3. Trí nhớ tôi có nhầm lẫn gì đó
Cô ấy là ai vậy?
Nói chuyện với hiệu trưởng xong, tôi có hơi khó thở. Người nào cứ ấp ủ mãi một bí mật, hẳn là sẽ có một ít phản ứng như mang thai (1) nhỉ.
Chị ấy còn truy hỏi tôi lần hai trên WeChat xem sự việc đó thật ra là gì, tôi trả lời rằng: "Huyện Năng bé như cái lỗ mũi thế này, hỏi vòng vòng là chị sẽ biết, không cần em nói cho chị đâu."
(1) Ấp ủ mãi một bí mật: tiếng Trung là "hoài một bí mật", mà từ "hoài" cũng được dùng trong từ "mang thai". Chương 2 Khương Tiểu Hồi ví von người có bí mật như là đang có thai vậy, nên ai mà giấu một bí mật lâu quá thì cũng sẽ có một ít "phản ứng" nào đó.
Sau đó chị ấy hỏi ra được thật, là tin bảy năm trước có một đứa trẻ chết trong lớp học tôi đang trông.
Chị ấy thở phào: "Đây mà là bí mật gì chứ, em nói sớm có phải tốt hơn không? Khi không làm người ta lo sốt cả vó!"
Tối đến, chị ấy đùng đùng gửi cho tôi hơn hai mươi tin nhắn thoại, mỗi đoạn dài hơn hai mươi giây, tôi bấm nút mở ra rồi chạy đi nấu mì, lấy giọng nói chị ấy làm nhạc đệm cho công đoạn nấu bữa tối của tôi. Chị ấy dặn tôi mấy chuyện rất kỹ càng, rằng là nếu có dính vào mấy việc rắc rối là chuyện bình thường, rồi thì tôi nên nghỉ tạm mấy ngày đi, có một ả điên cứ thậm thụt ở trường, chị ấy hy vọng tôi có thể tránh đi thật kỹ.
Tôi thấy giọng điệu chị ấy có vẻ nhẹ nhàng bình thản, nhưng lời trong lời ngoài đều tỏ ý khiếp sợ ả điên kia.
Trường mầm non Ánh Sáng và mầm non Cây Mận không phải là một, việc xấu của Cây Mận sẽ ảnh hưởng đến Ánh Sáng, thế nên hiệu trưởng mới khó chịu ra mặt.
Với người dân của huyện Năng, trường Cây Mận là một chỗ bần cùng, chỉ nhận mấy đứa trẻ không ai để ý, nhưng trường Ánh Sáng thì lại hoàn toàn khác biệt. Nơi này giống như tòa tháp Babel (2) vươn cao đến tận trời, đám trẻ được ba mẹ chúng lũ lượt đưa tới, lúc trở ra lại biến thành những bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân thành đạt bay tới bay lui, nói vanh vách các thứ tiếng, cả người rực sáng lấp lánh như những vì sao.
Vậy nên tôi có thể hiểu việc chị ấy có ý để tôi tự nghỉ việc.
Cách hữu hiệu để dập tắt một đám cháy là tiêu diệt mồi lửa trước tiên, tôi là nguồn gốc thu hút ả điên kia, nếu tôi không còn nữa thì chị ấy có thể thẳng thắn chối biến mối quan hệ với trường Cây Mận, luôn thuộc về phe "có lý" trong các cuộc đối đầu. Nhưng có tôi ở đây, đúng với câu "oan có đầu nợ có chủ," ả điên kia sẽ truy lùng tôi ra bằng được.
Tô mì đã nấu xong, nước súp trong vắt có thả thêm mấy lát hành thái, tôi lấy thêm bình dấm trên bàn rưới vào, vừa vặn thấy màn hình điện thoại đã tắt đi, vậy là hiệu trưởng đã dặn dò tôi xong rồi.
Tôi so đôi đũa định ăn mì, bỗng dưới lầu có tiếng ồn ào vang lên, mấy cậu nhóc chơi patin đang la lối ầm ĩ, gào thét: "Thả tôi ra!"
Ra là mấy đứa con nít cãi nhau, tôi quen thói nghề nghiệp đẩy ra cửa sổ, định bụng khuyên can.
Mặt trời vừa khuất bóng, chân trời vẫn còn sáng, nhưng không khí quanh đây đã tối đen, tôi thấy có một cái thùng rác đã đổ sập xuống, rác rưởi vung vãi ra ngoài. Giữa đống rác, có đứa trẻ bị người khác nắm cổ áo kéo lên, nó huơ đôi giày trượt qua lại trong vô vọng, mấy đứa nhỏ khác vội vàng chen tới, hô to: "Cô thả bạn ấy ra đi! Thả bạn ấy ra! Bạn ấy đã xin lỗi rồi mà!"
Nhìn sang vị trí trung tâm, tôi thấy có một chùm cột tóc hoa khô buộc lệch trên đầu người nào đó, trông thân hình thì là nữ, mặc cái áo hoodie lỗi thời thật dày. Người cô ta không quá cao, nhưng lại rất khỏe, kéo cổ áo đứa bé trai kia về phía đối diện mình.
Thằng bé không thể vùng vẫy nữa, nó cố vặn tay cô ta, vung tay đá chân loạn xạ, hét to lên nhưng chẳng ích gì, người phụ nữ đó đứng bất động như hóa đá.
Cuối cùng, nó nghẹn ngào: "Xin lỗi cô! Xin lỗi cô! Xin lỗi cô!"
Người phụ nữ buông tay, giày patin ma sát với mặt đất phát ra một tiếng kít, kéo thằng bé ngã ngửa vào đống rác sau lưng.
Mấy đứa nhỏ khác luống cuống chạy tới, tôi quay lại bưng tô mì tiếp tục húp xì xụp. Bỗng người phụ nữ kia nghiêm mặt gằn giọng với thằng nhỏ bị té: "Mày còn dám giở trò nữa là tao đập chết mày!"
Tại sao lại có người nói năng thế này với con nít được chứ? Cọng mì mắc kẹt trong cổ họng tôi, tôi ngơ ngác trong tiếng nấc của thằng bé: "Con không có cố ý đâm cô... Con không có cố ý!"
Người phụ nữ kia không thèm nghe hết câu, nhấc chân bước qua đống rác, chiếc quần jean cô ta mặc bạc màu trắng bệch. Mấy đứa nhỏ bị bỏ lại bật khóc nức nở, có vẻ như vừa được bài học nhớ đời, không dám chửi lén sau lưng cô ta.
Người phụ nữ đột ngột dừng bước, quay đầu lại hỏi: "Khu này có một giáo viên ở phải không?"
Giọng nói cô ta cực kỳ bình tĩnh, giống như đã biết trước nơi đây có người như vậy, cô ta chỉ muốn xác nhận lại mà thôi. Rồi cô ta nhìn quanh quất bốn bề, quét tầm mắt hết ba tòa nhà ở khu dân cư bọn tôi xong, mới chịu quay lại mấy đứa bé lúc nãy, nhưng chúng làm lơ cô ta, vội vàng lẩn mất.
Mấy cọng mì trong tô đã nguội đi, trôi xuống miệng khó khăn như là nuốt trộng hột hạnh nhân vào bụng, tôi đóng lại cửa sổ, kéo rèm xuống, màn hình điện thoại vừa vặn sáng lên.
Hiệu trưởng Triệu: Thật ra cũng không có chuyện gì, chị không có ý gì đâu, chỉ là sợ ả nổi cơn điên đánh người khác thôi. Nghĩ kỹ lại thì đã bảy năm qua đi rồi, kẻ nào cần ngồi tù thì đã đền tội rồi, người chết cũng không sống lại được, không lý nào họ đến tìm em được.
Hiệu trưởng Triệu: Em cứ đi làm đi, đừng nghĩ nhiều, chị không có ý gì khác đâu.
Tôi cố nuốt hết mấy miếng mì cuối cùng, lấy điện thoại làm đèn pin, vào phòng ngủ bật đèn, nằm trên giường. Vừa soạn tin nhắn xong tôi lại xóa đi, chỉ đáp lại một tiếng "Dạ", kèm theo biểu tượng cảm xúc "cám ơn", rồi ném điện thoại đi, nó trượt theo chăn rơi xuống, vừa vặn lấp kín kẽ hở tiếp xúc với bức tường.
Khu dân cư Giai Hưng có ba tòa nhà, sắp xếp như chữ "phẩm" (3), tôi ở vị trí góc trái bên dưới trong chữ này. Đếm sơ các hộ ở đây cũng có tám chín người làm giáo viên, chắc là không phải người phụ nữ kia tìm tôi đâu nhỉ.
(3) Chữ phẩm: 品
Lầu dưới có thầy giáo Từ dạy thêm trái quy định nhà nước, vào mỗi thứ bảy, chủ nhật hàng tuần là từng nhóm học sinh lén la lén lút tủa ra ngoài, giả bộ như là chúng chỉ đi dạo quanh khu Giai Hưng này thôi, đứa thì nhìn ngắm, đứa thì lái xe, cứ như là hoạt động gián điệp ngầm vậy.
Ngoài ra bên tòa nhà số ba còn có cô Ôn khá nổi danh, nghe nói cô ấy đưa đẩy với phụ huynh học sinh trong lớp, cuối cùng chuyện vỡ lở ra tới tận trường học. Có điều tôi cũng không rõ câu chuyện tiếp theo thế nào, ngày thường mọi người đều chào hỏi cổ nhẹ nhàng lịch sự, nhưng sau lưng lại đồn thổi tới cả trăm bản khác nhau.
Nhiều giáo viên ở khu này còn ra dáng hơn một kẻ chỉ làm mỗi việc chăm con nít như tôi, cho nên chắc chắn tôi không phải là mục tiêu của người phụ nữ kia rồi.
Nhưng tôi cứ nằm ỳ trên giường mà cảm thấy phiền muộn không thôi, bỏ chân ra khỏi chăn, lại thấy lạnh rồi tiếp tục lui về. Tôi ước mình có thể biến thành con bạch tuộc có khả năng co giãn để cuộn vào trong khe tường, áp xúc tu của mình vào vách tường lạnh băng, hay chui vào cái bình rồi náu mình vào bên trong.
Tôi không chịu đựng được, cứ muốn xốc bức rèm nhìn lại người phụ nữ đó thêm lần nữa, lầu năm tôi ở quá cao nên không thấy rõ khuôn mặt cô ta ẩn giấu dưới mái tóc rối bù. Người đó cực kỳ xa lạ với tôi, nhưng lại có bí ẩn gì đó khiến tôi phải nhìn cho bằng được.
Sự thật đã rõ như ban ngày rằng, Trịnh Ninh Ninh đã được chôn cất, còn kẻ giết người đã ngồi tù. Tôi nghĩ không ra người nào có thể bị cái sự thật từ bảy năm trước này bức thành mụ điên như lời kể.
Trằn trọc khó ngủ suy nghĩ thật lâu, tôi nhắn tin cho Chu Nhị Đình, nhờ cô ấy sáng sớm đi làm thì ghé qua chở tôi đi cùng.
Chu Nhị Đình: Chị có việc bí mật gì gạt em hử? Em biết bữa nay Lý Dũng Toàn chở chị về nhà đó, bộ bà chị Khương của em muốn làm máy bay già à?
Dĩ nhiên là tôi chẳng muốn có cậu phi công tên là Lý Dũng Toàn nào cả, trong mắt tôi đàn ông con trai quá non nớt đều giống như đám con nít mẫu giáo vậy.
Nhưng mà tôi không muốn nhắc đến bí mật của mình với đồng nghiệp.
Khương Hồi Hương: Em biết là chị để xe lại ở trường mà, giúp chị cái đi nha.
Chu Nhị Đình bắn qua một tin nhắn thoại, cười sằng sặc, bà chị Khương muốn làm máy bay già kìa.
Một bên là hiểu lầm vô lý, còn một bên là nguy cơ bị lộ bí mật ngang xương, cái nào cũng làm tôi thấy rất khó xử, sau khi cân nhắc thật kỹ, tôi quyết định kéo bạn trai cũ ra làm lá chắn. Tôi nói Lý Dũng Toàn chả hợp với gu của tôi tí nào, cô ấy cứ nhìn ảnh người cũ của tôi là sẽ tin tôi chả có ý gì với Lý Dũng Toàn hết, cậu ta đưa tôi về hoàn toàn chỉ là trùng hợp thôi.
Lục lọi sâu trong bộ sưu tập ảnh tới tận bảy năm trước mới ra được tấm hình Lộ Kim Thời, tôi bấm gửi đi, Chu Nhị Đình tin lời tôi ngay lập tức, đồng ý đúng bảy giờ bốn lăm sáng hôm sau đến tòa nhà của tôi.
Thời gian đã trôi qua bảy năm, rồi còn thêm hai lần đổi điện thoại nên ảnh chụp có hơi nhòe, cảnh vật không sắc nét như hiện tại. Ngón tay tôi ngừng lại ở một tấm ảnh, đó là lúc tôi chụp với cây mận ở trường, còn lộ ra thêm nửa khuôn mặt của Lộ Kim Thời.
Lúc đó tôi vừa đến trường Cây Mận, muốn lưu lại bức ảnh kỷ niệm cho mình. Trên hình tôi mặc áo khoác lông màu trắng, quần bút chì, mang ủng đi tuyết, đeo khăn choàng cổ có hình con thỏ cực kỳ trẻ con, dựa vào cây mận bên cạnh, giơ ngón tay hình chữ V tạo dáng chụp hình.
Lộ Kim Thời đặt chế độ tự chụp, đặt máy ảnh ở cửa sổ, nhưng quên để hẹn giờ, lúc anh ấy đang chạy như bay về phía tôi thì màn trập đã tự động ấn xuống, ghi lại sườn mặt anh ấy.
Tôi nhìn màn hình, không phải là còn vương vấn gì với người cũ, chúng tôi không gặp nhau đã sáu năm rồi, mà lần cuối tôi nghe thấy tin về Lộ Kim Thời thì vợ anh ấy cũng đã sinh đứa thứ hai. Tôi chỉ là không hiểu tại sao mặt của Lộ Kim Thời trong bức ảnh còn trẻ trung hơn tôi nghĩ, có lẽ trí nhớ tôi có nhầm lẫn gì đó, thế là tôi lại tiếp tục lướt điện thoại lên trên.
Đến tấm chụp lớp học Cây Mận tập dượt tiết mục "Gieo mặt trời"(4) cho ngày lễ Quốc tế thiếu nhi, có rất nhiều cô cậu bé với khuôn mặt non nớt hồng hào như bánh bao kề sát nhau, cố gắng nhe răng mỉm cười thật tươi, tay cầm tờ bìa cứng màu vàng trong tiết mục. Ngày đó Trịnh Ninh Ninh tay chân khá vụng về, bị tôi chuyển ra đứng ở ngoài rìa, một chiếc giày vải cũ không vừa bị rời ra, cô bé đang ráng sức nhón mũi chân kéo lại.
Sau đó Trịnh Ninh Ninh không lên sân khấu biểu diễn được, cô bé bị giết vào tháng năm, tiết mục cũng bị hủy bỏ do bọn trẻ đều sợ hãi trốn trong nhà, chờ đến tháng chín rồi đến trường tiểu học luôn.
Nhưng mà tôi nhớ rõ có một lần tổng duyệt cho buổi diễn.
Ngón tay tôi run lên, bấm trượt đi, tất cả ảnh chụp đổ xuống như thác nước, mãi cho đến tấm mới nhất hiện ra.
Tôi tìm kiếm trong bộ sưu tập ảnh lại lần nữa, trở lại tấm ảnh chụp tập thể kia, rồi kéo thêm một tấm, hai tấm —
Tôi tìm được tấm ảnh về hiện trường buổi tập diễn, lúc đó có một cái sân khấu gỗ dựng dang dở trong sân trường, các bé nhỏ đã mặc đồ diễn vào, nhưng không hóa trang, sắc mặt hơi sạm đi vì nắng. Tôi cho bọn trẻ lên sân khấu một lần, sau đó trở về tập trong nhà trẻ một lần nữa.
Ngày đó bỗng dưng trời đổ mưa, nên rất nhiều phụ huynh tới đón con em mình.
Các bé gái ra sức bảo vệ đôi tất trắng và mái đầu tết tóc đẹp đẽ sau khi tập diễn của mình, tất cả không hẹn mà cùng nhón chân bước đi khẽ khàng.
Tôi cảm thấy hình ảnh này rất thú vị, giơ điện thoại ghi lại khoảnh khắc này.
Rèm cửa mở ra, từng hạt châu trong vắt bị bọn nhỏ hắt tung tóe sang một bên, nước mưa trút xuống ào ào như nước từ cung điện pha lê dưới biển đổ ra. Ngập tràn trong màn mưa mông lung là đủ các kiểu dáng ô với đủ loại màu sắc, thật nhiều bậc cha mẹ đứng dưới ô, vươn tay ôm cô công chúa nhỏ đang ngượng ngùng của mình vào lòng.
Tôi phóng to hình chụp, lại tiếp tục phóng to thêm, tìm kiếm Trịnh Ninh Ninh.
Căn cứ theo trí nhớ, vị trí của cô bé hẳn là... ôi chao?
Đứng ở nơi đó là một người phụ nữ mặc áo mưa màu đen.
Cô ấy đứng trong góc, cả người đều là màu đen, bức ảnh bị nhòe nên tôi không thấy rõ mặt. Vị trí lẽ ra là chỗ của Trịnh Ninh Ninh bị một người phụ nữ xa lạ thay thế, thì ra trí nhớ tôi không chính xác như mình nghĩ, nhưng tôi cũng không dám tin tưởng vào ảnh chụp, đành khóa lại điện thoại rồi đặt ở bên người.
Cô ấy là ai vậy?
Mẹ Trịnh Ninh Ninh đã mất từ lâu rồi, còn người phụ nữ xa lạ này là ai đây? Ngày đó Trịnh Ninh Ninh đang làm gì thế? Tôi hoàn toàn không thể nhớ được.
—
Chú thích:
(2) Tháp Babel: là một huyền thoại trong sách Sáng Thế (chương 11, đoạn 1-9), nội dung giải thích về sự bất đồng ngôn ngữ của các dân tộc. Câu chuyện về tháp Babel cùng với thành ngữ "tiếng nói bất đồng tại Babylon" chỉ vỏn vẹn có 9 dòng, nhưng là một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất của Cựu Ước.
Theo huyền thoại, các thế hệ loài người sau trận đại hồng thủy vẫn nói cùng một thứ ngôn ngữ và di cư về phía tây, đến vùng đất Shinar. Ở đó họ cùng nhau dựng lên một thành phố và một tòa tháp thật cao tên là Babel để chạm tới thiên đường. Đứa Chúa đã tạo ra rào cản trong tiếng nói của họ khiến họ không còn hiểu được lẫn nhau, đành phải chấm dứt việc xây tháp và tản mát đi khắp thế giới.
(4) "Gieo mặt trời" là bài hát thiếu nhi rất phổ biến bên Trung, nội dung về mong muốn một cuộc sống ấm áp hạnh phúc, và hy vọng toàn thế giới cũng tràn đầy ánh sáng và niềm vui như vậy.
https://youtu.be/RdnqX_LYvlM
---
Truyện được đăng duy nhất tại wattpad và wordpress, và thường xuyên được chỉnh sửa lỗi:
https://truyen247.pro/tac-gia/amocbinhphuong
https://amocx2.wordpress.com
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro