình chơi đẹp thì các em chả ngại bỏ Hòn ngọc Viễn Đông đôi ba ngày, Tôi viết thư cho sốp-phơ đi ngay. Lấy chiếc Chevrolet mới mà đi. Nó chở nhiều hơn chiếc Ford.
Ông Hội đồng mở mo cau:
- Bao nhiêu thì đủ hả mậy Ba?
Cậu ba tính nhẩm:
--Mỗi em hai chục. Năm em là một trăm. Mình đưa tiền trước cho các em yên tâm. Nếu làm ăn tốt thì chừng họ về mình sẽ "bỉ lúi" thưởng thêm. Còn bây giờ thì ba ứng trước hai bộ lư (giấy một trăm) cho sốp-phơ lên Sài Gòn rước đào xuống. Tiền xăng, tiền phòng ngủ, tiến ăn uống dọc đường, ứng trước rộng rãi dễ làm việc.
Cậu Hai nói thêm:
- Rước ca-ve từ Sài Gòn xuống là chuyện phải làm. Nhưng mình nên mời một số chị em thuộc các gia đình "civilisé" (văn minh) trong tỉnh để cho xôm. Các bà các cô trong tỉnh biết nhảy đầm không phải ít đâu, như vợ ông đốc Thành...
Cậu Ba vỗ đùi kêu lên:
- Anh Hai nhắc tuồng rất hay! Mình có một đội ngũ giai nhân tuyệt sắc ngay trong giòng họ mình, tại sao không chỉ dạy cho mấy đứa nó vài điệu nhảy để giúp chúng nó dạn dĩ. Để tôi tình nguyện làm "maitre danseur". Đó là "nghề của chàng" mà. Tôi thấy các "cousines" (chị em họ) của mình rất có khiếu khiêu vũ. Chỉ cần vài giờ tập thôi...
Ông Hội đồng đã cho in thiệp mời trên giấy đẹp. Ông nói:
- Việc đi mời quan chánh tham biện chủ tỉnh, phải thằng Ba mầy đi mời mới xong. Thằng Tây này xấc láo hết cỡ. Nó coi người An Nam mình như rơm rác. Mở miệng ra là "sale race" (giống dân dơ bẩn) hay là "pauvre nhaq" (nhà quê khốn khổ).
Cậu Ba cười lạt:
- Ba để con trị nó cho!
Bà Hội đồng hết hồn:
- Ý đừng! Mấy ông tây chủ tỉnh như vua một cõi, chớ có đụng tới nó mà mang họa đó con.
Ông Hội đồng cũng quơ tay:
- Mầy đừng có háo thắng, Tây bên xứ nó khác với Tây bên xứ mình. bên nước đó, có thằng hay chữ, có thằng dốt nát. Nhưng qua bên này thì thằng dốt nhứt cũng làm cha thiên hạ. Tao có nghe một ông bác sĩ người mình than: học mười mấy hai chục năm mới lấy được cái bằng bác sĩ y khoa mà lương không bằng một đội xếp Tây là thứ hữu dõng vô mưu.
Cậu Ba cười để trấn tĩnh mọi người:
- Con biết chủ tỉnh là vua một cõi. Vua mà dốt thì lại còn nguy hiểm nữa. Con không dại gì chọc mấy thằng vua dốt đó đâu. Con có cách riêng của con để hạ bệ nó mà nó không giận được mình. Cái nghệ thuật đánh người bằng tay sắt bọc nhung đó, con học tại Kinh thành Ánh sáng đó ba má. Bây giờ hãy còn quá sớm để nói trước. Chừng con đụng độ với thằng chủ tỉnh, ba má sẽ thấy.
Cậu Hai nhìn Cậu Ba lom lom:
- Có phải mầy học được cái thói nói phét đó bên Tây không? HỒi ở nhà mày đâu có "ăn đằng sóng, nói đằng gió" như vậy.
Cậu Ba vỗ vai anh:
- Bộ anh nghĩ là thằng em anh "đi xa về nói dóc" chứ gì? Không phải vậy đâu anh. Em nói được là em làm được. Nhưng trước hết, cho em hỏi một câu, chỉ một câu thôi. Thằng chủ tỉnh này là hạng người gì và con vợ nó ra sao? Muốn đánh thắng thì phải biết trước địch thủ. Nó là trí thức hay võ biền? Nếu nó xuất thân trường chính trị hành chánh thì mình đánh kiểu trí thức. Còn nó là khố xanh khố đỏ thì mình đánh kiểu võ biền.
Chương 4
Mừng vinh quy họ Trần phấn chấn
Cha con bận mua sắm máy bay
Thấm thoát đã tới ngày trọn đại. Bà con ở xa miệt Giá Rai, Cà Mau tới trước một ngày. Người nào thân thích ở trong các dãy nhà ngang tạm thời trang hoàng làm nhà khách, còn kẻ không bà con cật ruột thì ở nhà ngủ Trường An, sát bến xe đò. Ông Hội đồng đã "bao" cả mười hai phòng của nhà ngủ để cho khách các tỉnh hoặc trên Sài Gòn xuống chung vui cùng gia đình Trần Trinh.
Đâu đó đã chuẩn bị xong xuôi. Đêm trước ngày thết tiệc, Cậu Ba cùng cậu Hai và ông bà Hội đồng duyệt lại chương trình. Lễ cúng ông bà cử hành trước trong vòng thân tộc. Khi nhập tiệc thì đãi đồ Tàu do đầu bếp nhà hàng Chợ Lớn đứng nấu. Ông và bà Hội đồng đích thân trông coi đám tiệc này, tổ chức ngay trong nhà. Còn tiệc đãi khách sang trọng cả Tây lẫn Ta thì tổ chức ngoài sân và vườn bông. Theo sắp xếp thì ông bà Hội đồng đứng ra chào đón tân khách, chừng đâu đó ngồi vào bàn thì chính Cậu Hai đọc diễn văn giới thiệu ngày trở về của Cậu Ba. Từ đó trở đi thì Cậu Ba trổ tài điều khiển buổi tiệc mà cây đinh của đêm dạ hội là màn nhảy đầm. Sáu cô ca-ve trên Sài Gòn - Chợ Lớn đã xuống cùng với mấy ông nhà báo cả Pháp lẫn Việt, Cậu Ba rất hài lòng về sáng kiến trước hai giới này, Cậu nói:
- Muốn xôm trò, nhất định không thiếu được "càc nàng tiên không khó tánh" và "mấy anh chàng hiệp sỹ của ngôn luận".
Cậu Hai cười thích thú:
- Thằng đi Tây có mấy năm mà ăn nói văn vẻ quá. Gái nhảy mà gọi là nàng tiên không khó tính còn nhà báo thì gọi là hiệp sĩ của ngôn luận. Chắc mày dịch mấy chữ les chevaliers de la presse?
Ba Qui gật:
- Đúng! Cũng là con ngựa mà gọi là tuấn mã, con mèo mà gọi là linh miêu thì thấy khác hẳn. Phải vậy không? Mấy cha nhà báo mà trong bài diễn văn, mình gọi họ là hiệp sỹ của ngôn luận thì họ khoái chí lắm. Đó là đòn tâm lý. Mình chơi điệu thì họ cũng chẳng hẹp dạ trong việc múa bút vẽ vời...Hai Đinh tố thêm vô:
- Chú mày nói chí lý! ba có nhớ kỳ mình đãi tiệc mừng ba được ân thưởng Ngũ đẳng bội tinh, mấy tờ báo trên Sài Gòn làm nổi đình nổi đám không?
Ông Hội đồng nói với câu Ba:
- Chuyện nầy thằng Ba mầy không biết đâu! Đó là năm 1930. Ba được nhà nước Pháp ân thưởng...
Cậu Ba cướp lời:
- Có, con có biết. Tờ Journal Officiel có đăng một cái tin nhỏ, một cột năm phân,. Kế con được thơ của Ba và anh Hai cho biết về cài Tây gọi là "promotion au grade d officier de la Légion d honneur" (ân thưởng Ngủ đảng bội tinh)...
Ông Hội đồng nhíu mày:
- Mày chỉ biết sơ thôi, Hãy nghe chi tiết đây... à, thằng Hai, mày lục mấy tờ báo cũ có đăng bài vể vụ đó cho thằng Ba đọc. Mày biết không, kỳ đó tao làm một cuộc tiệc làm ai nấy đều hết hồn. Bao nhiêu thực khách, mầy đoán thử xem?
- Hai trăm? Ba trăm?
Ông Hội đồng gật:
- Cỡ đó! Anh Hai mày nhắc tao mời mấy nhà báo trên Sài Gòn. Vui quá là vui! Mấy cha nhà báo tới đâu là xôm trò tới đó. Họ bày đặt chụp hình, rồi phỏng vấn, rồi kể chuyện vui. Họ đi nhiều, giao thiệp rộng nên chuyện trên trời dưới đất, bên Tây bên Tàu, họ đều biết mà biết cặn kẽ nữa chớ! Thằng Hai mày còn nhớ chuyện ông huyện Kệ đi máy bay không?
Hai Đinh trao cho Ba Qui tờ báo Le Courrier Saigonais rồi bật cười:
- Chú Ba mầy nói có học lái máy bay, lần bay đầu tiên có gì lạ không?
- Có gì lạ không là sao? - Ba Qui hỏi
- Là có ỉa trong quần không?
- Làm gì có chuyện đó. Kể ra thì lúc máy bay cất cánh thì mình có hơi nôn ruột, chỉ có vậy thôi.
Hai Đinh vẫn không nín được cười:
- Vậy mà lão huyện Kệ nhà ta xón cứt trong quần.
Ba Qui trơn mày:
- Chuyện đó cũng bình thường thôi. Già cả thần kinh yếu mà đi máy bay, gặp lúc máy bay "sụp lỗ không khí" - Tây gòi "trou d air" thì xón đái, nôn mửa ngay. Bởi vậy trên máy bay ngay trước mắt hành khách đều có túi giấy để nôn mửa trong đó. Trở lại vụ huyện Kệ. Chuyện xón cứt là chuyện kín của ông ta. Làm sao nhà báo biết?
Ông Hội đồng cười:
- Bởi vậy mới sợ mấy cha nhà báo. ở đâu mấy chả cũng chúi mũi tới được, rồi thì chuyện bé xé ra to. Thiên hạ nói đúng "nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm". Tao có con gái nhứt định không gả cho mấy thằng chuyên "đâm bị thóc, thọc bị gạo"...
Ba Qui cười lớn:
- Đừng nói trước. Ba không nghe người ta nói "ghét của nào, trời trao của nấy" sao? Nhà văn, nhà báo thì cũng có người vầy, người khác, (che miệng nói đùa với Hai Đinh), "người có lác người không". Nói có sách, mách có chứng, đây ba xem, ký giả báo La Courrier Saigonnais viết cho ba như thê này thì đáng gả con gái cho nó lắm chứ! Cậu Ba đọc to lên "(Xin dịch tiếng Việt) Để mừng vinh hạnh được ân thưởng Ngũ đẳng bội tinh ông Hội đồng Trần Trinh Trạch đã thết đãi 250 quan khách tại tư dinh ở Bạc Liêu. Tiệc được đặt trên nhà hàng Continental với thực đơn như sau:
- Consommé aux paillettes d or (súp khai vị)
- Purlarde poelée aux ceps (gà xào nấm)
- Petits-pois à la francaise (đậu Tây)
- Gigot de mouton rôti (đùi cừu rô ti)
- Salade panachée (rau cải bóp dấm)
- Glace à la vanille (kem va ni)
- Corbeilles de fruits (trái cây)
Ba Qui đọc xong thực đơn, lấy ngón tay rà từng dòng:
- Tám món tất cả, trong đó có hai mon khai vị, hai món ăn chánh là gà xào và cừu rô ti. ba món tráng miệng - Cậu cười thích thú - Mình có qua Paris mình biết, dân Tây ăn uống khác người Tàu, ba và anh Hai biết khác chỗ nào không?
Hai Đinh cười:
- Tao biết Tây vói Tàu khác xa lắm. Nhưng mà biểu phân tách rạch ròi thì tao chịu. Tao có thể nói nôm na như vầy: Thằng Tây thích ăn bánh mì, thằng Tàu thích ăn bánh bao. Tức là một thằng khoái ăn đồ nướng, một thằng khoái ăn đồ hấp. Hai thứ bánh đều là bột mì. Bột bánh mì bỏ men cũng gọi là bột nổi, còn bột bánh bao thì bỏ bột thúi...
Ba Qui cười lớn:
- Nghe nói, mình tưởng anh là thằng Tửng làm công cho mấy lão Chệt chủ lò bánh bao...
Ông Hội đồng muốn nghe chuyện bên Tây nên nhắc:
- Tây khác Tàu trong việc ăn uống ở chỗ nào?
Ba Qui:
- Các nước văn minh đặc biệt chăm chú đến chuyện ăn uống. Vì ăn đứng đầu trong tứ khoái. Người Pháp đưa nghệ thuật ăn uống lên thành một khoa học gọi là gastronomie. Hai Đinh gây:
- Mày nhắc tao mới nhớ. Gastronomie, c est l art fe faire bonner chère... Thở ra - Mấy năm nay lo làm ăn, tao quên hết ba mớ tiếng Tây.
Ba Qui cười, khuyến khích:
- Văn ôn, võ luyện. Lâu quá không xài, tất nhiên là rơi rớt nhắm mớ. Nhưng có trình độ tú tài như anh thì chỉ cần đọc sách báo vài ngày là hốt lại ba mớ không khó đâu. Trở lại nghệ thuật ăn uống, em có mua về mấy cuốn sách quí, anh lấy mà đọc.
Hai Đinh gật lia:
- Cuốn gì đó?
- Tự điển ẩm thực, Tên sách là Larousse Gastronomique 8.500 món ngon được trình bày càch nấu nướng, chiên, xào. Nội một quả trứng gà đầu bếp khéo có thể làm cả chục món ngon.
Ông Hội đồng kêu lên:
- Nếu mầy không nêu tên cuốn tự điển đó tao đã mắng mầy là thằng "đi xa về nói dóc".
- Còn cuốn nào nữa?
- Cuốn thứ hai là Bếp núc và Rượu Tây, Chắc là anh Hai và ba thích cuốn này. Sách bán chạy như tôm tươi vì dân nhậu đổ xô nhau đi mua về cho vợ con làm tiệc nhậu đãi bạn bè. Sách in 3000 món đặc sản trong đó có nhiều món được ghi trong thực đơn mạ vàng các nhà hàng năm sao ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha là các nước mà con có qua vào dịp nghỉ hè.
- Mày mua mấy cuốn đó cho tao! - Ông Hội đồng xăng xái nói.
Ba Qui cuời:
- Con đã mua rồi! Hiện sàch còn trong mấy vali sách con mang về. Để con kể tiếp về chuyện người Pháp trọng sự ăn uống cho ba và anh Hai nghe. Anh Hai còn nhớ cái tên trứ danh Vatel không?
Hai Đinh suy nghĩ một lúc rồi lắc đầu:
- Tao đã nói mấy năm nay lo làm giàu, chữ nghĩa trong đầu bay mất hết rồi!
Ba Qui hào hứng kể:
- Thời vua chúa, mỗi dòng quý phái gồm năm đăng cấp:
công, hầu, bá, tử, nam đều có thói quen đãi tiệc. Cho nên mỗi ông công tước là cao nhất tới nam tước là thấp nhất đều nuôi trong nhà một đầu bếp giỏi. Vatel là đầu bếp của hoàng thân Condé. Ngày nọ, hoàng thân Condé đãi tiệc Đức Vua Louis XIV tại lâu đài Chantilly. Tất nhiên là Vatel trổ hết tài bếp búc để làm hài lòng cả Đức vua lẫn hoàng thân. Món đặc sản là cá chiên rất kiểu cách của riêng Vatel sáng chế. Để cho thật ngon, Vatel đặt mua tận gốc là một ngư phủ đánh bắt loại cá này trên biển. Đâu đó đã sẵn sàng, chỉ chờ thuyền câu về bến là có cá tươi. Bất ngờ ngày ấy biển động, thuyền câu về trễ. Vatel đứng ngồi không yên. Khi thấy tới giờ thết tiệc mà cá ngon chưa về, Vatel tuyệt vọng rút kiếm đâm vào ngực tự sát.
Ông Hội đồng kêu lên:
- Chết gì lãng nhách vậy?
Hai Đinh nói:
- Không lãng đâu ba, người Pháp trọng danh dự lắm! Hễ tự thấy danh dự mình bị xúc phạm thì họ tự tử ngay. Bởi vậy ba thấy trên báo thường đăng những cuộc đấu kiếm hoặc đấu súng giữa hai đich thủ đã làm nhục nhau.
Ba Qui kết thúc câu chuyện ẩm thực:
- Câu chuyện Vatel tự tử được nhiêu người biết là nhờ ngòi bút của nữ sĩ trứ danh là bà Sévigné, bản thân cũng là hầu tước (marquise). Bây giờ trở lại chuyện đặt thực đơn trong tiệc nhà mình tổ chức những ngày tới đây. Tiệc cũng đặt nhà hàng Continental. Người Pháp rất chú ý tới món khai vị và món tráng miệng. Ba và anh Hai nên nhớ điều đó. Món khai vị tạo hứng thú cho thực khách. Nếu khai vị gây cho họ sự thích thú thì các món chánh có kém một chút, họ cũng bỏ qua. Còn món tráng miệng thì tạo du vị lưu luyến. Giống như trà ngon để lại cái hậu ngòn ngọt khi ta chép miệng sau một tuần trà "trảm mã".
Hai Đinh gật:
- Chú Ba mày có óc nhận xét, Theo chú mày thì chuyện đặt "menu" cũng giống như học trò làm luận văn ậy. Vô đề phải cho hay để tạo ấn tượng, Có thấy hấp dẫn thì thầy giáo mới thích thù mà đọc tới. Còn kết luận cũng phải gây cho người đọc một chút luyến tiếc mà chú gọi là dư vị...
Ba Qui nổi hứng:
- Cũng y như lái máy bay vậy. Khó nhất là cất cánh và hạ cánh. Lên hay xuống mà lạng quạng là chết như chơi. Còn bay đường trường thì dễ như lấy đồ trong túi.
Nghe Ba Qui nói tới lái máy bay, ông Hội đồng chợt nhớ:
- Xong việc vinh quy, thằng Ba mầy lên Sài Gòn coi mua máy bay có dễ không? Giá bao nhiêu một chiếc? Mùa lúa này mình mua một chiếc đi thăm ruộng...Hai Đinh giật mình:
- Ba nói thiệt hả ba?
- Thiệt chớ mậy, Thằng Ba biết lái, có permis hẳn hòi.
Ba Qui:
- Bên Tây nhà nông sắm máy bay loại chuồn chuồn phun thuốc trừ sâu rất tiện. Còn trên Sài Gòn, các chủ sở cao su cũng sắm chuồn chuồn mỗi tuần lên sở phát lương, không phải chở xe đi đường bộ dễ bị cướp chận đường vì miền Đông, ra khỏi Biên Hoà, Thủ Dầu Một là rừng xanh mênh mông bát ngát.
Ông Hội đồng:
- Ba đồng ý sắm máy bay. Còn chuyện tiền nong thì hai anh em bay bàn bạc với nhau.
Hai Đinh ngẫm nghĩ:
- Theo tao biết thì người Việt mình chỉ có hoàng đế Bảo Đại là có sắm may bay, chủ yếu là bay lên Đà Lạt hay Ban Mê Thuột săn bắn mà thôi, Nhiều chuyện "thâm cung bí sử" về vị vua "ăn chơi" này tại các chalet trên cao nguyên của ông ta.
Ba Qui cười:
- Chuyện đưa người đi săn trên cao nguyên là chuyện thông thuờng. Minh Mạng có mấy trăm vợ, sao không ai nói?
Chương 5
Trần gia mừng Cậu Ba vinh quy về nước
Nhà Lớn mở dạ vũ nô nức lòng người
Nghe chuyện thâm cung bí sử, cả hai ông bà Hội đồng đều háo hức muốn nghe. Bà Hội đồng mắng yêu Ba Qui:
- Cái thằng nầy, hồi ở nhà ít ăn ít nói, bây giờ lanh quá xá là lanh, miệng lách chách như tép lăng tép lội.
Ông Hội đồng hãnh diện ra mặt:
- Nhờ đi đó bà! Hồi đó bà tiếc tiền, sợ tốn kém một hai đòi giữ nó ở nhà, Nhưng mà chuyện vua chúa nhà Nguyễn, người trong nước còn không biết, mầy ở bên Tây, sao biết được?
Ba Qui cười:
- Điều mới nghe có vẻ vô lý nhưng mà lại hữu lý. Triều đình Huế là phong kiến, chuyên bế quang toả cảng, đóng cửa rút cầu, báo chí miền Trung không dám động tới chuyện bê bối trong cung. Còn dân Pháp thì tự do ngôn luận, không chuyện gì mà nhà báo không biếtl Và hễ tin đã đăng báo rồi thì khắp nơi trong nước, từ thành thị chí thôn quê ai nấy đều biết, vì báo bên đó in cả triệu số.
Hai Đinh gật gù:
- Đúng vậy. Chuyện vua chúa triều Ngyễn mình không biết mà dân bên Tây biết là nhờ tự do báo chí. Báo chí là thước đo văn minh của một nước.Khách lạ tới Sài Gòn chỉ cần mua vài tờ báo là biết ngay trình độ dân trí ra sao.
Ông Hội đồng gật gù đồng ý nhưng bà Hội đồng nhắc Cậu Ba kể chuyện vua Minh Mạng có cả trăm vợ.
Cậu Ba cười thích thú:
- Chuyện đàn ông, má có ngại gì không?
Bà Hội đồng bật cười:
- Cái thằng này, trứng mà đòi khôn hơn vịt. Tao đẻ ra mầy mà kể chuyện tiếu lâm, mầy lại không cho tao nghe!
Ông Hội đồng cười dễ dãi:
- Nó nói trước là phải, sợ bà mắc cỡ khi nghe chuyện không được...
Bà Hội đồng khoát tay:
- Thôi, kể đi cái thằng đi Tây về nói dóc.
Cậu Ba:
- Đây là chuyện có thật chớ không phải chuyện nói dóc đâu nghe má. Nói có sách, mách có chứng. Ở bên đó hằng ngày con vô thư viện đọc sách Tây viết về Việt Nam. Con mê tạp chí tên là Bulletin des Amis du Vieux Huế (Tạp chí củan những bạn cố đô Huế) xuất bản vào giữa thập niên 1920.
- Minh Mạng có câu thơ "nhất dạ ngũ giao, tam hữu dụng" nghĩa là một đêm ngủ với năm bà thì ba bà có thai.
Ông Hội đồng kêu lên:
- Trời đất ơi, còn hơn con dê chúa trong trại chăn nuôi của mình!
Hai Đinh gật gù:
- Mình có nghe nói Minh Mạng có toa thuốc rượu lừng danh với câu thiệu "nhất dạ ngũ dâm sanh tứ tử" (một đêm chơi năm lần sanh bốn con trai).
Câu Ba kể tiếp:
- Vẫn theo tạp chí trên thì Minh Mạng, có 78 hoàng nam và 64 hoàng nữ, tổng cộng 142. Còn về vợ thì năm Minh Mạng thứ sáu, trời hạn hán, dân mất mùa, Minh Mạng gnhĩ là trời phạt mình quá tham lam nên cho ra một trăm cung nữ để giải trừ thiên tai. Bớt một lúc một trăm cung nữ, Minh Mạng phải có mấy trăm mới dám phung phí như vậy.
Ông Hội đồng cười:
- Nhiều quá, làm sao dùng hết?
Câu Ba:
- Bởi vậy mới có chuyện lãng phí kỳ cục. Sách ghi là Minh Mạng ngủ trưa có năm bà phục vụ, tiếng miền Trung gọi là chầu hầu, Một bà quạt, một bà ru, một bà đấm bóp, một bà gãi, một bà túc trực để vua sai vặt.
Bà Hội đồng lắc đầu:
- Đàn ông mà sướng quá đâm hư!
Cậu Ba đưa tay làm hiệu kể tiếp:
- Chế độ vua chúa là làm hư con người. Do có toàn quyền sanh sát nên vua chúa mất hết tính ngưới, muốn giết ai thì giết, xem mạng người như con ruồi con muỗi. Có chuyện sau đây làm nhiều người chê ghét Minh Mạng. Trong khi Minh Mạng ngủ trưa thì một trong năm bà bỗng cúi xuống hôn lên trán nhà vua. Cái hôn vụng trộm đó khiến nhà vua thức giấc. Ông ta giận dữ hét to: Đứa nào dám cả gan hôn trán ta? Nói mau! Không dám nhận, ta chém cả năm. Một bà quỳ xuống nghẹn ngào: "Thiếp được cha mẹ cho vào chầu hầu bệ hã đã năm năm rồi mà chưa bao giờ được chung chăn gối, Nay thấy bệ hạ ngủ, thiếp thương quá, đánh liều hôn một cái. Xin bệ hạ thứ cho." Minh Mạng cười lạt: "Tội mi không nặng lắm. Tình mi cũng đáng thương, Nhưng nếu pháp luật không được chấp hành thì xã hội sẽ loạn. Ta đành phải hạ lệnh chém mi để làm gương cho kẻ khác". Thế là ba phút sau, người cung nữ đáng thương kia rơi đầu.
Ai nấy đều bàng hoàng thương xót cung nữ xấu số.
Bà Hội đồng vụt đứng lên:
- Chết gì lãng nhách vậy?
Cậu Ba kết thúc câu chuyện tào lao:
- Khi biết những chuyện thâm cung bí sử triều Nguyễn, con chợt thấy mình rất hạnh phúc được đầu thai làm dân Nam Kỳ tuy là thuộc địa của Tây nhưng tránh được cái nạn vua chúa toàn quyền sanh sát kiểu Minh Mạng chém đầu cung nữ chỉ vì cô nàng cả gan dám hôn trộm ông chồng đa thê.
Châu thành Bạc Liêu tưng bừng trong ngày Nhà Lớn cử hành lễ tiệc vinh quy của Cậu Ba. Khách sạn Tràng An ngay đầu đường lớn nhất thị xã Lamotte de Carier (tên một chủ tỉnh) có hai xe hơi đậu. Dân Sài Gòn xuống dự lễ tại Nhà Lớn. Dân tỉnh lẻ thấy dân Sài Gòn xuống là kéo tới dòm ngó từ chiếc xe hơi bóng loáng cho tới cách ăn mặc, trang sức của dân Sài Gòn sang trọng và thơm phức. Dân sành điệu thì ngước mũi lên hút hít để đoán xem các ông lớn bà lớn xức nước hoa gì, Soir de Paris hay Chanel.
Xôm trò nhất là cánh báo chí cặp với đám vụ nữ Sài Gòn. Đúng như Cậu Hai và Cậu Ba nói, đám hiệp sỹ của ngôn luận và các nàng tiên không khó tính tới đâu là "quậy" nát nước tới đó. Hiện tượng năm bảy cặp ăn mặc đúng thời trang, có hơi diêm dúa nữa, khoác tay nhau đi dạo phố, dừng lại các hiệu tạp hóa loại sang như Thanh Bạch ghé vô tiệm chụp ảnh Lê Minh Tòng là chuyện hiếm. Chủ hiệu ảnh không bỏ qua dịp tốt, ân cần mời các nàng tiên từ Sài Gòn xuống vào chụp vài kiểu làm kỷ niệm. Lấy giá hữu nghị, đủ tiền phim giấy để làm quen. Thế là các nàng tranh nhau, mỗi người vài pô để quảng cáo hương sắc của Hòn ngọc Viễn Đông.
Sáng hôm sau, lễ tiệc chánh thức bắt đầu tại Nhà Lớn. Trên hai trăm quan khách Tây, Ta trong tỉnh và các nơi xa như Long Xuyên, Rạch Giá, Sóc Trăng, Cần Thơ, nhiều nhất là Sài Gòn kéo tới. Vào giờ chót một xe nhà báo đeo lỉnh kỉnh máy ảnh bước xuống, ăn mặc đủ kiểu, kẻ trịnh trọng đồ lớn cà-vạt đàng hoàng, người mặc kaki gọn gàng để săn tin ảnh ở mọi nơi vào mọi lúc. Cậu Ba chạy ra bắt tay ôm hôn rồi đưa khách vào giao cho Hai Đinh giới thiệu với quan khách đã an vị. Nếu có ai tinh mắt sẽ thấy ông Hội đồng tươi rói lên khi xuất hiện các hiệp sỹ của ngôn luận da trắng mắt xanh. Đám nầy chính là những món trang sức đắt giá cho cuộc tiệc hôm nay. Báo chí Sài Gòn cả Tây lẫn ta đều kéo róc xuống Bạc Liêu xa xôi hẻo lánh này là vì trọng nể gia đình ông Hội đồng có Ngũ đẳng Bội tinh và có cậu con đi học ở bên Tây về...
Ông Hội đồng có học chút ít chữ Nho trước khi học chữ quốc ngữ nên ông biết mấy cụm mỹ từ "hữu xạ tự nhiên hương", nhưng ông cũng biết sức mạnh của cổ động quảng cáo. Đôi khi lúa gạo ngon mà thiếu quảng cáo bán không chạy bằng gạo kém mà chủ khéo giới thiệu. Cho nên ông rất đồng ý với cậu Hai là phải giao hữu với cánh nhà báo. Chuyện gì mà có nhà báo tới là xôm trò. Xôm trò dài dài, từ trong tiệc rượu tới trên nhựt trình năm bảy ngày sau. Quan niệm "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" đó được Cậu Ba tán đồng, và kể từ ngày về quê, Cậu Ba thay Cậu Hai lo việc ngoại giạo để cậu Hai chuyên tâm đối phó với đám Chệt Chành trong trận giặc lúa gạo.
Thật là hãnh diện làm sao khi đám nhà báo kéo tới chỉa ống máy ảnh chụp kia lịa lúc Cậu Hai giời thiệu quan khách với gia đình ông Hội đồng. Ngoài đám Tây từ tham biện chủ tỉnh tới cảnh sát trường mà dân đen quen gọi là ông Cò (lấy từ tiếng Tây là commissaire de police) phía người Việt hầu hết là dân nhà giàu, là đại điền chủ trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Trong số này, cậu Hai trịnh trọng giới thiệu từng người, và khi khách quý đứng lên thì đạo quân nhiếp ảnh bấm máy chụp ảnh. Điền chủ trong tỉnh nhà có các ông Hội đồng Điều, Cao Triều Phát, Trường tiền Muôn, điền chủ các nơi khác có Bùi Quang Chiêu, bác sỹ Nguyễn Văn Thinh, ông Phủ Lê Quang Liêm, ông Đốc phủ Trương Tấn Vị, giám đốc An Hà ấn quán Trần Đắc Nghĩa... Màn chánh cuộc tiệc là Cậu Ba Qui đọc diễn văn nêu rõ ý nghĩa cuộc liên hoan. Cậu soạn sẵn bài diễn văn cầm tay để chứng tỏ mình tôn trọng quan khách, nhưng cậu cầm tờ giấy cho có vị mà ứng khẩu nói tiếng Pháp giòn như bẻ củi. Cậu Ba nói văn tắt nhưng sắc sảo và làm vừa lòng mọi người. Đại ý bài diễn văn của Cậu Ba là "xứ quê chớ người không quê". Dân Nam có truyền thống trọng văn khinh võ. Gia đình nào cũng cố gắng nuôi con ăn học thành tài, đúng như cha ông dạy bảo: để cho con ba mớ chữ của thánh hiền còn hơn giao gia tài ruộng sâu trâu nái. Chúng tôi rất vui khi thấy có mặt trong ngày vui hôm nay có các vị đã khéo nuôi dạy con là bác sỹ Lê Quang Trình, như bác kỹ sư Bùi Quang Chiêu mà ái nữ là bác sĩ Henriette Bùi. Còn nhiều nữa, kể ra không xiết...Sau khi mơn trớn giới đại điền chủ của mình. Cậu Ba o bế cánh nhà báo. Cậu Ba hướng về bàn dành riêng cho báo chí, cươi thật tươi, chuyển sang giọng thân tình:
- Niềm vui lớn của gia đình chúng tôi là được sự quan tâm của giới ngôn luận. Các hiệp sỹ của quyền tự do thứ tư đã không ngại đường sá xa xôi, vượt trên ba trăm cây số tới nơi cuối đất cùng trời này để chào mừng một đứa con của đồng ruộng đi du học ở Pháp về. hai giới báo chí và nhà nông tuy xa cách nhau mà lại có điểm giống nhau: nhà nông lo cho cái bao tử của thiên hạ còn nhà báo săn sóc bộ óc của đồng bào. Không có báo chí, dân quê sẽ sống trong bóng tối của sự ngu dốt. Nhờ có nhật trình mà đời sống nông thôn được đôi chút ánh sáng của văn minh, Như vậy thì nhà nông và nhà báo đều chung sức nâng cao đời sống dân chúng lên cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Xin quý vị có mặt tại đây một tràng pháo tay để siết chặt mối tình gắn bó giữa nhà nông và nhà báo.
Bài diễn văn vắn tắt của Cậu Ba được mọi người vỗ tay nhiều chập. Các tay báo chí sừng sỏ trên Sài Gòn tới bắt tay cám ơn Cậu Ba đã đề cao cái ngề cao quý của họ.
Lần lượt các quan khách lên phát biểu cảm tưởng. Tất nhiên vinh dự dành cho tham biện chánh chủ tỉnh. Và cũng tất nhiên là ông ta nói tiếng Pháp và cậu Hai xin phép được đứng ra dịch cho bà con nghe. Tham biện ngợi khen các vị đại điền chủ trong tỉnh mà ông Hội đồng Trạch là vị tiêu biểu đã nuôi con học hành đỗ đạt, cả ba người con trai đều có bằng Thành Chung, cậu Hai có tú tài, còn Cậu Ba là sinh viên đậu nhiều bằng cấp cao quý bên Pháp, các vị đại điền chủ trên vùng đất Nam Kỳ nầy minh chứng hùng hồn sứ mạng khai hóa của người Pháp.
Sau đó, nhiều vị khác lên nói ít lời chào mừng gia đình Trần Trinh vừa có hào con vừa có hào của. Người được chú ý nhiều nhất là Capitanine Cao Văn. Chữ Capitaine có nghĩa là đại úy, gọi nôm na là quan ba. Thời đó, quan ba người Việt rất ít. Cao nhất là quan năm chỉ có một mình Colonel Nguyễn Văn Xuân. Còn quan ba cũng chỉ vài ba người. Quan ba Cao Văn là dân có máu mặt tại Cần Thơ. Ông nổi danh không nhờ học cao mà nhờ binh nghiệp. Qua Pháp học trường võ bị Saint Cyr, làm sĩ quan trong Trung đoàn I Bộ binh tại thành phố Alger (xứ Algérie, ở Bắc Phi, thuộc địa của Pháp). Về nước, đại úy Cao Văn sắm xe đò tuyến Cà Mau - Sài Gòn, lập hãng xe đò Cao Văn, tranh đua với hãng Đại Trung của người Tàu. Ông Cao Văn nói:
- Cậu Ba nói đúng. Dân Nam mình có truyền thống trọng văn khinh võ. Cho nên cả cái tỉnh Cần Thơ nói riêng và cả xứ Nam Kỳ, hạng ngưới võ biền như tôi rất ít. Vừa rồi Cậu Ba nói nhà nông lo cho cái bao tử đồng bào tôi thấy đúng lắm. Tôi chỉ góp ý thêm. Làm ra hột lúa mà bán cho Chệt Chành thì thật là uổng. Chúng nó chuyên ép giá mua rẻ. Tại sao chúng ta lại không mở nhà máy xay xát, rồi lập Hội mua bán lúa gạo, bán thẳng tới người tiêu dùng, không qua các tay trung gian? Chính bọn trung gian ngồi mát ăn bát vàng là hẻ hưởng thụ công lao mồ hôi nước mắt của nhà nông chúng ta.
Ý thức tranh thương với người Tàu của Đại úy Cao Văn lúc đó rất mới. Nhiều người vỗ tay khen hay. Ông Hội đồng đã biết rõ điều đó nên không cho cậu Hai học cao để trở thành bác sĩ kĩ sư mà bắt về làm quản lý tài sản dòng họ Trần Trinh. Ông Hội đồng càng thấy Cậu Ba về nước không có bằng cấp gì mà lại hay, nó học được cách sống trong thời đại mới. Đó là cách sống thiết thực, xã hội cần người có thực tài, biết nghĩ biết làm chớ không phải những kẻ mang về nhiều bằng cấp mà không làm được gì cho đất nước.
Về đêm là lúc tiệc liên hoan vui nhất. Châu thành Bạc Liêu chưa hề có một đêm dạ vũ vui khoẻ trẻ trung như tại Nhà Lớn. Sáu vô ca-ve từ Sài Gòn xuống lại thêm nửa chục cô hay bà vợ công chức tự nhận mình là phần tử văn minh ở tỉnh lẻ nô nức hưởng ứng. Đèn sáng một góc thành phố. Đến các ngọn cây trong vườn cũng gắn hằng ngàn bóng đen li ti xanh đỏ tím vàng chớp tắt như những bầy đom đóm lập loè trên các nhánh bần ngoài kinh rạch. Nhạc sống xen kẽ các dĩa hát Cậu Ba mua về từ bên Pháp. Bên ngoài vòng thành, dân chúng, đông nhất là thanh niên, học sinh bu đen nghe nhạc và xem khiêu vũ. Thời ấy nhảy đầm là chuyện lạ. Ở tỉnh thỉnh thoảng Tây đầm mới khiêu vũ, thường là các ngày lễ như Chánh chung tức Cách-to Duy-ê (14 Juillet) hay lễ Chúa Giáng sinh (Noel). Ở một tỉnh quê mùa như hai câu thơ "Bạc Liêu là xứ quê mùa, dưới sông cá chốt trên bờ Tiều Châu" mà Cậu Ba mở một đêm dạ vũ tưng bừng, rước cả gái nhảy và dân nhà báo từ Sài Gòn xuống thì quả đây là một hiện tượng lạ.
Vẫn chưa hết. Sáng hôm sau, Cậu Ba tổ chức chuyến đi tắm biển rồi ghé các vườn nhãn thưởng thức hương vị giống nhãn đặc biệt, trái to mà hột nhỏ, vừa thơm vừa ngọt. Cậu mượn một số súng hơi để các tay thiện xạ thử tài cao thấp. Trên đường ra biển có rất nhiều chim cò tụ tập săn cá trong các lung bàu. Dân vùng biển Mỹ Thanh lại cò dịp trông thấy đám người Dài Gòn về tắm biển bãi bùn quanh năm vắng vẻ. Khi biết tất cả những người vui vẻ đó là khách của Cậu Ba thì mọi người đều cười: "Đi Tây về có khác!"
Chương 6
Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn
Bắt bồ báo giới là khôn trật đời
Giới báo chí trước đây đã có cảm tình với các đại điền chủ ở Hậu Giang nay càng thân thiết khi gặp cậu Ba Qui. Dân cậu ở miền Tậy khi đi du học bên Pháp cũng đông, như con ông Cả Bé ở Rạch Sỏi, tỉnh Rạch Giá là Hùynh Thiện Lộc, đậu kỹ sư nông nghiệp, con Hội đồng Lê Quang Hiển là bác sỹ Jean Lê Quang Trinh, cô Henriette Bùi là con gái ông nghị Bùi Quang Chiêu đậu tiến sỹ y khoa, là nữ bác sĩ đầu tiên của Nam Kỳ. Rồi còn kỹ sư cơ điện Paul Nghiêm là cháu đại điền chủ Nguyễn Tấn Lộc tỉnh Cần Thơ... Phần lớn các vị trí thức xuất thân từ đồng ruộng Hậu Giang đều xử sự theo đúng khuôn phép, lịch thiệp nhưng không giao du rộng rãi và hào hoa như Cậu Ba Qui. Cho nên thiên hạ mới tặng cho Cậu Ba mấy tiếng Công tử Bạc Liêu.
Khi Cậu ba trao đổi danh thiếp, ai nấy đều làm lạ khi thấy danh thiếp đề vắn tắt ba hàng chữ: Trần Trinh Huy, propriétaire foncier-Bạc Liêu.Bây giờ dân chủ điền ở Hậu Giang khoái in danh thiếp nửa Tây nửa Ta. Chỉ điền chủ thì xài tiếng Tây như trên. Thói ăn nói "ba rọi" coi kỳ nhưng lại đúng là thời thượng. Đến viết thư cũng đề ngay trên đầu thư là Cà Mau, le Neuf Mars thay vì Cà Mau, ngày 9 tháng 3. Đúng là ăn nói kiểu ba rọi mà thịt ba rọi nửa nạc nửa mỡ ăn rất hấp dẫn cho nên dù thấy kỳ kỳ người ta vẫn xài, riết rồi quen miệng. Mà cái gì quen miệng là kể như được chấp nhận, như ngưới Pháp có câu "L usage fait la loi"( cái gì thông dụng thì được chấp nhận)
Cậu Hai thấy tấm danh thiếp liền hỏi Cậu Ba:
- Sao chú Ba nó viết tên mình là Huy? Không nhớ là dòng họ mình đặt tên theo loài thủy tộc: cha là Trạch, anh là Cua Đinh, chú là Rùa Qui...
Cậu Ba cười:
- Biết chớ! Việc cha mẹ đặt tên cho con mỗi người một cách, tùy theo trình độ hiểu biết của mình, Những nhà thâm Nho rộng Hán thì đặt tên con theo chữ thánh hiều như Tích Đức Gia Trung hay là Công Thành Danh Toại... còn mấy ông vô dân Tây thì đặt tên con theo mười hai ông Thánh tông đồ Paul, Jacques, Bernard... Còn chuyện buồn cười là gặp chánh lục bộ dốt tiếng Tây nên viết vô giấy khai sanh chữa Paul thành chữ Bol, biến ông thánh thành cái chén.
Đám nhà báo cười vang lên thú vị như nghe kể chuyện tiếu lâm. Cậu Ba khoái chí kể tiếp:
- Nói về mấy ông chánh lục bộ "hay chữ lỏng" thì nói tới chiều chưa hết chuyện, nhưng sợ mình đi lạc nên xin trở lại việc mình đổi tên mà chưa nấu chè xội cúng ông bà. Chữ Qui mà ông già đặt cho mình là con rùa. Đây là con rùa em, còn Cua Đinh là con rùa anh. Lối nói dí dỏm của Cậu Ba khiến đám nhà báo cười, cậu Hai cũng cười theo. Cậu Ba nói tiếp:
- Chừng lên trung học, mình tra Hán Việt từ điển thì thấy chữ Qui còn nhiều nghĩa khác nữa, trong đó có một nghĩa mà mình không khoái chút nào. Đó là chữ qui đầu, Các bạn có biết qui đầu là cái gì không?
Một nhà báo cười to lên:
- Cái đó chính là cái của quí của con người, không có nó thì kể như chết còn sướng hơn...
Mấy ả cave nghe đám đàn cười rộ men lại gần nghe ké nhưng bị đuổi như đuổi ta:
- Chỗ đàn ông nói tiếu lâm, mấy bà tới đây là chi?
Cậu Ba tiếp tục:
- Tuy nó rất quan trọng trong cái khoái thứ ba và tối cần thiết cho việc duy trì nòi giống, tôi nhất định không lấy nó làm tên mà chọn chữ Huy có nghĩa là ánh sáng mặt trời (trong chữ tà huy) và còn thêm một nghĩa nữa là ngọc (trong chữ huy thạch).
Cậu Hai vẫn chưa thỏa mãn:
- Chú Ba nói nghe cũng có lý, nhưng có cần thiết phải sửa tên hay không?
Cậu Ba gật lia:
- Rất cần thiết. Vì sao? Trong xã hội văn minh, việc giao tiếp rất là quan trọng. Thời buổi này, gặp nhau, sau cái bắt tay là trao đổi danh thiếp. Ngày nay không ai tự giới thiệu tôi là ông A, làm nghề gì, ở đâu, coi nó quê quá mà chỉ cần trao nhau một tấm danh thiếp nhỏ trong đó ghi rõ tên họ, nghề nghiệp và địa chỉ. Coi thiệt là văn minh, phải không các hiệp sỹ của ngôn luận?
Đám nhà báo gật gù tán thưởng. Cậu Hai:
- In danh thiếp là chuyện cần thiết. Nhưng còn việc đổi Qui thành Huy?
- Chữ Qui nói lên xuất xứ nhà nông của mình. Con rùa làm sao sánh kịp ánh sáng mặt trời hay là viện ngọc từ chữ Huy mà ra? Cái tên quan trọng lắm chớ anh. Tôi có người bạn cha đặt tên là Đe, chừng ăn học thành tài, làm quan to, anh bạn Đe tới nhà làng xin đổi chữ Đe ra chữ Đệ nghe cho êm tai hơn là chữ Đe.
- Chú Ba mầy cũng có lý.
Một nhà báo nghe Cậu Ba tính mua máy bay kêu lên:
- Chừng nào mua nhớ cho mình hay nghe, Mình sẽ viết nhật trình cho quốc dân đồng bào biết, vì đây là chuyện hiếm có. Trên toàn cõi Đông Pháp, chỉ có một người bản xứ (Tây gọi là indigène) sắm máy bay. Người đó là hoàng đề Bảo Đại.
Cậu Ba cười:
- Tôi cũng nghe nói vậy, Nhưng gnhe đâu hai công ty cao su lớn nhất nước là SIPH (chữ tắt của Société Indochinoise des Plantations d Hévéa) và Terres Rouges (Đất Đỏ) có sắm máy bay để chở tiền phát lương cho công nhân hằng tuần vì trước đó các chuyến xe chở tiền bị bọn cướp Rừng Xanh chận đoạt đánh tiền.
Nhà báo nói:
- Máy Bay trong tay Cậu Ba có ích hơn trong tay vua Bảo Đại. Đi thăm ruộng chắc chắn là có ích hơn đi săn hổ trên cao nguyên Trung Kỳ.
Đến đây thì một nhà báo khác cao hứng kể chuyện vui:
- Từ mấy ngày qua, Cậu Ba đã vui miệng kể chuyện bên Tây cho tụi này nghe. Bây giờ mình cũng kể chuyện trong làng báo nghe chơi. Vừa rồi anh bạn nhắc ông hoàng Bảo Đại. Tôi có một may mắn lớn trong đời là được chỉ định tham gia phái đoàn Nam Kỳ đưa dâu của triều đình Huế.
Đầu đề câu chuyện nghe hấp dẫn nên mọi người tập họp lại nghe. Nhà báo được nhiều người lắng nghe càng thêm cao hứng:
- Anh em nhà báo thì biết tôi là ai rồi, còn nhiều người chưa biết nên bỉ nhân xin tự giới thiệu: bỉ nhân là chủ bút báo Lục Tỉnh Tân Văn, bút danh là Hoàng Phố. Toà soạn nằm trên đường Taberd, ngó ra bưu điện Trung Ương và nhà thờ Đức Bà. Chủ Báo là ông Huyện Của. Mấy năm trước, dân mình chưa quen mặc đồ Tây, công và tư chức còn mặc áo dài đen quần trắng, đầu đội khăn đóng, chân mang giày hàm ếch. Nhiều bạn trai trẻ thắc mắc tại sao tôi ăn mặc như mấy ông già. Có hai điều lợi, thứ nhất là đỡ tốn tiền giặt ủi, thứ hai là mặc "quốc phục" làm cho mình ra vẻ nho phong, chững chạc hơn đám bồi Tây. Thêm một cái lợi thứ ba nữa là mặc quốc phục tiện cho việc vô dinh thống đốc vì đi hầu quan lớn phải khăn đóng áo dài mới phải phép.
Một ả ca-ve nóng nảy cắt ngang:
- Ông chủ bút vô đề có hơi dài quá rồi đó.
Nhà báo cười:
- Kể chuyện vui phải rỉ rả, càng về khuya càng mùi. Tôi kể tiếp đây
- Ngày kia ông Huyện Của bảo tôi: chiều nay thầy đi với tôi. Nhớ mặc áo dài và đi giày escarpin nghe. Tôi hỏi lại: Dạ thưa đi ăn tiệc Toàn quyền hay Thống đốc? Ông Huyện lắc đầu: Khôgn! Đi dự tiệc thân mật ở đường Taberd. Chỉ trong vòng năm chục người thôi. Đàng gái đưa dâu... Tôi ngạc nhiên: Đàng gái nào? Thầy kín miệng nghe. Đây là chuyện cơ mật: Hoàng đế Bảo Đại phái quan triều đình vào rước Hoàng hậu về quê. Hoàng hậu là con gái ông Nguyễn hữu Hào đó, tức là cháu Huyện Sĩ... Tôi vụt nhớ câu thiệu nói về bốn vị nhà giàu nhất Nam Kỳ: "nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định". Té ra cô dâu là cháu ngoại người giàu nhất Nam Kỳ, người đã xây cất nhà thờ lấy tên Huyện Sĩ tọa lạc tại góc đường Frère Louis và Frère Guilleraut...
Chiều đó tôi cùng ông Huyện Của tới biệt thự ông Nguyễn Hữu Hào đường Taberd, quan khách chỉ mười vị. Về giới báo chí có hai vị chủ báo Nguyễn Văn Của và Lê Trung Nghĩa, là hai "quan báo", còn quan thứ thiệt thì có đốc phủ Lê Quang Liêm dit Bảy (dit là chữ Tây có nghĩa là tức). Ngài đốc phủ Bảy ngồi chung với tôi cho đủ cặp, cả hai cùng mặc áo dài khăn đóng, nhờ vậy mà đàng gái tưởng lầm tôi là quan thứ thiệt, không phải là "quan báo". Đến hai quan đại thần triều đình Huế cũng ngộ nhận như vậy nên cúi mình khá sâu khi bắt tay ông phủ Bảy và tôi. Sam-pan nổ váng tai, bánh dọn đầy bàn. Cô dâu Nguyễn Hữu Thị Lan tức Hoàng hậu Nam Phương đi mời rượu từng người "Xin quan lớn dùng chút rượu và bánh".
Khỏi phải nói, nhà báo quèn như tôi mà được Nam Phương Hoàng Hậu mời Sam-pan, trao tận tay mới thích thú làm sao! Đúng là dịp may hiếm có. Sướng híp mắt! (Nhà báo nhắm mắt lại, vẻ mặt hãnh diện như thoát trần khiến mọi người cười vang lên sảng khoái.) - Rồi sao nữa? Nhiều người hỏi.
Hoàng Phố kể tiếp:
- Tiệc sam-pan chỉ là khúc dạo đầu, Mấy ngày sau ông Huyện Của lại bảo tôi ăn mặc chỉnh tề để đi đưa dâu về triều đình Huế. Tôi chưa đi Huế nên hỏi: Mình đưa dâu ra tận cố đô? Không, chỉ đưa tới đèo Hải Vân thôi. Các quan từ Huế vào đó đón.
Đúng ngày trọng đại, Hoàng Phố củng ông phủ Bảy vẫn bổn cũ soạn lại, khăn đóng áo dài bông bạc. Cả hai đi một cặp. Không ai phân biệt quan lớn thiệt và quan lớn giả (quan báo). Trong chuyến đi nầy người thú vị nhất có lẽ là quan phủ Bảy vì ông được dịp tủm tỉm cười khi các quan triều đình Huế nghiêng mình khá sâu trước quan lớn giả cũng như trước quan lớn thiệt. Lên trên đỉnh đèo, đoàn xe dừng lại. Pháo cùng sam-pan thi nhau nổ. Hai bên đàng trai đàng gái cùng chạm cốc chúc mừng tân lang và tân giai nhân. Tiệc rượu kết thúc, hai bên bắt tay tạm biệt, mạnh ai theo đàng nấy ra về... Hoàng Phố tươi cười kết thúc câu chuyện:
- Người Pháp nói chí lý là nghề báo đưa người viết báo tới bất cứ nơi nào với điều kiện là nhà báo phải đi ra ngoài cái nghề của mình. (Le journalisme mène à tout à condition d en sortir). Mình được đưa dâu triều đình Huế ra tận đỉnh đèo Hải Vân không phải với tư cách là nhà báo mà với tư cách là quan báo có "họ hàng" với gia đình gái (do ông Huyện Của chỉ định).
Cậu Ba bắt tay Hoàng Phố khen ngợi:
- Cám ơn anh Hoàng Phố đã giúp chúng tôi được vài khác thả hồn theo chuyến đưa dâu triều đình Huế từ Sài Gòn tời đỉnh đèo Hải Vân. Chuyện rất lý thú. Bây giờ tôi xin kể tiếp câu chuyện anh vừa kể, kể tiếp nhưng lại kể khúc đầu.
Các nhà báo liền hỏi:
- Chuyện hôn nhân của Hoàng đế Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương là chuyện trong nước mà cậu Ba ở bên Pháp làm sao biết được?
Cậu Ba cười lớn, vui vẻ nói:
- Ở nước ngoài mới biết niều chuyện hay hơn người trong nước. Vì sao vậy? Chuyện rất dễ hiểu, vì Pháp là nước tự do báo chí, còn ba kỳ của mình thì bế quan tỏa cảng, bưng bít tin tức, nhất là những tin nhà cầm quyề không muốn cho người dân biết. Bây giờ xin hãy nghe chuyện thâm cung bí sử nhà Nguyễn phổ biến trong giới cầm quyền Pháp...
Bảo Đại được khân sứ Trung Kỳ Pasquier chăm sóc từ năm lên tám, lúc đó còn mang tên Vĩnh Thụy. Vĩnh Thụy được đưa sang Pháp, giao cho một viên chức đã về hưu tên là Charles để đào tạo sau này thành vua trung thành với Pháp. Charles từng làm khân sứ Trung Kỳ nhiều năm có lúc kiêm quyền Toàn quyền Đông Dương. Charles nuôi dạy Bảo Đại mười một năm và khi Vĩnh Thụy hồi loan, Charles cũng trở qua Huế bám sát hoàng đế Bảo Đại. Chính Charles cũng đã đưa Phạm Quỷnh lên giữ chức Ngự tiền văn phòng tổng lý ngang hàng với chức Thượng Thư đề lái nhà vua theo đúng đường lối chánh phủ bảo hộ. Còn chuyện nầy mới quan trọng hơn, là Charles đã bố trí cuộc hôn nhân giữa Bảo Đại và cô Mariette Jeanne Nguyễn hữu Hào, nhũ danh là Nguyễn Hữu Thị Lan, con một gia đình theo đạo Thiên chúa và có quốc tịch Pháp. Như quý vị có thể đã thấy, đây là một cuộc hôn nhân lý trí (marriage de raison) liên kết triều đình Trung Kỳ với giới phú hào Thiên chúa Nam Kỳ. Thông thường thì các hôn nhân lý trí không bền vững bằng hôn nhân Tình ái, nhưng mình không dám làm thầy bói...
Chương 7
Nhà lớn quyết định sắm máy bay
Cậu Ba lên Sài Gòn mở phòng thường trực
Sau cả tuần lễ tiệc gọi là vinh quy bái tổ, Cậu Ba bắt tay vào việc làm ăn. Cậu bàn với ông Hội đồng và cậu Hai:
- Kể từ hôm nay, con xin lãnh công việc ba và anh Hai giao. Con có nghe ba nói một lần rồi, nhưng nay con muốn nghe ba lặp lại lần nữa, trước mặt anh Hai đây, để... cho ba mặt một lời, sau này dễ làm việc.
Hai Đinh bật cười:
- Thằng này có vẻ rắc rối quá! Cha con, anh em trong nhà mà bày vẽ...
Ông Hội đồng gật gù:
- Không rắc rối, không bày vẽ đâu! Thằng Ba nói đúng. Người mình có câu "ăn cho, buôn so", nói theo người hay chữ là theo thuyết chánh danh. Hai đứa bây hãy nghe tao nói đây. Khi thằng Ba mầy đi Tây thì mọi việc tao giao cho anh Hai mầy lo liệu. Quan trọng nhất là việc tranh thương với Chệt chành, không cho chúng phái người vô điền của mình mua lúa nón, tức là cho vay để mua giống má, phân bón, thuốc trừ sâu, v.v... Đến mùa lúa chín thì mua lúa rẻ chất đầy lẫn chờ được giá mới bán. Mấy việc đó anh Hai mầy làm được việc.
Cậu Hai nở một nụ cười thật tươi, công lao của cậu đã được cha đánh giá đúng. Ông Hội đồng nói tiếp:
- Nay thằng Ba mầy đi học về, phải chia bớt gánh nặng của anh. Mầy chữ nghĩa, tiếng Tây giỏi, giao thiệp rộng, ba giao cho con về mặt giao tiếp, giấy tờ với nhà nước và nhà báo...
Cậu Ba gật gù:
- Ba giao việc đó rất đúng khả năng của con. Giao tiếp nhà nước và nhà báo. Còn gì nữa không ba?
- Điền sản nhà mình lớn lắm, 145.000 héc-ta ruộng lúa với mười ngàn héc-ta ruộng muối. Đi thăm lúa ruộng thật là mệt. Con phải sắm máy bay đưa ba và anh hai đi giáp vòng.
Cậu Ba gật lia:
- Cái đó thì con đồng ý hai tay. Rồi, còn gì nữa không?
Ông Hội đồng quay sang cậu Hai:
- Để anh Hai mầy nói.
Cậy Hai chậm rãi:
- Đây mới là chuyện quan trọng. Chú Ba nó đọc báo chắc có biết sự cạnh tranh giữa mình với người Tàu thật là ác liệt.
Cậu Ba gật:
- Có nghe. Nhất là Bắc Kỳ, đồng bào ngoài đó tẩy chay hàng hóa do người Tàu bán.
Cậu Hai nói tiếp:
- Ngoài Bắc đồng lòng tẩy chay người Tàu nên người Tàu không thao túng thị trường như trong Nam mình. Anh muốn kêu gọi các nhà điền chủ và tư sản trong Nam lập hội để cùng nhau tranh thương với đám Chệt chành trong trận giặc lúa gạo.
Cậu Ba cười:
- Cái ý nghĩa của anh đó, bên Pháp đã có từ lâu rồi. Đọc báo thấy hàng tháng Chambre de Commerce họp để bàn thảo các vấn đề. Đó là Phòng Thương Mãi. Còn nhà nông mình thì nên lập Chambre des Agriculteurs (Phòng Nông gia).
Hai Đinh vui mừng:
- Hay! Chú Ba mầy thông minh lắm. Vừa nghe trình bày đã có sáng kiến ngay. Mình muốn lập một hiệp hội nông gia để bàn công việc nghề nghiệp mà quan trọng nhất là đương đầu với nạn người Tàu tung tiền vô các điền mua lúa non. Chú Ba nó, với cương vị một trí thức du học ở Pháp về, chắc là lời kêu gọi có trọng lượng hơn mình.
Cậu Ba cười:
- Đúng vậy! Cũng một việc đó mà người không tên tuổi nói không ai nghe. Còn dân có nhãn hiệu "re-tour de France" (đi Tây về) thì nói dù đúng dù sai, thiên hạ cũng nghe rần rần.
Ông Hội đồng cũng cười theo:
- Chuyện đời là vậy. Người mình có câu "Vai mang túi bạc kè kè, nói bậy nói bạ, người nghe rần rần". Ngày nay, ai đi Tây cũng được trọng vọmg như kẻ mang bạc kè kè.
Sau một tuần trà, Cậu Ba nói:
- Các công việc ba và anh Hai giao, con đều nhận hết. Nhưng trước khi bắt tay vào việc con muốn ba và anh Hai giúp con cụ thể hơn, nghĩa là cho con xem giấy tờ, bằng khoán để biết rõ gia sản, điền địa của nhà mình ở đâu và như thế nào. Chớ chỉ nghe con số một trăm bối mươi lăm ngàn héc-ta ruộng lúa và mười ngàn héc-ta ruộng muối thì kể như chưa nắm được gì!
Cậu Hai gật:
- Được! Tất cả hồ sơ giấy tờ, bằng khoán anh đang giữ trong tủ sắt. Để anh lấy cho chú xem.
Ba Huy nhìn bản đồ nói:
- Điền sản nhà minh chạy dài từ Bác Liêu xuống Cà Mau. Còn ruộng muối thì từ Bạc Liêu ăn thông qua Vĩnh Châu, Ngày mai, hai anh em mình phải đi một vòng đề - nói theo nhà nước là kinh lý "trăm nghe không bằng một thấy". Nếu ba không sợ mệt thì ba cùng đi với hai con.
Ông Hội đồng cười lớn:
- Tao là dân nhà nông, đi thăm ruộng là nghề, sao lại sợ mệt! Ý của thằng Ba mầy hay. Có thấy tận mắt mới hiểu rõ và từ đó nẩy ra sáng kiến.
Cậu Hai cũng phụ họa theo:
- Cái đó có trong văn chương, người ta nói là "tức cảnh sanh tình".
Sáng hôm sau, ba cha con đi thăm ruộng muối ở Vĩnh Châu. Khi xe qua cầu Quay, chạy ngang xóm nhà thờ, lòng Cậu ba bồi hồi xúc động. Ngày xưa, còn học tiểu học ở Bạc Liêu, cậu thấy nhá thờ tỉnh uy nghi to lớn, nay sao trở về thấy nó nhỏ lại hết sức khiêm tốn...
Cậu Hai nói:
- Tỉnh Bạc Liêu mình được thiên nhiên ưu đãi. Chú cứ nhìn các trụ bê tông bên đường thì biết mỗi năm biển cứ lùi xa vài trăm thước, nhờ đất phù sa con sông Hậu bồi đắp ngày đêm.
Cậu Ba nhận xét thêm:
- Quận Vĩnh Châu có ba sắc dân, người mình, người Tiều và người Miên. Trong ba nhóm dân cư nầy, người Tiều làm ăn giỏi hơn hết, Họ lập vườn nhãn, thu huê lợi lớn, cất nhà ngói, đóng giếng gạch để tưới nhãn vào mùa khô, sắm xe chở nhãn đi bán các chợ...
Cậu Hai gật:
- Mồ mả người Tiều cũng khác hẳn người mình. Họ rất trọng địa lý phong thủy, chọn đất xây mồ cũng quan trọng như đất cất nhà. Mộ người Tiều thường ở trên gò cao, chung quanh mộ đắp đất hình vòng vung, trồng cỏ xanh tươi thật mát mẻ.
Ông HỘi đồng ngồi ghế trước quay lại góp chuyện:
- Còn người Đàn thổ thì sống bẩn chật hơn. Nhà lá đơn sơ, nhưng lại quyên tiền xây chùa thật nguy nga tráng lệ. Vào chùa Miên, mình thấy sang cả như đền đài của vua chúa, nền cao, gạch bông láng trơn, tranh vẽ trên tường mày sắc rực rỡ.
Cậu Hai tiếp lời:
- Đó là sự tích Phật Thích Ca vốn là thái tử Si-đạt-ta thấu hiểu đời là bể khổ nên rời cung điện quyết chí đi tu. Trong chùa có pho tượng thái tử cỡi ngựa trắng đặt giữa sân.
Cậu Ba như thần nhủ: -Người Miên sống nhiều về tâm linh và có lẽ lúc vô chùa lạy Phật là lúc vui vẻ nhất trong đời họ.
Cũng trong chuyến đi thăm ruộng lúa ở Giá Rai, Cà Mau, Cậu Ba hỏi cha và anh về tình hình điền địa Nam Kỳ.
Ông Hội đồng nói:
- Hồi ba còn làm thư ký sở Địa chánh trông coi việc thu thuế ruộng, ba có đọc sách nên biết chút ít. Thằng Tây rất giỏi về ngành thống kê. Đất đai Nam Kỳ đều chia ra từng tỉnh. Mỗi tỉnh có bao nhiêu điền chủ cỡ lớn chúng đều nắm chắc. Trong hăm mốt tỉnh, chúng xếp hạng càc tỉnh giàu như sau. Theo chúng, tỉnh giàu có nghĩa là tỉnh có nhiều địa chủ lớn đóng thuế nhiều cho nhà nước: Đứng đầu là Rạch Giá với 55 điền chủ lớn. Hạng nhì là Cần Thơ với 53 điền chủ lớn. Thứ ba là Trà Vinh với 50. Vĩnh Long đứng hạng tư với 45. Bạc Liêu mình đứng thứ năm với 36 điền chủ lớn...
Cậu Ba:
- Mình chỉ muốn biết trong tỉnh Bạc Liêu của mình thôi, Trong sốp 36 điền chủ lớn, ngôi thứ ra sao?
Cậu Hai nói:
- Mình đứng đầu với 145 ngàn héc-ta. Hạng nhì là Vưu Tung với 75.000 héc-ta. Thứ ba là Châu Oai với 40.000 héc-ta.
Cậu Ba:
- Nghe nói có điền chủ Tây nữa...
Cậu Hai gật:
- Nhiều. Như đám Arborati chiếm nhiều nhất ở Giá Rai. Thằng Batisti có điền ở Cà Mau. Thằng Quillemet ở Khánh Bình. Đám này cho con học ở Chasseloup trên Sài Gòn.
Ông HỘi đồng ngẫm nghĩ:
- Nghe nói hai anh em thằng Malein ở Cờ Đỏ, quận Ô-môn - Cần Thơ làm ruộng có bài bản lắm. Có kỹ sư canh nông về làm cố vấn cho nó. Thằng Ba mầy nên tới đó ngó qua cho biết nó hơn mình ở chỗ nào.
Cậu Ba giở sổ tay ra ghi:
- Con sẽ lần lượt tới các điền Tây đề làm quen, học hỏi, đồng thời vận động thành lập Hội nông gia như ý anh Hai nói khi nãy. Nhưng trước nhất là phải tìm một nơi làm sân bay ở Cà Mau.
Nghe nói máy bay, ông Hội đồng thìch thú:
- Làm sân bay tốn nhiều đất không?
- Không nhiều đâu, chỉ bằng cái sân đá banh. hai bên chiều dài mình cắm cọc sơn trắng đỏ làm dấu để phi công biết mà hạ cành.
- Vậy thì chẳng tốn kém gì. À, mà nghe nói có tàu bay nữa. Mình nên mua thứ nào?
Cậu Hai đang lim dim vụt mở mắt ra:
- Câu hỏi hay đó. Nên chọn mua thứ nào?
Cậu Ba cười:
- Mình đã suy tính rồi, Ban đầu thấy mua thủy phi thuyền Catalina là tiện vì xứ mình sông rạch xỏ rế như bàn cờ. Nhưng nghĩ kỹ thì lại thấy bất tiện. Vì loại này không thể đáp xuống sông rạch nhỏ, cây cối um tùm. Nó chỉ đáp nơi sông cái. Như anh có thể thấy các soái hạm thường dùng Catalina vì nó đáp xuống biển hay sông cái tiện hơn.
Cả ông Hội đồng và cậu Hai gật đầu. Họ thầm khen thằng Ba bây giờ chín chắn hơn trước nhiều.
Sau khi chọn xong địa điểm để làm sân bay, Cậu Ba lại nói tiếp ý định của mình:
- Có một chuyện nầy, với con thì rất bình thường nhưng với ba và anh Hai thì nó mới lạ và tốn kém.
Nghe nói tốn kém, ông Hội đồng chụp hỏi:
- Gì mà tốn kém?
Cậu Ba trình bày:
- Công việc ba và anh Hai giao cho con bắt buộc con cùng một lýc phải ở hai nơi. Một là con phải ờ Nhà Lớn để khi cần đi đâu thì con là "sốp-phơ máy bay" cho ba. Ngoài ra khi cần giao du vơi nhà nước và nhà báo thì con phải sống ở Sài Gòn. Vì Sài Gòn là đầu não của bộ máy cai trị Nam Kỳ. Ở đó báo chí bên Tây qua cũng sớm. Báo trong nước vừa in là mình có mà đọc. Phải mất một ngày báo Sài Gòn mới xuống tới Bạc Liêu theo xe thơ. Trong thương trường, giá cả lên xuống, trồi sụp nhanh như chớp. Nếu không nắm được giá lúa gạo ở bên Xiêm, bên Mã Lai thì ta bán hố, thua lỗ bạc trăm bạc ngàn. Bởi vậy phải có một local (phòng trực) ở Sài Gòn. Tuy tốn kém mà lợi gấp mười, gấp trăm lần.
Cậu Hai gật lia:
- Đúng là mầy giỏi hơn tao nhiều. Tao chỉ là thằng lái vườn, còn mầy là thằng lái quốc tế.
Ông Hội đồng sáng rỡ lên:
- Ý hay! Tao đồng ý cho mầy mướn phố trên Sài Gòn để thăm dò giá cả thị trường, Lớn thuyền thì lớn sông chớ! Má mầy nhà quê "một đồng sợ tốn, bốn đồng không đủ", chớ tao thì biết tính toán hơn. Chuyện làm ăn theo kiểu tân thời, hai anh em bây bàn tính với nhau. Hễ thấy có lợi là tao ủng hộ ngay.
Vậy là hôm sau, cậu Ba cùng tài xế lấy chiếc Chevrolet mới mua đi Sài Gòn dọ giá mua máy bay và mướn phố làm văn phòng thường trực mà Cậu Ba là trưởng phòng.
Chương 8
Tám Bò chán cảnh đồng không mông quạnh
Bám theo anh vui thú phồn hoa
Từ ngày Cậu Ba về nước, Tám Bò bám sát như sam. Cậu Tám nói với Cậu Ba:
- Mầy ngày nay, anh Ba có biết không, anh như lưỡi dao Con Chó...Cậu Ba trừng mắt:
- Mầy nói cái gì? Tao mà như lưỡi dao Con Chó?
Tám Bò cười ngất:
- Người ta chưa nói hết câu mà. Nghe em nói lại đây này, anh như lưỡi dao Con Chó mà mấy người bu quanh là những cây kim gút. Lưỡi dao thò tới đâu là mấy cây kim bị hít dính vô tới đó...
Ba Huy cười, gật gù:
- Mầy nói chuyện đặc sệt nông dân, ví von, có hình tượng rõ ràng, ý mầy muốn nói tao như thỏi nam chân có sức hút dính các loại kim khí chớ gì? Nếu mầy muốn tao sẽ truyền nghề cho mầy.
Tám Bò cười híp mắt:
- Thiệt hả anh Ba? Em khoái cái tài nói chuyện cũa anh quá. Nếu em có chừng một phần mười của anh thì em hốt hết các cô gái trong điền.
Ba Huy lắc đầu:
- Đúng là chứng nào tật nấy! Tao đi Tây lâu ngày, nay về thấy mày cũng vậy, chẳng tiến bộ chút nào.
Giọng cậu Tám có hơi ganh tỵ:
- Anh sướng nhất nhà. học trên Sài Gòn đã rồi còn qua Pháp, không tiến bộ sao được. Còn em, kiếm được cái Đíp-lôm thì bị ba má giữ riết ở nhà. Rồi cho đi coi điền. Quanh năm chôn chân trong đồng lầy nước đọng, làm sao tiến bộ được. Đành phải giải trí với những cái gì mình có...
- Nghĩa là cứ vác dù đi o mèo?
- Chớ anh biểu em phải làm gì?
Ba Huy nghiêm chỉnh:
- Được rồi! Tao sẽ truyền nghề lại cho mầy, Hãy sửa soạn vài ba bộ đồ đi với tao lên Sài Gòn một chuyến. Chắc là mầy lâu lắm không lên Hòn ngọc Viễn Đông?
Tám Bò lắc đầu:
- Gia đình mình là nhà giàu bậc nhất trong thiên hạ mà ba má ăn xài kỹ lắm, Đi đâu phải có công có chuyện mới xuất tiền, chới đi khơi khơi thì còn khuya đó anh. Nếu anh cho em theo lên Sài Gòn một chuyến thì hay quá! Người ta gọi anh em mình là công tử Bạc Liêu, sao em nhột cái sống mũi làm sao! Anh thấy đó, bây giờ em đúng là một công tử vườn, nay đi Sài Gòn mà không có một bộ đồ nào đúng mốt để mà diện.
Cậu Ba nhìn thằng em mà thấy thương thương:
- Tao sẽ sắm cho mấy một bộ đồ vía. Đó là chuyện trước mắt, o bế cho mầy một bộ vó bề ngoài cho ngon lành đề rồi còn kiếm cho mầy một con vợ xinh đẹp giàu có và biết làm ăn nữa. Chịu không?
Tám Bò chụp tay anh lắc lắc:
- Thiệt hả anh Ba?
- Tao có nói chơi bao giờ! Trước đây, tao nghe nói mầy lăng nhăng lắm nên ba má ngại cưới vợ cho mầy. Tao nghĩ rằng lúc trẻ ai cũng bay bướm, nhưng chơi bời lêu lổng mãi cũng chán ngấy. Đã đến lúc tu tỉnh làm ăn. Phải vậy không?
Cậu Tám gật:
- Anh nói đúng. Làm công tư vườn bao nhiêu năm trong điền, em thấy chán quá rồi, sẵn dịp anh Ba về, em đeo theo học hỏi thêm. Bây giờ em thấy rõ có tiền nhiều không bằng có được cái lịch lãm ở đời như anh vậy.
Cậu Ba phấn khởi:
- Chú mầy muốn tiến bộ thì tao sẽ giúp. Đây là mấy cuốn sách gối đầu giường cho thanh niên, mầy chịu khó nghiền ngẫm, sẽ có ích cho sự giao thiệp.
Tám Bò cầm hai quyển sách khoảng ba trăm trang đọc tên sách:
- Savoir vivre. Savoire faire. À, sách dạy nghê thuật sống và nghê thuật xử thế. Nhưng mà sách nầy của Tây viết cho người châu Âu...
Ba Huy cười:
- Đời văn minh, đâu còn phân biệt Âu với Á. Thước đo văn minh con người là ba chữ Chân - Thiện - Mỹ. Chú giỏi Pháp văn, từng đọc sách trong đó người ta ca ngợi cái thật (Chân), cái tốt (Thiện) và cái đẹp (Mỹ).
Tám Bò vẫn bảo thủ:
- Đành là như vậy, nhưng Đông và Tây vẫn có chỗ khác nhau, như màu đen của người phương Tây là tang tóc còn với người phương Đông mình tang tóc là màu trắng. Về chuyện yêu đương, Tây hôn bằng miệng còn mình hôn bằng mũi...
Ba Huy cười:
- Đang nói chuyện tang tóc lại chuyển sang hôn miệng cạ mũi. Chú mầy thật lếu láo. Nhưng hai chuyện đó chỉ là hai cái khác nhau nhỏ không đáng kể trong vô số cái giống nhau. Mấy ông già xưa gọi là tiểu dị nằm trong cái đại đồng.
Trên đường lên sài Gòn, hai anh em trao đổi chuyện tâm tình. Cậu Ba tìm hiểu quan niệm sống của đứa em có học tới trung cấp nhưng mấy năm chôn chân trong đồng sâu, còn cậu em thì muốn biết chuyện đường xa xứ lạ mà người anh đã từng trải.
- Nè chú Tám, chú định lập gia đình mà chú đã chọn được nơi nào chưa?
- Trong điền có vài nơi cũng khá, họ chỉ chờ em mở lời...
Cậu Ba lắc đầu:
- Không được đâu!
-Tại sao?
- Người ta ở trong điền mình tất nhiên là muốn gả con cho chủ điền, Chuyện đó có lợi cho gia đình người ta. Còn về phía gia đình mình thì chắc chắn là ba má không chịu rồi.
- Tại sao? Cậu Ba lắc đầu:
- Mầy cứ tại sao miết! Sao không dùng cái đầu mầy mà tìm hiểu? Hay là lâu nay thói quen ỷ lại, việc gì cũng để người khác lo cho, như chuyện ăn học, chuyện ra đời. Lớn rồi, phải tập tánh tự lo liệu lấy, phải đứng vững trên hai chân của mình, phải suy nghĩ bằng cái đầu của mình, phải làm bằng hai bàn tay của mình.
Tám Bò cố động não:
- Anh muốn nói ba má không muốn làm sui với tá điền của mình chớ gì? Anh muốn nói chuyện " môn đăng hộ đối" chứ gì?
Ba Huy gật lia:
- Hay lắm! Tao biết mày thông minh, bề gì cũng là dòng dõi Trần Trinh. Tại mầy làm biếng suy nghĩ mà trở nên cù lần. Nên nhớ là cái gì không xài, lâu ngày rỉ sét, trở thành vô dụng.
Tám Bò nhún vai:
- Tưởng anh đi Tây về tiến bộ hơn ba má, ai ngờ anh lại thủ cựu như ba má! Môn đăng hộ đối là quan niệm lạc hậu quá rồi! Mình cưới vợ cho mình chớ đâu phải cho hai ông bà mà ổng với bả xía vô. Mình nhà giàu ba đời ăn không hết, cần gì phải kiếm vợ giàu? Theo em thì cưới vợ phải chọn người xinh đẹp, dễ thương, nết na hiền hậu là được. Miễn là đủ ăn, không cần giàu. Kiếm vợ giàu là dân đào mỏ, hạng đó thì ai cũng khinh...
Ba Huy mỉm cười im lặng khá lâu mới nói:
- Ý của chú nghe thì hay, nhưng xét kỹ lại không vững chút nào...
- Tại sao?
- Tại vì chú chỉ là một thằng blanc-bec, một thằng nhóc ăn chưa no, lo chưa tới. Chú chưa đứng vững một mình thì làm sao tự ý cưới vợ được? Phải tôn trọng ý của người lớn chớ. Ý của người lớn là gì? Cưới vợ cho con đúng là cưới vợ cho con, nghĩa là phải cho chú có quyền chọn lựa cô gái đúng theo ý thích của chú, nhưng cưới vợ cho con cũng là chọn sui gia tương xứng với mình để hai bên liên kết thành đồng minh vững mạnh trong cuộc tranh đua với đời. Nói cho rõ ra thì bí quyết thành công trong đời là biết liên kết đồng minh để trở thành sức mạnh. Một chiếc đũa dù là đũa ngà hay đũa mun cũng dễ bẻ gãy hơn là một bó.
Tám Bò không ngờ chuyện cưới vợ không đơn giản như mình nghĩ. Cưới vợ không phải là chuyện của con mà là chuyện khuếch trương thanh thế của gia đình. Cậu im lặng thấm thía những điều mới học được của người anh đi du học nhiều năm bên Tây mới trở về. Cho tới khi xe qua bắc Cần Thơ, cậu Tám mới nắm tay anh nói:
- Em đúng là một blanc-bec như anh nói. Em còn khờ quá! Từ nay em sẽ theo anh để được anh dạy khôn dạy khép như nãy giờ.
- Vậy chớ anh Hai không chỉ dạy em sao?
- Không! Anh Hai đâu có thì giờ. Mỗi ngày anh ấy mắc hai cữ làm bạn với nàng tiên nâu, rồi chuyện sổ sách tiền nong, hết chuyện ruộng rẫy tới chuyện nhà máy... Rồi chuyện gia đình, vợ con. Có bao giờ ảnh rảnh rang mà trò chuyện hỏi han em út như anh đâu!
Cậu Ba gật gù:
- Thằng Tây đưa chữ Liberté lên hàng đầu trong ba chữ chọn làm quốc châm của nước Pháp thật là đúng. Tự do đứng trước nhất, su đó mới tới Bình đẳng rồi sau cùng là Bác ái. Ngày nay thanh niên nam nữ các nước văn minh đều quý trọng thời kỳ độc thân, họ kéo dài thời kỳ tự do nầy cho tới khi nào thấy lập gia đình là tối cần mới thôi.
Tám Bò ngạc nhiên:
- Vậy hả? Nói vậy mấy năm nay em sống tự do mà không biết! Cậu thở dài bỏ nhỏ - Tới khi biết thì cũng đã tới lúc phải cưới vợ!
Cậu Ba cười:
- Chú có biết người Pháp nói "hôn nhân là bốn phép toán" không? Chắc là chưa nghe nói. Vậy thì nghe đây: Hôn nhân là cộng hai nhân thể (người chồng và người vợ), là trừ (các thú vui trước đây của hai người), là nhân các lo toan (trong cuộc sống lứa đôi) và là chia rẽ (những người thân trong gia đình). Có đủ cả bốn phép toán cộng trừ nhân chia trong đó. Dễ sợ chưa?
Tám Bò gục gật:
- Đúng lắm! Nhưng mà... tại sao anh lại kể cho em nghe bốn phép toán ngay sau khi anh bàn chuyện cưới vợ?
- Chú hoang mang hả? Vậy là chú dở quá! Làm việc gì mình cũng phải tính trước những điều lợi cũng như những điều hại của nó. Biết trước để không bao giờ bị bất ngờ. Bí quyết thành công là thấy trước nhiều nước cờ và không bao giờ bị bất ngờ.
Qua bắc Mỹ Thuận, xe đậu lại Cai Lậy ăn bánh bèo bì, một đặc sản nổi tiếng của vùng nầy. Cậu Ba vui vẻ nói:
- Hồi nhỏ đọc sách Quốc văn giáo khoa thư, chú Tám có còn nhớ bài "Quê hương đẹp hơn cả" không?
Tám Bò đang ăn nghe hỏi vội vàng nuốt miếng bánh, lấy khăn lau miệng đáp như trả bài:
- Một người đi du lịch đã nhiều nơi... nhớ từ bụi cây ngọn cỏ... Cậu Ba làm dấu "tốp lại":
- Mình hỏi vậy để nói điều nầy: bên Tây có nhiều món ngon, nhưng về nước mới thấy dân mình có nhiều đặc sản không đâu bằng. Chẳng hạn như ở Bạc Liêu mình có bún nước lèo, bún nước kèn, bánh "xà tuốn" cũng gọi là bánh cống, xuống Cà Mau có bánh tằm xí mại, qua Rạch Giá có cháo cá giò heo, lên Châu Đốc có cháo môn lươn, về Mỹ Tho có hủ tíu tôm cua rồi ghé Cai Lậy ăn bánh bèo bì. Mai mình lên Thủ Đức ăn bún nem nướng.
- Nem Thủ Đức nổi tiếng của như rượu Bãi Xào. Đôi khi em cũng được thưởng thức, nhưng năm khi mười hoạ thôi.
Ba Huy cười nói tiếp:
- Con gái bên Pháp đẹp nhất năm châu. Họ thường đoạt giải hoa hậu thế giới, chắc chú Tám có đọc báo?
- Có. Em thấy báo đăng ảnh các cô gái Miss du Monde. (cười) Cho nên em cứ nghĩ là anh sẽ rinh về một cô đầm mắt xanh tóc vàng chớ.
Ba Huy cười:
- Tất nhiên là anh có "nếm mùi" đầm, nhưng đó là chuyện ăn bánh trả tiền, còn rinh về nước thì không dại như mấy cha kỹ sư bác sỹ cõng về mấy con đầm hái nho xấu như ma!
Chương 9
Thương em Út - Cậu Ba làm mối lái
Cho Tám Bò chọn gái Mỹ Xuyên
- Người Pháp quan niệm cái đẹp có khác dân mình không anh Ba? Cậu Ba nhìn Tám Bò cười thích thú:
- Một câu hỏi thú vị. Bàn về cái đẹp là cái thú tao nhã nhất cổ kim đông tây. Đọc truyện Tàu, chú đã thấy tả bao nhiêu người đẹp đến chim sa cá lặn như Điêu Thuyền, đã khiến cha con Đổng Trác, Lữ Bố ghen ghét, thù hằn nhau, như Tây Thi đã làm ngai vàng vua Ngô sụp đổ, như Dương Quý Phi... Quan niêm cái đẹp của người Tàu thời xưa là gót sen ba tấc, càng nhỏ càng đẹp. Các nhà văn thi nhau ca ngợi những bàn chân bó với những mỹ từ như búp măng, như gót sen cánh hoa, gót sen chiếc lá, gót sen củ ấu, gót sen đài biếc...
Tám Bò kêu lên:
- Thôi thôi, anh đừng kể nữa! Em biết mấy thứ gót sen đó rồi. Anh hãy nói cái đẹp của người Pháp đi.
Ba Huy gật:
- Trước khi nói cái đẹp của Tây, mình đá qua cái đẹp của Tàu. Nhưng gót sen ba tấc là quan niệm thời xưa, thời Từ Hi thái hậu, đến nay cũng cả hai trăm năm rồi. Còn bây giờ thì xẩm Hồng Kông đẹp còn hơn đầm nữa đó. Để lên Sài Gòn anh sẽ cho chú biết gái Hồng Kông như thế nào. Nói về cái đẹp của người Pháp thì chú cứ giở tự điển ra xem. Nữ thần sắc đẹp Vénus là khuôn vàng thước ngọc cho cái đẹp ngày xưa chí đến nay. Tức là mắt to, mũi thẳng, môi trái tim, thân thon, chân dài. Đặc biệt ngày nay người ta rất mê vóc người, do vậy mới đặt ra tiêu chuẩn ba đường cong thẩm mỹ: vòng ngực, vòng bụng va vòng mông. Với người phương Tây, ba vòng ấy thường là 90-60-90. Ngực và mông phải nở còn bụng phải eo. Dân mình gọi đó là "corps cà ràng". Chữ ba rọi nầy là của các cậu công tử vườn. Còn dân thị thành thì gọi là "corps guitare".
Tám Bò khoái chí cười lớn:
- Em thích cưới vợ có co ghi-ta hay co cà ràng. Vậy thì Đông Tây, Pháp Nam gì cũng giống nhau về cái đẹp của nữ giới. Có khác nhau cái gì đâu anh?
Cậu Ba:
- Có khác chớ! Người Pháp thì tốt khoe, xấu che, còn mình thì ngược lại tốt che, xấu khoe. Thật là trái ngoe như hun lén trong tối, đái tưới ngoài đường. Bộ ngực vun là vốn quý trời ban, con gái Việt Nam nịt chặt cho nhỏ lại còn mấy cô đầm thì phô ra trước mặt thiên hạ như khiêu khích. Nếu cô nào vô phước ngực lép thì phải dùng nịt vú có vải độn, người ta gọi là vú giả.
Tám Bò cười lăn lộn:
- Chuyện này em biết rành rẽ lắm. Có mấy cô gái trong điền có bộ ngực vung lại bịt cứng vì sợ thiên hạ quở là "vớn lú", chừng tháo bỏ miếng vải thì cặp vú bung lên như lò so.
Cậu Ba dứ dứ nắm tay vô mặt cậu em:
- Đồ quỷ sứ! Thiên hạ đặt cho mầy cái tên Tám Bò không oan đâu! Người mình có câu "nam tu nữ nhũ", ngực vung là cái đẹp, tại sao không khoe mà lại giấu? Về điểm này mình thua xa người thượng. Tây gọi là Mọi. Lên B lao thăm các sở trà, chú sẽ thấy các cô gái miền núi để ngực trần đi hái trà, Họ không che giấu vì cho rằng cái đẹp là của chung cho mọi người ngắm. Chỉ khi nào lấy chồng, họ mới mặc áo vì lúc đó cặp vú là của riêng chồng họ. Họ phải giữ kỹ cho chồng.
- Thiệt vậy hả anh, hay là anh bịa ra?
- Sẵn xe mình sẽ lên Đà Lạt chơi. Chú sẽ thấy các cô sơn nữ khoe bộ ngực khoẻ đẹp tràn đầy nhựa sống trong các sở trà dọc đường đèo núi từ B lao lên Đà Lạt. Tha hồ mà rửa mắt. Mải mê chuyện tào lao mà xe tới Sài Gòn lúc nào không hay. Cậu Ba cho xe ghé lại khách sạn Nam Kỳ trên đường Colonel Grimaud (Phạm Ngũ Lão), ngó ngang chợ Bến Thành. Ba người, lấy ba phòng.
Tám Bò vốn ăn tiêu kim chỉ nói:
- Lấy hai phòng thôi anh Ba. Anh em mình ở chung dễ nói chuyện...
Cậu Ba lắc đầu:
- Đây cũng là cái khác giữa người mình với Tây. Đã nói Tây trọng tự do. Cho nên mỗi người ở một phòng. Nói chuyện thì thiếu gì lúc. Chú biết không, qua Pháp mà hai tay đàn ông ở chung một phòng, thiên hạ sẽ cười, cho rằng hai tay này là Pédé (nguyên chữ là pédéraste) tức là đồng tính luyến ái.
Tám Bò kinh ngạc:
- Vậy sao? Lạ quá!
- Văn minh mỗi nơi mỗi khác. Thậm chí hai đực rựa nắm tay nhau đi dạo trong vườn hay ngoài phố thiên hạ cũng cho là pédé. Anh biết chú sợ tốn tiền, nhưng phải biết sống theo phép lịch thiệp, dù có tốn kém thêm chút ít...
- Đúng là đi một tấc đường học một sàng khôn. Học với anh nhiều điều mới, lạ và hay...
Công việc đầu tiên của Cậu Ba là mướn một căn nhà để làm văn phòng liên lạc của gia tộc Trần Trinh tại Sài Gòn. Căn nhà đó cũng là nơi hoạt động của Cậu. Mua một bản đồ Région SàiGòn-Cholon (Địa phương Sài Gòn-Chợ Lớn), Cậu Ba nghiên cứu cả ngày. Chợ Lớn là nơi tập trung chợ bán sỉ nông sản như lúa gạo, đậu bắp, heo gà vịt. Các chàng lúa và nhà máy xay cũng tập trung ở đây. Người Tàu chiếm khoảng bảy phần mười dân số. Tất nhiên ăn chơi cũng tập trung ở đây với các nhà hàng Đại La Thiên, Soái Kình Lâm... Nhưng một người nhiễn văm minh Tây phương như cậu không thích sống trong quartier chinois (khu người Tàu) được. Vì nó ồn ào, dơ bẩn qúa. Cậu thích không khí yên tịnh, sạch sẽ của Sài Gòn hơn. Tây chia Sài Gòn làm hai khu vực rõ nét: quartier commercial (khu thương mại) và khu quartier résidentiel (khu cư ngụ). Khu thương mại ồn ào náo nhiệt bao nhiêu thì khu cư ngụ êm ả, thanh tịnh bấy nhiêu. Lúc còn học ở Sài Gòn cậu thích đi bánh bộ trên đường Barbé (Lê Quý Đôn) vào giữa trưa hè. Đây là khu nhà Tây toàn biệt thự với vườn hoa có tường và cổng sắt bao chung quanh. Trời torng xanh, gió rì rào qua hàng cây cao su trồng hai bên đường. Không khí êm ả đến cậu nghe cả tiếng ve kêu trên cành cao. Mà con đường nầy chỉ cách chợ Bến Thành có mấy trăm thước. Do thích nơi yên tịnh nên Cậu Ba mướn một căn phố trên đường Chasseloup (Minh Khai), tuy cách Ngã Sáu Sài Gòn có vài trăm thước mà cũng êm ả dễ chịu. Mỗi sáng cậu thích thức sớm đi bách bộ trong Parc Maurice Long (công viên Tao Đàn) để nhớ những năm ở Paris thường dạo mát trong Bois de Boulogne (vườn danh tiếng của Kinh thành Ánh Sáng).
Chỗ ở đã ổn, Cậu Ba xúc tiến việc mua máy bay. Đúng như ông Hội đồng Trạch nghĩ, ở trong xứ chỉ có hai người dám sắm máy bay: Vua BẢo Đại và cậu Ba Huy. Tất nhiên là báo chí làm lớn chuyện vụ mua sắm nầy. Nhanh mắt thính tai hơn ai hết, báo Le Courrier Saigonaise loan tin công tử Bạc Liêu sắm máy bay và làm sân đáp trong điền của ông tại Cà Mau. Cậu Ba cầm tờ báo lên đọc: "M. Trần Trinh Huy, propriétaire à Bacliêu possède un avion et il a fait aménager une piste d atterrisage sur sa propriéte à Camau". Cậu mỉm cười:
- Máy bay chưa gởi tới mà báo đã loan tin rồi! Lạ thật! Có ai phỏng vấn mình đâu! Ạ, thì ra văn phòng đại diện hãng máy bay loan tin cho các thông tấn xã, báo chí...
Báo đăng tin bữa trước thì bữa sau máy bay tới. Cậu Ba đánh dây thép mời ông Hội đồng lên Sài Gòn để Cậu Ba đưa đi thăm ruộng bằng máy bay cất cánh từ Sài Gòn. Đây là một ngày đáng ghi nhớ của gia đình Trần Trinh.
Lần đầu tiên được hưởng lạc thú "tuôn mây lướt gió", ông Hội đồng xúc động lắm. Ông ăn mặc áo dài khăn đóng đàng hoàng, trịnh trọng như đi dự đại lễ. Chuyện buồn cười là trước giờ lên máy bay, ông cứ "đi mót" hoài. Cậu Ba cười bảo cha:
- Đó là hiện tượng của sự náo nức, không an tâm. Ai cũng vậy. Nhưng ba cứ bình tĩnh. Vì chính tay con lái. Con sẽ bay thật từ từ, chầm chậm cho ba ngồi ngắm phong cảnh phía dưới.
Khi máy bay cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, Cậu Ba đánh một vòng thành phố Sài Gòn Chợ Lớn chỉ rõ từng nơi giải thích cho ông Hội đồng:
- Phía dưới mình là Gò Vấp đó ba Đường làng đất đỏ xỏ rế như bàn cờ. Còn con sông lớn uốn khúc quanh co là con sông Sài Gòn chảy ra biển Đông tít đằng xa.
Ông Hội đồng thích thú nhìn xuống dưới:
- Trên mây nhìn xuống thấy phía dưới mờ bụi đỏ. Bụi đỏ chữ Nho là hồng trần. Vậy là ông bà mình nói chí lý: cuộc đời là hồng trấn. Đây là điều tao lấy làm thú vị trong chuyến bay nầy. Cuộc đời là hồng trần.
Cậu Ba cười:
- Không đúng hẳn như vậy đâu ba. Tại Gò Vấp là đất đỏ nên gió cuốn bụi đỏ là chuyện tất nhiên. Nếu ở vùng đất xám hay đất đen thì bụi sẽ xám hay đen.
Ông HỘi đồng cụt hứng, không nói gì thêm. bay tới sông Tiền, Cậu Ba giải thích:
- Con sông Mekong chia làm chính nhánh đổ ra biển Đông, Đây là sông Tiền, Tây gọi là Mékong, còn chút nữa là sông Hậu, Tây gọi là Bassac. ba thấy nó lớn không?
Ông HỘi đồng nhìn xuống con sông:
- Tao có lạ gì hai con sông cái này. Mỗi lần đi Sài Gòn là phải qua hai bắc (phà) Cần Thơ và Mỹ Thuận... nhưng trên máy bay nhìn xuống thấy cũng hay hay.
Bay qua hai con sông cái, Cậu Ba xỉa về phía Sóc Trăng:
- Bây giờ con bay chậm lại cho ba kinh lý mấy sở ruộng muối của ba ở Vĩnh Châu. Châu Thành Sóc Trăng đang ở dưới chân ba đó... Cách năm cây số là Bãi Xào.
Ông Hội đồng nhìn xuống:
- Bãi Xào có HỘi đồng Mười cũng là Phủ hàm, nhà giàu lớn, ba có gặp một lần... Sẵn dịp Cậu Ba nói vô cho cậu em:
- Chú Tám nó đã lớn rồi, ba má có tính nơi nào cho nó chưa?
- Nó cứ la cà trong nhà mấy đứa con gái trong điền.
- Ba mà có thấy đám đó chưa?
- Thấy rồi! Coi cũng được, nhưng mình không nỡ để nó chôn chân trong chốn đồng sâu.
Ba Huy gật đầu:
- Ba má nghĩ đúng. Chú Tám ăn chưa no, lo chưa tới. Mình phải tạo điều kiên cho chú phất lên với đời. Ba nên cho người tình nơi danh giá vì cưới vợ cho con cũng là tìm đồng minh để liên hệ làm ăn với nhau nữa chớ.
Ông Hội đồng gật lia:
- Ý mầy thật là hay! vậy thì mày bát tay tìm nơi xứng đáng cho em mầy. Còn tao với má mầy cũng tính dùm cho nó.
Ba Huy chỉ xuống dưới:
- Vĩnh Châu đây rồi. Ba thấy vườn nhãn xanh tươi chạy dài mút mắt không? Mùa nầy nhãn đang trổ bông, trắng xóa. Đẹp quá hén ba?
ông Hội đồng trầm trồ:
- Nhãn Vĩnh Châu nổi tiếng cả Nam Kỳ lục tỉnh, trái bự, hột nhỏ, dày cơm mà ngọt.
Ba Huy chỉ xuống mấy cái nhà tô sơn trắmg:
- Chủ vườn nhãn phần lớn là người Tiều. Họ giàu nhờ biết mần ăn. Còn dân mình với người Miên thì nghèo rớt mồng tơi vì không biết làm ăn. Mà tại sao ba không lập vườn nhãn?
Ông hội đồng cười:
- Mầy tham quá! Lo ba cái ruộng lúa với ruộng muối mết thở không ra hơi, còn sức lực đâu mà nghĩ chuyện trồng nhãn!
- Bây giờ con bay nhít ra biển để ba thất ruộng muối của ba nghe. Mùa hạ nầy, chắc là muối trúng vì nóng dữ quá.
- Mầy đoán đúng, nhưng làm muối không khá bằng trồng nhãn. Dân làm muối nghèo túng, sống cơ cực...
Ba Huy góp ý:
- Biết vậy, ba phải giúp họ nhâng sức sống lên, chẳng hạn như mùa tựu truờng, cho con em tá điền tập vở, bút mực, khăn lông, nón lá... Không bao nhiêu đâu mà lại được lòng người. Thôi được để rồi con bàn với anh Hai.
Tới Bạc Liêu, Cậu Ba cho máy bay rà theo con sông khiến phía dưới dân chúng dừng lại nhìn lên. Ở tỉnh lẻ mà có máy bay rà sát ngọn cây là chuyện lạ. bay qua cầu Quay, Cậu Ba đảo một vòng mà Nhà Lớn là trung tâm. Vòng tròn xoay theo hình khu ốc, tiếng động cơ nổ giòn, bà HỘi đồng và đám gia nhân đã được báo trước nên đứng trên balcon nhà đưa tay vẫy chào Cậu Ba và ông Hội đồng. Cả khu phố xôn xao về việc Cậu Ba lái máy bay chở ông HỘi đồng từ Sài Gòn xuống Bạc Liêu rồi đi thăm ruộng tận Cà Mau.
Chương 10
Theo anh Ba, Tám Bò học làm chồng
Vào hắc điếm cho biết động bàng tơ
Sau khi sắm máy bay Morane và mướn phi công kiêm thợ máy cho ông Hội đờng. Cậu Ba lo kiếm vợ cho cậu Tám. Cậu xin phép đưa "chú Tám" lên Sài Gòn để "học làm chồng". Bà Hội đồng cười ngất:
- Mầy nói cái gì lạ vậy hả thằng Ba? Học làm chồng là sao? Hồi cưới tao, tía mầy đâu có học làm chồng như mầy vừa nói đó.
Ông Hội đồng cũng cười theo vợ và chăm chú nghe Cậu Ba giải thích:
- Chuyện gì cũng phải học. Mỗi thời mỗi khác đó mà. Như chuyện lấy vợ lấy chồng. Hồi đời ba mà hễ ưng ai là một hai đòi cưới. Cậy nhờ ông mai hay bà mai. Nhà nghèo thì làm một lễ vừa hỏi vừa cưới cho gọn và đỡ tốn kém, Còn nhà giàu thì phải sáu lễ hẳn hòi. Rườm rà phiền phức lắm. Đúng là phú quý sanh lễ nghĩa.
Bà HỘi đồng cắt ngang:
- Mầy nói chuyện bây giờ đi.
- Bây giờ chuyện gì cũng phải học. Ngành nghề gì cững phải học. Khoa học kỹ thuật ngày càng tân tiến, khôg học là lạc hâu. Làm ruộng phải biết giống lúa nào ngắn ngày, năng suất cao, nơi đất trũng ngập lúa phải trồng giống lúa nào, nơi đầu sóng ngọn gió phải trồng giống nào thân ngắn và cứng, gặp gió to không gãy ngọn.
Cậu Hai Đinh lắc đầu:
- Nhè dân nhà nông mà mầy nói chuyện chọn giống. Mầy vẽ bùa trước cửa Lỗ Ban rồi. Nên nói chuyện học làm chồng của mầy đi.
- Ờ thì mình nói chuyện đó đây. Học làm chồng rất cần để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Cái trước tiên kà vấn đề tâm lý. Người chồng phải có đủ điều kiện, đẻu ưu thế để tạo uy thế với bên vợ. Các ưu thế đó là sức khoẻ. KHông có sức khoẻ thì không có hạnh phúc lứa đôi. Đó là điều kiện thứ nhất.
Tám Bò cười thích thú:
- Cái đó mình dư sức qua cầu.
- Thứ hai là hoàn cảnh sanh sống. Người chồng phải có nghề chuyên môn, có thu nhập hàng tháng ổn định. Giới điền chủ mình thì tính theo số lúa ruộng trong năm. Cái nầy chú Tám cũng dư sức qua cầu. Cho nên cái tôi cần giúp chú Tám là sự từng trài, sự lịch lãm, bản lãnh, vốn sống. Cài nầy chú Tám nó thiếu dữ lắm.
Tám Bò giẫy nẩy:
- Mình cù lần là vì ba má nhét mình trong đồng sâu. Mình sống y chang anh từng khậu tối ngày chăm lo lúa ruộng. - Cậu xăng quần lên, lấy ngón tay cách gạch một đường lên bắp chuối, kêu lên: Lội ruộng quanh năm tới hai ống chân thấm phèn đầy mo.
Cậu Ba nói tiếp:
- Chú Tám phải bỏ tâm lý tự ti đó đi. Tự ti thì bản thân mình cũng thiếu tự tin, làm sao gieo được lòng tin nơi cô dâu và gia đình bên vợ? Tôi sẽ đưa chú Tám lên Sài Gòn trong vài tuần để chú học làm chồng. Cũng trong thời gian nầy, tôi tìm nơi xứng đáng cho chú Tám. Nếu ba ám đã chấm nơi nào, xin cho con biết để con tới tận nơi làm quen và tìm hiểu...
Ông HỘi đồng gật gù:
- Tao với má mầy cững được nhiều người làm mối nhưng chưa chọn nơi nào.
Tám Bò xen vô:
- vai chánh là đây nè. Tía má chọn mà vai chánh không ưng thì chẳng đi tới đâu, Để chuyến này đi với anh Ba, cooi có lên cân về bản lãnh chút nào không. Còn chuyện cưới vợ thì hồi sau phân giải.
Lên Sài Gòn, Cậu Ba đưa chú Tám "thám hiểm" các "hắc điếm" trong Chợ Lớn. Tám Bò rất khoái chữ "hắc điếm" ít ai dùng, chỉ thấy torng truyện Tàu Thủy Hử, nơi bọn lục lâm thảo khấu giết du khách làm bánh bao bán cho khách phương xa. Các hắng điếm trong Chợ Lớn không có vẻ ghê rơn như trong truyện Lương Sơn. Trái lại, các hộp đêm, vũ trường, khách sạn nầy là những tòa nhà nguy nga, trang trí nội thất sang trọng, toàn pha lê huyền ảo. Nhân viên phục vụ trong hắc điếm toàn là giai nhân mỹ miều, mặc áo Hồng Kông, Thượng Hải, cổ cao mà hở hai cánh tay trần, bó sát ngực và eo, xẻ phía dưới khoe đùi thon dài. Về sau Cậu Tám mới biết đó là áo Chéong-sam, rất thịnh hành ở Hồng Kông. Thì ra các cô chiêu đãi nầy chủ thuê từ Cảng Thơm sang Sài Gòn để tạo "không khí hương xa" cho khách làm chơi Hòn ngọc Viễn Đông "đổi món".
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro